‘Bật mí’ về chiến thắng đầu tiên

vnapotalco-1586573531-30.jpg

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Liên tiếp trong tháng ba, tháng 4, nhiều địa phương cũng có một số khu vực bị phong toả, cách ly vì dịch COVID-19 như tại Bình Thuận, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (Hà Nội) hay tại một số địa phương của tỉnh Hà Nam…

Chúng ta đang trong thời kỳ cách ly, giống với tình trạng mà người dân xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã trải qua hơn 1 tháng trước.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phụ trách Tổ công tác đặc biệt Ban chỉ đạo Quốc gia tại Vĩnh Phúc, để hiểu rõ hơn về những ngày nằm vùng cách ly.

Vừa qua, xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) được triển khai phong toả, cách ly trong vòng 21 ngày. Sau 20 ngày “nằm vùng” cách ly cùng với người dân xã Sơn Lôi, điều gì ông ấn tượng nhất ở đây?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Điều tôi thấy rất là ấn tượng là mặc dù trong tình trạng cách ly nhưng sinh hoạt của người dân Sơn Lôi vẫn diễn ra bình thường.

Thành viên Tổ công tác đặc biệt chống Covid-19 đo thân nhiệt người dân tại xã Sơn Lôi. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Thành viên Tổ công tác đặc biệt chống Covid-19 đo thân nhiệt người dân tại xã Sơn Lôi. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Khi chúng tôi vào các gia đình, chào hỏi bà con rất vui vẻ. Khi ra chợ tạm, người dân vẫn bán hàng và có nói chỉ bán cho người dân trong làng, thời điểm này không bán ra ngoài được.

Ở các chốt trạm cách ly, tất cả lực lượng đều tham gia từ quân đội, công an, y tế, các lực lượng khác và đặc biệt là trạm y tế.

30 tổ y tế hàng ngày làm một khối lượng công việc rất lớn, nhưng vẫn triển khai đều đặn hàng ngày, không có một ai kêu ca hay bỏ cuộc. Mọi người đều rất tích cực.

Trạm y tế Sơn Lôi có tổng cộng hơn 90 tình nguyên viên tham gia trong 30 tổ y tế đi giám sát, đo thân nhiệt hàng ngày, đi kiểm tra sức khỏe cho tất cả gần 10.000 người dân ở đây. (Toàn xã Sơn Lôi có hơn 10.000 người dân, nhưng thực tế tại địa phương có gần 10.000 người dân).

30 tổ y tế hàng ngày làm một khối lượng công việc rất lớn, nhưng vẫn triển khai đều đặn hàng ngày, không có một ai kêu ca hay bỏ cuộc. Mọi người đều rất tích cực.

Là người chịu trách nhiệm theo dõi công tác y tế tại địa bàn cách ly. Trong thời gian qua, tổ công tác đã làm những công việc gì?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Tổ của tôi thực hiện công việc theo những trường hợp người dân nào có dấu hiệu sốt, nghi ngờ sẽ thực hiện khám sàng lọc, đưa về khu vực cách ly, xét nghiệm xem có mắc bệnh không.

Thời điểm vừa qua, Bộ Y tế và tỉnh Vĩnh Phúc cùng phối hợp triển khai công việc tại Phòng khám đa khoa Quang Hà (với nhiều bác sỹ từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương…), tại trạm y tế, triển khai các phòng khám. Chúng tôi có được sự hỗ trợ đầy đủ, có trang bị máy chụp X-quang lưu động, máy siêu âm, máy điện tim, xét nghiệm đường huyết nhanh, monitor theo dõi bệnh nhân…

Trong 21 ngày  Sơn Lôi thực hiện phong toả và cách ly, bác sỹ ở đây đã khám gần 500 lượt bệnh nhân. Bên cạnh đó, có khoảng gần 100 lượt bệnh nhân đã được chuyển đi cấp cứu, khám ở Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên và bệnh viện tuyến trên.

– Ông có thể nói rõ hơn việc chuyển tuyến cho các bệnh nhân khó khăn như thế nào trong bối cảnh Sơn Lôi đang phong toả?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Việc chuyển đi này không hề đơn giản, nó phải được đảm bảo cả một quy trình làm sao cho việc cách ly người ở xã không tiếp xúc với bên ngoài. Bệnh nhân được chuyển bằng xe cứu thương, xe này có 2 ngăn: một ngăn lái xe và một ngăn riêng cho người bệnh.

