Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Trước yêu cầu đào tạo cán bộ của Đảng, tháng 1/1949, Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc được thành lập, trở thành Trường huấn luyện cán bộ hoạt động thường xuyên, đặt tại Định Hóa, Thái Nguyên.

Tháng 9/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm trường trong ngày khai giảng và ghi vào Sổ Vàng của trường lời huấn thị bất hủ: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích thì phải cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư.”

“Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích thì phải cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư.”

Suốt 70 năm qua, lớp lớp cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường vẫn luôn nỗ lực hết mình để làm theo lời dạy của Người, góp phần to lớn vào sự nghiệp đào tạo cán bộ trung, cao cấp của Đảng, góp phần quan trọng đưa Đảng ngày càng phát triển vững mạnh, đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước đi lên, phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế, xã hội, chính trị, vị thế quốc tế. Những thế hệ lãnh đạo của Học viện với những cái tên lẫy lừng như Lê Văn Lương, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Nguyễn Vịnh, Nguyễn Đức Bình, Trần Đình Hoan, Tô Huy Rứa, Lê Hữu Nghĩa, Tạ Ngọc Tấn mãi là niềm tự hào, kiêu hãnh của mọi thế hệ giảng viên, học viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Trường Đảng và yêu cầu bức thiết của lịch sử dân tộc

Năm 1925, đất nước vẫn chìm trong đêm dài nô lệ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tập hợp những cá nhân yêu nước và thành lập tổ chức Tâm tâm xã, tổ chức các lớp học chủ nghĩa Mác-Lê nin và đường lối cách mạng. Người đã đặt những viên gạch nền móng đầu tiên, là người thầy đầu tiên trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo cán bộ của Đảng, vì mục tiêu giải phóng dân tộc.

Đồng chí Phạm Văn Đồng với học viên Trường Nguyễn Ái Quốc (năm 1949). (Ảnh Tư liệu TTXVN)
Đồng chí Phạm Văn Đồng với học viên Trường Nguyễn Ái Quốc (năm 1949). (Ảnh Tư liệu TTXVN)

Dưới sự dẫn dắt của Người, năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước được giải phóng, nhưng ngay sau đó lại tiếp tục thực hiện công cuộc vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ cách mạng đông đảo về số lượng và lớn mạnh về chất lượng. Vì vậy công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.

Năm 1949, thực hiện chủ trương của Đảng về công tác huấn luyện cán bộ phục vụ sự nghiệp cách mạng, đáp ứng yêu cầu bức thiết của lịch sử dân tộc, Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc ra đời, chính thức trở thành Trường huấn luyện cán bộ hoạt động thường xuyên. Địa điểm đầu tiên của Trường đặt tại làng Luông, xã Bình Thành, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Khoá I được mở từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 4/1949, có 40 học viên.

Kể từ khi được thành lập, Trường Đảng đã bám sát nhiệm vụ chính trị, coi trọng việc quán triệt đường lối cách mạng của Đảng, hết sức coi trọng việc giáo dục phẩm chất, giáo dục tác phong, lề lối làm việc cho đội ngũ cán bộ.

Kể từ khi được thành lập, Trường Đảng đã bám sát nhiệm vụ chính trị, coi trọng việc quán triệt đường lối cách mạng của Đảng, hết sức coi trọng việc giáo dục phẩm chất, giáo dục tác phong, lề lối làm việc cho đội ngũ cán bộ.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đáp ứng yêu cầu của Đảng về việc phải tiến hành một đợt giáo dục chính trị, tư tưởng tập trung quy mô toàn Đảng, toàn quân và trong toàn thể cán bộ kháng chiến, Trường Đảng Trung ương đã tập trung phục vụ chỉnh huấn, tiến hành mở các lớp chỉnh huấn cho cán bộ ở trung ương và cán bộ chủ chốt cấp liên khu và tỉnh, thành phố.

Dù phải chuyển nhiều địa điểm khác nhau, từ Thái Nguyên sang Tuyên Quang, Hà Tây, nhưng trường đã đào tạo, bồi dưỡng được 5.750 cán bộ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó, phục vụ sự nghiệp cách mạng chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần vào thắng lợi giải phóng hoàn toàn miền Bắc vào năm 1954.

Giai đoạn 1954-1975, trước tình hình mới của lịch sử dân tộc, khi miền Bắc được giải phóng nhưng miền Nam vẫn phải tiếp tục kháng chiến chống Mỹ, ngày 8/2/1957, Trung ương Đảng ra Chỉ thị 08, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập lý luận đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng.

Ngày 7/9/1957, Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc khai giảng khoá học lý luận dài hạn đầu tiên, mở đầu thời kỳ giáo dục lý luận một cách cơ bản. Trong thời kỳ này Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương đã đào tạo 43.075 cán bộ cho các ban, ngành và các địa phương, kịp thời phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam. Nhiều đồng chí học xong đã lên đường vào miền Nam, trực tiếp tham gia kháng chiến.

Hạt nhân xây dựng hệ thống lý luận chính trị quốc gia

Sau năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội, Trường được đổi tên là Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc.

Đất nước sang trang sử mới, Trường Đảng cũng nhận thêm nhiệm vụ mới. Tháng 10/1978, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 54/CT-TW nêu rõ hai nhiệm vụ: một là, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao, trung cấp về lý luận chính trị; hai là, nghiên cứu lý luận nhằm làm tốt việc giảng dạy, đồng thời góp phần vào công tác lý luận chung của Đảng.

Bác Hồ tới thăm học viện năm 1949.
Bác Hồ tới thăm học viện năm 1949.

Theo đó, bên cạnh hoạt động giáo dục, đào tạo cán bộ cho Đảng, trường có nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xây dựng hệ thống lý luận chính trị.

Thực hiện nhiệm vụ mới, cùng với công tác giáo dục, đào tạo, nhà trường tập trung nghiên cứu nhiều đề tài khoa học, làm sáng tỏ hơn những chân lý khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, nhằm phục vụ việc nâng cao chất lượng đào tạo và góp phần cung cấp căn cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cùng với công tác giáo dục, đào tạo, nhà trường tập trung nghiên cứu nhiều đề tài khoa học, làm sáng tỏ hơn những chân lý khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Năm 1986, Bộ Chính trị chuyển Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc thành Học viện Khoa học xã hội Nguyễn Ái Quốc, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (gọi tắt là Học viện Nguyễn Ái Quốc). Với vai trò hạt nhân về đào tạo cán bộ cho Đảng và nghiên cứu lý luận chính trị, Học viện được Bộ Chính trị giao thêm hai nhiệm vụ mới.

Thứ nhất là hướng dẫn 3 trường Đảng khu vực về nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, về nghiên cứu khoa học và xây dựng đội ngũ cán bộ.

Thứ hai là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cao, trung cấp và cán bộ lý luận do các Đảng bạn gửi sang về mặt lý luận và chính trị; tổ chức hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học với các Học viện và các Trường Đảng cao cấp của các nước anh em.

Năm 1993, Bộ Chính trị quyết định sắp xếp lại các trường Đảng Trung ương chuyển thành Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trực thuộc Chính phủ. Năm 1996, Bộ Chính trị hợp nhất Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, lấy tên là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Giám đốc Học viện Tố Hữu và các học viên trong lễ khai giảng. 
Giám đốc Học viện Tố Hữu và các học viên trong lễ khai giảng. 

Ngày 20/10/1999, Bộ Chính trị ra Quyết định 67/QĐ-TW “Về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”. Theo đó, Học viện là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng thời là trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Không ngừng nỗ lực, đáp ứng yêu cầu mới

Trong suốt 70 năm qua, cùng với sự thay đổi theo từng thời kỳ của đất nước, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng không ngừng nỗ lực hoàn thiện, đổi mới các hoạt động phù hợp với mục tiêu quốc gia.

Trong giai đoạn đẩy mạnh nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị năm 2005 về “đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh,” Học viện đã xây dựng các đề án đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và tăng cường cơ sở vật chất – kỹ thuật để ngang tầm với đòi hỏi của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, khi cả nước đang nỗ lực thục hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện bước đầu cuộc cách mạng 4.0…, Học viện cũng không ngừng đổi mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng cán bộ giảng viên nhà trường.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng cán bộ giảng viên nhà trường.

Trong công tác đào tạo, Học viện đã xây mới nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập ở tất cả các chương trình và hệ lớp. Lần đầu tiên, Học viện được Trung ương giao nhiệm vụ quan trọng là phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị và triển khai Đề án Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cao cấp của Trung ương. Trên cơ sở nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức lớp dự nguồn Trung ương, Học viện đã hướng dẫn, phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, lớp bồi dưỡng bí thư huyện ủy và các lớp bồi dưỡng theo chức danh.

Chỉ tính riêng trong năm học 2018-2019 vừa qua, Học viện đã mở 80 lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung với hơn 3.400 học viên đã tốt nghiệp; 19 lớp hoàn chỉnh Chương trình cao cấp lý luận chính trị với hơn 1.600 học viên; bế giảng 102 lớp cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung với hơn 8.900 học viên; cấp giấy xác nhận tương đương cao cấp lý luận chính trị cho 251 lượt cán bộ theo quy định.

Học viện cũng tổ chức thành công hai lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức đối với các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII; đang tổ chức hai lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII.

Trong hoạt động nghiên cứu, Học viện tiến hành thực hiện hàng trăm đề tài, đề án, dự án nghiên cứu khoa học các cấp có chất lượng ngày càng cao, góp phần giải quyết nhiều vấn đề quan trọng được Trung ương Đảng, Chính phủ và xã hội đặt hàng.

Học viện tiến hành thực hiện hàng trăm đề tài, đề án, dự án nghiên cứu khoa học các cấp có chất lượng ngày càng cao, góp phần giải quyết nhiều vấn đề quan trọng được Trung ương Đảng, Chính phủ và xã hội đặt hàng.

Trong công tác nhân sự, Học viện là một trong những cơ quan Trung ương đầu tiên tiến hành thành công việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả.

Với những kết quả đạt được, uy tín và vị thế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục được khẳng định. Ngày 8/8/2018, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 145-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai giảng năm học mới 2019-2020. (Ảnh Dương Giang/TTXVN)
Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai giảng năm học mới 2019-2020. (Ảnh Dương Giang/TTXVN)

Quyết định nêu rõ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Học viện là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị-xã hội; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Theo Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, đây là một điểm mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển lớn đối với sự phát triển của Học viện trong bối cảnh lịch sử mới.

Để mở ra những hướng đi mới, Học viện vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 70 năm xây dựng và phát triển.” Hội thảo không chỉ làm sáng tỏ những đóng góp của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong 70 năm qua với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời chỉ ra những vấn đề, yêu cầu mới đối với sự phát triển của Học viện trong giai đoạn tới, trên tinh thần chiến lược phát triển Học viện đến năm 2025, tầm nhìn năm 2045.

“Phát huy truyền thống và những thành tựu đạt được trong 70 năm qua, phát huy danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới và triển khai những yêu cầu đổi mới, toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, học viên của Học viện quyết tâm làm việc và học tập tốt hơn, làm vẻ vang thêm truyền thống của Học viện mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại,” ông Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ./.

Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Học viện Chính trị quốc gia.
Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Học viện Chính trị quốc gia.