Rác thải nhựa

ttxvnanhra-1564627107-10.jpg

Lời mở đầu

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang gấp rút xây dựng đề án tổng thể về quản lý chất thải nhựa để trình Thủ tướng Chính phủ trong năm nay. Một số bộ, ngành cũng đang rà soát hoàn thiện các quy định, chính sách để hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất các loại túi nylon khó phân hủy…

Không phải ngẫu nhiên mà việc chống ô nhiễm rác thải nhựa trở thành vấn đề cấp bách đối với các cơ quan quản lý. Chúng ta đang phải trả giá bằng tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.

Với quyết tâm chấm dứt thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc. Ngay lập tức, lời “hiệu triệu” đã thu hút sự đồng thuận và tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trong từng ngõ ngách của đời sống. Tuy nhiên, cuộc chiến chống lại tình trạng “ô nhiễm trắng” không hề đơn giản!

TTXVN giới thiệu chùm 5 bài viết về chủ đề chống rác thải nhựa nhằm đưa ra những cảnh báo, giải pháp cho vấn nạn có tính toàn cầu này cũng như kinh nghiệm xử lý rác thải nhựa của Nhật Bản – nước có lượng rác thải nhựa bình quân đầu người lớn thứ 2 thế giới.

Thúc đẩy chuyển dịch sang kinh tế xanh

Việt Nam có 3.000km đường biển và 112 cửa biển. Đây là lợi thế nhưng cũng là đường vận chuyển rác thải nhựa ra biển. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương khoảng 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa, chiếm 6% toàn thế giới, đứng sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines.

Báo động “ô nhiễm trắng”

Lưng áo đẫm mồ hôi, giữa nắng Hè oi bức, anh Nam công nhân môi trường oằn lưng đẩy xe chứa túi nylon lớn nhỏ đựng rác lẫn lộn với đủ thứ chai lọ nhựa. Đây là hình ảnh thu gom rác thường ngày ở Hà Nội – nơi mỗi ngày thải ra môi trường hàng chục tấn rác thải nhựa.

Hiện nay, trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra và mỗi năm có 5.000 tỷ túi nylon được tiêu thụ. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nylon. Thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nylon/tháng.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nylon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nylon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Thế giới đã đánh giá tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh đối với nước có thu nhập trung bình như Việt Nam chiếm 12% lượng chất thải rắn phát sinh. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nylon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nylon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.

Sử dụng túi nylon đựng đồ ăn, thức uống đã trở thành thói quen trong sinh hoạt của người dân. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Sử dụng túi nylon đựng đồ ăn, thức uống đã trở thành thói quen trong sinh hoạt của người dân. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Đây thực sự là những con số đáng báo động về vấn đề ô nhiễm do rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” mà Việt Nam đang phải đối mặt. Điều đáng lo ngại là phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và nylon mới phân hủy hết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Theo báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, năm 2015, Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa, trong đó, khoảng 80% nguyên liệu nhập khẩu sử dụng từ nhựa phế liệu. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8 kg/năm/người năm 1990, tăng lên 41 kg/năm/người vào năm 2015.

Mặc dù việc nhập khẩu phế liệu nhựa đã từng bước được “kiểm soát,” song lượng phế liệu nhựa nhập khẩu vẫn tăng, năm 2016 là 18,548 tấn, năm 2017 là 90,839 tấn và 9 tháng năm 2018 là 175.000 tấn.

Vấn đề xử lý chất thải nhựa không phải bây giờ mới đặt ra mà từ năm 2013, Bộ  Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Quyết định 582/QĐ-TTg phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nylon khó phân hủy.

Mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương khoảng 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa, chiếm 6% toàn thế giới

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thượng Hiền, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thừa nhận việc triển khai đề án này còn nhiều vấn đề, chưa đạt được hiệu quả như mục tiêu đề ra. Cơ chế chính sách về cơ bản đã có tuy nhiên để triển khai vào cuộc sống còn phải tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.

Tiến sỹ Nguyễn Phương Loan, Khoa Môi trường (Đại học Khoa học tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng còn có sự lúng túng trong quản lý xử lý chất thải rắn nói chung và chất thải nhựa nói riêng, cả về chính sách, chế tài, công nghệ, cho đến mô hình cụ thể. Lĩnh vực tái chế chất thải nhựa của Việt Nam hiện  tại vẫn chưa phát triển. Hoạt động tái chế chất thải nhựa chưa được tổ chức với quy mô lớn, chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ nên hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường.

“Tái chế nhựa tạo ra các sản phẩm tiêu dùng một lần rút ngắn tuổi thọ hàng nhựa, đẩy nhanh chúng ra bãi rác, nên không có lợi về môi trường trong khi chúng ta chưa có chế tài riêng kiểm soát việc sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần này,” tiến sỹ Loan nói.

(Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
(Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Trong khi đó, thói quen của người dân dùng túi nylon, đồ dùng nhựa một lần ngày càng gia tăng. Thêm vào đó, người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc lẫn các loại chất thải nhựa, đặc biệt là nylon tương đối phổ biến. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.

Ngoài việc tổn hại về môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tiêu tốn tiền của để xử lý, rác thải nhựa cũng ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. Nếu không giải quyết được vấn đề rác thải nhựa thì dần dần môi trường sống của các loài cá, sinh vật biển sẽ bị ảnh hưởng, các sinh vật biển không phát triển được thì con người cũng không có nguồn lợi để khai thác.

Phó giáo sư-tiến sỹ Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam nhận định rằng với ngành du lịch cũng vậy, rõ ràng khi rác thải nhựa tràn lan thì khách du lịch sẽ không đến nhiều. Rác thải nhựa còn ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế như làm muối, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt thủy sản ven biển.

Cộng đồng cùng chung tay

Tại lễ phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh việc thành lập Liên minh các doanh nghiệp chống rác thải nhựa, các sáng kiến chống rác thải của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát hoàn thiện quy định, chính sách để hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích, hỗ trợ phát triển, sử dụng sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, phân loại rác tại nguồn; thu hút đầu tư, ứng dụng phát triển công nghệ tiên tiến tái sử dụng, tái chế rác thải, rác thải nhựa.

Bộ cần khẩn trương đưa các cơ sở tái chế nhựa phân tán nhỏ lẻ vào khu công nghiệp tập trung để quản lý; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất túi nylon khó phân hủy; kiên quyết trả lại các lô hàng phế liệu nhựa không cấp giấy phép chính thức.

Thủ tướng nêu rõ Chính phủ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay chống rác thải nhựa, tích cực tham gia phân loại, thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Ngày 9/6/2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham gia đi bộ kêu gọi cộng đồng hành động chống rác thải nhựa. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Ngày 9/6/2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham gia đi bộ kêu gọi cộng đồng hành động chống rác thải nhựa. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tại lễ phát động chống rác thải nhựa trên toàn quốc vào ngày 9/6 vừa qua, Thủ tướng nêu rõ cần phải có quyết tâm thực hiện phương châm: nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa. Phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Đáp ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, 9 công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì đã bắt tay nhau thành lập liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).

Các công ty tiên phong sáng lập PRO Vietnam bao gồm: TH Group với thương hiệu TH True milk, Coca-Cola Việt Nam, FrieslandCampina Việt Nam, La Vie, Nestle, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak và Universal Robina Corporation nhằm hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tỷ lệ bao bì thải ra môi trường.

Gần đây, tại Hà Nội, hơn 200 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện ký cam kết phòng chống rác thải nhựa trong sản xuất, phân phối tiêu dùng.

Để chỉ đạo của Thủ tướng cũng như những nỗ lực này có thể đi vào cuộc sống, cần tiếp tục có những hoạt động thường xuyên, liên tục cùng với những chính sách giải pháp cụ thể.

Thủ tướng nêu rõ cần phải có quyết tâm thực hiện phương châm: nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa

Giải pháp trọng tâm theo ông Nguyễn Thượng Hiền là đi từ cơ chế chính sách, hoàn thiện đồng bộ chính sách như sửa Luật Thuế bảo vệ môi trường để tăng thuế bảo vệ môi trường với việc sử dụng sản phẩm nhựa.

Cùng với đó là đẩy mạnh nghiên cứu ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, thay thế cho các vật dụng bằng nhựa thông qua việc hỗ trợ về công nghệ, biện pháp kinh tế để doanh nghiệp chuyển sang sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường cũng như đẩy mạnh về truyền thông để từ ý thức chuyển sang hành động cụ thể.

“Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án tổng thể về quản lý chất thải nhựa, cuối năm trình Thủ tướng chính phủ ban hành để xử lý căn cơ vấn đề này,” ông Hiền cho biết.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được Chính phủ giao sửa lại Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg  về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, dự kiến có đặt ra lộ trình loại một số loại phế liệu nhựa có khả năng tái chế thấp ra khỏi danh mục được phép nhập khẩu. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định về quản lý chất thải phế liệu; trong đó có đưa ra những giải pháp cụ thể về nhập khẩu phế liệu nhựa.

Sử dụng các sản phẩm thay thế cho nylon như túi giấy và túi môi trường. (Nguồn: TTXVN)
Sử dụng các sản phẩm thay thế cho nylon như túi giấy và túi môi trường. (Nguồn: TTXVN)

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất “Chính phủ cũng như các bộ ngành Bộ Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Công Thương tạo ra hệ sinh thái, tạo ra môi trường bằng những quy định khung pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp triển khai sáng kiến về nền kinh tế tuần hoàn.”

Kinh tế tuần hoàn là khái niệm còn khá mới nhưng có nền tảng áp dụng công nghệ sẽ giúp thúc đẩy mô hình kinh doanh sáng tạo mới, chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh hỗ trợ về vốn, mặt bằng đất đai, cần có sự giải tỏa ngay chính sách về xử lý chất thải, quy định rõ ràng chất thải nào được coi là nguyên vật liệu thứ cấp để có thể được trao đổi, buôn bán.

“Khi được hành lang pháp luật bảo vệ, doanh nghiệp sẽ đầu tư vào khoa học công nghệ để biến những chất như nhựa thành những sản phẩm khác có giá trị sử dụng đạt quy chuẩn về môi trường,” ông Vinh tin tưởng nói.

Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) trực thuộc VCCI đang phối hợp chặt chẽ với các hội viên và đối tác lớn trong nước và quốc tế để triển khai thí điểm Dự án không xả thải vào thiên nhiên nhằm giảm thiểu các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa tại Thành phố Hồ Chí Minh.

VBCSD/VCCI cũng đang triển khai Dự án Thị trường nguyên vật liệu thứ cấp giúp các nhà sản xuất có thể mua, bán và trao đổi các thiết bị, nguyên vật liệu phù hợp với nhu cầu sử dụng. Mô hình này sẽ giúp tận dụng tối đa các nguồn nguyên liệu là phế thải vẫn còn giá trị sử dụng, giảm thiểu tác động môi trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam bền vững hơn từ đó đưa ra mô hình kinh doanh mới đem lại giá trị về công ăn việc làm, bảo vệ môi trường./.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)

Hệ thống phân phối hướng tới tiêu dùng xanh

Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất; trong đó, 13 triệu tấn rác nhựa đổ ra trôi nổi trên các đại dương và tác động tiêu cực đến môi trường sống, sức khỏe con người cũng như sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào sản xuất sạch hơn và phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị không dùng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có những chia sẻ về những giải pháp của hệ thống phân phối hướng tới tiêu dùng xanh.

– Thời gian qua, một số siêu thị đã chủ động sử dụng sản phẩm tự nhiên để gói, bọc thực phẩm thay thế túi nylon nhằm bảo vệ môi trường đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương. Bộ Công Thương nhìn nhận vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Duy Đông: Bộ Công Thương đánh giá hành động sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường thay cho những chiếc túi nylon và giấy gói khác là một ý tưởng sáng tạo, từ đó, góp phần bảo vệ môi trường sống đang bị ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng tăng cao. Đây là hoạt động đáng hoan nghênh, là sáng kiến góp phần bảo vệ môi trường sống và hoàn toàn đúng với đường lối của Đảng và Nhà nước.

Không phải đến năm nay mà ngay từ năm 2007, Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức) tại Việt Nam đã tiên phong đi đầu trong việc sử dụng túi nylon có khả năng phân hủy.

Đến năm 2011, nhiều hệ thống chuỗi siêu thị theo phong trào này như: Saigon Co.op, Vinmart, các hệ thống doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như Big C, Lotte cũng tích cực sử dụng túi nylon tự phân hủy.

Siêu thị Coopmart chi nhánh Thanh Hóa dùng các loại lá thân thiện với môi trường thay thế cho túi nylon. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)
Siêu thị Coopmart chi nhánh Thanh Hóa dùng các loại lá thân thiện với môi trường thay thế cho túi nylon. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Ngoài ra, trong hệ thống này đã sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng, dệt may thân thiện với môi trường, các sản phẩm điện trong hệ thống phân phối điện máy tiết kiệm năng lượng.

Hoạt động này đã góp phần tuyên truyền, vận động người dân hướng tới sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Hơn nữa, đây cũng là một phần trong những chương trình hành động của Chính phủ cũng như Bộ Công Thương.

Đặc biệt, qua việc tuyên truyền và thay đổi phương thức sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, nhận thức của người tiêu dùng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Việc sản xuất và sử dụng bao bì thân thiện môi trường được dự báo sẽ trở thành một xu hướng sản xuất và tiêu dùng trong tương lai

Do vậy, việc sản xuất và sử dụng bao bì thân thiện môi trường được dự báo sẽ trở thành một xu hướng sản xuất và tiêu dùng trong tương lai do loại bao bì này không chỉ mang lại giải pháp an toàn đối với sức khỏe, trí lực của con người, thay thế cho các bao bì gây độc hại, mà còn hỗ trợ làm giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường.