Khi chuyển lên Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên chúng tôi và bệnh viện thiết kế riêng một khu 110 giường bệnh cách ly riêng, ra vào chặt chẽ để khám chữa bệnh và điều trị. Thời gian qua có khoảng gần 20 sản phụ sinh nở trong xã Sơn Lôi trong 20 ngày cách ly. Các sản phụ được các bác sỹ đỡ đẻ ngay tại khu cách ly của bệnh viện. Các bác sỹ bố trí bàn sinh, các trường hợp nào cần phẫu thuật thì bệnh viện đã bố trí một buồng mổ riêng cho các bệnh nhân ở xã Sơn Lôi.

Việc chuyển bệnh nhân không hề đơn giản, nó phải được đảm bảo cả một quy trình làm sao cho việc cách ly người ở xã không tiếp xúc với bên ngoài.

Với những bệnh nhân chạy thận cũng vậy, máy chạy thận cũng bố trí riêng, buồng riêng để đảm bảo rằng người dân Sơn Lôi khi chữa bệnh thông thường không phải ra khu vực chung nhằm tránh nguy cơ lây lan cho người khác, cho cộng đồng. Đây là những công việc hết sức kỳ công nhưng người dân Sơn Lôi rất hợp tác và yên tâm vì mọi dịch vụ y tế.

Ngoài ra, chúng tôi cùng với Trung tâm y tế mở cổng bảo hiểm y tế, tất cả các bệnh nhân khám chữa bệnh tại đây đều được Trung tâm y tế khám chữa bệnh bảo hiểm. Khi chuyển bệnh nhân mắc các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, các bệnh mãn tính, chăm sóc giảm nhẹ, thậm chí có bệnh nhân đến đợt phải đi lĩnh thuốc ở bệnh viện trung ương anh em phải đi lấy giúp. Ngoài ra, những hoạt động không trì hoãn được đã phục vụ ngay tại trạm.

Chợ xã Sơn Lôi nằm giáp giữa 2 thôn Ái Văn và Ngọc Bảo. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Chợ xã Sơn Lôi nằm giáp giữa 2 thôn Ái Văn và Ngọc Bảo. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Điều đó cho thấy, trong 20 ngày cách ly và phong toả, tất cả các dịch vụ y tế cho người dân tại xã Sơn Lôi được thực hiện ngay tại trạm y tế. Cá biệt, có trường hợp nào không thể phục vụ tại đây thì chuyển lên bệnh viện tuyến trên bằng xe chuyên dụng để cách ly và thực hiện đúng, nghiêm ngặt quy trình an toàn.

Đặc biệt, có 2 bệnh nhân chạy thận ở xã Sơn Lôi ở bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên và được thực hiện ở buồng riêng. Có 20 trường hợp sinh tại Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên được đưa bằng xe chuyên dụng.

– Ông có thể chia sẻ rõ hơn về sinh hoạt của tổ công tác trong khi nằm vùng tại nơi cách ly?

Trong 20 ngày cách ly và phong toả, tất cả các dịch vụ y tế cho người dân tại xã Sơn Lôi được thực hiện ngay tại trạm y tế.

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Ở đây chúng tôi có 2 nhóm: một là Tổ công tác của Bộ y tế, Ủy ban Nhân dân bố trí tại nhà ăn của huyện. Trưa có người nấu ăn cho tổ công tác.

Còn một số bác sỹ được tăng cường tại các bệnh viện hoặc tại các trạm y tế thì họ tự nấu ăn luôn tại trạm buổi tối nghỉ tại trạm. Hàng ngày họ trực ở đây 24/24 giờ.

– Sau 3 tuần cắm chốt tại Sơn Lôi, sau khi dỡ bỏ lệnh phong toả, cảm xúc của ông đọng lại là gì?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Thực sự đây là chuyến công tác rất dài, tôi thì thường đi công tác chỉ 1 tuần là về nhà, kể cả đi nước ngoài. Trong 10 năm nay, tôi chưa bao giờ đi lâu đến như vậy, đến 3 tuần. Ngày gặp lại sau khi Sơn Lôi được gỡ bỏ lệnh phong toả, anh em rất mừng. Mừng ở đây không chỉ là xa nhau lâu ngày gặp lại mà là mừng tổ công tác đã hoàn thành nhiệm vụ.

Chốt trạm kiểm tra dịch bệnh Covid – 19 tại các lối vào của xã Sơn Lôi. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Chốt trạm kiểm tra dịch bệnh Covid – 19 tại các lối vào của xã Sơn Lôi. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Khi bắt đầu về đây công tác, cắm chốt tại đây chúng tôi cũng xác định chưa biết là kết quả sẽ như thế nào, nguy cơ cũng có, gánh nặng công việc mình phải triển khai cũng có, những tình huống phức tạp cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, mình phải triển khai làm sao để phục vụ nhân dân tốt nhất công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe để người dân yên tâm. Đặc biệt, chúng tôi phải làm sao để phát hiện sớm nhất các trường hợp nghi ngờ để tránh lây lan, lây nhiễm trong cộng đồng.

Khi bắt đầu về đây công tác, cắm chốt tại đây chúng tôi cũng xác định chưa biết là kết quả sẽ như thế nào, nguy cơ cũng có, gánh nặng công việc mình phải triển khai cũng có, những tình huống phức tạp cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

– Với gia đình thì sao thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Tôi hay đi công tác xa, thường xuyên được ở nhà động viên. Yên tâm. Mọi việc ở nhà có bà xã lo rồi.

– Trong thời gian cách ly, có tình huống nào căng thẳng khiến ông phải lo lắng nhất?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Anh em ở tổ công tác lo nhất là ngày mà xét nghiệm bệnh nhân V., bố của cô D. cho kết quả dương tính.

Bệnh nhân V. đã được cách ly tập trung và ở cùng mấy người khác trong xã trong khu cách ly, vì vậy anh em rất căng thẳng, bởi trường hợp này lây tiếp ra thì một loạt các trường hợp khác rất đáng lo ngại.

Sau khi chúng tôi nhận được thông tin ông V. dương tính, xét nghiệm cho các bệnh nhân khác với kết quả không mắc bệnh, lúc đó chúng tôi mới thở phào bởi vì bệnh nhân này lây cho vài trường hợp khác dương tính nữa thì tình hình sẽ phức tạp hơn nữa.

Kiểm tra nhiệt độ cho người dân tại khu cách ly của Trạm y tế xã Sơn Lôi. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Kiểm tra nhiệt độ cho người dân tại khu cách ly của Trạm y tế xã Sơn Lôi. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Thứ nhất, các bệnh nhân tiếp xúc với ông V. dương tính thì chúng ta lại phải giám sát, lên danh sách những người đã tiếp xúc với các bệnh nhân kia, rồi cả gần 100 người đang được cách ly tập trung cũng bị ảnh hưởng…

Thứ hai là trong thời gian từ trước khi cách ly, rất nhiều nhân viên y tế của trạm, của Trung tâm y tế Bình Xuyên đã tiếp xúc với các trường hợp dương tính. Để cẩn thận chúng tôi cũng có triển khai xét nghiệm xem có nguy cơ mắc bệnh hay không của toàn thể hơn 20 người, rất may là hơn 20 người đều có kết quả âm tính.

Chúng tôi rất vui mừng 1 tuần điều trị bệnh nhân V. đã âm tính. Ban đầu, bệnh nhân V. có kết quả xét nghiệm dương tính với nồng độ virus rất cao, rất may sau vài ngày xét nghiệm lại âm tính. Bởi nồng độ virus cao thì nguy cơ lây lan bệnh cho người khác rất cao, nhất là nhân viên y tế.

– Ông nghĩ điều gì mừng nhất sau “chiến thắng” tại Sơn Lôi?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Điều mừng nhất là sau thời gian qua ở đây không phát hiện bất kỳ một trường hợp nhiễm COVID-19 mới nào. Mọi việc đều diễn ra suôn sẻ, bà con ở đây được chăm sóc sức khỏe tương đối đầy đủ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Kỹ thuật viên chuẩn bị chụp X quang cho bệnh nhân tại khu vực cách ly đặc biệt tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, huyện Bình Xuyên. (Ảnh Hoàng Hùng/TTXVN)
Kỹ thuật viên chuẩn bị chụp X quang cho bệnh nhân tại khu vực cách ly đặc biệt tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, huyện Bình Xuyên. (Ảnh Hoàng Hùng/TTXVN)