Tháng 2/2019, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có văn bản chỉ đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xem xét khen thưởng với cựu chiến binh Nguyễn Trung Dật (xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội) vì đã có tinh thần đấu tranh chống tiêu cực tại cơ sở. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực kéo dài hơn 30 năm của một người dân bình thường trong cuộc chiến chống lại sai phạm, tham nhũng – vốn rất khó khăn và đầy cô đơn.
Từng là người lính trên tuyến lửa Trường Sơn huyền thoại, đến khi rời bỏ quân ngũ, lão cựu chiến binh già Nguyễn Trung Dật chưa bao giờ nghĩ mình sẽ lại bước chân vào một cuộc chiến mới, kéo dài tới hơn 30 năm và chưa biết tới khi nào mới kết thúc. Điều khác biệt là lần này, ông phải cô đơn chống lại nạn tham ô và tham nhũng tại chính mảnh đất quê hương của mình.
Nhìn lại hành trình lạ kỳ dài tới 3 thập kỷ ấy, ông tự trào: “Đôi lúc tôi thấy mình giống anh hiệp sỹ gàn, cưỡi con ngựa già, tay mang cây giáo đã cũ kỹ để chống lại những cỗ máy xay gió khổng lồ. Nhưng chưa lúc nào tôi nản chí. Vì tôi tin vào sức mạnh của công lý và lẽ phải, tin vào sự trong sạch của Đảng.”
Kêu oan cho… người
Năm 1992, sau khi rời quân ngũ, cựu chiến binh Nguyễn Trung Dật chính thức trở về mảnh đất Canh Nậu quê hương. Vào thời điểm này, chủ trương cấp đất giãn dân đã bắt đầu được triển khai rộng rãi.
Nhớ về những ngày đầu tiên bắt đầu “cuộc chiến” của mình, ông Dật bảo: Lúc đó, ông không hề nghĩ sẽ tham gia chống tiêu cực. Nhưng trở về quê, thấy chính sách giãn dân khi ấy bị biến tướng, nhập nhằng và có quá nhiều sai phạm thì lại thấy bứt rứt.
“Có những nhà ở hết sức chật chội thì không được xem xét cấp đất, trong khi các cán bộ xã khi đó đều có suất. Dư luận trong dân đều cho rằng các cán bộ đã lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi cá nhân,” ông Dật nhớ lại.

Với tư cách một Đảng viên lão thành, ban đầu, người cựu chiến binh già chỉ góp ý cho Thường vụ Đảng ủy xã Canh Nậu để chấn chỉnh. Thế nhưng, những kỳ vọng chính đáng của ông không được lưu tâm khi “trước mặt mình thì họ cám ơn rối rít, nhưng đằng sau họ lại thờ ơ bỏ qua.” Nỗi bức xúc trong dân thì ngày càng lớn khi chủ trương được triển khai rộng hơn.
Đặng chẳng đừng, cựu binh Nguyễn Trung Dật đã phải chính thức bắt đầu một cuộc chiến chống lại tham ô, tham nhũng vốn… chẳng liên quan gì tới mình.
Cũng từ ấy, người dân Canh Nậu dần dần quen với hình ảnh một ông già tóc bạc trắng liêu xiêu trên chiếc xe cũ mèm, đi tới từng nhà để hỏi những câu hỏi cũng không giống ai: Giãn đất như thế hợp lý chưa? Anh, chị có gì bức xúc không? Cuốn vở học sinh dùng để ghi chép dần dần dày lên với những chứng cứ sai phạm ngày một rõ ràng.
Ngay trong năm 1992, căn cứ trên những gì thu thập được, ông Dật đã viết lá đơn tố cáo đầu tiên trong đời mình gửi lên Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất, phản ánh những tiêu cực trong việc triển khai chính sách cấp đất giãn dân tại xã Canh Nậu.

Thế nhưng, khi đơn được hoàn thành thì khó khăn lại nảy sinh khi các con đường dẫn tới Ủy ban đều… chông chênh và gập ghềnh.
