Người trẻ làm cổ phục

bia-1565058266-42.jpg

Một nhóm bạn trẻ đam mê cổ phong, văn hóa; vị giáo sư lịch sử đầu ngành; vị công tôn nữ hơn 90 tuổi của nhà Nguyễn đã cùng phục dựng, phỏng dựng lại những trang phục xưa của hoàng tộc và người dân Việt các triều đại. Đáng nói, liên kết giữa các mắt xích này là một thanh niên 9x: Nguyễn Đức Lộc. Cậu đã từ bỏ nghề báo để bắt đầu lập nhóm, mở công ty riêng để nghiên cứu, dệt nên những tấm áo từ quá khứ cách đây cả trăm năm.

Lộc hẹn tôi ở văn phòng công ty start-up Ỷ Vân Hiên hơn 1 năm tuổi của cậu trên đường Tam Trinh vào giờ hành chính. Công ty trẻ, nhân sự trẻ song nhịp làm việc nề nếp, chỉn chu. Các phòng nghiên cứu, phòng thiết kế đều làm việc khá lặng lẽ. Dù ngay trước buổi gặp này, họ vừa hoàn thành hai dự án có tiếng vang là cung cấp trang phục cho phim Phượng Khấu (về hoàng cung triều Nguyễn) và phỏng dựng trang phục thời Lê Trung Hưng trong hoạt cảnh tái hiện sân khấu hóa lễ ban quạt mang tên “Một thoáng Tết Đoan Dương thời Lê Trung Hưng” tại Hoàng thành Thăng Long. “Hết việc này tới việc khác luôn, công ty trẻ thỏa mãn là chết!”- Lộc phân trần.

Nguyễn Đức Lộc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nguyễn Đức Lộc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nói là thế, nhưng khi hỏi về việc phỏng dựng lại trang phục thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII- XVIII), Lộc không khỏi tự hào: Thời gian chuẩn bị chương trình là 1 tháng. Bọn mình hoàn thành 20 loại quần áo khác nhau từ vua tới các quan, lính, dân… với tổng cộng 50 loại quần áo. Chưa kể, bọn mình còn phải thuê diễn viên, rồi lo tập luyện cho chương trình.

Lễ ban quạt là nghi lễ được ghi chép trong Lịch triều hiến chương loại chí, thiên lễ nghi chí. Theo đó, vào ngày Tết Đoan Ngọ- 5/5 Âm lịch, vua sẽ ban quạt cho các quan đại thần.

Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, việc ban quạt này có hai ý nghĩa. Về mặt thực dụng, cái quạt giúp con người bớt oi nóng mùa hè. Sâu xa hơn, về mặt tinh thần, đó là cách bậc quân vương liên kết với các cộng sự của mình trong triều đình qua việc thể hiện sự quan tâm.

Việc của Ỷ Vân Hiên là phục dựng trang phỏng dựng trang phục thời Lê Trung Hưng và đưa chúng đến với công chúng thông qua hoạt cảnh sân khấu. Tại đây, người ta sẽ bắt gặp trở lại nhiều trang phục chỉ có trong tư liệu như: áo của các quan Nhất, Nhị, Tam Phẩm, áo giao lĩnh (cổ chéo); áo viên lĩnh (cổ tròn) hay một số dạng áo đối khâm; các dạng áo của các lính y vệ khác như áo đa la; hay như mũ đinh tự khá phổ biến thời Lê. Những người tổ chức cũng phỏng dựng tục để tóc dài xõa từ đàn ông cho đến đàn bà, từ quan viên cho tới dân thường.

Khi được hỏi từ cơ sở nào để phỏng dựng và có sợ sai nhiều quá so với áo gấm xưa không, Lộc đáp: Nói là 1 tháng xong đó là thời gian thực hiện thôi, còn chúng tôi đã nghiên cứu từ trước rất nhiều. Sách sử mình nói rất ít về trang phục, lại ghi bằng ký tự viết nên cũng nhiều khó khăn. Lắm lúc, đội nghiên cứu lọc cả trăm trang sách ra được hai dòng có giá trị.

