‘Kháng sinh liều cao’

vnapotalso-1585898748-54.jpg

Nước Đức đang phải đối mặt với thử thách nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2. Dịch COVID-19 đang “càn quét” khắp thế giới và một nền kinh tế mạnh như Đức cũng đang lao đao tìm cách chống đỡ bằng những biện pháp được coi là chưa từng có, cả về hành chính lẫn kinh tế. Câu hỏi đặt ra là liệu những biện pháp cứu trợ khổng lồ của Đức có đưa nền kinh tế đầu tàu châu Âu vượt qua được cơn khủng hoảng hiện nay hay không.

Thận trọng hành động

Nếu là một người quan sát đứng bên ngoài nước Đức, có lẽ bạn sẽ cảm thấy số ruột vì cách ứng phó dịch có vẻ lề mề, chậm dề dề như bánh xích quay vòng của “cỗ xe tăng.” Đừng vội trách vì đó đích thị là tính cách Đức.

Trong mọi hoàn cảnh, họ luôn bình tĩnh để đối phó, không hoảng loạn và thận trọng trong giải quyết vấn đề. Trong suốt 15 năm nắm cương vị thủ tướng, bà Angela Merkel cũng đã phải đối mặt với không ít cuộc khủng hoảng lớn nhỏ, cả bên trong và bên ngoài, như khủng hoảng nợ công hay vấn đề người di cư, thế nhưng tuyệt nhiên người ta không thấy sự lo âu, bấn loạn trong những phát biểu hay quyết sách mà nhà lãnh đạo Đức đưa ra.

Với việc chưa lường hết mức độ lây lan cực nhanh của SARS-CoV-2, số ca nhiễm mới ở Đức đã từ vài người/ngày nhanh chóng thành vài trăm và hiện là vài nghìn người/ngày như hiện nay.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 lần này cũng vậy. Đức không vội vàng, bởi họ sở hữu tiềm lực cả về y tế lẫn kinh tế ít nước nào “đọ” được. Với hệ thống cơ sở chăm sóc tích cực hiện lên tới 28.000 giường và đang tiếp tục mở rộng thêm hàng chục nghìn giường, y tế của Đức được xếp vào loại nhất nhì thế giới về khả năng sẵn sàng ứng phó khi có đại dịch.

Và ngay cả việc dùng từ ngữ khi nói về COVID-19, giới chức Đức cũng rất lựa chọn, không dùng từ đại dịch để nói về tình trạng hiện nay ở nước này. Người Đức cũng vậy, họ có vẻ “coi nhẹ” virus SARS-CoV-2 khi cho rằng chủng virus Corona này không khác gì bệnh cúm thông thường mà hàng năm có tới cả trăm triệu người nhiễm và hàng trăm người tử vong.

Viện Vệ sinh dịch tễ Robert Koch của Đức mới nâng nguy cơ của COVID-19 từ mức “vừa phải” lên mức “cao.” Cũng chính vì cách tiếp cận vấn đề như vậy, cộng với việc chưa lường hết mức độ lây lan cực nhanh của SARS-CoV-2, số ca nhiễm mới ở Đức đã từ vài người/ngày nhanh chóng thành vài trăm và hiện là vài nghìn người/ngày như hiện nay.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Bonn, miền tây nước Đức, ngày 28/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Bonn, miền tây nước Đức, ngày 28/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Liều kháng sinh với nền kinh tế

Trước hậu quả khôn lường của dịch bệnh, Chính phủ liên bang và các bang của Đức đã nhanh chóng thông qua nhiều biện pháp cứng rắn bên cạnh việc tung ra một gói hỗ trợ khổng lồ, được ví như những “liều kháng sinh” đối với nền kinh tế, cụ thể là với các doanh nghiệp, người kinh doanh, các lao động và cả hệ thống y tế nước này đang sẵn sàng ứng phó với chiều hướng xấu của dịch bệnh những ngày tới.