“Mang tới tận cổng huyện tôi liên tục được báo là những người có trách nhiệm đi vắng. Năm lần bảy lượt không xong, tôi mới bảo: ‘Nếu các anh không cho tôi gặp để đưa đơn, tôi buộc lòng phải gửi sang Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ – PV). Tới tận khi ấy, họ mới hướng dẫn tôi trực tiếp gặp và đưa lá đơn này cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất lúc bấy giờ,” ông Dật nhớ lại.
Mặc dù được tiếp nhận, nhưng quá trình giải quyết bấy giờ lại hết sức chậm chạp. Lá đơn cứ “xoay vòng” hết từ huyện xuống xã, rồi lại vòng ngược lên… huyện. Một loạt lời hứa “sẽ xử lý nghiêm” được đưa ra và lần lượt rơi vào quên lãng. Những người bị tố cáo còn nhờ người bắn tiếng đe dọa, cảnh báo ông đừng “rỗi hơi lo chuyện bao đồng.” Ngay cả người thân khi thấy cha, ông mình ngày ngày lẩn mẩn với đơn thư cũng sốt ruột và ra sức can ngăn.
Bà nhà tôi thậm chí còn giận dỗi vì chồng mình toàn làm việc thiên hạ. Các con thì bảo: Bố về nghỉ hưu sao không vui thú vườn tược mà lại vất vả làm gì. Khi ấy, tôi chỉ nói: ‘Vì bố là Đảng viên. Những lúc như thế này cần phải có những người như bố mới giải quyết được. Nếu ai cũng im lặng thì tiêu cực, nhũng nhiễu sẽ càng được đà lấn tới hơn
Mang theo niềm tin sắt đá ấy, với quyết tâm không để sự thật bị che mờ, người cựu chiến binh già lại lặn lội “đội đơn” lên cấp cao hơn, đề nghị cả Thanh tra tỉnh Hà Tây (cũ) trực tiếp vào cuộc. Ròng rã trong suốt 3 năm 1992-1994, ông lầm lũi kêu oan cho… người khác bằng chính khoản lương hưu Đại tá ít ỏi của chính mình. Được đồng nào, ông lại mua giấy mực thảo đơn, sắm thêm cân chè, lạng thuốc để đem theo mỗi lần đi kiện. Nỗ lực không biết mệt mỏi của ông đã được đền đáp khi vào năm 1994, sau khi điều tra và xem xét, Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất đã ra quyết định kỷ luật đối với Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Canh Nậu vì để xảy ra sai phạm trong quá trình chia đất giãn dân.
‘Cuộc chiến’ hơn 3.500 ngày
Sau sự kiện năm 1994, những tưởng những tiêu cực trong quá trình triển khai chính sách cấp đất giãn dân tại xã Canh Nậu đã hoàn toàn được dẹp bỏ khi một loạt cán bộ xã đã phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng, đốm lửa tiêu cực thật ra vẫn còn âm ỉ cháy và tiếp tục bùng phát mạnh mẽ hơn vào gần chục năm sau đó.
Ông Dật kể: Vào giữa năm 2006, dư luận tại địa phương tiếp tục dậy sóng khi tình trạng tiêu cực trong việc triển khai cấp đất giãn dân lại xảy ra. Gần 200 lô đất thuộc diện này đã được giao một cách vô tội vạ mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Thậm chí, còn xuất hiện thông tin những người có trách nhiệm lập khống ra một bản danh sách hơn 100 hộ dân để trình Ủy ban Nhân dân Thạch Thất phê duyệt.

“So với hơn 10 năm về trước, vụ việc lần này có tính chất phức tạp và quy mô lớn hơn rất nhiều,” ông Dật nhớ lại.
Tháng 10/2017, sau một thời gian thu thập chứng cứ, ông Dật đã lần đầu tiên đưa vấn đề này ra cuộc họp Chi bộ cơ sở; đồng thời cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của những sai phạm trong quản lý đất đai. Đây cũng là “phát súng” đầu tiên cho cuộc chiến đấu chống lại những cỗ máy xay gió khổng lồ của ông lão Đôn Kihôtê xã Canh Nậu.
