Giải quyết đầu ra cho nông sản

ttxvnbanht-1584690380-4.jpg

Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất; năng suất và sản lượng nông sản không ngừng tăng lên, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, phần lớn nông sản Việt Nam đang được tiêu thụ, xuất khẩu dưới dạng thô, tươi sống với giá trị thấp và dễ gặp rủi ro. Trong bối cảnh đó, thúc đẩy tiêu thụ nội địa và chế biến được coi là chìa khóa giúp nâng cao giá trị và đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản.

Những tháng đầu năm 2020, hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng đã gánh chịu những thiệt hại không nhỏ từ dịch COVID-19. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới góp phần tiêu thụ nông sản cho người nông dân và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Xuất khẩu tươi gặp khó

Theo số liệu của Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 2/2020 đạt 200 triệu USD, giảm 28,8% so với tháng 1 và giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 481 triệu USD, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết thị trường Trung Quốc chiếm tới 60-70% kim ngạch xuất khẩu rau quả hằng năm của Việt Nam, song do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên có thời điểm việc xuất khẩu sang thị trường này bị gián đoạn.

Đến nay, mặc dù hoạt động thương mại đã được nối lại nhưng do yêu cầu kiểm soát dịch bệnh và sức tiêu thụ giảm nên sản lượng và giá trị xuất khẩu nhiều loại rau quả tươi vẫn còn thấp dẫn đến nhiều mặt hàng như thanh long, dưa hấu, sầu riêng… bị ứ đọng. Nếu dịch bệnh kéo dài thì kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm nay có thể bị sụt giảm đáng kể.

Chế biến thanh long để xuất khẩu. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)
Chế biến thanh long để xuất khẩu. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, trong khi thanh long có thể xuất khẩu sang một số thị trường khác ngoài Trung Quốc thì dưa hấu, sầu riêng… chỉ mới xuất khẩu sang Trung Quốc, do đó khi thị trường Trung Quốc gặp sự cố, một lượng lớn dưa hấu Việt Nam bị ứ đọng và đang phải hỗ trợ tiêu thụ.

Mặc dù chưa vào chính vụ nhưng nhiều nhà vườn trồng sầu riêng đã bắt đầu lo lắng. Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Xuân Định, tỉnh Đồng Nai thông tin hiện nay, sầu riêng đang ra trái hàng loạt, dự tính vài tháng nữa sẽ cho thu hoạch số lượng lớn. Đáng chú ý, đầu ra của các vùng trồng sầu riêng lớn hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào thương lái thu mua xuất đi Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Nếu giao thương khó khăn và thị trường Trung Quốc không sớm khôi phục sức mua thì khả năng sầu riêng vào vụ chính cũng gặp tình trạng tương tự như dưa hấu hiện nay.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng với tình hình dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng và diễn biến phức ở nhiều khu vực, trong đó có các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Đông Á, châu Âu…, xuất khẩu nông sản, rau quả tươi sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong những tháng tới.

Mặt khác, do trình độ canh tác của nông dân Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo tiêu chuẩn nên sản phẩm nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhiều nước, vì vậy việc tìm kiếm thị trường thay thế trong thời gian ngắn là chưa khả thi.

Trong bối cảnh hiện nay, nông dân cần nắm chắc diễn biến dịch bệnh để điều tiết sản xuất, thực hiện rải vụ, cân đối cung cầu, tránh dư thừa sản lượng gây ứ đọng cục bộ.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng khuyến cáo nhà vườn cân nhắc quy mô sản xuất, chỉ canh tác “cầm chừng” đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước để giữ giá cho nông sản. Đây cũng là thời gian người dân nên cho đất nghỉ ngơi, phục hồi dinh dưỡng đến khi dịch bệnh qua đi và nhu cầu thị trường phục hồi có thể tăng cường sản xuất.

Khi doanh nghiệp thực phẩm vào cuộc

Thời gian gần đây, các sản phẩm bún dưa hấu, bánh tráng thanh long đang được nhiều người tiêu dùng quan tâm tìm mua bởi màu sắc bắt mắt và hương vị trái cây đặc biệt. Đó là sản phẩm mới của Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Thực phẩm Duy Anh, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Anh Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Thực phẩm Duy Anh cho biết xuất phát từ việc mua dưa hấu, thanh long ủng hộ các vựa trái cây tiêu thụ nông sản, anh đã nảy ra ý tưởng thử dùng nước ép dưa hấu và thanh long vào sản xuất bún, bánh tráng để gia tăng hương vị và màu sắc cho sản phẩm.

