Để tiếng đàn bầu mãi ngân vang

dndt5-1565077657-32.jpg

Lời tòa soạn:

Trong hệ thống các nhạc cụ Việt Nam, đàn bầu, hay còn gọi là “độc huyền cầm”, là nhạc cụ thuần Việt nhất, độc đáo nhất của người Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đàn bầu vẫn giữ nguyên được sự mộc mạc nền nã và âm sắc thánh thót rung động trái tim người nghe.

Để làm rõ sự hình thành và phát triển của cây đàn bầu trong đời sống văn hóa tinh thần người Việt từ xưa đến nay, chùm bài viết lần lượt đứng từ góc độ của nghệ nhân chế tác đàn, nghệ sỹ biểu diễn, nhà nghiên cứu văn hóa và những người kế thừa nghệ thuật đàn bầu để tìm hiểu và làm rõ những giá trị của cây đàn bầu cũng như hiện trạng mà các nghệ nhân đang phải đối mặt. Mỗi nhân vật đều đưa ra những cái nhìn khác nhau, nhưng họ cùng chung một tình yêu vô bờ bến với cây đàn bầu, cùng chung sự khát khao được tiếp tục bảo vệ và phát triển giá trị đàn bầu, sớm đưa đàn bầu trở thành di sản văn hóa cấp quốc gia, tiến tới đề nghị UNESCO công nhận đàn bầu là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Một buổi sáng tháng 6 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, sinh viên chuyên ngành đàn bầu Vũ Lê Minh đang tập trung trên từng ngón đàn nhịp phách, để buổi biểu diễn tốt nghiệp đạt kết quả tốt nhất. Trên khán đài, ông Vũ Mạnh Hải – bố của Minh đang chăm chú nhìn con trai biểu diễn. Ông nhớ lại thời điểm 6 năm về trước, khi ông và vợ đã phải giúp con trai 18 tuổi của mình đưa ra một quyết định quan trọng về tương lai nghề nghiệp của em: lựa chọn theo đuổi sự nghiệp biểu diễn đàn bầu chuyên nghiệp theo tiếng gọi của trái tim hay học một ngành nghề khác để đảm bảo cho tương lai cuộc sống sau này.

Vũ Lê Minh chơi đàn bầu trong buổi biểu diễn tốt nghiệp. Nguồn video: TTXVN

Khi Minh lựa chọn học đàn bầu chuyên nghiệp, có người bảo tôi, thời buổi này mà anh cho cháu học nhạc dân tộc là quá dũng cảm”, ông Hải chia sẻ. “Mặc dù vậy, tôi cho rằng điều quan trọng là con trai tôi yêu thích cây đàn bầu, và niềm đam mê ấy sẽ giúp Minh có thể phát triển hơn trong nghề nghiệp của mình.

Tình yêu của Minh đối với cây đàn bầu trong suốt 12 năm qua, cùng với sự đồng hành và hỗ trợ của những bậc cha mẹ như ông Hải đang góp phần giúp cho những giai điệu của cây “độc huyền cầm” được tiếp tục ngân lên.

Đàn bầu – hay còn gọi là “độc huyền cầm”, là nhạc cụ thuần Việt nhất, độc đáo nhất của người Việt Nam.

Đàn bầu có hình dạng một ống tròn hoặc hình hộp chữ nhật. Trên mặt đàn, phía đầu to có một miếng xương hoặc kim loại nhỏ gọi là ngựa đàn. Phía đầu nhỏ có cần đàn làm bằng gỗ hoặc sừng, xuyên qua nửa đầu quả bầu khô và cắm vào một lỗ trên mặt đàn. Qua ngựa đàn, dây được luồn xuống, một đầu cố định vào trục xuyên qua thành đàn, đầu kia buộc vào cần đàn khoảng giữa bầu đàn.

Đàn bầu từ xưa đã được coi là một trong những biểu tượng của tâm hồn người Việt. Chính vì vậy mà trong lịch sử từng có những bài thơ, những lời ca viết riêng để tôn vinh giá trị của cây đàn bầu: “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu, nghe dịu nỗi đau của mẹ…”, hay “Tiếng đàn bầu của ta, cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha”, v.v…

Đầu thế kỷ 20, trong những bức ảnh Việt Nam (do người Pháp thực hiện), cây đàn bầu cũng từng xuất hiện như một biểu trưng đặc sắc của văn hóa bản địa.

Cây đàn bầu xuất hiện trong những bức ảnh Việt Nam (do người Pháp thực hiện) đầu thế kỷ 20. Nguồn: CLB Đàn bầu Việt Nam
Cây đàn bầu xuất hiện trong những bức ảnh Việt Nam (do người Pháp thực hiện) đầu thế kỷ 20. Nguồn: CLB Đàn bầu Việt Nam

Kể từ sau năm 1945, nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt Nam, như NSND Thanh Tâm, nhạc sĩ Nguyễn Tiến,… đã nhiều lần đi lưu diễn nước ngoài, đem cây đàn bầu giới thiệu tới bạn bè quốc tế.

Hiện nay, tuy đàn bầu đã xuất hiện trên các sân khấu từ Bắc vào Nam, nhưng tần suất biểu diễn của loại nhạc cụ này không nhiều.

Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền cho biết: “Đàn bầu được coi là độc đáo, trước hết là vì nó chỉ có một dây. Bản thân cái tên Độc Huyền Cầm đã nói lên điều đó. Hay cái tên đàn bầu là bởi bầu cộng hưởng của nó là một quả bầu. Nói chung trên thế giới cũng có nhiều nước có đàn một dây, nhưng cái độc đáo nhất của đàn bầu là việc gảy những bồi âm trên một sợi dây đó.

Nói về cách thức tạo ra âm bồi của đàn bầu, anh Đỗ Việt Dũng, một trong những thợ làm đàn có tiếng tại Việt Nam giải thích: “Các đàn khác như đàn nhị hay đàn nguyệt, đàn tranh, … thì thường có phím bấm tay, giữ tay để tạo âm, còn đàn bầu sử dụng âm bồi, tức là người ta gảy và chạm tay ở một số vị trí mà có thể tạo được âm bồi, sau đó nhấc tay lên để cho cả sợi dây rung động, cộng hưởng vào nốt vừa gảy.

Ngoài ra, ở đàn bầu chỉ có một số vị trí mới tạo ra được âm bồi, để tạo ra các âm khác người ta phải rung, nhấn cần đàn, dựa vào tai của người chơi đàn, sẽ tạo ra các nốt nhạc khác nhau dựa trên âm bồi cơ bản đã tạo ra ban đầu. Chính cách tạo âm đặc biệt đó đã khiến cho tiếng đàn bầu rất gần với tiếng hát của con người, “như một tiếng nói, một tiếng thở dài, nói lên tâm tư nỗi lòng của người dân. Đó cũng là một điểm khiến người Việt Nam coi đàn bầu là của mình, bởi đàn nói được tiếng nói, tiếng lòng của người Việt Nam”, NSND Thanh Tâm nói.

Mỗi khi nghe đàn bầu, tôi lại có cảm giác buồn man mác. Tiếng đàn bầu nhẹ nhàng, lan tỏa trong không gian và như có gì đó lắng đọng lại trong tâm hồn”, Bà Trần Kim Bích ở Hà Nội cho biết. Còn anh Katakami, khán giả người Nhật nói: “Dường như tất cả những niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống đều hội tụ trong tiếng đàn bầu.

Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền cho rằng, tiếng đàn bầu “rất gần với giọng nói của con người, vì vậy những người chơi giỏi nghe như một người nói chuyện.” Cùng quan điểm đó, NSND Thanh Tâm nhận định: “Tôi nghĩ rằng đàn bầu đã hiện diện trong dân ca nhạc cổ từ rất lâu rồi, cha truyền con nối, trong lời ru cũng đã có tiếng đàn bầu, và người ta gọi là cây đàn bầu hát chứ không ai nói là đánh đàn bầu, bởi giai điệu của nó rất giống người hát.

Còn đối với Vũ Lê Minh, ngay từ khi còn là cậu bé 10 tuổi, cậu đã bị hấp dẫn bởi những âm thanh duyên dáng của đàn bầu. “Hồi còn bé thì tôi được mẹ cho đi học ở Cung thiếu nhi Hà Nội. Một lần rất may mắn, tôi được xem một chương trình ca nhạc ở rạp Khăn Quàng Đỏ, Cung thiếu nhi. Tôi đã được xem một tiết mục biểu diễn đàn bầu. Từ đó tôi rất ấn tượng với cây đàn này và xin phép mẹ cho được học cây đàn này”, Minh chia sẻ.

Mặc dù khán giả trong và ngoài nước đều dành những tình cảm tốt đẹp cho cây đàn bầu, nhưng hiện nay các kênh tiếp cận với đàn bầu của công chúng còn ít và chưa đủ sức hấp dẫn cũng như sức lan tỏa.

Từ khi còn nhỏ, học sinh ít được nghe và học chơi đàn bầu cũng như các loại nhạc cụ truyền thống, trong khi cuộc sống hiện đại mang đến quá nhiều sự lựa chọn mới như học đàn ghita, piano, violin,… Trong môi trường đào tạo và nghiên cứu, các nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ những lý luận âm nhạc phương Tây, dẫn đến việc cố gắng “cải tiến”, “Tây hóa” cây đàn bầu, làm sai đi tinh thần dân tộc để chiều theo thị hiếu dễ dãi của người nghe.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh các trào lưu văn hóa, âm nhạc nước ngoài tác động sâu sắc đến khán giả Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, những giá trị xưa cũ như tiếng đàn bầu dần trở nên kém hấp dẫn trong lòng công chúng. Sự xâm nhập của văn nghệ nước ngoài ngày càng sâu rộng, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt trong đời sống âm nhạc Việt. Vắng người nghe, thiếu sân khấu, vì vậy việc học tập để trở thành một nghệ sĩ biểu diễn đàn bầu chuyên nghiệp như Vũ Lê Minh cần nhiều hơn là một chút yêu thích bồng bột ban đầu.

Vũ Lê Minh và các sinh viên Khoa Âm nhạc Truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Vũ Lê Minh và các sinh viên Khoa Âm nhạc Truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Thực tế cho thấy, số người trẻ đủ nhiệt huyết và kiên trì theo đuổi con đường học tập và biểu diễn đàn bầu chuyên nghiệp không nhiều. Ít chương trình biểu diễn, thu nhập thấp và không ổn định, nhiều nghệ sĩ không trụ lại nổi với nghề. Cũng chính vì lẽ đó, nhiều bậc phụ huynh ngần ngại cho con đi theo con đường chuyên nghiệp, mà theo ông Hải chia sẻ thì đó là một quyết định “dũng cảm”.

Trong bối cảnh các nghệ sĩ đàn bầu còn gặp nhiều khó khăn để sống được với nghề và lan tỏa giá trị của cây đàn, thì một vài năm trở lại đây, công luận và giới âm nhạc dân tộc trong nước nóng lên với câu chuyện Trung Quốc tuyên bố đàn bầu là nhạc cụ dân tộc của nước này.

Đáp lại tuyên bố của Trung Quốc, hàng loạt các giáo sư, tiến sĩ âm nhạc, nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ sĩ đàn bầu của Việt Nam đã đưa ra rất nhiều bằng chứng lịch sử để chứng minh đàn bầu có nguồn gốc ở Việt Nam.

Trong nghiên cứu của mình, chuyên gia âm nhạc GS -TS Trần Quang Hải chỉ ra rằng: Theo An Nam chí lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Chỉ Nam Ngọc âm giải nghĩa, Đại Nam thực lục tiền biên, Tân Đường thư, Cựu Đường Thư… cây đàn bầu ra đời xuất phát điểm ở vùng đồng bằng Bắc Bộ sau đó được người Kinh Việt Nam mang sang Quảng Tây, Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền khẳng định, “Sự cổ xưa của âm nhạc phải được đánh giá qua nền âm nhạc cổ truyền. Trong nền âm nhạc cổ truyền Trung Quốc không hề có đàn bầu. Các nhà khoa học của chúng ta đủ các chứng lý để chứng minh với quốc tế rằng đàn bầu thuần Việt như thế nào.”

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng khẳng định Đàn bầu nhạc cụ độc nhất vô nhị khu vực châu Á, ai cũng nói Việt Nam là đất nước của đàn bầu, chân lý không gì thay đổi được.

Các nhà nghiên cứu cũng đồng thời khẳng định, đàn bầu mới chỉ được Trung Quốc lưu tâm đến trong vài chục năm trở lại đây.

NSND Thanh Tâm cho biết, “Từ những năm 60 đã có rất nhiều người Trung Quốc, từ Nam Ninh, Thượng Hải, Bắc Kinh về Việt Nam để theo học đàn bầu. Ở Nam Ninh cũng có một tộc người Kinh xuất xứ từ Đồ Sơn sang sinh sống ở Trung Quốc, mang cây đàn bầu sang chơi ở bên đó. Vì vậy tôi nghĩ về nguồn gốc, dù có tranh cãi hay gì thì đến sau cùng người ta vẫn sẽ thừa nhận cây đàn là của Việt Nam.”

Trong khi Trung Quốc đã đưa “nghệ thuật độc huyền cầm của người Kinh” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Trung Quốc từ năm 2010, thì đến tận bây giờ, đàn bầu vẫn chưa được công nhận là di sản quốc gia của Việt Nam, chứ chưa nói đến việc xây dựng hồ sơ và trình UNESCO công nhận cây đàn này là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại.

Nghệ sĩ đàn bầu Phạm Đức Thành. Nguồn: TTXVN
Nghệ sĩ đàn bầu Phạm Đức Thành. Nguồn: TTXVN

Trong những năm qua, các nghệ sĩ đã không ngừng nỗ lực gìn giữ và quảng bá tiếng đàn bầu đến với công chúng trong và ngoài nước. Một trong những “cây đại thụ” về biểu diễn đàn bầu phục vụ công chúng hải ngoại là nghệ sĩ Phạm Đức Thành. Hiện đang định cư tại Canada, nhưng nghệ sĩ Phạm Đức Thành vẫn luôn gắn bó với cây đàn bầu và nỗ lực không ngừng nghỉ để đưa tiếng đàn bầu Việt Nam vang xa hơn trên trường quốc tế. Ông đã thành lập một số câu lạc bộ đàn bầu tại Thụy Sĩ, Pháp, Nhật Bản, đồng thời sản xuất chương trình tự học đàn dân tộc qua DVD.

Trả lời phỏng vấn của TTXVN, nghệ sĩ Phạm Đức Thành nói: “Tôi luôn giới thiệu đàn bầu với bạn bè quốc tế, và họ rất thích, bởi vì cây đàn bầu là độc nhất vô nhị.

Còn tại Việt Nam, năm 2014, câu lạc bộ nghệ thuật đàn bầu thuộc Hội nhạc sĩ Việt Nam chính thức thành lập. Hàng năm, hội đều tổ chức đại nhạc hội đàn bầu, thu hút rất nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước về tham dự và đóng góp ý kiến. Trong nhạc hội luôn có hội thảo bàn về việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy cây đàn bầu, để nó hội nhập với thế giới mà vẫn giữ bản sắc Việt Nam.

