Chuyến tàu ra Trường Sa

anhtruongs-1561774079-80.jpg

Bốn bông hoa ‘Vợ chiến sỹ Trường Sa’

Trên chuyến tàu chở hàng trăm thân nhân rời cảng Cam Ranh ra quần đảo Trường Sa vào một ngày Hè 2019, có bốn “bông hoa” nổi bật. Họ là những phụ nữ ở lứa tuổi khác nhau, quê quán, nghề nghiệp khác nhau nhưng có điểm chung là đều là vợ chiến sỹ Trường Sa Lớn. Chồng của họ là quân nhân chuyên nghiệp trên đảo. Và họ cùng chung ý tưởng về việc thành lập Câu lạc bộ Vợ chiến sỹ Trường Sa.

Chị Nguyễn Thị Dung, 33 tuổi, giáo viên, quê Thanh Hóa, nhưng sinh sống và lập nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh là người trẻ nhất nhóm. Chị Phạm Thị Minh, 47 tuổi, quê Nghệ An, đang phục vụ trong một đơn vị quân đội đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chị Nguyễn Thị Chi, 35 tuổi, thợ may, đang sinh sống tại tỉnh Ninh Thuận. Chị Phạm Thị Hồng Nga, 38 tuổi, là giáo viên, trú tại tỉnh Ninh Thuận.

Các chị lần đầu tiên gặp nhau tại khách sạn Trường Sa ở Cam Ranh vào một ngày Hè năm 2019. Nhưng trước đó, các chị đã liên hệ với nhau thông qua Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Giữa họ có một sợi dây ràng buộc, tuy mới tìm ra nhưng lại rất bền vững – chồng của họ là đồng đội trên một hòn đảo giữa trùng khơi, cùng chia ngọt sẻ bùi để hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn biên cương của Tổ quốc.

Đặt tên cho “con chung” của nhóm

Chị Nguyễn Thị Dung và người chồng bằng tuổi Nguyễn Văn Tịnh là cặp “thanh mai trúc mã.” Họ biết nhau từ bé và yêu nhau từ khi chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh. Anh chị cưới nhau được bốn năm nhưng chưa có con. Một phần lý do là người chồng đi biền biệt theo bổn phận của một quân nhân chuyên nghiệp.

Chị Dung thẹn thùng không nói nhưng chị Nguyễn Thị Chi nhanh nhảu tiết lộ: “Đợt này ra đảo thăm chồng là Dung hy vọng sẽ mang tin vui về với đất liền.”

Các chị Minh, Dung, Nga, Chi cùng chồng tại đảo Trường Sa Lớn. (Ảnh: TTXVN)
Các chị Minh, Dung, Nga, Chi cùng chồng tại đảo Trường Sa Lớn. (Ảnh: TTXVN)

Chị Phạm Thị Minh ra dáng một người chị cả. Chị “phân công”: “Tôi nghe nói rằng dịp tới đây có nhiều người vợ ra thăm chồng ở đảo Trường Sa Lớn và đơn vị của chồng tôi cũng là của chồng các em đây không đủ ‘phòng hạnh phúc.’ Tôi lớn tuổi rồi, không có ‘phòng hạnh phúc’ cũng không sao. Các em Chi, Nga cũng bảo sẵn sàng nhường phần của mình cho cô Dung. Cốt sao để ngôi nhà của vợ chồng cô em út của nhóm sớm có tiếng trẻ bi bô. Ông bà nội, ngoại sốt ruột lắm rồi.”

Chị Phạm Thị Hồng Nga cung cấp thêm thông tin: “Cả nhóm bàn bạc mãi và cuối cùng chọn được hai cái tên đẹp, vô cùng ý nghĩa đặt cho ‘con chung’ của nhóm. Nếu đứa trẻ là con trai thì đó sẽ là Nguyễn Trường Sa, còn là con gái thì là Nguyễn My Sa.”

Chung mục đích “hậu phương vững chắc”

Chị Minh là quân nhân, đã trải qua nhiều thử thách trong binh nghiệp cũng như trong cuộc sống. Anh chị có hai con đã lớn, biết san sẻ gánh nặng cuộc sống với mẹ, hiểu được nhiệm vụ thiêng liêng của bố ngoài hải đảo. Nhưng như chị tâm sự, có những phút giây chị phải dùng ý chí để tự động viên mình khi chứng kiến cảnh vợ chồng “người ta” tay trong tay vào ngày lễ, Tết.

Chị Dung còn trẻ, ngoại hình xinh xắn, dễ thương, con chưa có, nội ngoại thì xa. Chồng ở ngoài đảo, quanh năm làm bạn với sóng biển, còn người vợ sống một mình trong môi trường đô thị náo nhiệt. Bảo chị không có lúc nào cảm thấy cô đơn là nói không thật lòng.

