Tuần qua, cả bốn “ông lớn” công nghệ (Big Tech) đã phải trải qua các phiên điều trần “căng như dây đàn” trước các nhà lập pháp Mỹ. Và nghị sỹ lưỡng đảng Mỹ thống nhất rằng đã đến lúc phải có những biện pháp kiểm soát quyền lực quá lớn của các đại gia công nghệ.
Hai năm trước, Facebook đã thay đổi tuyên bố sứ mệnh của mình để tập trung vào việc “đưa thế giới xích lại gần nhau hơn.” Và vào thứ Ba 16/7, hãng này xuất hiện trước Quốc hội Mỹ để hoàn thành mục tiêu cao cả đó cho thế giới chính trị, khi đưa các nhà lập pháp đảng Cộng hòa và Dân chủ đến điểm thống nhất nghi ngờ gã khổng lồ truyền thông xã hội.
“Facebook rất nguy hiểm,” Thượng nghị sỹ bang Ohio, Sherrod Brown, thành viên đảng Dân chủ và ủy viên Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, nói trong phát biểu mở đầu phiên điều trần về dự án tiền kỹ thuật số mới của Facebook, được gọi là Libra.
“Giống như một đứa trẻ mới biết đi đã nhận được một cuốn sách về các trận đấu, Facebook đã đốt cháy ngôi nhà hết lần này đến lần khác và gọi mỗi lần đó là một kinh nghiệm học tập.” – ông Brown nói.
Thượng nghị sỹ Martha McSally, một nghị sỹ Cộng hòa Arizona, đã đưa ra một lưu ý mạnh mẽ tương tự sau phiên điều trần. “Tôi không tin tưởng các vị,” bà McSally nói. “Thay vì dọn dẹp nhà cửa, giờ các vị lại đang tung ra một mô hình kinh doanh khác.”
Big Tech đang phải tính toán đối phó với những điều mà ngành công nghiệp đầy quyền lực này chưa từng thấy.
Facebook không đơn độc, Google và Amazon cũng bị “hun nóng” ở Washington trong suốt cả ngày thứ Ba.
Từng được xem là những biểu tượng đổi mới của nước Mỹ, các đại gia công nghệ đang phải đối mặt với những thách thức to lớn và bị các nhà lập pháp, ứng cử viên Tổng thống Mỹ, một số chuyên gia trong ngành công nghệ và thậm chí cả Tổng thống Donald Trump kêu gọi điều tra và tăng cường giám sát quyền lực to lớn của họ.

Big Tech đang phải tính toán đối phó với những điều mà ngành công nghiệp đầy quyền lực này chưa từng thấy. Hành vi chống độc quyền, can thiệp bầu cử, tự do ngôn luận, ngôn từ kích động thù địch và một số vấn đề quan trọng khác đang xuất hiện cùng một lúc, và điều này gây khó khăn, rắc rối cho ngành công nghiệp thịnh vượng nhất của Mỹ.
Chúng ta cần điểm lại những gì đang xảy ra với các tên tuổi lớn nhất trong ngành công nghệ và xem xét các vấn đề mà họ sẽ sớm phải đối mặt.
Amazon
Amazon là một trong những nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, nhưng đế chế của CEO Jeff Bezos đang phải hứng chịu những lời kêu gọi đòi hãng này tăng nộp thuế doanh nghiệp và trong trường hợp cực đoan nhất, là một cuộc chia tách toàn diện.
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Bernie Sanders đã liên tục kêu gọi tỷ phú Bezos cải thiện điều kiện làm việc cho nhân viên tại các trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Amazon. Gần đây nhất vào ngày 16/7, ông Sanders cùng với bà Ilhan Omar, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa, bang Minnesota đã dẫn đầu một nhóm 13 nghị sỹ Quốc hội Mỹ đề nghị Bộ Lao động Mỹ điều tra tất cả các kho hàng của Amazon ở Mỹ để làm rõ những khiếu nại về điều kiện làm việc, vi phạm lao động, thương tích và ngược đãi.
Ông Sanders cũng đã công kích Amazon không phải trả bất kỳ khoản thuế thu nhập liên bang nào trong năm thứ hai liên tiếp.

