Hòa bình ở Afghanistan

Sau hàng chục năm sống trong xung đột và bạo lực, người dân Afghanistan đang đứng trước cơ hội có được nền “hòa bình thực sự” sau khi Mỹ và Taliban ký thỏa thuận lịch sử, mở đường cho tiến trình rút toàn bộ binh sỹ Mỹ khỏi quốc gia Tây Nam Á này trong 14 tháng tới.

Mặc dù thỏa thuận rút quân của Mỹ tại Afghanistan được đánh giá là bước đi quan trọng đầu tiên hướng tới hòa bình lâu dài tại Afghanistan, song vẫn còn rất nhiều ý kiến hoài nghi về tính khả thi của thỏa thuận.

Thỏa thuận rút quân này được kỳ vọng có thể dẫn tới một cuộc đối thoại giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban, mà nếu thành công, sẽ chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Mỹ ở Afghanistan kéo dài hơn 18 năm qua.

Tuy nhiên, chưa có gì bảo đảm sự khởi đầu này sẽ tạo bước ngoặt trên con đường gập ghềnh chông gai dẫn tới hòa bình ở Afghanistan.

Đại diện đặc biệt của Mỹ về hòa giải tại Afghanistan Zalmay Khalilzad (trái) và người đồng sáng lập Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar tại lễ ký thỏa thuận hòa bình ở Doha, Qatar ngày 29/2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đại diện đặc biệt của Mỹ về hòa giải tại Afghanistan Zalmay Khalilzad (trái) và người đồng sáng lập Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar tại lễ ký thỏa thuận hòa bình ở Doha, Qatar ngày 29/2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban ký kết ngày 29/2 tại thủ đô Doha của Qatar là kết quả của quá trình thương lượng suốt 2 năm với nhiều lần gián đoạn.

Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ bước đầu giảm quy mô hiện diện quân sự tại Afghanistan xuống còn 8.600 binh sỹ trong vòng 135 ngày kể từ khi ký kết thỏa thuận, trong trường hợp các điều kiện được đáp ứng.

Sau đợt rút quân đầu tiên này, Washington sẽ tiến tới rút toàn bộ binh sỹ và tiến trình này có thể kéo dài trong vòng 1 năm nếu mọi việc diễn ra thuận lợi.

Mỹ và Taliban cũng nhất trí thực hiện trao đổi tù nhân, theo đó khoảng 5.000 tù nhân Taliban và 1.000 tù nhân thuộc lực lượng an ninh Afghanistan sẽ được trao đổi trước ngày 10/3, trước khi diễn ra các cuộc đàm phán trong nội bộ quốc gia Tây Nam Á này.

Mỹ cũng cam kết dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Taliban và kêu gọi Liên hợp quốc có hành động tương tự. Đổi lại, Taliban cam kết đảm bảo Afghanistan sẽ không trở thành một căn cứ cho các cuộc tấn công khủng bố chống lại các lợi ích của phương Tây.

Binh sỹ Mỹ tuần tra tại tỉnh Nangarhar, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh sỹ Mỹ tuần tra tại tỉnh Nangarhar, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Văn kiện trên được ký trong bối cảnh Mỹ và Taliban vừa kết thúc một cách khá suôn sẻ việc thực thi thoả thuận giảm bạo lực trong vòng 7 ngày tại Afghanistan.

Thỏa thuận này có hiệu lực hôm 21/2, được xem là một phép thử nhằm tạo dựng lòng tin giữa Mỹ và Taliban, cũng như thăm dò khả năng Taliban có thể kiểm soát các thủ lĩnh của mình, từ đó tạo ra môi trường thuận lợi cho cuộc đối thoại trong nội bộ Afghanistan.

Mặc dù thỏa thuận được đánh giá là bước đi quan trọng đầu tiên hướng tới hòa bình lâu dài tại Afghanistan, song vẫn còn rất nhiều ý kiến hoài nghi về tính khả thi của thỏa thuận.