Dưa hấu, thanh long thu mua trực tiếp từ nông dân ở Long An, Gia Lai và Bình Thuận, sau khi gọt vỏ, bỏ hạt, được ép lấy nước cốt, dùng thay thế một phần nước trong công thức chế biến bún khô và bánh tráng. Bún được làm từ bột gạo và nước cốt dưa hấu màu đỏ sau khi sấy khô lại cho ra màu cam lạ mắt, khi chế biến có mùi thơm của dưa hấu. Trong khi đó, bánh tráng thanh long được làm từ bột gạo và nước ép thanh long ruột đỏ cho ra sản phẩm có màu hồng bắt mắt và vị ngọt nhẹ.

Sản xuất bún dưa hấu tại Công ty Thực phẩm Duy Anh. (Ảnh: TTXVN)
Sản xuất bún dưa hấu tại Công ty Thực phẩm Duy Anh. (Ảnh: TTXVN)

“Là một doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, Duy Anh sản xuất bún dưa hấu, bánh tráng thanh long không chỉ vì muốn ‘giải cứu’ nông sản trong ngắn hạn mà xem đó là một chiến lược phát triển sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao cho doanh nghiệp. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn trong việc chế biến món ăn”, anh Lê Duy Toàn chia sẻ.

Trung bình mỗi ngày, công ty Duy Anh đang tiêu thụ từ 1-1,2 tấn dưa hấu và 300kg thanh long ruột đỏ vào việc chế biến bún và bánh tráng. So với các sản phẩm bún khô, bánh tráng truyền thống (làm từ bột gạo và nước) thì chi phí sản xuất bún dưa hấu, bánh tráng thanh long cao hơn khoảng 30%.

Tuy nhiên, sau một thời gian đưa ra thị trường, các sản phẩm này nhận được phản hồi rất tích cực từ cả người tiêu dùng trong nước lẫn nước ngoài. Hiện nay, Công ty Duy Anh đã nhận được đơn hàng xuất khẩu bún dưa hấu, bánh tráng thanh long đi Hàn Quốc, Canada, Mỹ…

Ngoài Công ty Duy Anh, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản bằng công nghệ chế biến. Bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ bột mỳ (Vikybomi) thông tin doanh nghiệp này đã hoàn thiện công thức sản xuất các sản phẩm từ bột mì kết hợp với các loại trái cây như thanh long, dưa hấu.

Theo bà Huỳnh Kim Chi, thời gian gần đây, khi nhiều loại nông sản tươi bị ứ đọng, giá nông sản giảm sâu do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bà và các chuyên gia chế biến của công ty đã nghiên cứu công thức và làm thử nghiệm các sản phẩm bánh mì da beo kết hợp với thanh long ruột đỏ, mỳ tươi thanh long…

Các sản phẩm này đã được giới thiệu ra thị trường để thăm dò ý kiến người tiêu dùng và nhận được phản hồi rất tích cực, đặc biệt là mì tươi thanh long hiện rất hút khách.

Việc doanh nghiệp mạnh dạn nghiên cứu và cho ra sản phẩm chế biến mới từ các loại nông sản là “điểm sáng” trong bối cảnh cả nền kinh tế phải  gồng mình ứng phó với dịch COVID-19 

“Do đặc thù là nhà cung cấp nguyên liệu nên sắp tới, chúng tôi sẽ không trực tiếp chế biến và phân phối bánh mì thanh long, mỳ tươi thanh long mà sẽ chuyển giao miễn phí công thức sản xuất các sản phẩm trên đến các doanh nghiệp chế biến có nhu cầu phát triển sản phẩm. Như vậy, số lượng nông sản được tiêu thụ sẽ tăng thêm nhiều lần so với mức khoảng 500-600kg thanh long/ngày hiện nay của công ty. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm các công thức chế biến sản phẩm mới từ nông sản để góp phần hỗ trợ bà con nông dân,” bà Chi chia sẻ.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá việc doanh nghiệp mạnh dạn nghiên cứu và cho ra sản phẩm chế biến mới từ các loại nông sản là “điểm sáng” trong bối cảnh cả nền kinh tế phải gồng mình tìm cách ứng phó với dịch COVID-19. Những ý tưởng trên không chỉ hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản mà còn tạo ra sự đa dạng, phong phú về chủng loại sản phẩm. Đó cũng là minh chứng cho thấy tính nhạy bén và khả năng sáng tạo của doanh nghiệp trong việc biến khó khăn, thách thức thành cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình.

Đóng gói bún dưa hấu tại Công ty Thực phẩm Duy Anh. (Ảnh: TTXVN)
Đóng gói bún dưa hấu tại Công ty Thực phẩm Duy Anh. (Ảnh: TTXVN)

Mặc dù những mô hình, ý tưởng đưa nông sản vào các sản phẩm truyền thống của một số doanh nghiệp thực phẩm đã tạo nên tín hiệu lạc quan nhưng khó có thể tiêu thụ hết lượng nông sản tồn đọng hiện tại và bao tiêu được toàn bộ nông sản sản xuất thời gian tới. Do đó, chìa khóa giải quyết đầu ra lâu dài cho nông sản phải là thúc đẩy tiêu thụ nội địa và đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến một cách bài bản.

Tổ chức sản xuất-tiêu thụ hợp lý

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng nhu cầu tiêu thụ nông sản, rau quả trong nước là rất lớn nhưng do hiệu ứng từ quá trình hội nhập, vẫn có hiện tượng doanh nghiệp mải mê với xuất khẩu mà ít quan tâm tới thị trường trong nước. Đến khi xuất khẩu gặp vấn đề, doanh nghiệp mới loay hoay tìm về sân nhà thì đã phải cạnh tranh với rất nhiều sản phẩm ngoại nhập.

“Người sản xuất và cả doanh nghiệp thương mại cần thay đổi quan niệm cho rằng thị trường trong nước là thị trường ‘dễ tính,’ yêu cầu chất lượng thấp. Thực tế hiện nay, người dân rất quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm và có nhu cầu sử dụng sản phẩm chất lượng cao, đó là lý do ngày càng nhiều sản phẩm nhập khẩu được ưa chuộng,” ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Người sản xuất và cả doanh nghiệp thương mại cần thay đổi quan niệm cho rằng thị trường trong nước là thị trường ‘dễ tính,’ yêu cầu chất lượng thấp

Các chuyên gia khuyến cáo trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhu cầu tiêu dùng ở một số thị trường giảm cục bộ do việc giao thương bị hạn chế, các địa phương cần tổ chức sản xuất theo hình thức rải vụ, áp dụng các kỹ thuật để điều tiết cân đối nguồn cung hợp lý.

Ví dụ như cây thanh long rất dễ để điều tiết sản lượng, mùa vụ theo chu kỳ chiếu đèn, tùy vào nhu cầu thị trường cần tổ chức chiếu đèn luân phiên để cân đối cung cầu, giữ được giá bán và lợi nhuận cho người nông dân. Nhưng việc rải vụ, điều tiết sản xuất phải được phối hợp thực hiện giữa nhiều địa phương mới mang lại hiệu quả cao.

Thông tin về tiềm năng tiêu thụ trong nước, ông Nguyễn Vũ Toàn, Giám đốc kinh doanh hàng Thực phẩm Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết nhu cầu sử dụng rau củ quả của người dân Việt Nam ngày càng tăng.

Trung bình, mỗi ngày hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm của Saigon Co.op ghi nhận mức tiêu thụ hơn 200 tấn rau củ quả. Nếu cộng dồn khối lượng tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị bán lẻ khác thì con số sẽ cao hơn nhiều lần, nhưng số lượng này cũng mới phản ánh khoảng 15 -20% tổng nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa vì kênh phân phối chợ truyền thống vẫn đang chiếm hơn 80% thị phần.

Người dân tập trung mua sầu riêng 'giải cứu' cho nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ngày 17/2/2020 tại thành phố Hưng Yên. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Người dân tập trung mua sầu riêng ‘giải cứu’ cho nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ngày 17/2/2020 tại thành phố Hưng Yên. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tuy nhiên, việc kết nối tiêu thụ nông sản của Việt Nam vẫn đang gặp nhiều thách thức, cụ thể, phần lớn nông sản được sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên thiếu sự đồng đều và khó kiểm soát được chất lượng. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật cả chủ động và bị động vẫn còn phổ biến khiến nông sản không đủ tiêu chuẩn tiếp cận các hệ thống phân phối hiện đại và làm giảm niềm tin của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng người dân đổ xô sản xuất theo phong trào một vài loại cây trồng mà không quan tâm đến đầu ra khiến sản lượng tăng vọt, cung vượt cầu, nông sản rớt giá.

Do đó, muốn thúc đẩy tiêu thụ nội địa, nông dân, doanh nghiệp cần tổ chức sản xuất hợp lý, dựa trên nhu cầu và tiêu chuẩn của thị trường, đảm bảo sự đồng đều và ổn đinh về chất lượng cũng như sản lượng; phải cắt giảm được chi phí trung gian trong việc thu mua, vận chuyển, bảo quản thì nông sản Việt Nam mới có thể cạnh tranh với nông sản nhập khẩu.

Đầu tư tương xứng cho chế biến

Bộ Công Thương dự báo trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, việc xuất khẩu các sản phẩm rau quả, nông sản tươi sẽ gặp khó khăn nhưng sản phẩm chế biến như đồ hộp, đông lạnh, rau củ sấy sẽ được tiêu thụ mạnh ở nhiều thị trường trong thời gian tới nhờ tiện lợi trong vận chuyển và tiêu dùng.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nêu thực tế hiện nay, tỷ lệ rau quả chế biến của Việt Nam mới chiếm khoảng 5% tổng sản lượng trồng được. Mặc dù công suất thiết kế các nhà máy chế biến có thể đạt 10% nhưng do nguồn nguyên liệu không tập trung, giá cả và chất lượng nguyên liệu không ổn định nên chưa vận hành hết công suất.

Thanh long được sơ chế để chế biến thành sản phẩm sấy dẻo ở nhà máy Nafood (huyện Đức Hòa, Long An). (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)
Thanh long được sơ chế để chế biến thành sản phẩm sấy dẻo ở nhà máy Nafood (huyện Đức Hòa, Long An). (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

“Chế biến nông sản của Việt Nam đang rất yếu vì chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này. Chỉ một số ít doanh nghiệp lớn đã đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại thì lại chưa có sự tương thích giữa cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu. Nhà máy chế biến chỉ có thể đặt cố định một chỗ nhưng vùng nguyên liệu lại phân tán trên diện rộng khiến việc thu mua nguyên liệu từ các hộ sản xuất nhỏ lẻ rất khó khăn. Điều này dẫn đến tình trạng khập khiễng khi chưa có nhà máy thì nông sản dư thừa không có nơi tiêu thụ nhưng khi đầu tư xây dựng nhà máy công suất lớn lại không đủ nguyên liệu để chế biến,” ông Đặng Phúc Nguyên phân tích.

Trong khi đó, bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Xuân Định (Đồng Nai) nêu vấn đề khi sản xuất đạt đến quy mô nhất định thì việc thu mua, tiêu thụ nông sản tươi không thể đảm bảo đầu ra ổn định cho người nông dân. Điển hình như tại Đồng Nai, dù các hợp tác xã có ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp thương mại nhưng khi vào vụ thu hoạch chính sầu riêng, chôm chôm, bơ… vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ do doanh nghiệp thu mua không kịp.

Nhà máy chế biến đặt cố định nhưng vùng nguyên liệu lại phân tán trên diện rộng khiến việc thu mua nguyên liệu từ các hộ sản xuất nhỏ lẻ rất khó khăn.

Thực tế là doanh nghiệp thu mua không có kho bảo quản, không có cơ sở chế biến mà chỉ thu gom phân phối, xuất khẩu tươi. Ngược lại, cũng vì thiếu kho dự trữ, bảo quản mà nhiều nhà máy chế biến chỉ hoạt động đúng công suất trong thời điểm thu hoạch chính vụ. Điều này khiến hiệu suất vận hành thấp, chi phí vận hành, khấu hao dây chuyền tăng lên.

Chính vì vậy, các chuyên gia nhấn mạnh để giải quyết các bất cập trên, thúc đẩy công nghiệp chế biến phát triển, ngành nông nghiệp cần tổ chức, quy hoạch lại họat động sản xuất theo hướng hàng hóa lớn, tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao; đồng thời, xây dựng các cụm liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ nông sản tại các khu vực có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi trong việc kết nối giao thông vận tải.

Song song với đó, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các kho bảo quản đạt tiêu chuẩn, giúp điều tiết nguồn cung và duy trì nguồn nguyên liệu thường xuyên phục vụ phát triển chế biến sâu./.