MẠNG 5G

5gwireless-1577200658-96.jpg

Là một phần của kế hoạch hiện đại hóa đất nước và bắt kịp các nền kinh tế phát triển khác, Việt Nam hy vọng sẽ là một trong những quốc gia tham gia sớm cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư.

Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong nghị quyết, Bộ Chính trị yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội.

Chính phủ Việt Nam đã lên kế hoạch bắt đầu thử nghiệm mạng di động thế hệ thứ năm, hay 5G, trong năm nay tại các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng trong nghị quyết, Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp.

Để thực hiện tầm nhìn đầy tham vọng này, Chính phủ Việt Nam đã lên kế hoạch bắt đầu thử nghiệm mạng di động thế hệ thứ năm, hay 5G, trong năm nay tại các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng cần phải lưu ý rằng, chỉ vài năm trước đây, Việt Nam đã ra mắt dịch vụ 4G trên toàn quốc.

Dự kiến sẽ phát mạng 5G thương mại vào năm 2021 là một mục tiêu mà bất kỳ quốc gia phát triển nào cũng khó thực hiện, chưa nói đến một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Nhưng với quan điểm công nghệ 5G là chìa khóa mở ra cơ hội mới, tạo ra các mô hình vận hành kinh doanh có khả năng làm thay đổi nền kinh tế, giúp Việt Nam bứt phá trở thành một nước lớn mạnh về phát triển công nghệ, Chính phủ và các bộ ngành hữu quan, địa phương và doanh nghiệp viễn thông đang nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực để quyết tâm hiện thực hóa, về đích đúng thời hạn 2021.

Mạng 5G là gì và tầm quan trọng của nó?

Trong 1-2 năm gần đây, chúng ta đã được nghe thấy và nhìn thấy nhiều về thuật ngữ “mạng 5G” cùng rất nhiều câu chuyện xung quanh cái gọi là Thế hệ mạng di động thứ 5 hoặc hệ thống không dây thứ 5.

Nó ở trung tâm của cuộc chiến thương mại-công nghệ Mỹ-Trung Quốc trong suốt một năm qua với Huawei, hãng cung cấp thiết bị di động hàng đầu cho các nhà mạng không dây trên toàn cầu.

5G là mạng không dây thế hệ 5 tiếp theo sẽ cung cấp cho tất cả mọi người các kết nối Internet nhanh hơn nhiều so với các hệ thống mạng không dây hiện tại.

5G cũng là một chủ đề lớn cho hầu hết các nhà mạng di động trên toàn thế giới, trong đó có các nhà mạng Việt Nam. Những nhà mạng này đang có những bước đi gấp rút để xây dựng các mạng dữ liệu di động nhanh hơn bây giờ.

Vậy 5G là gì? Nói một cách đơn giản, 5G là mạng không dây thế hệ 5 tiếp theo (chữ “G” là viết tắt tiếng Anh của từ thế hệ) sẽ cung cấp cho tất cả mọi người các kết nối Internet nhanh hơn nhiều so với các hệ thống mạng không dây hiện tại. Nhưng, do cách thức hoạt động của nó, nó sắp sửa thay đổi cách nhiều thứ khác kết nối với Internet, như xe hơi và tivi, và thậm chí cả những thứ như đèn kết nối trên đường phố.

5G sử dụng tần số vô tuyến cao hơn để đạt tốc độ nhanh hơn tới 1.000 lần so với hệ thống mạng tiền nhiệm 4G. Theo Hiệp hội công nghệ tiêu dùng Mỹ (Consumer Technology Association), để tải xuống một bộ phim dài hai giờ sẽ mất 26 giờ trên 3G và 6 phút trên 4G. Bây giờ sẽ chỉ mất 3,6 giây trên 5G.

(Nguồn: Getty Images)
(Nguồn: Getty Images)

Một sự khác biệt lớn nữa là số lượng thiết bị 5G có thể hỗ trợ. Mạng 4G hiện tại hỗ trợ khoảng 4.000 thiết bị trên mỗi km vuông. So sánh, 5G có thể hỗ trợ lên tới 1 triệu thiết bị.

Nhưng có lẽ sự khác biệt đáng kể nhất với 5G là liên quan đến độ trễ – thời gian cần thiết để nhận được phản hồi về thông tin được gửi. Với thời gian trễ thấp hơn đáng kể, công nghệ 5G sẽ giúp cung cấp các mạng di động cho phép chúng ta làm những điều hoàn toàn mới, không chỉ cải thiện những gì chúng ta đã làm.

