Tất cả vì miền Nam ruột thịt

vnapotalky-1587823631-8.jpg

LỜI NÓI ĐẦU

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đưa đến non song gấm vóc, đất nước liền một dải. Làm nên thắng lợi đó có sự đóng góp to lớn của quân dân miền Bắc khi trở thành nền, thành gốc cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Ròng rã hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, miền Bắc Xã hội chủ nghĩa trong vai trò hậu phương lớn luôn “thắt lưng, buộc bụng,” sẵn sàng chia lửa, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng cung cấp đến những dòng vật chất cuối cùng để chở sức mạnh hậu phương ra chiến trường, vì một miền Nam thành đồng,“đi trước, về sau.”

Nhân kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975–30/4/2020), Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu chùm 3 bài viết với chủ đề:“Tất cả vì miền Nam ruột thịt.”

Dốc toàn lực cho tiền tuyến

“Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”… đã khởi lên những phong trào thi đua khắp miền Bắc khi đế quốc Mỹ leo thang và mở rộng chiến tranh phá hoại ra hậu phương lớn Xã hội chủ nghĩa còn chế độ Sài Gòn tiếp tục những tội ác man rợ với đồng bào Nam bộ.

Từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, khí thế hăng say lao động, sản xuất đã trở thành một cao trào lôi cuốn hàng triệu phụ nữ, nông dân, công nhân, bác sỹ trên toàn miền Bắc tham gia. Cũng theo đó, nguồn nhân lực, vật lực bất chấp bom đạn của kẻ thù đã băng ngàn, vượt bể kịp thời chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

Từ “Quê hương người gái đảm”

Tượng đài Phụ nữ Ba đảm đang ở Quốc lộ 32, đoạn tại trung tâm Thị trấn Phùng, hướng nhìn thẳng về phía Thủ đô Hà Nội, thể hiện một phụ nữ tư thế hiên ngang, vai đeo súng, tay bồng con, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu, xây dựng hậu phương vững chắc cho tiền tuyến yên tâm đánh giặc. Tượng đài cũng là hiện thân cho lòng yêu nước, khát vọng hòa bình của phụ nữ Đan Phượng nói riêng và hàng triệu phụ nữ cả nước nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

“Thời kỳ đó, làm bất cứ một phong trào gì mà vất vả, chúng tôi đều gọi đó là ‘Ba đảm đang.’”

Nhớ như in ngày khánh thành công trình tượng đài vào năm 2009 cũng như nguồn gốc, ý nghĩa của tượng đài, bà Lê Thị Quýnh (nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, nơi khởi đầu của phong trào “Ba đảm đang”) chia sẻ lý do vì sao lại có phong trào “Ba đảm đang”? Là vì cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang bước vào giai đoạn ác liệt, khắp miền Bắc đang phát động hàng loạt phong trào thi đua lao động, sản xuất để xây dựng hậu phương vững mạnh và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Lúc đó, thanh niên đã có “Ba sẵn sàng” nhưng phụ nữ chưa có phong trào gì để tập trung lực lượng, góp sức bảo vệ Tổ quốc.

Học sinh trường cấp  III Yên Hòa, Hà Nội đăng ký phong trào “Ba đảm nhiệm”, sau này là phong  trào phụ nữ “Ba đảm đang.” (Ảnh: Thanh Tụng/TTXVN)
Học sinh trường cấp III Yên Hòa, Hà Nội đăng ký phong trào “Ba đảm nhiệm”, sau này là phong trào phụ nữ “Ba đảm đang.” (Ảnh: Thanh Tụng/TTXVN)

Tháng 3/1965, Hội Liên hiệp Phụ nữ Đan Phượng đã đề xuất với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” với quyết tâm xây dựng hậu phương vững chắc, tiếp thêm sức mạnh động viên chồng con vững bước ra trận diệt thù. Phong trào có các nội dung: Đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay cho nam giới đi chiến đấu; Đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. Được sự đồng ý, ngày 8/3/1965, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đan Phượng phát động phong trào tại Trường cấp II xã Đan Phượng.

“Khi ấy, tôi mới 23 tuổi, một nách nuôi hai con nhỏ và mẹ già, ông ấy đi thanh niên xung phong, nên vất vả lắm. Sau khi các xã nghe phát động phong trào về, tôi bắt tay cùng chị em triển khai ngay. Thời kỳ đó, làm bất cứ một phong trào gì mà vất vả, chúng tôi đều gọi đó là ‘Ba đảm đang.’

Bác Hồ đã sửa tên ‘Ba đảm nhiệm’ thành ‘Ba đảm đang.’

Như xã Trung Châu không có ruộng, chúng tôi phát động chị em làm bèo hoa dâu, làm phân xanh, tăng gia sản xuất đảm bảo lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến. Chị em còn tổ chức đắp một con đường chống tràn từ Vân Thủy về Vân Môn gọi là ‘Con đường ba đảm đang.’ Chị em ngày đi sản xuất, đêm về tập luyện dân quân. Chị em nào có chồng đi B lâu ngày, chúng tôi còn tập trung đến giúp làm cỏ, an ủi, đùm bọc,” bà Quýnh nhớ lại.

“Sau này, Bác Hồ đã sửa tên ‘Ba đảm nhiệm’ thành ‘Ba đảm đang.’ Cũng từ đây, phụ nữ Đan Phượng vinh dự được nhân dân cả nước biết đến là “quê hương người gái đảm,” bà Quýnh tự hào kể.

Đến làn gió mới trong lao động, sản xuất

Khởi nguồn từ Đan Phượng, chỉ trong thời gian ngắn, phong trào “như diều gặp gió” lan rộng toàn miền Bắc. Sau hơn hai tháng thực hiện, đến tháng 5/1965, toàn miền Bắc đã có hơn 1,7 triệu phụ nữ đăng ký thực hiện các nội dung của “Ba đảm đang.” Làn gió mới thúc đẩy thi đua lao động, sản xuất, bảo vệ quê hương trong giới nữ đã được các chị em ở khắp nơi hưởng ứng, thực hiện theo cách riêng của mình.

Phụ nữ nông thôn tăng gia sản xuất, tích cực áp dụng các biện pháp khoa học để tăng diện tích và sản lượng lúa, chăn nuôi theo kỹ thuật mới. Chị em khối công nhân viên chức thực hiện nhiều phong trào thi đua sôi nổi như “Ngày thứ Bảy năng suất cao,” “Luyện tay nghề thi thợ giỏi.” Nhiều sáng kiến có giá trị của các chị được ứng dụng trong sản xuất…

(Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
(Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Nhớ lại những năm tháng đó, bà Phương Kim Dung, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội, nguyên cán bộ Quân dược công tác tại Xí nghiệp Dược phẩm 6/1 thuộc Viện Bào chế, Cục Quân y- Bộ Quốc phòng cho hay khí thế thi đua của phong trào sôi nổi, rộng khắp trong các phân xưởng, toàn thể chị em trong xí nghiệp đều nhiệt tình hưởng ứng.

“Chị em ở xí nghiệp có đặc thù là vừa sản xuất các loại dược phẩm thiết yếu vừa sản xuất thuốc chiến thương phục vụ các chiến trường với nhiều loại thuốc như: Thuốc tiêm, thuốc viên, thuốc nước, đặc biệt là các loại như Penecilin, Moocphin, Steptomicin, Atrophin… vừa trực tiếp tham gia trực chiến, tham gia bảo vệ xí nghiệp, vừa chăm sóc, nuôi dạy con cái vì nhiều người có chồng là bộ đội đi chiến trường”, bà Phương Kim Dung kể lại.

đến tháng 5/1965, toàn miền Bắc đã có hơn 1,7 triệu phụ nữ đăng ký thực hiện các nội dung của “Ba đảm đang.”

Theo bà Phương Kim Dung, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, Mỹ đã mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Đặc biệt là trong 12 ngày đêm từ 18 đến 29/12/1972, máy bay B-52 của Mỹ bắn phá ác liệt, quyết đưa Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố “về thời kỳ đồ đá.”

Xí nghiệp nơi bà làm việc nằm cạnh Bến phà Đen, Nhà máy Xay Lương Yên, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Bệnh viện Quân y 108 nên là một trong những trọng điểm rải bom của máy bay Mỹ. Tiểu đoàn tự vệ của Xí nghiệp đã phối hợp với các đơn vị phòng không để bảo vệ Xí nghiệp, bảo vệ vùng trời Thủ đô. Theo sự phân công, ca nào sản xuất, chị em vẫn có mặt sản xuất, pha chế, đóng gói thuốc, chuyển dược phẩm, thuốc men ra chiến trường, ca nào trực chiến thì bám trận địa.

Trong giai đoạn chiến tranh phá  hoại lần thứ nhất của Mỹ, năng lực sản xuất ở một số ngành công nghiệp  vẫn được giữ vững, bảo đảm những nhu cầu thiết yếu nhất cho chiến đấu,  sản xuất và đời sống. Trong ảnh: Công nhân trong Nhà máy  Dệt 8/3 đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất. (Ảnh: Tư liệu  TTXVN)
Trong giai đoạn chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ, năng lực sản xuất ở một số ngành công nghiệp vẫn được giữ vững, bảo đảm những nhu cầu thiết yếu nhất cho chiến đấu, sản xuất và đời sống. Trong ảnh: Công nhân trong Nhà máy Dệt 8/3 đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

“Không khí lao động khẩn trương nhưng đảm bảo nghiêm ngặt về yêu cầu và điều kiện vệ sinh vô trùng của sản xuất thuốc, điều này đã giảm đau đớn cho thương, bệnh binh cũng như góp phần vào chiến thắng ngày 30/4/1975,” bà Phương Kim Dung xúc động nói.

Sẽ là không đủ nếu chỉ nhớ đến hậu phương lớn với “Ba đảm đang”! Suốt chiều dài chiến tranh, từ những năm 1960 đến 1975, khắp miền Bắc dấy lên các phong trào thi đua lao động, sản xuất với khí thế sôi nổi.

Như Thủ đô Hà Nội khởi lên Thanh niên “Ba sẵn sàng,” phụ nữ “Ba đảm đang,” nông dân “Tay cày tay súng,” công nhân “Tay búa tay súng,” học sinh làm “Nghìn việc tốt chống Mỹ”… Tỉnh Thái Bình lại ghi bảng vàng 5 tấn đánh dấu mốc lịch sử về năng suất lúa của miền Bắc. “Thóc thừa cân, quân vượt mức” của Thái Bình đã cổ vũ tinh thần nhân dân cả nước thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu, đánh đuổi đế quốc Mỹ, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Từ những năm 1960 đến 1975, khắp miền Bắc dấy lên các phong trào thi đua lao động, sản xuất với khí thế sôi nổi.

Cuối năm 1972, hơn 2 vạn thanh niên miền Bắc đã tham gia thanh niên xung phong, bổ sung cho lực lượng đảm bảo giao thông. Họ cùng với các lực lượng khác lập nên nhiều thành tích trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông: Chỉ trong 24 giờ sau khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc vào đầu năm 1973, tuyến đường bộ và toàn bộ cầu phà trên tuyến đường 1A đã được khai thông từ Hà Nội đến Vĩnh Linh; 3 ngày sau, trên tuyến đường sắt Hà Nội – Vinh, ô tô ray đã kéo 10 tấn hàng đến ga Vinh an toàn.

“Tất cả vì miền Nam ruột thịt” đã trở thành một cao trào sôi nổi, lôi cuốn hàng triệu người tham gia. Và “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã trở thành tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, trở thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí kiên cường của hầu hết thanh niên miền Bắc./.

Tháng 5/1964, phong trào thanh  niên “Ba sẵn sàng” (Sẵn sàng chiến đấu; Sẵn sàng nhập ngũ; Sẵn sàng đi  bất cứ nơi nào Tổ quốc cần), xuất phát từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội,  đã trở thành một cuộc vận động có sức lôi cuốn mạnh mẽ, rộng khắp của  tuổi trẻ Thủ đô, sau đó trở thành phong trào sâu rộng của tuổi trẻ miền  Bắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ,  cứu nước. (Ảnh: TTXVN0
Tháng 5/1964, phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” (Sẵn sàng chiến đấu; Sẵn sàng nhập ngũ; Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc cần), xuất phát từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã trở thành một cuộc vận động có sức lôi cuốn mạnh mẽ, rộng khắp của tuổi trẻ Thủ đô, sau đó trở thành phong trào sâu rộng của tuổi trẻ miền Bắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh: TTXVN0

Sống mãi ký ức hào hùng

Tháng Tư lịch sử, bao nhiêu ký ức, kỷ niệm về Ngày giải phóng miền Nam lại xếp lớp dày đặc trong tâm trí những người khoác lên mình bộ quân phục màu xanh, nhận lấy danh xưng người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Chiến tranh lùi xa đã bốn mươi lăm năm kể từ ngày 30/4/1975, song mỗi vết thương trên người họ, mỗi hình ảnh về những đoàn quân ra trận, những lần đi qua lằn ranh mỏng manh của sự sống và cái chết trong các trận đánh đều là minh chứng sống động về một thời gian khổ mà vinh quang.

Hướng về phương Nam

Xã Hòa Xá nằm ở phía Tây Nam của huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ, nay là thành phố Hà Nội. 55 năm trước, nơi đây là khởi nguồn của phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” với sức lan tỏa rộng rãi, cổ vũ kịp thời tinh thần đấu tranh của lớp lớp thanh niên cả nước lên đường tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chứng kiến khí thế sục sôi của những người lính trẻ vai khoác balô, tay mang theo “Chiếc gậy Trường Sơn” hành quân hướng về phương Nam trên tuyến lửa năm xưa là ông Phùng Văn Mạnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Xá- người từng tham gia các trận đánh trên chiến trường Đông Nam bộ trong Sư đoàn 5, Quân khu 7.

Phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” tạo ra sức lan tỏa rộng rãi, cổ vũ kịp thời tinh thần đấu tranh của lớp lớp thanh niên cả nước lên đường tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Mở chuyện về ý nghĩa, khởi nguồn của phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn,” người lính năm xưa cho biết từ giữa những năm 60 của thế kỷ trước, đế quốc Mỹ tăng cường lực lượng tấn công miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại hậu phương miền Bắc. Với tinh thần cả nước là một chiến trường, thanh niên, học sinh, sinh viên ở miền Bắc ngoài việc học tập và phục vụ xây dựng hậu phương lớn Xã hội chủ nghĩa, đã cháy bỏng nguyện vọng lên đường chi viện cho miền Nam đánh Mỹ.

Cũng thời điểm này, xã Hòa Xá đã có sáng kiến thành lập phân đội dự bị để sẵn sàng lên đường nhập ngũ, vào Nam chiến đấu. Xã rà soát kỹ lực lượng thanh niên và tổ chức rèn luyện bằng cách để họ hành quân, đeo ba lô nặng. Trong những buổi tập luyện, người Hòa Xá có sáng kiến làm cây gậy chống để chặng đường hành quân đỡ mệt. Năm 1966, ba người con của Hòa Xá là Đỗ Tít, Lưu Long, Phùng Quán trên đường hành quân vào miền Nam, gặp đồng đội chuẩn bị ra miền Bắc đã gửi về quê hương ba chiếc gậy Trường Sơn nhằm báo tin cho gia đình yên tâm.

Món quà “Chiếc gậy Trường Sơn” tặng trai làng nhập ngũ ở huyện Văn Giang, Hưng Yên, năm 1967. (Nguồn: Tung tâm Lưu trữ quốc gia IV - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước)
Món quà “Chiếc gậy Trường Sơn” tặng trai làng nhập ngũ ở huyện Văn Giang, Hưng Yên, năm 1967. (Nguồn: Tung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước)

“Những chiếc gậy đó đã mòn vẹt chỗ tay cầm, trên thân gậy khắc ghi những dòng chữ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.” Phía đầu gậy có chữ nhỏ hơn “Trường Sơn 1/4/1967,” phía cuối gậy khắc những cái tên của từng người lính cùng chữ “Hòa Bình” là nơi đóng quân,” ông Phùng Văn Mạnh hồi nhớ.