– Trước việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động phong trào sản xuất sạch hơn, trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị không dùng đồ nhựa dùng một lần và đến 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, xin ông chia sẻ về vai trò của Bộ Công Thương trong vấn đề này?

Ông Trần Duy Đông: Thống kê cho thấy trung bình mỗi ngày tại Việt Nam có gần 19.000 tấn rác thải nhựa được thải ra; trong đó, trung bình mỗi gia đình sử dụng từ 5-7 túi nylon để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Vì thế, nếu đem tiêu hủy, nhựa từ nylon có khả năng gây ô nhiễm không khí dẫn đến nhiều bệnh về đường hô hấp.

Ngược lại, nếu thải ra môi trường, một chiếc túi nylon phải mất 500-1.000 năm mới phân hủy hoàn toàn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả môi trường sống lẫn sức khỏe của người dân.

Trước mối lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường với lượng rác thải nhựa tăng cao, việc người tiêu dùng Việt Nam hưởng ứng phong trào sử dụng bao bì xanh tại các siêu thị như thời gian vừa qua là tín hiệu đáng mừng. Điều này phản ánh ý thức của người dân về bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường được cải thiện đáng kể.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp phân phối bán lẻ tại Việt Nam cần nắm bắt tốt sự thay đổi này để có phương thức thu mua, phân phối sản phẩm thân thiện môi trường; đồng thời, đóng gói sản phẩm bằng những vật liệu thân thiện môi trường phù hợp với xu hướng sống xanh đang ngày một gia tăng trong khu vực và trên thế giới.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng xác định đây là hoạt động lâu dài, cần có nhiều thời gian và để đạt được kết quả cao cần có sự chung tay, hỗ trợ từ nhiều cơ quan, ban ngành, tổ chức đoàn thể cũng như hưởng ứng từ cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Du khách chọn dùng các sản phẩm ống hút thân thiện với môi trường tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Du khách chọn dùng các sản phẩm ống hút thân thiện với môi trường tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Do vậy, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh, các hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm thân thiện môi trường vào các hệ thống bán lẻ để chỉ ra những tác hại của túi nylon khó phân hủy cũng như lợi ích của các sản phẩm thay thế.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 11/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ); trong đó, có triển khai nhiệm vụ “Xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.”

Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Công Thương đã phê duyệt thực hiện hai nhiệm vụ gồm việc nghiên cứu đề xuất chính sách phát triển các kênh phân phối sản phẩm thân thiện môi trường (tập trung nghiên cứu kênh phân phối sản phẩm điện gia dụng, sản phẩm sử dụng năng lượng).

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng xây dựng hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá và cấp chứng nhận hệ thống phân phối bán lẻ xanh tại Quyết định số 2308/QĐ-BCT ngày 8/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt kinh phí nhiệm vụ năm 2017 thực hiện chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Bộ Công Thương còn thực hiện “Sổ tay hướng dẫn công tác quản lý môi trường trong các cơ sở phân phối hàng hóa” nhằm tổng quan các vấn đề môi trường trong hoạt động của hệ thống phân phối và tổ chức quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; quản lý và bảo vệ môi trường trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng đối với hệ thống phân phối; quản lý và bảo vệ môi trường trong giai đoạn triển khai xây dựng đối với hệ thống phân phối; quản lý và bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành đối với hệ thống phân phối…

– Vậy để hướng tới việc đẩy mạnh tiêu dùng xanh, Bộ Công Thương sẽ có giải pháp gì để chương trình đạt hiệu quả như mong muốn?

Ông Trần Duy Đông: Việt Nam đang ngày càng nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của sản xuất và tiêu dùng bền vững nói chung, trong đó, có phát triển sản xuất và tiêu thụ các bao bì sản phẩm thân thiện môi trường nói riêng. Vì vậy, để thúc đẩy xanh hóa tiêu dùng từng bước đi vào đời sống xã hội, cần thiết phải có một chế tài đủ mạnh thể hiện qua các công cụ pháp lý tác động trực tiếp, quy định rõ hơn.

Mặt khác, phải chú trọng phát triển và ứng dụng công nghệ mới vào việc thực hiện Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh nói chung và xu hướng tiêu dùng xanh nói riêng.

Hiện tại, Bộ Công Thương đã xây dựng Chương trình hành động quốc gia về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020-2030; trong đó bao gồm Chương trình hành động về phát triển hệ thống phân phối xanh (hệ thống phân phối bền vững) tại Việt Nam giai đoạn 2020-2030.

Tại chương trình này, các nghiên cứu đánh giá về thực trạng sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường tại Việt Nam sẽ được thực hiện, tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới về việc xây dựng và nhân rộng các mô hình phân phối sản phẩm thân thiện môi trường.

Đặc biệt, các chương trình xúc tiến thương mại và các hội nghị kết nối cung cầu hoặc hỗ trợ các nhà phân phối để tìm các nguồn hàng Bộ Công Thương luôn khuyến khích sử dụng bao gói không ảnh hưởng đến môi trường và sử dụng những chất liệu an toàn, bền vững bảo vệ môi trường.

Bộ Công Thương đã xây dựng Chương trình hành động quốc gia về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020-2030

Mới đây, Cục Công nghiệp địa phương đã trình lãnh đạo Bộ một vài đề án, chương trình; trong đó, có một vài đề xuất nhất định cho các nhà sản xuất sạch để hướng tới sản xuất. Hơn nữa, các chương trình hay đề án đều được khuyến khích doanh nghiệp đi từ  ưu tiên khuyến khích sản xuất sản phẩm thân thiện chứ không bắt buộc.

Đáng lưu ý, tại các chương trình kết nối cung cầu hoặc lồng ghép vào các hoạt động của Bộ Công Thương, Vụ Thị trường trong nước luôn khuyến khích và ưu tiên giới thiệu những nhà sản xuất sử dụng bao gói thân thiện với môi trường hướng tới phát triển bền vững.

Mặt khác, kiến nghị đề xuất với Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tích cực tham gia hệ thống phân phối xanh; thúc đẩy sản xuất, phân phối, tiêu dùng hàng hóa thân thiện môi trường.

Ngoài ra, Bộ cũng tiến hành đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích nhiều thành phần, nhóm đối tượng trong xã hội tham gia hệ thống phân phối xanh, lan tỏa lối sống xanh cho cộng đồng, vì một môi trường xanh cho bản thân mỗi gia đình Việt Nam nói riêng và toàn xã hội nói chung.

– Xin trân trọng cảm ơn ông!

Giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường dùng để đóng gói thực phẩm tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường dùng để đóng gói thực phẩm tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Vấn nạn toàn cầu

Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành mối quan ngại ngày càng lớn trên thế giới, đặc biệt sau khi Trung Quốc và các nước khác ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa từ nước ngoài. Nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản, đã chứng kiến lượng chất thải nhựa chất thành đống sau lệnh cấm này.

Rác thải nhựa đổ ra đại dương gây ra tình trạng ô nhiễm trên diện rộng, ảnh hưởng tới môi trường sống của các loài động vật biển như cá heo, rùa biển, chim biển. Các hạt vi nhựa có kích cỡ dưới 5 mm có thể tích tụ trong cơ thể các loài cá, gây nguy hại cho sức khỏe con người nếu ăn phải.

Với khoảng 9% lượng rác thải nhựa được tái chế, các nhà vận động môi trường cho biết giải pháp lâu dài duy nhất cho cuộc khủng hoảng rác thải nhựa là các công ty sản xuất ít đi và người tiêu dùng giảm sử dụng.

Hiện trạng báo động

Theo Hiệp hội Thống kê Hoàng gia Anh, nếu việc sản xuất và quản lý rác thải như hiện nay, “đại dương rác thải nhựa” ước tính sẽ tăng gần gấp hai lần lên 12.000 triệu tấn vào năm 2050. Hiện đã có 80 nước trên thế giới đưa ra các lệnh cấm tương tự đối với các vật dụng nhựa sử dụng một lần nhằm giảm lượng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ các đại dương trên thế giới theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP).

Theo UNEP, khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa được tạo ra mỗi năm, trong đó 8 triệu tấn trôi ra các đại dương, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đại dương và đất liền.

Khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa được tạo ra mỗi năm, trong đó 8 triệu tấn trôi ra các đại dương

Trước tình hình trên, Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) giữa tháng Sáu vừa qua đã nhất trí thiết lập một khuôn khổ quốc tế nhằm giảm tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở các đại dương, một trong những mối đe dọa cấp bách nhất đối với môi trường thế giới hiện nay. Các nền kinh tế G20 sẽ tự giác triển khai các biện pháp giảm lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương và thông báo những tiến bộ đạt được theo định kỳ.

Trong khi đó, các tổ chức bảo vệ môi trường mới đây đã kêu gọi các nước Đông Nam Á xem xét cấm nhập khẩu rác từ các nước phát triển để giúp ứng phó khủng hoảng ô nhiễm môi trường khi các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhóm họp ở Bangkok (Thái Lan). Khu vực Đông Nam Á đã chứng kiến sự gia tăng mạnh hoạt động nhập khẩu rác thải điện tử và rác thải nhựa từ các nước phát triển sau khi nước tái chế rác hàng đầu thế giới là Trung Quốc cấm nhập khẩu rác khiến hàng triệu tấn rác được chuyển sang các nước có hoạt động giám sát và quy định “lỏng lẻo” hơn.

Rác thải nhựa trên bờ biển Grandcamp-Maisy, Normandy, Tây Bắc Pháp. (Ảnh: TTXVN)
Rác thải nhựa trên bờ biển Grandcamp-Maisy, Normandy, Tây Bắc Pháp. (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Penchom Saetang, Giám đốc tổ chức bảo vệ môi trường Cảnh báo Sinh thái và Khôi phục Thái Lan (EARTH), cấm nhập khẩu rác thải chính là vì lợi ích của ASEAN khi Hiệp hội sẽ có các cuộc họp với chủ đề bền vững trong năm 2019 để cấm mua bán rác thải.  Ông Seatang cho rằng việc nhập khẩu khẩu rác thải điện tử và rác thải nhựa dưới danh nghĩa vì sự phát triển cần phải được chấm dứt ngay lập tức.

Một số nước Đông Nam Á trong những tháng gần đây đã thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn hoạt động nhập khẩu rác thải. Indonesia là quốc gia mới nhất từ chối nhập khẩu rác thải từ Canada sau các động thái tương tự  của Malaysia và Philippines. Trong khi đó, Thái Lan không cấm nhập khẩu rác thải nhựa, song dự định chấm dứt hoạt động này vào năm 2020. Thái Lan đã cấm nhập khẩu một phần rác thải điện tử.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm Thái Lan, nước này “xả” hơn 2 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm. Báo cáo năm 2017 của Tổ chức Hòa bình Xanh cho thấy Thái Lan là nguồn gây ô nhiễm nhựa lớn thứ sáu trên thế giới, trong khi 5 trong số 10 nước đứng đầu là các quốc gia thành viên ASEAN.

Vụ trưởng Vụ Tài nguyên biển và duyên hải thuộc Bộ Tài nguyên Thiên nhiên và Môi trường Thái Lan Jatuporn Buruspat cho biết: “Chúng tôi sản xuất và sử dụng rất nhiều nhựa trong cuộc sống hàng ngày. Hơn nữa, Thái Lan là một quốc gia có các vùng duyên hải. Việc ở gần bờ biển làm tăng khả năng rác thải nhựa được xả vào đại dương.”

Bangladesh là một trong những nước đầu tiên ban hành lệnh cấm sử dụng túi nylon và túi nhựa tổng hợp hồi năm 2002 nhằm bảo vệ môi trường trước tình trạng rác thải nhựa làm ô nhiễm sông suối, đại dương và trên đất liền. Tuy nhiên, hàng triệu túi nylon vẫn được sử dụng hàng năm tại quốc gia Nam Á này do thiếu các sản phẩm thay thế và việc thực thi lệnh cấm có giới hạn.

Theo ước tính của Chính phủ Bangladesh, mỗi tháng có khoảng 410 triệu túi nhựa tổng hợp được sử dụng ở thủ đô Dhaka. Ở một số con sông của Bangladesh, như sông Buriganga, rác thải túi nylon tích tụ lại thành lớp sâu 3 mét trong lòng sông.

Dạ dày một con cá voi chứa tới 6kg rác thải nhựa. Con cá voi này chết, trôi dạt vào bờ biển tại khu bảo tồn Wakatobi thuộc tỉnh Sulawesi, Đông Nam Indonesia. (Ảnh: TTXVN)
Dạ dày một con cá voi chứa tới 6kg rác thải nhựa. Con cá voi này chết, trôi dạt vào bờ biển tại khu bảo tồn Wakatobi thuộc tỉnh Sulawesi, Đông Nam Indonesia. (Ảnh: TTXVN)

Nỗ lực ứng phó

Ngày 20/7, Panama đã trở thành quốc gia Trung Mỹ đầu tiên tiến hành cấm sử dụng túi nhựa dùng một lần nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm tại các bãi biển của nước này cũng như chung tay giải quyết vấn đề mà Liên hợp quốc xác định là một trong những thách thức lớn nhất đối với môi trường toàn cầu.

Panama cùng với hơn 60 quốc gia khác trên thế giới triển khai việc cấm hoàn toàn hoặc một phần đối với túi nhựa sử dụng một lần, hay tiến hành đưa ra các loại thuế hạn chế việc sử dụng túi nhựa, như Chile và Colombia.

Theo quy định được thông qua năm 2018, các siêu thị, hiệu thuốc và cửa hàng bán lẻ tại quốc gia Trung Mỹ này sẽ phải dừng sử dụng ngay túi nhựa truyền thống làm từ polyetylen, trong khi các cửa hàng bán buôn sẽ phải tuân thủ lệnh cấm sử dụng túi nhựa một lần vào năm 2020.

Còn tại Thái Lan, Chính phủ nước này đã thông qua Lộ trình Quản lý rác thải nhựa giai đoạn 2018-2030. Theo ông Jatuporn, “Thái Lan không thể cấm sử dụng nhựa ngay lập tức vì cần có thời gian để các doanh nghiệp thích nghi và tìm những vật liệu thay thế.”

Quan chức này thừa nhận rác thải nhựa nhập khẩu đã làm trầm trọng thêm vấn đề rác thải biển. Chính phủ Thái Lan đang cố gắng ngăn chặn việc buôn bán rác thải và lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa sẽ có hiệu lực trong năm 2021.

Thái Lan coi việc đưa người dân cùng tham gia vào nỗ lực chung là điều rất cần thiết. Trong một thông báo đưa ra nhân dịp Ngày Quốc tế không túi nhựa (3/7), Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đánh giá cao nỗ lực của nhiều lĩnh vực, ngành nghề giúp giảm việc sử dụng túi nylon; đồng thời kêu gọi người dân từ chối sử dụng túi nylon tại các cửa hàng tiện ích, siêu thị.

Các tình nguyện viên thu thập rác thải nhựa trên bờ biển ở Lima, Peru. (Ảnh: TTXVN)
Các tình nguyện viên thu thập rác thải nhựa trên bờ biển ở Lima, Peru. (Ảnh: TTXVN)

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2022, Thái Lan sẽ chấm dứt sử dụng các loại túi nylon mỏng hơn 36 micron, các loại hộp xốp đựng thực phẩm, các loại ống hút bằng nhựa và cốc nhựa sử dụng một lần. Chính phủ Thái Lan cũng đặt hạn chót là đến năm 2022, tất cả các sản phẩm và bao bì làm bằng nhựa đều phải tái chế.

Trong khi đó, Nhật Bản sẽ yêu cầu các doanh nghiệp tính phí cho các loại túi sử dụng một lần vào tháng 4/2020 nhằm giúp giảm chất thải nhựa. Nhiều quốc gia trên thế giới đã tính phí cho các túi nhựa sử dụng một lần hoặc cấm hoàn toàn.

Trước đó,  Nghị viện thủ đô Mexico City, Mexico đầu tháng 5/2019 đã phê chuẩn cải cách điều 25 của Luật Chất thải rắn, qua đó cấm việc thương mại hóa, phân phối và trao túi nhựa và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần cho người tiêu dùng vào năm 2021 để hướng tới một thành phố xanh, thân thiện với môi trường.

Theo văn bản pháp lý, nhiều sản phẩm nhựa tiêu dùng khác được thiết kế cho việc sử dụng một lần cũng bị cấm thương mại và phân phối như dao, thìa, dĩa, đĩa, bát, ống hút, tăm bông, khay vận chuyển thức ăn, cốc cà phê và các loại nắp nhựa. Luật cũng quy định, những trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt từ 2.500-9.000 USD.

Chính phủ Thái Lan đặt hạn chót là đến năm 2022, tất cả các sản phẩm và bao bì làm bằng nhựa đều phải tái chế

Trong bối cảnh các nước trên thế giới đang nỗ lực hạn chế việc sử dụng túi nylon dùng một lần, Bangladesh đang hy vọng đầu tư vào một sáng kiến để sản xuất túi dùng một lần trông giống như túi nylon cả về chất liệu và hình dáng, song được làm bằng sợi đay, một loại sợi được dùng để sản xuất túi bằng vải bao bì. Bangladesh là nước sản xuất đay lớn thứ hai thế giới, sau Ấn Độ. Giá sợi đay, còn gọi là “sợi vàng” được đặt tên theo màu sắc và giá trị từng một thời cao ngất ngưởng của nó, nay đã giảm do nhu cầu về loại sợi này giảm sút.

Tháng 3/2019, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã kêu gọi những nhà khoa học theo đuổi dự án này giúp xúc tiến việc mở rộng sử dụng loại túi này vì những lợi ích về kinh tế và môi trường mà chúng mang lại. Tiếp đến tháng 4/2019, Chính phủ Bangladesh đã thông qua ngân quỹ 900.000 USD nhằm giúp mở đường cho hoạt động sản xuất loại túi này trên quy mô lớn.

Theo nhà quản lý BJMC, ông Mamnur Rashid, một khi dự án này phát huy hiệu quả, Bangladesh hy vọng có thể sản xuất túi này trong vòng sáu tháng phục vụ mục đích thương mại. Theo giới chuyên gia và cựu quan chức môi trường Bangladesh, loại túi mới sẽ giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do túi nylon gây ra bởi loại túi này có thể tự phân hủy hoàn toàn.

Về phần mình, Chính phủ New Zealand ngày 15/7 thông báo đầu tư 2 triệu USD vào một nhà máy mới để sản xuất bao bì đựng thực phẩm từ nhựa tái chế 100% đầu tiên của nước này. Đây là một phần trong kế hoạch lớn hơn của New Zealand để giải quyết thách thức về ô nhiễm nhựa. New Zealand đã cấm sử dụng túi nhựa một lần từ ngày 1/7/2019. Quy định mới đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp không thể cung cấp cho khách hàng túi mua hàng bằng nhựa dùng một lần./.

Thu dọn rác thải, chủ yếu là rác thải nhựa, tại cảng Durban, Nam Phi. (Ảnh: TTXVN)
Thu dọn rác thải, chủ yếu là rác thải nhựa, tại cảng Durban, Nam Phi. (Ảnh: TTXVN)

Xử lý rác thải nhựa – Bài học từ Nhật Bản

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Nhật Bản là nước có lượng rác thải nhựa bình quân đầu người lớn thứ 2 thế giới. Hiện tại, lượng rác thải nhựa được thải ra mỗi năm ở nước này vẫn cao hơn nhiều so với năng lực của các cơ sở xử lý rác. Vì vậy, nhiều năm qua, Tokyo đã phải xuất khẩu rác thải nhựa sang các nước như Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan để tái chế. Tuy nhiên, các nước nhập khẩu đã bắt đầu “đóng cửa” với rác thải nhựa do lo ngại về các vấn đề môi trường. Do vậy, giới chuyên gia cho rằng Nhật Bản phải đồng thời tiến hành ba giải pháp: giảm rác thải nhựa, khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý rác mới và tăng cường nghiên cứu các vật liệu mới thay thế nhựa.

Cửa xuất khẩu hẹp dần

Để hạn chế tác động của rác thải nhựa tới môi trường, Nhật Bản đã ban hành nhiều quy định về thu gom và xử lý rác nói chung và rác thải nhựa nói riêng, trong đó Luật tái chế một số đồ gia dụng và Luật thúc đẩy việc phân loại, thu gom, tái chế hộp và bao bì. Cùng với ý thức của người dân, các quy định này đã góp phần giúp cho việc thu gom và phân loại rác thải nhựa tại nguồn ở Nhật Bản được thực hiện rất tốt và khoa học.

Chẳng hạn, theo quy định hiện hành, đối với rác thải sinh hoạt, trước khi vứt rác, người dân phải phân loại rác thành 5 loại: rác đốt được (như thực phẩm thừa, quần áo, giày dép, các sản phẩm làm từ nhựa không thể tái chế như đĩa CD); rác không đốt được (như các đồ làm bằng thủy tinh, đồ điện gia dụng có kích thước nhỏ như bàn là, máy sấy), rác có thể tái chế (như bình nhựa PET, vỏ hộp); rác có kích thước lớn (như bàn ghế, giường tủ, chăn đệm) và rác điện gia dụng (như tivi, tủ lạnh, máy giặt). Ba loại rác đầu tiên không mất phí khi “xả” thải. Riêng rác có kích thước lớn và đồ điện gia dụng phải mất phí. Mỗi loại rác có thời gian và cách thức thu gom riêng. Sau khi phân loại, rác sẽ được tập kết tại một điểm quy định trong khu dân cư và sau đó được chuyển tới các trung tâm liên quan để xử lý.

Vấn đề đối với Nhật Bản hiện nay là làm thế nào xử lý 9 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm

Mặc dù việc phân loại rác thải nhựa nói riêng và rác nói chung được thực hiện rất khoa học, nhưng vấn đề đối với Nhật Bản hiện nay là làm thế nào để xử lý 9 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong đó có 7 triệu tấn rác thải nhựa công nghiệp và 2 triệu tấn rác thải nhựa sinh hoạt từ các hộ gia đình. Cùng với việc xử lý bằng cách tái chế, đốt, chôn lấp, trong thời gian qua, Nhật Bản đã xuất khẩu sang các nước khác để tái chế.

Hiện nay, mỗi năm, Nhật Bản xuất khẩu từ 1,4 đến 1,5 triệu tấn rác thải nhựa sang các nước khác để tái chế, trong đó năm 2016 là 1,5 triệu tấn và năm 2017 là khoảng 1,43 triệu tấn.

Bộ Môi trường Nhật Bản đang xem xét ban hành lệnh cấm các siêu thị và cửa hàng cung cấp túi ni lông miễn phí cho người mua hàng nhằm giảm rác thải nhựa. (Ảnh: TTXVN)
Bộ Môi trường Nhật Bản đang xem xét ban hành lệnh cấm các siêu thị và cửa hàng cung cấp túi ni lông miễn phí cho người mua hàng nhằm giảm rác thải nhựa. (Ảnh: TTXVN)

Trước năm 2017, điểm đến của phần lớn số rác thải nhựa này là Trung Quốc. Tuy nhiên, tháng 12/2017, nước láng giềng đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa phi công nghiệp và hạn chế nhập khẩu rác thải nhựa công nghiệp do lo ngại về các vấn đề sức khỏe và môi trường do rác thải nhựa gây ra. Kết quả là theo Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu (IGES), năm ngoái, xuất khẩu rác thải nhựa của Nhật Bản giảm 30% so với năm 2017 xuống còn 1,01 triệu tấn, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh, từ 1,02 triệu tấn năm 2017 xuống còn 100.000 tấn.

Khi Trung Quốc “đóng cửa” với rác thải nhựa, Nhật Bản đã chuyển hướng xuất khẩu rác thải nhựa sang các nước khác như Malaysia, Thái Lan… Nhưng cũng giống như Trung Quốc, các nước Đông Nam Á đã “để mắt” tới vấn đề này và bắt đầu siết chặt quản lý nhập khẩu rác thải nhựa.

Bên cạnh đó, với việc các thành viên tham gia Công ước Basel đã nhất trí bổ sung rác thải nhựa vào danh mục các phế thải nguy hiểm và lệnh cấm xuất nhập khẩu mặt hàng này sẽ có hiệu lực từ năm 2021, việc xuất khẩu rác thải nhựa của Nhật Bản, một nước tham gia tích cực vào Công ước Basel chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh đó, trong tương lai, cùng với các nỗ lực giảm rác thải nhựa, Nhật Bản sẽ phải xử lý loại rác này ở trong nước.

Dựa vào nội lực

Trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật Bản chủ yếu xử lý rác thải nhựa theo các phương pháp như chôn lấp, đốt hoặc tái chế bằng các công nghệ thô sơ. Kể từ những năm 1960, Nhật Bản đã bắt đầu xử lý rác đô thị, trong đó có rác thải nhựa bằng cách đốt trong các lò đốt công nghiệp. Cùng với thời gian, số lượng các lò đốt rác ở Nhật Bản đã tăng dần.

Trong tài khóa 2011, nước này có 1.211 lò đốt rác sử dụng nhiều công nghệ khác nhau như lò đốt (stoker furnace), lò hơi (fluidized bed furnace) và lò khí hóa-tan chảy (gasification-melting furnace), trong đó các lò đốt chiếm khoảng 70%.

Để tận dụng nhiệt lượng trong quá trình đốt rác, nhiều doanh nghiệp ở Nhật Bản đã nghiên cứu và cải tiến các lò đốt rác kết hợp sản xuất điện. Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, nước này hiện có khoảng 380 cơ sở như vậy, chiếm 30% trong tổng số các cơ sở xử lý rác.

Mặc dù vậy, một nước nghèo tài nguyên như Nhật Bản, việc đốt rác thải nhựa là một giải pháp gây lãng phí, đồng thời có thể tiềm ẩn các nguy cơ về ô nhiễm môi trường. Do vậy, việc tái chế rác thải nhựa được coi là giải pháp thân thiện với môi trường và bền vững nhất. Trong những năm cuối của thế kỷ 20, các doanh nghiệp Nhật Bản đã bắt đầu nghiên cứu các phương pháp xử lý và tái chế rác thải nhựa. Giờ đây, nhiều doanh nghiệp ở nước này sở hữu các công nghệ tái chế rác thải nhựa tiên tiến nhất thế giới. Tập đoàn Panasonic là một trong những doanh nghiệp như vậy.

Cốc nhựa dùng một lần. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cốc nhựa dùng một lần. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Được thành lập vào năm 1918, Panasonic đang sở hữu nhiều công nghệ xử lý rác thải nhựa khá hiệu quả. Năm 2008, tập đoàn này đã hợp tác với Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện Kasatsu để phát triển phương pháp mới cho phép tái chế nhựa sử dụng trong các thiết bị điện và điện tử mà không tạo ra các khí thải hay sản phẩm độc hại. Đây là sự kết hợp của công nghệ xử lý nhựa không cần đốt của Công ty Điện Kusatsu và công nghệ phục hồi vật liệu mà Panasonic đang sử dụng để tái chế các đồ điện gia dụng cũ.

Phương pháp trên sử dụng các đặc tính xúc tác của TiO2 để thúc đẩy việc phục hồi các chất vô cơ như kim loại bằng cách chuyển các chất hữu cơ như nhựa thành các loại khí vô hại. Panasonic đã sử dụng phương pháp tái chế này tại Trung tâm Công nghệ Sinh học Panasonic (PETEC) ở tỉnh Hyogo để xử lý các loại tivi sử dụng bóng đèn hình (CRT) sau khi nước này chuyển từ công nghệ truyền hình analog sang truyền hình kỹ thuật số.

