Thực trạng doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn nợ bảo hiểm xã hội diễn ra ngày càng nhiều trong những năm gần đây. Trong khi những doanh nghiệp này đã không còn hoạt động, hàng trăm nghìn người lao động vẫn mắc kẹt với những khoản tiền nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, không được giải quyết các chính sách, khó khăn khi khoanh nợ, chốt sổ bảo hiểm xã hội để đi làm việc tại doanh nghiệp khác.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về biện pháp xử lý thực trạng này.
– Xin ông lý giải những nguyên nhân tại sao đến nay vẫn chưa thể xử lý tình trạng nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước tiên, đối với trường hợp doanh nghiệp phá sản, quy định pháp luật về phá sản doanh nghiệp quá phức tạp, kéo dài. Luật Phá sản chưa có quy định về thủ tục giải quyết án phá sản trong trường hợp vắng mặt người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, do đó còn khó khăn khi xử lý.
Đối với doanh nghiệp có chủ bỏ trốn thì Luật Doanh nghiệp lại chưa có quy định về vấn đề này; chưa có quy định về quy trình giải quyết các vấn đề liên quan đến tình trạng doanh nghiệp có chủ bỏ trốn. Trong khi đó, chế tài xử lý đối với các chủ doanh nghiệp không chịu chấp hành các quy định về giải thể, phá sản chưa đủ tính răn đe.
Tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp còn nợ của người lao động là khoản chi trả sau bằng các tài sản còn lại của doanh nghiệp.
Đối với vấn đề xử lý tài sản của doanh nghiệp phá sản, có chủ bỏ trốn, Luật Đầu tư không quy định xử lý tài sản của doanh nghiệp ngừng hoạt động do vắng chủ. Trong khi đó, Luật Phá sản 2014 quy định đối với các khoản nợ có bảo đảm được xác lập trước khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó; tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp còn nợ của người lao động là khoản chi trả sau, bằng các tài sản còn lại của doanh nghiệp.
Ngoài ra, khi khởi kiện các vấn đề liên quan đến nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn cũng gặp nhiều khó khăn. Trong thực tế tòa án không thụ lý các vụ khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm đoạt tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động vì lý do chưa có quy định giải quyết hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội; tòa án không thụ lý tranh chấp lao động tập thể dẫn đến việc công đoàn phải khởi kiện nhiều vụ tranh chấp lao động cá nhân nên mất nhiều thời gian và công sức; chưa có hướng dẫn thực hiện việc khởi tố hình sự đối với tội trốn đóng, chậm đóng, chiếm đoạt tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động…
– Đối với những lao động chưa thể chốt sổ bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn để sang làm việc tại doanh nghiệp mới thì được xử lý như thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định cụ thể, cho phép các doanh nghiệp đang gặp khó khăn chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được tách đóng riêng cho từng lao động để kịp thời giải quyết quyền lợi cho người lao động đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất); hoặc ghi nhận quá trình đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ thất nghiệp hoặc tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tại các đơn vị mới.

– Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã có quy định Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động. Vậy quy định này đang được thực hiện như thế nào?
Ông Bùi Sỹ Lợi:Thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có nhiều văn bản gửi Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Uỷ ban nhân dân các tỉnh đề nghị đôn đốc, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó tập trung vào các giải pháp mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, tăng cường tính tuân thủ pháp luật, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội… Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, việc bảo đảm quyền lợi của người lao động vẫn chưa được giải quyết triệt để trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn.
Phải thẳng thắn nhìn nhận, việc bảo đảm quyền lợi của người lao động vẫn chưa được giải quyết triệt để trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn.
Do đó, Chính phủ đã giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các phương án bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Song, quá trình này còn gặp vướng mắc do Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và Luật Ngân sách Nhà nước cũng như thông lệ quốc tế đều không quy định nội dung chi tiết đối với trường hợp này nên việc xử lý vượt quá thẩm quyền của Chính phủ.

– Vậy đâu là giải pháp đảm bảo quyền lợi người lao động tại các doanh nghiệp phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn, thưa ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Tôi cho rằng, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, Chính phủ cần phải tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tiếp tục xây dựng ứng dụng tra cứu thông tin về bảo hiểm xã hội trên thiết bị di động, nhằm cung cấp kịp thời thông tin đóng, hưởng bảo hiểm xã hội tới người lao động.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân các tỉnh cần vào cuộc ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, trong đó cần chú trọng biện pháp mạnh như cảnh báo, răn đe, chuyển hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm sang cơ quan Công an để điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc tiến hành khởi kiện.
Để hoàn thiện khung pháp lý, Quốc hội giao Bộ Tư pháp rà soát các văn bản pháp luật về phá sản doanh nghiệp, xem xét sửa đổi, bổ sung để áp dụng thống nhất; tiến hành sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng và sửa đổi, bổ sung Nghị quyết theo hướng ưu tiên giải quyết nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động. Toà án nhân dân Tối cao cũng sẽ sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng tội chiếm đoạt tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.
Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, Chính phủ cần phải tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần thường xuyên tiến hành rà soát, thống kê cụ thể số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi trong các doanh nghiệp phá sản, bị rút giấy phép kinh doanh, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện, tránh tạo ra tiền lệ để các doanh nghiệp khác lợi dụng tiếp tục trốn đóng.
– Xin cảm ơn ông!
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, hết năm 2018, cả nước còn trên 256 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội từ khoảng 1.000 doanh nghiệp là người nước ngoài phá sản, giải thể hoặc bỏ trốn, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của hơn 14.000 người lao động.
Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, đằng sau những khoản nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản là nỗi khổ của người lao động và gia đình họ. Do đó cần phải có biện pháp xử lý vấn đề này.
“Chúng tôi đang lo lắng về tình trạng này, nếu tiếp tục xảy ra thêm vài năm tới, có lẽ trụ sở của cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ không còn chỗ để tiếp đón những người không có lương hưu tới kêu cứu vì doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội bỏ trốn, phá sản. Khi tiếp nhận tình trạng này, chúng tôi vô vùng khổ tâm,” bà Nguyễn Thị Minh chia sẻ.
Trong buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng nhận định việc xử lý số nợ của các doanh nghiệp phá sản, giải thể là việc cấp bách và cần triển khai sớm. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam cập nhật tình hình số nợ bảo hiểm xã hội, số lao động bị ảnh hưởnh, doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn hoặc giải thể để có những căn cứ cẩn thiết xây dựng kiến nghị, giải pháp tham mưu Chính phủ phương án xử lý.
“Số nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc bỏ trốn đã ảnh hưởng tới hàng trăm ngàn người lao động. Thực tế này đã nhức nhối nhiều năm qua. Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ kiến nghị trình Quốc hội duyệt phương án xử lý,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
