Lời tòa soạn
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục, hay cứ 8 giờ trôi qua thì lại có ít nhất một đứa trẻ bị xâm hại tình dục.
Một người mẹ có con gái 5 tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh khi phát hiện những bất thường của con, biết được sự việc chị đã tố cáo kẻ xâm hại con mình.
Nước mắt lăn dài trên má, nỗi đau bóp chặt cổ họng, nghẹn trong tiếng nấc, tiếng kể của chị: “Chú dặn con không nói cho cô Giang, cô Hà, không nói cho ba mẹ biết. Mẹ ơi, chú làm con đau lắm…!”
Ám ảnh nhất là những dòng chữ cuối cùng của bé H.M. K., 13 tuổi, học lớp 5 ở Cà Mau trên tờ giấy ôly ngập tràn phẫn uất: “Tôi đã sấm (sắp) chết không còn ở trên trái đất này nữa, tôi chết nắm (nhắm) mắt không yên khi chuyện này không được giải quyết.”
K. – mới có 13 tuổi, là nạn nhân của vụ xâm hại tình dục gây chấn động dư luận cả nước. Em bị người hàng xóm đáng tuổi cha chú xâm hại nhiều lần và đã cùng gia đình tố cáo nhưng cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau vẫn không khởi tố vụ án. Uất ức, K. tìm đến cái chết như một phương cách tìm lại công bằng cho mình.
Cái chết của K. như một tiếng chuông thức tỉnh lương tri của xã hội về một tệ nạn nhức nhối hiện nay. Ngày càng nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục với diễn biến phức tạp cả về quy mô và cách thức thực hiện.
Xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn nạn ở Việt Nam, hậu quả mà các em phải gánh chịu có thể có những tổn thất về sức khỏe thể chất và tinh thần, làm giảm khả năng học tập, hòa nhập xã hội và thậm chí có thể hủy hoại các em, ảnh hưởng đến việc trở thành con người tốt, trở thành cha mẹ tốt trong tương lai.
Phóng viên VietnamPlus đã tiếp cận vấn đề này ở nhiều góc độ khác nhau, để ngăn chặn tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục cần phải huy động, chung tay tham gia của toàn xã hội, để không còn những chuyện tồi tệ như vậy xảy ra với các cô bé, cậu bé và những kẻ xấu bị trừng trị, trả lại lại công bằng cho những em bé bị xâm hại tình dục.
Những đứa trẻ bị đánh cắp tuổi thơ và khuyết tật tâm hồn khi trưởng thành
“Trẻ em như búp trên cành…
Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan…”
Khi được ai đó hỏi về tuổi thơ, đa số mọi người đều cảm thấy quãng thời gian đó thật đẹp, trong trẻo và là giai đoạn đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Tuy nhiên, cũng có những người, tuổi thơ là đoạn ký ức chua xót mà họ luôn muốn quên đi.
Dường như, có một số “búp non trên cành” ấy đang phải đối mặt với không ít chông gai, không ít những em bé đang bị đánh cắp mất tuổi thơ do bị lạm dụng tình dục, bị ấu dâm.
Những dòng tâm sự của người mẹ, người cha hay chính những đứa trẻ ấy trong cuộc thật day dứt, xót xa…
Những lời tâm sự nhói lòng
Chị T. 32 tuổi và đã có gia đình tâm sự, mỗi khi đọc tin về việc trẻ nhỏ bị ấu dâm, xâm hại tình dục, tim chị lại nhói đau.
Khi T. 12 tuổi, đi đâu cô cũng được mọi người khen xinh. Bố mẹ T. có một chú em kết nghĩa đặc biệt yêu quý cô. Cứ mỗi lần sang chơi, thế nào chú ấy cũng phải ôm hôn T. trước mặt bố mẹ cô.
Nhà T. ở là khu tập thể của ban quản lý trồng rừng. Trước cửa nhà là cả một vườn ươm cây rộng lớn, lũ trẻ con trong xóm hay chơi trốn tìm ở đó.
“Hè năm 1998, mình vẫn chơi trốn tìm với nhóm bạn. Đến lượt phiên mình chạy đi trốn. Mình núp vào bụi vườn ươm cây như mọi lần chơi thì tự nhiên có chú em kết nghĩa đó từ đâu nhảy vào núp cùng.”
Sự sợ hãi sau lần đụng chạm ấy đi theo T. suốt tuổi thơ, là bức tường ngăn cách cô với những bạn trai cùng trang lứa.
“Mình là đứa bé 12 tuổi và đang mải trốn bạn nên thấy chú bắt đầu ôm hôn mình như mọi khi, mình đã không phản ứng lại. Chỉ đến lúc chú bắt đầu thò tay vào vê đầu ngực mới nhú của mình thì thầm hỏi: “Đây là cái gì thế?” rồi tiếp tục lột quần lót và lật váy lên để úp mặt vào người mình thì lúc ấy mình mới thấy sợ, nhảy choàng ra khỏi chỗ trốn tìm. Thấy tiếng động, một bạn chạy ra ‘xì’ mình. Thế là mình thoát. Khi mình về nhà, thấy chú ngồi đấy nói chuyện với bố mình, và vẫn như mọi khi, nhảy ra ôm hôn mình trước mặt bố, mình lại thấy sợ. Sau đó mình đã kểlại sự việc với bố nhưng bố mình không quan tâm,” T nhớ lại.
Sự sợ hãi sau lần đụng chạm ấy đi theo T. suốt tuổi thơ, là bức tường ngăn cách cô với những bạn trai cùng trang lứa.
Nghe đứa bạn gái hạnh phúc thủ thỉ về lần đầu tiên cầm tay bạn trai, sự rung cảm thiêng liêng lần đầu tiên chúng nó ôm hôn, lần đụng chạm tay đầu tiên như thế nào, T. cảm thấy ghen tỵ vì cô không thể nào có được khoảnh khắc ấy.

“Mình luôn nhớ lần đầu tiên của mình với sự kinh tởm trào dâng. Mình chưa bị hiếp, nhưng đã bị ấu dâm, bị dâm ô. Mình lớn lên với sự khiếm khuyết ấy. Đến bây giờ, cứ vô tình xem bộ phim có cảnh ấu dâm là mình không bình tĩnh được. Cứ đọc tin về ấu dâm mình ngồi khóc, oán hận cào xé. Mình luôn muốn vạch tội kẻ ác thú. Nhưng lại câm nín vì có hay gì, có chữa được gì đâu, có ai bảo vệ mình đâu, bố mẹ mình còn kệ nữa là. Cứ như vậy, vật vã, dằn vặt, tự nuốt căm hờn đến bây giờ,” T. tâm sự.