Khả năng bao gồm robot làm việc trong những nhà máy tiên tiến, xe tự hành và các nhiệm vụ khác yêu cầu phản hồi nhanh – tất cả các lĩnh vực mà mạng 4G phải vật lộn hoặc không thể quản lý được.

Trong một thị trường phụ thuộc vào các ứng dụng máy sử dụng nhiều dữ liệu, tốc độ cao hơn và độ trễ thấp hơn, thì 5G là cần thiết.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Công nghiệp 4.0, được khởi đầu bởi sự kết hợp của các công nghệ mới nổi, như máy học và các thiết bị kết nối vạn vật (IoT).

Nhiều nhà sản xuất đã sử dụng các giải pháp IoT để theo dõi tài sản trong các nhà máy của họ và củng cố các phòng điều khiển, tăng chức năng phân tích thông qua việc cài đặt các hệ thống bảo trì dự đoán.

Một nghiên cứu ước tính 35% các nhà sản xuất Mỹ đang sử dụng dữ liệu từ các cảm biến thông minh trong quá trình thiết lập của họ.

Trong sản xuất, nhiều máy móc dữ liệu thường được sử dụng trong phạm vi gần. Đây là lý do tại sao kết nối 5G là chìa khóa. Trong một thị trường phụ thuộc vào các ứng dụng máy sử dụng nhiều dữ liệu, tốc độ cao hơn và độ trễ thấp hơn, thì 5G là cần thiết để sử dụng hiệu quả robot tự động, thiết bị đeo và tai nghe thực tế ảo (VR), định hình tương lai của các nhà máy thông minh.

Và đặc biệt, 5G cho phép điều này diễn ra ở quy mô chưa từng có.

Cuộc đua 5G đang tăng nhiệt trên toàn cầu

Có mười quốc gia đã thương mại hóa 5G tính đến tháng 9/2019, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Australia, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Na Uy và Nga.

Theo tờ Thời báo Tài chính, chỉ riêng trong năm nay, các nhà mạng Hàn Quốc đã chi tổng cộng 2,6 tỷ USD để phát triển mạng 5G. Tương tự như vậy, các công ty viễn thông Nhật Bản đã đồng ý đầu tư 14 tỷ USD để phát triển 5G trên toàn quốc.

Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump thậm chí đã “phát lệnh” vào tháng Tư, rằng 5G là một cuộc đua mà nước Mỹ “phải giành chiến thắng.” Ông Trump nói rằng 92 thị trường 5G sẽ hoạt động vào cuối năm nay, sẽ đi trước Hàn Quốc, quốc gia đầu tiên phát mạng thương mại 5G.

Theo một số ước tính, ngành công nghiệp không dây Mỹ có kế hoạch đầu tư 275 tỷ USD vào mạng 5G, tạo ra 3 triệu việc làm một cách nhanh chóng và thêm 500 tỷ USD vào nền kinh tế.

FCC – cơ quan viễn thông Mỹ – cũng đã công bố các quy tắc mới giúp việc triển khai các mạng thế hệ tiếp theo dễ dàng hơn, bao gồm ăngten trung tâm và trạm chuyển tiếp, để thúc đẩy sự phát triển của 5G. FCC cũng đã công bố Quỹ cơ hội kỹ thuật số nông thôn trị giá 20,4 tỷ USD để mang lại mạng 5G nhanh hơn cho các khu vực nông thôn và đấu giá băng tần mới mở 3.400 MHz.

Việt Nam không thể chậm chân và không được phép bị bỏ lại phía sau, thậm chí cần phải sớm triển khai để vượt lên phía trước, coi đó là cơ hội để cả nền kinh tế bứt phá.

Quốc gia láng giềng của Việt Nam và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc đã chính thức phát mạng 5G trước thời hạn vào 1/11/2019, trong một bước đi được cho là giúp quốc gia đông dân nhất thế giới vượt lên trong cuộc đua triển khai mạng dữ liệu di động thế hệ tiếp theo, đặc biệt là trước Mỹ.

Theo Tân Hoa xã, dịch vụ mạng 5G thương mại hiện đã có mặt tại 50 thành phố của Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến.

Tại khu vực Đông Nam Á, các quốc gia trong khu vực đã có kế hoạch phát triển và triển khai 5G. Malaysia được báo cáo đã bắt đầu chạy thử nghiệm 5G. Campuchia và Thái Lan cũng đã tuyên bố muốn chứng kiến 5G được triển khai ở hai nước này vào năm 2021.

Indonesia cũng đã sử dụng Internet 5G. Mới đây, hai nhà cung cấp mạng di động đất nước vạn đảo là Telkomsel và XL đã tiến hành thử nghiệm 5G ở Đại hội thể thao châu Á 2018.

Ở Philippines, việc chuẩn bị phát mạng 5G cũng đang được thực hiện. Công ty viễn thông Smart của Philippines đã công bố kế hoạch triển khai mạng thử nghiệm 5G trong nửa đầu năm tới, trong khi Globe Telecom cho biết, mạng 5G có thể có mặt sớm nhất là vào quý hai năm 2020.

Dự án thí điểm 5G của Singapore dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm nay.

Rõ ràng với tầm quan trọng và sức nóng của cuộc đua toàn cầu triển khai mạng 5G, Việt Nam không thể chậm chân và không được phép bị bỏ lại phía sau, thậm chí cần phải sớm triển khai để vượt lên phía trước, coi đó là cơ hội để cả nền kinh tế bứt phá.

(Nguồn: AFP/TTXVN)
(Nguồn: AFP/TTXVN)

Con đường đến với 5G của Việt Nam

Tại Hội nghị ASEAN về phát triển mạng thông tin di động thứ năm (5G) diễn ra tại Hà Nội vào 21-22/3/2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Trong những năm tới, ASEAN sẽ coi 5G là ưu tiên số một trong các hoạt động hợp tác về ICT. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước thành viên ASEAN khác để triển khai 5G và thúc đẩy chuyển đổi số.”

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết Việt Nam hiện cũng đang tập trung phát triển các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất các thiết bị IoT, thiết bị viễn thông, chipset 5G, camera giám sát…

Năm 2018, chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam xếp thứ 88 trong số 193 quốc gia, trong đó chỉ số dịch vụ công trực tuyến đã tăng 10 bậc để xếp thứ 59 trong số 193 quốc gia so với năm 2016.

Chính phủ Việt Nam đã cấp giấy phép đầu tiên để thử nghiệm mạng 5G cho Viettel, nhà mạng di động lớn nhất đất nước, có hơn 60 triệu thuê bao tại một quốc gia có dân số gần 100 triệu người.

“Trong những năm tới, ASEAN sẽ coi 5G là ưu tiên số một trong các hoạt động hợp tác về ICT. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước thành viên ASEAN khác để triển khai 5G và thúc đẩy chuyển đổi số.” (Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng)

Nhà khai thác viễn thông này đã thử nghiệm 5G tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 5 năm nay. Các thử nghiệm dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 1 năm 2020. Trước đó vào tháng 4, Viettel cho biết đã thử nghiệm thành công một trạm phát sóng 5G tại Hà Nội với tốc độ 600 đến 700Mb/giây, ngang bằng với nhà mạng Verizon ở Mỹ.

Các nhà mạng di động khác, MobiFone và Vinaphone, cũng dự kiến sẽ ra mắt mạng 5G của riêng họ vào năm 2021. MobiFone đã nhận được giấy phép trở thành nhà mạng thứ hai được tiến hành thử nghiệm phát mạng 5G.

Đáng chú ý, Viettel tuyên bố họ đã phát triển các công nghệ cốt lõi của riêng mình cho mạng 5G, bao gồm cả chip và thiết bị. Trên thực tế, tập doàn này cho biết họ đang nhắm đến việc sản xuất 80% cơ sở hạ tầng mạng lõi cần thiết cho mạng vào năm 2020. Phần còn lại sẽ đến từ các nhà cung cấp bên ngoài.

Trong khi đó, MobiFone đã chọn đi cùng với các công nghệ của Samsung. Vinaphone đã tham gia hợp tác với Nokia.

Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức được phát sóng 5G. (Ảnh: Viettel)
Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức được phát sóng 5G. (Ảnh: Viettel)

Trong quá trình Việt Nam triển khai 5G, nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới, trong đó có tập đoàn Qualcomm đã bày tỏ sự quan tâm hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, các nhà mạng, doanh nghiệp tư nhân để giúp Việt Nam thực hiện đúng kế hoạch phủ sóng 5G và thương mại hóa công nghệ 5G trong năm 2020.