Chị Chi cũng vài lần cảm thấy tủi thân khi đứa bé ốm, đứa lớn đang ở tuổi ương bướng, không “ăn” lời mẹ. Còn chị Nga có hoàn cảnh riêng khá đặc biệt: Mẹ mất, bố đang điều trị ung thư, quê chồng tận Hải Phòng, con nhỏ tuổi nên mọi việc trong nhà mình chị cáng đáng.

Chị Phạm Thị Hồng Nga và chồng trên đảo Trường Sa. (Ảnh: TTXVN)
Chị Phạm Thị Hồng Nga và chồng trên đảo Trường Sa. (Ảnh: TTXVN)

Nhưng như mọi người vợ bộ đội, người vợ chiến sỹ Trường Sa, các chị Minh, Dung, Nga, Chi đã vượt qua mọi khó khăn đời thường với ý nghĩ giản dị như là một chân lý – “hậu phương có vững thì tiền phương mới mạnh.” Chỉ khi người vợ chung thủy, đảm đang trong việc nhà thì người chồng mới yên tâm hoàn thành tốt việc quân, việc nước.

Cũng vì mục đích làm hậu phương bền vững mà ý tưởng Câu lạc bộ Vợ chiến sỹ Trường Sa ra đời. Các chị Minh, Dung, Nga, Chi thỏa thuận rằng sau chuyến đi Trường Sa sẽ tiếp tục liên hệ thường xuyên với nhau, động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Từ bốn thành viên nòng cốt, Câu lạc bộ sẽ mở rộng cánh cửa đối với hàng chục người vợ của các quân nhân chuyên nghiệp trên đảo Trường Sa Lớn.

San sẻ niềm vui

Chị Phạm Thị Hồng Nga hào hứng kể: “Những ngày trên đảo Trường Sa Lớn thực sự là ‘tuần trăng mật thứ hai’ của chị em tôi.” Người phụ nữ hai con như trở lại tuổi đôi mươi, nụ cười thường trực nở trên môi.

Một năm dồn lại mấy ngày. Bao tâm sự, tình cảm dồn nén được giải tỏa trong phút giây chồng gặp vợ, vợ gặp chồng. Nhưng các chị Minh, Dung, Nga, Chi lòng tự nhủ lòng không được vì niềm vui riêng mà quên bổn phận chung của những người vợ chiến sỹ Trường Sa.

Chị Phạm Thị Minh chia sẻ: “Trong hàng chục quân nhân chuyên nghiệp trên đảo thì chỉ bốn người có vợ ra thăm đợt này. Bốn chị em chúng tôi xác định mình không chỉ đại diện cho bốn gia đình ra thăm đảo mà còn là đại diện cho hàng chục gia đình khác nữa. Ra đảo, chúng tôi không đơn thuần là những người vợ, mà còn là chị gái, em gái hậu phương của đồng đội chồng.”

“Ra đảo, chúng tôi không đơn thuần là những người vợ, mà còn là chị gái, em gái hậu phương của đồng đội chồng.”

Trước khi ra đảo, các chị Minh, Dung, Nga, Chi đã liên hệ với những người vợ của các đồng nghiệp của chồng ở mọi địa phương trên cả nước. Chưa có dịp gặp nhau ngoài đời, nhưng những người vợ của các quân nhân chuyên nghiệp trên đảo Trường Sa Lớn đã tâm sự với nhau rất nhiều qua điện thoại, tin nhắn mạng xã hội Facebook. Họ chia sẻ với nhau về mọi niềm vui trong cuộc sống, về sự chuẩn bị cho chuyến thăm, về món quà chung từ đất liền gửi ra đảo xa.

Chị Chi đã nói lời chia tay phóng viên TTXVN như một “tôn chỉ” của Câu lạc bộ Vợ Chiến sỹ Trường Sa Lớn: “Những người chồng của chúng tôi là đồng đội của nhau thì chúng tôi cũng sẽ là đồng đội của nhau. Sẽ mãi là như thế, anh ạ”./.

Niềm vui đoàn tụ ở Trường Sa. (Ảnh: TTXVN)
Niềm vui đoàn tụ ở Trường Sa. (Ảnh: TTXVN)

Những người mẹ của chiến sỹ Trường Sa

Trên con tàu quân y 561 xuất phát từ cảng Cam Ranh vào một ngày Hè 2019, trong số hơn 100 thân nhân các chiến sỹ Trường Sa có 10 người là mẹ bộ đội. Đây là con số ấn tượng bởi do điều kiện đặc thù của hành trình ra quần đảo Trường Sa – thời gian dài, sóng, gió và nắng, không phù hợp với những người phụ nữ lớn tuổi.