Trong khi đó, một ứng cử viên Tổng thống Mỹ khác là bà Elizabeth Warren đã đưa ra kế hoạch chia tách các đại gia công nghệ bao gồm cả Amazon bắt đầu với việc định rõ công ty này là một nền tảng tiện ích và hạn chế bán các sản phẩm Amazon Basics (những mặt hàng tiêu dùng thông dụng do Amazon tự sản xuất) trên trang Amazon.com. Hơn thế nữa, bà Warren còn tìm cách đảo ngược thương vụ Amazon mua lại chuỗi cửa hàng tạp hóa hữu cơ Whole Food và công ty bán giày trực tuyến Zappos.
Đế chế của CEO Jeff Bezos đang phải hứng chịu những lời kêu gọi đòi hãng này tăng nộp thuế doanh nghiệp và trong trường hợp cực đoan nhất, là một cuộc chia tách toàn diện.
Sau đó, có các báo cáo rằng Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đang xem xét các hoạt động kinh doanh của Amazon để xác định xem công ty có đang sử dụng các biện pháp chống cạnh tranh để vượt lên các nhà bán lẻ khác hay không.
Hiệp hội các nhà lãnh đạo ngành bán lẻ, một nhóm thương mại đại diện cho một số nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, đang ủng hộ những nỗ lực của FTC. Hiệp hội này đã gửi một lá thư cho FTC đề nghị xem xét các hoạt động chống cạnh tranh tiềm tàng của Amazon, cũng như Google.
Amazon cũng phải đối mặt với áp lực từ Tổng thống Donald Trump. Ông Trump đã tuyên bố thỏa thuận giữa gã khổng lồ trực tuyến với Dịch vụ Bưu chính Mỹ (U.S. Postal Service) làm tổn thương đến lợi nhuận của ngành bưu điện Mỹ.
Apple
Trong khi FTC đang xem xét các vấn đề chống độc quyền tiềm tàng tại Amazon, Bộ Tư pháp Mỹ lại đang để ý đến Apple. Lỗ hổng lớn nhất của nhà sản xuất iPhone dường như là thứ khiến cho các sản phẩm điện thoại thông minh của công ty này trở nên không thể thiếu ngay từ đầu: App Store.
Vấn đề ở đây chính là cách Apple duy trì quyền kiểm soát hoàn toàn trên thị trường ứng dụng của mình, cho đến những gì ứng dụng có thể và không thể xuất hiện trong đó.
Điều đó có thể sớm thay đổi trong thời gian tới. Vào tháng Năm, Tòa án Tối cao Mỹ đã cho phép tiến hành một vụ kiện, với cáo buộc mức phí chiết khấu 30% doanh thu mà Apple tính cho các nhà phát triển ứng dụng cho việc bán ứng dụng của họ thông qua App Store là hành vi chống cạnh tranh.

Spotify cũng đã đưa ra quan ngại về việc tính phí chiết khấu trên của Apple. Vào tháng 3, công ty dịch vụ phát nhạc trực tuyến đã gửi đơn khiếu nại Apple lên Liên minh châu Âu, tuyên bố chính sách App Store của gã khổng lồ công nghệ là không công bằng và chống cạnh tranh.
Cấu trúc phí chiết khấu của App Store cho phép Apple tính phí các nhà phát triển 30% giá bán ứng dụng. Nếu ứng dụng là dịch vụ đăng ký, Apple sẽ tính phí 30% cho năm đầu tiên, sau đó 15% cho mỗi năm tiếp theo.
Vấn đề ở đây chính là cách Apple duy trì quyền kiểm soát hoàn toàn trên thị trường ứng dụng của mình, cho đến những gì ứng dụng có thể và không thể xuất hiện trong đó.
Apple đã phản ứng với những chỉ trích về cấu trúc phí App Store của mình bằng cách nói rằng nếu không có cửa hàng này, các công ty như Spotify sẽ không bao giờ đạt được mức độ thành công mà họ thấy bây giờ. Hơn nữa, công ty nói rằng 84% ứng dụng là miễn phí và nhiều nhà phát triển không phải trả bất kỳ khoản phí nào cho Apple.
