Báo chí

ava2-1561018373-6.jpg

Sau hơn 20 năm Internet có mặt (từ tháng 11/1997), với hơn 60 triệu người dùng, Việt Nam đứng thứ 18 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet, là 1 trong 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới. Điều đó cho thấy sự cởi mở, năng động của Việt Nam trong tiến trình hội nhập cùng thế giới số.

Tuy nhiên, bên cạnh việc khai thác và phát huy những đặc tính ưu việt của truyền thông xã hội, Việt Nam đồng thời cũng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực, khó kiểm soát từ dạng thức truyền thông mới này. Việc giành lại niềm tin của công chúng được coi là vấn đề “sống còn” với báo chí chính thống hiện nay.

“Cơn bão” tin giả

Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, hiện nay, truyền thông xã hội là một trong những cách thức truyền thông mới đang được các tòa soạn (cả ở Việt Nam và trên thế giới) đề cập đến khá nhiều. Nói khác đi, mạng xã hội đang được coi là một cách thức để báo chí thiết lập các mối quan hệ với công chúng, tạo ra cách thức giao tiếp và đối thoại đa chiều giữa tòa soạn, nhà báo và người đọc. Nhiều cơ quan báo chí cũng tham gia vào mạng xã hội (Facebook, Zalo, YouTube…), chủ động cung cấp các ứng dụng, cập nhật các bài báo của mình nhằm thu hút độc giả, gia tăng lượng tương tác.

Có thể nói, việc sử dụng các mạng xã hội giúp báo chí quảng bá được hình ảnh, giới thiệu thông tin đến với hàng triệu người sử dụng mạng Internet… Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra không ít thách thức với người làm báo và các cơ quan báo chí.

Một trong những thách thức, mối quan ngại lớn nhất với báo chí hiện nay là vấn nạn “tin giả.” Tin giả xuất hiện ở mọi lĩnh vực và với những mức độ nguy hại khác nhau. Đó có thể là những thông tin được “khoác những chiếc áo hiền lành” như bài học về tình cảm gia đình, bí quyết chăm sóc bản thân hoặc những thông tin bịa đặt, lợi dụng hình ảnh, sức ảnh hưởng của người nổi tiếng để quảng cáo không đúng sự thật. Nguy hại hơn, đó có thể là những thông tin đưa ra dựa trên những cứ liệu không chính xác nhằm mục đích bôi nhọ, hạ uy tín của cá nhân, tổ chức…

Một trong những thách thức lớn với báo chí hiện nay là vấn nạn “tin giả.” (Nguồn: Theos Think Tank)
Một trong những thách thức lớn với báo chí hiện nay là vấn nạn “tin giả.” (Nguồn: Theos Think Tank)

Việc phát tán, lan truyền tin giả (mà đôi khi chính các cơ quan báo chí chính thống cũng góp phần do chưa xác minh kỹ nguồn tin) đã tác động tiêu cực tới chất lượng thông tin báo chí, đời sống xã hội và làm giảm, thậm chí gây mất niềm tin của bạn đọc đối với báo chí chính thống.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành OANA lần thứ 44 (diễn ra từ ngày 18-20/4 tại Hà Nội do TTXVN đăng cai với chủ đề “Vì một nền báo chí chuyên nghiệp và sáng tạo”), nhà báo Lê Quốc Minh – Phó Tổng Giám đốc TTXVN cho biết: Lòng tin của công chúng đối với các cơ quan báo chí và truyền thông nói chung đang suy giảm ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Báo cáo chỉ số lòng tin Edelman năm 2018 và 2019 cho biết, 73% số người được hỏi trên toàn cầu lo ngại về việc tin giả hoặc những thông tin sai sự thật bị lợi dụng như một thứ vũ khí; 59% số người được hỏi nói rằng ngày càng khó xác định liệu thông tin có phải do một cơ quan báo chí có uy tín đưa ra hay không.

Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội đang cuốn báo chí vào cuộc chạy đua về tốc độ mà đôi lúc quên đi những yêu cầu cốt lõi là thẩm định thông tin đồng thời đảm bảo tính công bằng và cân bằng của tin tức.

Với 61 triệu người dùng Facebook (chiếm khoảng 63,5% tổng dân số của cả nước), Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về tỷ lệ dân số dùng mạng xã hội này. Bởi vậy, Việt Nam cũng không nằm ngoài “cơn bão” tin giả. Một trong những ví dụ về vấn nạn tin giả trên truyền thông chính thống là: Vụ bê bối nước mắm nhiễm chất độc arsen đã khiến 50 cơ quan báo chí Việt Nam bị phạt.

Cụ thể, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) đã đứng sau một nghiên cứu cáo buộc rằng 67% sản phẩm nước mắm được sản xuất theo cách thức truyền thống chứa hàm lượng arsen vượt mức quy định. Tin này được đăng trên nhiều tờ báo in, báo điện tử và cả trên các kênh truyền hình, đã khiến người tiêu dùng lo sợ và tẩy chay sản phẩm đã được sử dụng qua nhiều thế hệ.

Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh nhấn mạnh, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội đang báo chí vào cuộc chạy đua về tốc độ mà đôi lúc quên đi những yêu cầu cốt lõi là thẩm định thông tin đồng thời đảm bảo tính công bằng và cân bằng của tin tức.

Lý giải về tốc độ phát triển nhanh chóng của tin giả, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề này một phần xuất phát xu hướng ưu tiên những thông tin mang tính “giật gân,” “câu view” của các báo và các nền tảng mạng xã hội.

(Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)
(Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)

Áp dụng công cụ và cơ chế kiểm chứng thông tin mới

Từ đó, vấn đề đặt ra với người làm báo hiện nay là cần kiểm chứng, thẩm định, phân tích, chọn lọc và giải thích thông tin, đồng thời giúp công chúng tìm được những thông tin hữu ích.

Trong khuôn khổ Hội nghị Ban Chấp hành OANA lần thứ 44, bà Lee Dong Min – đại diện Hãng thông tấn Yonhap cho biết, các phương tiện truyền thông của Hàn Quốc đang đẩy mạnh các cơ chế kiểm chứng thông tin. Hiện nay, việc kiểm chứng thông tin hiện trở thành một trong những mối quan tâm lớn nhất của giới truyền thông Hàn Quốc. Các đài phát thanh, truyền hình đều có các nhóm riêng thực hiện nhiệm vụ trên, trong khi các tờ báo cũng tham gia kiểm chứng thông tin khi nảy sinh vấn đề.

Phóng viên ảnh tác nghiệp. (Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)
Phóng viên ảnh tác nghiệp. (Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)

Yonhap đã thành lập một ủy ban kiểm chứng thông tin và duy trì hoạt động của nhóm này một cách thường xuyên nhằm góp phần vào vòng phản hồi trên thị trường truyền thông trong nước cũng như cung cấp những thông tin nhanh chóng, chính xác và mang tính cân bằng. Nhóm này được thành lập vào tháng 4/2018 và trở thành một bộ phận của phòng tin tức.

Các phóng viên nước ngoài và tất cả các nhà báo có thể gắn cụm từ “kiểm chứng sự thật” vào các bài báo khi họ gặp phải những vấn đề cần sự tách biệt rõ ràng giữa sự thật và không đúng sự thật. Mục đích là nhằm không giới hạn việc kiểm chứng thông tin ở những lĩnh vực hay vấn đề nhất định nào.

Trong hành trình lấy lại niềm tin của công chúng, nhiều cơ quan báo chí đang đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm báo chí chất lượng cao, từ các bài Mega Story đến các bài phân tích chuyên sâu, từ các sản phẩm thực tế ảo tới những ứng dụng tin nhắn có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) để tương tác với độc giả…

Tại Việt Nam, từ cuối năm 2018, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố 10 quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam (có hiệu lực từ 1/1/2019). Bộ quy tắc đã quy định rất rõ những điều (việc) người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội như: Vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng, các quy định về bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của công dân và các quy định khác của pháp luật; Thông tin vụ việc chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ; gây tổn hại về thể chất, danh dự, nhân phẩm của công dân…

Theo tiến sỹ Trần Bá Dung (Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam), bộ quy tắc là cơ sở để xem xét, xử lý những hành vi vi phạm đạo đức của người làm báo khi tham gia mạng xã hội, góp phần quan trọng trong công tác giữ gìn, bảo vệ đạo đức nghề nghiệp, uy tín của người làm báo Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam xem các ấn phẩm của TTXVN tại gian trưng bày của TTXVN trong khuôn khổ Hội báo 2019. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam xem các ấn phẩm của TTXVN tại gian trưng bày của TTXVN trong khuôn khổ Hội báo 2019. (Ảnh: TTXVN)

Ở một góc độ khác, nội dung bài viết “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam” của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (đăng tải trên Báo Điện tử VietnamPlus ngày 17/6) khẳng định, một trong những yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý là khẩn trương thể chế hóa, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý trong thực tiễn; tích cực xây dựng khung khổ pháp luật khoa học, tiến bộ để truyền thông xã hội hoạt động, phát triển lành mạnh, đúng hướng.

“Thời gian qua, những thay đổi chóng mặt về thuật toán của các nền tảng công nghệ ‘làm khó’ cả về nhận thức và hành động khiến các cơ quan chức năng vốn đã chậm trễ, hạn chế trong quản lý không gian mạng lại càng lúng túng, bất cập, chưa theo kịp trong việc hoạch định chính sách, pháp luật đối với truyền thông xã hội. Để quản lý tốt, cần nhanh chóng tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật với các điều khoản cụ thể, rõ ràng, sát thực, phù hợp, theo kịp tốc độ biến động của truyền thông xã hội… thay vì chỉ dừng ở quy tắc điều chỉnh mang tính khuyến nghị đạo đức và văn hóa. Bởi lẽ, khi các ràng buộc pháp lý không cụ thể, rõ ràng và đủ mạnh thì các quy tắc đạo đức, văn hóa cũng rất khó để đi vào cuộc sống,” ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh trình bày tham luận “Giành lại niềm tin cho các dòng thông tin chủ lưu, báo chí chính thống” trong khuôn khổ Hội nghị Ban Chấp hành OANA lần thứ 44 do TTXVN tổ chức. (Ảnh: TTXVN)
Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh trình bày tham luận “Giành lại niềm tin cho các dòng thông tin chủ lưu, báo chí chính thống” trong khuôn khổ Hội nghị Ban Chấp hành OANA lần thứ 44 do TTXVN tổ chức. (Ảnh: TTXVN)

Trong hành trình lấy lại niềm tin của công chúng, nhiều cơ quan báo chí đang đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm báo chí chất lượng cao, từ các bài Mega Story đến các bài phân tích chuyên sâu, từ các sản phẩm thực tế ảo tới những ứng dụng tin nhắn có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) để tương tác với độc giả…

Ông Lê Quốc Minh cho biết, trong khi tiếp tục sản xuất các tin, bài được kiểm chứng bằng nhiều ngôn ngữ, TTXVN đang chú trọng hơn đến các bài phân tích chuyên sâu, thể loại báo chí giải pháp và báo chí xây dựng mà chỉ những nhà báo, cây viết chuyên nghiệp mới có thể làm được.

Báo Điện tử VietnamPlus là một trong những đơn vị tiên phong trong việc áp dụng nhiều công cụ, cách thức đổi mới trong quy trình tác nghiệp để cải thiện chất lượng tin bài và giúp độc giả tránh tin giả./.

Mặc dù ra đời muộn hơn hầu hết các trang báo điện tử hiện nay nhưng VietnamPlus đã nhanh chóng đạt đến vị trí dẫn đầu trong số các website thông tin chính thống tại Việt Nam và liên tục duy trì vị thế này trong hơn 10 năm qua.

VietnamPlus đã sớm kết hợp nội dung và công nghệ, để cho ra đời nhiều sản phẩm báo chí mới, đi tiên phong, thậm chí là sản phẩm duy nhất tại Việt Nam như RapNews (sản xuất các bản tin bằng nhạc Rap), News Game (cập nhật tin tức thông qua trò chơi tương tác), đồ họa và đồ họa tương tác, ảnh và video 360 độ, Mega Story (tích hợp thông tin dạng text, ảnh, video clip, đồ họa trong cùng một sản phẩm), báo chí dữ liệu…

VietnamPlus cũng là cơ quan báo chí đầu tiên ở Việt Nam chính thức áp dụng hình thức đọc báo điện tử thu phí từ tháng 6/2018.

Trong năm 2018, VietnamPlus quyết định đầu tư vào những tuyến bài dài, công phu không phải để hoài niệm, mà nhằm bắt kịp xu thế nổi bật của dòng báo chí chính thống trên thế giới, nhằm phục hưng giá trị của nội dung (content) khi mà người đọc dần cảm thấy chán ngán với những dòng tít “câu view.” Điều này thể hiện rõ qua “Ký sự đường sắt: Chuyện ghi dọc đường hỏa xa Nam Bắc” Tuyến bài được thực hiện ròng rã trong suốt nửa năm (trên năm chuyến tàu Bắc-Nam xuôi- ngược) với sự tham dự của các phóng viên viết, ảnh, quay phim, flycam…

Đặc biệt, toàn bộ phần nội dung được truyền tải bằng một cách thức rất mới mẻ khi kết hợp rất nhiều hiệu ứng về hình ảnh, âm thanh, đồ hoạ… khiến cho việc thưởng thức của bạn đọc không bị nhàm chán.