“Chúng tôi đã cung cấp các hạ tầng để nhà mạng cũng như các đối tác tại Việt Nam thử nghiệm 5G và đạt được nhiều kết quả rất khả quan. Bên cạnh đó, trong các buổi các buổi gặp gỡ với chính phủ Việt Nam, tôi nhận thấy các bạn có tầm nhìn xa về 5G và rất kiên định với việc sớm xây dựng hạ tầng mạng 5G trong tương lai gần. Chính phủ Việt Nam đang coi 5G là ưu tiên lớn, và tôi cho rằng 2021 sẽ là năm 5G bùng nổ ở Việt Nam. Đầu tiên 5G sẽ có mặt ở các thành phố lớn, sau đó tiến đến các thành phố nhỏ hơn”. – ông ST Liew, Phó Chủ tịch Qualcomm Technologies kiêm Chủ tịch Qualcomm Đài Loan và khu vực Đông Nam Á phát biểu bên lề sự kiện thường niên Qualcomm Snapdragon Tech Summit 2019, tháng 12/2019.

“Chính phủ Việt Nam đang coi 5G là ưu tiên lớn, và tôi cho rằng 2021 sẽ là năm 5G bùng nổ ở Việt Nam.” (ông ST Liew, Phó Chủ tịch Qualcomm Technologies kiêm Chủ tịch Qualcomm Đài Loan và khu vực Đông Nam Á)

Bà Penny Baldwin, Giám đốc Marketing Tập đoàn Qualcomm khẳng định nếu thử nghiệm 5G thành công, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia đầu tiên thương mại hóa 5G trên thế giới.

Theo Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, công nghệ 5G sẽ đem lại một nền kinh tế mới, góp phần giúp Việt Nam tạo ra một loạt sản phẩm mới cho thành phố thông minh, đô thị thông minh phục vụ đời sống. Đây cũng chính là một trong số những chìa khóa quan trọng để gặt hái thành công trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong giai đoạn đầu tiên của công nghệ 5G, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tập trung nguồn lực sản xuất bộ vi xử lý chip-set 5G. Đây được coi là “trái tim” của công nghệ 5G.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 20 công ty làm bộ vi xử lý về lĩnh vực sản phẩm. Khoảng 3.000 kỹ sư Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực vi mạch điện tử. Nếu Việt Nam tận dụng được trí tuệ tổng hợp này thì việc thiết kế, sản xuất bộ vi xử lý có thể thành hiện thực.

Sản xuất bộ vi xử lý chip-set 5G thương hiệu Việt Nam (Made in Vietnam) là điều kiện tiên quyết để phát sản được các sản phẩm, thiết bị 5G cũng như đảm bảo được các vấn đề an toàn an ninh về lâu dài.

Chặng đường dài phía trước đầy khó khăn nhưng nhiều cơ hội

Mặc dù đã có những bước đi khá sớm và chủ động trong triển khai mạng 5G song theo giới phân tích con đường phía trước của các nhà mạng Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, thách thức đi cũng với những cơ hội nếu biết nắm bắt để bứt phá.

Số lượng thuê bao 5G tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt 6,3 triệu vào năm 2025, theo báo cáo về sự phát triển 5G ở Đông Nam Á của nhà sản xuất thiết bị mạng Cisco, công bố hồi tháng 10.

Số lượng thuê bao 5G tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt 6,3 triệu vào năm 2025.(Nguồn: AFP)
Số lượng thuê bao 5G tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt 6,3 triệu vào năm 2025.(Nguồn: AFP)

Theo báo cáo của Cisco, Việt Nam và Singapore dự kiến sẽ là những quốc gia đầu tiên trong khu vực tung ra công nghệ truyền thông không dây mới nhất trong giai đoạn 2020-2021.

Cisco Việt Nam cho biết thâm nhập thị trường tại Việt Nam trong giai đoạn đầu triển khai 5G sẽ thấp hơn Indonesia và Thái Lan nhưng tăng trưởng được dự báo sẽ tăng tốc trong giai đoạn sau.

Công ty này cho biết việc triển khai sớm các dịch vụ 5G có thể giúp các nhà mạng di động Việt Nam tăng doanh thu 300 triệu USD mỗi năm, bắt đầu từ năm 2025.

Tuy nhiên, các nhà mạng cần đầu tư khoảng 1,5-2,5 tỷ USD vào công nghệ trong giai đoạn 2020-2025.

Việc triển khai sớm các dịch vụ 5G có thể giúp các nhà mạng di động Việt Nam tăng doanh thu 300 triệu USD mỗi năm, bắt đầu từ năm 2025. (Cisco Việt Nam)

Cisco cho biết Việt Nam và các nước Đông Nam Á cần giải quyết việc phát hành phổ tần số chậm cho các dịch vụ 5G trong khi các nhà mạng cần giới thiệu các dịch vụ và giá 5G phù hợp để khuyến khích người dùng chuyển sang tốc độ cao hơn.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, các nhà khai thác di động nên tạo ra các tính năng mới, kết hợp tốc độ nâng cao với các giải pháp và ứng dụng để khách hàng có thể nắm bắt và mở rộng các dịch vụ giá trị gia tăng.

Trong khi đó, ông Lê Văn Thành, Giám đốc công nghệ của Dell EMC Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam có thuận lợi với dân số hàng trăm triệu người, tỷ lệ sử dụng thiết bị thông minh kết nối Internet cao so với mức trung bình của thế giới. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cũng có những chính sách sớm để thúc đẩy phát triển 5G như Bộ Thông tin và Truyền thông đã cung cấp băng tần để thử nghiệm từ năm 2019, tiến tới mục tiêu thương mại hóa vào năm 2020. Nếu thực hiện được như vậy, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai 5G.

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Thành, Việt Nam sẽ gặp thách thức là số người sử dụng thiết bị cũ 2G, 3G còn nhiều, khi triển khai 5G, người dùng phải thay đổi thiết bị. Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin đang triển khai trong các doanh nghiệp cơ bản vẫn là công nghệ cũ, để có thể sẵn sàng cho công nghệ 5G, các doanh nghiệp phải thay đổi, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel cho biết khi công nghệ 5G bùng nổ, Viettel cũng sẽ phải có thiết bị 5G của riêng mình để sử dụng. Do đó, Viettel chắc chắn phải tìm ra cách phát triển thành công công nghệ 5G. Quan trọng hơn nữa, toàn bộ sản phẩm 5G về phần cứng và phần mềm sẽ được Viettel nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam để đảm bảo tốt ưu nhất về vấn đề an toàn an ninh thông tin mạng.

Công nhân kiểm tra sản phẩm điện thoại trong nhà máy Vsmart. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Công nhân kiểm tra sản phẩm điện thoại trong nhà máy Vsmart. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ông Ngô Hoàng Anh, Viện nghiên cứu Thiết bị Viễn thông, Công ty Vinsmart (thuộc tập đoàn Vingroup) cho biết Vinsmart đang tập trung nghiên cứu và sẽ sản xuất các hệ thống 5G, Internet kết nối vạn vật (IoT). Đồng thời Vinsmart đã xây dựng phòng thí nghiệm (Lab) hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển điện thoại 5G và thiết bị viễn thông 5G. Dự kiến tháng 7/2020 sẽ có sản phẩm điện thoại 5G đầu tiên ra mắt, tháng 8/2020 bắt đầu thử nghiệm các thiệt bị viễn thông 5G. Vinsmart cũng đã làm việc với hãng Cisco, Intel để phát triển các thiết bị mạng 5G.

Đại diện Công ty Phần mềm FPT chia sẻ, việc sản xuất được bộ vi xử lý điện tử công nghệ mới là vô cùng khó. Do đó FPT tìm hướng đi khác để tiếp cận vi mạch của chip-set 5G bằng việc đưa chiến lược sản xuất chip trong thời gian 10 năm và đi từng bước khá thận trọng. Trong 5 năm đầu (2014-2019), FPT thành lập nhóm các kỹ sư thiết kế bộ vi điện tử chip-set chuyên đi làm thuê (outsoursing) cho các công ty trên toàn thế giới để tích lũy kinh nghiệm.

Chính phủ Việt Nam có chiến lược cho sản phẩm chip-set 5G do người Việt Nam sản xuất và làm chủ thương hiệu “Make in Vietnam”

Hiện nay, FPT đã có hơn 100 kỹ sư có thể thiết kế được bộ vi điện tử chip-set. Trong giai đoạn 2 (2019-2023), đội ngũ kỹ sư của FPT khi đã có kinh nghiệm sẽ phối hợp lại để tạo ra cả gói sản phẩm về chip-set nhằm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Nhận định việc sản xuất chip-set 5G là vô cùng khó khăn và tốn kém, Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Phan Tâm chia sẻ Bộ Thông tin và truyền thông mong muốn hình thành một cộng đồng những doanh nghiệp, chuyên gia… để chia sẻ kinh nghiệm xung quanh vấn đề làm thế nào để hoàn tất việc sản xuất chip-set 5G tại Việt Nam trong thời gian tới.

Để đảm bảo an toàn trong lĩnh vực 5G, Chính phủ Việt Nam có chiến lược cho sản phẩm chip-set 5G do người Việt Nam sản xuất và làm chủ thương hiệu “Make in Vietnam”./.