Mỹ tăng nhiệt ‘cuộc chiến thương mại’ với nhiều nước

vnapotaltr-1559874182-66.jpg

Bằng việc tuyên bố áp đặt mức thuế 5% đối với tất cả hàng hóa kể từ ngày 10/6 tới, Mexico đã trở thành nước mới nhất được thêm vào danh sách những nước mà Mỹ “xung đột thương mại” như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… Thậm chí, cả Australia cũng đang bị Mỹ đặt trong “tầm ngắm.”

Leo thang chiến tranh thương mại với Trung Quốc

Khi lên nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, thâm hụt thương mại song phương của Mỹ đối với Trung Quốc đã ở mức hàng trăm tỷ USD trong nhiều năm qua, riêng trong năm 2017 là khoảng 336 tỷ USD. Vì vậy, Tổng thống Trump kỳ vọng việc áp mức thuế cao sẽ giúp giảm mạnh mức thâm hụt thương mại này, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm và tăng cường an ninh quốc gia cho nước Mỹ.

“Cuộc chiến thương mại” với Trung Quốc do Mỹ khơi mào đã kéo dài hơn 1 năm, ảnh hưởng đến dòng chảy hàng hóa và dịch vụ trị giá hơn 730 tỷ USD hàng năm giữa hai quốc gia. Mỹ cáo buộc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và có các hoạt động thương mại không công bằng. Hai nước cũng đã áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau. Trong khi đó, các cuộc đàm phán bị đình trệ từ đầu tháng 5/2019, sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc thay đổi các cam kết đã thống nhất trước đó.

“Cuộc chiến thương mại” với Trung Quốc do Mỹ khơi mào đã kéo dài hơn 1 năm, ảnh hưởng đến dòng chảy hàng hóa và dịch vụ trị giá hơn 730 tỷ USD hàng năm giữa hai quốc gia.

Nếu cuộc chiến thương mại này còn kéo dài hoặc leo thang, ảnh hưởng sẽ là rất lớn. Các công ty Mỹ có lợi nhuận khá lớn từ thị trường Trung Quốc. Quốc gia này hiện cũng là công xưởng của cả thế giới. Ngược lại, Trung Quốc cần  xuất khẩu sang Mỹ để duy trì tăng trưởng kinh tế. Họ cũng muốn có các công nghệ tiên tiến, như chip máy tính hay phần mềm từ Mỹ để củng cố tăng trưởng.

Ảnh tư liệu: Quốc kỳ Mỹ (trái) và quốc kỳ Trung Quốc tại một sự kiện ở Thượng Hải (Trung Quốc) tháng 11/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ảnh tư liệu: Quốc kỳ Mỹ (trái) và quốc kỳ Trung Quốc tại một sự kiện ở Thượng Hải (Trung Quốc) tháng 11/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu kết thúc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phải hạ mức dự báo tăng trưởng của cả hai nước. Trong dự báo công bố tháng 4-2019, nền kinh tế Mỹ năm 2019 chỉ tăng trưởng 2,3%, và năm 2020 là 2%, giảm so với mức tăng trưởng 3,1% của năm 2018.

Còn tăng trưởng của Trung Quốc năm 2018 là 6,6%. IMF dự báo năm 2019 nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,3% và năm 2020 là 6,1%. Các dự báo này đã tính đến cả yếu tố chiến tranh thương mại hiện nay và nó cho thấy, đến năm 2020, tăng trưởng kinh tế Mỹ “tụt điểm” nhiều hơn so với Trung Quốc.

Tranh chấp thương mại Mỹ-EU

Mối quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU) vốn tồn tại suốt 70 năm qua đã bị sứt mẻ nghiêm trọng khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền và thi hành chính sách đối ngoại khác xa so với các chính quyền tiền nhiệm. Một cuộc tranh chấp thương mại đã nổ ra giữa Mỹ và EU kể từ sau khi Mỹ đánh thuế 10% lên các mặt hàng nhôm, và 25% đối với thép nhập khẩu từ EU từ ngày 1/6/2018. Chưa hết, Tổng thống Trump còn đe dọa áp mức thuế 25% đối với mọi xe ôtô lắp ráp tại EU.