Theo Panasonic, nhờ công nghệ này, khoảng 80% trọng lượng của tất cả các đồ điện gia dụng được tái chế thành kim loại và nhựa nguyên liệu. 20% trọng lượng còn lại là rác không thể tái chế như cao su, thủy tinh hỗn hợp và rác thải nhựa hỗn hợp rất khó có thể phân loại thêm bởi vì chúng chứa rất nhiều loại nhựa thông hoặc kim loại.

Panasonic cho biết phương pháp trên không chỉ giúp xử lý rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng mà còn giúp giảm lượng khí CO2 thải ra môi trường bởi nó hầu như không sử dụng các nguồn năng lượng bên ngoài trong quá trình khí hóa.

Năm 2010, PETEC tiếp tục giới thiệu công nghệ có thể đồng thời phân loại rác thải nhựa thành ba loại, gồm PP, PS và ABS để tái chế một cách phù hợp. Các rác thải nhựa được xử lý nhanh hơn gấp 3 lần so với các phương pháp thông thường và được tái chế với độ tinh khiết hơn 99%.

Khách hàng sử dụng túi nylon khi mua sắm tại một siêu thị ở Chiba, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khách hàng sử dụng túi nylon khi mua sắm tại một siêu thị ở Chiba, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến về xử lý rác nhưng số lượng rác thải nhựa được thải ra mỗi năm vẫn cao hơn nhiều so với năng lực của các cơ sở xử lý rác ở nước này. Vì vậy, theo các chuyên gia, Nhật Bản phải đồng thời tiến hành 3 giải pháp: giảm lượng rác thải nhựa, khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý rác mới và tăng cường đầu tư nghiên cứu các vật liệu mới thay thế nhựa.

Trong nỗ lực xử lý vấn đề rác thải nhựa, ngày 31/5, Chính phủ Nhật Bản đã công bố chiến lược mới nhằm giảm rác thải nhựa tại nước này. Theo đó, Tokyo đặt mục tiêu đến năm 2030, giảm 25% rác thải nhựa có thể phân hủy và đến năm 2035 tái chế hoặc tái sử dụng 100% rác thải nhựa, bao gồm cả vật liệu được sử dụng trong các thiết bị điện và phụ tùng ô tô. Chiến lược này cũng yêu cầu các nhà bán lẻ không phát túi nylon miễn phí cho người tiêu dùng và kêu gọi khách hàng sử dụng túi nylon làm từ vật liệu dễ phân hủy.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải nhựa, Bộ Môi trường đang cân nhắc tăng trợ cấp cho các nhà máy xử lý rác thải nhựa và nới lỏng các quy định về xây dựng các cơ sở xử lý rác thải.

Về phía các doanh nghiệp, để góp phần thực hiện các mục tiêu mà Chính phủ Nhật Bản đã đặt ra, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các sáng kiến để hạn chế và tiến tới không sử dụng nhựa hoặc sử dụng nhựa tái chế trong các sản phẩm.

Chẳng hạn, năm 2018, Asahi Soft Drinks Co. đã bắt đầu bán chai nước và trà không có nhãn mác bằng nhựa trên mạng Internet hoặc giao trực tiếp cho khách hàng. Ito En Ltd. đã bắt đầu sử dụng các chai nhựa hai lít có trọng lượng nhẹ hơn 30% so với các phiên bản trước đó để đựng trà lúa mạch kể từ tháng 2/2019. Công ty sản xuất đồ uống Suntory Holdings Ltd. đã lên kế hoạch sử dụng nhựa tái chế hoặc các chất tổng hợp có nguồn gốc từ thực vật để sản xuất chai nước vào năm 2030.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất để giảm rác thải nhựa ở Nhật Bản là phải nâng cao ý thức của người tiêu dùng về vấn đề này. Chính người tiêu dùng mới là những người quyết định liệu có thực sự giảm được rác thải nhựa hay không./.

Khách hàng sử dụng túi nylon khi mua sắm tại một siêu thị ở Chiba, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khách hàng sử dụng túi nylon khi mua sắm tại một siêu thị ở Chiba, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bán hàng không xả rác thải nhựa

“Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ và làm hết sức mình. Em mong muốn mô hình đang thực hiện có thể góp một phần nhỏ thúc đẩy lối sống xanh.” Đó là chia sẻ của Nguyễn Thế Vinh – chủ cửa hàng “Eco Refill-Tiêu dùng hạn chế rác thải nhựa” về mô hình chuyên sử dụng các sản phẩm hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên, không sử dụng bao bì dùng một lần.

Mang theo túi đựng khi tới mua hàng

Cửa hàng nhỏ mang tên “Eco Refill – Tiêu dùng hạn chế rác thải nhựa” của Vinh đặt tại số 46, ngõ 117 Thái Hà, Hà Nội trở thành điểm đến yêu thích của những người chuộng các sản phẩm hữu cơ có xuất xứ tự nhiên và thân thiện với môi trường.

Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào cửa hàng này là rất nhiều bình chứa hàng cỡ lớn, rất ít các đồ dùng làm từ nhựa, hầu như không có túi nylon và đặc biệt là hàng chục mặt hàng thân thiện môi trường như: ống hút tre, xơ mướp, hộp bã mía, bát gáo dừa, các loại thìa, đũa gỗ…

Nguyễn Thế Vinh – chàng trai 26 tuổi, sinh ra và lớn lên tại thành phố Vinh, Nghệ An cho biết ngay sau khi tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, anh đã chọn kinh doanh trên đất Hà thành các sản phẩm hữu cơ từ thiên nhiên như nước giặt và nước rửa bát từ quả bồ hòn; dầu gội, sữa tắm từ bồ kết, hương nhu, tinh dầu quế…

“Cách sử dụng bồ hòn thay thế hóa chất tẩy rửa công nghiệp có kết quả rất tốt dù lượng bọt ít hơn bình thường. Tương tự, các sản phẩm có xuất xứ từ thảo dược, cây cỏ tự nhiên không những tốt cho sức khỏe mà còn hạn chế chất thải hóa chất độc hại ra môi trường,” Vinh cho biết.

Không chỉ vậy, Vinh mạnh dạn thử nghiệm mô hình bán hàng Refill-Bán hàng không xả rác thải nhựa. Hàng hóa được cất trữ trong các bình dung tích lớn, khách hàng có nhu cầu sẽ mang chai lọ nhựa, hũ thủy tinh đến tự chiết sản phẩm dùng thử theo nhu cầu.

Khi muốn dùng tiếp, khách sẽ quay lại, mang theo đồ để đựng và “làm đầy” để không sử dụng bao bì dùng một lần, Vinh giải thích.

Cửa hàng Eco Refill (Hà Nội) chuyên bán hàng tái chế và các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho vật dụng nhựa. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Cửa hàng Eco Refill (Hà Nội) chuyên bán hàng tái chế và các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho vật dụng nhựa. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Chàng trai trẻ trở nên hào hứng và tâm huyết khi được hỏi về các sản phẩm của cửa hàng và lý do chúng được chọn để bày bán tại đây.

