Đi tìm…

ditim-1567133535-84.jpg

Trong thời đại mà thuốc bảo vệ thực vật trở thành thứ công cụ lao động không thể thiếu của người nông dân, còn kè bêtông là phương án đầu tiên xuất hiện trong mọi trường hợp sạt lở, vẫn có những cá nhân tin vào sức mạnh của tự nhiên, cho rằng tự nhiên có thể làm được điều gì đó lớn lao hơn chức năng làm giá thể cho sự sống của con người.

Cỏ giữ đất

Khu vườn, nơi chúng tôi đang đứng, không dùng bất kỳ một giọt thuốc trừ sâu hay một hạt phân bón hóa học nào suốt 11 năm qua. Dọc đường đi vào vườn, những trảng sài đất, cỏ lạc nở hoa vàng rực rỡ. Trên các luống rau, các loại mùng tơi, chân vịt, muống cạn… mọc chen với cỏ. Và khắp trong không gian, bướm, sâu, châu chấu… cùng muôn loài côn trùng không rõ tên liên tục vận động. Nếu một người nông dân “kiểu mẫu” của thời hiện đại đứng đây, hẳn người đó sẽ kêu lên: “Vườn gì mà tốt như rừng thế này, cả năm không chăm bón hay sao?.”

Thực tế là người chủ khu vườn – chị Nguyễn Thị Phương Liên – đã mất hơn một thập kỷ chỉ để chăm sóc cho nó “tốt như rừng.”

“Hơn 10 năm trước đây, khi chúng tôi thuê lại mảnh đất này, nó rất cằn cỗi và bạc màu, bởi người chủ trước đã khai thác đến cạn kiệt lớp đất mặt để đóng gạch. Khắp nơi trong vườn là lớp đất sét cứng đanh, khô khốc… Bởi vậy, việc cần làm đầu tiên là phải cải tạo đất,” chị Liên nhớ lại. Và sử dụng cỏ là một trong những cách được chị Liên ưu tiên để tăng độ phì nhiêu cho mảnh đất này.

Trong nông nghiệp hiện đại, cỏ dại gắn liền với những định kiến tiêu cực: hút hết chất dinh dưỡng của cây, làm cây không lớn được và thậm chí có thể gây ra dịch bệnh. Bởi thế, khi gõ từ khóa “cỏ dại” trên Google, kết quả trả về hầu hết là cách diệt và phòng trừ cỏ. Tại trang cung cấp tri thức mở Wikipedia, “cỏ dại” còn được định nghĩa là “một loài thực vật ở sai vị trí.”

Nhưng loài thực vật sai vị trí ấy lại có vẻ khá thoải mái tìm chỗ đứng giữa khu vườn rộng 2,2 hécta bên bãi bồi sông Hồng này. Những người nông dân ở Trang trại hữu cơ Tuệ Viên (Cự Khối, Long Biên, Hà Nội) chỉ nhổ bớt cỏ khi nó phát triển quá mạnh, nhằm duy trì một trạng thái cân bằng cho vườn cây chứ chưa bao giờ phải dốc sức diệt cỏ dại.

Và kể cả khi bị nhổ đi, những ngọn cỏ dại vẫn luôn có ích khi được đem ủ hoai làm phân bón cho cây.

Chị Phương – người hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi thăm vườn, nhoẻn miệng cười: “Cỏ không tranh hết dinh dưỡng của cây đâu.”

Với những người làm nông nghiệp hữu cơ, cỏ mang nhiều giá trị với đời sống sinh vật. Trước hết, nó tạo thành một lớp bao bọc đất đai, giữ nước không bị bay hơi nhanh chóng sau mưa. Thứ hai, sự có mặt của cỏ góp phần tạo nên sự đa dạng trong thảm thực vật của khu vườn. Với cỏ lạc, bộ rễ chùm của nó còn là môi trường để vi sinh vật phát triển mạnh mẽ. Đó là lý do khi cầm trên tay một nắm đất của Tuệ Viên, bạn sẽ thấy khắp nơi là những lỗ nhỏ li ti. Chúng do các loài sinh vật sống trong đất tạo ra. Đó chính là những “công nhân không đòi trả lương” cần mẫn làm cho đất tơi xốp cả ngày lẫn đêm.

