Đại dịch COVID-19

Khi số người chết ở Mỹ ngày càng gia tăng do đại dịch COVID-19, một bệnh nhân khi được lắp máy thở tại một trong những đơn nguyên chăm sóc đặc biệt đang bị quá tải ở thành phố New York đã đặt ra cho người y tá chăm sóc câu hỏi: “Ai sẽ là người chi trả cho việc này?”

Đó là những lời cuối cùng mà bệnh nhân nói với đội ngũ y bác sỹ chăm sóc mình, theo lời kể của Derrick Smith, y tá gây mê tại một bệnh viện ở thành phố New York trên trang Facebook tuần qua: “Đau xé tâm can khi chứng kiến người bệnh đang hấp hối nói ra những lời cuối cùng trong đời mà vẫn phải lo lắng về việc chi trả viện phí.”

Ở quốc gia giàu có nhất thế giới, đại dịch COVID-19 đã vạch trần vấn đề cốt lõi của một hệ thống chăm sóc sức khỏe mà về mặt cấu trúc vốn không đủ khả năng đối phó với đại dịch.

“Đau xé tâm can khi chứng kiến người bệnh đang hấp hối nói ra những lời cuối cùng trong đời mà vẫn phải lo lắng về việc chi trả viện phí.”

Chính phủ liên bang và địa phương, các nhà bảo hiểm và các chủ lao động đều đã cam kết giúp đỡ người dân Mỹ chi trả các phí tổn để vượt qua cuộc khủng hoảng này, nhưng để làm được điều đó đòi hỏi phải có một cuộc đại tu mạnh mẽ hệ thống y tế mà hàng thập kỷ nay đã đặt phí tổn lên trên sự chăm sóc.

Adam Gaffney, một bác sỹ thuộc đơn nguyên chăm sóc đặc biệt ở Boston cho biết: “Dịch bệnh này đã cho thấy rõ, vào bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ ai trong số chúng ta cũng có thể bị bệnh, phải nhập viện, phải dùng máy thở. Và ở Mỹ, điều đó có thể đồng nghĩa với những khoản viện phí khủng khiếp.”

Gaffney là chủ tịch hội Bác sỹ vì kế hoạch y tế quốc gia, một nhóm gồm hơn 20.000 chuyên gia và nhân viên y tế ủng hộ bảo hiểm y tế toàn dân tại Mỹ. Các thành viên của hội này là những người trực tiếp chứng kiến những hậu quả của việc người dân phải đưa ra những quyết định y tế dựa trên chi phí.

Gaffney cho biết: “Tôi từng gặp những bệnh nhân nói với tôi rằng họ không dùng bình xịt định liều vì họ không đủ tiền mua thuốc. Tôi cũng từng gặp những người bệnh hàng năm trời không được được chăm sóc cơ bản vì họ không có bảo hiểm và rốt cuộc vẫn phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt.”

Trong năm 2018, Mỹ có 27,9 triệu người không có bảo hiểm y tế và con số này được cho là sẽ gia tăng hàng triệu người do tình trạng thất nghiệp ở mức cao kỷ lục. Trong khi đó, hiện tại, Mỹ hơn 737.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó gần 39.000 người chết, và con số thực tế sẽ còn cao hơn nhiều.

Chính phủ Mỹ và các hãng bảo hiểm cho biết họ đang gánh vác chi phí xét  nghiệm và điều trị COVID-19, nhưng lo ngại rằng những khoản phí khủng khiếp và những sự phức tạp trong hệ thống sẽ để lại những câu hỏi không lời giải đáp về việc liệu người dân thậm chí có tìm đến hệ thống chăm sóc sức khỏe hay không, chứ chưa nói tới việc thoát khỏi trách nhiệm chi trả khoản viện phí khổng lồ sau đó hàng tuần hay hàng tháng.

Đơn nguyên chăm sóc đặc biệt tại trung tâm y tế St Vincent ở Los Angeles. (Nguồn: AP)
Đơn nguyên chăm sóc đặc biệt tại trung tâm y tế St Vincent ở Los Angeles. (Nguồn: AP)

Chi phí xét nghiệm và điều trị phụ thuộc vào tình trạng bảo hiểm của từng bệnh nhân, phương thức bảo hiểm của họ và liệu họ có sống sót hay không. Chẳng hạn, một công ty chi trả bảo hiểm y tế cho nhân viên có thể quyết định không gánh vác chi phí điều trị cho một nhân viên nào đó, ngay cả nếu công ty bảo hiểm mà họ đang mua đã nói rằng sẽ miễn trừ các khoản chi trả có liên quan tới COVID-19.

Ngay cả việc đơn giản là vượt qua bản năng đặt câu hỏi về chi phí điều trị của người Mỹ cũng là một rào cản trong cuộc chiến chống đại dịch.

Từ năm 2006 đến nay, mỗi năm có trung bình 30% người dân Mỹ trì hoãn các biện pháp điều trị y tế các loại vì lý do chi phí, theo thông tin từ công ty thăm dò Gallup. Trong thời gian đó, trung bình mỗi năm có 19% người Mỹ trì hoãn việc điều trị các bệnh lý nghiêm trọng, theo báo cáo tháng 12/2019 của Gallup.

Ngày càng có nhiều người Mỹ sợ trả tiền điều trị nếu họ mắc bệnh nặng (40%) hơn cả sợ mắc bệnh nặng (33%), theo kết quả thăm dò năm 2018 của Đại học Chicago và Viện y tế West.

Gaffney chia sẻ: “Thật khó có thể chống lại một đại dịch nếu người dân sợ phải gặp bác sỹ, sợ phải đi cấp cứu. Điều đó có thể đồng nghĩa với việc một số người không được xét nghiệm, hay một số người trì hoãn việc chăm sóc sức khỏe và có thể gây hại tới sức khỏe của chính họ.”

Các phòng khám đóng cửa và tình trạng mất việc

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đang trở nên trầm trọng hơn do tình trạng đặt lợi nhuận lên trên con người hiện đang tồn tại trong hệ thống. Các nhân viên y tế đang phải nghỉ việc hay thậm chí mất việc vì đại dịch – trong đó có cả những người ở tuyến đầu chống dịch – khi các chủ lao động tìm cách cắt giảm chi phí.

Alteon Health, một công ty tư nhân điều hành khoảng 1.700 bác sỹ y khoa và các bác sỹ khác, cho biết họ sẽ ngừng chi trả phúc lợi, trong đó có nghỉ phép có lương, theo thông tin trên trang web y tế STAT.

Trong khi chi phí khám chữa bệnh tại các đơn nguyên chăm sóc đặc biệt và các phòng cấp cứu đang ở mức cao kỷ lục, thì các dịch vụ chăm sóc sức khỏe không cấp thiết lại cắt giảm lợi nhuận của hệ thống y tế.

“Thật khó có thể chống lại một đại dịch nếu người dân sợ phải gặp bác sỹ, sợ phải đi cấp cứu” – bác sỹ Gaffney chia sẻ.

Khi không có các hoạt động điều trị lợi nhuận cao như vật lý trị liệu, phẫu thuật thẩm mỹ hay chỉnh hình, hệ thống y tế đang phải oằn mình trả lương và gánh vác chi phí hành chính.

Học viện bác sỹ gia đình Mỹ dự đoán 60.000 cơ sở khám chữa bệnh gia đình sẽ đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô hoạt động vào tháng 6 và 800.000 nhân viên của họ sẽ bị sa thải, cho nghỉ việc hay giảm giờ làm.

Và ở hành lang các bệnh viện trên toàn quốc, các nhân viên y tế không chỉ cực kỳ cảnh giác với những cơn ho khan hay sốt, mà lương và trang thiết bị làm việc của họ cũng phụ thuộc vào tiền bạc.

Một nhân viên cấp cứu bên ngoài bệnh viện Đại học New York Langone, thành phố New York. (Nguồn: Getty Images)
Một nhân viên cấp cứu bên ngoài bệnh viện Đại học New York Langone, thành phố New York. (Nguồn: Getty Images)

Joe Maginn, một y tá phòng cấp cứu tại Madison, Wisconsin, cho biết: “Ngân sách vẫn luôn là vấn đề quan trọng nhất và điều này giờ đây đặt chúng tôi vào tình cảnh phải thật thận trọng không được lãng phí tiền bạc.”

Maginn và vợ của ông, vốn cũng là một nhân viên chăm sóc sức khỏe, đang rất lo ngại về chi phí chăm sóc sức khỏe cho chính họ.

“Nếu chúng tôi bị bệnh và phải nhập viện, thì đó sẽ là thiệt hại về tài chính không chỉ đối với khoản bảo hiểm và các chi phí liên quan, mà còn đối với kế sinh nhai vì chúng tôi sẽ không thể tiếp tục làm việc,” Maginn chia sẻ. “Đó là thiệt hại kép mà những nhân viên y tế hiện nay phải đối mặt.”

Hợp đồng bảo hiểm y tế của ông, trong đó bao gồm cả 3 người con, có mức chi trả hàng năm là 5.000 USD, cộng thêm số tiền họ đã dành riêng cho các chi phí phát sinh đột ngột, được gửi vào một tài khoản miễn thuế.

“Chúng tôi làm việc cho bệnh viện, lẽ ra chúng tôi phải dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhất, nhưng thật không may, đó không phải là cách thức vận hành của hệ thống y tế Mỹ.”

Quốc hội Mỹ đã phân bổ 100 tỷ USD để hỗ trợ cho các bệnh viện. Ngày 10/4, Nhà Trắng cho biết các bệnh viện được nhận trợ cấp không được phép sử dụng hai cách tính viện phí thông dụng: tính viện phí cho người không có bảo hiểm hoặc tính viện phí cho người bệnh được chăm sóc bởi một bác sỹ ở tại bệnh viện nhưng không trực tiếp do bệnh viện tuyển dụng.

Giống như các khía cạnh khác trong phản ứng của chính phủ, vẫn còn đó những câu hỏi về việc số tiền này sẽ phát huy hiệu quả đến mức nào trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và liệu có kịp thời đến tay các bệnh viện để cứu vãn việc làm và các phòng khám hay không.

Gánh nặng tài chính trên vai những người ở tuyến đầu

Sự gián đoạn lớn này đối với hệ thống y tế Mỹ có thể khiến các y tá và bác sỹ mất việc. Mặt khác, đã có những dấu hiệu cảnh báo sớm rằng các công ty bảo hiểm có thể không phải chịu thiệt hại.

“Chúng ta sẽ phải chờ xem công chúng sẽ đòi hỏi điều gì từ các quan chức trong bộ máy công quyền để phản ứng trước tình hình đại dịch.”

Các công ty bảo hiểm không chỉ có vốn để đối mặt với cuộc khủng hoảng, mà các nhà phân tích cũng đã dự đoán rằng các công ty này có thể giảm nhẹ gánh nặng chi phí vì giờ đây số người tìm đến các dịch vụ chăm sóc y tế thường xuyên đang giảm.

David Blumenthal, chủ tịch Quỹ Thịnh vượng chung, một tổ chức tư vấn sức khỏe toàn cầu, cho biết những người được bảo hiểm hàng năm sẽ vẫn trả chi phí bảo hiểm, trong khi số lượng hồ sơ chi trả mà các công ty bảo hiểm phải xử lý lại giảm.

Một xe tải đông lạnh đỗ cạnh trung tâm y tế Wyckoff Heights ở thành phố New York. (Nguồn: Getty Images)
Một xe tải đông lạnh đỗ cạnh trung tâm y tế Wyckoff Heights ở thành phố New York. (Nguồn: Getty Images)

“Chúng ta sẽ tiếp tục trả phí bảo hiểm, vì biết rằng chúng ta có thể nhiễm virus, có thể phải vào phòng chăm sóc đặc biệt và phải trả hàng trăm nghìn USD nếu không có bảo hiểm,” Blumenthal phân tích. “Vì vậy chúng ta sẽ tiếp tục trả tiền, nhưng sẽ không đến bác sỹ trừ phi thực sự cần. Đó đều là tin tốt đối với  các công ty bảo hiểm.”

Đồng thời, 16 triệu người đã mất việc trong 3 tuần qua sẽ làm gia tăng gánh nặng đối với hệ thống y tế nếu họ cũng thuộc nhóm không được bảo hiểm hoặc sử dụng Medicaid – bảo hiểm y tế của chính phủ dành cho người thu nhập thấp.

Blumenthal cho biết cuộc khủng hoảng kinh tế cũng gây ra “hiệu ứng domino”, dẫn tới những hậu quả khác như tình trạng trầm cảm do mất thu nhập và suy dinh dưỡng, khiến người dân dễ mắc bệnh hơn.

Benjamin Sommers, giáo sư về chính sách y tế và kinh tế tại trường y tế công cộng Harvard TH Chan cho biết không có nhiều dấu hiệu cho thấy đại dịch đang thúc đẩy Chính quyền Trump nhìn lại hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Sommers phân tích: “Chúng ta sẽ phải chờ xem công chúng sẽ đòi hỏi điều gì từ các quan chức trong bộ máy công quyền để phản ứng trước tình hình đại dịch.”

Bác sỹ Gaffney quả quyết rằng cách thức chi trả cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe ở Mỹ đang làm trầm trọng thêm thiệt hại mà đại dịch gây ra. “Vào thời điểm tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và suy thoái sâu sắc, người dân sẽ mất đi các biện pháp bảo vệ và sẽ phải nhận hết hóa đơn viện phí này đến hóa đơn viện phí khác nếu ngã bệnh,” Gaffney nhận định. “Điều đó chẳng hợp lý chút nào.”