Rồi gương mặt đó, hành vi đó đã đi theo và ám ảnh cô trong suốt nhiều năm dài. Những tổn thương thể xác không dai dẳng và đáng sợ bằng những di chứng tâm lý. “Và tôi đã là một đứa trẻ có một tuổi thơ bị đánh cắp như thế…” Đó là những lời tâm sự nhói lòng của T. – một nạn nhân bị xâm hại tình dục.
Sang chấn tâm lý có thể đi theo suốt đời
Có không ít đứa trẻ đã bị hoảng loạn trong một thời gian dài, thậm chí những đứa trẻ ấy, đến khi lớn lên vẫn bị ám ảnh…
Nạn nhân của hành vi ấu dâm (lạm dụng tình dục trẻ em) thường phải gánh chịu những hậu quả nặng nề trong thời gian dài, thậm chí suốt đời.
Tiến sỹ Dương Minh Tâm – Trưởng phòng Điều trị các rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Quấy rối tình dục thường gây ra các sang chấn tâm lý kinh khủng đối với trẻ em. Nỗi sợ hãi ấy có thể gây ám ảnh suốt cuộc đời một đứa trẻ. Một sang chấn rất kinh khủng ở nữ giới hay gặp đó là vấn đề lạm dụng tình dục, hoặc là nam giới cũng vậy. Những trẻ từng bị quấy rối, xâm hại tình dục thường rất dễ gặp phải các rối loạn stress sau sang chấn.”

Bác sỹ Tâm cho hay, tại bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị stress liên quan đến lạm dụng tình dục, liên quan đến ấu dâm…
Theo tiến sỹ Dương Minh Tâm, các sang chấn tâm lý thường gặp phải khi bản thân bị hành hạ hoặc bị xâm hại tình dục. Những hình ảnh đó được tiếp nhận đầy đủ trong đầu người bị lạm dụng hoặc người chứng kiến dẫn đến những trải nghiệm cảm xúc kinh sợ gắn sâu hết vào tâm trí người bị hại. Sau khi chuyện đó xảy ra, người bệnh hay xuất hiện các hồi ức, hình ảnh, cảm giác hay gặp lại, kể cả lúc bệnh nhân đang thức hay trong giấc mơ, những hình ảnh đó đều có thể xuất hiện trong đầu trở lại.
Bác sỹ Tâm phân tích: “Ngay sau khi trẻ bị quấy rối, xâm hại tình dục, trẻ luôn bị ám ảnh bởi những hình ảnh khủng khiếp. Những hình ảnh, trải nghiệm đó làm cho bệnh nhân sợ hãi, mất tập trung, người bệnh buồn phiền, xấu hổ, mất tự tin, họ thu mình, dẫn đến ức chế tư duy để phát triển. Tình trạng đó gần như cứ kéo dài suốt đời, âm thầm gây tổn hại đến sức khỏe, người bệnh luôn trong một tình trạng cảm thấy không lối thoát.”

Có rất nhiều bệnh nhân đến bệnh viện điều trị sau sang chấn bị quấy rối tình dục. Họ có rất nhiều triệu chứng và than phiền với bác sỹ. Tuy nhiên, không phải ca bệnh nào cũng điều trị thành công được, bởi có khá nhiều bệnh nhân không vượt qua được mặc cảm, họ không nói thật với bác sỹ về những cú sốc mà họ gặp phải.
“Có một nữ bệnh nhân 20 tuổi, tôi điều trị rất lâu khỏi, vì bệnh nhân không nói thực tình trạng của mình, những nguyên nhân do đâu. Trải qua quá trình rất lâu, thậm chí là cả năm trời, đến khi mối quan hệ thầy thuốc và bệnh nhân, khi họ đạt đủ niềm tin, đặt đủ sự trông cậy họ mới nói ra nguyên nhân sâu xa do khi còn nhỏ bị lạm dụng tình dục. Khi bệnh nhân nói ra được nguyên nhân đó, phác đồ điều trị của chúng tôi dễ dàng hơn, với tỷ lệ thành công cao. Nếu bệnh nhân không nói nguyên nhân thì 100% việc điều trị không thành công,” bác sỹ Tâm cho hay.
“Lạm dụng tình dục ở Việt Nam còn rất cao, đây vẫn còn là tảng băng trôi, dường như chúng ta vẫn chưa khai thác được.” (Tiến sỹ Dương Minh Tâm)
Qua nhiều năm điều trị cho các bệnh nhân ở đây, bác sỹ Tâm chia sẻ: “Lạm dụng tình dục ở Việt Nam còn rất cao, đây vẫn còn là tảng băng trôi, dường như chúng ta vẫn chưa khai thác được, chưa thống kê được chính xác. Chúng tôi gặp bệnh nhân bị lạm dụng tình dục rất nhiều, đặc biệt đa phần các trường hợp bị lạm dụng tình dục hay bị bởi người thân hơn như: anh trai em gái, chú bác, người lớn trong nhà, hàng xóm…”
Hậu quả là, những em bé đó sẽ bị sang chấn rất nhiều. Điều này tạo ra gánh nặng về xã hội vì kinh tế, gánh nặng cho người bệnh, chất lượng cuộc sống…
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, các rối loạn ám ảnh (OCD) là một trong 20 nguyên nhân hàng đầu gây khuyết tật liên quan đến bệnh tật cho con người.
OCD có tác động đáng kể đến chất lượng cuộc sống và có thể làm giảm đáng kể mức độ hoạt động người bệnh.
Trong khi đó, tỷ lệ ám ảnh sợ xã hội có xu hướng gia tăng với tỷ lệ tăng lên khoảng 14% trong độ tuổi vị thành niên. Ám ảnh xã hội ngày càng trở nên phổ biến hơn ở phụ nữ so với nam giới trong độ tuổi vị thành niên và trưởng thành.

Xâm hại tình dục trẻ em
Phần nổi của tảng băng trôi
Tại Việt Nam, Luật Trẻ em 2016 đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần rất lớn trong việc thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của trẻ em.
Luật Trẻ em của Việt Nam dành hẳn một chương riêng (Chương IV) về bảo vệ trẻ em, quy định các yêu cầu bảo vệ trẻ em; cấp độ bảo vệ trẻ em và trách nhiệm thực hiện; việc thành lập và hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự 2015 đã dành 5 điều luật về hành vi xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có quy định về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi. Mặc dù vậy, ở Việt Nam tình trạng xâm hại tình dục trẻ em chưa giảm nhiều về tính chất cũng như số lượng.

Theo báo cáo của Bộ Công an, gần đây một số loại tội phạm và vi phạm pháp luật có dấu hiệu phức tạp, trong đó có tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.
Ngày càng có nhiều vụ việc xâm hại trẻ đau lòng, nhức nhối xảy ra. Tại Trường Tiểu học bán trú La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn (Mường Khương, Lào Cai) có đến 23 em bị Đỗ Văn Nam, bảo vệ nhà trường dâm ô, khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Mới đây, tại xã Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, cháu Nguyễn Gia Đ., đứa con gái mới hơn 6 tuổi kể lại vụ việc bị xâm hại tình dục khi bố mẹ vắng nhà bởi người hàng xóm tên Tuấn. Chị gái của Đ., 8 tuổi cũng đã chứng kiến một phần hành vi xâm hại tình dục của Tuấn với em mình nhưng vì lời đe dọa của người hàng xóm và cả nỗi sợ bị bố mẹ đánh đòn nên phải 3 ngày sau, chuyện Đ. bị xâm hại mới được hé lộ.
Đa số các vụ xâm phạm tình dục đối với trẻ em lại từ những người thân thích với nạn nhân, báo động về sự suy đồi đạo đức trong xã hội.
Sự việc được trình báo với cơ quan chức năng địa phương. Quá trình điều tra được tiến hành, thêm một sự thật đau lòng khác bị phát giác khi đây không phải lần đầu tiên bé Đ. bị người hàng xóm này xâm hại.
Điều đáng quan tâm là đa số các vụ xâm phạm tình dục đối với trẻ em lại do những người thân thích với nạn nhân, báo động về sự suy đồi đạo đức như: bố dượng với con riêng của vợ; bác, chú, thậm chí có cả ông, bố đẻ và anh em ruột thịt.
Điển hình là vụ cha đẻ và ông nội hiếp dâm con và cháu nhiều năm liền khi cháu mới 10 tuổi mà mẹ của cháu biết nhưng không dám tố cáo ở Vĩnh Long. Gần đây nhất, trong những tháng đầu năm 2019 đã có hàng loạt vụ việc bố hiếp dâm con gái ruột tại Lào Cai, Bắc Giang, Gia Lai, Kon Tum… bị khởi tố.

Có lẽ, chưa bao giờ nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra trong thời gian gần đây được “vạch trần” đến vậy. Ngày càng nhiều vụ xâm hại tình dục nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2018 cả nước xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có tới 1.293 em bị xâm hại tình dục. Con số này cho thấy các vụ việc xâm hại trẻ em bị khởi tố chủ yếu là xâm hại tình dục. Chỉ riêng quý 1 năm 2019 đã phát hiện 253 vụ xâm hại tình dục trẻ em, khởi tố 234 vụ, 241 bị can, đang điều tra, xác minh 19 vụ, 19 đối tượng.
Đặc biệt, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chiếm hơn 80% tội phạm xâm hại trẻ em và những con số thống kê chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi,” còn nhiều nguy cơ, vụ việc tiềm ẩn.

Mặc dù tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục trong các trường hợp bị phát hiện, xử lý năm 2018 giảm 3,8% so với năm 2017, tính chất vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Nếu như trước đây, tình trạng xâm hại tình dục đối với trẻ em chủ yếu xảy ra ở vùng sâu vùng xa, những khu vực dân cư thưa thớt, hẻo lánh, trình độ dân trí thấp, thì hiện nay, ngày càng nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện ở các khu đô thị, thành phố lớn. Nạn nhân chủ yếu là các bé gái từ 9-16 tuổi, cá biệt có trường hợp nạn nhân mới chỉ 3, 4 tuổi. Gần đây còn có cả tình trạng xâm hại tình dục đối với trẻ em nam.
Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang có nguy cơ trở thành một vấn nạn xã hội khi thời gian gần đây số vụ việc bị phát hiện liên tục gia tăng, với hành vi gây án ngày càng táo tợn, nghiêm trọng.
Điều đáng nói, tại các môi trường tưởng chừng như an toàn nhất với trẻ như gia đình, nhà trường, những hành vi đồi bại vẫn ngang nhiên hiện diện.
Hàng loạt vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra chính tại học đường trong thời gian qua đã khiến dư luận căm phẫn như vụ Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Đinh Bằng My (Phú Thọ) bị bắt vì xâm hại tình dục các nam học sinh; vụ thầy giáo ở Bắc Giang dâm ô 13 nữ sinh; thầy giáo ở Lào Cai bị tố làm nữ sinh lớp 8 mang thai; thầy giáo ở Bình Thuận dâm ô với 8 học sinh tiểu học…
Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang có nguy cơ trở thành một vấn nạn xã hội khi thời gian gần đây số vụ việc bị phát hiện liên tục gia tăng, với hành vi gây án ngày càng táo tợn, nghiêm trọng.
Gần nhất, tại Thành phố Hồ Chí Minh, một bé gái 9 tuổi đang chơi trong công viên bị tên Lương Tuấn B. (28 tuổi) dụ dỗ rồi hiếp dâm ngay tại công viên. Cũng ngay trong ngày hôm đấy, tên này còn thực hiện hành vi dâm ô với một bé gái khác.
Ông Nguyễn Văn Bốn, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam nói về những vướng mắc về định nghĩa thế nào là xâm hại tình dục trẻ em trong quy định pháp luật.
Đáng báo động hơn cả, đối tượng gây án còn có cả những người có học thức, trình độ, vị trí, thậm chí là người thân quen, gây phẫn nộ trong dư luận.
Hồi đầu tháng 4, cựu Phó Viện trưởng Viện Kiển sát nhân dân thành phố Đà Nẵng đã có hành vi dâm ô bé gái ngay trong thang máy một chung cư tại quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.