Cũng theo Lộc, ngoài nguồn sử liệu trong nước, các bạn trẻ còn đối chứng các sử liệu nước ngoài nói về trang phục Việt. Ví như khi phỏng dựng quần áo thời Lê Trung Hưng, qua nghiên cứu, Ỷ Vân Hiên đã phải lọc những ghi chép tỉ mỉ như: Trong Yên hành tạp lục (1713), sứ thần Triều Tiên Han Tae Dong có miêu tả sứ thần nước ta: “ Mũ Ô sa, áo cổ tròn, đai thắt, phẩm trật đại để như chế độ nước ta, duy có việc xõa tóc buông ra phía sau rồi đội mũ lên là hiếm thấy mà thôi”.

Phỏng dựng phục trang của quan thất phẩm triều Lê Trung Hưng với áo viên lĩnh đính bổ tử gà lôi, xõa tóc, đội mũ ô sa.
Phỏng dựng phục trang của quan thất phẩm triều Lê Trung Hưng với áo viên lĩnh đính bổ tử gà lôi, xõa tóc, đội mũ ô sa.

Trong Yên hành kỷ (1712), sứ thần Triều tiên Seo Ho Su cũng miêu tả:” Quan An Nam búi tóc, buông xõa phần còn lại ra sau, rồi mới đội mũ Ô Sa.”

Trong Chi Phong tiên sinh tập, sứ thần Triều Tiên Lý Toái Quang miêu tả sứ thần nước ta là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan khi đi sứ nhà Minh: “Gặp ngày triều hội vào chầu cửa khuyết thì búi tóc đội mũ, nhất nhất noi theo phục sức của thiên triều, nhưng nom sắc mặt ông có vẻ nhăn nhó khó chịu, vừa về là cởi bỏ ngay. Cả đoàn hai mươi ba người đêu xõa tóc, người cao sang thì sơn răng, kẻ hạ tiện thì mặc áo ngắn đi đất, dù vào mùa đông vẫn đi đất, không xỏ tất dài. Chừng phong tục của họ là vậy”.

Lộc nói: “Chúng tôi cũng không hoàn toàn chỉ hình dung qua sách. Chúng tôi lấy tư liệu mô tả trong sách rồi đối chiếu với các pho tượng cổ hay các tranh cổ để khớp nối. Nên tất cả những trang phục chúng tôi trình diễn là những trang phục tiệm cận nhất có thể trang phục thời Lê Trung Hưng với những tư liệu hiện còn.”

Theo chia sẻ, trang phục của các vị quan, nhóm Lộc dùng chất liệu tơ sống được đặt dệt riêng từ các làng nghề. Và riêng việc tìm được các làng nghề hiện nay có thể thực hiện tốt được yêu cầu của áo gấm cung đình xưa cũng khá khó khăn.

Nói về nhóm Lộc, Giáo sư Lê Văn Lan cho biết: “Đây là chương trình của các bạn trẻ yêu thích lịch sử văn hóa dân tộc. Nó mới mẻ, hào hứng, phấn khích chứ không bị chai sạn, khô khan. Tôi đã làm việc, trao đổi nhiều với họ và tôi thấy các bạn trẻ sẽ còn làm được nhiều hơn thế. Bởi, trữ lượng các ngày lễ rất nhiều để khai thác vận dụng. Nếu khéo léo đưa đến cho công chúng hình ảnh, phục trang từ quá khứ sẽ khiến lịch sử gần gụi, sống động hơn.

Việc phỏng dựng trang phục nhà Hậu Lê là cuộc thử sức, đào xới, dò đường mang cả cực nhọc và hoài nghi. Còn việc phục dựng trang phục nhà Nguyễn, đặc biệt là những chiếc gối dựa cung đình là sự tiếp nối thú vị của nhóm Lộc với hoàng thân nhà Nguyễn. Cuộc gặp gỡ của nhóm với công tôn nữ Trí Huệ (hay còn gọi là mệ Trí Huệ)- 97 tuổi- đã khiến mệ trở thành nghệ nhân cao tuổi nhất thực hiện và dạy những người trẻ may gối cung đình.

Mệ Trí Huệ là chắt nội của vua Minh Mạng. Bà sinh ra trong gia đình hoàng tộc song bà không may mắn được hưởng những sung túc của gia tộc. Cha bà, ông Nguyễn Phúc Hường Dẫn, là một trong những nhân vật đóng vai trò quan trọng trong cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân năm 1916 chống thực dân Pháp. Việc không thành, ông Hưỡng Dẫn bị khép vào tội chết song được vua Khải Định tha tội.

Mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ là một trong số những nhân vật thuộc hoàng thất của triều đại cuối cùng.
Mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ là một trong số những nhân vật thuộc hoàng thất của triều đại cuối cùng.

Công tôn nữ Trí Huệ khi ấy phải quán xuyến việc trong nhà, học may vá, bốc thuốc bắc cùng cha. Đôi lúc cung có đại yến, mệ cũng được xã miễn và được đưa vào Tử Cấm Thành tham dự. Thời gian khó khăn này giúp mệ bồi dưỡng đường kim mà sau đó, đã dệt lại được chiếc gối xếp của triều đại sau bao thăng trầm của thời cuộc.

Năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị, Đức Từ Cung (vợ vua Khải Định, mẹ vua Bảo Đại) rời cung. Mệ Trí Huệ nhận tới chăm sóc bà. Và thời này là lúc mệ Trí Huệ được Đức Từ Cung giao phó việc thuê may lại gối xếp để sinh hoạt và thờ cúng.

Chiếc gối xếp của triều đại nhà Nguyễn đã được phục dựng sau bao thăng trầm của thời cuộc.
Chiếc gối xếp của triều đại nhà Nguyễn đã được phục dựng sau bao thăng trầm của thời cuộc.

Qua thời gian, mệ tiếp tục may và truyền dạy cho con dâu, cháu chắt những vốn quý của gia tộc. Và, cuộc gặp của mệ với nhóm bạn trẻ ở Hà Nội là một cơ duyên may mắn cho nhóm Lộc, cho ước vọng lưu giữ chiếc gối của mệ và cho di sản Việt.

Mệ dạy nhóm trẻ:“Lần đầu làm có thể không được ngay gối, lại làm tiếp, lần thứ hai, thứ ba thì mọi việc đều hoàn hảo. Quan trọng là đường may phải ngay ngắn, làm người cũng thế.”

Từ đó, hình ảnh chiếc gối xếp thủ công 4 hoặc 5 lá tưởng chừng đã mai một nay đang dần xuất hiện trở lại trên các diễn đàn cổ phong cũng như sinh hoạt.

Bên cạnh đó, các loại áo nhật bình, ngũ thân, giao lĩnh nhà Nguyễn vốn ít được biết đến nay đã dần trở thành một phần của văn hóa đại chúng. Những cô gái mặc áo nhật bình đang xuất hiện nhiều hơn như một trào lưu: trên phố, trong ảnh kỷ yếu hay cả lễ ăn hỏi.

“Trào lưu tìm về cổ phục là tất yếu. Đó là lý do chúng tôi mới ra mắt hơn 1 năm song những dự án liên tiếp được triển khai. Bởi, khi thế giới càng gần nhau, xã hội thêm trù phú là lúc người ta tìm về căn cước văn hóa, lịch sử của dân tộc mình. Và lịch sử, văn hóa rất sinh động, gần gũi trang phục cha ông.”- Lộc cho biết lý do thành lập công ty.

Theo Lộc nhìn lại quá trình một năm vừa làm vừa mò mẫm, điều mà cậu và cộng sự cảm thấy hài lòng nhất là được ghi nhận. Một năm, đầu tư tiền tỉ, 15 người trẻ làm việc cần mẫn đã khiến thương hiệu xuất hiện ở gần như đa số các sự kiện quan trọng đòi hỏi cổ phục.