Đơn giản là “Mẹ của chiến sỹ Trường Sa”

Bác Đặng Thị Xuê (quê huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) người nhỏ thỏ, tính cách nhút nhát, rụt rè như nhiều phụ nữ nông thôn Bắc Bộ. Già nửa cuộc đời bám mảnh ruộng, khoảnh vườn, chẳng mấy khi bác Xuê rời khỏi lũy tre làng. Nhưng bác có hai người con trai đều là sỹ quan hải quân, quanh năm lênh trên trên sóng nước hay đóng chốt ngoài đảo xa.

Sỹ quan Đặng Tiến Hải năm nay đã bước sang tuổi 27 nhưng vẫn đang độc thân. Suất thân nhân thăm đảo Song Tử Tây của anh được dành cho người mẹ. Thông thường, những người bố hay “xung phong” thay mặt gia đình ra Trường Sa thăm con. Dẫu gì, họ cũng là những người đàn ông dạn dày sương gió, trụ cột của cả nhà.

Nghe thông báo sắp tới đảo Song Tử Tây, bác Xuê bật dậy, xăng xái sắp xếp lại hành lý, nâng niu từng hộp quà mang theo từ đất liền. Cơn say sóng biến mất không dấu vết, bao mệt nhọc dường như chưa tồn tại. 

Bác Xuê tâm sự: “Ông nhà tôi cũng muốn đi lắm, lại ngại tôi không đủ sức khỏe. Còn cháu Hải nói là nên ‘ưu tiên’ cho mẹ. Tôi thì vốn bé nhỏ, hay say tàu say xe. Nhưng đi thăm con thì có người mẹ nào ngại khổ.” Và thế là suất ra đảo hiếm hoi được nhường cho người mẹ. Bác Xuê vui lắm, mong ngóng chuyến ra Trường Sa từng ngày, từng giờ. Trong suy nghĩ của bác, dù người con trai đã trưởng thành đến đâu thì vẫn bé bỏng, vẫn cần sự chăm chút của người mẹ.

Những ngày đầu con tàu cưỡi sóng ra khơi, bác Đặng Thị Xuê nằm bẹp trong cabin, không nuốt nổi lưng bát cơm. Nhưng khi nghe thông báo sắp tới đảo Song Tử Tây là bác bật dậy, xăng xái sắp xếp lại hành lý, nâng niu từng hộp quà mang theo từ đất liền. Cơn say sóng biến mất không dấu vết, bao mệt nhọc dường như chưa tồn tại.

Bác giải thích với phóng viên TTXVN vế sự “biến đổi” của mình một cách rất đơn giản. Đơn giản như một chân lý: “Vì bác là một người mẹ. Mẹ của chiến sỹ Trường Sa.”

Món quà quê của bà mẹ ở Thái Nguyên

Bác Nguyễn Thị Sắc (63 tuổi), quê ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, khác hẳn với bác Đặng Thị Xuê. Bác tham gia tích cực các hoạt động xã hội ở địa phương nên tính tình xông xáo, cởi mở, sức khỏe cũng hơn hẳn bác trai. Suất thăm con ở Trường Sa “đương nhiên” thuộc về người mẹ.

Không chút mệt mỏi trong suốt cuộc hành trình vượt biển, bác Sắc là người năng nổ nhất trong nhóm những người vợ, người mẹ, người bố ra thăm các chiến sỹ ở đảo Sơn Ca. Các thành viên của nhóm này, bên cạnh những người vợ, thì số lượng các bà mẹ cũng áp đảo số lượng các ông bố với tỷ lệ 5/3.

Bác Sắc và con trai trên đảo Sơn Ca. (Ảnh: Trần Quang Vinh/TTXVN)
Bác Sắc và con trai trên đảo Sơn Ca. (Ảnh: Trần Quang Vinh/TTXVN)

Bác Nguyễn Thị Sắc rất tự hào về người con trai út – Thượng úy Quân y Ngô Mạnh Vũ. Bác tâm sự: “Đêm trước khi rời tàu lên đảo tôi thao thức không ngủ được. Tôi muốn làm một bài thơ để tặng con. Nghĩ mãi, rồi tôi cũng chỉ đúc rút được mấy ý, đại để là con hãy hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình ở vùng biển đảo, không phải bận tâm đến mọi việc ở quê nhà.”

Trong số các món quà mà bác Sắc mang ra đảo Sơn Ca có mấy gốc chè quý Thái Nguyên. Bác bảo nếu giống chè Thái Nguyên hợp với thổ nhưỡng của đảo thì các chiến sỹ mấy năm sau sẽ có chè xanh để giải khát, vừa mát vừa tốt cho sức khỏe. Bác tự tay trồng chè vào mảnh vườn trước căn nhà của con trai. Thượng úy Ngô Mạnh Vũ có thể sẽ trở về đất liền trước khi mấy cây chè lớn lên, đây là món quà chung của người mẹ Thái Nguyên dành cho các chiến sỹ ở đảo Sơn Ca.

Niềm tự hào của bà mẹ ở Thành phố Hồ Chí Minh

Suốt một tuần liền trên con tàu 561, ngày nào chúng tôi cũng thấy người phụ nữ ấy ngồi trên boong tàu tầng hai, đăm đắm nhìn ra biển, dù sáng hay chiều. Người phụ nữ có khuôn mặt tròn phúc hậu và không hề biểu hiện bất kỳ sự mệt mỏi nào.

Đó là bác Nguyễn Thị Hồng (50 tuổi), trú ở phường 12, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Bác đi thăm con trai là Nguyễn Hồng Quân đang làm nhiệm vụ ở đảo Đá Lớn. Bác rất nôn nóng muốn được gặp con nhưng theo lịch trình thì bác thuộc nhóm cuối cùng rời tàu trong số các thân nhân ra thăm các chiến sỹ Trường Sa lần này.

Bác Hồng và con trai trên đảo Đá Lớn. (Ảnh: Trần Quang Vinh/TTXVN)
Bác Hồng và con trai trên đảo Đá Lớn. (Ảnh: Trần Quang Vinh/TTXVN)

Bác kể, cậu con trai cả từ bé đến lớn đều là niềm tự hào của gia đình. Cậu là con ngoan, trò giỏi hồi còn đi học, lớn lên làm ở Ủy ban Nhân dân phường, phấn đấu hăng say, tham gia nhiệt tình các phong trào thể thao, văn nghệ, trở thành đảng viên trẻ. Hồng Quân xung phong đi bộ đội và mơ ước trở thành chiến sỹ hải quân. Niềm vui trở thành hiện thực, Hồng Quân tình nguyện ra Trường Sa, muốn được bám trụ ở hòn đảo xa nhất, gian khổ nhất để cống hiến và cũng là để thử thách bản thân.

Bác Nguyễn Thị Hồng luôn ủng hộ các quyết định của con. Những lần hiếm hoi gọi điện về gia đình, Hồng Quân chỉ kể toàn chuyện vui, về quá trình rèn luyện của bản thân, về tình đồng đội, về tấm lòng của cả nước hướng về Trường Sa…

Nỗi lòng của người mẹ ở Đồng Nai

Trong số 10 thân nhân không đủ điều kiện sức khỏe để ra quần đảo Trường Sa có bác Đoàn Thụy Mai Phượng (cư trú tại tỉnh Đồng Nai), mẹ của chiến sỹ Nguyễn Đoàn Hoàng Khang ở đảo Sơn Ca.

Bác Phượng tâm sự: “Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho chuyến đi từ lâu rồi. Không chỉ gia đình tôi mà anh em, họ hàng, láng giềng đều háo hức, coi đây là niềm tự hào chung. Hai mẹ con nói chuyện rất nhiều về cuộc gặp gỡ trong tương lai ở đảo Sơn Ca. Cháu mong mẹ lắm, con út mà. Tôi cũng hứa với các thủ trưởng trên đảo là sẽ tích cực tham gia chương trình giao lưu văn nghệ, sẽ hát bài gì, đọc bài thơ nào. Vậy mà….”

Trước khi chia tay đoàn thân nhân để trở về Đồng Nai, bác Đoàn Thụy Mai Phượng tìm gặp phóng viên TTXVN. Bác nhờ phóng viên chuyển tới người con trai bức ảnh chụp ở khách sạn Trường Sa kèm lời nhắn: “Mẹ khỏe, chỉ hơi mệt chút thôi. Mẹ sẽ ra đảo thăm con vào dịp khác, con hãy yên tâm nhé!.”

Rồi bác tiết lộ kế hoạch của mình: “Mấy tháng nữa con trai cô hết thời hạn phục vụ ở đảo Sơn Ca. Không có cơ hội ra thăm con, nhưng cô có thể ra thăm các chiến sỹ ngoài đó với tư cách là hội viên hội cựu thanh niên xung phong hay thành viên tích cực của tổ chức mẹ chiến sỹ hải quân. Ra Trường Sa, dù chỉ một lần, là nguyện vọng cháy bỏng của cô. Cô nghĩ, người Việt Nam nào cũng vậy.”