Trong hội thảo khoa học “Đàn bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa Việt Nam” được tổ chức tại Viện Âm nhạc Hà Nội ngày 21/10/2016, nhiều chuyên gia đã lên tiếng đề nghị Việt Nam sớm lên kế hoạch xây dựng hồ sơ và trình UNESCO công nhận cây đàn này là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia cho biết: “Cách đây khoảng 3 năm, Học viện đã tổ chức hội thảo và có công văn gửi lên bộ, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm đến vấn đề này và có ý kiến chỉ đạo về việc xây dựng hồ sơ. […]Hi vọng trong thời gian tới, được sự quan tâm của xã hội, nhà nước, lãnh đạo Bộ sẽ ủng hộ chủ trương này. Chúng tôi luôn sẵn sàng tập trung lực lượng các nhà khoa học nghiên cứu để hoàn thiện bộ hồ sơ.”

Không chỉ gắn bó với cây đàn bầu ở vị trí của người biểu diễn, NSND Thanh Tâm còn đảm nhận trọng trách của một nhà sư phạm. Trên cương vị nguyên trưởng khoa Âm nhạc truyền thống của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, khi chia sẻ về công tác truyền dạy đàn bầu cho các thế hệ tương lai, cô nói: “Tôi và tất cả những nghệ sĩ chơi đàn bầu đều rất mong muốn gìn giữ và phát huy cây đàn của dân tộc mình. […] Bấy lâu nay chúng tôi rất trăn trở, về giảng dạy thì cũng cố gắng bảo lưu, phát triển cây đàn bầu tiếp nối thế hệ này qua thế hệ khác không bị đứt đoạn.”

Những người chơi đàn bầu trẻ hiện nay chủ yếu đi theo hai xu hướng chính, một là phục dựng và biểu diễn những bản nhạc cổ theo đúng phong cách cổ truyền; hai là dùng đàn bầu chơi những thể loại âm nhạc mới và hòa tấu với các nhạc cụ phương Tây.

Ở xu hướng thứ nhất, hàng loạt các chương trình biểu diễn như “Chuyện nhạc phố cổ”, “Xưa trước – Nay sau”, “Tâm hồn làng Việt (The Heritage Show)”,… đều là những nỗ lực của các nghệ sĩ nhằm đưa âm nhạc truyền thống, trong đó có đàn bầu đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.

Trích đoạn biểu diễn Tâm hồn làng Việt (The Heritage Show). Nguồn video: TTXVN

Chia sẻ về vị trí của đàn bầu trong chương trình “Hạt giống tâm hồn”, nghệ sĩ trẻ Đào Phương Thanh, một trong những người tham gia chương trình cho biết: “Sự kết hợp của đàn bầu với đàn đáy tạo được hiệu ứng rất độc đáo, đa phần các vị khách đến đây đều rất thích tiết mục đó.

Ở xu hướng thứ hai, nghệ sĩ trẻ Thu Thảo được xem là một trong những người đi tiên phong trong việc “trẻ hóa” đàn bầu và kết hợp với các loại nhạc cụ phương Tây.

Theo Thu Thảo, khả năng của cây đàn bầu là vô hạn. Dù chỉ có 1 dây nhưng đàn bầu có thể chơi được tất cả các thể loại âm nhạc khác nhau và kết hợp cùng các loại nhạc cụ. Việc “trẻ hoá” cây đàn bầu hay kết hợp với các nhạc cụ phương Tây sẽ “đem lại sự thu hút, tạo ra sự mới lạ giúp cho cây đàn bầu trở nên nổi bật hơn, từ đó việc truyền bá cây đàn Bầu sẽ được rộng rãi hơn, và để lại ấn tượng rõ ràng đối với khán giả.

Nghệ sĩ đàn bầu Thu Thảo. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Nghệ sĩ đàn bầu Thu Thảo. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Vài năm trở lại đây, Thu Thảo đã tham gia nhiều chương trình biểu diễn trong và ngoài nước, trong đó kết hợp đàn bầu Việt Nam với các loại nhạc cụ trên thế giới: biểu diễn kết hợp đàn bầu cùng với 2 giảng viên Clairinet và saxophone của Học Viện Âm nhạc Tournai Bỉ tháng 3/2017; kết hợp cây đàn bầu cùng với một số nhạc cụ truyền thống đến từ các nước Mông Cổ, Azerbajan, Hàn Quốc tháng 12/2018,…

Thu Thảo hào hứng chia sẻ: “Khi ngồi ở dưới hàng ghế khán giả, bạn sẽ khó có thể nhìn thấy sợi dây đàn và que gảy đàn. Thế nên một số khán giả quốc tế nghĩ rằng người chơi đàn bầu đang làm phép thuật với cây đàn để tạo ra âm thanh, vì họ không nhìn thấy sợi dây đàn hay phím gảy đàn nào, nhưng âm thanh phát ra lại say lòng. Ngoài ra, sau một số buổi biểu diễn ở nước ngoài, mình nhận được một số lượng lớn khán giả xếp hàng chỉ để được lên nhìn và chạm vào cây đàn bầu.”

Nhìn nhận về tương lai của cây đàn bầu cũng như đội ngũ kế cận, NSND Thanh Tâm lạc quan nói: “Nhìn bề ngoài, nhiều người cứ nghĩ lớp trẻ có lẽ quên hết nguồn gốc dân tộc. Nhưng trong môi trường giảng dạy, tôi biết rất nhiều em thực sự yêu thích công việc biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Tôi nghĩ nhiều em sẽ tiếp nối được thế hệ cha ông về gìn giữ bảo tồn phát huy âm nhạc truyền thống cũng như cây đàn bầu.

Và mặc dù mới tốt nghiệp, nhưng Vũ Lê Minh cũng đã bước đầu tìm được những sân khấu nhỏ để “thắp lửa đam mê” cho riêng mình. Một buổi tối thứ 7 trên phố đi bộ Bờ Hồ, Minh đang say sưa trình tấu những nhạc khúc dân gian như “Bèo dạt mây trôi”, “Hoa thơm bướm lượn”. Xung quanh không chỉ có khán giả trong nước, mà còn có rất nhiều du khách quốc tế đứng xem. Tuy đây chưa phải là một sân khấu hoành tráng, nhưng những buổi biểu diễn như thế chính là động lực để Minh tiếp tục gắn bó với cây đàn bầu, góp phần quảng bá một di sản văn hóa quý báu của dân tộc, đồng thời giữ cho tiếng đàn bầu được mãi ngân vang./.

Vũ Lê Minh biểu diễn tại phố đi bộ Hà Nội. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Vũ Lê Minh biểu diễn tại phố đi bộ Hà Nội. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Người thợ làm đàn nặng lòng với cây đàn bầu dân tộc

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống chế tác nhạc cụ dân tộc, việc kế tục nghề của cha ông trở thành một cái lẽ tự nhiên với anh Đỗ Việt Dũng. Mỗi nhạc cụ dân tộc đều có cái hay, cái đẹp riêng, nhưng anh yêu nhất chính là cây đàn bầu.

Nhắc đến nghề chế tác nhạc cụ dân tộc tại Hà Nội, người trong nghề không ai không biết câu “Nhất Thước, nhì Tuyên, tam Viên, tứ Soạn” – để chỉ 4 nghệ nhân làm nhạc cụ dân tộc có tiếng tăm nhất trong nghề (Đỗ Văn Thước, Phùng Tân Tuyên, Lê Đình Viên, Đào Văn Soạn). Là con trai nghệ nhân Đỗ Văn Thước, anh Đỗ Việt Dũng kế tục truyền thống làm nhạc cụ của gia đình như một lẽ tự nhiên.

Anh Đỗ Việt Dũng kế tục truyền thống làm nhạc cụ của gia đình như một lẽ tự nhiên. Nguồn: TTXVN
Anh Đỗ Việt Dũng kế tục truyền thống làm nhạc cụ của gia đình như một lẽ tự nhiên. Nguồn: TTXVN

Cơ duyên của tôi có lẽ là được sinh ra trong một gia đình có truyền thống chế tác nhạc cụ dân tộc. Từ thế hệ của bố tôi thì đến nay thì đã được 65 năm làm nghề, coi như là chúng tôi cũng có một cái truyền thống nhất định ở khu vực Hà Nội và phía Bắc trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo nhạc cụ dân tộc.” Anh Dũng chia sẻ.

Giữa thời buổi kinh tế xã hội không ngừng biến đổi, những trào lưu mới xuất hiện từng ngày, rất nhiều nghề truyền thống phải đối diện với nguy cơ mai một. Nghề chế tác nhạc cụ dân tộc cũng không ngoại lệ. Với anh Dũng, nghề nào cũng có chu kỳ khó khăn, “thí dụ là cái nghề của chúng tôi liên quan đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, cho nên nó cũng thăng trầm theo nền văn hóa nghệ thuật âm nhạc của Việt Nam […] Trước kia Nhà nước tổ chức rất nhiều xưởng sản xuất nhạc cụ ở Trung ương rồi địa phương, nơi bố mẹ tôi làm là xí nghiệp nhạc cụ của Bộ Văn hóa – nơi cung cấp nhạc cụ theo kế hoạch hóa của Nhà nước cho cả nước. Thế nhưng đến thời kỳ kinh tế khó khăn là khoảng cuối những năm 80 đầu thập kỷ 90, lĩnh vực nhạc cụ quốc doanh nó cũng mai một dần, cuối cùng đi đến giải tán. Những người làm đàn thời kỳ đó họ bỏ nghề rất nhiều, chỉ còn một số nhà có thể trụ được, đó là những nhà có nghề truyền thống.” anh Dũng nói.

Trong căn xưởng sực mùi gỗ, anh Dũng và thợ phụ đang tập trung chế tác những cây đàn bầu. Mặc dù Việt Nam có hàng trăm loại nhạc cụ dân tộc khác nhau, nhưng đàn bầu chính là loại nhạc cụ mà anh yêu quý nhất. Bởi thế, chỉ cần gợi nhắc đến đàn bầu là anh có thể kể say sưa hàng giờ đồng hồ.

Ghé thăm xưởng chế tác nhạc cụ của nghệ nhân Đỗ Việt Dũng. Nguồn video: TTXVN

Đàn bầu là một cây đàn thuần Việt, do người Việt sáng tạo ra, theo sử sách ghi nhận cũng đã 4, 5 trăm năm rồi.” Anh Dũng kể. “Về nguyên liệu để làm đàn, cổ xưa người ta cũng dựa vào các nguyên liệu mang tính chất tự nhiên. Dây đàn se bằng ruột mèo, ruột thỏ hoặc là dây tơ; còn về các hộp cộng hưởng, thân đàn thì người ta có thể lấy một cái ống tre dài hoặc sử dụng các loại gỗ sẵn có ở địa phương.

Để tạo ra một cây đàn bầu hoàn chỉnh, ngay cả người thợ lành nghề nhất cũng phải mất đến cả tháng trời, anh Dũng cho biết. Song điều quan trọng hơn là phải biết kết hợp các loại gỗ khác nhau, sao cho tạo ra được hiệu quả âm thanh tốt nhất như mong muốn ban đầu. “những bộ phận cần phải chịu lực, cần độ vững chãi như thành đàn, cần đàn phải làm bằng gỗ cứng, tốt như gỗ trắc, gỗ gụ, gỗ mun; còn những phần không cần cái đó mà cần độ rung động nhiều như mặt đàn thì làm bằng gỗ ngô đồng,” anh Dũng nói. 

Nơi nghệ nhân Đỗ Việt Dũng chế tác ra những cây đàn bầu. Nguồn: TTXVN
Nơi nghệ nhân Đỗ Việt Dũng chế tác ra những cây đàn bầu. Nguồn: TTXVN

Trên hết, điều khiến anh có tình cảm đặc biệt với cây đàn bầu có lẽ là tiếng đàn vô cùng độc đáo. Là một trong số ít những cây đàn chỉ có 1 dây trên thế giới, đàn bầu lại càng đặc biệt hơn bởi phương thức tạo âm chủ yếu là sử dụng âm bồi. Cụ thể, nếu như những cây đàn khác có phím bấm và phải giữ tay để tạo âm, thì với đàn bầu, người chơi gảy và chạm tay ở một số vị trí có thể tạo được âm bồi, sau khi gảy ra tiếng thì nhấc tay lên cho cả sợi dây rung động, cộng hưởng vào nốt vừa mới gảy. Ngoài ra, người nghệ sĩ sử dụng cần đàn để tạo cao độ khác nhau, vì thế những nốt nhạc không có cao độ “tuyệt đối” mà hoàn toàn có thể trầm, bổng, mạnh, nhẹ, đầy cảm hứng tùy theo cảm xúc âm nhạc lúc trình tấu.

Bằng tất cả tri thức và lòng yêu nghề, anh Dũng vẫn đang ngày ngày miệt mài cho ra đời những cây đàn mới, góp phần đưa tiếng đàn quê hương ngày một vang xa./.

Người gửi gắm tiếng lòng qua những cung trầm cung thanh

Bén duyên với đàn bầu đã gần 50 năm, đối với NSND Thanh Tâm, đàn bầu đã trở thành một phần máu thịt, là đứa con tinh thần và cũng là người bạn song hành trong suốt chặng đường đời. Những tình cảm dành cho cây đàn bầu cũng đã được nghệ sĩ Thanh Tâm gửi gắm qua những vần thơ:

Mấy chục năm trời tôi có em

Em là tất cả áng mây hồng

Là nơi tôi gửi hồn tôi đó

Em chính là tôi, tôi là em…

Sinh ra tại làng nón Đôn Thư, huyện Thanh Oai, Hà Nội, tuổi thơ của nghệ sĩ Thanh Tâm gắn với đan nón chăn tằm, với lời ru đưa nôi dịu dàng, làn điệu dân ca ngọt ngào và những âm thanh thánh thót của đàn bầu. Đây cũng là nơi tình yêu đối với nghệ thuật dân tộc sinh sôi và ăn sâu vào tiềm thức của nghệ sĩ.

Năm 1967, cô gái Thanh Tâm mới 13 tuổi đã thi đỗ vào trường âm nhạc Việt Nam và lựa chọn học đàn bầu. Quyết định của cô gái bé nhỏ khiến các thầy cô giáo vừa ngạc nhiên vừa xúc động bởi trước đó chưa một cô gái nào dám theo học đàn bầu. Sau này Thanh Tâm mới dần hiểu ra, việc học đàn bầu đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật và một sự kiên trì khổ luyện rất lớn, vì vậy các cô gái gần như không ai có thể trụ lại nổi. Bản thân Thanh Tâm cũng đã phải trải qua cả một quá trình vật vã khổ luyện, nhiều lúc tưởng như không thể vượt qua. Bị bạn bè trêu chọc, chê cười: “làm thân con gái mà chơi đàn bầu”, vì theo quan niệm của giới âm nhạc thời bấy giờ, chỉ có các đấng mày râu mới có thể trở thành cầm thủ độc huyền cầm; cộng thêm áp lực nặng nề từ việc luyện đàn, nhiều khi tập đến đầu ngón tay bật máu và tiếng đàn vẫn chỉ như tiếng bật bông, cô gái bé nhỏ từng không ít lần rơi nước mắt, cũng từng hai lần đập đàn và bỏ học về nhà.

Nhưng rồi dưới sự động viên khích lệ của gia đình, đặc biệt là người cha, Thanh Tâm đã quyết tâm trụ lại với nghề. Từ đó, bằng ý chí, nghị lực, với công phu khổ luyện, nghệ sĩ Thanh Tâm đã dần dần làm chủ được cây độc huyền cầm.

Trong ký ức của những khán giả thập niên 90, hình ảnh nghệ sĩ đàn bầu Thanh Tâm trên truyền hình vẫn còn hiện lên rất rõ nét. Chị Nguyễn Hà, 43 tuổi, cho biết: “Trước đây, khi các chương trình giải trí còn chưa nhiều, tôi rất thích xem các tiết mục biểu diễn âm nhạc truyền thống trên tivi. Khi đó, phải là những nghệ sĩ cực kì tài năng và có tên tuổi mới được lên sóng truyền hình, và tôi vẫn còn nhớ rất rõ hình ảnh nghệ sĩ Thanh Tâm bên cây đàn bầu, cũng như tiếng đàn vô cùng cuốn hút của chị.”

  • vts011vob-1565091677-23.jpg
  • vts011vob-1565091700-52.jpg
  • vts011vob-1565091709-47.jpg
  • vts011vob-1565091719-5.jpg
  • vts011vob-1565091737-74.jpg
  • vts011vob-1565091748-21.jpg
  • vts011vob-1565091760-19.jpg

Nhạc sĩ Thanh Hà cũng từng nhận xét về tiếng đàn của nghệ sĩ Thanh Tâm: “Tiếng đàn của Thanh Tâm thì không phải chỉ tôi mà dân chúng rất thích, bởi vì Thanh Tâm đánh đàn bằng cả trái tim mình. Tay phải là tay technique – gảy, tay trái là tay nhấn rung. Tâm đã để hết cái tâm của mình truyền qua tay trái vào tiếng rung, nên tiếng đàn bầu rung rất mềm mại, nó dao động với nhịp đập của những người nghe. Cho nên tiếng đàn của Thanh Tâm có cái lạ là nó đi vào lòng người, đẹp một cách duyên dáng, ấm cúng và sâu lắng, ở trong đó chứa đầy tính nhân văn của một người yêu quê hương đất nước Việt Nam.”

Đàn bầu đơn sơ mộc mạc, nhưng âm thanh vô cùng phong phú. Không chỉ vậy, đàn bầu còn là một loại nhạc cụ độc đáo thuần Việt, bởi vậy tiết mục biểu diễn với cây đàn bầu thường là tiết mục không thể thiếu trong những chuyến lưu diễn hay giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế.

Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, NSND Thanh Tâm đã tham gia rất nhiều chuyến lưu diễn nước ngoài, đem tiếng đàn bầu Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Bà từng có cơ hội được biểu diễn trước Tổng thống Mỹ Bill Clinton cùng phu nhân trong chuyến ông tới thăm Việt Nam, cũng như biểu diễn trong các tiệc chiêu đãi cấp Nhà nước dành cho Thủ tướng Nga V.Putin, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào… Đó là niềm vui, niềm vinh dự lớn của người nghệ sĩ khi được đem “tiếng lòng của người Việt” đến với những chính khách nổi tiếng của thế giới.

Bằng tất cả những thành tựu đã đạt được trong suốt 50 năm hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ Thanh Tâm đã trở thành nghệ sĩ nữ đầu tiên ở Việt Nam thành danh với cây đàn bầu.

Không chỉ gắn bó với đàn bầu trong vai trò người nghệ sỹ biểu diễn, nghệ sỹ Thanh Tâm còn được biết đến là một nhà sư phạm. Bà từng giữ cương vị trưởng khoa nhạc cụ truyền thống của Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. Với kiến thức và kinh nghiệm phong phú, bà từng có công đào tạo rất nhiều thế hệ học trò. Nhiều người trong số họ nay đã trở thành nghệ sỹ đàn bầu nổi tiếng.

NSND Thanh Tâm nói: “Nhìn bề ngoài, nhiều người cứ nghĩ lớp trẻ có lẽ quên hết nguồn gốc dân tộc. Nhưng trong môi trường giảng dạy, tôi biết rất nhiều em thực sự yêu thích công việc biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Tôi nghĩ nhiều em sẽ tiếp nối được thế hệ cha ông về gìn giữ bảo tồn phát huy âm nhạc truyền thống cũng như cây đàn bầu.”

Đổ mồ hôi nước mắt và khổ luyện thành tài, hơn ai hết, nghệ sỹ Thanh Tâm hiểu rằng, để tiếng đàn lay động đến trái tim người nghe, người nghệ sỹ không chỉ cần có các “ngón đàn” điêu luyện, còn cần có sự chân thành và tình yêu với con đường nghệ thuật. Chính vì lẽ đó, nghệ sỹ Thanh Tâm luôn tâm huyết với việc truyền lửa cho thế hệ sau.

Đàn bầu là một cây đàn rất độc đáo và rất hay, mang hồn nước. Bấy lâu nay chúng tôi rất trăn trở, về giảng dạy thì cũng cố gắng bảo lưu, phát triển cây đàn bầu tiếp nối thế hệ này qua thế hệ khác không bị đứt đoạn”, NSND Thanh Tâm chia sẻ.

Không chỉ vậy, NSND Thanh Tâm còn miệt mài soạn giáo án, viết tham luận về đàn bầu. Bà cũng là một thành viên tích cực của Câu lạc bộ nghệ thuật đàn bầu Việt Nam, nơi các nghệ sĩ góp chung tiếng nói, sớm đưa đàn bầu trở thành di sản cấp quốc gia Việt Nam, tiến tới được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

NSND Thanh Tâm cho biết, “Mỗi dân tộc, quốc gia đều có tiếng nói, chữ viết riêng, có một loại nhạc cụ phản ánh đời sống tinh thần người dân nước đó. Ở Việt Nam, chắc là cây đàn bầu, bởi đàn bầu gắn với dân ca từ rất lâu đời, như Lê Quý Đôn nói đàn bầu có từ thế kỷ 13, và người dân VN coi nó như một nhạc cụ nằm lòng, như một tiếng nói, một tiếng thở dài, nói lên tâm tư nỗi lòng của người dân.

Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng nghệ sĩ Thanh Tâm vẫn thường xuyên tham gia công tác giảng dạy và biểu diễn đàn bầu. Trên sân khấu, ta vẫn bắt gặp một nghệ sĩ Thanh Tâm chuyên chú thả hồn theo từng nốt nhạc, để tiếng đàn bầu dân tộc được mãi ngân vang./.

NSND Thanh Tâm. Ảnh do nhân vật cung cấp.
NSND Thanh Tâm. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Vị trí đặc biệt của đàn bầu trong nền âm nhạc truyền thống Việt Nam

Trong hệ thống các nhạc cụ Việt Nam, đàn bầu –  hay còn gọi là “độc huyền cầm”, là nhạc cụ thuần Việt nhất, độc đáo nhất của người Việt Nam. Để hiểu hơn về vị trí đặc biệt của đàn bầu trong nền âm nhạc truyền thống, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền.

Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền. Nguồn: Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền. Nguồn: Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

PV: Xin ông giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của đàn bầu.

Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền: “Về lịch sử của cây đàn bầu, ta thấy xuất hiện đầu tiên là ở hát xẩm. Có lẽ đó là cây đàn gắn bó rất mật thiết với nghệ thuật xẩm, cũng chính vì thế còn có tên gọi là đàn xẩm. Còn theo truyền thuyết của tổ nghề xẩm thì cây đàn bầu là do hoàng tử Thiện và hoàng tử Ác con vua Trần sáng tạo ra, đã có từ đời Trần. Sau này đàn bầu bắt đầu xuất hiện trong những thể loại khác, điển hình nhất là nhạc thính phòng Huế. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 khi nhạc tài tử cải lương ra đời thì cây đàn bầu đã có mặt trong dàn nhạc của nhạc tài tử Nam Bộ và sau này là cải lương. Thậm chí người ta đã ưa chuộng nó đến mức đặt cho nó một cái tên mới là Độc Huyền Cầm – cây đàn chỉ có một dây. Nó trở thành một trong những biểu mục biên chế mẫu mực của nhạc tài tử cải lương Nam Bộ, thường gọi là “kìm, cò, tranh, độc” (Kìm là đàn Nguyệt, cò là đàn nhị, tranh là đàn tranh, độc là đàn bầu).”

PV: Theo ông, điều gì đã khiến đàn bầu trở thành nhạc cụ dân tộc tiêu biểu nhất?

Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền: “Đàn bầu được coi là độc đáo, trước hết là vì nó chỉ có một dây. Bản thân cái tên Độc Huyền Cầm đã nói lên điều đó. Hay cái tên đàn bầu là bởi bầu cộng hưởng của nó là một quả bầu. Nói chung trên thế giới cũng có nhiều nước có đàn một dây, nhưng cái độc đáo nhất của đàn bầu là việc gảy những bồi âm trên một sợi dây đó. Tiếng bồi âm rất đẹp, là “thang âm của trời”, thang âm tự nhiên. Đàn bầu chơi được thang âm đó, đấy chính là cái độc đáo của đàn bầu.”

PV: Một vài năm trở lại đây xuất hiện những ý kiến trái chiều về nguồn gốc của đàn bầu, đặc biệt từ phía Trung Quốc. Ông đánh giá như thế nào về những ý kiến này?

Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền: “Sự ra đời của một loại âm nhạc gắn bó với những nhạc cụ xung quanh nó, thì ngược lại từ góc nhìn của đàn bầu, chúng ta thấy đàn bầu Việt Nam đã nằm chắc chắn trong vị trí các thể loại âm nhạc cổ truyền có từ lâu đời, trước tiên là xẩm, sau này thế kỷ 18-19 xuất hiện trong âm nhạc thính phòng Huế; cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 trong nhạc tài tử cải lương nam bộ. Nó nằm trong một thể loại âm nhạc rất cụ thể, có tên trong biên chế dàn nhạc. Hiện nay người Trung Quốc bắt chước cây đần bầu điện đó của Việt Nam, chơi những bài mới của Trung Quốc, sáng tác theo kiểu mới. Họ không có nhạc cổ truyền, mà sự cổ xưa của âm nhạc phải được đánh giá qua nền âm nhạc cổ truyền. Trong nền âm nhạc cổ truyền Trung Quốc không hề có đàn bầu. Các nhà khoa học của chúng ta đủ các chứng lý để chứng minh với quốc tế rằng đàn bầu thuần Việt như thế nào.”

PV: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn của TTXVN!

Nguồn: Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Nguồn: Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam.