Cuộc chiến chống tin giả

gettyimage-1585988452-9.jpg

 Khi “bóng ma sợ hãi” làm lu mờ lý trí

Năm 2020, đại dịch COVID-19 như một cơn sóng thần quét mạnh qua phần lớn các quốc gia trên thế giới. Nhưng bên cạnh đó, một làn sóng ngầm khác mang tên “virus tin giả” (Fake News) cũng bùng lên dữ dội.

Trong cuộc chiến dai dẳng với tin giả, những người làm báo được đặt ở vị trí trung tâm, có nhiệm vụ điều chỉnh, đấu tranh với những thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận.

Cảm tính dẫn lối

6 giờ 30 phút, chuông báo thức reo vang, Phương Thảo (24 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mở điện thoại, truy cập một vài tờ báo chính thống để cập nhật số liệu ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam, diễn biến dịch bệnh trên thế giới từ những nguồn tin chính thức, tin cậy của cơ quan chức năng.

“Trong khoảng một tuần nay, đó là việc làm đầu tiên của tôi mỗi sáng thức dậy,” cô gái trẻ cho biết.

Giờ đây, thay vì hoảng loạn trước những tin đồn thất thiệt về dịch bệnh như giai đoạn dịch bệnh mới bùng phát, hàng ngày, Thảo tìm đọc những nguồn tin chính thống để cập nhật tình hình, sắp xếp thời gian làm việc tại nhà kết hợp với việc tập thể dục, đọc sách, nghe nhạc thư giãn…

“Việc này đã giúp tôi cân bằng cuộc sống, có được sự lạc quan và năng lượng tích cực, chủ động thực hiện những cách thức phòng, tránh dịch như khuyến cáo của Bộ Y tế. Tôi không chủ quan nhưng không còn cảm giác hoang mang, lo lắng, ám ảnh khi bị ngợp trong cả ‘rừng’ thông tin (cả giả và thật) về virus SARS-CoV-2 như trước nữa,” Phương Thảo nhớ lại.

Thảo thừa nhận trước đây, trong cơn hoảng loạn, cô từng ấn like (thích), share (chia sẻ) nhiều tin chưa được kiểm chứng. Khoảng giữa tháng Ba, khi thấy nhiều bạn bè lan truyền trên Facebook thông tin “phong tỏa” Hà Nội, Thảo không đắn đo, bình tĩnh suy nghĩ mà vội vã like, chia sẻ thông tin với các nhóm chat mà cô tham gia.

Thảo thừa nhận trước đây, trong cơn hoảng loạn, cô từng ấn like (thích), share (chia sẻ) nhiều tin chưa được kiểm chứng.

Không chỉ dừng lại ở đó, cô gái trẻ lập tức gọi điện thoại thông báo cho mẹ và đề nghị bà nhanh chóng mua tích trữ thức ăn. Trong những ngày sau đó, Thảo luôn sống trong cảm giác bồn chồn, lo âu với hàng loạt suy đoán vô căn cứ về cảnh sống ảm đạm, buồn tẻ về việc thiếu thốn các loại nhu yếu phẩm hàng ngày, tiếng còi xe cấp cứu vang vọng trên những con phố vắng tanh… Điều đó khiến cô cảm thấy vô cùng mệt mỏi, căng thẳng…

“Khi có quá nhiều bạn bè đồng loạt ‘like,’ ‘share’ thông tin đó, tôi cũng ‘like,’ ‘share’ như một phản xạ tự nhiên, không một chút lăn tăn, do dự. Đến khi báo chí đăng thông tin phản bác chuyện phong tỏa Hà Nội, trích dẫn ý kiến của lãnh đạo thành phố, tôi mới sực nhận ra mình đã bị Fake News dẫn dắt. Hành động ấn nút ‘like,’ ‘share’ một cách cảm tính đó đã góp phần tạo nên sự hoang mang cho bạn bè, gia đình giữa cơn đại dịch,” Phương Thảo kể.

Thời gian qua, cùng với sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng, “virus tin giả” cũng lan truyền với tốc độ chóng mặt trên không giang mạng, dẫn đến những cơn hoảng loạn tập thể và những hành động tiêu cực.

Nhiều người chắc hẳn không quên khi có thông tin chính thức về một bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Hà Nội vào tối 6/3, trong khi các cơ quan chức năng đang gồng mình triển khai phương án đối phó thì một cơn bão tin giả sầm sập kéo tới.

Cộng đồng mạng liên tục phát tán những thông tin thất thiệt liên quan đến bệnh nhân số 17 mắc COVID-19: “Ông taxi chở cô ấy đã vừ-a-dính rồi nhé! Ông ấy mới chỉ đưa khách đi từ Nội Bài về 7 địa phương khác nhau ngoài Hà Nội thôi mà,” “Làm gì có chuyện tự cách ly! Ôm mấy em Gucci về mà không lượn ba vòng Sheraton, bốn vòng Metropole thì tôi bé bằng con kiến”…

Trong khi đó, trên thực tế, bệnh nhân số 17 di chuyển bằng xe riêng của gia đình từ sân bay về nhà ở phố Trúc Bạch và tự cách ly tại nhà trước khi nhập viện điều trị COVID-19.

Cùng với đó, người dùng mạng xã hội liên tục đưa ra những đồn đoán, “dự báo” rằng khoảng một tuần sau (tính từ thời điểm xác định bệnh nhân số 17), Hà Nội sẽ “thất thủ,” các thành phố lớn sẽ mất kiểm soát trước sự lây lan của dịch bệnh.

Trước đó, vào cuối tháng Hai, mạng xã hội xôn xao thông tin một bệnh nhân nữ 27 tuổi nhập viện (Bệnh viện Nhân dân 115, Thành phố Hồ Chí Minh) vào ngày 25/2 với các biểu hiện ho, sốt, khó thở… Đến ngày 27/2, bệnh nhân qua đời. Bệnh viện tiến hành phong tỏa hai cổng, phun khử khuẩn.

Mặc dù không khẳng định bệnh nhân qua đời do mắc COVID-19 nhưng cách đưa thông tin về các triệu chứng của người bệnh, đặt nghi vấn “bệnh viện chưa cho nhận xác” và các biện pháp phòng dịch của bệnh viện… đã khiến dư luận không khỏi hoang mang.

Hậu quả của việc tung Fake News lên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)
Hậu quả của việc tung Fake News lên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Sau đó, lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân 115 đã phải lên tiếng phản bác thông tin thất thiệt. Cụ thể, đại diện đơn vị này khẳng định ngày 25/2, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng sốt, huyết áp tụt, khó thở… Sau quá trình khám, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm cơ tim cấp, hội chứng suy hô hấp tiến triển, suy đa phủ tạng.

Lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân 115 khẳng định người bệnh không có yếu tố dịch tễ học liên quan đến COVID-19 rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn tổ chức cách ly chuẩn theo quy định của Bộ Y tế, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Đến ngày 27/2, do tình trạng bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân đã tử vong. Kết quả xét nghiệm kết luận âm tính với virus gây COVID-19.

Làm gì khi “tin vịt” lên ngôi?

Tiến sỹ Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) cho rằng tin giả nhưng hậu quả thật! Việc đăng tải thông tin một cách mập mờ, sự lan truyền với tốc độ nhanh chóng của những thông tin thất thiệt, không được kiểm chứng chỉ sau một cú click chuột như vậy tác động xấu tới tâm lý xã hội, gây hoang dư luận.

“Gia đình của bệnh nhân xấu số đó không chỉ đau xót trước sự ra đi của người thân mà còn phải đối mặt với những đồn đoán, thái độ kỳ thị của không ít người về lý do tử vong của người bệnh; tất cả xuất phát từ những thông tin mập mờ trên mạng xã hội,” ông Dung bày tỏ.

Theo tiến sỹ Trần Bá Dung, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát hiện nay, các thông tin về bệnh nhân, diễn biến… luôn được cộng đồng quan tâm theo dõi. Đây là một trong những biện pháp quan trọng để chủ động phòng, chống sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

“Khi đối mặt với diễn biến khó lường của dịch bệnh, con người sẽ cảm thấy sợ. Đó là trạng thái tâm lý dễ hiểu. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta vội vã lan truyền, phát tán những thông tin chưa được kiểm chứng. Điều này sẽ gây tổn hại tinh thần cho cộng đồng, hoang mang dư luận,” ông Dung nói.

“Việc lan truyền, phát tán những thông tin chưa được kiểm chứng sẽ gây tổn hại cho cộng đồng.”

Đặc biệt, việc lợi dụng điều đó để đăng tải, lan truyền những thông tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận nhằm “câu view,” tăng lượng tương tác, phục vụ mục đích riêng là hành động cần lên án.

Riêng tại Hà Nội, Công an thành phố cho biết tính đến ngày 18/3, cơ quan này đã lập hồ sơ xử lý 53 trường hợp tung tin sai sự thật liên quan đến dịch COVID-19.

Trong bối cảnh tin giả liên quan đến dịch COVID-19 tràn lan, ông Trần Bá Dung cho rằng mỗi cá nhân cần bình tĩnh khi tiếp nhận thông tin, không chia sẻ, lan truyền thông tin bằng cảm tính mà bỏ qua việc kiểm chứng.

Bên cạnh đó, tiến sỹ Trần Bá Dung nhấn mạnh vai trò của báo chí, các kênh thông tin chính thống. Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) cho rằng trong thời gian qua, các cơ quan báo chí đã chủ động, tích cực bám sát tình hình để có những tuyến tin, bài, phóng sự phản ánh sinh động, toàn diện nỗ lực phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, thời gian tới, báo chí cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để định hướng dư luận, phản bác thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 31/3, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kỷ luật truyền thông phòng, chống dịch COVID-19.

Công văn nêu rõ, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, thời gian qua, Việt Nam đã kiểm soát tốt sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời hạn chế tối đa những thiệt hại do dịch bệnh gây ra và đạt được những thành công bước đầu, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận, đánh giá cao.

Hiện nay, công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn 3, có ý nghĩa quyết định, đòi hỏi sự chung tay, thực hiện quyết liệt của các cấp, ngành. Bởi vậy, công tác truyền thông cũng phải được quan tâm, đẩy mạnh.

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí của địa phương thông tin kịp thời, minh bạch, trong đó, chú trọng thông tin về các kết quả tích cực, các mô hình tốt, sự chung tay của cả cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh; chủ động thông tin về kết quả điều trị để tránh hoang mang trong xã hội.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần thông tin nhiều hơn về cách phòng tránh dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống lây chéo dịch bệnh trong cộng đồng; qua đó vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân, cộng đồng…./.

Những “người lính” 

trên tuyến đầu chiến đấu chống Fake News

Song song với cuộc chiến bền bỉ chống lại dịch COVID-19 còn có một cuộc chiến khác cũng không kém phần cam go và thử thách: Cuộc chiến chống lại những làn sóng tin giả. Trên mặt trận này, những người làm báo vừa xông pha vào “điểm nóng” đại dịch, vừa dùng chính những bức ảnh, video, bài viết của mình làm vũ khí chống Fake News.

Những “F1… chủ động” chạy đua với thời gian

Nguyễn Khánh hiện đang giữ vai trò phóng viên ảnh của báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh và cũng là một trong những người đã bám sát thông tin về dịch COVID-19 từ ngay những ngày đầu. Anh tự gọi mình và các đồng nghiệp đang làm nhiệm vụ là những “F1… chủ động.”

“Thời điểm đi cùng Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tới làm việc tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2, chúng tôi đã có cơ hội tiếp xúc với nhóm bệnh nhân dương tính với COVID-19. Chúng tôi có nói đùa với nhau: Bây giờ anh em mình đều là F1 hết nhưng là F1 chủ động,” Nguyễn Khánh giải thích.

Phóng viên ảnh Nguyễn Khánh - Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh tác nghiệp tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2. 
Phóng viên ảnh Nguyễn Khánh – Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh tác nghiệp tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2. 

Để có thể tiếp xúc, các phóng viên sẽ phải mang theo những bộ bảo hiểm y tế đặc biệt, đảm bảo an toàn khi tiếp cận, tác nghiệp ở cự ly cho phép.

“Lãnh đạo bệnh viện vào thời điểm đó cũng đặt ra vấn đề là nếu bây giờ chúng tôi đi [vào khu vực điều trị – PV] thì sẽ phải chấp nhận rủi ro và nguy hiểm. Không mất quá nhiều đắn đo, cả nhóm đã đồng ý,” phóng viên báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh nhớ lại.

Anh cho hay ban đầu khi tiếp cận với những người dương tính, anh cũng cảm thấy “hơi khớp.” Nhưng cảm giác ấy qua đi rất nhanh, Khánh bắt đầu bình tâm lại và tập trung vào công việc vì khoảng thời gian không nhiều. Anh chỉ có 20 phút để tác nghiệp trong toàn bộ khu vực.

“Gần như là chạy đua, chúng tôi không có khoảng trống để run sợ nữa. Nếu không chụp được những bức ảnh tốt nhất, bạn sẽ không còn nhiều cơ hội để quay lại lần thứ hai,” Khánh nói.

“Gần như là chạy đua, chúng tôi không có khoảng trống để run sợ nữa. Nếu không chụp được những bức ảnh tốt nhất, bạn sẽ không còn nhiều cơ hội để quay lại lần thứ hai.”

Phóng viên ảnh Phạm Ngọc Thành (Vnexpress) cũng đeo đuổi đưa tin về dịch COVID-19 ngay từ những ngày đầu. Anh là một trong số ít những phóng viên dám đi thẳng vào vào dịch Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2 để ghi lại những hình ảnh xác thực nhất nhằm chuyển tải tới độc giả.

Phóng viên ảnh Phạm Ngọc Thành - Báo điện tử VnExpress tác nghiệp tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2.
Phóng viên ảnh Phạm Ngọc Thành – Báo điện tử VnExpress tác nghiệp tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2.

Nhớ lại cảm giác khi tác nghiệp trong “điểm nóng” này, anh cho biết: “Hôm đó, tôi cũng hơi lo sợ, đúng như cảm giác lúc lấy tin trong vụ cháy xưởng ở Nhà máy Rạng Đông trước đó. Nhưng, cái sợ lớn nhất không phải là có thể bị nhiễm bệnh mà là lo gia đình, bạn bè bị ảnh hưởng.”

Cũng giống như đồng nghiệp Nguyễn Khánh, cảm giác ấy đã qua rất nhanh trước sức ép của công việc. Là một trong số ít phóng viên được vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2 tác nghiệp, Phạm Ngọc Thành phải chạy đua với thời gian một cách quyết liệt.

“Không có nhiều thời giờ để làm việc, tôi phải xác định ngay từ khi mặc bộ quần áo bảo hộ là vào đấy sẽ phải chụp cái gì, chụp góc như thế nào. Nỗi sợ hãi vì thế gần như không thể tồn tại,” anh nhớ lại.

Quy trình tác nghiệp dành cho các phóng viên mùa dịch cũng hết sức đặc biệt. Theo Phạm Ngọc Thành, để đi tác nghiệp, trước hết, anh sẽ cần nhận được sự đồng ý của cơ quan chủ quản.

“Sau đó, chúng tôi sẽ cần có một bộ trang bị bảo hộ thật tốt. Khi vào vùng dịch, các phóng viên phải được cấp thẻ. Toàn bộ đồ nghề cũng phải được phun khử trùng liên tục. Bên cạnh đó, bản thân chúng tôi cũng cần tự trang bị những kiến thức phòng, chống cơ bản,” anh nhấn mạnh.

“Bản thân tôi sau khi đi tác nghiệp tại các ổ dịch về đều hạn chế gặp mọi người,” phóng viên Nguyễn Khánh bổ sung thêm.

Một dòng tin giá trị hơn nghìn lời giải thích

Là lực lượng đang ngày đêm trực tiếp tác nghiệp tại các điểm nóng nhất của dịch COVID-19, những người cầm bút hơn ai hết ý thức được sự nguy hiểm của tin giả trong bối cảnh hiện nay.

Phóng viên Huy Khâm (Reuters) cho rằng nếu như mức độ nguy hiểm của dịch bệnh trong cộng đồng được đánh giá bằng chỉ số lây nhiễm thì hiểm họa tin giả lại để lại những di chứng khó lường hơn nhiều.

“Một thông tin sai sự thật có thể gây tâm lý tiêu cực trên diện rộng. Fake News thậm chí có thể làm đổ vỡ, tan hoang cả một cộng đồng lớn nếu không có sự kiểm soát và can thiệp kịp thời,” phóng viên ảnh của Reuters bày tỏ sự quan ngại.

Mức độ nguy hiểm của dịch bệnh trong cộng đồng được đánh giá bằng chỉ số lây nhiễm thì hiểm họa tin giả lại để lại những di chứng khó lường hơn nhiều.

Cùng có chung quan điểm, phóng viên Phạm Ngọc Thành cho rằng Fake News bùng phát có khả năng tác động tiêu cực lớn hơn nhiều lần so với bản chất của sự việc.

Tay máy thuộc Báo điện tử Vnexpress dẫn chứng: “Trước đây, có thông tin về một loại bưởi gây ung thư. Về sau, người ta cứ dùng hình ảnh này minh họa cho tất cả các bài viết về cây bưởi nói chung khiến cho nhiều độc giả cho rằng: Ăn bưởi Năm Roi cũng có nguy cơ tương tự.”

Một bệnh nhân nước ngoài dương tính với COVID-19 đang được điều trị tại Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Khánh/Báo Tuổi trẻ)
Một bệnh nhân nước ngoài dương tính với COVID-19 đang được điều trị tại Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Khánh/Báo Tuổi trẻ)

Anh cho rằng trong cuộc chiến chống lại tin giả, mỗi phóng viên cần phát huy hết vai trò đi đầu của mình. Bất kỳ một nhà báo nào cũng phải xác định nhiệm vụ cốt lõi là đưa tin và đính chính thông tin với dư luận. Thông tin càng chính xác thì càng tốt, càng giảm bớt Fake News.

Đồng tình với quan điểm trên, nhà báo Huy Khâm bổ sung: “Để đạt được hiệu quả, tôi cho rằng cần phải đề cao tính chuyên nghiệp khi tác nghiệp. Điển hình như đối với phóng viên ảnh, một thao tác bắt buộc ngoài bấm máy là phải xác minh để sản phẩm có tính chân thực nhất. Chẳng hạn, trong tình hình dịch bệnh, chúng ta nhìn thấy một đám tang không có nghĩa người mất đã mắc bệnh. Khâu xác minh vừa thể hiện tính chính xác của thông tin, góp phần đấu tranh chống tin giả; vừa thể hiện được trách nhiệm của người cầm bút với chính cộng đồng.”

Với quan điểm “một hình ảnh hơn vạn lời nói,” nhà báo Hoàng Mạnh Thắng (Báo điện tử Tiền phong) cho rằng đối với một phóng viên media ở tuyến đầu chống đại dịch tin giả cần tiếp cận các sự việc một cách chân thực nhất, qua đó đem tới cho độc giả những hình ảnh gần gũi, sinh động nhưng luôn phải đảm bảo tính thực tế.

(Ảnh: Nguyễn Khánh/Báo Tuổi trẻ)
(Ảnh: Nguyễn Khánh/Báo Tuổi trẻ)

“Theo tôi, mỗi người cầm bút cần có ý thức tự nâng cao kỹ năng để phân biệt tin thật – giả, có những nguồn tin tin cậy để kiểm chứng đồng thời phải có mạng lưới liên lạc đặc biệt là với cơ quan chức năng để có thể liên hệ phỏng vấn đính chính hoặc bác bỏ các tin sai sự thật nhanh nhất có thể,” phóng viên Phùng Trang (Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam) chia sẻ.

Không Fake News và cuộc tuyên chiến toàn diện với tin giả

Trong bối cảnh vấn nạn tin giả bùng nổ “ăn theo” COVID-19, Thông tấn xã Việt Nam đã phối hợp cùng nhóm nhạc Da LAB đưa rap news – một sản phẩm báo chí sáng tạo – tái xuất với tác phẩm ”Không Fake News”.

Đây được coi là lời tuyên chiến toàn diện với vấn nạn tin giả của Thông tấn xã Việt Nam nói riêng cũng như toàn báo giới nói chung.

Lời tuyên chiến với tin giả mang phong cách Rap

Sáng 27/3, sau một thời gian dài vắng bóng, rap news phiên bản đặc biệt mang tên Không Fake News được chính thức phát hành trên nền tảng số.

Mở đầu hết sức ấn tượng: “It’s fake babe! Lây và lan nhanh hơn con corona. Nhây và dai hơn con corona” (Lời ca khúc “Không Fake News”), bản rap news mới nhất chỉ thẳng ra đặc tính của tin giả với tốc độ lây nhiễm chóng mặt, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Không nghe tin giả, không phát tán tin giả chính là thông điệp dứt khoát trong sản phẩm rap news mới nhất của Thông tấn xã Việt Nam do nhóm Da LAB sáng tác và thể hiện.

Ông Lê Quốc Minh, Phó tổng Giám đốc TTXVN cho biết: “Rap news vốn là đặc sản của báo điện tử VietnamPlus thuộc TTXVN. Chúng tôi đã thực hiện định kỳ 2 tuần/lần kể từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2017. Mặc dù từ đầu năm 2017, rap news không còn xuất hiện thường xuyên nhưng trước bối cảnh tin giả đang bùng phát, ekip sản xuất quyết định sẽ đưa ‘đứa con đặc biệt’ trở lại.”

Thông tấn xã Việt Nam đã phối hợp cùng nhóm nhạc DaLab đưa Rapnews – một sản phẩm báo chí sáng tạo tái xuất với tác phẩm Không Fake News.(Video: Lâm Phan/Vietnam+)

“Hiện chúng ta đã phòng, chống tin giả bằng nhiều nội dung mang tính báo chí. Tuy nhiên, việc sử dụng một bài hát đặc thù sẽ là cách truyền tải dễ đi vào lòng người, đặc biệt là giới trẻ. Đây cũng chính là lý do khiến chúng tôi quyết định sản xuất Không Fake News,” Phó Tổng Giám đốc TTXVN chia sẻ.

Đặc biệt là ngoài các nền tảng thông dụng lâu nay như YouTube hay Facebook, sản phẩm rap news mới nhất đã được đưa lên cả TikTok – nền tảng vốn được giới trẻ thuộc “thế hệ Z” vô cùng ưa chuộng.

Không nghe tin giả, không phát tán tin giả chính là thông điệp dứt khoát trong sản phẩm Rap News mới nhất của Thông tấn xã Việt Nam do nhóm Da LAB sáng tác và thể hiện.

Tính tới thời điểm hiện tại, bài hát trên TikTok đã đạt gần 350.000 lượt xem. Con số trên kênh YouTube của Da LAB là 300.000 lượt, chưa kể hàng triệu lượt tiếp cận trên các website tin tức hoặc các kênh truyền hình như VNews, VTV, VOVTV, VTC, ANTV.

“Chúng tôi thậm chí đã tạo một kênh FactCheck để kiểm chứng thông tin trên TikTok,” ông Minh cho biết thêm.

“Không Fake News” ngay từ khi được công bố đã được coi là lời tuyên chiến chung của báo giới và nhiều thành phần khác trong xã hội với virus tin giả.

“Điều gì còn nguy hiểm hơn cả virus SARS-CoV-2? Đó chính là tin giả. Tin giả đang lừa gạt khắp nơi, khiến chúng ta không biết đâu là đúng sai, mất niềm tin vào con người, cuộc sống. Các cơ quan chức năng, các y bác sĩ, các chiến sĩ đã, đang rất vất vả để chống dịch COVID-19, đừng làm họ thêm vất vả khi phải tiếp tục đính chính các tin giả xoay quanh dịch bệnh này. Da LAB đã quay trở lại với RapNewsPlus, chủ đề “Nói không với Fake News,” hy vọng góp một chút công sức nhỏ nhoi trong công cuộc chống lại dịch Covid-19 lần này,” nhóm nhạc Da LAB chia sẻ trên fanpage.

Bản rap nói về tin giả do nhóm Dalab thể hiện đã tạo thành hiệu ứng tốt trong những ngày dịch COVID-19 diễn ra. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bản rap nói về tin giả do nhóm Dalab thể hiện đã tạo thành hiệu ứng tốt trong những ngày dịch COVID-19 diễn ra. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo ông Lê Quốc Minh, bên cạnh rap news, Thông tấn xã Việt Nam còn có những dự án cụ thể khác. Điển hình là dự án đào tạo kỹ năng phát hiện tin giả cho học sinh từ cấp tiểu học cho đến cấp phổ thông trung học.

“Chúng tôi dự định sẽ triển khai trên cả 63 tỉnh thành trong cả nước với số lượng học sinh tiếp cận lớn nhất có thể. Dự án trên nếu có sự tham gia của các cơ quan báo chí lớn khác sẽ còn đạt hiệu quả cao hơn nữa,” ông Minh kỳ vọng.

Khi các ông lớn về công nghệ vào cuộc

Thực tế, môi trường phát tán Fake News hiện nay chủ yếu là trên nền tảng các mạng xã hội, điển hình là Fakebook.

Đơn cử như về nguồn gốc của virus COVID-19, nhiều nội dung đăng trên các trang mạng xã hội Facebook và Twitter cho rằng đây là sản phẩm “nhân tạo” nhằm phát triển vũ khí sinh học.

Những đồn đoán vô căn cứ theo thuyết âm mưu này lại nhận được số lượng chia sẻ khổng lồ và lan ra với tốc độ chóng mặt trên hầu hết các nền tảng số, bất chấp việc các bên thứ ba kiểm chứng và khẳng định đây là thông tin giả.

Một đoạn trích của một tweet từ Kênh NewsAsia (CNA) có trụ sở tại Singapore, thông báo các trường học ở Singapore đã phải đóng cửa vì sự bùng phát của virus corona 2019.Tuy nhiên đây là tin giả phát tán trên nền tảng mạng xã hội WhatsApp thực chất là giả mạo, và đã được sửa từ một bài đăng khác.
Một đoạn trích của một tweet từ Kênh NewsAsia (CNA) có trụ sở tại Singapore, thông báo các trường học ở Singapore đã phải đóng cửa vì sự bùng phát của virus corona 2019.Tuy nhiên đây là tin giả phát tán trên nền tảng mạng xã hội WhatsApp thực chất là giả mạo, và đã được sửa từ một bài đăng khác.

Tại Việt Nam, vấn nạn tin giả trên mạng xã hội cũng bùng phát và gây nhiều hiệu ứng tiêu cực. Những chia sẻ “Dùng máy bay phun khử khuẩn toàn quốc,” “Phong tỏa Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh,”… mỗi khi xuất hiện đều được các fakebooker share và truyền tai nhau ngay tức thì.

Trước thách thức này, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cảnh báo rằng những thông tin giả mạo xung quanh dịch viêm đường hô hấp mới bùng phát đang làm suy yếu cuộc chiến chống virus. Và, WHO đang không chỉ chống lại dịch bệnh, mà cả sự lây lan của tin giả, trong nhiều trường hợp còn nhanh và gây hậu quả nghiêm trọng hơn cả virus corona chủng mới đang hoành hành.

Ông Lê Quốc Minh cho rằng: “Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có các cơ quan báo chí chính thống là một đặc điểm nổi bật của Việt Nam, giúp cho việc ngăn ngừa dịch bệnh cho tới nay rất hiệu quả, được thế giới đánh giá cao, nhưng vẫn chưa quyết liệt và chưa đủ trên trận tuyến chống tin giả, tin sai lệch” và “sự hợp tác với các nền tảng công nghệ để dùng biện pháp kỹ thuật ngăn chặn và xóa bỏ thông tin thất thiệt cũng là cách thức đã và đang được sử dụng.”

Rất cần sư hợp tác với các nền tảng công nghệ để dùng biện pháp kỹ thuật ngăn chặn và xóa bỏ thông tin thất thiệt. 

Thực tế, trước “đại dịch tin giả,” các ông lớn về công nghệ như Facebook, Twitter, Google cũng đang đẩy mạnh biện pháp ngăn chặn.

Ngày 18/3, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã tổ chức một cuộc họp báo trực tuyến công bố ra mắt “Trung tâm thông tin COVID-19.” Facebook thông báo đã dán nhãn những thông tin thiếu chính xác và đẩy bài viết xuống dưới trang hiển thị bài đăng hằng ngày của người dùng. Bên cạnh đó, trang mạng xã hội lớn nhất thế giới còn tuyên bố sẽ thẳng tay xóa các bài đưa ra các thông tin sai lệch hoặc những giả thuyết mà các tổ chức và chuyên gia y tế uy tín trên toàn cầu cho là có thể gây hại cho những người tin vào. Facebook cũng cung cấp cho người dùng thông tin chính xác từ các cơ quan y tế quốc tế như WHO và các bên thứ ba kiểm chứng thông tin trên toàn cầu.

Trung tâm này sẽ xuất hiện ở đầu Nguồn cấp dữ liệu (News Feeds) của người dùng với thông tin chính thống từ các tổ chức như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Trong khi đó, Twitter thông báo điều chỉnh bộ lọc tìm kiếm. Theo đó bất cứ khi nào người dùng gõ các từ khóa liên quan đến 2019-nCoV, các thông tin chính thống và có kiểm chứng sẽ được hiển thị lên đầu mục. Biện pháp này là một phần trong chiến dịch của Twitter mang tên #KnowTheFacts (Biết sự thật) hiện triển khai ở 15 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó Mỹ, Anh, Singapore, Australia…. và sáng kiến này sẽ tiếp tục được nhân rộng do nhu cầu “Biết sự thật” đang ngày càng gia tăng.

Trang chiến dịch của Twitter mang tên #KnowTheFacts (Biết sự thật) hiện triển khai ở 15 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trang chiến dịch của Twitter mang tên #KnowTheFacts (Biết sự thật) hiện triển khai ở 15 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tương tự, “gã khổng lồ” công nghệ trong lĩnh vực tìm kiếm Google đã công bố một tính năng mới hợp tác với WHO mang tên “Cảnh báo SOS” (SOS Alert), với hy vọng sẽ mang tới người dùng những thông tin thiết thực và có giá trị đồng thời kiểm soát sự lan truyền và hướng tới loại bỏ hoàn toàn các thông tin sai lệch, tin đồn thất thiệt gây hoang mang. Người dùng có thể dễ dàng nhìn thấy “Cảnh báo SOS” ngay ở phần đầu trang khi tìm kiếm thông tin liên quan 2019-nCoV trên Google.

Trong khi đó, YouTube đang đầu tư mạnh nhằm nâng cao nội dung đáng tin cậy, theo đó ưu tiên hiển thị những nguồn tin chuẩn xác đồng thời giảm thông tin giả phát tán trên trang chia sẻ video này. Trước mối đe dọa nổi lên từ các video “deepfake,” sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo các video rất giống thật nhưng hoàn toàn bịa đặt, YouTube thông báo sẽ xóa bất kỳ nội dung nào được chỉnh sửa về kỹ thuật có thể tạo ra “nguy cơ nghiêm trọng gây tổn thương lớn.”

Không chỉ những tập đoàn công nghệ, nhiều cơ quan báo chí lớn trên thế giới cũng bắt đầu hoạt động tích cực hơn trên mặt trận chống Fake News bằng cách chủ động lập nên những kênh phát hiện tin giả. Điển hình như một loạt hãng tin tại Pháp, Mỹ và Anh.

Chống “virus” tin giả lúc này cũng cấp bách và quan trọng như chống dịch COVID-19, đòi hỏi sự tham gia chủ động, quyết liệt và có trách nhiệm không chỉ từ Chính phủ, báo giới mà cần sự chung tay của tập đoàn công nghệ và các hãng truyền thông tới người dân, trên cả cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu./.

Cuộc chiến chống Fake News 

và trách nhiệm xã hội của báo chí

Bàn về vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống Fake News, ông Lê Quốc Minh – Phó Tổng Giám đốc TTXVN cho rằng: “Sự tràn lan của Fake News trên toàn cầu cho thấy báo chí cần phải kết nối với độc giả, khán thính giả một cách hiệu quả hơn. Các tòa soạn cần phải đầu tư nhiều hơn vào nội dung chất lượng cao, cần có những hành động để đối phó với những nội dung kích động thù hận, phân biệt chủng tộc, hoang tin, thông tin bóp méo sự thật gây phương hại cho các cá nhân, tổ chức, quốc gia.”

VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu bài tham luận của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) với tiêu đề: “Cuộc chiến chống lại Fake News và trách nhiệm xã hội của báo chí.”

Vào năm 2016, không nhiều người trong giới báo chí cũng như người dùng Internet ở Việt Nam quan tâm đến cái gọi là “Fake News” – tin giả. Trước nữa lại càng không. Quan niệm phổ biến trong thời đại hiện nay là ai cũng trở nên thông minh, vả lại, có rất nhiều thiết bị thông minh quanh mình – cái gì cũng được gắn thêm từ “smart,” từ nhà cửa, xe hơi, thẻ thanh toán cho đến điện thoại – nên không dễ bị lừa.

Thực tế, chúng ta đang sống trong một thế giới mà một tin tức hoàn toàn bịa đặt vào ngày 21/11 vừa qua rằng ngôi sao điện ảnh Keanu Reeves tuyên bố “những nhân vật tinh túy ở Hollywood đã dùng máu của trẻ sơ sinh để thăng tiến” đã đứng đầu danh sách nội dung tìm kiếm trên YouTube và lan truyền như virus trên Facebook với hơn 26.000 lượt tương tác chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi.

Ông Lê Quốc Minh – Phó Tổng Giám đốc TTXVN nói về vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống Fake News. (Video: Lâm Phan/Vietnam+)

Những hoang tin có thể dẫn đến các thảm kịch trong đời sống dễ dàng lan truyền với tốc độ chóng mặt từ người này sang người khác thông qua các phần mềm chat hoặc các mạng xã hội

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà một người đàn ông từ bang North Carolina của nước Mỹ chỉ nghe theo cái thuyết âm mưu vô căn cứ đã phóng xe tới tận một cửa hàng pizza ở thủ đô Washington D.C. với một khẩu súng trường đề tự điều tra về vụ mà ông ta tin là đường dây buôn bán trẻ em liên quan đến bà Hillary Clinton. Tin giả suýt nữa gây ra khủng hoảng ngoại giao giữa Nga và Đức, và vì đọc nhầm tin giả, một bộ trưởng Pakistan đã đe dọa sử dụng hạt nhân với Israel.

Những hoang tin có thể dẫn đến các thảm kịch trong đời sống dễ dàng lan truyền với tốc độ chóng mặt từ người này sang người khác thông qua các phần mềm chat hoặc các mạng xã hội

Đó là một thế giới mà những hoang tin có thể dẫn đến các thảm kịch trong đời sống dễ dàng lan truyền với tốc độ chóng mặt từ người này sang người khác thông qua các phần mềm chat hoặc các mạng xã hội. Fake News thậm chí thu hút sự quan tâm nhiều hơn thông tin chính thống: Một nghiên cứu của BuzzFeed phát hiện ra rằng Fake News thu hút được 8,7 triệu lượt tương tác trong 3 tháng cuối của chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ trong khi tin tức của các nguồn tin báo chí lừng danh như New York Times, Washington Post và CNN chỉ có 7,3 triệu lượt chia sẻ, bình luận.

Người đàn ông từ bang North Carolina đầu hàng cảnh sát sau khi mang súng tới một cửa hàng pizza ở thủ đô Washington D.C. đề tự điều tra về vụ mà ông ta tin là đường dây buôn bán trẻ em liên quan đến bà Hillary Clinton. (Nguồn: AP)
Người đàn ông từ bang North Carolina đầu hàng cảnh sát sau khi mang súng tới một cửa hàng pizza ở thủ đô Washington D.C. đề tự điều tra về vụ mà ông ta tin là đường dây buôn bán trẻ em liên quan đến bà Hillary Clinton. (Nguồn: AP)

Ở Việt Nam thì sao? Ban đầu, tin giả ở Việt Nam chỉ dừng ở một vài đường dẫn website ca ngợi ông bà lang dân tộc này, loại biệt dược nọ, gắn với ca sỹ A, người nổi tiếng B để vờ là người dùng uy tín. Rồi đến những dòng trạng thái trên mạng xã hội nói chuyện ô nhiễm tại một địa phương trong nước nhưng dùng hình ảnh tận bên kia địa cầu, xảy ra từ lâu trong quá khứ; video một đoàn xe nào đó nhưng gán câu chuyện về lãnh đạo cao cấp của Nhà nước. Một bức hình của quan chức cao cấp được gắn với một phát ngôn gây sốc rất nhanh chóng phủ kín Facebook để rồi nhân vật trong hình nhận đủ loại “gạch đá” mà không một ai quan tâm xem nội dung đó có bị xuyên tạc hay không. Đã có một số trường hợp đăng tải nội dung bịa đặt bị xử phạt, nhưng dường như tình hình đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Có thể ai đó sẽ yên tâm khẳng định rằng người dùng tin vào báo chí. Oái oăm thay, báo chí cũng mắc bẫy tin giả – không chỉ ở Việt Nam mà nhiều báo lớn của nước ngoài cũng vậy. Đó là chưa kể nhiều nhà báo vô tình chia sẻ các tin giả hoặc tin không rõ nguồn gốc, và góp phần phát tán những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc thậm chí sai lệch đó. Tệ hại hơn là tình trạng giả mạo các cơ quan báo chí chính thống bằng các website có tên miền gần giống, hoặc các fanpage, các tài khoản mạng xã hội.