Làm nông nghiệp hữu cơ không đơn giản chỉ là chuyện gieo hạt mầm xuống và tuyệt giao với mọi loại thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Chị Liên cùng cộng sự đã mất 4 năm miệt mài mang từng xe bã dược liệu về bón cho vườn tược. Rồi trồng cây, rồi ủ phân xanh… tạo môi trường cho các loài sinh vật phát triển trở lại. Có sinh vật thì mới có mỡ màu. Sinh vật chính là mỡ màu của đất. Và đương nhiên, 4 năm đó là 4 năm không lợi nhuận, không nguồn thu. Chị vẫn phải duy trì công việc ở công ty cũ bên cạnh việc săn sóc khu vườn rộng.

“Ban đầu, tôi sang Israel để học về nông nghiệp công nghệ cao. Dự án đã được xin vốn hết rồi. Thế nhưng trong quá trình học, tôi phát hiện ra thầy dạy mình tuy là chuyên gia về công nghệ cao nhưng gia đình thầy vẫn duy trì một vườn rau hữu cơ qua nhiều thế hệ. Tôi liền xin chuyển sang học nông nghiệp hữu cơ,” chị Liên nhớ lại.

Nhưng đó không phải là một quyết định dễ dàng. Từ bỏ nông nghiệp công nghệ cao nghĩa là gì? Là không có vốn, là phải làm lại từ đầu, là đi một con đường mù mờ và không rõ lối.

Ngày đó, những khái niệm như “organic,” “hữu cơ”… chưa trở thành trào lưu. “Một lần vào trang trại bò sữa để học tập, tôi được chứng kiến toàn bộ quy trình sản xuất. Sau khi bò cái sinh con, lập tức nhân viên trang trại sẽ tách con ra để phân loại. Nếu là bò con cái, chúng phải tách mẹ khi còn đỏ hỏn và được bơm đủ loại dinh dưỡng để kích thích sữa ra dồi dào,” chị Liên nhớ lại.

“Tôi nghĩ đến mình cũng là một bà mẹ…” – chị nghẹn ngào nhận ra mặt trái của kinh doanh: tất cả cứ mải miết chạy theo doanh thu mà không bao giờ tính toán đến sự sống chết của những sinh vật khác. Thế là không phân vân gì nữa, chị bỏ vị trí lãnh đạo cấp cao tại một tập đoàn xây dựng, bỏ công trường, bỏ cả những chuyến đi trong Nam ngoài Bắc để về vườn theo đúng nghĩa đen.

11 năm trôi qua, từ mảnh đất cằn cỗi và bạc màu, giờ đây khu nông trang hơn 2 hécta của chị Liên đã trở thành một thế giới sinh vật đúng nghĩa. “Chúng tôi đi theo hướng phát triển vườn rừng, nghĩa là đa tầng tán và đa dạng các loài sinh vật.” Tất cả nương tựa vào nhau mà sống, bao gồm cả con người.

“Có nhiều cách để chúng tôi chống lại sâu bệnh mà không dùng đến thuốc. Ví dụ như trồng các loài cây để xua đuổi hoặc dẫn dụ sâu bệnh rồi xử lý tập trung, như các cây tía tô, hương nhu, râm bụt… Hay trên một vùng trồng rau, dinh dưỡng sẽ được tập trung cho 1, 2 luống để thu hút sâu bệnh, sâu chỉ tấn công ở đó, hạn chế lan sang các luống khác. Đây được gọi là luống hy sinh. Hoặc tiến hành trồng xen canh, khiến các loài sâu bệnh khi tấn công sẽ dễ bị xác định nhầm nguồn thức ăn hoặc không thể tấn công ồ ạt, giúp cho lượng cây bị sâu bệnh hại giảm đi đáng kể. Và trên tất cả, đất khỏe thì cây cũng sẽ khỏe hơn nhiều,” chị Phương, người cộng sự thân thiết của chị Liên vừa đi vừa giảng giải cho chúng tôi nghe cách họ sản xuất nông nghiệp mà không dùng đến thuốc bảo vệ thực vật.

Và thực ra, những chai, những gói thuốc bảo vệ thực vật ấy có “bảo vệ” được cỏ cây không? Không. Chúng diệt nhiều hơn nuôi. Những sinh vật có lợi cho đất và cây dần biến mất. Nguồn dinh dưỡng tự nhiên không còn, cây cỏ đành lệ thuộc triền miên vào nguồn cung nhân tạo như con nghiện cần thuốc để sống.

“Trước đây, cây cối sẽ phải phát triển rất mạnh bộ rễ để có thể cắm sâu qua những tầng đất hút chất dinh dưỡng. Quá trình đó vừa giúp cây khỏe mạnh thêm, chống chịu được gió bão hay sâu bệnh, vừa giúp phát triển hệ vi sinh trong đất. Nhưng nay, cây thụ động chờ “thức ăn” vì có con người bón cho thường xuyên. Chúng không phát triển bộ rễ theo chiều sâu nữa mà chỉ phát triển theo chiều ngang. Bởi vậy sức chống chịu thiên tai không còn được như xưa, cây cũng mất dần khả năng giữ đất và nước. Các tầng đất dưới thì vắng bóng vi sinh vật, chúng dần keo cứng lại và kiệt quệ về dinh dưỡng. Đất bạc màu từ đó mà lan rộng ra.”

Lời giải thích cặn kẽ và đầy đủ ấy như rút ra từ một cuốn sách chuyên khảo khoa học. Nhưng ở đây, nó lại xuất phát từ một cựu doanh nhân có cả tuổi trẻ gắn bó trên những công trường xây dựng. Bằng con mắt hệ thống, chị Liên xác nhận mối liên quan chặt chẽ giữa sinh thái với tất cả những vấn đề nóng bỏng của đời sống, bao gồm sinh kế bền vững, xóa đói giảm nghèo, biến đổi khí hậu…

Trồng một khu vườn rừng, ở đó có chỗ cho cỏ mọc, ong bay hay giun đất phát triển không chỉ có ý nghĩa về an toàn sức khỏe với con người, mà còn đóng góp vào những mục tiêu xa hơn như giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học.

Theo báo cáo vào năm 2007 của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc, “nông nghiệp truyền thống, cùng với sự phá rừng và đốt nương rẫy đã đóng góp 30% lượng thải CO2 và 90% NO2 vào không khí. Thế giới chuyển sang nông nghiệp hữu cơ vừa có thể giải quyết được nạn đói, vừa ngăn chặn được sự biến đổi khí hậu.” Thế giới từng đặt tên cho làn sóng cơ giới hóa nông nghiệp là “cách mạng xanh.” Nhưng giờ là lúc để nhìn nhận lại rằng: chúng không xanh một chút nào!

Cỏ giữ làng

Đi dọc thôn Triêm Tây bây giờ, không khó để bắt gặp những ngôi nhà đang được sơn sửa, cất nóc hay thậm chí là xây mới hoàn toàn. Một cuộc sống sung túc và trù phú đang mở ra với người dân ngôi làng nhỏ bên bờ Thu Bồn. Ít ai biết rằng, chỉ chục năm trước đây, mảnh đất này từng trơ trọi sau những mùa lũ dữ. 2/3 diện tích đất đai đã chìm xuống lòng sông.

Ban đầu cả làng có khoảng 500 hộ, còn trong những thời điểm ngặt nghèo nhất, cả thôn chỉ còn trên trăm hộ dân. Người ta bỏ nhà bỏ cửa mà đi. Đến khi bờ kè được xây dựng rồi, vẫn chưa nhiều người dám trở về.

Được nghe, được thấy câu chuyện đáng buồn ấy, Vũ Mỹ Hạnh (32 tuổi, người Hà Nội) đã canh cánh nỗi trăn trở: “Ngay từ thuở sơ khai, con người đã tìm đến những bãi bồi để sinh cơ lập nghiệp. Triêm Tây cũng là một bãi bồi như thế, chứng tỏ nó vốn rất an toàn. Nhưng đến một thời điểm, con người phải đối mặt với vận động của dòng nước lớn hơn mức mà họ có khả năng chống chọi, họ không biết làm gì và nhiều người đã phải ra đi.” Vậy có cách nào không để đưa những người dân ấy trở về nơi đã từng là máu thịt?

Nhằm tìm kiếm câu trả lời xác đáng, cô cựu sinh viên Đại học Ngoại thương bỏ công việc đáng mơ ước ở thành phố, bỏ cả đô thị phồn hoa phía sau lưng, khoác balô lên đường, đến với Triêm Tây.

“Đất lành chim đậu,” con người cũng thế, chỉ có thể tính chuyện lâu dài trên những vùng đất hiền hòa và bình yên. Muốn mời gọi người về, vùng đất ấy phải cho thấy nó có đủ khả năng an cư lập nghiệp. Vậy là Hạnh cùng kiến trúc sư-tiến sỹ Ngô Anh Đào và các cộng sự đã quyết định chính họ sẽ ở lại đây, minh chứng cho người dân thấy nơi này đã đủ bình yên để có thể trở về.

Trang trại An Nhiên đã được lập lên bằng quyết tâm ấy, ngay ở vị trí “tiền tuyến” của làng. Ngoài cùng, một hệ thống kè sinh thái được dựng lên nhờ 3 lớp cây: sậy, bần chua ở lớp ngoài cùng – loài cây tiên phong chịu được ngập mặn; lớp thứ hai trồng cỏ búa – loại cây có rễ khỏe, cắm sâu vào lòng đất, có tác dụng giữ đất; và lớp trên cùng trồng phi lao – loại cây hợp với đất cát, làm bức tường chắn gió. Ở chân mỗi lớp lại được cắm cọc tre dài 3 đến 4 mét giống như chiếc khóa sinh học giúp bảo vệ từng loài cây. Chúng như một cánh cung ôm lấy cả ngôi làng. Tiếp đến là những cụm tre nối tiếp với vườn rừng. Cuối cùng là nhà ở và khu xưởng. Dưới nắng Hè, những mái nhà ánh lên màu vàng óng của tre và gỗ, trông xinh xắn như vừa bước ra từ một câu chuyện cổ.

“Trước mình chưa ai làm. Và câu chuyện phục hồi đất đai căng thẳng hơn rất là nhiều,” Hạnh nói. “Căng thẳng” ở đây là lấy sức người để cải tạo lại những thành tố của tự nhiên vốn đã trở nên kiệt quệ và trần trụi. “Trồng một cái cây không phải là chuyện đào cái hố rồi đặt cái cây. Trồng một cái cây cũng phải tính toán xem trồng ở đâu, trồng vào lúc nào khi cả năm cứ lụt rồi hạn, đất đai bị hoang hóa quá nhiều.”

Thách thức nhân lên gấp bội mỗi khi Triêm Tây phải đối mặt với lũ dữ. Liên tiếp trong 3 năm 2015, 2016, 2017, Triêm Tây hứng chịu những đợt lũ lớn, mưa bão trái mùa. Thậm chí năm 2017, mực nước lũ còn suýt “phá kỷ lục” trong lịch sử, ngang tới ngực một người trưởng thành. Vườn cây xác xơ. Bờ kè với những mầm xanh còn non nớt tưởng như không còn lại gì.

Nhưng “căng thẳng” không đồng nghĩa với đối đầu. Nhóm của Hạnh vẫn tin rằng lời giải cho bài toán của tự nhiên vẫn còn nằm ở phía tương lai, cứ đi rồi sẽ đến: “Sau mỗi trận lụt, thay vì tuyệt vọng, chán nản, thay vì mình cứ cương quyết đi theo cái mình muốn ở trong đầu, thì mình nhìn xem nước lụt hoặc những diễn biến của tự nhiên để lại cho mình cái gì.

Thiết kế tiếp theo sẽ dựa trên cái để lại đấy. Tức là mình nương tựa vào tự nhiên, chứ không cố thủ với những cái mình nghĩ từ đầu.”

Một ví dụ điển hình là hạt giống trong vườn An Nhiên không bao giờ được thu hết, sẽ luôn có một phần ở lại, tự rụng, tự phân tán khắp nơi để nảy lên những chồi non mới. Hạnh gọi đó là cách để thiên nhiên tự làm công việc của mình. Con người tôn trọng “việc làm” ấy của tự nhiên thì cũng giúp chính bản thân mình tiết kiệm công sức và thời gian lao động. Mà tiết kiệm sức người thì “chính là tiết kiệm rất nhiều tài nguyên.”

Sau 4 năm miệt mài học hỏi, Hạnh cùng những người đồng hành đã có một khu vườn sinh thái đúng nghĩa. Cây cối lên xanh, xóa nhòa màu bạc trắng của đất cát. Hạnh bảo: “Chúng tôi là những người đầu tiên trồng cây thân gỗ, cây lâu năm ở đây. Trước người dân không tin là có thể trồng được.” Tầng cao có mít, xoan, tre, bời lời…; tầng thấp có đinh lăng, đậu săng, actiso, các loại rau ăn… Mỗi loài có một chức năng riêng, gắn bó khăng khít như những một đứa con trong cùng một gia đình. Sự bình yên của An Nhiên dường như đã khiến giấc mơ “hình thành nên một hệ sinh thái tự nhiên trù phú và đủ khỏe để bảo vệ dân làng ở phía trong” của Hạnh hiện thực hóa được nhiều phần.

“Không có các bờ kè sinh thái và vườn tre như vậy, chắc giờ chúng ta khó ngồi được đây mà nói chuyện với nhau,” ông Võ Đang Sự, trưởng thôn Triêm Tây khẳng định. Là người đứng đầu thôn nhưng ông luôn nhắc đến những công trình sinh thái tại An Nhiên bằng sự biết ơn vô hạn.

Còn ông Phạm Văn Được, người làng Triêm Tây thì vẫn nhớ: “Hồi xưa đất xói lở ghê lắm, người dân đi hết trơn. Sau khi có những dự án như của Hạnh, người dân mới an tâm mà trở về. Có những hộ đi miết 5, 6 năm rồi, lại phấn khởi về dựng nhà, dựng cửa. Nói chung được ở trên quê hương thì ai cũng vui.”

Là người từng học về kinh tế, Hạnh giữ một tư duy khác biệt rằng môi trường và thiên nhiên không phải hai thái cực đối nghịch. “Các bạn làm môi trường thường có một thái độ tương đối tiêu cực khi nói về kinh tế, nhưng một trong những bài học kinh tế đầu tiên được dạy trong trường đại học là giới hạn của nguồn lực. Hiểu được điều đó thì sẽ thấy mọi thứ không hề đối nhau,” Hạnh nói.

Xuyên suốt những câu chuyện kể của Hạnh và chị Liên là hành trình họ giao tiếp với tự nhiên, học tự nhiên cách nương tựa vào nhau mà sống. Như Hạnh nói: “Sau mỗi mùa lũ, những thứ còn lại trở thành đầu vào cho một chu trình mới để mình tiếp tục quan sát và thích ứng với tự nhiên.” Còn với chị Liên, “những ngày làm biếng là những ngày ở vườn.”

Trồng rau, nhặt cỏ, ủ phân không còn vất vả nữa mà trở thành thứ niềm vui dung dị làm con người ta hạnh phúc suốt cả ngày dài. Hóa ra, thiên nhiên còn biết bao thứ phúc lợi diệu kỳ khác mà con người vẫn chưa chịu trân quý và tận hưởng hết.

Thời gian này, Tuệ Viên đang trong quá trình chuyển giao. Rồi đây, nó sẽ trở thành một khu nghiên cứu hoàn chỉnh – nơi những mô hình nông nghiệp hữu cơ được đưa vào thử nghiệm và kiểm chứng trước khi đem áp dụng nhiều nơi.

Sau Triêm Tây, trang trại An Nhiên sẽ phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An tiếp tục xây dựng kè sinh thái ở xã Cẩm Kim. Theo kế hoạch, nơi ấy sẽ có Bảo tàng Tre, có vườn cây trái…, là nơi những đàn chim có thể trở về./.

“Những lợi ích lớn nhất của nông nghiệp hữu cơ là: 

1. Không lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. 2. Dựa vào những nguồn lợi sẵn có của địa phương mà giảm thiểu sức ép nông nghiệp sinh thái và hiệu quả chi phí.

Nông nghiệp hữu cơ giảm các tác động tới môi trường, giúp cân bằng sinh thái; không phá rừng, không bón phân hóa học, không sử dụng thuốc diệt cỏ vì thế có thể phủ xanh đất trống đồi trọc, giúp giảm xói mòn, chống biến đổi khí hậu… Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có giá trị dinh dưỡng cao. Vì thế, chỉ cần ăn một lượng nhỏ đã đủ cung cấp cho con người, ví dụ ăn 1 bát cơm gạo hữu cơ đã thấy no, trong khi đó ăn 2-3 bát cơm gạo canh tác thông thường mới no.

Vì cây trồng hữu cơ có giá trị kinh tế cao, nên tập trung phát triển những cây trồng đặc sản, cây trồng bản địa (vì có khả năng thích ứng với từng vùng khí hậu, ít sâu bệnh), cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Hiện nay, Việt Nam có 58.018ha đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ, chiếm 0.5% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp (theo số liệu của FiBL and IFOAM, 2019). Vì thế, còn rất nhiều cơ hội để tăng diện tích sản xuất hữu cơ ở Việt Nam trong tương lai.” 

(Tiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc Dinh thuộc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam).