Phản ứng ‘đặc biệt xuất sắc’ của New Zealand

ttxvnnewze-1587027181-13.jpg

Theo Worldometers, tính đến chiều 16/4 theo giờ Việt Nam, New Zealand đã ghi nhận 1.401 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó có 9 ca tử vong và 770 người đã hồi phục.

Dưới đây là cảm nhận của Verena Friederike Hasel – một nhà văn Đức đang sinh sống tại Auckland, New Zealand về ảnh hưởng của triết lý giáo dục đối với việc áp dụng các biện pháp chống lại dịch bệnh COVID-19 tại nước này.

Corona chỉ là tên gọi của một loại bia khi gia đình tôi quyết định rằng 2020 sẽ là năm chúng tôi trở lại New Zealand. Tôi là một người Đức, sinh ra và lớn lên ở Berlin.

Hai năm trước, gia đình tôi đã ở New Zealand trong 6 tháng, trong một ngôi làng tại North Shore. Các con gái của chúng tôi đến trường học và nhà trẻ ở đó. Tôi là một nhà văn. Khi tôi thấy các con có những thay đổi rất tích cực, tôi đã bắt đầu đi thăm các trường học khác nhau.

Sau đó tôi đã viết cuốn sách với tên gọi “The Dancing Principal” (tạm dịch là “Cô hiệu trưởng hay khiêu vũ”), hiện tại cuốn sách đang được tái bản lần thứ 3 ở Đức. Trong cuốn sách, tôi đã nhấn mạnh đến những điều mà các nước khác có thể học hỏi được từ hệ thống giáo dục của New Zealand: hướng tiếp cận có tính hệ thống dựa trên nền tảng khoa học; tập trung vào các kỹ năng của thế kỷ 21; đề cao sự tử tế, cảm thông và sáng tạo; đặt ra các mục tiêu tham vọng đi kèm với một kế hoạch thực hiện rõ ràng để đạt được các mục tiêu đó.

Người cao tuổi đeo khẩu trang khi đi mua sắm tại một siêu thị ở Aachen, Đức. Nguồn: AP) 
Người cao tuổi đeo khẩu trang khi đi mua sắm tại một siêu thị ở Aachen, Đức. Nguồn: AP) 

Sau khi cuốn sách được xuất bản, tôi thường xuyên được mời nói chuyện về New Zealand trong các cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh và truyền hình ở Đức. Sau một thời gian, tôi đã rất nhớ Aotearoa. Cuối cùng, khi chúng tôi trở lại vào đầu năm 2020, tôi đã rất mong chờ được tham gia vào các hoạt động ngoài trời và sống trong một cộng đồng gắn kết. Nhưng điều mà tôi không ngờ tới đó là chúng tôi phải ở yên trong nhà, để thực hiện cách ly xã hội. Nhưng, trái lại, lệnh giới nghiêm lại càng làm tôi khâm phục hơn đối với đất nước New Zealand.

Nước Đức, quê hương tôi, đang được cộng đồng quốc tế khen ngợi vì những nỗ lực trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng mang tên corona. Thời báo New York Times thậm chí còn đăng bài viết ca ngợi và gọi nước Đức là một trường hợp ngoại lệ phi thường. Không giống như các quốc gia châu Âu khác, tỷ lệ tử vong trên số các ca nhiễm bệnh ở Đức khá thấp, phần lớn là nhờ hệ thống chăm sóc y tế có chất lượng tốt hơn, và các biện pháp xét nghiệm trên diện rộng.

Nhưng một cái nhìn cận cảnh hơn đã bộc lộ một bức tranh phức tạp hơn nhiều. Đọc các tin tức trên báo chí Đức và nói chuyện với bạn bè ở quê nhà, tôi đã cảm nhận được sự bối rối không hề nhỏ. Mọi người đang rất lo lắng bởi vì không biết được con đường phía trước sẽ như thế nào.

Khi đến đây, chúng tôi đã mong muốn sẽ được trải nghiệm một cuộc sống bình thường của người dân xứ sở Kiwi. Nhưng thực tế, những gì chúng tôi được chứng kiến đã diễn ra thật phi thường

Đức là một nước theo chế độ liên bang. Có 16 bang và mỗi bang lại có các quyết định riêng liên quan đến các vấn đề cụ thể như là đóng cửa trường học hay các biện pháp phong tỏa. Một số hoạt động được cho phép ở thành phố Berlin lại bị cấm ở Bavaria, một bang cách đó 500km về phía Nam. Nghiêm trọng hơn, một số tòa án địa phương còn ra phán quyết phủ nhận các quyết định do Chính phủ liên bang đưa ra.

Ngược lại, ở New Zealand, vào ngày 25/3, tôi đã bị giật mình khi điện thoại của tôi vang lên tiếng chuông giống như còi xe cấp cứu. Một tin nhắn hiện ra trên màn hình “Thông điệp này được gửi đến tất cả người dân trên lãnh thổ New Zealand, chúng ta phụ thuộc vào các bạn. Nơi mà bạn đang sống trong đêm nay, sẽ là nơi mà bạn bắt buộc phải ở lại.”

Nhân viên y tế làm việc tại một trạm xét nghiệm COVID-19 lưu động ở Auckland, New Zealand ngày 23/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế làm việc tại một trạm xét nghiệm COVID-19 lưu động ở Auckland, New Zealand ngày 23/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thực sự, đó là một thông điệp rõ ràng. Và cũng là một mục tiêu đầy tham vọng. Trong khi các quốc gia khác đang loay hoay làm thế nào để “làm phẳng đường cong,” New Zealand đặt mục tiêu quyết tâm xóa bỏ hoàn toàn virus. Khi đến đây, chúng tôi đã mong muốn sẽ được trải nghiệm một cuộc sống bình thường của người dân xứ sở Kiwi. Nhưng thực tế, những gì chúng tôi được chứng kiến đã diễn ra thật phi thường.

Theo dõi cuộc họp báo hằng ngày vào lúc 1 giờ chiều đã trở thành hoạt động cố định của gia đình chúng tôi. Chúng tôi đánh giá cao hướng tiếp cận hợp lý, dựa vào số liệu thực tế và dứt khoát của chính phủ New Zealand. Trong khi lãnh đạo các nước khác đưa ra những biện pháp đơn lẻ, rồi sau đó rút lại, thể hiện sự thiếu nhất quán, thì ngược lại, New Zealand đã thiết lập một hệ thống cảnh báo rất hiệu quả và dễ hiểu – đồng thời cho phép có sự linh hoạt.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Wellington, New Zealand, ngày 17/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Wellington, New Zealand, ngày 17/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tôi cũng khá bất ngờ khi các đảng đối lập đã rút lại hầu hết các động thái chỉ trích. Chính phủ dường như cũng vui vẻ ủng hộ những đề xuất của phe đối lập – thực tế được minh chứng khi thủ tướng Jacinda Ardern đưa ra các biện pháp cách ly bắt buộc đối với những người New Zealand trở về từ nước ngoài. Và tôi cũng đánh giá cao bà Thủ tướng khi dành sự quan tâm của bà đối với trẻ em trong bài phát biểu của mình, với khẳng định rằng thỏ Phục sinh cũng là lao động thiết yếu.

Mặc dù thỏ Phục sinh là một ngoại lệ, nhưng lệnh phong tỏa ở đây nghiêm khắc hơn rất nhiều so với ở Đức, nơi đã có 118.000 người bị nhiễm virus. Nhưng chỉ có 1/4 số người Đức phải làm việc tại nhà. Các hiệu sách và những cửa hàng bán đồ gia dụng tại Berlin vẫn mở cửa, và bạn bè kể với tôi rằng họ vẫn gặp gỡ, bởi vì các cuộc gặp giữa hai người với nhau vẫn được cho phép.

Các chính trị gia ở Đức vẫn muốn làm theo cách đi nước đôi: họ một mặt muốn làm phẳng đường cong, đồng thời vẫn muốn duy trì một số hình thái của đời sống xã hội. Hệ quả là người dân không nhận thức rõ mức độ nghiêm trọng của tất cả mọi vấn đề, và có xu hướng tạo ra các ngoại lệ.

Tôi không muốn phát xét những gì mà người dân Đức đang làm. Nhưng một điều đang làm tôi cảm thấy bối rối, đó là một dân tộc vốn nổi tiếng là có tính kỷ luật cao lại đang gặp khó khăn trong việc tuân thủ đối với một tình huống đặc biệt như hiện nay. Những thống kê cho thấy, mối nghi ngờ đang ngày càng lớn hơn đối với các biện pháp phong tỏa.

Cảnh vắng vẻ tại một quận trung tâm ở Wellington, New Zealand ngày 26/3/2020, sau khi Chính phủ New Zealand quyết định phong tỏa toàn bộ đất nước trong vòng 4 tuần. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh vắng vẻ tại một quận trung tâm ở Wellington, New Zealand ngày 26/3/2020, sau khi Chính phủ New Zealand quyết định phong tỏa toàn bộ đất nước trong vòng 4 tuần. (Ảnh: AFP/TTXVN)

“Cuộc sống liệu có còn ý nghĩa gì khi quyền tự do được sống đang bị tước đoạt khỏi chúng ta?,” một chính trị gia uy tín của phe đối lập mới đây vừa viết trên Twitter. Một số nhà báo tên tuổi của Đức cũng đang tấn công lệnh phong tỏa. Một người tranh luận rằng các biện pháp hạn chế đang đe dọa đến nền dân chủ. Một người khác thì nói rằng anh ta lúc này đang nhận ra thế nào là sống trong một chế độ độc tài. Và tôi băn khoăn tự hỏi: đây có phải là những lập luận là minh chứng cho một nền văn hóa tranh luận sinh động? Hay chúng cho thấy rằng cho người đang đặt những lợi ích cá nhân lên trên sức khỏe của cộng đồng?

Ở New Zealand, tôi hiếm khi nghe thấy lời than phiền từ bất kỳ ai. Điều đó khiến tôi liên tưởng đến một thí nghiệm tâm lý khá nổi tiếng, trong đó người tham gia được yêu cầu phải lựa chọn giữa sự thỏa mãn tức thời hoặc trong dài hạn. Dường như New Zealand đã quyết định trước tiên sẽ chiến đấu với corona rồi sau đó mới đi tắm biển – và tôi chắc chắn rằng hướng tiếp cận như vậy, cho đến thời điểm này, là có tính khả thi hơn. Nhưng tại sao người New Zealand có thể thích nghi được với lệnh phong tỏa trong khi người dân ở các nước phương Tây lại đang gặp vấn đề với nó?

Người dân mua hàng tại siêu thị ở Auckland, New Zealand ngày 28/2/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân mua hàng tại siêu thị ở Auckland, New Zealand ngày 28/2/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thực tế, là một quốc đảo ở vị trí địa lý tách biệt cùng với quy mô dân số khá nhỏ là một lợi thế của New Zealand trong cuộc chiến chống virus. Nhưng chứng kiến New Zealand trong thời gian phong tỏa, tôi liên tưởng đến nghiên cứu mà tôi đã thực hiện cho cuốn sách của mình. Những nguyên lý về giáo dục khi đó đã gây ấn tượng mạnh đối với tôi, lúc này cũng đang phát huy tác dụng. Mục tiêu tham vọng (xóa bỏ hoàn thay vì hạn chế sự lây lan của virus); và chiến lược rõ ràng để đạt được mục tiêu đó (hệ thống cảnh báo).

Hướng tiếp cận dựa trên khoa học (xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm). Những nỗ lực mang tính hệ thống (kiểm soát giá thuê nhà và thực phẩm).

Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, sự tử tế, cảm thông và sáng tạo. Người dân ở khu làng tôi sống đã để những con gấu bông ở trên cửa sổ, vì thế mà trẻ em trong lúc đi bộ có thể nhận ra chúng. Bà hiệu trưởng ở trường của chúng tôi vẫn giữ liên lạc với các bậc phụ huynh, thường xuyên gửi email, chia sẻ những câu chuyện cá nhân về trò chơi đi tìm kho báo ở nhà, và khuyên chúng tôi đừng nên quá nghiêm khắc với bản thân khi phải học tập tại nhà.

Có một khái niệm mà tôi chưa đưa vào cuốn sách của mình. Whanaungatanga. [Từ ngữ trong tiếng Maori, tên gọi của tộc người thổ dân của New Zealand]. Tầm quan trọng của sự gắn kết. Đây là một trong những giá trị được nhấn mạnh ở trường học của con gái tôi, nhưng tôi đã nhận thấy whanaungatanga ở tất cả các trường học mà tôi đã tới thăm: Các học sinh cùng dệt với nhau cho đến khi tạo ra được một tác phẩm nghệ thuật mang tính tập thể, hoặc cùng nhau đến một trại dưỡng lão để nhảy aerobic với người già.

Hai tuần trước lệnh phong tỏa, cô con gái 7 tuổi của tôi đã được học một cụm từ mới khi cả lớp cùng nhau hoàn thành xong một nhiệm vụ. Kotahitanga. [Từ ngữ trong tiếng Maori, tên gọi của tộc người thổ dân của New Zealand]. Đoàn kết. Và lúc này khi đất nước đang chiến đấu với dịch COVID-19, tôi nhận ra rằng whanaungatanga hay kotahitanga không chỉ là những con chữ thông thường. Những gì New Zealand đang làm vào lúc này cho thấy tinh thần đoàn kết đó đang hiện hữu.

Verena Friederike Hasel – một nhà văn đến từ Berlin.
Verena Friederike Hasel – một nhà văn đến từ Berlin.

Các quốc gia khác giống như nước tôi đang trải qua một cuộc khủng hoảng về sự đối lập giữa chủ nghĩa cá nhân và những nhu cầu của xã hội. Còn ở đây, thì hoàn toàn ngược lại, có một thực tế đang được chia sẻ, đó là một cá nhân chỉ có thể thoải mái khi mọi người trong cộng đồng đều an toàn.

Qua cái nhìn đầu tiên, corona dường như là một ví dụ về một vấn đề phức tạp: một câu hỏi hóc búa bởi vì có những lợi ích hợp pháp nhưng đồng thời cũng gây nên xung đột trong việc thực hiện. Sức khỏe của người dân hay hệ lụy đối với nền kinh tế cần được quan tâm hơn. Nhưng phản ứng của Chính phủ New Zealand cho thấy không cần thiết phải có những mặt đối lập. Bạn càng nghiêm túc trong việc chống lại virus, thì bạn càng có thể giúp phục hồi kinh tế nhanh hơn.

Tuần trước, tôi đã nói chuyện với người hàng xóm từ một khoảng cách an toàn. Tôi muốn nói với cô ấy rằng tôi đã rất khâm phục người New Zealand vì những phản ứng của họ đối với khủng hoảng. Cô ấy gật đầu và mau chóng chuyển sang chủ đề khác. Tôi tự nhủ rằng người Kiwi họ rất khiêm tốn. Họ không muốn được khen ngợi. Nhưng điều đó cần phải được thực hiện và lúc này tôi sẽ làm. Tuyệt vời. New Zealand. Các bạn hoàn toàn có thể tự hào./.

Một nhà hát phải đóng cửa do dịch COVID-19 tại Wellington, New Zealand ngày 22/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Một nhà hát phải đóng cửa do dịch COVID-19 tại Wellington, New Zealand ngày 22/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)