Tuy nhiên, Thượng nghị sỹ Warren không chấp nhận những lý lẽ đó. Bà Warren nói với trang tin The Verge rằng bà cũng sẽ thúc đẩy Apple ngừng bán các ứng dụng của riêng mình trong App Store. Nếu một động thái như vậy được thực hiện, đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào mảng kinh doanh dịch vụ của Apple với các ứng dụng như Apple Music và Apple TV+, đang được xác định là những mũi nhọn thúc đẩy lợi nhuận trong bối cảnh doanh số điện thoại thông minh toàn cầu bị chậm lại.
Các vấn đề của Facebook là một trong những vấn đề nổi bật nhất trong thế giới công nghệ thời gian qua. Công ty truyền thông xã hội lớn nhất thế giới không chỉ bị kiểm tra về các hoạt động kinh doanh chống cạnh tranh tiềm tàng mà còn phải đối mặt với sự xem xét, điều tra về cách họ xử lý các phát ngôn thù hận, tự do ngôn luận và can thiệp bầu cử.
Đồng sáng lập của Facebook, Chris Hughes, đã viết một bài đăng trên tờ Thời báo New York, trong đó ông kêu gọi chia tách Facebook. Ông Hughes nói rằng Facebook đang có quá nhiều quyền lực đối với người tiêu dùng. Thậm chí, ông Hughes còn gọi quyền lực của CEO Mark Zuckerberg là lớn chưa từng có và ông này không phải là người Mỹ.
Danh tiếng của Facebook đã không thể phục hồi được sau hàng loạt vụ bê bối tự gây ra trong năm 2017, bắt đầu từ vụ bê bối xung quanh công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica lạm dụng dữ liệu người dùng Facebook để hỗ trợ cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Trump mà không cần sự đồng ý của người dùng.

Facebook cũng đã bị chỉ trích vì phản ứng chậm chạp đối với cái gọi là chiến dịch can thiệp bầu cử năm 2016. Ông Zuckerberg ban đầu bác bỏ ý kiến cho rằng chiến dịch can thiệp từ bên ngoài này có thể đã tác động đến cuộc bầu cử, song sau đó phải thừa nhận rằng công ty cần phải làm nhiều hơn để bảo vệ sự toàn vẹn của cuộc bầu cử.
Đầu năm nay, Facebook phải đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề khi một vụ nổ súng ở thành phố Christchurch, New Zealand được phát trực tiếp trên trang này. Theo Facebook, video cho thấy cảnh quay ở góc nhìn người thứ nhất, ban đầu được xem 200 lần. Nhưng video vẫn còn tồn tại trong vài phút sau khi kết thúc và Facebook chỉ chịu gỡ nhữ video này sau khi bị chính giới và cảnh sát New Zealand gây sức ép.
Các vấn đề của Facebook là một trong những vấn đề nổi bật nhất trong thế giới công nghệ thời gian qua.
Gần đây, mạng xã hội này đã phải trả lời các câu hỏi về lý do tại sao lại cho phép một video chỉnh sửa bằng công nghệ giả mạo deepfake về sức khỏe Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi lan truyền trực tuyến. Zuckerberg thừa nhận rằng công ty của ông quá chậm chạp trong việc dán nhãn cho đoạn video này, nhưng tuyên bố sẽ không gỡ nó xuống.
Zuckerberg đã nói rằng ông không muốn Facebook đóng vai trò là người điều hành tự do ngôn luận và kêu gọi chính phủ can thiệp. Cũng như Amazon, FTC đang xem xét các hoạt động của Facebook để xác định xem có cần điều tra công ty này về hành vi chống cạnh tranh hay không. Tuy nhiên, tới nay FTC vẫn chưa tiết lộ chính xác những gì cơ quan này đang xem bên trong Facebook.
Google là một trong những công ty mạnh nhất hành tinh. Đây là nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm Internet lớn nhất thế giới, một trong những công ty bán quảng cáo kỹ thuật số lớn nhất và trang web được truy cập nhiều nhất. Nhưng điều đó cũng mang lại nhiều sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý.
Bà Elizabeth Warren đã liệt bộ tứ Google, Facebook, Apple và Amazon như những công ty cần phải được chia nhỏ thông qua các biện pháp chống độc quyền. Cụ thể, bà Warren cho rằng mảng công cụ tìm kiếm và kinh doanh quảng cáo của Google nên được tách ra.