“Khi ấy, tôi nghĩ sẽ chỉ mất vài năm là có thể làm sáng tỏ tiêu cực nên chỉ chuẩn bị một quyển vở ôli nhỏ để ghi lại quá trình đi kiện.”
Nói đoạn, ông đưa cho chúng tôi xem một cuốn vở đã cũ mèm, bên ngoài nắn nót ghi: “Sổ theo dõi kết quả báo cáo và kiến nghị 2007-2008.” Phía bên trong, người cựu binh già cẩn thận chép lại chi tiết diễn biến của sự việc. Vào thời điểm ấy, ông không dám nghĩ cuộc chiến lần này sẽ kéo dài tới hơn 3.000 ngày và hành trang từ quyển sổ mỏng manh ban đầu sẽ hóa thành hàng chục kilogam hồ sơ…
Do tính chất phức tạp của sai phạm nên quá trình tố cáo của người cựu chiến binh càng khó khăn và bị cản trở nhiều hơn. Ban đầu, bên cạnh ông còn có gần 20 đồng chí, đồng đội chung chí hướng đồng hành đi tìm công lý. Có những thời điểm, cả nhóm mang theo bao tượng gạo, xoong nồi, nước nôi… cùng nhau kéo lên Ủy ban Nhân dân huyện tìm cách gặp những người có thẩm quyền. Thế nhưng, dần dần, tất cả mất dần kiên nhẫn. Con kiến làm sao kiện được củ khoai? Sức đâu mà mãi ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng? Tổ đội chống tham nhũng xã Canh Nậu cứ thế rơi rớt dần và chỉ còn một mình ông Dật.
“Khi ấy tôi chỉ bảo với anh em: Các anh có bỏ thì tôi vẫn phải làm. Tôi sẽ làm tới khi bừa mảnh ruộng này rỗng ra, chỉ cần cắm cây lúa là sẽ lên bông thì mới dừng,” ông Dật kể.

Sức ép mỗi ngày một lớn hơn khi con cháu người lính già liên tục nhận được tin nhắn với nội dung: ‘Mày cẩn thận không cha ông chúng mày chết không có chỗ chôn.’ Đơn càng được gửi tới các cấp cao hơn thì những lời đe dọa, bóng gió như thế càng nhiều. Thậm chí, có người còn nói thẳng là ông đang làm việc vô ích, không đâu.
Sức ép lớn tới độ không chỉ những người bạn đồng hành của ông bỏ cuộc mà ngay cả những người chịu thiệt vì chính sách giao đất giãn dân khi ấy cũng lảng tránh dần “ông lão đội đơn” gàn dở của Canh Nậu.
“Tôi nhớ nhất là có lần, Đảng bộ xã còn triệu tập hẳn một cuộc họp bất thường mời đầy đủ đại diện của huyện Thạch Thất xuống dự. Nội dung cuộc họp là đề nghị kỷ luật tôi vì đã vi phạm kỷ luật Đảng khi vu khống cán bộ. Khi ấy, tôi chỉ bảo: Trong lá đơn gửi đi, tôi chỉ ghi: ‘Các cụ từng có câu: Nén bạc đâm toạc tờ giấy’ chứ không hề vu khống ai. Nếu các đồng chí nói tôi vu khống thì phải đưa ra được bằng chứng cụ thể,” ông Dật bỗng dưng gay gắt, giọng gằn lên như đang sống lại không khí của cuộc họp bất thường năm ấy.

“Điều khiến tôi buồn nhất là bấy giờ không ai có ý kiến gì cả. Một mình tôi phải đứng lên bảo vệ quan điểm của mình. Tất cả những gì tôi làm đều chỉ theo lời Đảng và Bác Hồ dạy nên kết quả là họ đã không thể lợi dụng được danh nghĩa của Đảng để kỷ luật được tôi, ” ông tiếp tục.
Có những lúc cuộc đấu tranh của ông lão Đôn Kihôtê xã Canh Nậu tưởng chừng rơi vào bế tắc khi những lá đơn gửi đi không hề có hồi đáp hoặc chỉ nhận được những lời hứa hẹn chung chung. Không nản lòng, ông tiếp tục nhờ cậy các mối quan hệ để “gõ cửa” kêu cứu lên tận Văn phòng Chính Phủ. Và phải tới tận lúc này, hành trình đi kiện của ông mới tìm được ánh sáng.