Đây được xem là “cú đánh hiểm” của Mỹ đối với EU, khi mà năm 2017, kim ngạch nhập khẩu ôtô của Mỹ từ EU lên tới 43,6 tỷ USD.

Nhằm đáp trả việc Mỹ áp thuế đối với mặt hàng nhôm và thép của EU, từ ngày 22/6/2018, EU cũng đã chính thức đánh thuế nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Mỹ, trong đó có quần bò, xe môtô hạng nhẹ và rượu whiskey…

Đây được xem là “cú đánh hiểm” của Mỹ đối với EU, khi mà năm 2017, kim ngạch nhập khẩu ôtô của Mỹ từ EU lên tới 43,6 tỷ USD.

Tháng 5/2019, Tổng thống Trump đã hoãn đánh thuế vào ôtô nhập khẩu Mỹ và dành ra 6 tháng cho hai bên đàm phán thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, quá trình đàm phán cũng đang gặp khó khăn, do EU từ chối cân nhắc yêu cầu cho phép nhiều nông phẩm Mỹ vào thị trường này hơn.

Chính quyền Trump cho biết, nếu thỏa thuận không có điều khoản về nông nghiệp thì Quốc hội Mỹ sẽ không thông qua. Trong khi đó, phía châu Âu lại cho rằng, các hoạt động nông nghiệp tại Mỹ khiến EU cần duy trì rào cản thương mại này. Thậm chí, các nước như Pháp hay Bỉ còn không muốn tham gia đàm phán, vì lý do Mỹ đã từ chối ký vào một thỏa thuận về biến đổi khí hậu toàn cầu (hồi năm 2017).

Không những vậy, toàn bộ các nước Liên minh châu Âu (EU) còn có thể  phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ nếu tiếp tục giao dịch dầu mỏ với Iran. Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Iran Brian Hook ngày 31/5 cảnh báo, Mỹ có thể áp dụng các lệnh cấm vận theo Đạo luật chống đối thủ (CAATSA) lên các đồng minh EU nếu các quốc gia này tiếp tục trao đổi thương mại với Iran.

Hàng hóa được xếp tại cảng Antwerp, Bỉ, ngày 5/2/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)
Hàng hóa được xếp tại cảng Antwerp, Bỉ, ngày 5/2/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Áp thuế mặt hàng nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ

Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng từ năm 2016 sau cuộc đảo chính bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Mỹ có liên quan đến cuộc đảo chính, cũng như nhiều lần yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sỹ Fethullah Gulen, người đang lưu vong tại Mỹ, và cáo buộc chỉ đạo âm mưu lật đổ Erdogan. Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng tranh cãi trong nhiều vấn đề khác, như việc Mỹ hỗ trợ lực lượng người Kurd ở Syria, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là khủng bố.

Tháng 8/2018, Mỹ áp thuế 50% với thép và 20% với nhôm Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này của Mỹ được xem là nhằm trừng phạt việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ và kết tội mục sư người Mỹ Andrew Brunson, vốn bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hồi tháng 10/2016 với cáo buộc mục sư này có quan hệ với một nhóm mà chính quyền Ankara cho là khủng bố. Nhằm trả đũa hành động tăng thuế của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tăng thuế mạnh đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Sắc lệnh do Tổng thống T.Erdogan ký ban hành ngày 15/8/2018 đã nâng mức thuế quan đối với ô tô khách nhập khẩu từ Mỹ thêm 120%, sản phẩm đồ uống có cồn thêm 140% và thuốc lá thêm 60%… Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn tuyên bố tẩy chay các sản phẩm điện tử của Mỹ.

Nhằm trả đũa hành động tăng thuế của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tăng thuế mạnh đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Đến tháng 5/2019, Mỹ đã giảm một nửa mức thuế thép cho Thổ Nhĩ Kỳ xuống còn 25%. Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng giảm thuế với một số hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn quyết định chấm dứt áp dụng Chế độ Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) dành cho Thổ Nhĩ Kỳ kể từ ngày 17/5/2019, qua đó sẽ áp thuế lên khoảng 1,66 tỷ USD hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số 120 nước tham gia GSP – chương trình ưu đãi thương mại lớn nhất của Mỹ, theo đó miễn thuế cho hàng nghìn mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của những quốc gia và vùng lãnh thổ được hưởng quy chế này. Năm 2017, Mỹ đã nhập lượng hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 1,66 tỷ USD trong khuôn khổ GSP, chiếm 17,7% tổng giá trị hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ nhập vào Mỹ.

Một khu chợ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một khu chợ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Gây sức ép để đạt thỏa thuận thương mại với Nhật Bản

Mỹ và Nhật Bản vốn là hai đồng minh chủ chốt nhiều thập niên, song kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, giữa hai nước đã nảy sinh bất đồng liên quan đến vấn đề thương mại. Xuất phát từ chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump, Mỹ đã gây sức ép buộc Nhật Bản phải cân bằng cán cân thương mại, vốn đang nghiêng hẳn về phía quốc gia Đông Bắc Á này (Mỹ hiện đang thâm hụt 68 tỷ USD).

Hai bên đã tiến hành vòng đàm phán đầu tiên ở Washington giữa tháng 4/2019, theo đó Mỹ yêu cầu Nhật Bản cắt giảm thuế đối với nông sản nhập khẩu từ Mỹ, trong khi Nhật Bản cho biết sẽ giảm thuế đối với nông sản nhập khẩu từ Mỹ với điều kiện Washington phải dỡ bỏ thuế đối với tất cả sản phẩm công nghiệp, bao gồm cả mức thuế 2,5% đánh vào mặt hàng ôtô của Nhật Bản.

 Xuất phát từ chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump, Mỹ đã gây sức ép buộc Nhật Bản phải cân bằng cán cân thương mại, vốn đang nghiêng hẳn về phía quốc gia Đông Bắc Á này.

Đến nay, tuy đã quyết định tạm hoãn song Tổng thống Trump cũng khẳng định vẫn sẽ áp thuế 25% đối với ôtô nhập khẩu của Nhật Bản, trừ khi hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại. Mỹ vẫn muốn nông dân nước này có quyền tiếp cận lớn hơn tại thị trường Nhật Bản, thậm chí ông Trump còn muốn các hãng xe Nhật Bản xây thêm nhiều nhà máy tại Mỹ, để ngày càng nhiều xe hơi được lắp ráp bởi công nhân Mỹ.

Vì vậy, một thỏa thuận thương mại với Mỹ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Thủ tướng Shinzo Abe, trong bối cảnh chính quyền của ông đang nỗ lực kéo dài sự tăng trưởng của Nhật Bản trước những thách thức từ sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc.

Điều này cũng gây áp lực về chính trị không nhỏ đối với ông Abe khi Tổng thống Trump nhấn mạnh nhiều khả năng thỏa thuận này sẽ được hai nước ký kết sau cuộc bầu cử vào tháng 7 tới của Nhật Bản. Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng, không sớm thì muộn hai bên sẽ đạt được đồng thuận vì hai nước vẫn cần nhau cả về kinh tế lẫn chiến lược.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo sau hội đàm tại Tokyo ngày 27/5/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo sau hội đàm tại Tokyo ngày 27/5/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chấm dứt cơ chế ưu đãi thuế quan với Ấn Độ

Nhằm gia tăng áp lực với Ấn Độ về mở cửa thị trường, kể từ ngày 5/6/2019, Mỹ chính thức chấm dứt ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình Hệ thống ưu đãi phổ cập (Generalized System of Preferences – GSP).

Theo chương trình GSP kéo dài hàng thập kỷ dành cho một số nền kinh tế đang phát triển trong đó có Ấn Độ, Mỹ đã cho phép một số hàng xuất khẩu của Ấn Độ tránh bị đánh thuế khi vào thị trường Mỹ với lợi ích thúc đẩy thương mại và phát triển chặt chẽ hơn.

Mục đích của Tổng thống Trump là ông muốn hàng hóa Mỹ có thể tiếp cận nhiều hơn vào thị trường quốc gia Nam Á khổng lồ này.

Theo số liệu của Quốc hội Mỹ, Ấn Độ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình GPS của Mỹ trong suốt nhiều thập kỷ, với việc xuất khẩu số hàng hóa miễn thuế trị giá 5,7 tỷ USD sang Mỹ vào năm 2017.

Với việc chấm dứt cơ chế ưu đãi GSP dành cho Ấn Độ, kể từ ngày 5/6, các mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ như hóa chất, linh kiện ôtô và bộ đồ ăn xuất sang Mỹ sẽ phải chịu thêm thuế lên tới 7%. Mục đích của Tổng thống Trump là ông muốn hàng hóa Mỹ có thể tiếp cận nhiều hơn vào thị trường quốc gia Nam Á khổng lồ này. Trong khi đó, dù chính phủ Ấn Độ chưa đưa ra bình luận nào về động thái của Mỹ, song truyền thông Ấn Độ đưa tin New Delhi cũng đang cân nhắc áp thuế nhập khẩu đối với hơn 20 mặt hàng của Mỹ, trong đó có sản phẩm nông nghiệp và hóa chất.

(Nguồn: Reuters)
(Nguồn: Reuters)

Áp đặt thuế quan với Mexico

Mexico là nước mới nhất bị Mỹ đưa vào danh sách áp đặt thuế quan mới, khi Tổng thống Trump đe dọa sẽ áp thuế tăng dần đối với toàn bộ hàng hóa Mexico từ ngày 10/6/2019 nếu nước này không thể chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp đổ về biên giới Mỹ đang ngày càng gia tăng. Mức thuế 5% sẽ có hiệu lực từ 10/6 và mỗi tháng sẽ tăng thêm 5 điểm % cho tới mức 25% nếu chính quyền Mexico không có hành động kịp thời.

Khi Mỹ đưa ra lời đe dọa trên, có nhiều ý kiến cho rằng, động thái áp thuế đối với Mexico của Tổng thống Trump chỉ là sự đe dọa và có thể không diễn ra vào phút cuối.

Động thái áp thuế đối với Mexico của Tổng thống Trump chỉ là sự đe dọa và có thể không diễn ra vào phút cuối. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh các quan chức hai nước đã kết thúc cuộc đối thoại đầu tiên tại Washington ngày 5/6/2019 mà không đạt bước tiến lớn, Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo nếu cuộc đàm phán với Mexico nhằm tìm giải pháp ngăn chặn dòng người di cư từ Trung Mỹ thất bại, từ ngày 10/6, Washington sẽ chính thức áp thuế 5% đối với hàng hóa từ nước láng giềng này.

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, nếu đòn “thuế quan” xảy ra sẽ làm giảm thương mại và làm tăng chi phí của nhiều hàng hóa Mexico mà người tiêu dùng Mỹ đang được hưởng. Mỹ hiện là đối tác xuất khẩu hàng đầu của Mexico, với giá trị xuất khẩu ước tính khoảng 344,9 tỷ USD trong năm 2018. Trong trường hợp Mỹ áp mức thuế 5% trên, xuất khẩu của Mexico sẽ bị thiệt hại khoảng 17,2 tỷ USD/năm.

Các phương tiện vận chuyển hàng hóa từ Mexico vào Mỹ tại cảng thương mại ở Otay, Tijuana (Mexico) ngày 30/5/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các phương tiện vận chuyển hàng hóa từ Mexico vào Mỹ tại cảng thương mại ở Otay, Tijuana (Mexico) ngày 30/5/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

“Tầm ngắm” Australia

Một nước khác cũng đang “nằm trong tầm ngắm” của Mỹ là Australia. Thời gian qua, một số cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống Trump đã kêu gọi dùng đòn thuế quan để đáp trả việc Australia “bán tháo” nhôm vào thị trường Mỹ những năm qua.

Tuy nhiên, giới chức của Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ đã cảnh báo rằng, động thái đó có thể sẽ gây chia rẽ với một đồng minh hàng đầu và cũng sẽ là cái giá đáng kể đối với Mỹ. Vì vậy, đến nay chính quyền của Tổng thống Trump đã nhất trí rằng ít nhất là tạm thời sẽ chưa có bất cứ hành động nào đối với Australia…

Có thể nói, những động thái của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã đặt ra nhiều thách thức cho thương mại toàn cầu nói chung. Song, một khi những cuộc chiến tranh thương mại xảy ra thì chắc chắn sẽ không có bên nào được lợi, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa.