Dự đoán chính xác dịch COVID-19 ở Trung Quốc

Levitt dự đoán rằng tổng số ca mắc COVID-19 được xác nhận tại Trung Quốc sẽ rơi vào khoảng 80.000, trong đó có 3.250 ca tử vong.

Michael Levitt, nhà vật lý sinh học giành giải thưởng Nobel của đại học Stanford đã bắt đầu phân tích số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới trong tháng 1 và tính được chính xác rằng Trung Quốc sẽ vượt qua giai đoạn dịch bệnh bùng phát tồi tệ nhất sớm hơn so với mốc thời gian được nhiều chuyên gia y tế dự đoán.

Hiện tại, ông cũng thấy trước kết quả tương tự tại Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới.

Mặc dù nhiều nhà nghiên cứu dịch bệnh cảnh báo rằng thế giới sẽ trải qua một sự gián đoạn xã hội lớn trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, với hàng triệu người chết, Levitt cho biết các dữ liệu đơn thuần không ủng hộ một kịch bản thảm khốc như vậy – nhất là ở những khu vực đang áp dụng các biện pháp cách ly xã hội một cách hợp lý.

“Chúng ta cần kiểm soát sự hoảng loạn,” ông nói. Trong bức tranh lớn, “chúng ta sẽ ổn thôi.”

Dự đoán ‘chính xác’ về dịch COVID-19 ở Trung Quốc

Đây là những gì Levitt nhận thấy tại Trung Quốc: Ngày 31/1, quốc gia này có 46 ca tử vong do virus corona chủng mới. Một ngày trước đó, con số này là 42.

Mặc dù số ca tử vong tăng lên mỗi ngày, tỷ lệ gia tăng đã bắt đầu giảm bớt. Theo quan điểm của Levitt, việc các ca nhiễm mới được phát hiện với tốc độ chậm hơn nói lên nhiều điều hơn so với bản thân số lượng các ca nhiễm mới. Đó là dấu hiệu ban đầu cho thấy quỹ đạo bùng phát đã có sự thay đổi.

Theo ông, dịch bệnh giống như một chiếc ôtô chạy trên đường cao tốc. Mặc dù chiếc xe vẫn sẽ tăng tốc, nhưng độ tăng tốc về sau sẽ không còn nhanh như lúc đầu.

Bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán. (Ảnh: AFP)
Bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán. (Ảnh: AFP)

“Điều này cho thấy rằng tỷ lệ gia tăng số ca tử vong sẽ giảm xuống thêm trong tuần tới,” Levitt viết trong một báo cáo gửi cho bạn bè hôm 1/2. Báo cáo này sau đó đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội ở Trung Quốc. Không lâu sau, ông dự đoán rằng số người tử vong sẽ giảm đi từng ngày.

Ba tuần sau, Levitt chia sẻ với tờ China Daily News rằng tốc độ tăng trưởng của virus đã đạt đỉnh điểm. Ông dự đoán rằng tổng số ca mắc COVID-19 được xác nhận tại Trung Quốc sẽ rơi vào khoảng 80.000, trong đó có 3.250 ca tử vong.

Dịch bệnh giống như một chiếc ôtô chạy trên đường cao tốc. Mặc dù chiếc xe vẫn sẽ tăng tốc, nhưng độ tăng tốc về sau sẽ không còn nhanh như lúc đầu.

Dự báo này sau đó được chứng minh là chính xác đến ngạc nhiên: Tính đến ngày 16/3, Trung Quốc đã có tổng cộng 80.298 ca mắc và 3.245 ca tử vong – quốc gia này có gần 1,4 tỷ dân và mỗi năm có khoảng 10 triệu người chết. Số lượng bệnh nhân mới được xác nhận đã giảm xuống còn 25 ca một ngày, và không có trường hợp lây lan trong cộng đồng nào được ghi nhận tính từ 18/3.

Chủ nhân giải Nobel Hóa học năm 2013 với công trình phát triển các mô hình hệ thống hóa học phức tạp đang nhìn thấy những bước ngoặt tương tự tại các quốc gia khác, kể cả những nơi không áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt như Trung Quốc.

Ông đã phân tích dữ liệu từ 78 quốc gia có hơn 50 ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày và nhận thấy “những dấu hiệu của sự phục hồi” tại nhiều nơi. Ông không tập trung vào tổng số ca bệnh ở mỗi nước, mà xem xét số ca nhiễm mới được phát hiện mỗi ngày, và đặc biệt là sự thay đổi về số lượng từ ngày này sang ngày khác.

“Các con số vẫn gây nhiễu, nhưng đã có những dấu hiệu rõ ràng về sự chững lại.”

Một bệnh nhân được điều trị khỏi COVID-19 xúc động khi rời bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán. (Ảnh: THX)
Một bệnh nhân được điều trị khỏi COVID-19 xúc động khi rời bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán. (Ảnh: THX)

Lấy ví dụ, ở Hàn Quốc, các trường hợp mới được xác nhận được gộp vào tổng số các ca nhiễm trên toàn quốc mỗi ngày, nhưng số liệu hàng ngày đã giảm trong những tuần gần đây, duy trì ở mức dưới 200. Điều đó cho thấy sự bùng phát dịch bệnh ở đây có thể đã dịu xuống.

Ở Iran, trong tuần trước, số ca mắc COVID-19 mới được xác nhận mỗi ngày không có sự đột biến, từ 1.053 ca hôm 16/3 đến 1.028 ca hôm 22/3. Theo Levitt, mặc dù vẫn còn rất nhiều ca bệnh mới, nhưng mô hình này cho thấy đợt bùng phát “đã qua mốc nửa đường.”

Ngăn chặn các đợt sóng lây nhiễm mới

Tuy nhiên, tại Italy, các con số này dường như vẫn đang trong đà tăng lên. Số lượng các ca nhiễm mới được xác nhận tăng lên gần như mỗi ngày trong tuần vừa qua.

Ở những nơi đã phục hồi sau đợt bùng phát đầu tiên, các quan chức vẫn phải dè chừng với khả năng rằng virus corona có thể quay lại. Trung Quốc hiện đang chiến đấu để ngăn chặn các đợt sóng lây nhiễm mới đến từ những khu vực mà virus đang lây lan ngoài tầm kiểm soát. Các quốc gia khác cũng đang phải đối mặt với vấn đề tương tự.

Levitt thừa nhận rằng các con số của ông có phần lộn xộn, và số lượng các ca bệnh chính thức được công bố tại nhiều khu vực là quá thấp vì hoạt động xét nghiệm diễn ra lẻ tẻ.

Trung Quốc hiện đang chiến đấu để ngăn chặn các đợt sóng lây nhiễm mới đến từ những khu vực mà virus đang lây lan ngoài tầm kiểm soát. Các quốc gia khác cũng đang phải đối mặt với vấn đề tương tự.

Nhưng ngay cả với những dữ liệu không đầy đủ, “một sự suy giảm nhất quán có nghĩa là có sự tồn tại của một yếu tố nào đó không phải là tính gây nhiễu của các con số,” ông nhận định.

Nói cách khác, chừng nào mà những lý do khiến cho việc thống kê không chính xác số lượng ca bệnh còn tồn tại, việc so sánh số liệu mỗi ngày vẫn có ích.

Du thuyền Diamond Princess tại cảng Yokohama, Nhật Bản,ngày 19/2. (Ảnh: THX)
Du thuyền Diamond Princess tại cảng Yokohama, Nhật Bản,ngày 19/2. (Ảnh: THX)

Quỹ đạo của các ca tử vong ủng hộ những phát hiện của ông, vì nó đi theo các xu hướng cơ bản tương tự như các ca nhiễm mới được xác định. Dữ liệu từ các đợt bùng phát trong các môi trường khép kín, ví dụ như ổ dịch trên tàu Diamond Princess cũng vậy. Trong số 3.711 người trên tàu, có 712 người nhiễm bệnh, và 8 người tử vong.

Thử nghiệm bất đắc dĩ về sự lây lan của virus corona này sẽ giúp các nhà nghiên cứu ước tính được số ca tử vong sẽ xảy ra trong một quần thể bị lây nhiễm trọn vẹn, Levitt chia sẻ.

Ví dụ, dữ liệu của tàu Diamond Princess đã giúp ông ước tính được rằng việc tiếp xúc với virus corona chủng mới làm tăng gấp đôi rủi ro tử vong của một người trong hai tháng tiếp theo. Hầu hết mọi người có nguy cơ tử vong trong hai tháng cực kỳ thấp, vì thế ngay cả khi bị tăng gấp đôi, rủi ro này cũng vẫn rất nhỏ.

Nicholas Reich, một nhà thống kê sinh học thuộc Đại học Massachusetts Amherst cho biết phân tích này gợi lên nhiều suy nghĩ.

Các yêu cầu cách ly xã hội đóng vai trò rất quan trọng – đặc biệt là lệnh cấm tụ tập đông người – vì chủng virus này mới đến nỗi con người chưa hình thành miễn dịch với nó, và vắc xin vẫn là câu chuyện của nhiều tháng tới.

“Thời gian sẽ chứng minh những dự đoán của Levitt có đúng hay không,” Reich chia sẻ. “Tôi nghĩ rằng việc có nhiều chuyên gia cùng chia sẻ quan điểm của họ sẽ giúp những người ra quyết định tránh được những quyết định khó khăn mà họ sẽ phải đối mặt trong những tuần và những tháng sắp tới.”

Levitt cho biết ông đồng tình với những lời kêu gọi áp dụng các biện pháp mạnh để chống lại sự bùng phát dịch bệnh. Các yêu cầu cách ly xã hội đóng vai trò rất quan trọng – đặc biệt là lệnh cấm tụ tập đông người – vì chủng virus này mới đến nỗi con người chưa hình thành miễn dịch với nó, và vắc xin vẫn là câu chuyện của nhiều tháng tới. “Đây không phải là lúc để bạn ra ngoài tụ tập với bạn bè,” ông nói.

Tiêm phòng chống bệnh cúm cũng là một biện pháp quan trọng, vì một đợt bùng phát virus corona giữa dịch cúm rất có thể sẽ làm quá tải các bệnh viện và làm tăng nguy cơ không phát hiện được virus corona. Levitt cho rằng đây có lẽ là một yếu tố dẫn đến tình hình hiện tại ở Italy – quốc gia này có phong trào chống vắc xin mạnh mẽ.

Italy hạn chế người dân ra đường nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. (Ảnh: AFP)
Italy hạn chế người dân ra đường nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. (Ảnh: AFP)

Nhưng, ông cũng chỉ trích giới truyền thông vì đã gây ra sự hoảng loạn không cần thiết bằng cách tập trung đưa tin về sự gia tăng không ngừng tổng số ca nhiễm bệnh và về những người nổi tiếng đã dương tính với virus.

Ở chiều ngược lại, theo số liệu của Trung tâm phòng ngừa dịch bệnh CDC, bệnh cúm đã ảnh hưởng đến 36 triệu người Mỹ từ tháng 9 năm ngoái và khiến 22.000 người tử vong, nhưng những ca tử vong này hầu như không được đưa tin.

“Chưa phải là tận thế”

Levitt lo ngại rằng các biện pháp y tế công cộng đã dẫn đến sự đình trệ của nhiều ngành kinh tế có thể gây ra thảm họa y tế riêng của chúng, giống như bị mất việc dẫn đến đói nghèo và mất hy vọng. Một lần nữa, các nhà nghiên cứu lại chứng kiến tỷ lệ tự sát tăng lên khi nền kinh tế đi xuống.

Virus chỉ có thể phát triển theo cấp số nhân khi nó không bị phát hiện và không ai hành động để kiểm soát nó, Levitt chia sẻ. Đó là những gì đã xảy ra ở Hàn Quốc hồi tháng trước, khi dịch bệnh lây lan trong một giáo phái khép kín và từ chối khai báo bệnh tật.

“Mọi người cần được ca ngợi như những anh hùng khi công khai rằng họ bị nhiễm virus,” ông nói.

Mục tiêu đặt ra là phải phát hiện sớm hơn – không chỉ bằng xét nghiệm mà có lẽ bằng cả việc giám sát thân nhiệt, điều mà Trung Quốc đang thực hiện – và lập tức cách ly xã hội.

Mặc dù tỷ lệ tử vong do COVID-19 dường như cao hơn so với bệnh cúm, Levitt cho rằng đó “chưa phải là tận thế.”

“Tình hình thực sự không tồi tệ như nó đang tỏ ra đâu,” ông nói.

Tiến sỹ Loren Miller, một bác sỹ kiêm nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Đổi mới Y sinh Lundquist tại Trung tâm Y tế Harbor-UCLA cho biết vẫn còn quá sớm để rút ra bất kỳ kết luận nào – tích cực hay ảm đạm – về diễn biến dịch bệnh.

“Có rất nhiều sự không chắc chắn lúc này,” ông nói. “Ở Trung Quốc, dịch bệnh đã được ngăn chặn từ sớm và nhanh chóng. Ở Mỹ, điều đó có thể đã hoặc chưa xảy ra. Chúng ta chưa thể biết được.”

Nhân viên y tế được điều động tới Vũ Hán để điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 trở về quê hương sau khi hoàn thành nhiệm vụ. (Ảnh: THX)
Nhân viên y tế được điều động tới Vũ Hán để điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 trở về quê hương sau khi hoàn thành nhiệm vụ. (Ảnh: THX)