Một vụ việc khác cũng gây rúng động dư luận, cháu Nguyễn Thị L. (sinh năm 2005) bị đối tượng Nguyễn Đức Q. (bố đẻ cháu L., một quân nhân quân đội) thực hiện hành vi hiếp dâm từ lúc cháu học lớp 4 đến lớp 8-thời điểm giáo viên chủ nhiệm phát hiện vụ việc.

Theo tổng hợp từ các ca can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục thông qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 năm 2017 và 2018, hơn 86% số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục có thủ phạm chính là những người thân quen.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong số các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em được tổng đài 111 can thiệp hỗ trợ, thủ phạm là người quen, hàng xóm chiếm 59,06%; giáo viên, nhân viên nhà trường là 6,03%; các đối tượng khác là 13,79%. Đặc biệt thủ phạm là người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ…) chiếm tới 21,12%.
Thừa nhận công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng vẫn còn những thách thức, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Đặc biệt, tính chất của các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng.
Chính vì tính chất các vụ việc ngày càng nghiêm trọng nên vấn đề xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp trở thành chủ đề “nóng” trên nghị trường Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát, Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đều phải giải trình trước Quốc hội về tình trạng xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp, nhưng việc xử lý các vụ việc lại còn lúng túng, chưa kịp thời, gây bức xúc trong dư luận.
‘Khoảng trống’ trong xử lý xâm hại tình dục trẻ em
Xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề đến thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí dẫn tới trẻ em bị tử vong hoặc trẻ em tự tử. Đáng lo ngại hơn cả, đối tượng xâm hại tình dục trẻ em đa phần là những người quen, họ hàng, hàng xóm. Hàng loạt các vụ việc hiếp dâm, dâm ô trẻ em đã bộc lộ nhiều khoảng trống trong pháp luật.
Tổng hợp báo cáo của 11 bộ, ngành về kết quả thực hiện công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em đã chỉ ra hàng loạt bất cập, vướng mắc trong công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua. Từ việc thiếu các văn bản hướng dẫn quy định của luật; khoảng trống pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em, thiếu quy trình tố tụng, giám định đặc biệt….
Khó định nghĩa dâm ô
Trong vụ án hiếp dâm bé gái 9 tuổi xảy ra hồi tháng 2 tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), ban đầu cơ quan điều tra huyện ra quyết định khởi tố tội dâm ô với bị can dù dấu hiệu tội hiếp dâm khá rõ ràng. Sau đó, nhờ dư luận vào cuộc, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, bắt tạm giam bị can. Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã bị kỷ luật do thái độ trách nhiệm trong xử lý.
Khi vụ việc xảy ra dự luận đã vô cùng bức xúc và đặt ra câu hỏi, tình trạng không xử đúng người đúng tội là do sợ bị oan sai, viện kiểm sát quá thận trọng hay còn yếu về nghiệp vụ? Chỉ một trường hợp mà đủ thấy tính chất phức tạp, sự lúng túng của các cơ quan điều tra trong công tác ngăn chặn nạn xâm hại tình dục trẻ em ở nước ta hiện nay.
Tổng hợp báo cáo của 11 bộ, ngành về kết quả thực hiện công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em đã chỉ ra hàng loạt bất cập, vướng mắc trong công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua.
Không thể phủ nhận các quy định về bảo vệ các em khỏi bị xâm phạm tình dục của Việt Nam tương đối đầy đủ. Nước ta tham gia Công ước quốc tế về Quyền của trẻ em rất sớm, Luật Chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật Hình sự đều có những quy định xử lý rất nghiêm khắc đối với người có hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Tòa án ở các địa phương cũng đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có cả những mức án chung thân, tử hình nhưng tình trạng này vẫn không giảm, thậm chí còn ngày càng nghiêm trọng.
Vướng mắc hiện nay trong quá trình thực thi luật là khó phân định giữa ranh giới có tội hay không có tội do định nghĩa hành vi phạm tội quá tổng quát khiến cơ quan điều tra đôi khi chưa xử đúng người, đúng tội gây bức xúc trong nhân dân.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật Việt Nam, mọi hành vi xâm hại tình dục trẻ em sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, quy định pháp luật vẫn còn một số “lỗ hổng,” thiếu quy định rõ ràng về hành vi dâm ô trẻ em, khiêu dâm trẻ em. Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định khung hình phạt đối với tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi” nhưng không đưa ra quy định cụ thể thế nào là hành vi dâm ô.
Tương tự, nội dung này cũng chưa được làm rõ trong Luật Trẻ em. Theo đó, tại khoản 8, Điều 4 Luật Trẻ em quy định: “Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.” Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều đối tượng phạm tội lợi dụng để “lách luật,” vì không phải mọi trường hợp phạm tội đều có những biểu hiện kể trên.
Theo mô tả của Bộ Luật hình sự, hành vi được quy định phạm tội có tính tổng quát cao, nếu thực hiện hành vi dâm ô với trẻ em mà không vì mục đích giao cấu thì có thể bị xử lý tội dâm ô trẻ em. Vậy thì hiểu như thế nào là hành vi dâm ô trẻ em?
Khái niệm dâm ô trẻ em chưa rõ ràng nên việc khởi tố nhiều vụ dâm ô trẻ em gặp khó khăn, kéo dài thời gian xử lý khiến dư luận phẫn nộ.
Thừa nhận tính tổng quát cao trong quy định về tội dâm ô trong Bộ Luật Hình sự bà Lê Thị Hòa, cán bộ Vụ Pháp luật hành chính (Bộ Tư pháp) đã dẫn tới những cách hiểu khác nhau trong quá trình tố tụng, bà Lê Thị Hòa cho biết: “Bộ Luật Hình sự nếu muốn quy định cụ thể khái niệm dâm ô sẽ rất khó vì nó không phù hợp với kỹ thuật lập pháp hình sự lâu nay chúng ta.”
“Tòa án cũng có văn bản giải thích rõ hành vi dâm ô như mô tả sự tương tác giữa các bộ phận trên cơ thể có tính chất kích thích tình dục để thỏa mãn mục đích tạo ra các cảm giác về tình dục của mình. Đây là những hành vi được tòa án giải thích cụ thể hơn để quá trình áp dụng luật pháp chính xác, không để bỏ lọt tội phạm,” bà Lê Thị Hòa cho biết thêm.
Khái niệm dâm ô trẻ em chưa rõ ràng nên việc khởi tố nhiều vụ dâm ô trẻ em gặp khó khăn, kéo dài thời gian xử lý khiến dư luận phẫn nộ. Điển hình như vụ án ông Nguyễn Khắc Thủy có hành vi dâm ô với 4 trẻ em tại khu chung cư Lakeside (phường Nguyễn An Ninh, thành phố Vũng Tàu) phải mất tới 2 năm tòa án mới có phán quyết cuối cùng. Gần đây nhất,ông Nguyễn Hữu Linh (nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng) ôm, hôn bé gái 8 tuổi ở thang máy tại thang máy chung cư Galaxy 9 (quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh) đã bị cơ quan công an khởi tố. Thế nhưng ông Linh cho rằng hành vi của bản thân chưa đủ yếu tố cấu thành tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” theo điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo bà Phạm Thị Thu Hiền, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, cần có sự điều chỉnh sửa đổi các điều khoản liên quan đến tội danh dâm ô với trẻ em; phải quy định cụ thể thế nào là hành vi dâm ô, hành vi tình dục khác…
“Bây giờ dâm ô thành ‘nựng,’ người hiểu luật người ta sẽ biết lách luật như thế nào và cuối cùng, việc đi tìm công lý rất khó khăn,” đại biểu Phạm Thị Thu Hiền nói.
Bà Lê Hồng Loan – Trưởng phòng Bảo Vệ Trẻ em, UNICEF Việt Nam nhận định hành lang pháp lý của Việt Nam chưa quy định đầy đủ về hành vi dâm ô. Chúng ta còn quy định quá “chặt.” Hiện nay, chỉ những hành vi xâm hại mang tính chất nghiêm trọng mới bị xử lý tội dâm ô, còn những hành vi như vỗ vào mông, ôm trẻ thì không được tính là dâm ô nên chưa bị xử lý. Do đó, dư luận bức xúc yêu cầu phải sửa đổi Bộ Luật hình sự để có chế tài thích đáng với tội danh này đồng thời phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Từ thực tế hàng loạt vụ việc xảy ra chưa được xử lý thỏa đáng, nhiều ý kiến cho rằng đối với hành vi có dấu hiệu phạm tội dâm ô đối với trẻ em quy định tại điều 146 Bộ luật Hình sự, cơ quan ban hành pháp luật cần phải cụ thể hóa khái niệm, phải giải thích rõ ràng, cụ thể hơn về thế nào là hành vi dâm ô trong các văn bản pháp luật hiện hành. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, luật sư, cũng như toàn xã hội có căn cứ để xác định hành vi, đấu tranh với loại tội phạm dâm ô đối với trẻ em.
Ông Bùi Văn Xuyền, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, cần phải miêu tả các hành vi xâm hại tình dục trẻ em bằng văn bản, trên thực tế, việc mô tả một số hành vi xâm hại tình dục trẻ em, hội đồng thẩm phán vẫn còn đang “…” để đấy.

Khoảng trống về nhận thức pháp luật
Bên cạnh những khoảng trống trong hệ thống các quy định pháp luật, một hạn chế đáng lưu ý là nhận thức pháp luật, nghiệp vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em. Sự thiếu nhạy cảm, thiếu chuyên nghiệp trong việc xử lý các vụ việc khiến thủ phạm nhởn nhơ, không bị xử lý thích đáng chính là nguyên nhân khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nhận định: “Việc áp dụng pháp luật có vấn đề. Mỗi cán bộ tiến hành tố tụng hãy đặt mình vào vị trí bố mẹ của đối tượng bị xâm hại thì chúng ta nghĩ gì.”
“Không thể nói không có chứng cứ nên phải phạt 200.000 đồng cho hành vi cưỡng hôn trong thang máy. Nói thế là vô cảm trước nỗi đau của người dân,” ông Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng, rõ ràng dư luận bức xúc trong một số vụ việc vừa qua là sự bức xúc đối với sự không nghiêm minh trong thực thi pháp luật.
“Không thể nói không có chứng cứ nên phải phạt 200.000 đồng cho hành vi cưỡng hôn trong thang máy. Nói thế là vô cảm trước nỗi đau của người dân.”(Ông Nguyễn Đình Quyền)
Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương liên tiếp xảy ra nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Có những vụ án nghiêm trọng như như hiếp, giết trẻ em, xâm hại nhiều lần dẫn đến mang thai, xâm hại trẻ em còn quá nhỏ… Thế nhưng, nhiều vụ việc xét xử chậm, kéo dài, không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Ông Khổng Ngọc Oanh, Đội trưởng, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) chỉ ra rằng, xâm hại tình dục trẻ em là một loại tội phạm rất nhạy cảm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và có những đặc trưng riêng, do đó lực lượng công an nói chung đặc biệt là lực lượng công an cấp cơ sở nói riêng nhận thức còn hạn chế về hậu quả tác hại lâu dài đối với nạn nhân. Họ chưa được trang bị kiến thức về pháp luật nên khó khăn, lúng túng trong công tác nhận diện tội phạm, đánh giá tội phạm và thu thập tài liệu, chứng cứ ban đầu.
“Lực lượng công an còn thiếu kỹ năng làm việc với nạn nhân, người tố giác tội phạm vì điều này đòi hỏi một phương pháp điều tra thân thiện khi làm việc với trẻ em, đảm bảo những gì tốt nhất cho nạn nhân bị xâm hại. Có thể họ làm rất đúng luật nhưng lại áp dụng một cách nguyên tắc, máy móc. Các điều tra viên cần có thêm kỹ năng làm việc, chia sẻ thông cảm với nỗi đau của nạn nhân mới không làm tái tổn thương đối với nạn nhân,” ông Khổng Ngọc Oanh nói.
Từ thực tế các vụ việc xâm hại xảy ra vừa qua cho thấy, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý vẫn gây bức xúc dư luận, các ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do có “khoảng trống” trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại tình dục dẫn đến việc áp dụng, xử lý khiên cưỡng, thiếu chính xác, mức xử phạt chưa nghiêm.
Là một tỉnh có số dân ít nhưng trung bình mỗi năm có khoảng 10 vụ xâm hại trẻ em, nhưng chỉ riêng 6 tháng đầu năm đã xảy ra gần 10 vụ, ông Phạm Trung Trực, Phó Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, nhiều vụ có tính chất phức tạp như bố, người thân hiếp dâm con, cháu trong thời gian dài, dẫn đến có thai và bỏ thai nhiều lần. Hầu hết các vụ xảy ra tại tỉnh đều được tập trung điều tra và đưa ra xét xử nghiêm minh.
“Tuy nhiên, công tác đấu tranh với tội phạm này còn nhiều khó khăn, trước hết là do phong tục tập quán, nhận thức của nạn nhân, người nhà nạn nhân không biết thế nào là xâm hại, dâm ô; hoặc do lo ngại ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của gia đình họ hàng nên không tố giác tội phạm. Khi phát hiện thì hậu quả xảy ra đã rất nặng nề,” ông Phạm Trung Trực cho hay.
Tội phạm thật thì như hình vành nón, còn tội phạm được đưa ra xét xử chỉ như chóp nón.” (Ông Nguyễn Văn Bốn)
Ông Nguyễn Văn Bốn, Trưởng phòng thực hành Công tố kiểm sát, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam từ thực tế tiến hành tố tụng các vụ việc xâm hại trẻ em đã chỉ ra rằng, hiện nay một số khái niệm theo quy định về hiếp dâm, cưỡng dâm, quan hệ tình dục, dâm ô với người độ tuổi 13 đến 16 tuổi chưa được giải thích rõ ràng nên trong thực tiễn có phần lúng túng.
“Chẳng hạn, như thế nào là quan hệ tình dục khác, thế nào là bộ phận nhạy cảm… để chưa có khái niệm cụ thể. Những hành vi như thế cần phải có sự hướng dẫn, giải thích chính thống của cơ quan có thẩm quyền như Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì người thực hiện mới có thể áp dụng,” ông Nguyễn Văn Bốn nói.
Ông Khổng Ngọc Oanh, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) nói về diễn biến các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian gần đây.
Ông Nguyễn Văn Bốn khẳng định: “Gần đây, các vụ việc liên quan đến đến xâm hại tình dục của em đã được giải quyết một cách hiệu quả hơn, nhưng tội phạm phạm tình dục trẻ em vẫn như mô hình hình chóp nón, tội phạm thật thì như hình vành nón, còn tội phạm được đưa ra xét xử chỉ như chóp nón.”
Báo cáo của Bộ Công an và của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng nêu rõ khó khăn khi xử lý tố giác, tin báo và giải quyết do nạn nhân và gia đình trình báo muộn nên dấu vết sinh học, dấu vết trên thân thể nạn nhân bị phân hủy hoặc không thu thập được; nhiều điều tra viên, kiểm sát viên thiếu kinh nghiệm làm việc với trẻ em nên tạo áp lực với các em…
Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, một “lỗ hổng” nữa là chưa có quy trình tố tụng đặc biệt để xử lý tố giác, tin báo và giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Các báo cáo của ngành tư pháp đều nêu tính chất đặc biệt của loại án này như nạn nhân là trẻ em nên khai báo không thống nhất; xảy ra ở chỗ vắng vẻ nên thường không có người làm chứng; hành vi dâm ô ít khi để lại dấu vết; nhiều trường hợp gia đình không hợp tác do sợ ảnh hưởng đến tương lai con cái; khó khăn trong giám định…
Quy định xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân không tố cáo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ trách nhiệm bảo vệ trẻ em khi trẻ em bị xâm hại vẫn chưa có. Đây là những “khoảng trống” trong luật pháp về bảo vệ trẻ em.
Bên cạnh lỗ hổng về mặt luật pháp, rào cản văn hóa cũng đang là một trong những yếu tố khiến xâm hại tình dục trẻ em chưa được nhìn nhận đúng mức.
Bên cạnh lỗ hổng về mặt luật pháp, rào cản văn hóa cũng đang là một trong những yếu tố khiến xâm hại tình dục trẻ em chưa được nhìn nhận đúng mức. Vẫn còn không ít nạn nhân vì ngại ngùng, xấu hổ mà không dám lên tiếng. Vẫn còn có gia đình dù phát hiện sự việc nhưng thay vì đưa ra ánh sáng lại đã bỏ qua vì sợ điều tiếng, sợ ảnh hưởng đến tương lai của con mình. Tâm lý này đã tạo điều kiện cho nhiều kẻ phạm tội thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật.
Thậm chí, có bậc phụ huynh còn quở trách con em mình nặng nề khiến vết thương tâm lý càng hằn sâu. Chưa kể, sự kỳ thị ác ý của những người chung quanh đối với trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục cũng là áp lực không nhỏ, khiến nhiều em, nhiều gia đình chọn cách im lặng thay vì lên tiếng…
Có một số trường hợp, khi bị hiếp dâm do xấu hổ nên nạn nhân không tố cáo ngay. Sau khoảng thời gian dài, nạn nhân mới làm đơn tố cáo nên thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra, xử lý vụ việc gặp nhiều khó khăn, phức tạp hơn.
Xử lý xâm hại tình dục trẻ em
Trách nhiệm không của riêng ai
Một vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra cần sự vào cuộc không chỉ của cơ quan điều tra, mà là trách nhiệm của rất nhiều các cơ quan, tổ chức xã hội và quan trọng hơn cả là gia đình, những người có trách nhiệm bảo vệ trẻ em đầu tiên. Có lẽ, sẽ không có một giải pháp riêng lẻ để phòng chống, ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em.
Hoàn thiện quy định pháp luật
Tòa án nhân dân Tối cao đang dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số điều của Bộ luật Hình sự về tội hiếp dâm, cưỡng dâm. Đặc biệt, dự thảo nghị quyết hướng dẫn chi tiết việc xác định hành vi giao cấu, dâm ô trẻ em.
Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số điều của Bộ luật Hình sự về tội hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Các tội hiếp dâm, cưỡng dâm hiện đang được quy định tại điều 141, 142, 143, 144, 145, 146 và 147 của Bộ luật Hình sự.
Với nghị quyết mà Tòa án nhân dân Tối cao đang dự thảo, hành vi hôn vào những bộ phận, vùng nhạy cảm như bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông… trên cơ thể người dưới 16 tuổi mà không nhằm mục đích giao cấu sẽ thuộc vào tội dâm ô.
Tòa án nhân dân Tối cao đang dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số điều của Bộ luật Hình sự về tội hiếp dâm, cưỡng dâm.
Trong dự thảo, Tòa án nhân dân Tối cao đã nêu rõ các trường hợp bị quy kết vào tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi quy định tại điều 146 Bộ luật Hình sự. Theo đó, dâm ô là một trong các hành vi nhằm thỏa mãm nhu cầu tình dục của người phạm tội, nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 16 tuổi.
Các hành vi dâm ô gồm: Sờ, bóp, hôn vào những bộ phận, vùng nhạy cảm như bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông… trên cơ thể người dưới 16 tuổi. Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi sờ, bóp, hôn vào những vùng nhạy cảm trên cơ thể người phạm tội hoặc người khác.
Tất cả những hướng dẫn thực hiện luật đều mới chỉ là dự thảo, vậy thì trong lúc chờ đợi, việc xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em sẽ được thực hiện như thế nào?
Từ thực tế thi hành pháp luật, bà Lê Thị Hòa án bộ Vụ Pháp luật hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết ngay cả khi chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn điều 146 Bộ luật Hình sự thì các cán bộ tiến hành tố tụng có trách nhiệm tiếp nhận, đánh giá hành vi khách quan cụ thể và dựa trên điều kiện hoàn cảnh nhất định để xử lý người phạm tội mà không cần thiết phải có văn bản “cầm tay chỉ việc” mới làm.

“Chúng ta phải có nhận thức chung trong tăng cường hiểu biết pháp luật, tăng cường tính khả thi, việc áp dụng pháp luật của người tiến hành tố tụng. Thế nhưng, trên thực tế, cán bộ áp dụng pháp luật chưa dựa nhiều vào hành vi khách quan, đánh giá một cách khách quan các hành vi để có thể xem xét xử lý tội danh dâm ô với trẻ em,” bà Lê Thị Hòa nhấn mạnh.
Mặc dù việc tương tác giữa các bộ phận không phải là bộ phận sinh dục nhưng với mục đích là tạo ra cảm hứng về tình dục thì đó hoàn toàn là hành vi dâm ô với trẻ em. Phải căn cứ vào mục đích của hành vi phạm tội, cũng như hoàn cảnh khách quan của hành vi phạm tội để đánh giá. Ví dụ bố mẹ có thể đụng chạm vào cơ thể đứa trẻ như đánh vào mông để giáo dục nhưng với người khác như người xa lạ, hàng xóm có tác động như vậy trong những hoàn cảnh nhất định có thể coi là hành vi dâm ô.
“Như vậy, cán bộ tiến hành tố tụng phải đánh giá toàn diện về cả tính chất, hành vi, mục đích của người vi phạm để có thể xem xét áp dụng các quy định xử lý cho phù hợp,” bà Lê Thị Hòa nói.
Sổ tay cho lực lượng cảnh sát
Để khắc phục việc bỏ lọt tội phạm xâm hại trẻ em, Bộ Công an đã phối hợp với ngành kiểm sát nhân dân đang tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện Sổ tay cho lực lượng cảnh sát về nhận thức và ứng phó với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và Sổ tay kiểm sát viên giải quyết vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
Trong các cuốn sổ tay này đã cung cấp nhiều kiến thức là tiền đề, chìa khóa để mở ra giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử được nhanh chóng và hiệu quả. Cẩm nang sổ tay điều tra quy định chặt chẽ chi tiết công tác ứng phó, quán triệt trách nhiệm của mỗi cán bộ công an; trang bị những kỹ năng và biện pháp phòng ngừa, tuyên truyền cho cán bộ công an, cộng đồng dân cư, nhà trường… hướng dẫn trẻ em ứng phó với các tình huống cụ thể; các thủ tục trình tự khi tiếp nhận tin báo, đảm bảo khởi tố nhanh chóng các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Ông Lê Việt Trung, điều tra viên Phòng Hình sự, Công an thành phố Hà Nội cho biết, ngoài các nội dung hướng dẫn trong cuốn sổ tay dành cho công an và kiểm sát viên, cần bổ sung cơ chế phối hợp giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân về khám nghiệm hiện trường, kiểm tra dấu vết thân thể nạn nhân và lời khai nạn nhân. Trong thực tế, có nhiều vụ việc điều tra chậm đã gây khó khăn cho việc khởi tố tội phạm.
“Chúng ta cần có quy chế phối hợp với các cơ quan giám định trong việc trả lời kết quả giám định. Trong quá trình làm, chúng tôi trưng cầu giám định để có kết quả và quyết định giữ hay không giữ đối tượng, vì để ra các quyết định tố tụng là rất quan trọng. Thế nhưng có những trường hợp nhanh thì cũng 7 đến 9 ngày, thậm chí cả tháng cơ quan giám định mới cho kết quả. Bởi vậy, việc lưu giữ đối tượng và áp dụng các biện pháp tố tụng rất khó khăn cho cơ quan điều tra và viện kiểm sát,” ông Lê Việt Trung nói.
Cần tránh làm tổn thương thêm các em và giữ bí mật đời tư của nạn nhân tại phiên tòa. Các cơ quan ngôn luận nên hạn chế đưa tin cụ thể về những vụ án xâm hại tình dục trẻ em, nhất là việc đưa ảnh, nêu tên các em trên báo chí.
Việc điều tra, xét xử tội phạm xâm hại trẻ em cần đảm bảo thực thi Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục, đặt biệt, tránh làm tổn thương thêm các em, giữ bí mật đời tư của nạn nhân tại phiên tòa.
Các chuyên gia về bảo vệ trẻ em nhấn mạnh, cơ quan điều tra khi điều tra vụ án về hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em cần có biện pháp bảo vệ bí mật cho các em; Tòa án tuyệt đối không được triệu tập các em là người bị hại đến phiên tòa dù đó là phiên tòa xử kín (trừ trường hợp không thể không triệu tập). Tất cả các vụ xâm hại tình dục trẻ em đều phải được xử kín; các cơ quan ngôn luận nên hạn chế đưa tin cụ thể về những vụ án xâm hại tình dục trẻ em, nhất là việc đưa ảnh, nêu tên các em trên báo chí.
Vai trò của xã hội
Bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo Vệ Trẻ em, UNICEF Việt Nam cho rằng, vấn đề dâm ô trẻ em đang rất cần được các ngành quan tâm giải quyết. Dâm ô trẻ em liên quan đến nhiều yếu tố trong đó có hành lang pháp lý, nhưng nó cũng có những vấn đề liên quan đến chuẩn mực xã hội.
“Theo nghiên cứu của chúng tôi, có rất nhiều những hành vi được xã hội chấp nhận như người lớn sờ vào chim của trẻ em trai như là cách nựng trẻ em hay ôm hôn trẻ em vẫn được giải trình là ‘nựng’ trẻ. Thậm chí, các bậc cha mẹ cũng không biết đấy là các hành vi xâm hại đối với trẻ và vẫn chấp nhận những hành vi này,” bà Lê Hồng Loan nói.
Bên cạnh tăng cường hành lang pháp lý và các chế tài để xử phạt thì cần phải thay đổi cả chuẩn mực xã hội, thái độ của xã hội, kiến thức của chính cha mẹ, người chăm sóc và để cha mẹ được biết đấy là quyền của trẻ em khi trẻ cảm thấy không thoải mái, các em dám nói, dám biết đấy là hành vi các em có quyền được tố cáo.
Vai trò của gia đình là một trong những nguyên nhân làm cho nạn xâm phạm tình dục đối với trẻ em phát triển. Các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em thường xảy ra ở các gia đình có bố mẹ lo tập trung làm ăn kinh tế, ít có sự quan tâm đến những biểu hiện không bình thường của con cái; nhiều vụ việc diễn ra trong một thời gian dài gia đình cũng không hay biết, chỉ đến khi con gái mang thai, cha mẹ mới hoảng hốt đưa con đến cơ sở y tế thì đã quá muộn.
Các đoàn thể, nhà trường và gia đình cần giáo dục cho các em hiểu biết về quyền được bảo vệ của mình; phát động tố cáo, lên án mạnh mẽ những hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em, đồng thời có biện pháp bảo vệ các em một cách hữu hiệu.
Không ít người đang cố tình đánh tráo khái niệm giữa hành vi xâm hại tình dục trẻ em với trêu ghẹo, đùa vui, bày tỏ sự quý mến để lạm dụng xâm hại tình dục trẻ em.
Một giải pháp đặt ra là cần đẩy mạnh việc tuyên truyền trong cộng đồng để thay đổi các hành vi ứng xử và chuẩn mực văn hóa, trong đó cần coi các biểu hiện như: vỗ mông hay đặt tay vào bộ phận nhạy cảm… của trẻ em cũng là hành vi dâm ô. Không ít người đang cố tình đánh tráo khái niệm giữa hành vi xâm hại tình dục trẻ em với trêu ghẹo, đùa vui, bày tỏ sự quý mến để lạm dụng xâm hại tình dục trẻ em.
Hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ em
Xâm hại tình dục trẻ em không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, vô đạo đức mà còn gây ra nỗi đau về mặt thể chất cùng những tổn thương nghiêm trọng, lâu dài về cả thể xác và tinh thần cho nạn nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự trong lành và phát triển bền vững của xã hội. Do đó, cần có một hệ thống bảo vệ trẻ em với sự tham gia của toàn xã hội.

Việc phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp kịp thời để giảm thiểu hoặc loại bỏ các nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục là việc phải được đặt ra như một giải pháp cấp bách trước khi để xảy ra những vụ án đau lòng. Mỗi vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra đều cần sự can thiệp, hỗ trợ của rất nhiều các cơ quan, bộ ngành, tổ chức.
Bà Lê Hồng Loan chia sẻ, theo kinh nghiệm các quốc gia và của UNICEF, không có giải pháp thần kỳ nào duy nhất có thể giải quyết các vấn đề về xâm hại trẻ em, chúng ta phải đồng bộ từ tăng cường hành lang pháp lý, tăng cường xử lý, hình phạt, dịch vụ can thiệp hỗ trợ, nâng cao kỹ năng bảo vệ trẻ em. Giải quyết nhiều vấn đề từ nguồn nhân lực, tài chính mới có thể ngăn chặn được xâm hại trẻ em.
Theo bà Lê Hồng Loan, hiện nay, việc cấp bách cần phải làm trước là quy trình tiếp nhận, điều tra, truy tố liên ngành là ưu tiên bức xúc cần làm trước. Chúng ta phải quy định ngay về quy trình này từ khi báo cáo phải có đánh giá về sang chấn tâm lý, tổn hại về tinh thần, thể chất để phục vụ truy tố tốt hơn. Các dịch vụ được cung cấp dưới luật chứ không phải vấn đề từ thiện, hỗ trợ mà đây là nằm trong quy định bắt buộc của Nhà nước.
Việc cấp bách cần phải làm trước là quy trình tiếp nhận, điều tra, truy tố liên ngành là ưu tiên bức xúc cần làm trước. (Bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo Vệ Trẻ em, UNICEF Việt Nam)
“Việt Nam sẽ phải xây dựng một quy trình liên ngành, có sự thống nhất liên ngành về tiếp nhận, đánh giá nguy cơ, can thiệp và bảo vệ trẻ em để đảm bảo các dịch vụ được cung cấp đồng bộ. Sau khi có được quy trình can thiệp liên ngành, việc phân công trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cũng cần được luật hóa,” bà Lê Hồng Loan nhấn mạnh.
Bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em (UNICEF) nói về việc xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em.
Sự thờ ơ, vô cảm của người thân, xã hội, các cán bộ hành pháp, tư pháp, y tế, bảo vệ trẻ em có thể sẽ khơi thêm nỗi đau trong các em và để lại những vết thương không bao giờ xóa mờ, đánh mất tương lai thậm chí là cả sự sống của các em.
Vụ án bé K. 13 tuổi ở Cà Mau tự tử sau khi tố bị hiếp dâm đã trở thành bài học kinh nghiệm quá đắt giá, thức tỉnh hệ thống cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em và cán bộ hành pháp, tư pháp chuyên về xử lý tội phạm xâm hại trẻ em. Bộ Công an đã quyết định cách chức Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra đối với và cách chức Đội trưởng, điều tra viên trung cấp, đồng thời chuyển công tác khác ngoài cơ quan điều tra. Hai cán bộ công an bị kỷ luật, nhưng mạng sống của K. mãi mãi không bao giờ lấy lại được.
Đã đến lúc, cần phải bắt tay xây dựng một hệ thống bảo vệ trẻ trẻ em với trách nhiệm đầy đủ của tất cả các cơ quan, tổ chức; một hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em; một đội ngũ cán bộ bảo vệ trẻ em chuyên nghiệp, để không còn trẻ em nào bất hạnh như K./.