Đại tá Đào Giang Hải, Chính ủy Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân), Trưởng đoàn công tác số 16, cho biết: “Làm công tác tư tưởng cho các thân nhân không đủ sức khỏe ra đảo là nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt là đối với những người mẹ chiến sỹ. Một số bác không chấp nhận được sự thật, yêu cầu bác sỹ khám lại nhiều lần. Chúng tôi phải giải thích cặn kẽ, động viên có tình có lý thì các bác mới hiểu ra vấn đề. Chúng tôi hiểu tâm tư các bác, các chị khi đã vượt xa có khi cả nghìn cây số để đến Cam Ranh rồi lại trở về với những dự định, kế hoạch dang dở. Nhưng công việc chung không được để tình cảm riêng làm ảnh hưởng”./.

Hai mẹ con trong giờ phút chia tay trên tàu 561. (Ảnh: Trần Quang Vinh/TTXVN)
Hai mẹ con trong giờ phút chia tay trên tàu 561. (Ảnh: Trần Quang Vinh/TTXVN)

Nhóm ông ngoại ở đảo Sinh Tồn

Trên chuyến tàu quân y 561 (thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) xuất phát từ cảng Cam Ranh ra Trường Sa vào một ngày Hè 2019, chúng tôi gặp một nhóm gồm 5 bác trai rất gắn bó với nhau trong suốt hành trình dài trên biển. Đó là “nhóm ông ngoại đảo Sinh Tồn” mà nhiều thành viên từng tham gia quân ngũ.

Sinh Tồn nặng về “đối ngoại”

Đó là cách nói vui của các chiến sỹ hải quân trên đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lý do là trong số 7 ông bố ra thăm con đang làm nhiệm vụ trên đảo thì có tới 5 người là bố vợ. Như vậy, số lượng ông ngoại chiếm tỷ lệ áp đảo so với các ông nội. Đây là điểm khác biệt thú vị của Sinh Tồn so với các đảo khác.

“Nhóm ông ngoại” thân thiết với nhau như anh em một nhà, gồm: bác Bùi Trung Thông, 63 tuổi, trú tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, thăm con rể là Lê Tuấn Anh; bác Đinh Tư Hòa, 56 tuổi, trú tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, thăm con rể là Trần Mạnh Tú; bác Nguyễn Thế Điền, 54 tuổi, trú tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, thăm con rể là Phạm Tiến Dũng; bác Nguyễn Duy Thắm, 61 tuổi, trú tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, thăm con rể là Hoàng Khắc Trọng; bác Nguyễn Văn Tính, 64 tuổi, trú tại quận Hải An, thành phố Hải Phòng, thăm con rể là Phạm Hữu Tú.

Các 'ông ngoại' trên chuyến tàu ra thăm đảo Sinh Tồn. (Ảnh: Trần Quang Vinh/TTXVN)
Các ‘ông ngoại’ trên chuyến tàu ra thăm đảo Sinh Tồn. (Ảnh: Trần Quang Vinh/TTXVN)

Thông thường, khi các chiến sỹ, sỹ quan có một suất đón thân nhân ra thăm thì họ vui mừng thông báo nhanh về nhà. Gia đình sẽ tổ chức một cuộc họp để “bình chọn” thành viên nào được ưu tiên ra đảo bởi đây được coi là niềm tự hào của dòng họ, niềm vui của cả láng giềng. Với những người lính đảo đã lập gia đình riêng thì đối tượng được ưu tiên nhất là người vợ, tiếp đó là “tứ thân phụ mẫu.” Tùy vào hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình mà người “lĩnh ấn” ra đảo có thể là người vợ, bố mẹ ruột hay bố mẹ vợ quân nhân.

Các “ông ngoại” trên đảo Sinh Tồn cho biết câu “rể là khách” hoàn toàn không chính xác đối với gia đình bộ đội nói chung và lính đảo nói riêng

Các “ông ngoại” trên đảo Sinh Tồn cho biết câu “rể là khách” hoàn toàn không chính xác đối với gia đình bộ đội nói chung và lính đảo nói riêng. Với người lính, đặc biệt là những người đang làm nhiệm vụ ở biên cương, nơi đầu sóng ngọn gió, quý trọng tình cảm, không bao giờ có tư tưởng phân biệt nội, ngoại. Thậm chí, theo lời của bác Nguyễn Ngọc Sơn (trú tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) – một trong hai “ông nội” ở đảo Sinh Tồn, thì sự quan tâm, săn sóc của các chàng rể hải quân đối với các “ông ngoại” chu đáo đến mức “đáng ghen tị.”

