Tuyên chiến

1304fakenews-1586749624-63.jpg

Thế giới đang bị cuốn vào cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong nhiều thế kỷ – đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát không biên giới.

Tình trạng càng nghiêm trọng hơn khi các nước vừa phải gồng mình ngăn chặn virus SARS-CoV-2, vừa phải đương đầu với “dịch bệnh thời công nghệ” được đánh giá có sức lây lan và tàn phá nhiều khi còn nguy hiểm hơn SARS-CoV-2 – “virus” tin giả.

Thông tin thất thiệt, sai sự thật xung quanh dịch COVID-19 đã bùng phát mạnh trên mạng xã hội toàn cầu ngay từ lúc con người chưa đặt tên cho căn bệnh lạ này, và thực tế là “đi nhanh” hơn virus SARS-CoV-2.

Cảnh vắng lặng trên Quảng trường Đỏ ở Moskva, Nga trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng, ngày 27/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cảnh vắng lặng trên Quảng trường Đỏ ở Moskva, Nga trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng, ngày 27/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khi mới xuất hiện ở Trung Quốc, những thông tin kiểu “virus được chế tạo tại phòng thí nghiệm bí mật ở Vũ Hán” hay “lây nhiễm qua đường muỗi đốt và đồ ăn Trung Quốc”… đã xuất hiện khắp nơi, phần nào dẫn đến làn sóng kỳ thị người châu Á ở một số nước phương Tây.

Tiếp đó là những thông tin đồn thổi về số ca nhiễm và tử vong, kèm theo hình ảnh “xác người nằm la liệt trên phố,” rồi nơi này nơi kia đã có ca dương tính hay người thiệt mạng.

Các nước vừa phải gồng mình ngăn chặn virus SARS-CoV-2, vừa phải đương đầu với “dịch bệnh thời công nghệ” được đánh giá có sức lây lan và tàn phá nhiều khi còn nguy hiểm hơn SARS-CoV-2 – “virus” tin giả.

Tại Italy, giữa tháng 3 vừa qua, trên mạng xuất hiện bức ảnh những dãy quan tài dài lên tới cả trăm chiếc trong một căn phòng lớn với lời chú thích rằng đó là thi thể những người tử vong vì COVID-19 ở vùng tâm dịch Lombardia.

Tuy nhiên, thực tế bức ảnh được chụp từ tháng 10/2013 tại đảo Lampedusa, sau thảm kịch chìm tàu chở người di cư châu Phi ngoài khơi Italy.

Mới đây, cơ quan chức năng Việt Nam đã xử lý chủ tài khoản trang Facebook mang tên Nguyễn Sin vì tung tin “đã có người đầu tiên ở Việt Nam tử vong vì COVID-19.”

Chỉ sau khoảng một giờ, thông tin thất thiệt này trên trang Facebook Nguyễn Sin đã có hàng nghìn lượt bình luận và chia sẻ…

Một trường hợp thông tin giả về số lượng người bị nhiễm và chết liên quan đến việc nhiễm virus Corona được HAL Turner Radio Show đề cập. (Nguồn: HAL Turner Radio Show)
Một trường hợp thông tin giả về số lượng người bị nhiễm và chết liên quan đến việc nhiễm virus Corona được HAL Turner Radio Show đề cập. (Nguồn: HAL Turner Radio Show)

Những thông tin kiểu như vậy không chỉ làm gia tăng tâm lý sợ hãi, hoảng loạn trong cộng đồng mà còn cản trở công tác phòng chống dịch, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Một hình thức tin giả khác về COVID-19 cũng như “nấm sau mưa” là các biện pháp chữa trị hay phòng ngừa.

Hơn 300 người Iran đã tử vong, hơn 1.000 người phải nhập viện do ngộ độc rượu sau khi có thông tin trên mạng rằng uống rượu là phương pháp giúp phòng ngừa COVID-19.

Ở Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, hàng trăm “bài thuốc” thiếu cơ sở khoa học, thậm chí có hại cho sức khỏe đã được đưa lên mạng, từ dùng cây đinh hương tới uống nước tiểu và phân bò.

Hồi giữa tháng 2, khoảng 200 tín đồ Hindu giáo ở Ấn Độ đã tổ chức sự kiện uống nước tiểu bò ở thủ đô New Delhi vì tin rằng nó có thể chữa được COVID-19.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) nghe một bác sĩ trình bày về cách thức ứng phó với dịch bệnh viêm phổi do virus corona trong chuyến thăm Trung tâm y tế quốc gia ở Soeul ngày 28/1/2020. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) nghe một bác sĩ trình bày về cách thức ứng phó với dịch bệnh viêm phổi do virus corona trong chuyến thăm Trung tâm y tế quốc gia ở Soeul ngày 28/1/2020. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Tháng trước, Bộ Y tế Pháp đã phải đăng tuyên bố bác bỏ thông tin trên mạng rằng “cocaine có thể chữa COVID-19.”

Ở Việt Nam, đó là uống nước tỏi hay ăn trứng gà, cật dê… Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, chính những loại tin giả như vậy làm dịch bệnh diễn biến tồi tệ hơn bởi những lời khuyên xấu có thể thay đổi cách hành xử của mọi người, khiến họ đối mặt với nhiều nguy cơ lớn hơn.

Nghiên cứu phát hiện rằng việc giảm 10% số lời khuyên có hại được lan truyền sẽ giúp giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.

Nhiều người tung tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội để thu hút sự chú ý hay được nổi tiếng, có đối tượng thì muốn trục lợi, quảng cáo bán hàng, nhưng cũng không ít kẻ cố ý phao tin thất thiệt, bịa đặt với dụng ý xấu hòng kích động, lôi kéo người dân, thậm chí là chống phá chính quyền.

Thông tin chính phủ nước này hay nước kia “che giấu sự thật” về các ca nhiễm bệnh hay “không cứu chữa bệnh nhân” lan tràn.

Mới đây, một số thế lực xấu đã lợi dụng cắt ghép, chỉnh sửa đoạn video phát biểu của một quan chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng “hiện có 43.000 ca nhiễm và hơn 1.000 người tử vong” với dụng ý xuyên tạc, bôi nhọ chính quyền.

Các chuyên gia an ninh mạng quốc tế đã phát hiện hơn 4.000 trang thông tin giả mạo về COVID-19 do tin tặc lập ra nhằm đánh cắp thông tin cá nhân và đột nhập chiếm quyền kiểm soát các thiết bị người dùng sử dụng để truy cập.

Thông tin giả về COVID-19 đang tràn ngập trên mọi nền tảng xã hội phổ biến nhất hiện nay như Twitter, Facebook, YouTube…

Chuyên gia IT của Israel phân tích một nền tảng mạng xã hội để xác định người dùng giả, tại trung tâm ở Tel Aviv. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chuyên gia IT của Israel phân tích một nền tảng mạng xã hội để xác định người dùng giả, tại trung tâm ở Tel Aviv. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc điều tra do Bộ Ngoại giao Mỹ tiến hành cho thấy chỉ trong 3 tuần, từ ngày 20/1 đến 10/2, đã có khoảng 2 triệu mẩu tweet đăng trên Twitter tung tin thất thiệt, lan truyền các thuyết âm mưu, sai lệch về dịch bệnh COVID-19.

Điều này có nghĩa tới 7% trong tổng số các mẩu tweet có nội dung về COVID-19 trên Twitter là tin giả.

Thực trạng này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động, buộc chính phủ nhiều nước phải tuyên chiến với “đại dịch” tin giả bằng các biện pháp quyết liệt và mạnh mẽ.

Tại châu Á, có thể nói Singapore là một trong những quốc gia tiên phong kiểm soát việc lan truyền thông tin giả về COVID-19 bằng đạo luật Chống thông tin sai trái và thao túng trên mạng.

Luật quy định đối tượng có hành vi phát tán các thông tin sai sự thật có chứa nội dung cố ý gây hại tới lợi ích của công chúng sẽ phải đối mặt với án tù giam lên tới 10 năm.

Nhân viên y tế bệnh viện ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) giới thiệu trang mạng tư vấn trực tuyến sơ bộ về virus corona chủng mới (COVID-19) hỗ trợ người dân phòng ngừa và ngăn chặn khả năng lây lan của dịch bệnh, ngày 7/2/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế bệnh viện ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) giới thiệu trang mạng tư vấn trực tuyến sơ bộ về virus corona chủng mới (COVID-19) hỗ trợ người dân phòng ngừa và ngăn chặn khả năng lây lan của dịch bệnh, ngày 7/2/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chính phủ Thái Lan đã thành lập Trung tâm Chống tin giả để phối hợp với cảnh sát phát hiện, truy tìm và bắt giữ các đối tượng tung tin giả về COVID-19.

Việc phát tán tin giả vi phạm Điều 14 (2) của Luật Tội phạm mạng Thái Lan, trong đó quy định hành vi đăng tải hoặc chia sẻ thông tin không có căn cứ trên mạng Internet, gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, an toàn công cộng hoặc hoảng loạn cho công chúng, có thể bị phạt tiền lên đến 100.000 baht (hơn 3.200 USD) và/hoặc phạt tù lên đến 5 năm.

Tại Malaysia, quốc gia 2 năm trước đã hình sự hóa tội tung tin giả trên mạng, hồi cuối tháng 1, cảnh sát đã bắt giữ 6 đối tượng đăng tin sai sự thật về COVID-19 trên mạng xã hội.

Giới chức Malaysia coi hành vi tung thông tin sai lệch về nguồn gốc, quy mô và mức độ của dịch bệnh là mối đe dọa đối với an toàn công cộng.

Với nước láng giềng Indonesia, trong tháng qua, ít nhất 8 đối tượng đã bị cảnh sát bắt với cáo buộc vi phạm luật cấm phát tán thông tin sai lệch, có thể phải đối mặt với mức án phạt tù 6 năm.

Ngày 11/3/2020, Bộ Thông tin và Bộ Y tế Campuchia phối hợp Câu lạc bộ Nhà báo Campuchia tổ chức họp báo công bố “Tình hình dịch bệnh COVID-19 và tình trạng tin giả hiện nay” cho phóng viên các báo và giới truyền thông tại Campuchia. (Ảnh: Vũ Hùng/PV TTXVN)
Ngày 11/3/2020, Bộ Thông tin và Bộ Y tế Campuchia phối hợp Câu lạc bộ Nhà báo Campuchia tổ chức họp báo công bố “Tình hình dịch bệnh COVID-19 và tình trạng tin giả hiện nay” cho phóng viên các báo và giới truyền thông tại Campuchia. (Ảnh: Vũ Hùng/PV TTXVN)

Campuchia cũng tuyên chiến với nạn tin giả khi thông qua đạo luật riêng, theo đó bất cứ ai đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội hoặc trên các trang web có thể chịu án tù 2 năm và bị phạt tới 1.000 USD.

Trung Quốc khá mạnh tay trong việc kiểm soát thông tin giả liên quan tới dịch COVID-19. Theo Luật Hình sự nước này, hành vi bịa đặt thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh và lan truyền thông tin đó qua các phương tiện truyền thông, gây mất trật tự xã hội sẽ bị kết án tù 3-7 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng, giam giữ hình sự hoặc giám sát công cộng.

Tại Hàn Quốc, cơ quan chức năng cũng xử lý nghiêm hành vi phát tán tin giả về dịch bệnh sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố việc bịa đặt và phát tán thông tin sai lệch về dịch COVID-19 là “hành vi phạm tội nghiêm trọng.”

Riêng trong tháng 3, lực lượng an ninh Iran đã bắt giữ hàng chục đối tượng tung tin đồn trên mạng về dịch bệnh và cảnh cáo 118 người. Gần 70 đối tượng cũng bị bắt giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ vì tội danh tương tự.

Tại châu Âu, Nga là một trong những nước đi đầu chống tin giả về COVID-19. Đầu tháng Tư này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành các sửa đổi Đạo luật Vi phạm hành chính (CAO), theo đó sẽ phạt tiền tối đa 10 triệu rubble (tương đương khoảng 126.000 USD) các pháp nhân phát tán qua các phương tiện truyền thông hay Internet thông tin giả đe dọa tới tính mạng, kể cả dịch bệnh.

Nội dung thông tin sai sự thật về dịch COVID-19 đăng trên trang Facebook cá nhân của Lê Thị Mỹ Linh ở Bạc Liêu. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)
Nội dung thông tin sai sự thật về dịch COVID-19 đăng trên trang Facebook cá nhân của Lê Thị Mỹ Linh ở Bạc Liêu. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

Ngoài phạt tiền, những cá nhân phát tán tin giả có thể phải nhận án tù lên tới 5 năm. Ngay sau khi ban hành luật, Nga đã khởi tố hình sự vụ tin giả đầu tiên liên quan tới COVID-19.

Trong khi một số nước như Đức, Pháp đã thông qua luật chống tin giả trên mạng xã hội, thì Chính phủ Anh vừa thành lập “biệt đội kiểm soát thông tin sai lệch” nhằm xác định tin tức giả mạo về COVID-19 và yêu cầu các công ty truyền thông xã hội dỡ bỏ.

Chính phủ Mỹ đã đề nghị các công ty công nghệ phối hợp ngăn chặn những thông tin sai sự thật về COVID-19 trên mạng xã hội, sử dụng trí tuệ nhân tạo để sớm phát hiện và loại bỏ những thông tin này trước khi chúng được phát tán rộng rãi.

Nam Phi đã ban hành luật mới, theo đó người tung tin giả về dịch COVID-19 trên các phương tiện truyền thông có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù đến 6 tháng hoặc cả hai.

Trong cuộc chiến chống tin giả về COVID-19, không thể không nói tới vai trò hợp tác của các tập đoàn công nghệ như Microsoft Corp, Facebook, Google và Twitter, từ dỡ bỏ những thông tin giả mạo tới chia sẻ những thông tin chính thống.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lập riêng một tài khoản TikTok để phản bác tất cả những thông tin sai lệch về dịch bệnh COVID-19 và cung cấp cho thanh thiếu niên những thông tin xác thực.

Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội lập hồ sơ xử phạt 12,5 triệu đồng với chủ tài khoản là P.T (SN 1990; trú tại Nghĩa Tân, Cầu Giấy) đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. (Nguồn: TTXVN)
Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội lập hồ sơ xử phạt 12,5 triệu đồng với chủ tài khoản là P.T (SN 1990; trú tại Nghĩa Tân, Cầu Giấy) đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. (Nguồn: TTXVN)

Cuộc chiến chống tin giả liên quan tới COVID- 19 ở Việt Nam cũng đang diễn ra quyết liệt. Theo thống kê của Bộ Công an, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, trên không gian mạng Việt Nam đã có hơn 900.000 thông tin liên quan, trong đó rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, kích động về tình hình dịch bệnh.

Riêng trang Facebook của đối tượng Đ.N.Q (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội), người vừa bị xử lý hành vi đưa tin thất thiệt, đã đăng tải gần 300 bài tin bài với nội dung xuyên tạc về tình hình dịch ở Việt Nam.

Hơn 2 tháng qua, lực lượng chức năng Việt Nam đã xác minh, làm việc với gần 700 trường hợp đưa tin sai sự thật về COVID-19, xử phạt vi phạm hành chính hơn 140 người.

Theo Bộ Công an, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, trên không gian mạng Việt Nam đã có hơn 900.000 thông tin liên quan, trong đó rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, kích động về tình hình dịch bệnh.

Bên cạnh Luật An ninh mạng có hiệu lực 1 năm trước, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/4/2020, quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội.

Như hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, bịa đặt sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.

Cơ quan điều tra đọc Lệnh khởi tố bị can Đinh Vĩnh Sơn sinh năm 1993, trú tại xã Đạ Ploa, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng vì đưa  tin sai sự thật rằng Đà Lạt có 3 ca nhiễm COVID -19. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Cơ quan điều tra đọc Lệnh khởi tố bị can Đinh Vĩnh Sơn sinh năm 1993, trú tại xã Đạ Ploa, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng vì đưa  tin sai sự thật rằng Đà Lạt có 3 ca nhiễm COVID -19. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Công an tỉnh Lâm Đồng cũng vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một đối tượng về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đây là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam bị khởi tố hình sự vì đưa tin sai lệch về COVID-19.

Có thể nói cả thế giới đang trong “hai cuộc chiến” cùng một lúc: chống COVID-19 và chống tin giả về COVID-19. Diễn biến của dịch COVID-19 trên toàn cầu vẫn đang phức tạp, trong khi cuộc chiến với tin giả về COVID cũng khốc liệt không kém.

Cả hai cuộc chiến đều đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các chính phủ, tổ chức, hãng công nghệ… và quan trọng nhất là ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, để thế giới có thể vượt qua cả đại dịch COVID-19 lẫn đại dịch tin giả./.

Ca khúc chống tin giả do Thông tấn xã Việt Nam sản xuất được phát hành với 15 ngôn ngữ.
Ca khúc chống tin giả do Thông tấn xã Việt Nam sản xuất được phát hành với 15 ngôn ngữ.