Bà cũng tuyên bố rằng Google nên bị buộc phải đảo ngược việc sáp nhập với Waze, Nest và DoubleClick. Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang xem xét Google về bất kỳ vấn đề chống độc quyền tiềm tàng.
Bà Warren cho rằng mảng công cụ tìm kiếm và kinh doanh quảng cáo của Google nên được tách ra.
Google đã bị Liên minh châu Âu phạt ba lần vì các hoạt động kinh doanh chống cạnh tranh. Khoản tiền phạt gần đây nhất lên đến 1,69 tỷ USD và được đưa ra sau khi EU kết luận điều tra cho thấy Google đã có hành vi ngăn cản người dùng nền tảng AdSense của hãng này chạy quảng cáo cho các công cụ tìm kiếm cạnh tranh. Google đang kháng cáo lại mức phạt.
Giống như Amazon, Google cũng bị Tổng thống Trump chỉ trích. Ông Trump từng tuyên bố Google cố tình quảng bá nội dung gây ảnh hưởng xấu đến uy tin của ông.
California mạnh tay “dọn dẹp” Thung lũng Silicon
California tự hào là nơi sinh ra nhiều công ty thống trị thị trường công nghệ toàn cầu ngày nay, và bây giờ bang ven biển phía Tây nước Mỹ đang có những động thái chấn chỉnh các đại gia công nghệ. Dự kiến, vào ngày 1/1/2020, bang này sẽ ban hành một trong những luật bảo mật người tiêu dùng nghiêm ngặt nhất trên thế giới.
Lấy cảm hứng từ Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU, Đạo luật bảo mật người dùng California sẽ buộc các công ty công nghệ thông báo cho người tiêu dùng khi dữ liệu của họ được thu thập, lý do tại sao thu thập, dữ liệu được sử dụng như thế nào và chia sẻ với ai.
Các công ty cũng sẽ phải tuân thủ khi người tiêu dùng yêu cầu xóa bất kỳ thông tin nào về họ. Hơn nữa, luật pháp sẽ buộc các trang web phải hiển thị thông báo dễ thấy, cho phép người dùng từ chối bán dữ liệu của họ.

Các công ty công nghệ đương nhiên không hài lòng với dự luật và hiện đang cố gắng vận động để chính quyền bang rút lại đạo luật trước khi nó có hiệu lực. Vẫn còn nhiều tranh cãi qua lại giữa các công ty công nghệ và những người ủng hộ quyền riêng tư trước khi thi hành luật. Tuy nhiên, khi nó có hiệu lực, đạo luật này sẽ ngay lập tức tạo ra một dây xích ràng buộc ngành công nghiệp công nghệ đang phát triển tự do kể từ khi Internet ra đời.
Đạo luật của California rất quan trọng vì cuối cùng nó có thể đóng vai trò là mô hình cho luật bảo mật dữ liệu người tiêu dùng quốc gia thống nhất ở Mỹ. Các nhà lập pháp ở Washington cũng đang nghiên cứu các biện pháp bảo mật dữ liệu tương tự. Một đề xuất từ Thượng nghị sỹ của đảng Dân chủ Ron Wyden kêu gọi các công ty nộp báo cáo toàn diện về chế độ bảo mật dữ liệu. Nếu các giám đốc điều hành không báo cáo trung thực, họ có thể phải đối mặt với án tù lên tới 20 năm.
Khi nó có hiệu lực, đạo luật này sẽ ngay lập tức tạo ra một dây xích ràng buộc ngành công nghiệp công nghệ đang phát triển tự do kể từ khi Internet ra đời.
Thượng nghị sỹ Cộng hòa Josh Hawley cũng đã thúc đẩy một đạo luật “Không theo dõi,” với đề xuất sẽ buộc các công ty tuân thủ các yêu cầu của người tiêu dùng để không thu thập dữ liệu.
Rõ ràng, sự thay đổi đang đến với Thung lũng Silicon và nó sẽ ảnh hưởng đến việc nhiều người dùng và cho phép chúng ta hy vọng vào việc tương tác với các trang web và dịch vụ tin cậy./.