Sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long đến mức báo động khẩn cấp

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 8566/VPCP-NN về việc kiểm tra khắc phục sạt lở và ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước ở khu vực này.

Sạt lở tiếp tục đe dọa đến tính mạng và tài sản người dân

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn với mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc. Khu vực này rất có lợi thế về phát triển nông nghiệp và trên thực tế Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam.

Hàng năm, Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.

Tình trạng sạt lở xảy ra ở toàn bộ 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại khu vực này đã diễn ra với xu hướng ngày càng tăng, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân cũng như sự phát triển của kinh tế-xã hội của cả khu vực.

Tình trạng sạt lở xảy ra ở toàn bộ 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đặc biệt nghiêm trọng là ở An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang.

Nhà dân bị nhấn chìm xuống sông Rạch Vọp, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)
Nhà dân bị nhấn chìm xuống sông Rạch Vọp, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Theo thống kê, đến năm 2018, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 149km. Tình hình sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả mùa khô và diễn ra ở các tuyến sông chính, cho đến các hệ thống kênh, rạch với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm.

Trong những tháng qua, nhiều địa phương đã phải công bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở. Cụ thể, tỉnh Long An vừa công bố tình trạng khẩn cấp khu vực sạt lở bờ sông Cần Giuộc, với tổng chiều dài khoảng 2,4km; tại Cà Mau, hơn 37km cửa biển, bờ biển bị sạt lở tập trung chủ yếu ở các huyện Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Năm Căn gây ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư, đường Hồ Chí Minh và đai rừng phòng hộ; tại tỉnh Tiền Giang, có thêm 4 điểm “nóng” vừa công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở gồm bờ sông Bảo Định (thành phố Mỹ Tho), đê biển Gò Công và khu dân cư ấp Đèn Đỏ (huyện Gò Công Đông), bờ sông Tiền (huyện Cai Lậy)…

Tình hình sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả mùa khô và diễn ra ở các tuyến sông chính, cho đến các hệ thống kênh, rạch với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm.

Nhiều nguyên nhân dẫn sạt lở đã được chỉ ra. Trong đó, nghiêm trọng nhất là tác động từ các hồ chứa thượng nguồn đã và đang làm gia tăng các biến động bùn cát trên các tuyến sông và vùng ven biển, gây mất ổn định lòng, bờ sông và xâm thực bờ biển.

Tình trạng khai thác cát quá mức trên các tuyến sông, ven biển đi kèm với gia tăng các phương tiện vận tải thủy cũng làm trầm trọng hơn quá trình cạn kiệt bùn cát và gia tăng nguy cơ sạt lở. Bên cạnh đó là sự phát triển nhanh chóng của vùng kéo theo nhu cầu về nhà ở, nước sạch.

Nhiều hộ “liều mình” cất nhà trên sông rạch làm tăng tải trọng bờ sông, tình trạng hút nước ngầm diễn ra phổ biến gây sụt lún, làm tăng nguy cơ sạt lở… Ngoài ra, những tác động từ thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng là mối đe dọa tăng khả năng gây xói lở bờ biển, vùng cửa sông ven biển và suy thoái rừng ngập mặn ven biển.

Khẩn trương ứng phó

Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 17/11/2017) về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long đã xác định, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của vùng trong những năm tới.

Hiện thực hóa chủ trương này, năm 2018, ngoài việc bố trí ngân sách theo kế hoạch hằng năm để các địa phương xây dựng công trình phòng chống sạt lở, Chính phủ đã hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để xử lý 29 điểm cấp bách sạt lở bở sông, bờ biển thuộc 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long.

Đoạn Quốc lộ 91 qua địa bàn ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang bị sạt lở từ ngày 1/8 hiện đang có dấu hiệu sạt lở tiếp, nguy cơ sập hoàn toàn. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Đoạn Quốc lộ 91 qua địa bàn ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang bị sạt lở từ ngày 1/8 hiện đang có dấu hiệu sạt lở tiếp, nguy cơ sập hoàn toàn. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ xử lý sạt lở 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và 36 triệu USD từ dự án WB, ADB…

Ngoài ra, 35 dự án xử lý sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển cũng đang được thực hiện với sự phối hợp của các tổ chức quốc tế hỗ trợ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, 24 dự án xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển và trồng rừng ngập mặn cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với số vốn 1.635 tỷ đồng đã được đưa vào đề xuất điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ xử lý sạt lở 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020

Mới đây, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 8566/VPCP-NN về việc kiểm tra khắc phục sạt lở và ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước ở khu vực này. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, địa phương khẩn trương kiểm tra đánh giá về tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài để xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở ven sông, ven biển nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định đời sống và sản xuất của người dân; đồng thời có phương án chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 nhằm chủ động ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo các chuyên gia, việc cần làm lúc này là các địa phương và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động trong công tác đánh giá tổng thể, rà soát, khảo sát lại các điểm sạt lở ở địa phương để có mức độ cảnh báo và ứng phó kịp thời. Đẩy mạnh công tác dự báo để người dân chủ động ứng phó, kiên quyết xử lý, ngăn chặn các công trình vi phạm, lấn chiếm lòng sông…

Nhà của người dân ven cửa biển Vàm Xoáy (Cà Mau) đang trong tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng vì sạt lở. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)
Nhà của người dân ven cửa biển Vàm Xoáy (Cà Mau) đang trong tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng vì sạt lở. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)