Chính sách khoa học công nghệ

ttxvncongn-1573611579-57.jpg

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh từ chủ trương, chính sách đến hành động của các bộ, các cấp, ngành đang có sự chuyển biến lớn, tác động mạnh đến việc phát triển khoa học công nghệ, làm động lực cho phát triển kinh tế-xã hội.

Cơ bản hoàn thiện hành lang pháp lý

Thời gian qua, hành lang pháp lý về khoa học và công nghệ cơ bản được hoàn thiện, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho hoạt động khoa học và công nghệ phát triển. Các lĩnh vực quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ được điều chỉnh bằng văn bản luật. Hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai cũng đã được các cấp, ngành ban hành tương đối đầy đủ.

Các văn bản từng bước khắc phục được các mâu thuẫn, chồng chéo, tạo điều kiện bình đẳng, rộng mở cho mọi thành phần phát huy sáng tạo, tham gia đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Tinh thần đổi mới của Nghị quyết số 20 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã được thể chế hóa kịp thời tại các văn bản Luật của Quốc hội như: Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Luật Chuyển giao công nghệ 2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017… và các văn bản dưới luật của Chính phủ (Nghị định 80, Nghị định 95, Nghị định 40, Nghị định 87… tạo hành lang pháp lý ngày càng thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hành lang pháp lý về khoa học và công nghệ cơ bản được hoàn thiện.
Hành lang pháp lý về khoa học và công nghệ cơ bản được hoàn thiện.

Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Đo lường, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật để trình Quốc hội thông qua…

Bên cạnh đó, để thực hiện Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2008 về phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, Chính phủ đã xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV để phù hợp với nghĩa vụ mà Việt Nam cần thi hành ngay.

Đồng thời, Chính phủ cũng đề nghị xây dựng Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi để quy định các nội dung cam kết có hiệu lực sau 3-5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các thủ tục gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, là tiền đề quan trọng để thực thi các cam kết về Sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Chính phủ cũng ban hành nhiều quyết định nhằm tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho hoạt động khoa học và công nghệ

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành nhiều quyết định nhằm tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho hoạt động khoa học và công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội như Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 phê duyệt đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định 850/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm.”

Ngoài ra, Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”; xây dựng khuôn khổ cho việc đo lường và đánh giá hiệu quả của nền kinh tế số, hoạt động của các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở có hoạt động khoa học và công nghệ; xây dựng chính sách thu hút chuyên gia giỏi, đặc biệt là cộng đồng nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài; hoàn thiện chỉ thị thúc đẩy hấp thụ, phát triển công nghệ, hoạt động đổi mới công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, giai đoạn hiện nay, từ chủ trương xuyên suốt, nhất quán trong hành động của các bộ, ngành cùng với những giải pháp rõ ràng cụ thể, làm cho khoa học và công nghệ đồng hành và sát hơn với các ngành, các cấp, sát hơn với thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Cụ thể, các nghị quyết Trung ương từ tinh thần Đại hội XII đã làm rõ nội hàm khoa học công nghệ từ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân…

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018, Chính phủ đang cùng các bộ, ngành tập trung vào nhiệm vụ tăng cường, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nhất là sở hữu trí tuệ trong thời đại số, thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hình thành cơ sở dữ liệu công nghệ quốc gia, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh tại tất cả các ngành, các lĩnh vực… góp phần phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.

Giới thiệu mô hình nhà thông minh tại Hội nghị quốc tế thường niên Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Giới thiệu mô hình nhà thông minh tại Hội nghị quốc tế thường niên Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương đảm bảo chi ngân sách Nhà nước hằng năm cho khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành tập trung hoàn thiện đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về Khu công nghệ cao để làm tiêu chí xây dựng các tiêu chí cho dự án công nghệ cao, huy động được nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, xã hội để đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ.

Chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2018 của Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2017 xếp hạng 45/126 quốc gia, nền kinh tế

Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2018 của Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2017 xếp hạng 45/126 quốc gia, nền kinh tế; nhóm chỉ số đầu vào về đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2018 đã tăng 6 bậc so với năm 2017.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019 của Việt Nam tăng 3 bậc lên vị trí 42/129 quốc gia, nền kinh tế so với năm 2018 là 45/126. Với thứ hạng này Việt Nam vươn lên thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã từng bước phối hợp với các cấp, ngành trong ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ mang lại hiệu quả cao.

Để khoa học và công nghệ thực sự thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với ngành nông nghiệp từ khâu giống, vật tư, chuỗi sản xuất, ứng dụng công nghệ cao…; phối hợp với ngành giáo dục trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong các trường đại học…; phối hợp với ngành công thương thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo./.

Công ty Truyền tải điện 4 (Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia) đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào điều khiển các trạm biến áp, tạo nền tảng cho tự động hóa và đưa công nghệ điều khiển xa, xây dựng các trung tâm vận hành trạm không người trực...
Công ty Truyền tải điện 4 (Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia) đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào điều khiển các trạm biến áp, tạo nền tảng cho tự động hóa và đưa công nghệ điều khiển xa, xây dựng các trung tâm vận hành trạm không người trực…