Nhận được kỷ vật là những chiếc gậy từ Trường Sơn gửi ra, cùng với sự kiện Đoàn cán bộ tỉnh Nam Hà (cũ) đến thăm xã, gửi tặng một chiếc nhẫn làm từ xác máy bay giặc Mỹ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Xá đã nhân rộng thành phong trào “Trao gậy hành quân” và “Tặng nhẫn chung thủy.” Phụ lão trong xã đã cất công đi tìm những thân tre ngà thật đẹp, tỉ mỉ đẽo gọt làm gậy hành quân tặng con cháu trong ngày lên đường. Trên mỗi cây gậy đều khắc câu thơ: “Gậy này là gậy Trường Sơn/Của trai Hòa Xá lên đường tòng quân.”

“Những chiếc gậy đó đã mòn vẹt chỗ tay cầm, trên thân gậy khắc ghi những dòng chữ ‘Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.’”

Với những chàng trai nhập ngũ đã có người yêu, Hội Phụ nữ xã phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức tặng “Nhẫn chung thủy trọn nghĩa vẹn tình” được kỳ công mài giũa từ xác máy bay giặc. Những người mẹ của chiến sỹ ra trận thành lập Hội mẹ chiến sỹ may cờ, thêu dòng chữ “Ra đi là chiến thắng” gửi tặng thanh niên.

“Từ việc rèn quân, tặng gậy, quê hương Hòa Xá nhận được gậy bộ đội của làng gửi về, năm 1967, nhạc sỹ Phạm Tuyên đã sáng tác ca khúc “Chiếc gậy Trường Sơn.” Hòa Xá bỗng trở nên nổi tiếng khắp các tỉnh, thành miền Bắc bởi một sáng kiến độc đáo về tổ chức phong trào động viên, huấn luyện tân binh sẵn sàng lên đường vượt Trường Sơn vào tuyến lửa. Năm 1973, lực lượng vũ trang nhân dân xã Hòa Xá được tuyên dương là Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân,” ông Phùng Văn Mạnh nhớ lại.

Tiến về Sài Gòn

Như lời hiệu triệu, phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” đã góp phần thôi thúc thanh niên Hòa Xá cũng như trên toàn miền Bắc tòng quân khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt. Hơn 1,5 triệu thanh niên miền Bắc đã gia nhập quân đội trong tổng số hơn 3 triệu người được huy động phục vụ cho chiến tranh, chiếm hơn 12% số dân miền Bắc. Miền Bắc có tới hơn 70% số hộ có người thân chiến đấu trên các chiến trường; trên đồng ruộng, phụ nữ chiếm hơn 63% số lao động trực tiếp, để nam giới đi đánh giặc, cứu nước.

Chào quê hương, các chàng trai Thủ đô vào chiến trường niềm Nam chiến đấu, năm 1971. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước)
Chào quê hương, các chàng trai Thủ đô vào chiến trường niềm Nam chiến đấu, năm 1971. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước)

Riêng thanh niên Hòa Xá, ngoài tình yêu Tổ quốc, tiếng gọi non sông, họ còn niềm tự hào, hãnh diện quê hương của “Chiếc gậy Trường Sơn.” Tình cảm đó giúp họ hướng ra tiền tuyến với một nghị lực phi thường, ý chí quyết chiến, quyết thắng không gì lay chuyển nổi. Như trường hợp ông Đỗ Ngọc Bình, một xạ thủ của Đại đội 16, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2.

Nói đến việc du kích xã Hòa Xá nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, người lính già bất chợt nhắm nghiền mắt lại. Những lời nói nghẹn nửa chừng xen những giọt nước mắt giàn giụa về ký ức một trưa hè ở mặt trận Quảng Trị. Hôm ấy, anh lính Đỗ Ngọc Bình được Đại đội trưởng gọi lên gặp rồi đặt vào tay tờ báo và bảo: “Cậu là người Hòa Xá đúng không. Đơn vị du kích Hòa Xá quê cậu được phong Anh hùng đấy!”. Lúc đó, người lính trẻ bật khóc. Những giọt nước xúc động, sung sướng và tự hào, hãnh diện.

“Tình cảm, niềm tự hào quê hương là động lực giúp người lính hăng hái, tiên phong hơn.”

“Tình cảm, niềm tự hào quê hương là động lực giúp người lính hăng hái, tiên phong hơn. Trước những trận đánh, sau khi đào xong công sự, tôi thường nằm nghe tiếng côn trùng rả rích. Lúc ấy, có biết bao nhiêu hình ảnh quê hương, gia đình, bạn bè, những kỷ niệm thân thương… Nhưng khi pháo hiệu tấn công vạch một đường sáng rực trên bầu trời, tất cả tan biến hết, trong tâm trí chỉ có duy nhất ý nghĩ là lao về phía trước nổ súng,” ông Đỗ Ngọc Bình xúc động kể.

“Chiến tranh khó khăn, gian khổ, ác liệt lắm. Hôm nay xuất kích 47 tay súng nhưng ngày mai chỉ còn vài người. Có những lần, mình trong công sự, trên đầu là pháo, bom, đạn bắn như mưa, tiếng nổ đinh tai nhức óc. Địch bắn nhồi lên nhồi xuống. Lúc đó, chỉ duy nhất ý nghĩ là: Quả nào sẽ trúng mình đây? Nhưng lượt bắn qua đi, cùng với ý nghĩa “mình còn sống” là hiệu lệnh tấn công. Lúc đó, lại nhanh nhẹn xách súng lao ra khỏi công sự, hướng về phía trước,” ông Đỗ Ngọc Bình hồi nhớ.

Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh “huyền thoại” trong mưa bom, bão đạn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thế kỷ 20. (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)
Đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh “huyền thoại” trong mưa bom, bão đạn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thế kỷ 20. (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)

Nhắc đến những ngày tháng Tư năm 1975, tâm trí người xạ thủ già của Sư đoàn 304 miên man hình ảnh Quân đoàn 2 sau khi giải phóng Đà Nẵng, dàn thành hàng dọc dài dằng dặc trên Quốc lộ 1 hướng về mục tiêu cuối cùng là Dinh Độc Lập. Xe tăng, pháo binh, bộ binh nối nhau đi ầm ầm với khí thế “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa.” Là hình ảnh những đoàn xe tiến vào Sài Gòn sáng 30/4 và người lính trẻ Đỗ Ngọc Bình tay xách súng, đứng ở nội đô, trong đầu là ý nghĩ “Thắng rồi, đất nước thống nhất rồi!”

Người lính già lại khắc khoải thương nhớ những đồng đội, đồng ngũ, đồng chí năm xưa đã hy sinh ngay trước giờ hợp điểm tại Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.

“Họ đã nằm xuống khi đánh chiếm cụm căn cứ Long Thành-Nước Trong, căn cứ hải quân Cát Lái, chi khu Long Bình, Tổng kho Long Bình, pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất, diệt các ổ đề kháng…”, ông Đỗ Ngọc Bình xúc động nói./.

Non sông một dải

Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, chế độ Ngụy quyền Sài Gòn trong cơn hấp hối vẫn bấu víu vào một niềm tin, dù mong manh, rằng: Có thể Hà Nội sẽ chấp nhận đàm phán, thương lượng về một chế độ quá độ vì “Hà Nội chưa chắc đã có một bộ máy hành chính để quản lý toàn quốc.”

Nhưng trái lại, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với 5 cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn bằng những bước chân thần tốc, táo bạo, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới, quyết chiến đã giành lấy toàn thắng. Miền Nam được giải phóng, non sông một dải, Sài Gòn được giữ gần như nguyên vẹn và ta nhanh chóng tiếp quản thành phố. Cuộc sống ở đây cũng sớm khôi phục và ổn định ngay sau trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Căn hộ chung cư của một cao ốc nằm trên phố Láng Hạ, Hà Nội, là nơi vợ chồng Đại tá Nguyễn Quý, nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật – Bộ Tư lệnh Công binh (Bộ Quốc phòng) sống điền viên tuổi già.

Từ Bắc đến chí Nam, rợp một màu cờ đỏ sao vàng. Cả quân và dân đều như say trong niềm vui đại thắng. Một không khí hào hùng và sôi động nhất trong lịch sử dân tộc.

Người ta thường nhớ đến vị đại tá năm nay đã 88 tuổi này là một trong những người đặt nền móng cho các công trình cho Trường Sa rồi nhà giàn DK1 đầu tiên trên biển, từ DK1/1 đến DK1/16 liên tục trong những năm 1988 đến 1996. Họ nhớ đến ông với những chuyến hành quân từ Tân Cảng Sài Gòn, Bà Rịa–Vũng Tàu… ra tiền đồn cắm mốc chủ quyền Tổ quốc nơi khu vực Tư Chính, Phúc Tần, Ba Kè để tạo thế chân kiềng trên vùng biển rộng lớn của Tổ quốc. Nhưng ít người biết rằng, Đại tá Nguyễn Quý có một gia tài khác trong cuộc đời binh nghiệp, đó là ký ức về những ngày đầu tiếp quản Sài Gòn sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Những ngày đặc biệt 45 năm trước ấy, như lời Đại tá Nguyễn Quý nói, là đẹp nhất cuộc đời của ông. Từ Bắc đến chí Nam, rợp một màu cờ đỏ sao vàng. Cả quân và dân đều như say trong niềm vui đại thắng. Một không khí hào hùng và sôi động nhất trong lịch sử dân tộc.

Nhân dân Sài Gòn ra đường đón chào quân Giải phóng, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)
Nhân dân Sài Gòn ra đường đón chào quân Giải phóng, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)

“Có một kỷ niệm không bao giờ quên là hai chiếc xe vận tải quân sự loại Zil 130 chở đoàn của Binh chủng Công binh vừa đi quá Văn Điển một đoạn thì xe của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi đến, giữ lại. Đại tướng kiểm tra xem chúng tôi đi như thế nào. Thấy xe không đủ ghế, anh em phải ngồi bệt xuống sàn xe, Đại tướng liền nói: “Không được! Ta vào Sài Gòn là tư cách người chiến thắng. Tới nơi, bà con sẽ nhìn vào. Người chiến thắng vào tiếp quản phải đàng hoàng. Các cậu đi như thế này là mất tư thế.” Rồi ông yêu cầu chúng tôi quay xe lại và cho gắn thêm hai chiếc ghế băng vào xe cho anh em ngồi,” ông Nguyễn Quý xúc động nhớ lại.

Mang theo công lệnh đặc biệt, đoàn cán bộ, chiến sỹ Binh chủng Công binh được Ủy ban Quân quản nhanh chóng cho vào Sài Gòn. Vào đến nơi, Sài Gòn trước mắt họ là một thành phố không có cảnh hoang tàn, đổ nát của một đô thị sau cuộc chiến. Sài Gòn được giữ gần như nguyên vẹn. Thành phố không có tình trạng cướp bóc, hôi của.

Người dân đón chào Quân giải phóng như đón những người con xa trở về sau bao năm dài xa cách.

Người dân đón chào Quân giải phóng như đón những người con xa trở về sau bao năm dài xa cách. Họ cũng chứng kiến nhân dân tham gia đắc lực vào việc gìn giữ trật tự trong thành phố với gần 4 triệu người khi chính quyền cách mạng chưa kịp tổ chức, khi mà bất kỳ lúc nào, ở đâu các phần tử lợi dụng “đục nước, béo cò” đều có thể có cơ hội đập phá nhà công, cướp bóc nhà tư, trả thù, trả oán cá nhân hay tuyệt vọng làm càn.

Dưới sức mạnh của nhân dân, thành phố vẫn bình yên, nguyên vẹn sau một chiến dịch lớn, mọi sinh hoạt của người dân vẫn bình thường, cuộc sống dần dần ổn định.

“Chế độ Sài Gòn sụp đổ để lại một khối lượng vũ khí trang bị, cơ sở vật chất rất lớn. Chỉ đạo xuyên suốt từ trên xuống là chậm một ngày tiếp quản, thiệt hại sẽ vô cùng nên công tác tiếp quản khẩn trương lắm. Tinh thần là ngành nào tiếp quản ngành đó, binh chủng nào tiếp quản binh chủng đó, quân chủng nào tiếp quản quân chủng ấy. Chúng tôi vừa tiếp quản vừa tìm hiểu thông tin các căn cứ, kho hàng, nhà kho liên quan đến công binh và tiến hành niêm phong, bảo quản. Đến cuối năm 1975, công tác kiểm kê, phân loại, bàn giao cơ sở vật chất doanh trại, kho tàng, trang bị, vũ khí đạn dược mới hoàn tất,” ông Nguyễn Quý kể.

Quân giải phóng làm chủ Cảng Bạch Đằng thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy. (Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN)
Quân giải phóng làm chủ Cảng Bạch Đằng thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy. (Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN)

Ngược lại những ngày lịch sử cũng thấy, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, lực lượng vũ trang Sài Gòn-Gia Định gần như ngay lập tức chuyển sang thực hiện nhiệm vụ quân quản, bảo vệ thành quả cách mạng, khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng, tổ chức lại quân đội tương thích với điều kiện thời bình.

Ủy ban Quân quản làm Lễ ra mắt đồng bào thành phố, bắt tay thực hiện các nhiệm vụ, trong đó có công tác tiếp nhận trình diện và cải huấn sỹ quan, binh lính, nhân viên trong bộ máy ngụy quyền với gần 440.000 người đã ra đăng ký trình diện. Không kể một số ít có nợ máu phải tập trung cải huấn dài ngày, đại đa số được học tập trong thời gian ngắn rồi trở về địa phương.

Đối với những phần tử ngoan cố không ra trình diện, sống lẩn lút, móc nối tìm cách chống phá cách mạng bằng nhiều thủ đoạn hoặc ngấm ngầm hoặc công khai, Ủy ban Quân quản đã chỉ đạo các lực lượng vũ trang tổ chức truy quét, trấn áp, phá nhiều vụ án chống phá cách mạng của các phe nhóm phản động, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn địa bàn trong những tháng sau chiến tranh.

Chúng ta đã chuẩn bị giải phóng miền Nam bằng tất cả sức mạnh quân sự, chính trị, ngoại giao và tính toán đến vấn đề xây dựng miền Nam sau khi giải phóng.

Nói về việc tiếp quản Sài Gòn, đặc biệt là giai đoạn những ngày đầu giải phóng, Thượng tướng, Viện sỹ, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng- người từng chỉ huy một mũi tấn công vào Sài Gòn trong những ngày tháng Tư năm 1975 nhấn mạnh: Chúng ta đã chuẩn bị giải phóng miền Nam bằng tất cả sức mạnh quân sự, chính trị, ngoại giao và tính toán đến vấn đề xây dựng miền Nam sau khi giải phóng. Việc nhanh chóng hiệp thương hai miền để thống nhất đất nước cũng là biểu hiện tầm chiến lược của Đảng, Nhà nước.

Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, khi chúng ta đánh vào Sài Gòn, do cách đánh của chúng ta, do nghệ thuật chiến tranh của chúng ta nên chúng ta đã giữ được Sài Gòn gần như nguyên vẹn, không để thành phố rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát của một đô thị sau cuộc chiến.

“Sau giải phóng, quân đội ta cũng nhanh chóng củng cố cơ sở cách mạng, ổn định được trận địa lòng dân, tạo nên sự đoàn kết quân với dân. Đây có lẽ là điều kiện vô cùng quan trọng, thậm chí là quan trọng nhất bởi không có nhân dân, chúng ta không bao giờ thành công. Chỉ có nhân dân giúp đỡ mới được có được tất cả, mới giúp chúng ta làm nên chiến thắng,” Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khẳng định./.