Báo chí cũng mắc bẫy tin giả – tình trạng không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nước ngoài

Khi trang điện tử Vnanet.vn của Thông tấn xã Việt Nam với 4 ngữ Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha ra đời vào năm 2003, chúng tôi phát hiện một trang web bê nguyên xi toàn bộ tin bằng 4 ngữ của chúng tôi mỗi ngày lên trang của họ với thiết kế y chang.

Nhưng bây giờ người ta không làm giả thô sơ như vậy. Một ngày đầu tháng 11/2017 vừa qua, trên Facebook lan tràn hình chụp một bản tin thất thiệt về người chồng rửa bát không sạch bị vợ dùng dao chém vào đầu. Điều đáng nói là nó được gắn logo của VietnamPlus trên nền đỏ rực đập vào mắt người xem.

Đúng một tuần sau, lại có một bài viết khác được lan truyền khắp nơi, nói về việc Google và Facebook có thể rút khỏi Việt Nam, cũng có logo với chữ Việt Nam và dấu cộng đã trở nên quen thuộc với độc giả sau 9 năm hoạt động.

Gần đây nhất, chỉ một ngày sau khi dư luận ồn ào với một nghiên cứu về cải tiến cách viết tiếng Việt, lại có một bài với tiêu đề “Xuất hiện bộ sác záo xoa ‘Tiếq Việt’ của bộ záo zụk dành cho lớp 1.” Xin lưu ý rằng ở chế độ Instant Articles của Facebook, người dùng không nhìn thấy đường link của bài viết. Chúng tôi đã liên hệ với người chủ fanpage để phản đối việc sử dụng trái phép thương hiệu, đã nhờ Facebook hỗ trợ, nhưng đến giờ vẫn chưa có chuyển biến nào.

(Nguồn: Theos Think Tank)
(Nguồn: Theos Think Tank)

Từ Mỹ đến châu Âu, từ châu Á đến vùng Caribe hay tận châu Phi, Fake News đang như một bệnh dịch khủng khiếp bò dần vào từng ngóc ngách của xã hội. Fake News tồn tại từ rất lâu trong đời sống, nhưng chính nhờ mạng xã hội mà nó mới bùng phát tới cấp độ khủng khiếp như hiện nay. Đặc điểm nổi bật của mạng xã hội là người dùng không cần phải tìm kiếm thông tin mà thông tin tự tìm đến người dùng. Fake News cũng chủ động tiếp cận và tấn công người dùng theo cách đó.

Fake News không chỉ bóp méo thông tin theo kiểu vô thưởng vô phạt, Fake News không chỉ là câu chuyện cắt dán tin tức bừa bãi để kiếm tiền quảng cáo của mấy chàng trai trẻ tại một thị trấn nhỏ ở Macedonia, Fake News đang làm gia tăng tình trạng nhục mạ các cá nhân, làm cho doanh nghiệp, tổ chức lao đao khốn khổ, Fake News thậm chí còn được lợi dụng vào các âm mưu chính trị và làm rối loạn xã hội. Có một câu chuyện mà chúng ta đều đã được nghe: Fake News được cho là góp phần dựng lên một nhà lãnh đạo quốc gia. Vậy thì nó cũng có thể hạ bệ một nhân vật với vị trí tương tự.

Trong khi Fake News khuynh đảo xã hội và có nguy cơ lấn át những nguồn tin chính thống ở khắp nơi trên thế giới, việc kiểm chứng thông tin trên báo chí lại đang trở nên lỏng lẻo, và thật đáng buồn khi không ít tòa soạn thậm chí áp dụng cách làm nguy hiểm là “đăng tải trước, chỉnh sửa sau nếu cần thiết” (publish first, correct later if necessary). Không ít trường hợp tin bài trên báo chí chính thống không được kiểm chứng, không đảm bảo công bằng và cân bằng – giá trị cốt lõi của báo chí.

Nhiều nghiên cứu về tương lai báo chí khẳng định rằng mục tiêu của báo chí giờ đây không phải là thu hút sự chú ý của công chúng nữa mà là giành lại niềm tin của họ

Nhiều nghiên cứu về tương lai báo chí khẳng định rằng mục tiêu của báo chí giờ đây không phải là thu hút sự chú ý của công chúng nữa mà là giành lại niềm tin của họ.

Fake News, cùng với những sai lầm của nhiều cơ quan báo chí trong cuộc chạy đua tuyệt vọng với mạng xã hội để giành giật độc giả và nguồn thu quảng cáo, đã khiến cho sự tín nhiệm của công chúng đối với báo chí giảm sút xuống mức thấp chưa từng thấy. Nhiều nghiên cứu về tương lai báo chí khẳng định rằng mục tiêu của báo chí giờ đây không phải là thu hút sự chú ý của công chúng nữa mà là giành lại niềm tin của họ.

Thông tin ngày càng có ý nghĩa to lớn trong mọi mặt của cuộc sống, nhưng sẽ ra sao nếu người dân không còn tin vào báo chí, sẽ ra sao nếu tin giả nhiều hơn tin thật? Nhiều chính phủ trên thế giới đã có những biện pháp quyết liệt để đối phó với Fake News, quy định những khoản tiền phạt lên đến hàng chục triệu USD đối với các nền tảng công nghệ khổng lồ như Google hay Facebook nếu không cho phép người dùng khiếu nại về nội dung kích động thù hận và tin giả, hoặc từ chối loại bỏ những nội dung bất hợp pháp.

Nhưng báo chí cũng phải hành động chứ không thể ngồi chờ cơ quan chức năng ra luật, chờ các công ty công nghệ thay đổi thuật toán, chờ người dùng trở nên thông minh hơn để tự xa lánh Fake News.

Một trang giả mạo fanpage của VietnamPlus, đưa các thông tin phản cảm.
Một trang giả mạo fanpage của VietnamPlus, đưa các thông tin phản cảm.

Chưa bao giờ đòi hỏi về một nền báo chí chất lượng cao lại bức thiết như hiện nay. Làm thế nào để gây dựng lại niềm tin của công chúng đối với nội dung báo chí chất lượng cao sẽ là một câu hỏi lớn trong những năm tới dành cho các nhà quản lý, các tòa soạn và bản thân các nhà báo. Nó không chỉ quan trọng đối với sự tồn vong của báo chí, nó còn quan trọng với sự ổn định của xã hội.

Sự tràn lan của Fake News trên toàn cầu cho thấy báo chí cần phải kết nối với độc giả, khán thính giả một cách hiệu quả hơn. Các tòa soạn cần phải đầu tư nhiều hơn vào nội dung chất lượng cao, cần có những hành động để đối phó với những nội dung kích động thù hận, phân biệt chủng tộc, hoang tin, thông tin bóp méo sự thật gây phương hại cho các cá nhân, tổ chức, quốc gia. Cần dành nhiều nguồn lực hơn cho báo chí điều tra, gắn chặt hơn với những giá trị đạo đức trong việc quản lý và quản trị truyền thông; đồng thời có các biện pháp nâng cao nhận thức cho công chúng nói chung về tin giả.

Cần xây dựng những liên minh báo chí để bảo vệ bản quyền, tìm kiếm những mô hình kinh doanh bền vững và quan trọng hơn là để đối phó với tình trạng Fake News. Các cơ quan báo chí ở Pháp và Đức đã tạo lập các liên minh nhằm đối phó với Fake News trước khi diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng. Đang có nhiều nỗ lực trên thế giới để xây dựng nên những website chuyên kiểm chứng thông tin. Tính đến giữa năm 2017, có 114 dự án thẩm định thông tin như thế, hoạt động tại 47 quốc gia. Thông tấn xã Việt Nam cũng bắt đầu một dự án tương tự.

Fake news sẽ ngày càng tinh vi hơn khi công nghệ tiếp tục phát triển và chi phí rẻ đi

Đương nhiên, Fake News sẽ ngày càng tinh vi hơn khi công nghệ tiếp tục phát triển và chi phí rẻ đi. Tại một sự kiện công nghệ ở Las Vegas vào năm 2016, người ta đã giới thiệu công nghệ can thiệp video theo thời gian thực: trong lúc một nhân vật nổi tiếng phát biểu trên truyền hình, một người khác có thể can thiệp và nói nội dung hoàn toàn khác thông qua hình ảnh video của nhân vật kia mà người xem không thể phát hiện.

Tại một sự kiện khác, hãng Adobe vốn nổi tiếng với các phầm mềm chỉnh sửa ảnh giới thiệu dự án can thiệp âm thanh có tên VoCo mà một số báo kinh hãi gọi nó là phần mềm “Photoshop giọng nói.” Người ta lấy mẫu giọng nói của một người, và chỉ cần nhập bất kỳ nội dung nào, đơn giản như gõ nội dung văn bản, thì sẽ phát ra câu đó bằng đúng giọng nói đó. Nếu những công nghệ tinh vi này rơi vào tay những kẻ có mục đích xấu, chúng ta sẽ không còn biết đâu là giả đâu là thật nữa.

Các chuyên gia cũng dự đoán rằng khi trí tuệ nhân tạo được áp dụng rộng rãi vào quá trình sản xuất nội dung báo chí thì đồng thời số lượng tin giả do máy viết cũng ra đời và sẽ nhanh chóng vượt trội về số lượng. Một tương lai không mấy sáng sủa nếu không hành động nhanh.

Các nhà báo chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn, bởi chúng ta còn khoác trên mình trách nhiệm to lớn với xã hội./.

Phát huy vai trò của dòng thông tin chủ lưu trong cuộc chiến với tin giả

Sau hơn hai thập kỷ Internet có mặt, với hơn 60 triệu người dùng, Việt Nam đứng thứ 18 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet, là 1 trong 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới. Điều đó cho thấy sự cởi mở, năng động của Việt Nam trong tiến trình hội nhập cùng thế giới số.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, tác động tiêu cực, khó kiểm soát từ dạng thức truyền thông mới này. Một trong những biểu hiện rõ nhất là sự lây lan của virus tin giả.

Hiện nay, cùng với diễn biến khó lường của dịch COVID-19, những thông tin thất thiệt về dịch bệnh cũng mọc lên như nấm sau mưa, gây hoang mang dư luận. Trong bối cảnh đó, vai trò của các cơ quan báo chí chính thống – dòng thông tin chủ lưu trong việc định hướng dư luận càng được thể hiện rõ nét.

Bên cạnh các lực lượng y tế, công an, quân đội, đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí đang dồn toàn lực trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19.

Để hiểu hơn và có cái nhìn toàn cảnh về nỗ lực của các cơ quan báo chí trong việc cập nhật nhanh chóng, chính xác tin tức về diễn biến của dịch COVID-19, phản bác lại những thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh, VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam).

Cân bằng thông tin

– Ông đánh giá thế nào về vai trò của các cơ quan báo chí trong việc phản ánh, cập nhật tin tức về diễn biến của dịch COVID-19 trong thời gian qua?

Tiến sỹ Trần Bá Dung: Trong “cuộc chiến” chống COVID-19, vai trò của đội ngũ người làm báo thể hiện đậm nét. Đây là một trong những lực lượng tuyến đầu của “cuộc chiến” này.

Các phóng viên, biên tập viên… đã chủ động nhập cuộc, vượt qua những khó khăn, thách thức khi tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh lây lan, bám sát thực tế để cập nhật liên tục, kịp thời, phản ánh chính xác, cung cấp thông tin đa chiều về tình hình dịch bệnh cả ở trong nước và trên thế giới.

Tiến sỹ Trần Bá Dung - Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam)
Tiến sỹ Trần Bá Dung – Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam)

Ngay từ khi có những thông tin đầu tiên về virus SARS-CoV-2, các ca bệnh đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc), các cơ quan báo chí Việt Nam đã chủ động cung cấp thông tin khách quan, chính xác cho độc giả, đưa ra những khuyến nghị đối với các cơ quan chức năng để chủ động ứng phó (trong trường hợp dịch lây lan tới Việt Nam)…

Từ khi dịch bệnh xuất hiện ở Việt Nam đến nay, các cơ quan báo chí đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng khác để cập nhật liên tục diễn biến dịch bệnh, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch, phản bác các thông tin sai lệch liên quan đến dịch bệnh…

Một trong những điểm nổi bật là nhìn chung, các cơ quan báo chí đã đảm bảo được sự cân bằng thông tin.

– Sự cân bằng thông tin đó được thể hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?

Tiến sỹ Trần Bá Dung: Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí đã thông tin chính xác, kịp thời các chỉ đạo, biện pháp của Chính phủ nhằm khoanh vùng, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, những số liệu thống kê của Bộ Y tế về số ca nhiễm bệnh, phản ánh quy mô ảnh hưởng, sự tác động sâu sắc của dịch COVID-19 đến mọi mặt đời sống (từ kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch…).

Bên cạnh đó, những người làm báo đã chủ động cập nhật tình hình các ca bệnh được chữa khỏi, có nhiều bài viết xúc động, hình ảnh chân thực ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ nhân viên y tế, công an, quân đội, tình nguyện viên đang ngày đêm căng mình dập dịch.

Ngoài ra, thông qua những tác phẩm báo chí, đội ngũ người làm báo đã góp phần quan trọng trong việc truyền đi thông điệp về tình người, sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong dông bão, từ đó lan tỏa năng lượng tích cực, tạo dựng niềm tin, kết nối cộng đồng để cùng vượt qua đại dịch.

Cụ thể, đó là những thông tin, hình ảnh về sự chung sức của cộng đồng (quyên góp khẩu trang, trang phục bảo hộ…), nụ cười rạng rỡ và lời cảm ơn chân thành của những du khách nước ngoài được điều trị khỏi COVID-19 tại Việt Nam…

Không chỉ có vậy, ở từng lĩnh vực chịu tác động từ dịch COVID-19, các cơ quan báo chí đã chủ động triển khai những tuyến tin bài phản ánh thực trạng, đưa ra những giải pháp nhằm giảm thiệt hại, khắc phục khó khăn.

Đội ngũ các phóng viên đã luôn có mặt ở nhiều điểm nóng nhất của dịch COVID-19.

Từ những vấn đề vĩ mô (các chính sách, giải pháp của Chính phủ, cơ quan chức năng) đến những câu chuyện đời thường (nhịp sống, bữa cơm, cách mưu sinh của người lao động giữa dịch bệnh…), báo chí đều phản ánh sinh động, khách quan. Số liệu được trích dẫn từ những nguồn cụ thể, đáng tin cậy.

Có thể thấy, đội ngũ phóng viên đã có mặt ở nhiều điểm nóng như xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), phố Trúc Bạch, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) bất kể ngày đêm để ghi nhận tình hình…

Không chỉ có nội dung tốt, các tác phẩm báo chí về tình hình dịch COVID-19 còn có nhiều hình thức thể hiện ấn tượng, cho thấy nỗ lực đổi mới, áp dụng phương thức tác nghiệp hiện đại, chủ động ứng dụng công nghệ của các cơ quan báo chí.

– Ông có thể phân tích kỹ hơn về vấn đề này?

Tiến sỹ Trần Bá Dung: Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí đã phát huy tốt thế mạnh của mình, đẩy mạnh sản xuất các tác phẩm báo chí theo hướng tích hợp text, hình ảnh, đồ họa, video… trong cùng một sản phẩm. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho độc giả trong việc theo dõi, nắm bắt thông tin.

Ví dụ, các sản phẩm đồ họa đã cung cấp cho độc giả những thông tin cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ về số lượng người nhiễm bệnh, số ca được chữa khỏi, số ca tử vong (ở các khu vực khác nhau theo những mốc thời gian cụ thể), cách thức lây lan, sơ đồ lây nhiễm, biện pháp phòng, chống dịch bệnh…

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: The Wall Street Journal)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: The Wall Street Journal)

Tôi cho rằng, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Tuổi Trẻ điện tử, Báo Thanh Niên điện tử… là những cơ quan báo chí đã làm tốt điều này.

Nhiều cơ quan báo chí đã đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm báo chí chất lượng cao, từ các bài mega story đến các bài phân tích chuyên sâu, từ các sản phẩm thực tế ảo tới những ứng dụng tin nhắn có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) để tương tác với độc giả…

Cuộc đối đầu với tin giả, dịch bệnh

– Cùng với sự lây lan của virus SARS-CoV-2, “virus tin giả” về tình hình dịch bệnh cũng được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, gây ra những hệ lụy tiêu cực trong đời sống. Trong bối cảnh đó, báo chí cần làm gì để phản bác, đẩy lùi những thông tin thất thiệt này, thưa ông?

Tiến sỹ Trần Bá Dung: Trước sự tràn lan của tin giả, vai trò của các cơ quan báo chí chính thống – dòng thông tin chủ lưu trong việc định hướng dư luận càng cần phải được phát huy hơn nữa.

Trước hết, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh hơn nữa việc phản bác lại những thông tin thất thiệt liên quan đến dịch bệnh, gây hoang mang dư luận. Nhà báo cần nhận thức rõ bản chất vấn đề, thẩm định thông tin trước khi đăng tải, sàng lọc nguồn tin, đưa thông tin từ nguồn chính thống, trích dẫn nguồn tin rõ ràng, bám sát thông tin từ các cơ quan chức năng, quan tâm thực tiễn ở địa phương.

Đặc biệt, thời gian qua, sự ra đời của bài rap news với chủ đề “Nói không với Fake News” (sản phẩm hợp tác của Thông tấn xã Việt Nam và nhóm Da LAB) đã cho thấy sự đầu tư công phu của cơ quan báo chí hàng đầu trong việc truyền tải ngắn gọn, chính xác, dễ hiểu những tác động tiêu cực, hệ lụy từ việc lan truyền tin giả liên quan đến dịch COVID-19. Bản rap news lần này được phát trên nhiều nền tảng, lời được dịch ra nhiều ngôn ngữ. Đó là cơ sở để thông điệp đẩy lùi tin giả đến được với nhiều đối tượng khán giả hơn.

Ngoài ra, tôi cho rằng, để đẩy lùi tin giả, thời gian tới, báo chí cần tiếp tục thông tin kịp thời, minh bạch về tình hình dịch bệnh, trong đó, chú trọng thông tin về kết quả điều trị để tránh hoang mang trong xã hội; thông tin nhiều hơn về cách phòng tránh dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống lây chéo dịch bệnh trong cộng đồng, tránh đưa các thông tin gây bi quan, sợ hãi hoặc kỳ thị đối với người mắc, người nghi mắc bệnh.

Bên cạnh đó, đội ngũ người làm báo cần tiếp tục bám sát thực tế, phát hiện, đấu tranh kịp thời với những biểu hiện chủ quan, thờ ơ, vô cảm đối với sức khỏe, tính mạng của người dân, những hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân, cũng như những hành vi che giấu thông tin gây ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch.

Trước sự tràn lan của tin giả, vai trò của các cơ quan báo chí chính thống – dòng thông tin chủ lưu trong việc định hướng dư luận càng cần phải được phát huy hơn nữa.

– Đội ngũ người làm báo tác nghiệp trong tình hình dịch bệnh cũng đối mặt với những nguy cơ lây nhiễm. Ông có khuyến cáo gì với những phóng viên trực tiếp có mặt tại những “điểm nóng” của dịch?

Tiến sỹ Trần Bá Dung: Nghề báo là một nghề nguy hiểm. Điều này càng thể hiện rõ khi nhà báo tác nghiệp trong những hoàn cảnh thiên tai, thảm họa, tình huống khẩn cấp, dịch bệnh…

Báo chí là lực lượng tiên phong trong việc tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh, khắc phục hậu quả, giảm thiệt hại khi có dịch bệnh.

Bên cạnh đó, người làm báo cũng là lực lượng thường xuyên cập nhật, truyền tải thông tin cảnh báo, dự báo tình hình dịch bệnh để người dân và các cấp chính quyền để chủ động ứng phó. Ngoài ra, báo chí cũng là cầu nối kêu gọi cộng đồng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Khi đưa tin về dịch bệnh từ các điểm nóng, ổ dịch, phóng viên luôn đối mặt với rủi ro. Bởi vậy, các cơ quan báo chí nói chung và phóng viên đưa tin nói riêng cần chủ động trang bị kiến thức, thiết bị bảo hộ.

(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cụ thể, tôi cho rằng, khi đưa tin về dịch COVID-19, phóng viên cần chủ động cập nhật kiến thức về dịch tễ, các biện pháp phòng tránh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Việc giữ an toàn cho bản thân trong quá trình tác nghiệp cũng là cách thể hiện trách nhiệm với gia đình, cộng đồng.

Việc có những hiểu biết cơ bản về loại bệnh này không chỉ giúp phóng viên chủ động phòng tránh lây nhiễm chéo mà còn hỗ trợ việc đưa tin, cập nhật tình hình chính xác. Người làm báo đi vào lĩnh vực này phải có kiến thức như một cán bộ phòng dịch.

Ngoài ra, phóng viên cần giữ vững đạo đức người làm báo, khéo léo trong việc khai thác thông tin (tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý những người nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh), cập nhật tin tức đảm bảo khách quan, chính xác, nhanh nhạy, cân bằng, tránh việc rút tít theo hướng giật gân nhằm “câu view” nhưng không đúng bản chất vấn đề, bối cảnh sự việc…

Nhiều cơ quan báo chí lớn trên thế giới đã có những yêu cầu cụ thể đối với phóng viên tác nghiệp tại các điểm nóng, ổ dịch nhằm đảm bảo an toàn, tránh bị lây nhiễm chéo.

Ở Việt Nam hiện nay, việc đào tạo kỹ năng cho phóng viên khi tác nghiệp trong các điều kiện thiên tai, dịch bệnh… chưa được thực hiện bài bản, xuyên suốt trong các trường đào tạo báo chí. Tôi cho rằng, trong tương lai, việc này cần sớm khắc phục. Ngoài ra, các tổ chức, cơ quan quản lý báo chí, tòa soạn cần chủ động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khai thác, xử lý thông tin liên quan đến dịch bệnh cho phóng viên, biên tập viên.

– Trân trọng cảm ơn ông./.

Thực hiện:

Sơn Bách – Phương Mai – Minh Sơn – Phan Lâm