Trong cuộc sống thường nhật ở quê nhà, mỗi khi bố vợ, con rể gặp nhau thì không thể thiếu chén rượu, chai bia, điếu thuốc lào… châm mồi cho câu chuyện. Nhưng theo quân lệnh, các chất kích thích bị cấm triệt để trên các đảo, không có sự ngoại lệ nào. Tuy nhiên, như “ông ngoại” Đinh Tư Hòa cho biết dòng hàn huyên bố bố, con con giữa bác và chàng rể Trần Mạnh Tú chưa bao giờ vơi nhạt vì thiếu “chất cay.”

Nụ cười hạnh phúc trong ngày đoàn tụ ở Trường Sa. (Ảnh: Trần Quang Vinh/TTXVN)
Nụ cười hạnh phúc trong ngày đoàn tụ ở Trường Sa. (Ảnh: Trần Quang Vinh/TTXVN)

Cũng tương tự, bác Nguyễn Thế Điền tâm sự rằng 8 ngày tám đêm trôi đi quá nhanh, bố con còn nhiều chuyện muốn nói.

Theo lời kể của bác Nguyễn Duy Thắm, những ngày trên đảo Sinh Tồn bác không chỉ đơn thuần là nhạc phụ của chiến sỹ Hoàng Khắc Trong, mà còn được quan tâm như là người cha chung của các anh em trong đơn vị. Những bữa cơm tập thể ấm áp, những cuộc giao lưu xoay vần giữa các phân đội, các buổi lao động tăng gia, câu cá… giúp gắn kết chặt chẽ tình quân dân máu thịt, làm dịu đi những thiếu thốn trong cuộc sống giữa trùng khơi sóng nước để bảo vệ vững cột mốc chủ quyền của Việt Nam trên hòn đảo nhỏ.

Niềm tự hào về hai người con rể bộ đội

Bác Bùi Trung Thông (quê Tuyên Quang) vốn là bộ đội Trường Sơn dạn dày sương gió. Điều này thể hiện rất rõ qua tác phong sinh hoạt quy củ trên tàu, qua những bước đi chắc nịch ngay cả khi sóng đánh con tàu lớn lắc lư. Dáng người bác thấp nhỏ nhưng giọng nói vang vang, rành rọt.

Chúng tôi được biết bà con lối xóm nể trọng bác Thông vì tính tình cương trực và sự nhiệt tình trong công tác xã hội ở địa phương. Bác cũng không giấu niềm tự hào về việc vợ chồng bác có hai người con rể đang phục vụ trong quân đội. Người rể cả đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Người rể út chính là chiến sỹ Lê Tuấn Anh đang canh giữ biển trời ở đảo Sinh Tồn thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Cột mốc chủ quyền Việt Nam tại đảo Sinh Tồn. (Ảnh: Trần Quang Vinh/TTXVN)
Cột mốc chủ quyền Việt Nam tại đảo Sinh Tồn. (Ảnh: Trần Quang Vinh/TTXVN)

Theo lời kể của bác Thông, bác thương tất cả con gái, con rể. Song tình cảm của vợ chồng bác có chút phần nghiêng về con rể hải quân như một sự đền bù cho những vất vả, gian nan mà anh đang gánh vác nơi “sóng vỗ ngàn trùng.”

Chàng rể út trong con mắt người bố vợ mang đầy đủ phẩm chất tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ, của người lính đảo: can trường, kiên định, sống có trách nhiệm, hòa đồng, năng động… Kỷ luật quân đội, sự rèn giũa trong một tập thể gắn kết, môi trường sống có nhiều thử thách đã biến chàng thư sinh con một ở phố thị thành người đàn ông chững chạc, tháo vát.

Bác Thông thấu hiểu nỗi vất vả xa chồng suốt năm dài tháng rộng của cô con gái. Bác thường xuyên đến thăm cháu ngoại, giúp con cháu những công việc cần đến đôi bàn tay đàn ông, động viên con làm hậu phương vững vàng để người chồng chắc tay súng nơi đảo xa.

Tâm sự với phóng viên TTXVN, bác Bùi Trung Thông cho biết chuyến thăm đảo để lại ấn tượng sâu sắc đối với các thân nhân bộ đội hải quân. Dù đọc báo, xem tivi về Trường Sa nhiều đến đâu thì mọi người cũng không thể cảm nhận chính xác về cuộc sống của người lính đảo bằng một ngày chiêm nghiệm thực tế. Mỗi người trở về sau chuyến đi sẽ là một tuyên truyền viên tích cực về biển, đảo Việt Nam, về tinh thần quả cảm của cán bộ, chiến sỹ hải quân, về sự quan tâm của cả nước đối với Trường Sa./.

‘Thương nhớ sao vơi… Trường Sa ơi!’

Trên chuyến tàu quân y 561 thuộc Hải đội 411 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) nhắm hướng Trường Sa lướt tới vào những ngày Hè 2019, bên cạnh các thân nhân bộ đội, nhóm phóng viên, còn có Đội Văn nghệ xung kích Thái Nguyên. Nhạc sỹ Nguyễn Xuân Ngọc, tác giả bài hát “Tự hào người chiến sỹ Hải quân Việt Nam,” là một trong số 15 thành viên của Đội Văn nghệ.

Bài hát ra đời từ sự trùng hợp ý tưởng

Nhạc sỹ Nguyễn Xuân Ngọc, sinh năm 1984, quê Thái Nguyên nhưng hiện sống ở Hà Nội. Anh từng học lý luận sáng tác tại Học viện Âm nhạc quốc gia và đang làm việc tại trung tâm âm nhạc Music Land.

Khi con tàu lướt sóng trên biển, Xuân Ngọc thường lên boong, tì tay vào lan can, mắt nhìn xa xăm và thả hồn vào những nốt nhạc hào hùng của bài hát mới về Trường Sa đang dần định hình.

Còn trong các chương trình giao lưu văn nghệ giữa đoàn thân nhân với các chiến sỹ hải quân trên các đảo thì Xuân Ngọc thể hiện là một nghệ sỹ đa năng – lĩnh xướng, đơn ca, song ca, múa, điều chỉnh âm thanh, đạo diễn chương trình…

Tiết mục được dàn dựng công phu và để lại ấn tượng sâu đậm cho những người lính đảo là tốp ca bài “Tự hào người chiến sỹ Hải quân Việt Nam” do nhạc sỹ Xuân Ngọc sáng tác và tham gia biểu diễn. Bài hát được viết dưới thể loại hành khúc hào hùng với lời ca thấm đẫm tình yêu Tổ quốc, yêu biển đảo quê hương: “Chúng tôi là bộ đội hải quân Việt Nam, là người lính bộ đội Cụ Hồ vĩ đại. Trong chúng tôi mang một dòng máu Vua Hùng, dòng máu Việt Nam, từ trận đánh Bạch Đằng. Gian nan đâu bằng bộ đội Hải quân Việt Nam. Ngày ngày đè sóng, miệt mài canh giữ biển trời. Lúc bão dông, lúc biển lặng sóng êm đềm. Tổ quốc Việt Nam nguyện giữ nguyên chủ quyền…”

Nhạc sỹ Xuân Ngọc trong lần biểu diễn ở đảo Đá Lớn C. (Ảnh: Trần Quang Vinh/TTXVN)
Nhạc sỹ Xuân Ngọc trong lần biểu diễn ở đảo Đá Lớn C. (Ảnh: Trần Quang Vinh/TTXVN)

Bài hát ra đời năm 2016, là kết quả của sự trùng hợp ý tưởng giữa nhạc sỹ Xuân Ngọc và Đại tá Nguyễn Viết Thuận, Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Trong một lần gặp gỡ Đại tá Nguyễn Viết Thuận tặng Xuân Ngọc bài thơ “Tự hào người chiến sỹ Hải quân Việt Nam.” Đọc thơ, cảm nhận sâu sắc sự đồng cảm, những nốt nhạc vang lên hùng tráng. Xuân Ngọc lấy nguyên khổ đầu bài thơ làm lời bài hát và sáng tác thêm lời những khổ sau. Bài hát được hoàn thành chỉ trong một ngày.

Nhạc sỹ Xuân Ngọc tâm sự: “Từng được nghe bộ đội hát, được xem một nhóm nhạc chuyên nghiệp thể hiện, cũng đã tự hát bài của mình ở nhiều sự kiện. Song hát cho lính đảo nghe bài hát tâm huyết của mình về Trường Sa mang lại cảm xúc rất riêng. Có cái gì đó vừa gần gũi, vừa thiêng liêng, cảm nhận mình là chiến sỹ hải quân thực thụ. Không bao giờ tôi quên được những thời khắc quý báu này trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình.”

Lần đầu đặt chân đến những hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa, Xuân Ngọc có đôi chút ngỡ ngàng. Nhiều điều anh đã thấy qua ảnh, truyền hình, đã đọc qua sách báo. Nhiều điều anh lần đầu được chứng kiến và thấy không hoàn toàn trùng khớp với sự hình dung khi ở đất liền.

Điệu múa nón của Đội văn nghệ xung kích tỉnh Thái Nguyên tại Trường Sa. (Ảnh: Trần Quang Vinh/TTXVN)
Điệu múa nón của Đội văn nghệ xung kích tỉnh Thái Nguyên tại Trường Sa. (Ảnh: Trần Quang Vinh/TTXVN)

Nhạc sỹ Xuân Ngọc cho biết trước đây anh có khái niệm chưa thật đầy đủ về công việc của các chiến sỹ hải quân. Bởi thế, trong lời bài hát mới có câu “ngày ngày đè sóng.” Trên thực tế, phần đông các chiến sỹ hải quân đang ngày đêm canh giữ biển trời trên các đảo, họ chỉ một lần đã “đè sóng” ra khơi và sẽ một lần “đè sóng” để trở về đất liền trong suốt thời gian quân ngũ.

Chuyến đi biển 18 ngày và các cuộc gặp gỡ, giao lưu với các chiến sỹ hải quân trên các hòn đảo đem lại cho Xuân Ngọc nhiều cảm xúc và sự hiểu biết thực tế về Trường Sa, về sự hy sinh cao cả mà thầm lặng của người lính đảo, những người đang “gìn giữ biển trời quê hương, từng hạt cát, từng cành san hô, từng nhành cây bàng vuông, cây phong ba trên Trường Sa.”

Nhạc sỹ Xuân Ngọc khẳng định: “Cảm xúc trong bài hát mới của tôi về Trường Sa sẽ đầy đặn hơn, mang đậm hơi thở của cuộc sống hơn so với tác phẩm ra đời trước khi lần đầu ra đảo.”

Hát về Trường Sa giữa trái tim Trường Sa

Trong buổi giao lưu văn nghệ ở đảo Đá Nam, người trở thành “ngôi sao sáng” không phải là các nghệ sỹ mà là chiến sỹ Nguyễn Đức Quang. Anh vừa tròn 20 tuổi, quê ở xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Ngãi.

Đức Quang mới ra Đá Nam được mấy tháng, nước da sạm nắng gió, mang đậm dáng vẻ hồn nhiên của một chàng trai gốc gác nông thôn. Đá Nam là một trong những hòn đảo nhỏ nhất, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhất ở Trường Sa. Nhưng tinh thần lạc quan vẫn ngời sáng trong đôi mắt đen láy của chàng chiến sỹ trẻ.

Rời Đá Nam, trong ký ức của phóng viên vẫn vang mãi điệp khúc về Trường Sa được cất lên từ giữa trái tim Trường Sa: “Thương nhớ sao vơi người chiến sỹ Trường Sa ơi..”

Những người có mặt tại đảo Đá Nam chiều mưa hôm ấy hẳn đã nhiều lần nghe các ca sỹ tên tuổi thể hiện ca khúc nổi bật nhất của nhạc sỹ Huỳnh Phước Long. Thế nhưng, khi giọng ca mộc mạc của chiến sỹ Đức Quang cất lên thì mọi người lặng đi trong giây lát, rồi sau đó là những giọt nước mắt rưng rưng. Có vẻ như không ở đâu phù hợp hơn để nghe bài hát này như ở đảo Đá Nam. Có vẻ như tác giả Huỳnh Phước Long đã đặt chân đến đây, viết ra ca từ và những nốt nhạc lay động lòng người chính là về Đức Quang và những đồng đội của anh: “Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ. Bên đồng đội yêu thương vẫn có loài chim biển. Sóng vỗ ngàn trùng quanh đảo trúc san hô….”

Nguyễn Đức Quang tâm sự: “Em học xong lớp 12 là đi bộ đội và xung phong ra đảo. Hồi còn ở nhà em nhút nhát, không biết hát hò gì cả. Nhưng ra đảo thì em mạnh dạn hơn, tham gia văn nghệ trong các buổi sinh hoạt chung của đơn vị, của Đoàn thanh niên. Em thích hát bài “Gần lắm Trường Sa” vì phù hợp với tâm trạng của em, giai điệu lại da diết, tình cảm.”

Rời Đá Nam, trong ký ức của phóng viên TTXVN vẫn vang mãi điệp khúc về Trường Sa được cất lên từ giữa trái tim Trường Sa: “Thương nhớ sao vơi người chiến sỹ Trường Sa ơi. Không xa đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em”./.

Một tiết mục của chiên sỹ hải quân trong buổi giao lưu văn nghệ tại đảo Sinh Tồn Đông. (Ảnh: Trần Quang Vinh/TTXVN)
Một tiết mục của chiên sỹ hải quân trong buổi giao lưu văn nghệ tại đảo Sinh Tồn Đông. (Ảnh: Trần Quang Vinh/TTXVN)