Được Chính phủ đề xuất, Quốc hội Đức đã nhanh chóng thông qua gói các biện pháp bảo vệ nền kinh tế lớn nhất châu Âu với trị giá lên tới gần 1.100 tỷ euro (khoảng 1.200 tỷ USD). Quốc hội Đức cũng không có vướng mắc gì trong việc quyết định dỡ bỏ/nới lỏng trần nợ quốc gia, vốn ở mức dưới 100 tỷ euro hiện nay, lên 156 tỷ euro để rót tiền cho gói cứu trợ và bù số tiền thất thu thuế do dịch COVID-19 gây ra.

Chính phủ liên bang và các bang của Đức đã nhanh chóng thông qua nhiều biện pháp cứng rắn bên cạnh việc tung ra một gói hỗ trợ khổng lồ, được ví như những “liều kháng sinh” đối với nền kinh tế

Trong số các biện pháp trên, Chính phủ Đức thành lập Quỹ bình ổn kinh tế (WSF) 600 tỷ euro, trong đó cung cấp 400 tỷ euro hỗ trợ thanh khoản và bảo lãnh nợ của các tập đoàn, 100 tỷ euro cho trường hợp mua cổ phần hoặc quốc hữu hóa các tập đoàn và 100 tỷ euro hỗ trợ cho Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) trong vai trò cung cấp các chương trình tín dụng để giảm những tác động về kinh tế do dịch bệnh gây ra.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn, Chính phủ Đức cũng sẽ dành một gói 50 tỷ euro để hỗ trợ những đối tượng này. Ngoài ra, gói cứu trợ cũng bao gồm một khoản 3,5 tỷ euro để hỗ trợ hệ thống y tế, đặc biệt là các bệnh viện nhằm nâng cấp, mua sắm trang thiết bị, mở rộng cơ sở, đặc biệt là các giường chăm sóc tích cực.

Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 28/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 28/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong khi đó, với những công ty nhỏ, người tự kinh doanh, buôn bán lẻ…, Chính phủ Đức cũng sẽ dành khoảng 50 tỷ euro tài trợ trực tiếp trong 3 tháng, với tổng số tiền lên tới 15.000 euro. Với những đối tượng này, thủ tục kê khai nhận tiền sẽ được giản lược, chỉ cần chứng minh lý do gặp khó khăn (trong thanh toán) do dịch bệnh và tiền sẽ được hỗ trợ không phải hoàn lại.

Không chỉ với các doanh nghiệp, Quốc hội Đức cũng đã nhất trí nới lỏng/rút ngắn giờ làm cho người lao động để giảm tình trạng thất nghiệp. Theo đó, các chủ doanh nghiệp có thể chuyển sang chế độ “làm việc thời gian ngắn” khi họ không bố trí được đủ việc làm cho người lao động.

Nếu dịch diễn biến ngày một xấu và kéo dài thì khả năng phá sản của nhiều doanh nghiệp là điều khó tránh khỏi.

Theo quy định này, nếu có ít nhất 10% lao động của doangh nghiệp mất việc làm (trước đây là 1/3) thì chế độ làm việc thời gian ngắn sẽ được áp dụng. Nhà nước sẽ dành khoảng 10 tỷ euro để đảm nhận chi trả 60% lương (trường hợp có con nhỏ là 67% lương) cho thời gian làm việc bị rút ngắn và doanh nghiệp được nhà nước thanh toán khoản bảo hiểm xã hội cho người lao động. Hiện đã có 76.700 công ty chuyển chế độ làm việc theo thời gian ngắn này và Chính phủ Đức ước tính sẽ có khoảng 2,35 triệu lao động làm việc theo chế độ này.

Là quốc gia định hướng xuất khẩu và phụ thuộc vào xuất khẩu, những “ông lớn” của Đức trong làng xe hơi thế giới cũng đang phải hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng sản xuất ở nhiều khu vực, do nguồn cung cấp linh kiện bị gián đoạn và nhu cầu giảm.

Chưa rõ biện pháp nêu trên của Chính phủ Đức sẽ giúp cầm cự các doanh nghiệp đến đâu, bởi nếu dịch diễn biến ngày một xấu và kéo dài thì khả năng phá sản của nhiều doanh nghiệp là điều khó tránh khỏi.

Điểm “check in” Checkpoint Charlie cho du khách tới Berlin đã không còn một bóng người. Đây là “cửa khẩu” giữa hai miền Đông và Tây Berlin trong Chiến tranh Lạnh. Ảnh chụp chiều 24/3/2020. (Ảnh: Mạnh Hùng-P/v TTXVN tại Đức)
Điểm “check in” Checkpoint Charlie cho du khách tới Berlin đã không còn một bóng người. Đây là “cửa khẩu” giữa hai miền Đông và Tây Berlin trong Chiến tranh Lạnh. Ảnh chụp chiều 24/3/2020. (Ảnh: Mạnh Hùng-P/v TTXVN tại Đức)

Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa của Đức, ông Eckhard Schwarzer, hàng loạt doanh nghiệp quy mô vừa của Đức có thể phá sản bất chấp gói cứu trợ hàng tỷ euro của chính phủ.

Theo ông, việc các doanh nghiệp quy mô vừa không thể kiếm được một đồng cắc nào là điều chưa từng xảy ra. Các nhà bán lẻ đồ nội thất, dệt may, thời trang, giày dép, các siêu thị DIY… đang như ngồi trên đống lửa.

Ông Schwarzer cho rằng, nhiều doanh nghiệp không thể cầm cự lâu hơn được nữa, và thời điểm đó có thể chỉ còn tính bằng ngày, chứ không còn là vài tuần nữa.

Dịch COVID-19 sẽ gây thiệt hại hàng trăm tỷ euro cho nền kinh tế Đức.(Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo)

Trong khi đó, các nhà phân tích cũng cảnh báo nguy cơ Đức bị suy thoái là điều khó tránh, mặc dù Chính phủ Đức khẳng định sẽ thực hiện các biện pháp để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.

Theo nhận định của Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo, dịch COVID-19 sẽ gây thiệt hại hàng trăm tỷ euro cho nền kinh tế Đức. Chủ tịch Ifo Clemens Fuest cho rằng thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra với nền kinh tế Đức sẽ cao hơn nhiều so với những gì mà nước này từng phải hứng chịu trong các cuộc khủng hoảng kinh tế hay thiên tai những thập kỷ gần đây.

Theo tính toán của Ifo, bất chấp gói cứu trợ khổng lồ của chính phủ, nền kinh tế Đức vẫn sẽ thiệt hại từ 7-20% GDP, tương đương từ 255-729 tỷ euro (khoảng 780 tỷ USD) và mất khoảng 1 triệu việc làm. Mới đây, Ngân hàng Deutsche Bank dự báo dịch COVID-19 sẽ gây thiệt hại cho nước Đức tới 1.500 tỷ euro khi dịch bệnh này đang lan rộng khắp thế giới và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài chính.

Một quán ăn nhanh trên đường Unter den Linden ngay trước Cổng thành Brandenburger Tor ở Berlin đã phải ngừng hoạt động. (Ảnh: Mạnh Hùng – P/v TTXVN tại Đức)
Một quán ăn nhanh trên đường Unter den Linden ngay trước Cổng thành Brandenburger Tor ở Berlin đã phải ngừng hoạt động. (Ảnh: Mạnh Hùng – P/v TTXVN tại Đức)

Nhóm chuyên gia kinh tế của Chính phủ Đức cũng công bố báo cáo đánh giá về hậu quả kinh tế do dịch COVID-19 gây ra, theo đó nền kinh tế đầu tàu châu Âu có thể giảm từ 2,8-5,4% trước khi phục hồi vào năm 2021.

Chưa rõ gói hỗ trợ được ví như “kháng sinh liều cao” mà Chính phủ Đức tung ra sẽ giúp nền kinh tế đầu tàu châu Âu chống đỡ ra sao với cơn lũ quét COVID-19, song một thực tế là dịch bệnh, đã, đang và sẽ tiếp tục gây những xáo trộn rất lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống xã hội, tới mọi ngành nghề của nền kinh tế.

Sức “kháng thể,” nếu có, cũng chỉ kéo dài tới một giới hạn nhất định. Chính phủ Đức biết điều đó và thừa nhận gói cứu trợ này cũng chỉ là bước đầu tiên trong tiến trình đưa nền kinh tế Đức trở lại quỹ đạo./.