Ngay sau khi văn kiện này được ký, từ Kabul, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper lập tức cảnh báo rằng Washington sẽ không do dự hủy bỏ thỏa thuận nếu Taliban không thực hiện những đảm bảo an ninh cũng như cam kết đàm phán với Chính phủ Afghanistan.

Lời cảnh báo của ông Esper phản ánh mối lo ngại của Mỹ bởi trên thực tế không phải lúc nào lực lượng Taliban cũng tuân thủ các cam kết. Bằng chứng là trong suốt hai năm qua, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Taliban đã ít nhất 2 lần bị gián đoạn do các vụ tấn công của Taliban nhằm vào các binh sỹ Mỹ.

Toàn cảnh vòng đàm phán giữa phái đoàn Mỹ và phái đoàn Taliban tại Doha, Qatar, ngày 26/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh vòng đàm phán giữa phái đoàn Mỹ và phái đoàn Taliban tại Doha, Qatar, ngày 26/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bất chấp tiến trình đàm phán, năm 2019 chứng kiến số lượng kỷ lục những cuộc tấn công do Taliban và các nhóm chống đối khác tiến hành tại Afghanistan.

Sẽ chưa thể có hòa bình thực sự nếu không có đối thoại và hòa giải chính trị ở Afghanistan, bất kể lực lượng Mỹ có rút khỏi quốc gia này hay không.

Bên cạnh đó, Taliban đến nay cũng chưa có động thái nào cụ thể để hiện thực hóa cam kết cắt đứt các mối liên hệ với các tổ chức khủng bố như Al Qaeda, theo yêu cầu của Mỹ.

Bên cạnh đó, tiến trình hòa bình tại Afghanistan thuận lợi hay không còn phụ thuộc vào các kết quả đàm phán giữa Taliban và chính quyền Kabul. Trên thực tế phần khó khăn nhất trong tiến trình hòa bình Afghanistan chính là các cuộc đàm phán nội bộ ở quốc gia này.

Binh sỹ Mỹ tại căn cứ không quân Bagram, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh sỹ Mỹ tại căn cứ không quân Bagram, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nói cách khác, sẽ chưa thể có hòa bình thực sự nếu không có đối thoại và hòa giải chính trị ở Afghanistan, bất kể lực lượng Mỹ có rút khỏi quốc gia này hay không.

Taliban trước đây đã phản đối các cuộc đàm phán với Chính phủ Afghanistan và cho tới nay vẫn chưa công nhận vai trò đàm phán của Kabul trong một thỏa thuận hòa bình cuối cùng.

Trong khi đó, Chính phủ Afghanistan dù nhiều lần đề xuất đàm phán trực tiếp với Taliban, song Kabul luôn đặt điều kiện tiên quyết về thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt bạo lực.

Trong điều kiện hiện nay, bất ổn chính trị tại Afghanistan sau cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 9/2019 cũng có thể làm phức tạp tiến trình đàm phán. Theo kết quả bầu cử chính thức, chiến thắng thuộc về Tổng thống Ashraf Ghani, tuy nhiên, đối thủ chính của ông là Abdullah Abdullah – quan chức điều hành cấp cao của chính quyền Afghanistan – phản đối kết quả này và tuyên bố sẽ thành lập một chính phủ riêng.

Tranh cãi về kết quả bầu cử làm dấy lên nghi ngại về khả năng các phe phái ở Afghanistan có thể thành lập một chính phủ đoàn kết để ngồi cùng Taliban thảo luận về tương lai của đất nước.

Lực lượng an ninh Afghanistan tham gia chiến dịch truy quét phiến quân Taliban tại tỉnh Kunduz ngày 4/2/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Lực lượng an ninh Afghanistan tham gia chiến dịch truy quét phiến quân Taliban tại tỉnh Kunduz ngày 4/2/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thậm chí, ngay cả trong trường hợp cuộc đối thoại được chính thức khởi động, vẫn có nhiều vấn đề giữa Kabul và Taliban cần được giải quyết. Hai bên phải nhanh chóng tìm giải pháp cho vấn đề phóng thích các tay súng tù nhân Taliban và làm thế nào để đưa họ hòa nhập vào một quân đội quốc gia thống nhất.

