Toàn cảnh

vnapotaldi-1580556030-100.jpg

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào đầu tháng 12/2019. Đến nay dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc.

Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào ngày 23/1. Đến ngày 1/2 đã có 6 trường hợp nhiễm virus corona và 153 trường hợp nghi ngờ, được theo dõi, cách ly tại nhiều tỉnh thành.

Bộ Y tế nhận định nguy cơ dịch do chủng mới của virus corona sẽ bùng phát, khi mà dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và lan rộng ra nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ngày 1/2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Tìm hiểu về virus corona

Theo Bộ Y tế, Coronaviruses (CoV) là một họ các virus có thể gây ra các bệnh lý của đường hô hấp trên và đường tiêu hóa ở người và một số loài động vật. Virus corona thường lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường hô hấp của người bệnh. Bệnh thường hay xảy ra vào mùa Đông và đầu mùa Xuân.

Ở người, virus corona có thể gây bệnh nhẹ từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh nghiêm trọng hơn như Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV) và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV). Chủng vi rút mới thuộc họ corona (2019-nCoV) là chủng mới chưa xác định trước đây ở người.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đã ghi nhận các trường hợp viêm phổi cấp do chủng virus corona mới.

(Nguồn: iStock)
(Nguồn: iStock)

Trường hợp bệnh đầu tiên khởi phát vào ngày 12/12/2019, tính đến ngày đến 16 giờ ngày 1/2/2020 thì số người mắc bệnh trên thế giới là 12.002 trường hợp, 259 người tử vong. 26 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc bệnh.

Những bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam

Kết quả giám sát từ ngày 14-20/1/2020, Việt Nam đã phát hiện 3 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đến từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng và Sân bay Quốc tế Cam Ranh. Các trường hợp này đã được loại trừ nhiễm 2019-nCoV và trở về Trung Quốc. Ngày 23/1/2020, Việt Nam ghi nhận 2 trường hợp nhập cảnh đến từ Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc có biểu hiện bệnh.

Coronaviruses (CoV) là một họ các virus có thể gây ra các bệnh lý của đường hô hấp trên và đường tiêu hóa ở người và một số loài động vật. Virus corona thường lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường hô hấp của người bệnh.

Trường hợp thứ nhất là người đàn ông sinh năm 1954, đi từ Vũ Hán (Trung Quốc) nhập cảnh vào Hà Nội ngày 13/1/2020, sau đó đến Nha Trang ngày 17/1/2020, đến Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/1/2020 và đến Long An ngày 20/1/2020. Bệnh nhân có sốt và ngày 22/1/2020 đến khám tại Bệnh viện Bình Chánh, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngày 23/1/2020, kết quả xét nghiệm bước đầu của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh dương tính với 2019-nCoV.

Trường hợp thứ hai là con trai của trường hợp thứ nhất, sinh năm 1992, đã ở Long An từ 4 tháng trước, có tiếp xúc gần với cha tại Nha Trang từ ngày 17/1/2020. Ngày 20/1/2020 có biểu hiện sốt, được khám, nhập viện Chợ Rẫy cùng ngày (22/1/2020) với cha. Ngày 23/1/2020, kết quả xét nghiệm bước đầu của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy bệnh nhân dương tính với nCoV.

Hiện cả 2 bệnh nhân trong tình trạng sức khỏe ổn định. Phân tích đặc điểm dịch tễ bước đầu cho thấy cả 2 trường hợp mắc bệnh đều là người Trung Quốc; trường hợp thứ nhất là ca bệnh xâm nhập từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Hai cha con người Trung Quốc bị nhiễm virus corona mới được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) đang tiếp tục điều trị tích cực với tiên lượng khả quan. (Nguồn: TTXVN phát)
Hai cha con người Trung Quốc bị nhiễm virus corona mới được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) đang tiếp tục điều trị tích cực với tiên lượng khả quan. (Nguồn: TTXVN phát)

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo tổ chức cách ly kịp thời, quản lý chặt chẽ, theo dõi điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, không để lây lan bệnh cho cán bộ y tế và người dân.

Ngay trong sáng 24/1/2020 (30 Tết), Bộ Y tế đã tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì với sự tham gia của các thành viên từ các Bộ, ngành liên quan, Tổ chức Y tế thế giới để đánh giá, thống nhất các biện pháp đáp ứng với dịch bệnh tại Việt Nam trong thời gian tới. Bộ này cũng có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố nơi 2 trường hợp bệnh từng đến để điều tra, lập danh sách, theo dõi sức khỏe những người tiếp xúc gần…

Theo thống kê, tính đến ngày 1/2/2020 Việt Nam đã có 6 trường hợp mắc 2019-nCoV. Trong đó gồm 2 cha con người Trung Quốc kể trên (1 người đã khỏi); 3 công dân Việt Nam trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc; 1 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc.

Số điện thoại của các bệnh viện người dân có thể gọi tới để được tư vấn về bệnh viêm đường hô hấp cấp.
Số điện thoại của các bệnh viện người dân có thể gọi tới để được tư vấn về bệnh viêm đường hô hấp cấp.

Bệnh nhân là lễ tân trên là nữ, 25 tuổi có địa chỉ thường trú tại xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Theo báo cáo giám sát dịch tễ học, bệnh nhân có tiếp xúc gần với 2 trường hợp người bệnh (người Trung Quốc) ngày 17/1/2020. Bệnh khởi phát ngày 18/1/2020 với triệu chứng ho, sốt và đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với 2019-nCoV (ngày 31/01/2020)…

Phun thuốc khử trùng tại một trường học ở Hà Nội. (Ảnh: Thanh Trùng/TTXVN)
Phun thuốc khử trùng tại một trường học ở Hà Nội. (Ảnh: Thanh Trùng/TTXVN)

Bình tĩnh, kiên quyết xử lý để bảo vệ sức khỏe nhân dân

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona đang lây nhiễm rất nhanh, nghiêm trọng và đã ở mức rất cao tại Trung Quốc. WHO đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Việt Nam có nguy cơ rất cao bùng phát dịch lớn do có đường biên giới dài với Trung Quốc, lưu lượng người qua lại, giao thương lớn, khách du lịch, lao động Việt Nam làm việc tại Trung Quốc và lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam đông.

Sáng 31/1 (giờ Việt Nam) WHO công bố dịch bệnh 2019-nCoV là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu (PHEIC).

Trong cuộc họp báo diễn ra lúc gần 3 giờ sáng 31/1 (giờ Việt Nam) ở Geneva (Thụy Sỹ), WHO công bố dịch bệnh 2019-nCoV là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu (PHEIC).

Trước tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp, chiều 27/1 (mùng 3 Tết), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona.

Tại cuộc họp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần bảo vệ sức khỏe người dân là quan trọng nhất. Thủ tướng đề nghị các cơ quan thảo luận, đưa ra các giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, gồm cả các biện pháp thế giới đã áp dụng và các biện pháp mới, để các ngành, địa phương triển khai tốt nhất, nhanh nhất, đồng bộ nhất để ngăn chặn hiệu quả hơn nữa, không để dịch lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Thủ tướng yêu cầu và đề nghị hệ thống chính trị tại tất cả 63 tỉnh, thành phố khẩn trương vào cuộc: “Chống dịch bệnh do virus corona gây ra như chống giặc.”

“Chính phủ chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân,” Thủ tướng nói và chỉ đạo tăng cường khâu giám sát, phát hiện mầm bệnh, đặc biệt là các cửa khẩu quốc tế đường không, đường thủy, đường bộ phải được trang bị máy đo thân nhiệt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Chính phủ triển khai nhiệm vụ sau Tết và phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra, ngày 30/1/2020. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Chính phủ triển khai nhiệm vụ sau Tết và phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra, ngày 30/1/2020. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Yêu cầu là chống dịch như chống giặc. Hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhất là các ngành chức năng và và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tiếp đó, ngày 28/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Chiều 30/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về triển khai nhiệm vụ sau Tết và phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp nói trên.

“Tất cả chúng ta phải bình tĩnh, kiên quyết xử lý để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân,” Thủ tướng nói. Các cấp, các ngành, địa phương đều phải có phương án cụ thể, cương quyết để sẵn sàng ứng phó khi có ca nhiễm xuất hiện ở các địa phương. Cần đề cao cảnh giác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tránh dịch 2019-nCoV lây lan diện rộng ở Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong.

Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch 2019-nCoV thường xuyên báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có biện pháp đồng bộ quyết liệt để ngăn chặn có hiệu quả dịch.

Hoan nghênh việc thành lập 45 đội phản ứng nhanh và khởi động kết nối 21 bệnh viện, sử dụng 4 bệnh viện Trung ương khi các cơ sở điều trị quá khả năng cho phép, Thủ tướng nhấn mạnh một số giải pháp như cấm hẳn đi lại ở đường mòn, lối mở; dừng việc đưa người Việt Nam sang Trung Quốc lao động trong lúc có dịch. Bộ Ngoại giao có phương án sơ tán công dân khi cần thiết. Tạm ngừng các hoạt động đưa tour du lịch qua lại giữa hai bên. Ngành hàng không không đưa, đón máy bay từ các điểm có dịch đến Việt Nam và ngược lại…

Thủ tướng cũng yêu cầu cần triển khai ngay các biện pháp kiểm soát y tế tại các cửa khẩu. Ngành y tế theo dõi sát sao sức khỏe công dân, lưu học sinh, khách du lịch từ Trung Quốc khi nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 15 ngày với tinh thần hạn chế đi lại. Các cấp, các ngành liên quan, các địa phương thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch 2019-nCoV tại địa phương do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh làm trưởng ban trên tinh thần chủ động, “4 tại chỗ.” Hạn chế tập trung đông người, hạn chế các lễ hội và khi chưa khai mạc đều phải xin ý kiến về việc có cần thiết hay không.Cảng Hàng không Nội Bài tăng cường công tác phòng dịch do virus nCoV

Cảng Hàng không Nội Bài tăng cường công tác phòng dịch do virus nCoV. (Ảnh: Phan Công/TTXVN phát)
Cảng Hàng không Nội Bài tăng cường công tác phòng dịch do virus nCoV. (Ảnh: Phan Công/TTXVN phát)

Thủ tướng đồng ý thành lập tại Văn phòng Chính phủ một tổ công tác trực tiếp phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để đôn đốc, kiểm tra, đề xuất cùng với Ban Chỉ đạo quốc gia để thúc đẩy làm nhanh hơn các chủ trương, biện pháp, sát thực tế, không để tình trạng chậm trễ xảy ra.

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Không gây hoang mang

Sáng 2/1, Bộ Y tế thông báo chính thức công bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phân tích, trước hàng loạt thông tin dịch bệnh, người dân cần bình tĩnh tìm hiểu các thông tin, khuyến cáo chính xác của Bộ Y tế cung cấp các phương án phòng chống dịch bệnh và áp dụng đúng cách, hiệu quả; các cơ quan truyền thông và nhân dân cần phản bác những thông tin sai sự thật, tin đồn… nhằm hạn chế căng thẳng, không gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Trước hàng loạt thông tin dịch bệnh, người dân cần bình tĩnh tìm hiểu các thông tin, khuyến cáo chính xác của Bộ Y tế để áp dụng đúng cách, hiệu quả.  

Liên quan đến vấn đề theo dõi và cách ly dịch bệnh tại các địa phương hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã nhắc lại kinh nghiệm thành công trong phòng chống đại dịch SARS năm 2003.

Các địa phương cần chú trọng công tác kiểm soát chặt chẽ các đối tượng, từ các đối tượng tiếp xúc gần người bệnh cho đến đối tượng trở về từ Trung Quốc; khi có ca bệnh, ngành Y tế địa phương tập trung giám sát chặt chẽ tất cả những người có tiếp xúc, khuyến cáo các đối tượng không đi đến nơi công cộng, đông người và thực hiện theo dõi sức khỏe hàng ngày.

Theo thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: “Bệnh xảy ra ở địa phương nào, cần khoanh vùng dập dịch và tập trung điều trị bệnh nhân tại địa phương đó. Trong trường hợp vượt quá khả năng sẽ đề nghị y tế tuyến trên hỗ trợ. Hạn chế vận chuyển bệnh nhân do trong quá trình vận chuyển rất dễ gây lây lan dịch bệnh.”

Ngày 1/2, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương phối hợp các sở, ngành liên quan thành lập dự trù kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) như phòng chống lụt bão…/.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV:

1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc; Hạn chế đến những nơi tụ tập đông người.

2. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.

3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

4. Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc các tỉnh/ thành phố khác của Trung Quốc đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

5. Khi phát hiện dịch bệnh cần thông tin, cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để giám sát, xử lý, ứng phó với dịch bệnh không để dịch bùng phát, lây lan.