Tự chủ bệnh viện:

20190725093-1575431542-45.jpg

Khuyến khích các bệnh viện công thực hiện tự chủ về tài chính là một trong những chủ trương lớn nhằm tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các bệnh viện để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, việc tự chủ tài chính cũng đang khiến nhiều bệnh viện công gặp không ít khó khăn từ việc ban hành thông tư tới hướng dẫn thực hiện.

Hơn 200 bệnh viện tự đảm bảo chi thường xuyên

Theo thống kê gần đây nhất của Bộ Y tế, cả nước có 1.365 bệnh viện (chưa kể các bệnh viện quân đội do Bộ Quốc phòng quản lý) với tổng số 253.447 giường bệnh theo kế hoạch; 339.313 giường bệnh theo thực kê và gần 500.000 công chức, viên chức y tế. Hằng năm, ngành y tế đã khám trên 158 triệu lượt người và điều trị nội trú cho trên 27 triệu lượt người.

Hằng năm, ngành y tế đã khám trên 158 triệu lượt người và điều trị nội trú cho trên 27 triệu lượt người.

Những năm qua, các lĩnh vực hoạt động của ngành y tế đã có sự đổi mới về tổ chức hệ thống, tài chính y tế, khoa học công nghệ và thông tin, phát triển y tế cơ sở cũng như các lĩnh vực hoạt động chuyên môn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển.

Điển hình như số lượng các bệnh viện tự chủ tăng dần qua các năm, kinh phí ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên giảm dần, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tăng hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho y tế thông qua hỗ trợ người dân mua thẻ bảo hiểm y tế và đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Chủ trương xã hội hóa y tế, trong đó có cơ chế tự chủ bệnh viện công đã được triển khai từ đầu những năm 2.000. Đến năm 2018 đã có 100% bệnh viện công thực hiện cơ chế tự chủ ở các mức độ khác nhau.

Chủ trương xã hội hóa y tế được nhiều bệnh viện triển khai. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Chủ trương xã hội hóa y tế được nhiều bệnh viện triển khai. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy trong số các bệnh viện tự chủ có 0,4% bệnh viện tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 27% bệnh viện tự bảo đảm chi thường xuyên, 68% bệnh viện tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, chỉ còn 4,6% bệnh viện thuộc nhóm nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho hay, Nhà nước không bắt buộc các đơn vị phải thực hiện tự chủ tài chính theo một mẫu chung rập khuôn. Theo đó, các đơn vị đều được thực hiện tự chủ tài chính, nhưng theo 4 nhóm, mỗi nhóm có mức độ tự chủ khác nhau. Mức độ tự chủ tài chính càng cao thì được tự chủ về hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy, biên chế càng cao và ngược lại. Việc xác định mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị đến đâu là trên cơ sở xác định khả năng cân đối nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp và chi hoạt động thường xuyên của đơn vị theo quy định của Bộ Tài chính.

Các đơn vị đều được thực hiện tự chủ tài chính, nhưng theo 4 nhóm, mỗi nhóm có mức độ tự chủ khác nhau. Mức độ tự chủ tài chính càng cao thì tự chủ về hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy, biên chế càng cao và ngược lại.

Qua giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập đã ghi nhận một số kết quả tích cực.

Hiện nay, 100% các bệnh viện công đã được giao tự chủ với mức tự chủ ngày càng cao; chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tiến bộ… Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: việc thực hiện cơ chế tự chủ còn khó khăn đối với tuyến cơ sở và bệnh viện chuyên khoa; các bệnh viện được giao tự chủ nhưng còn nhiều ràng buộc liên quan nên chưa được tự chủ thực chất. Bên cạnh đó là việc còn thiếu các cơ chế kiểm soát dẫn đến hiện tượng lạm dụng các dịch vụ y tế không cần thiết, làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, tăng gánh nặng cho người bệnh, góp phần bội chi Quỹ bảo hiểm y tế.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm cho người dân hiểu rõ, tự chủ không có nghĩa gây khó khăn cho người bệnh, giá cả tăng lên. Mục tiêu là tạo ra cơ chế rất thông thoáng, cởi mở và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người bệnh phải tốt hơn rất nhiều so với không tự chủ. Đó là yêu cầu trong Nghị quyết 19 và yêu cầu đổi mới.

“Tự chủ không có nghĩa gây khó khăn cho người bệnh, giá cả tăng lên. Mục tiêu là tạo ra cơ chế rất thông thoáng, cởi mở và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người bệnh phải tốt hơn rất nhiều so với không tự chủ.”

                              Ông Bùi Sỹ Lợi

Bên cạnh đó, tự chủ là để cho các bệnh viện quyết định phương hướng và xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không bị ràng buộc bởi các cơ quan quản lý nhà nước mà gây khó khăn cho các đơn vị tự chủ. Tôi cho rằng đây là một trong những cách thức mà Chính phủ quyết định cho 4 đơn vị bệnh viện ở hạng đặc biệt đi trước thí điểm. Qua quá trình tổ chức triển khai thực hiện, chúng ta sẽ tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng ra các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên cả nước.”

Đại biểu Bùi Thu Hằng, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hoà Bình đánh giá việc thực hiện cơ chế tự chủ giúp các bệnh viện chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Các bệnh viện cũng sắp xếp, tổ chức bộ máy sử dụng nguồn nhân lực và tài chính một cách có hiệu quả, huy động được nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, đảm bảo điều kiện nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Cơ chế tự chủ khuyến khích bệnh viện sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn kinh phí để tăng thu nhập cho cán bộ, trích lập các quỹ và tăng sự hài lòng của người bệnh.

Đại biểu Bùi Thu Hằng, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hoà Bình.
Đại biểu Bùi Thu Hằng, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hoà Bình.

Áp lực từ dự toán chi bảo hiểm y tế

Đại biểu Bùi Thu Hằng cho biết thêm, việc tự chủ khiến các cơ sở khám, chữa bệnh tự bảo đảm chi thường xuyên, không được ngân sách nhà nước cấp kinh phí. Trong khi đó, giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa tính đúng, tính đủ chi phí các yếu tố như khấu hao tài sản, trang thiết bị, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, chi phí quản lý để bù đắp các khoản chi thường xuyên…

Các bệnh viện đã tăng cường triển khai các dịch vụ xã hội hóa khám, chữa bệnh theo yêu cầu đáp ứng nhu cầu của người bệnh và tăng nguồn thu cho bệnh viện. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng có xu hướng lựa chọn các kỹ thuật có chênh lệch thu chi nhiều để sử dụng.

Để hạn chế vượt dự toán được giao, các bệnh viện sẽ lựa chọn những ca bệnh dễ, chi phí thấp để điều trị. Những ca bệnh khó, chi phí cao được chuyển lên tuyến trên sẽ gây ra tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên đồng thời không khuyến khích việc nâng cao trình độ chuyên môn bệnh viện tuyến huyện.

Năm 2019, các cơ sở khám, chữa bệnh được giao dự toán chi bảo hiểm y tế. Đây là một trong những áp lực lớn đối với các bệnh viện khi nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng cao và việc phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao cũng ngày càng cần thiết.

“Việc giao chỉ tiêu chi bảo hiểm y tế cho các bệnh viện, đặc biệt ở bệnh viện tự chủ đã làm hạn chế, ngăn cản sự phát triển của bệnh viện, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân tham gia bảo hiểm”

    Đại biểu Bùi Quang Tuấn

“Để hạn chế vượt dự toán được giao, các bệnh viện sẽ lựa chọn những ca bệnh dễ, chi phí thấp để điều trị. Những ca bệnh khó, chi phí cao được chuyển lên tuyến trên sẽ gây ra tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên đồng thời không khuyến khích việc nâng cao trình độ chuyên môn của các bệnh viện tuyến huyện,” đại biểu Bùi Thu Hằng nhấn mạnh.

Về vấn đề này, đại biểu Bùi Quang Tuấn (đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) thẳng thắn: “Việc giao chỉ tiêu chi bảo hiểm y tế cho các bệnh viện, đặc biệt ở bệnh viện tự chủ đã làm hạn chế, ngăn cản sự phát triển của bệnh viện, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân tham gia bảo hiểm và làm ảnh hưởng đến chính sách chung của Chính phủ là bao phủ bảo hiểm đến toàn dân.”

Đại biểu Bùi Quang Tuấn - đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
Đại biểu Bùi Quang Tuấn – đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ, chỉ có 2/4 cấu thành giá. Do vậy, làm ảnh hưởng đến quá trình cân đối thu – chi của bệnh viện tự chủ, đặc biệt là tiền lương, tiền công của nhân viên y tế tính trong giá dịch vụ y tế thấp hơn mức lương cơ bản đang hiện hành. Đây là một điều khó khăn cho tất cả bệnh viện tự chủ.

Kết quả thống kê tại 51 tỉnh/thành phố cho thấy, so với ngân sách cấp cho các bệnh viện năm 2016, năm 2017 giảm khoảng 5.740 tỷ đồng, năm 2018 giảm thêm 3.200 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhiều bệnh viện tuy thuộc nhóm đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí thường xuyên song đã đảm bảo được tới 80 – 90% thậm chí 95% chi thường xuyên, điều này đã giảm tải gánh nặng không nhỏ đối với Ngân sách Nhà nước. Kết quả thống kê tại 51 tỉnh/thành phố cho thấy, so với ngân sách cấp cho các bệnh viện năm 2016, năm 2017 giảm khoảng 5.740 tỷ đồng, năm 2018 giảm thêm 3.200 tỷ đồng.

Dù vậy, “các đơn vị y tế trước nay chủ yếu tập trung vào chuyên môn, chưa thực sự sát sao trong quản lý tài chính, do vậy, một số bệnh viện chưa đáp ứng những yêu cầu mà cơ chế tự chủ tài chính đặt ra. Khi được trao quyền tự đảm bảo chi phí hoạt động của đơn vị, các đơn vị phải thận trọng hơn trong chi tiêu, hạch toán để cân đối thu – chi, tránh những lỗ hổng gây thất thoát nguồn thu,” ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh./.

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu. (Ảnh: T.G/Vietnam+)