Hiện Chính phủ Afghanistan vẫn chưa đồng ý việc trao đổi tù nhân theo thỏa thuận mà Taliban ký với Mỹ. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ngày 1/3 đã tuyên bố Kabul không cam kết trả tự do cho 5.000 tù nhân Taliban như thỏa thuận Mỹ-Taliban.

Ngoài ra, Chính phủ Afghanistan cũng khó chấp nhận đề xuất của Taliban về sửa đổi Hiến pháp theo quan điểm Hồi giáo.

Về phía Mỹ, giới quan sát quốc tế cho rằng dù tỏ ra lạc quan về thoả thuận hòa bình ký với Taliban, song Washington vẫn sẽ đối mặt với các thách thức an ninh và các mối đe dọa liên quan đến phiến quân tại Afghanistan, từ việc rút binh sĩ Mỹ về nước tới giải giáp các tay súng phiến quân.

Cựu cố vấn tham mưu trưởng liên quân Mỹ Carter Malkasian cảnh báo tình hình có thể thay đổi nếu như Mỹ rút quân trước khi Taliban và Chính phủ Afghanistan đạt được một thỏa thuận chính trị.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani phát biểu trong cuộc họp báo tại Kabul ngày 29/2/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani phát biểu trong cuộc họp báo tại Kabul ngày 29/2/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo ông, khi đó, Taliban sẽ nhận thấy sự thay đổi trong cân bằng lực lượng và không tuân thủ các cam kết. Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Michele Flournoy cũng cảnh báo nguy cơ Taliban đi ngược lại các cam kết về đảm bảo an ninh.

Bên cạnh những quan ngại trên, một thách thức lớn khác mà Mỹ sẽ phải tính đến là làm thế nào để các tay súng Taliban tái hòa nhập xã hội.

Cựu cố vấn về vấn đề Afghanistan dưới thời chính quyền các tổng thống Mỹ George W. Bush và Barack Obama cho rằng một thỏa thuận hòa bình lâu dài đòi hỏi phải hợp nhất các tay súng Taliban với các lực lượng vũ trang Afghanistan, song điều này không hề đơn giản.

Trong báo cáo gần đây, Tổng thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan (SIGAR) John Sopko nhấn mạnh rằng việc tái hòa nhập các tay súng là một quá trình phức tạp và mất nhiều thời gian.

Chính phủ Mỹ sẽ cần hỗ trợ tài chính lớn cho chương trình này, nếu không khoảng 60.000 tay súng Taliban sẽ có nguy cơ quay lại bạo lực.

Không ít ý kiến nhận định Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “vội vàng” đạt thỏa thuận rút binh sỹ Mỹ khỏi Afghanistan sau gần hai thập niên Washington sa lầy vào cuộc chiến nghìn tỷ USD với danh nghĩa “chống khủng bố” nhằm “ghi điểm” trước cuộc bầu cử tổng thống cuối năm nay, trong khi các điều kiện để thực thi thỏa thuận này thì chưa chín muồi.

Mặc dù thỏa thuận ngày 29/2 là bước khởi đầu suôn sẻ, song con đường tiếp theo sẽ phụ thuộc vào việc tất cả các bên liên quan kiên nhẫn và thiện chí đến mức độ nào đối với tiến trình chính trị tìm kiếm hòa bình ở Afghanistan./.

Đại diện đặc biệt của Mỹ về hòa giải tại Afghanistan Zalmay Khalilzad (trái) và người đồng sáng lập Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar tại lễ ký thỏa thuận hòa bình ở Doha, Qatar ngày 29/2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đại diện đặc biệt của Mỹ về hòa giải tại Afghanistan Zalmay Khalilzad (trái) và người đồng sáng lập Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar tại lễ ký thỏa thuận hòa bình ở Doha, Qatar ngày 29/2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)