“Nếu mỗi người chỉ sử dụng một ống hút nhựa mỗi ngày thì trong vòng 10 năm sẽ có 3.650 ống hút nhựa được thải ra môi trường. Trên toàn thế giới, ống hút nhựa là một trong năm vật được tìm thấy nhiều nhất tại các sự kiện làm sạch bãi biển,” Vinh kể.

Theo Vinh, ống hút tre là sản phẩm thay thế nhựa, có thể phân hủy và có thể tái sử dụng. Thay thế ống hút nhựa bằng ống hút tre có thể là bước đầu tiên có thể làm để bảo vệ trái đất này.

Bên cạnh đó, cửa hàng của Vinh cũng là một trong những cửa hàng hiếm hoi tại Hà Nội thu gom lại chai nhựa của khách hàng để tái sử dụng thông qua chương trình đổi chai lấy cây và quà.

Chương trình đổi chai lọ, thùng cáctông lấy quà liên tục diễn ra tại cửa hàng. Theo đó, khách hàng mang 10 chai lọ hoặc thùng cáctông sẽ nhận được 1 món quà là những sản phẩm từ tự nhiên, 20 chai lọ/thùng các tông đổi được 1 cây xanh.

“Thực tế là nếu để tiện và suy nghĩ về lợi ích kinh tế thì bọn mình có thể mua được những chai lọ này với giá rất rẻ. Theo mình điều quan trọng nhất để hạn chế rác thải nhựa là phải thay đổi thói quen. Chính vì vậy mình mới có ý tưởng đổi chai lọ lấy cây và quà,” Vinh tâm sự.

Đặc biệt, cửa hàng của Vinh cũng là địa điểm thu gom pin đã qua sử dụng. Hiện nay, hầu hết gia đình nào cũng có khoảng chục thiết bị sử dụng pin như điện thoại, đồng hồ, điều khiển từ xa… và số lượng các thiết bị này ngày càng có xu hướng tăng nhanh.

Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng pin và ắc quy đã qua sử dụng không được phép bỏ vào thùng rác như các loại rác thông thường vì tính độc hại của chúng rất cao. Chính vì vậy, Vinh mong muốn cửa hàng vừa là nơi mua sắm vừa là điểm thu gom pin để người dân không vứt pin bừa bãi ra môi trường.

Theo ông chủ Nguyễn Thế Vinh, để lan tỏa tới cộng đồng về lợi ích của việc hạn chế rác thải nhựa, hàng tháng Eco Refill và các nhà đồng hành cùng tổ chức hội chợ Refill, với mong muốn góp phần vào việc bảo vệ môi trường thông qua hành vi tiêu dùng hạn chế túi nylon và chai nhựa dùng một lần.

‘Chỉ với hành động nhỏ là mang theo túi khi đi chợ, chúng ta đã giảm được số lượng túi nylon xả ra môi trường một cách đáng kể’

“Với mức bình quân sử dụng túi nylon của một người trong một lần đi chợ là 5-6 túi, riêng ở thành phố Hà Nội, mỗi ngày đã có hàng triệu túi nylon bị thải ra môi trường,” Vinh lo lắng.

Theo Vinh, chỉ với hành động nhỏ là mang theo túi khi đi chợ, chúng ta đã giảm được số lượng túi nylon xả ra môi trường một cách đáng kể.

Vậy nên, một điểm chung dễ thấy của khách hàng tới Eco Refill là không dùng túi nylon. Họ thường mang theo túi vải, dùng chai thuỷ tinh, tỉ mẩn bên những món đồ handmade hữu cơ và luôn cởi mở, khích lệ người đối diện “sống xanh hơn.”  

“Em không phải là người biết ăn to nói lớn. Em chỉ suy nghĩ những việc mình làm được có thể còn rất nhỏ bé nhưng phải làm hết sức của mình, hạn chế được việc sử dụng rác thải nhựa đến mức tối đa.”

Cửa hàng Eco Refill (Hà Nội) chuyên bán hàng tái chế và các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho vật dụng nhựa. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Cửa hàng Eco Refill (Hà Nội) chuyên bán hàng tái chế và các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho vật dụng nhựa. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

“Trong vấn đề hạn chế rác thải nhựa, nếu chỉ làm một mình thì chắc chắn khó thành công. Muốn thành công, em nghĩ rất cần sự góp sức của cộng đồng.”

Hình thức mang túi để đi mua sắm không chỉ áp dụng đối với cửa hàng Eco Refill mà bất kỳ ở đâu, cửa hàng nào, khách hàng cũng có thể áp dụng.

“Thực hiện chương trình này, chúng em mong muốn góp phần nhỏ trong cách sống xanh của người dân Hà Nội,” Vinh tâm sự.

Chị Nguyễn Thùy Linh, ở khu tập thể Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã mua hàng tại cửa hàng này từ những ngày đầu tiên và rất ưa thích những sản phẩm tự nhiên ở đây.

Chị Linh cho biết chị chưa thấy có nhiều mô hình bán hàng độc đáo như cửa hàng của Vinh. “Bản thân tôi cũng rất có ý thức bảo vệ môi trường nhưng thực sự bất ngờ khi Vinh chủ động ra được mô hình như thế này,” chị nói.

Những dự định cho tương lai

Người sáng lập “Eco Refill – Tiêu dùng hạn chế rác thải nhựa” cho biết, anh từng biết có những mô hình tương tự nhưng hoạt động khó khăn và đã ngừng hoạt động.

“Những doanh nghiệp nhỏ muốn chung tay giải quyết các vấn đề môi trường còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhưng không phải không có những thuận lợi,” Vinh nói.

“Em hy vọng với nhận thức của cộng đồng, sự tích cực của truyền thông, những mô hình kinh doanh hạn chế rác thải nhựa sẽ được đông đảo người tiêu dùng ủng hộ.”

Nói về những dự định trong thời gian tới, Nguyễn Thế Vinh cho biết anh sẽ cố gắng để phát triển mô hình hơn nữa.

“Eco Refill sẽ cố gắng từng bước, bởi muốn làm lớn ngay bây giờ cũng chưa có đủ nguồn lực. Các sản phẩm từ nhựa vẫn tràn lan và còn nhiều người sử dụng mà chưa nghĩ tới việc không sử dụng nữa hay hạn chế sử dụng,” Vinh trăn trở.

Theo ông chủ sinh năm 1993, Eco Refill đang tìm kiếm những bên liên kết để bán các sản phẩm hữu cơ xuất xứ tự nhiên, qua đó gắn kết với vấn đề bảo vệ môi trường, đưa sản phẩm thiên nhiên đến người tiêu dùng.

Nguyễn Thế Vinh cho biết: “Hiện tại đã có 4-5 đối tác đăng ký nhập hàng và đặt kệ bán hàng theo hình thức của Eco Refill. Hy vọng nhiều sản phẩm xanh sẽ tiếp cận được với khách hàng mà không có thêm chai lọ nhựa hay túi nylon mới nào được sử dụng. Hãy làm đầy lại những thứ bạn đang có”./.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)