Con kiến làm sao kiện được củ khoai? Sức đâu mà mãi ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng? Tổ đội chống tham nhũng xã Canh Nậu cứ thế rơi rớt dần và chỉ còn một mình ông Dật. “Khi ấy tôi chỉ bảo với anh em: Các anh có bỏ thì tôi vẫn phải làm. Tôi sẽ làm tới khi bừa mảnh ruộng này rỗng ra, chỉ cần cắm cây lúa là sẽ lên bông thì mới dừng,” ông Dật kể.
Cuộc chiến chưa kết thúc
Ánh mắt ông Duật sáng lên khi nhớ lại: “Năm 2017, tức là 10 năm sau khi lá đơn đầu tiên về vụ việc được gửi đi, Văn phòng Chính Phủ bắt đầu có chỉ đạo, yêu cầu Công an thành phố Hà Nội và các cơ quan có trách nhiệm giải quyết nghiêm nội dung tố cáo của tôi. Đến lúc này, tôi như trút được gánh nặng mình đã mang gần 1 thập kỷ.”

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cơ quan chức năng xác định: Những tố cáo, khiếu nại của ông Dật là có cơ sở; đồng thời ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đưa các đối tượng liên quan đến sai phạm trong việc cấp đất giãn dân tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất ra xét xử.
Tháng 3/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt năm bị cáo nguyên là những cán bộ xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất, Hà Nội) về cùng tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”
Sai phạm về quản lý đất đai được phanh phui sau nhiều năm giống như một quả bom nổ giữa Canh Nậu. Người dân tin hơn vào “ông già công lý” Nguyễn Trung Dật.
Năm bị cáo gồm Nguyễn Trung Thắng (sinh năm 1956, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Canh Nậu) bị Tòa tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù; Đỗ Đăng Soạn (sinh năm 1966, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Canh Nậu) và Nguyễn Lương Thanh (sinh năm 1973, nguyên cán bộ địa chính Ủy ban Nhân dân xã Canh Nậu) cùng bị phạt 4 năm tù; Nguyễn Văn Chắt (sinh năm 1958, Kế toán Ủy ban Nhân dân xã Canh Nậu) bị phạt 3 năm tù treo, Nguyễn Đức Giạng (sinh năm 1959, Thủ quỹ Ủy ban Nhân dân xã Canh Nậu) bị phạt 30 tháng tù treo.
Tiến hành điều tra, cơ quan công an đã xác định từ tháng 5/2006 đến tháng 9/2008, Nguyễn Trung Thắng là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Canh Nậu (nhiệm kỳ từ năm 2004-2010) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ về việc cấp đất giãn dân vì động cơ muốn hoàn thành dự án tại xã Canh Nậu, phục vụ lợi ích của địa phương.

Nguyễn Trung Thắng chỉ đạo Nguyễn Lương Thanh (cán bộ địa chính, nhiệm kỳ từ năm 1994 đến nay) lập khống danh sách 103 hộ xin cấp đất giãn dân trình Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất phê duyệt. Đồng thời, Thắng chỉ đạo Đỗ Đăng Soạn (Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Canh Nậu, nhiệm kỳ từ năm 2004-2010) và Nguyễn Lương Thanh thực hiện việc điều ghép 93 suất đất không đúng thủ tục, không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền.
Sau đó, Nguyễn Trung Thắng chỉ đạo Nguyễn Văn Chắt (kế toán xã Canh Nậu, nhiệm kỳ từ năm 2007 đến nay) và Nguyễn Đức Giạng (Thủ quỹ Ủy ban Nhân dân xã Canh Nậu, nhiệm kỳ từ năm 1993 đến nay) thu tiền đất giãn dân sai đối tượng của 93 suất (được điều ghép từ 449 hộ có ruộng bị thu hồi).
Đồng thời, Nguyễn Trung Thắng còn chỉ đạo Đỗ Đăng Soạn và Nguyễn Lương Thanh bàn giao đất cho 86/93 hộ dân điều ghép (có bảy hộ chưa giao đất là do vướng giải phóng mặt bằng) và ba hộ trả đất đối lưu, với tổng diện tích 10.745,6m2 đất, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 8 tỷ đồng.
“Tôi tin tưởng vào cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng”.
Sai phạm về quản lý đất đai được phanh phui sau nhiều năm giống như một quả bom nổ giữa Canh Nậu. Người dân tin hơn vào “ông già công lý” Nguyễn Trung Dật.
Đáng mừng hơn nữa, tháng 2/2019, Văn phòng Chính Phủ đã có văn bản số 1219/VPCP.V.I gửi Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội để truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo kiểm sát chặt chẽ quá trình tiến hành tố tụng vụ án này để kết quả điều tra, truy tố, xét xử được nghiêm minh, các đối tượng có hành vi vi phạm phải bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.
Đặc biệt, với vi phạm xảy ra từ năm 2007, nhiều năm nay được ông Nguyễn Trung Dật tố cáo, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật và đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội từ đầu năm 2014 để giải quyết theo thẩm quyền, nhưng đến tháng 12/2017 mới ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra là chậm trễ. Do đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của đơn vị, cá nhân có liên quan…
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục tập trung chỉ đạo xử lý và chịu trách nhiệm về việc xử lý dứt điểm tất cả các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, kinh tế tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất theo đúng quy định của pháp luật, công khai kết quả để người dân biết, giám sát việc thực hiện, không để khiếu kiện kéo dài gây bức xúc ở địa phương.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình yêu cầu biểu dương ông Nguyễn Trung Dật đã có tinh thần, trách nhiệm trong việc đấu tranh chống tiêu cực liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, kinh tế tại địa phương. Giao Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét, có hình thức khen thưởng phù hợp với ông Nguyễn Trung Dật theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về khen thưởng người tố cáo, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

“Văn bản của Văn phòng Chính Phủ khiến một người dân bình thường như chúng tôi rất phấn khởi và càng có thêm niềm tin vào Đảng; có động lực trong cuộc đấu tranh chống tham ô, tham nhũng,” ông Dật khe khẽ cười.
Trong căn nhà nhỏ nằm giữa xã Canh Nậu của mình, từ nhiều năm nay, cựu binh Nguyễn Trung Dật đã lập ra một ban thờ vô cùng đặc biệt. Trên ban, bên cạnh ảnh của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn treo một câu đối cỡ lớn với 4 chữ: Cần – Kiệm – Liêm – Chính. Cứ ngày rằm và mùng 1, “ông lão đội đơn” ấy lại ăn mặc chỉnh tề, thắp lên ban thờ này những nén hương thơm ngát. Ông bảo: “Nhiều người cũng thắc mắc lắm nhưng tôi nghĩ cả đời mình đã là người lính, người Đảng viên; nên ngoài thờ cúng tổ tiên, tôi còn muốn thờ Cần – Kiệm – Liêm – Chính. Đối với tôi, thứ phần thưởng lớn nhất cho cuộc đấu tranh này không phải là những tấm bằng khen mà là sự chiến thắng của công lý, là sự trong sạch của Đảng và Nhà nước.”
Với ông, cuộc chiến đấu chống tham ô, tiêu cực và nhũng nhiễu không bao giờ đơn giản, bởi đó là cuộc chiến đấu “chống giặc nội xâm, chống lại các biểu hiện lệch lạc của chính những Đảng viên tha hóa, biến chất mà rất cần sự kiên trì, nhẫn nại.”
Và hành trình của ông lão Đôn Kihôtê Thạch Thất lại tiếp tục bắt đầu…
“Nhiều người cũng thắc mắc lắm nhưng tôi nghĩ cả đời mình đã là người lính, người Đảng viên nên ngoài thờ cúng tổ tiên, tôi còn muốn thờ Cần – Kiệm – Liêm – Chính. Đối với tôi, thứ phần thưởng lớn nhất cho cuộc đấu tranh này không phải là những tấm bằng khen mà là sự chiến thắng của công lý, là sự trong sạch của Đảng và Nhà nước.”