Cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Pháp

ttxvn1404ph-1586867300-99.jpg

Pháp bước vào ngày cuối cùng của tuần thứ tư thực hiện lệnh phong tỏa toàn quốc, trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tuy nhiên, cuộc chiến chống chủng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 còn lâu mới chấm dứt, mặc dù các số liệu vài ngày qua cho thấy tình hình bắt đầu có tiến triển khả quan.

Tổng thống Macron thông báo quyết định gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đến 11/5. Một thời hạn đủ dài để mọi người dân hiểu rằng sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều, nhưng cũng đủ ngắn để nhanh chóng bắt đầu việc lên kế hoạch chi tiết phục hồi kinh tế đất nước.

“Dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát,” Tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh trên truyền hình tối 13/4.

Trong bài phát biểu lần thứ tư trên truyền hình, rất được trông đợi và theo dõi kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Pháp, Tổng thống Macron thông báo quyết định gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đến 11/5. Một thời hạn đủ dài để mọi người dân hiểu rằng sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều, nhưng cũng đủ ngắn để nhanh chóng bắt đầu việc lên kế hoạch chi tiết phục hồi kinh tế đất nước.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Bagnolet, gần Paris, Pháp ngày 8/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Bagnolet, gần Paris, Pháp ngày 8/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Macron nhấn mạnh rằng nước Pháp “đang sống trong những ngày khó khăn.” Ông thừa nhận Pháp “rõ ràng đã không chuẩn bị đầy đủ” cho đại dịch COVID-19.

Tình trạng thiếu khẩu trang, đồ bảo hộ và gel rửa tay y tế đã và đang tiếp diễn. Một tháng phong tỏa vừa qua đã đánh dấu nỗ lực không ngừng của ngành y tế Pháp. Từ 5.000 giường hồi sức tích cực ban đầu, hiện Pháp đã có 14.000 giường, vì vậy không rơi vào cảnh phải chọn lựa bệnh nhân để đưa vào diện chăm sóc đặc biệt như nước Italy láng giềng.

Nỗ lực hợp tác đã đem đến thành công trong việc vận chuyển bệnh nhân nặng bằng các phương tiện đặc biệt như trực thăng quân sự, tàu hỏa cao tốc hay xe buýt liên tỉnh. Song ngành y tế vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Số người tử vong vì dịch bệnh tiếp tục tăng nhanh. Tính đến tối 13/4, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 14.967 người, trong đó có 9.588 người trong các bệnh viện, tức là tăng thêm 335 ca trong vòng 24 giờ. Số ca tử vong còn lại, 5.379 người, là ở các viện dưỡng lão và cơ sở y tế-xã hội khác.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong chuyến thăm bệnh viện dã chiến được thiết lập bên ngoài bệnh viện Emile Muller ở thành phố miền Đông Mulhouse, ngày 25/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong chuyến thăm bệnh viện dã chiến được thiết lập bên ngoài bệnh viện Emile Muller ở thành phố miền Đông Mulhouse, ngày 25/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, một tia hy vọng bắt đầu lóe lên, bởi vì 13/4 là ngày thứ tư liên tiếp kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Pháp, số bệnh nhân phải đưa vào hồi sức tích cực ít hơn so với hôm trước (24 người).

Như vậy là áp lực đối với hệ thống y tế đã giảm bớt chút ít, tạo cơ sở để giới chức y tế cho rằng Pháp “đang dần dần kìm hãm đà lây lan của dịch bệnh.”

Người dân Pháp vẫn luôn được kêu gọi hết sức thận trọng, tuân thủ nghiêm chỉnh lệnh phong tỏa và các biện pháp phòng ngừa, nhất là phải rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu một mét.

Tình hình hiện vẫn rất căng thẳng ở vùng thủ đô Île-de-France và vùng Grand-Est gần biên giới Đức, Đây là lý do tại sao lệnh phong tỏa phải được tiếp tục cho đến ngày 11/5, với các biện pháp nghiêm ngặt nhất.

Sau thời điểm đó, các trường học từ nhà trẻ đến trung học phổ thông sẽ dần được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, các trường đại học sẽ không hoạt động cho đến mùa Hè tới.

Một nhà hàng tại Paris, Pháp, đóng cửa ngày 15/3/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)
Một nhà hàng tại Paris, Pháp, đóng cửa ngày 15/3/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các địa điểm công cộng, nhà hàng, quán càphê, khách sạn, rạp chiếu phim và nhà hát cũng sẽ tiếp tục đóng cửa. Các lễ hội sẽ bị hoãn ít nhất đến giữa tháng 7.

Tổng thống Macron cũng thông báo việc xét nghiệm trên diện rộng sẽ được thực hiện trong những tuần tới, nhất là đối với nhân viên y tế, người cao tuổi và người có sức khỏe yếu.

Kể từ ngày 11/5, Pháp sẽ có thể điều trị cho tất cả những người có triệu chứng nhiễm chủng virus corona mới. Ngoài ra, mỗi người dân sẽ mua được khẩu trang bảo vệ, có thể sẽ bắt buộc phải dùng trong một số trường hợp nhất định như khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong chuyến thăm bệnh viện dã chiến được thiết lập bên ngoài bệnh viện Emile Muller ở thành phố miền Đông Mulhouse, ngày 25/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong chuyến thăm bệnh viện dã chiến được thiết lập bên ngoài bệnh viện Emile Muller ở thành phố miền Đông Mulhouse, ngày 25/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bên cạnh đó, một kế hoạch hỗ trợ đặc biệt dành cho sinh viên và trẻ em sống trong gia đình nghèo cũng được triển khai.

Tác động do COVID-19 gây ra càng lúc càng đè nặng lên nền kinh tế Pháp. Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire đã nêu khả năng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 6% cho cả năm 2020.

Trong bối cảnh này, Paris quyết định tăng khoản hỗ trợ kinh tế khẩn cấp lên 100 tỷ euro, thay vì 45 tỷ như kế hoạch ban đầu. Phần lớn gói hỗ trợ kinh tế được sử dụng để tránh cho các doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản.

Dự kiến 20 tỷ euro dành tài trợ để giữ lực lượng lao động theo chế độ “thất nghiệp một phần,” đồng thời hoãn thời hạn các doanh nghiệp phải nộp thuế và đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội.

Khoảng 7 tỷ euro tài trợ các bệnh viện đang phải đối đầu với COVID-19. Bên cạnh đó, Paris còn đứng ra bảo đảm đến 1.000 tỷ euro tín dụng ngân hàng cho các công ty nhỏ và rất nhỏ.

Hàng loạt pháp lệnh cũng nhanh chóng được ban hành nhằm đối phó với hậu quả kinh tế và xã hội của dịch bệnh. Quỹ đoàn kết trị giá 1,7 tỷ euro ra đời, trong đó 250 triệu euro do các vùng đóng góp và 200 triệu từ các công ty bảo hiểm.

 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Paris, Pháp ngày 7/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Paris, Pháp ngày 7/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Quỹ này sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp có ít hơn 10 nhân viên và có doanh thu hàng năm dưới 1 triệu euro, hiện đang phải tạm đóng cửa hoặc bị giảm doanh thu đến 50%.

Các doanh nghiệp thụ hưởng nhận được khoản viện trợ 1.500 euro vào đầu tháng Tư. Khoản tiền bổ sung 2.000 euro có thể được trả theo từng trường hợp cụ thể, cho những doanh nghiệp rất nhỏ có nguy cơ phá sản.

Họ cũng không bị cắt điện do chưa thanh toán hóa đơn và có thể trả muộn sau 6 tháng. Đối với tiền thuê trụ sở, các doanh nghiệp chậm thanh toán 2 tháng liên tiếp sau ngày công bố tình trạng y tế khẩn cấp cũng không bị phạt.

Tác động do COVID-19 gây ra càng lúc càng đè nặng lên nền kinh tế Pháp. Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire đã nêu khả năng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 6% cho cả năm 2020. 

Một công cụ hiệu quả khác giúp các công ty vượt qua cuộc khủng hoảng là nhà nước hỗ trợ bồi thường “thất nghiệp một phần,” lên tới 70% lương tháng trước thuế của mỗi lao động.

Bên cạnh đó, chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp bằng cách miễn thuế khoản tiền thưởng cho nhân viên tiếp tục làm việc trong thời gian dịch bệnh, vốn đã được áp dụng trong cuộc khủng hoảng “Áo vàng” mùa Đông 2018-2019.

Theo dự báo, thâm hụt ngân sách nhà nước của Pháp năm nay sẽ lên tới 7,6% GDP và nợ công sẽ tương đương với 112% GDP. Đổi lại, sẽ không một doanh nghiệp nào, bất kể quy mô lớn hay nhỏ, phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Sẽ không một công dân Pháp nào, phụ nữ hay nam giới, bị rơi vào cảnh mất nguồn sống.

Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 15/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 15/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngay từ bây giờ, nước Pháp phải chuẩn bị cho thời gian hậu dịch bệnh, “xây dựng lại nền kinh tế, giữ độc lập về tài chính, nông nghiệp, y tế và tự chủ chiến lược.”

Lời khẳng định của Tổng thống Macron chứng tỏ quyết tâm của Chính phủ Pháp, phát huy mọi nguồn lực nhằm xử lý cuộc khủng khoảng y tế, kinh tế và xã hội nặng nề nhất trong vòng 100 năm qua.

Với sự đoàn kết vì một mục tiêu chung, người dân Pháp đang tuân thủ những quy định nghiêm ngặt nhất từng được áp đặt trong thời bình. Ý chí và tinh thần Pháp, giúp người dân đứng vững trước khó khăn hiện nay, sẽ cho phép họ xây dựng thành công tương lai, như thông điệp hy vọng của Tổng thống Macron “sẽ có những ngày tốt đẹp hơn” và “sẽ thấy lại những ngày hạnh phúc”./.

Cảnh vắng vẻ tại các tuyến phố ở Paris, Pháp ngày 6/4/2020 khi lệnh phong tỏa toàn quốc do dịch COVID-19 được ban bố. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cảnh vắng vẻ tại các tuyến phố ở Paris, Pháp ngày 6/4/2020 khi lệnh phong tỏa toàn quốc do dịch COVID-19 được ban bố. (Ảnh: THX/TTXVN)