Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản

vnapotalky-1574480562-98.jpg

Di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước, là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. 

Với sự phong phú và giàu bản sắc, di sản văn hóa đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc; xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia ra thế giới.

Do đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của quần chúng và cộng đồng.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững

Di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước, là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng.

Vì vậy, việc bảo tồn các di sản, di tích là việc làm quan trọng và vô cùng cần thiết trong công cuộc kiến thiết nước nhà. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, hệ thống pháp luật qua các thời kỳ đều đề cập đến yêu cầu bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, di sản văn hóa, nghệ thuật, danh lam thắng cảnh đất nước.

Ngày 23/11/1945, chỉ hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành được độc lập, dù còn bộn bề các công việc cấp bách cần giải quyết, nhưng với tầm nhìn minh triết của một vĩ nhân – danh nhân văn hóa kiệt suất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SLvề bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam. Sắc lệnh xác định việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam.

Nghi lễ Rước kiệu của các phường, thị trấn trong lễ hội đền Hùng. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Nghi lễ Rước kiệu của các phường, thị trấn trong lễ hội đền Hùng. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Điều 4 của Sắc lệnh nêu rõ: Cấm phá hủy đình chùa, đền miếu, hoặc những nơi thờ tự khác như cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo nhưng có ích cho lịch sử.

Với ý nghĩa lịch sử to lớn của Sắc lệnh này, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/QĐ-TTg lấy ngày 23/11 hàng năm là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực di sản văn hóa, động viên và thu hút mọi tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Trước đó, năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) cũng đã đề ra nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Năm 2001, Luật Di sản văn hóa ra đời và được sửa đổi, bổ sung năm 2009 – điều chỉnh cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hoá phi vật thể. Ngày 21/9/2017, Chính phủ ban hành Nghi định số 109/2017/NĐ-CP Quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới có ý nghĩa đối với cộng đồng xã hội và quốc tế…

Ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/QĐ-TTg lấy ngày 23/11 hàng năm là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực di sản văn hóa.

Đặc biệt, để ghi nhận những đóng góp xuất sắc của các nghệ nhân trong việc truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 Quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân,” “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Cùng với xây dựng hành lang pháp lý, trong giai đoạn 2011-2018, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp trên 1.560 tỷ đồng cho các địa phương trên cả nước để chống xuống cấp và tu bổ di tích.

Công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã đạt được những hiệu quả tích cực, đã huy động được nguồn vốn không nhỏ từ các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng và nguồn vốn viện trợ của UNESCO, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ cho bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích. Theo số liệu thống kê từ các địa phương, giai đoạn từ năm 2011-2018, nguồn xã hội hóa cho tu bổ, tôn tạo di tích lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Các liền chị say sưa biểu diễn trống quân Bùi Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)
Các liền chị say sưa biểu diễn trống quân Bùi Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)

Bên cạnh việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích, trong thời gian qua, các di sản văn hóa phi vật thể cũng được sưu tầm nghiên cứu, phục dựng, trao truyền và tổ chức trình diễn, trực tiếp nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế-xã hội cộng đồng cư dân tại địa phương. Ngoài ra, năm 2015, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 600 cá nhân và truy tặng 17 cá nhân, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn bền vững các di sản văn hóa phi vật thể của đất nước…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã làm được,công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc vẫn còn những hạn chế, như việc triển khai quy hoạch di tích ở nhiều địa phương chưa kịp thời; công tác bảo vệ di sản nhiều nơi còn chưa tốt, nhiều di sản còn bị xâm hại. Việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp nhiều di sản theo kiểu “hiện đại hóa,” “hào nhoáng” đã làm mất đi nét chân thực, tính độc đáo vốn có của di sản.

Bên cạnh những kết quả đã làm được,công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc vẫn còn những hạn chế, như việc triển khai quy hoạch di tích ở nhiều địa phương chưa kịp thời; công tác bảo vệ di sản nhiều nơi còn chưa tốt, nhiều di sản còn bị xâm hại.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ nghệ nhân triển khai còn chậm; chưa quan tâm đúng mức nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật, chưa có giải pháp toàn diện phát huy giá trị di sản văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Thực tế trên đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả hơn nữa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đây không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của quần chúng và cộng đồng. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò tạo ra khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách; còn nhân dân đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản.

Kết tinh trí tuệ, tình cảm, truyền thống của dân tộc

Di sản văn hóa Việt Nam là kết tinh trí tuệ, tình cảm, truyền thống của dân tộc qua các thế hệ. Mặc dù phải trải qua biết bao biến cố của lịch sử, bị mất mát, hủy hoại bởi chiến tranh và điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng kho tàng di sản văn hóa của dân tộc ta vẫn vô cùng phong phú và đa dạng.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, cả nước có khoảng 40.000 di tích được kiểm kê. Trong đó, hiện đã có gần 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố; 3.463 di tích cấp quốc gia; 95 di tích quốc gia đặc biệt. UNESCO đã ghi danh 8 di sản của Việt Nam vào Danh mục Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Các bản khắc tư liệu Mộc bản triều Nguyễn tại chùa Bổ Đà (Bắc Giang). (Nguồn: TTXVN)
Các bản khắc tư liệu Mộc bản triều Nguyễn tại chùa Bổ Đà (Bắc Giang). (Nguồn: TTXVN)

Ngoài ra, theo Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, Việt Nam đã có 7 Di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, trong đó có 3 Di sản tư liệu thế giới và 4 Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Từ năm 2012 đến nay, qua 6 đợt xét chọn, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận 142 bảo vật quốc gia…

Cùng với hệ thống di tích, hệ thống bảo tàng ở Việt Nam đã có sự phát triển đáng kể trên nhiều mặt. Hệ thống bảo tàng đã được phát triển từ một vài bảo tàng xây dựng từ thời Pháp thuộc thành một hệ thống gồm 161 bảo tàng (với 125 bảo tàng công lập và 36 bảo tàng ngoài công lập).

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, các bảo tàng đã sưu tầm, lưu giữ, từng bước phát huy giá trị được hơn 3 triệu tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập hiện vật quý hiếm và 142 bảo vật quốc gia có giá trị cao đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận, góp phần quan trọng giới thiệu về lịch sử, văn hóa Việt Nam tới đông đảo công chúng.

Việt Nam đã có 7 Di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, trong đó có 3 Di sản tư liệu thế giới và 4 Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Những năm qua, các di sản văn hóa được nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy, đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc; góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia, truyền bá các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ quan trọng của di sản văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua hoạt động du lịch, giao lưu văn hóa và hợp tác phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Di sản văn hóa ở Việt Nam đã và đang thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò quan trọng trong việc giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, hình thành nên nguồn nhân lực đóng góp trực tiếp, quyết định vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Du khách trải nghiệm làm hương tại làng nghề Thủy Xuân, Huế. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)
Du khách trải nghiệm làm hương tại làng nghề Thủy Xuân, Huế. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Trên phương diện kinh tế-xã hội, nhiều di sản văn hóa đã trở thành những sản phẩm văn hóa-du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, đồng thời, từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương nơi có di sản, mang tới cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững.

Nhiều di sản văn hóa đã trở thành những sản phẩm văn hóa-du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch

Theo thống kê, khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan các khu di sản ở Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là các khu di sản như vịnh Hạ Long, quần thể di tích Cố đô Huế, quần thể danh thắng Tràng An, phố cổ Hội An, chùa Hương, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, khu di tích và danh thắng Yên Tử, khu di tích và danh thắng Núi Sam, Địa đạo Củ Chi…

Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành những điểm nhấn thu hút du khách, tạo nên thương hiệu riêng của các địa phương có di sản…/.