“Điều tôi hạnh phúc nhất là rất nhiều du học sinh Việt Nam tìm đến chúng tôi để may cổ phục.”- Lộc chia sẻ thêm- “Các trường Âu, Mỹ thường có các ngày hội văn hóa. Các bạn trẻ ở các quốc gia đều chọn trang phục truyền thống của đất nước mình. Các bạn trẻ Việt có phần hoang mang, và cảm thấy tự ái dân tộc. Nhiều người tìm đến đây một lần, sau đến ngày hội văn hóa còn đặt thuê gửi sang. Những lúc như thế làm bọn mình thêm quyết tâm phải nghiên cứu làm thêm thật nhiều trang phục cổ của gấm vóc quê hương. Người Việt phải mang trong mình sắc áo cha ông mới kiêu hãnh được”.

Nhóm cũng vui vẻ chia sẻ thêm, tới đây, trang phục do nhóm thiết kế sẽ hiện diện tại triển lãm “Việt Nam tại Châu Âu, Châu Âu trong Việt Nam: Bản sắc, xuyên quốc gia và tính di động của con người, ý tưởng và thực tiễn xuyên không gian và thời gian” tại Leiden, Hà Lan.

Nhóm chia sẻ: “Các bộ trang phục được trưng bày trong buổi triển lãm lần này bạo gồm những trang phục được sử dụng cho dân thường, quan lại và các thành viên trong hoàng thất, được may và phỏng theo kỹ thuật và quy tắc thẩm mỹ được quy định trong triều Nguyễn. Các chất liệu được sử dụng chủ yếu đến từ các làng lụa truyền thống của Việt Nam như lụa Mã Châu, lụa Vạn Phúc. Các họa tiết trên trang phục được phỏng theo từ các sản phẩm của thời Nguyễn, đảm bảo tính chính xác lịch sử và duy trì các giá trị thẩm mỹ.”

Khi được hỏi câu cuối cùng về việc có lo lắng những thị phi tranh cãi vốn là một phần trở ngại của việc thực hiện các sản phẩm lịch sử, nhất lại mang tính thương mại, Lộc đáp: “Chúng tôi không ngại tranh luận. Những sản phẩm chúng tôi làm đều có cơ sở. Câu chữ chúng tôi dùng cũng khá rõ ràng: phỏng dựng, phục dựng hay thiết kế dựa theo… Mọi thông tin đều minh bạch. Còn việc nếu có ai vẫn lấn cấn ở chi tiết này, chi tiết kia thì cũng tôi sẵn sàng lắng nghe”.

“Tôi đã từng làm tình nguyện ở nhiều dự án lịch sử, văn hóa phi lợi nhuận” – Lộc kể tiếp – “Tôi thấy cách đó cũng hay. Nhưng cá nhân tôi nhận ra rằng nếu mình muốn gắn bó, dồn hết tâm sức để đi một chặng đường dài, chúng tôi cần làm thương mại để sống được với cổ phong.”

Trong cuộc trò chuyện, Lộc không né tránh chuyện thương mại hóa sản phẩm lịch sử luôn phải đáp ứng yêu cầu chất lượng rất gắt gao từ phía người tiêu dùng và giới chuyên môn. “Đường thị phi thì vẫn phải đi, và vẫn phải có người đi mới phát triển cổ phục được.” – Lộc nói.

Sản phẩm cổ áo Nhật bình được thêu tay với kỹ thuật thêu cung đình được thực hiện bởi các nghệ nhân của làng nghề thêu truyền thống lâu đời nhất Việt Nam – Làng Quất Động.
Sản phẩm cổ áo Nhật bình được thêu tay với kỹ thuật thêu cung đình được thực hiện bởi các nghệ nhân của làng nghề thêu truyền thống lâu đời nhất Việt Nam – Làng Quất Động.