Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay 100% số bệnh viện, trung tâm y tế huyện đã được giao quyền tự chủ.
Đối với các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý, đến năm 2018 đã có 26/45 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên. Để thực hiện tự chủ, nhiều bệnh viện đã vay ngân hàng, mở rộng hợp tác, đầu tư trang thiết bị để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người bệnh.
Các bệnh viện tự chủ sẽ phải tự cân đối, tiết kiệm chi tiêu, tăng nguồn thu cũng như tăng thu nhập cho cán bộ, bác sỹ, nhân viên. Theo đánh giá từ các chuyên gia, điều được lớn nhất sau khi thực hiện chủ trương tự chủ bệnh viện công lập là chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên rõ rệt. Cơ chế tự chủ đã giúp họ chủ động thuê các chuyên gia, bác sỹ nước ngoài đến khám chữa bệnh.
Các bệnh viện tự chủ sẽ phải tự cân đối, tiết kiệm chi tiêu, tăng nguồn thu cũng như tăng thu nhập cho cán bộ, bác sỹ, nhân viên.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bác sỹ Dương Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thông qua việc triển khai tự chủ bệnh viện.
– Xin bác sỹ cho biết, những năm qua Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới đã phát triển như thế nào nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân?
Bác sỹ Dương Thanh Bình: Bệnh viện được đưa vào hoạt động chính thức năm 1981, quy mô 426 giường bệnh. Từ một bệnh viện ban đầu quy mô nhỏ, đến nay, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới đã đạt quy mô hơn 900 giường bệnh. Năm 2015, bệnh viện chỉ có 600 giường bệnh, năm 2018 tăng lên 800 giường và hiện nay là 944 giường, nhưng do bệnh nhân đông nên số giường thực kê tới trên 1.000.

Bệnh viện có hơn 700 cán bộ, viên chức và người lao động, trong đó hơn 200 người có trình độ đại học và sau đại học.
Bệnh viện hiện quản lý khám chữa bệnh cho hơn 14.000 người dân có thẻ bảo hiểm y tế. Mỗi ngày có khoảng 500-600 bệnh nhân tới khám.
– Bệnh viện đã thực hiện cơ chế tự chủ tài chính bắt đầu từ khi nào thưa ông?
Thời gian qua,bệnh viện đã tự chủ được về kinh phí thường xuyên bao gồm: Lương, chế độ phụ cấp, một số chế độ liên quan đến chính sách…
Bác sỹ Dương Thanh Bình: Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế, bệnh viện đã bắt đầu tự chủ vào nhóm 2. Đến thời điểm hiện tại được 2 năm.
Trong quá trình này, bệnh viện đã tự chủ được về kinh phí thường xuyên bao gồm: Lương, chế độ phụ cấp, một số chế độ liên quan đến chính sách… Ngoài ra, trong khi thực hiện tự chủ thì Bộ Y tế vẫn đầu tư một số nguồn kinh phí không thường xuyên và từ một số dự án cho bệnh viện để cải tạo, nâng cấp trang thiết bị cho bệnh viện.
Bài toán khó đối với các bệnh viện công
– Trong quá trình thực hiện tự chủ có gặp những khó khăn gì về vấn đề tài chính không thưa ông?
Bác sỹ Dương Thanh Bình: Trong quá trình thực hiện có hai vấn đề liên quan đến tài chính và tổ chức thực hiện bộ máy.

Về tài chính, cơ bản thực hiện chế độ chính sách và căn cứ vào nguồn thu của bệnh viện, chủ yếu là nguồn thu từ dịch vụ khám chữa bệnh. Cũng như các bệnh viện khác, nguồn thu chính là từ bảo hiểm y tế và sau đó từ các dịch vụ khác như khám chữa bệnh theo yêu cầu, trông giữ xe, căng tin…
Khi thực hiện tự chủ, vấn đề lương và chế độ phụ cấp về cơ bản bệnh viện đáp ứng được, còn về nguồn thu tăng thêm thì bệnh viện vẫn phải dựa vào các yếu tố khác như cân đối thu chi, hạch toán chi phí hợp lý.
Bệnh viện đang tìm kiếm các nguồn thu để tăng lương thêm cho cán bộ và thu hút thêm nhân lực giỏi về công tác; nhất là khi nhiều bệnh viện tư đang tập trung thu hút y, bác sỹ giỏi về bệnh viện của mình với mức lương cao. Đây thực sự là bài toán khó đối với các bệnh viện công trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính.
Trong lộ trình, lãnh đạo Bệnh viện đang cố gắng tìm kiếm các nguồn thu để tăng lương thêm cho cán bộ, y sỹ, bác sỹ và thu hút thêm nhân lực giỏi về công tác; nhất là khi nhiều bệnh viện tư đang tập trung thu hút y, bác sỹ giỏi về bệnh viện của mình với mức lương cao. Đây thực sự là bài toán khó đối với các bệnh viện công trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính.
“Một vấn đề nữa mà chúng tôi nhận thấy đó là cơ cấu về mức giá khám, chữa bệnh hiện chưa được quy định đầy đủ, trong khi công tác bảo đảm tốt nhất cho người bệnh thì cần phải đầu tư kinh phí rất nhiều…”
Bên cạnh đó, một vấn đề nữa mà chúng tôi nhận thấy đó là cơ cấu về mức giá khám, chữa bệnh hiện chưa được quy định đầy đủ, trong khi công tác bảo đảm tốt nhất cho người bệnh thì cần phải đầu tư kinh phí rất nhiều, chi phí lại rất cao nên ảnh hưởng đến nguồn thu chung.
Tôi hy vọng rằng sắp tới trong tiến trình tự chủ cũng có các chính sách và giá cụ thể để các đơn vị hoạch toán thực hiện được, gồm các chi phí trực tiếp cho người bệnh và chi phí cho cán bộ, nhân viên.
– Thưa ông, trong vấn đề tự chủ tài chính, việc thu hút nhân lực rất khó khăn. Vậy bệnh viện đã có biện pháp gì để khắc phục vấn đề này?
Bác sỹ Dương Thanh Bình: Đây thực sự là một bài toán khó nhưng bệnh viện quyết tâm xây dựng môi trường làm việc tốt, thuận lợi để bác sỹ trẻ có tài năng, có hoài bão được thực hiện mơ ước của mình phục vụ quê hương. Bệnh viện sẽ luôn tạo điều kiện để các bác sỹ trẻ có cơ hội được học tập nâng cao kiến thức.
Việc thu hút và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao ở các chuyên khoa mũi nhọn cũng đang được lãnh đạo bệnh viện hết sức chú trọng; đặc biệt là trong hợp tác quốc tế. Bệnh viện đã mời các chuyên gia can thiệp tim mạch hàng đầu Nhật Bản đến trao đổi kinh nghiệm và trực tiếp thực hiện các ca can thiệp mạch vành khó. Bác sỹ Makoto Sekiguchi – Giám đốc y khoa và Trưởng khoa Tim mạch can thiệp tại Bệnh viện FuKaya RedCross (Nhật Bản) đã đến giao lưu và thực hiện thành công hơn 10 trường hợp can thiệp mạch vành khó tại bệnh viện thời gian qua.
Các chuyên gia Cuba cũng đã đến Bệnh viện hỗ trợ phát triển nhiều kỹ thuật mới thuộc các chuyên ngành: Chấn thương chỉnh hình, ngoại thần kinh, nội tim mạch và tim mạch can thiệp, ung bướu trong tháng 4/2018.
Đề án mời các chuyên gia Cuba đến bệnh viện đã mang lại luồng gió mới cho công tác khám, chữa bệnh, tạo uy tín, niềm tin cho bệnh nhân và là động lực cho các bác sỹ trẻ phấn đấu, trau dồi kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ.
Bác sỹ Dương Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới.
Tỷ lệ chuyển tuyến giảm
– Trong công tác nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bệnh viện đã triển khai những kỹ thuật cao gì thưa bác sỹ?
Bác sỹ Dương Thanh Bình: Những năm gần đây, để quyết tâm lấy lại niềm tin của người dân, bệnh viện luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng bệnh viện, vì chỉ khi chất lượng bệnh viện được nâng cao, người dân mới tin tưởng đến khám và điều trị bệnh.
Hiện nay, các kỹ thuật cao mà bệnh viện đã chủ động thực hiện được như nút mạch điều trị ung thư, can thiệp động mạch vành, thay khớp bán phần và toàn phần, phẫu thuật nội soi khớp gối, nội soi sau phúc mạc, cắt nội soi dạ dày, đại tràng, đặc biệt là phẫu thuật cột sống (cổ, ngực bụng). Đặc biệt, thời gian qua do có các bác sĩ ở Cuba hỗ trợ nên nhiều ca đã thực hiện rất thành công.
Trước đây, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim hoặc bị tắc mạch vành phải chuyển vào Huế hoặc chuyển ra Hà Nội. Hiện nay, bệnh nhân được các bác sỹ điều trị tại bệnh viện kịp thời trong thời gian vàng 4 giờ đầu can thiệp ngay.
Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân và hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, nhất là các bệnh nhân khó khăn, bệnh viện triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, mời các chuyên gia đầu ngành về đào tạo cũng như cử các bác sỹ, điều dưỡng lên tuyến trên để học.
Bệnh viện đã triển khai được một số kỹ thuật cao hiệu quả như kỹ thuật can thiệp mạch vành. Trước đây, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim hoặc bị tắc mạch vành phải chuyển vào Huế hoặc chuyển ra Hà Nội, do quãng đường di chuyển xa, nên bệnh nhân có nhiều nguy cơ. Hiện nay, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim được các bác sỹ điều trị tại bệnh viện kịp thời trong thời gian vàng 4 giờ đầu can thiệp ngay cứu sống được bệnh nhân, giảm chi phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân rất nhiều.
Bên cạnh đó, việc mời chuyên gia người Cuba vừa thể hiện tình cảm hữu nghị giữa hai quốc gia vừa giúp bệnh viện phát triển về chuyên môn để đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo đó, tỷ lệ chuyển tuyến của bệnh viện đang giảm đều theo các năm. Đặc biệt, lĩnh vực tim mạch, tỷ lệ chuyển tuyến giảm rõ rệt từ 19% năm 2016 còn 8% hiện nay.

Hiện bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới đang là bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Trung ương Huế về mổ tim hở, ung bướu (chăm sóc giảm nhẹ), chấn thương chỉnh hình (thay khớp), can thiệp tim mạch. Bệnh viện cũng là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai về hồi sức cấp cứu, can thiệp nút mạch, dẫn lưu đường mật qua gan…; là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi Trung ương về chăm sóc sơ sinh nhi, hồi sức cấp cứu nhi, chống nhiễm khuẩn…
Dự kiến, năm 2020 tới, bệnh viện sẽ tiến tới là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong điều trị vô sinh.
– Việc trau dồi y đức, thay đổi phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh trong bệnh viện được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Bác sỹ Dương Thanh Bình: Những năm qua, bệnh viện luôn chú trọng thực hiện y đức, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Hàng năm, bệnh viện đều tổ chức hai khóa đào tạo về quy tắc ứng xử và tinh thần thái độ phục vụ người bệnh cho cán bộ, các y bác sỹ.
Việc hướng tới sự hài lòng của người bệnh không chỉ là khẩu hiệu, quyết tâm của ngành y mà còn là cái đích đi tới của cán bộ, y sỹ, bác sỹ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới.
Những kết quả đạt được này đang mở ra trang mới cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới trên bước đường phát triển, xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn tỉnh cũng như người dân các vùng lân cận được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại quê nhà./.
Lịch sử hình thành Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới gắn liền với tên tuổi của vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước CuBa, Chủ tịch Fidel Castrol.
Năm 1973, khi đến thăm “đất lửa” Quảng Bình, chứng kiến cảnh đau thương, mất mát do chiến tranh đối với những người dân nơi đây, lãnh tụ đất nước Cuba quyết định xây dựng một bệnh viện hiện đại để tặng tỉnh Quảng Bình nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung, nhằm phục vụ nhân dân địa phương và thương binh từ chiến trường miền Nam ra.
Bệnh viện được đưa vào hoạt động chính thức năm 1981, quy mô 426 giường, một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, đầy đủ hệ thống trang thiết bị được nhập từ nước ngoài.
Cuba đã cử hàng trăm chuyên gia, kỹ sư, công nhân đến Đồng Hới để cùng với công nhân Việt Nam xây dựng bệnh viện.
Đầu năm 2007, bệnh viện trở thành bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Hiện bệnh viện có quy mô 940 giường, thực kê là 1.100 giường với là 41 khoa phòng chức năng.
