hoi_sinh_di_tich_xuong_cap

coverhoisi-1559119165-55.jpg

Nhắc tới di sản văn hóa vật thể ở Hà Nội là có thể kể tới 5.922 di tích, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 1 di sản tư liệu thế giới, 16 di tích quốc gia đặc biệt cùng hàng nghìn di tích cấp quốc gia và di tích cấp thành phố. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn tồn tại hơn 2.000 di tích xuống cấp, trong đó 507 di tích xuống cấp nặng, 220 di tích xuống cấp nghiêm trọng khiến thành phố Hà Nội đang loay hoay tìm nguồn lực để tu bổ, tôn tạo.

TTXVN giới thiệu chùm 3 bài viết về thực trạng, nguyên nhân cũng như hướng để “cứu” di tích bị xuống cấp ở Hà Nội.

Cột gỗ mối mọt, ngói xô lệch, thủng mái, tường bong tróc… là điều thường thấy ở nhiều di tích tại Hà Nội trải qua thời gian dài không được tu bổ, tôn tạo. Thực trạng này không chỉ gây nguy hại cho số phận của di sản mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân khi đến hành lễ.

Chông chênh di sản

Đến đình Vĩnh Phệ, xã Chu Minh, huyện Ba Vì mới thấy xót xa cho ngôi đình cổ có tuổi đời 400 năm đang dần bị hủy hoại bởi thời gian. Năm gian đình gần như không đứng vững bởi mái bị võng, ngói xô lệch nhìn thấu trời, các cấu kiện gỗ bong tróc, thậm chí nhiều chân cột gỗ đã bị tiêu tâm, khối xà trung gian bị gãy rơi xuống nền nhà.

Người dân trong vùng đã khắc phục bằng cách dùng rất nhiều cột gỗ chống đỡ tránh việc sập đổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhìn sự chông chênh của các cột gỗ ngổn ngang bên trong mới cảm thấy rõ sự tồn tại vô cùng mong manh của ngôi đình. Để tránh những hậu quả có thể xảy ra, những người quản lý đình đã đưa các đồ thờ tự ra ngoài để người dân hành lễ.

Ông Trần Viết Xơ, Phó Ban công tác Mặt trận thôn Vĩnh Phệ, cho biết từ 5-6 năm nay, đình xuống cấp nặng, thôn làng phải cùng nhau gia cố chống đỡ đình tránh việc sập đổ. Trong mùa mưa bão, nỗi lo càng nhân lên nhưng người dân không có cách nào khác bằng việc hạn chế bớt người vào trong đình, làm lễ phía ngoài. Vì đình là di tích quốc gia nên việc tu bổ không thể tự ý, hơn nữa nguồn kinh phí thực hiện tu bổ tương đối nhiều nên địa phương không có đủ nguồn lực.

Tương tự như vậy, di tích đình Thần Quy, xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên có tuổi đời gần 1.000 năm cũng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 2012, mái ngói chính giữa đình bị sụp đổ do mưa bão, tiếp đó đến mái ngói phía Bắc và phía Nam lần lượt bị sập xuống. Rui, kèo trên mái mục, các cột gỗ chống ở các góc đình cũng bị bở bục.

Đặc biệt, các gian thờ tan hoang, những mảnh gạch gói vương khắp nơi. Sân đình mỗi khi mưa xuống là ngập nước, cỏ dại đua nhau mọc.

Hệ thống tượng quý làm bằng đất tại chùa Báo Ân, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai đang bị hủy hoại bởi thời tiết và thời gian. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)
Hệ thống tượng quý làm bằng đất tại chùa Báo Ân, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai đang bị hủy hoại bởi thời tiết và thời gian. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Lo ngại đình sập ảnh hưởng đến tính mạng, từ 6-7 năm nay, người dân trong làng không dám vào trong làm lễ. Ngay cả khi tổ chức hội làng hay giỗ Thánh, dân làng chỉ tổ chức ngoài sân đình vì khu thờ tự không còn đảm bảo an toàn. Người dân thôn Thần Quy đang xót xa khi di tích ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, đình không còn là nơi thờ tự đúng nghĩa. Dù huyện Phú Xuyên cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quan tâm đến thực trạng ngôi đình nhưng đến nay do thủ tục tu bổ và nguồn vốn hỗ trợ còn nhiều vướng mắc nên di tích vẫn chưa được trùng tu.

Trên địa bàn huyện Quốc Oai có hơn 220 di tích các loại, trong đó 2 di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích được xếp hạng quốc gia, 61 di tích được xếp hạng cấp thành phố. Nhiều công trình kiến trúc và điêu khắc nổi tiếng từ thời Lê, thời Lý với hàng nghìn di vật, cổ vật có niên đại cách đây hàng nghìn năm đang được lưu giữ, trùng tu như chùa Thầy, đình So, đình Cấn, đình Ngọc Than, đình Phú Mỹ, chùa Lâm, chùa Cấn Thượng…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Vũ Hán, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quốc Oai, cho biết nhiều di tích trên địa bàn huyện xuống cấp nghiêm trọng. Ngay cả với di tích quốc gia cũng có tới gần 10 di tích xuống cấp. Dù người dân mong muốn được trùng tu, huyện đã cố gắng nhưng do nhiều yếu tố khách quan nên các di tích xuống cấp chưa được tu bổ kịp thời.

Nhiều hiện vật quý đang bị hủy hoại

Nằm ẩn trong khu vực dân cư đông đúc, chùa Báo Ân, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai được biết tới là ngôi chùa cổ được khởi dựng từ thế kỷ 17 cùng hệ thống 49 pho tượng làm bằng đất. Với những giá trị độc đáo này, chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1990.

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, ngôi chùa dường như bị lãng quên khi chính điện bị xuống cấp nghiêm trọng, tường vỡ lở, nứt toác, rễ cây xuyên từ ngoài vào bám chằng chịt phía trong tường, nền nhà ẩm thấp vì nước ứ đọng sau những trận mưa lớn.

Điều đáng nói là hệ thống tượng đất trong chùa đang bị hủy hoại bởi thời tiết và không được bảo quản tốt. Hầu hết các tượng bị bong tróc, có những pho tượng rụng cả đầu và tay chân trông nham nhở đến thảm hại. Sư trụ trì phải nhặt từng bộ phận rơi gãy cất đựng vào túi nylon để cất giữ tránh thất lạc. Tuy vậy, việc phục hồi nguyên trạng hoặc gần với nguyên trạng là điều vô cùng khó khăn bởi chất liệu đất khi vỡ vụn sẽ bị hao hụt, hơn nữa chất liệu gắn kết cũng không dễ tìm.

Vào trong chính điện, không ai tránh khỏi sự xót xa bởi sự lạnh lẽo, hiu quạnh và xuống cấp nghiêm trọng của ngôi chùa.

Nơi thờ tự tại đình Hà Vĩ trở thành nơi xếp đồ ngổn ngang. (Ảnh: Đinh  Thuận/Vietnam+)
Nơi thờ tự tại đình Hà Vĩ trở thành nơi xếp đồ ngổn ngang. (Ảnh: Đinh Thuận/Vietnam+)

Sư trụ trì Thích Đàm Trọng Nghĩa cho biết di tích này bị xuống cấp gần 10 năm nay. Sư trụ trì và người dân “kêu cứu” mãi, đến cuối năm 2018, Ủy ban Nhân dân thành phố có quyết định đầu tư tu bổ cấp thiết cho di tích nhưng tháng Tư vừa qua, chính quyền xã mới triển khai.

Tuy vậy, việc thi công gián đoạn và công tác bảo vệ di vật sơ sài khiến người dân lo lắng. Với tiến độ này, có thể mất thời gian rất lâu công trình mới hoàn thành. Còn việc tu bổ, tôn tạo tổng thể di tích sẽ là chặng đường rất gian nan. Trong khi đó, nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân vẫn rất cần, hơn nữa họ cũng mong muốn giữ được di sản và các hiện vật bên trong.

Tại nhiều di tích khác ở Hà Nội cũng tồn tại tình trạng di tích xuống cấp, hiện vật cũng ảnh hưởng theo. Bởi thực tế, mái, tường di tích dột nát, bong tróc nên nắng mưa xối vào, hiện vật không được bảo quản tốt nên cũng bị xuống cấp theo. Đó là chưa kể tới việc mất trộm, thất lạc hiện vật quý trong các di tích khi hệ thống cửa, tường bao lỏng lẻo.

Đánh giá về công tác bảo quản các hiện vật trong di tích, nhất là di tích xuống cấp, ông Vũ Hồng Hải, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phúc Thọ nói vui nhưng đúng với thực trạng ở nhiều nơi: “Lên chùa thấy Phật đội nón, sang đình thấy Thánh chống gậy.”

Dù người dân mong chờ, dù ngành văn hóa và chính quyền địa phương đều biết rõ thực trạng này nhưng hàng chục năm qua, các di tích vẫn tiếp tục xuống cấp./.

Bài toán khó về nguồn lực

Di tích xuống cấp được giải thích do có niên đại xây dựng sớm, vật liệu chủ yếu là gỗ nên thời tiết, côn trùng xâm thực, một phần do không gian di tích bị chiếm dụng vào với mục đích khác. Nhưng vấn đề đáng nói, trước tình trạng di tích xuống cấp việc tu bổ, trùng tu lại chưa kịp thời, bởi lẽ nguồn lực luôn là bài toán khó.

Nguồn kinh phí còn thấp

Từ nhiều năm nay, thành phố Hà Nội thực hiện việc phân cấp quản lý di tích, trong đó thành phố trực tiếp quản lý 10 di tích tiêu biểu, các di tích còn lại phân cấp quản lý cho các quận, huyện, thị xã. Cũng từ đó, ngân sách thành phố đầu tư cho các di tích quốc gia đặc biệt, di tích cách mạng kháng chiến và hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quốc gia do cấp huyện quản lý.

Ngân sách cấp huyện đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích còn lại trên địa bàn và đối ứng cùng ngân sách thành phố đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quốc gia do cấp huyện quản lý. Tuy nhiên, do số lượng di tích xuống cấp lớn, nhiều địa phương không cân đối được ngân sách và không có nguồn lực cho việc này.

Đây chính là mấu chốt dẫn đến tình trạng hàng nghìn di tích xuống cấp nhiều năm qua nhưng chưa được tu bổ kịp thời. Chỉ tính trung bình mỗi di tích cần khoảng 10 tỷ đồng để trùng tu thì tổng kinh phí thực hiện trùng tu hơn 2.000 di tích xuống cấp là con số khổng lồ.

Trung bình mỗi di tích cần khoảng 10 tỷ đồng để trùng tu thì tổng kinh phí thực hiện trùng tu hơn 2.000 di tích xuống cấp là con số khổng lồ

Với số tiền lớn như vậy, thành phố không thể gánh nổi cùng một lúc và ngay cả việc xây dựng kế hoạch tu bổ theo từng giai đoạn khác nhau cũng vô cùng khó khăn. Vì vậy, với các di tích do cấp quận, huyện, thị xã quản lý thì các địa phương tự cân đối vốn đầu tư, thành phố chỉ hỗ trợ một phần kinh phí.

Tuy nhiên, với khoản kinh phí quận, huyện, thị xã đầu tư cũng trở thành sức ép cho địa phương. Mặc dù đã được Ủy ban Nhân dân thành phố có cơ chế hỗ trợ các di tích quốc gia như tại Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND nhưng phần lớn các địa phương còn nhiều khó khăn trong việc bố trí kinh phí thực hiện. Với các quận nội thành Hà Nội do có nguồn thu ngân sách lớn nên việc đầu tư, tu bổ di tích xuống cấp tương đối thuận lợi. Ngược lại, các huyện ngoại thành không có nhiều kinh phí cho việc tu bổ di tích, do vậy khu vực này còn tồn tại rất nhiều di tích xuống cấp.

Hệ thống tượng quý làm bằng đất tại chùa Báo Ân, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai đang bị hủy hoại bởi thời tiết và thời gian. (Ảnh: Đinh Thuận/Vietnam+)
Hệ thống tượng quý làm bằng đất tại chùa Báo Ân, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai đang bị hủy hoại bởi thời tiết và thời gian. (Ảnh: Đinh Thuận/Vietnam+)

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Ứng Hòa cho biết số lượng di tích của huyện nhiều, đứng thứ hai thành phố sau huyện Phú Xuyên nhưng phần lớn di tích đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Thành phố và huyện tuy có ngân sách đầu tư tôn tạo, sửa chữa song không đáng kể so với nhu cầu cần tu bổ.

Là người nhiều năm gắn bó với văn hóa Hà Nội, tiến sỹ Nguyễn Viết Chức – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long, cho rằng hàng ngàn di tích ở Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ đổ vỡ, cần phải chống xuống cấp kịp thời nhưng phụ thuộc vào kinh phí. Trong nhiều năm, việc đầu tư chống xuống cấp di tích rất hạn chế, không đáp ứng yêu cầu thực tế; do vậy di tích đã xuống cấp càng xuống cấp nghiêm trọng. Khi đó, yêu cầu tài chính càng lớn hơn, càng dẫn tới bất cập trong thủ tục phê duyệt và triển khai dự án.

Trong những năm qua, thành phố cũng có những đầu tư nhất định trong việc trùng tu, tu bổ di tích. Trong giai đoạn từ năm 2012 đến giữa năm 2017, có trên 200 lượt di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội được tu bổ, tôn tạo.

Tầng dưới của đình Trung Yên có các hộ gia đình sinh sống, lối lên nhỏ hẹp.  (Ảnh: Đinh Thuận/Vietnam+)  
Tầng dưới của đình Trung Yên có các hộ gia đình sinh sống, lối lên nhỏ hẹp. (Ảnh: Đinh Thuận/Vietnam+)  

Ngoài ra, năm 2018, thành phố còn cấp bổ sung kinh phí cho các huyện, thị xã thực hiện tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp cho 50 di tích đã được xếp hạng. Nhưng với 220 di tích xuống cấp nghiêm trọng và 507 di tích xuống cấp nặng và hàng trăm di tích khác đang xuống cấp thì nguồn kinh phí của thành phố chi trả là chưa nhiều.

Nhận thức về di sản văn hóa chưa cao

Nếu chỉ nói rằng nguồn kinh phí thiếu khiến việc tu bổ di tích chưa kịp thời, các di tích đã xuống cấp lại càng xuống cấp hơn thì điều đó đúng nhưng chưa đầy đủ. Ngoài yếu tố khách quan do thời gian khiến di tích xuống cấp, cần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề nhận thức về di sản văn hóa và việc bảo vệ di sản văn hóa trong cộng đồng dân cư chưa cao.

Thậm chí, một số tổ chức, cá nhân được giao trông coi di tích cũng tồn tại thực trạng này. Điều đó có thể lý giải tại sao tình trạng vi phạm, xâm hại di tích chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và đây cũng là yếu tố tác động đến sự xuống cấp của các di tích.

Tại đình Hà Vĩ, phố Hàng Hòm, phường Hàng Gai trong khu phố cổ Hà Nội, khuôn viên ngôi đình bị chiếm dụng để xây dựng nhà ở của 4 hộ dân cũng như đồ đạc của cửa hàng kinh doanh phía trước bày ngổn ngang. Cổng vào đình bị các hộ dân xây dựng chiếm gần hết lối đi, thậm chí có hộ xây nhà vệ sinh ngay sát đình.

Tương tự, đình Trung Yên ở ngõ Trung Yên, phường Hàng Bạc cũng rơi vào tình trạng này khi nơi thờ tự phải đưa lên gác hai, phía dưới là hai hộ gia đình với gần chục khẩu đang sinh sống.

Thực tế, do điều kiện đất đai chật chội nên đối với các di tích trong các quận nội thành Hà Nội, còn có tình trạng vi phạm di tích làm ảnh hưởng lớn đến không gian, kiến trúc đình, chùa. Quá trình vi phạm di tích diễn ra nhiều nhất vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ 20 và nguyên nhân được lý giải do những người ở trong di tích từ ngày giải phóng Thủ đô (1954), người đi kinh tế mới trở về vào thập niên 60, người dân bãi chạy lũ lụt vào ở nhờ di tích và nhiều nguyên nhân khác.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực quản lý di tích các cấp còn mỏng, thiếu kinh nghiệm, còn chưa xứng với yêu cầu thực tiễn. Hiện nay, Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện là đơn vị tham mưu về công tác quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn; cán bộ tham gia quản lý di tích chỉ có một người vừa phải kiêm nhiệm các lĩnh vực, công việc khác của phòng, thậm chí còn kiêm nhiệm quản lý di tích. Chính lý do này khiến các cơ quan quản lý chưa nắm bắt kịp thời các hoạt động tại di tích và chưa chủ động đề ra các giải pháp để khắc phục những tồn tại, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý./.

Đường vào Đình Hà Vĩ khó khăn do hai hộ dân xây dựng sát lối đi. (Ảnh: Đinh Thuận/Vietnam+)  
Đường vào Đình Hà Vĩ khó khăn do hai hộ dân xây dựng sát lối đi. (Ảnh: Đinh Thuận/Vietnam+)  

Xã hội hóa và lộ trình ‘cứu’ di tích

Hằng năm, thành phố Hà Nội dành một khoản kinh phí thuộc ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích, phần khác thuộc nguồn thu từ các hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, nguồn lực này chưa đủ để trùng tu, tôn tạo hàng nghìn di tích xuống cấp. Lối ra cho bài toán này được tính đến là đẩy mạnh huy động xã hội hóa, đồng thời có lộ trình tu bổ, tôn tạo di tích một cách hợp lý, khoa học.

Tăng cường xã hội hóa

Đến đình-đền Đông Hạ ở ngõ Huế, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng mới cảm nhận hết sự khang trang của di tích được tu bổ, tôn tạo chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa. Ngôi đền ba gian với tam quan đủ ba cửa mở ra ngõ Huế. Từ tiền tế, công trình phụ trợ đều được tu bổ đồng bộ, tạo diện mạo mới trên cơ sở đảm bảo các giá trị gốc.

Cũng như vậy, chùa Liên Phái nằm trong ngõ Liên Phái, phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng cũng tiêu biểu trong việc thực hiện tốt công tác xã hội hóa trùng tu di tích. Kiến trúc di tích, hồ nước, sân vườn được đầu tư tôn tạo hài hòa với không gian chung. Hơn nữa, trước khi trùng tu, nhà chùa phối hợp cùng địa phương di chuyển hàng chục hộ dân ra khỏi khuôn viên di tích hoàn trả lại không gian di tích.

Đây là hai trong rất nhiều di tích trên địa bàn Hà Nội thực hiện theo phương thức xã hội hóa khi mà nguồn kinh phí của thành phố chưa đáp ứng kịp thời cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Những năm qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã làm tốt công tác xã hội hóa, thu hút được sự đóng góp lớn từ các tổ chức, cá nhân. Hầu hết kinh phí cho việc đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích là kết hợp giữa nguồn ngân sách của thành phố, quận, huyện, thị xã với nguồn xã hội hóa trong nhân dân.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích được người dân quan tâm thông qua hình thức như đóng góp bằng tiền, hiện vật, vật tư và công sức. Tổng kinh phí xã hội hóa từ năm 2012 đến nay đạt từ 1.200 tỷ đồng đến gần 1.500 tỷ đồng. Các di tích tu bổ bằng nguồn xã hội hóa phần lớn do đơn vị tư vấn (hoặc đơn vị thi công) lập dự án, chủ trì triển khai các thủ tục, chính quyền và cơ quan chuyên môn tham gia hướng dẫn.

Tổng kinh phí xã hội hóa từ năm 2012 đến nay đạt từ 1.200 tỷ đồng đến gần 1.500 tỷ đồng

Sau khi có giấy phép hoặc quyết định phê duyệt thì việc triển khai và giám sát hầu như do Ban quản lý di tích thực hiện. Đến nay, rất nhiều di tích được tu bổ từ nguồn xã hội hóa, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa Thủ đô.

Điều này cũng mở hướng cho công tác tu bổ di tích xuống cấp tại Hà Nội hiện nay bằng hình thức đẩy mạnh huy động nguồn lực từ xã hội hóa khi ngân sách nhà nước chưa đáp ứng kịp thời. Theo quy định của Luật Di sản Văn hóa, nguồn xã hội hóa là một trong những nguồn lực tài chính để thực hiện bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Do vậy, các cấp chính quyền có trách nhiệm bố trí kinh phí từ các nguồn lực, vận động, tuyên truyền nhân dân đóng góp để bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa trên địa bàn theo phân cấp quản lý.

Ưu tiên cho di tích bị xuống cấp nặng

Mặc dù nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích những năm gần đây được quan tâm hơn trước nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu tu bổ, tôn tạo của các di tích xuống cấp.

Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, các cấp từ cơ quan quản lý chuyên môn đến địa phương cần tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tại Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 1/6/2017 về việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích văn hóa, quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trước tiên, các địa phương rà soát, phối hợp với các ngành liên quan lập kế hoạch phân loại những di tích xuống cấp theo từng cấp độ, thực hiện việc chống xuống cấp tại những di tích xuống cấp nặng có nguy cơ sập đổ theo phân cấp của thành phố.

Tường và hệ thống tượng tại chùa Báo Ân, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh: Đinh Thuận/Vietnam+)
Tường và hệ thống tượng tại chùa Báo Ân, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh: Đinh Thuận/Vietnam+)

Các địa phương xây dựng kế hoạch tu bổ di tích, đảm bảo việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy tối đa giá trị văn hóa của di tích thuộc trách nhiệm quản lý trên địa bàn, trong đó xác định danh mục đầu tư, kinh phí đầu tư và lộ trình thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích phục vụ phát triển du lịch, đồng thời, xác định danh mục các di tích xuống cấp theo thứ tự ưu tiên và xây dựng kế hoạch đầu tư kinh phí và huy động xã hội hóa để tu bổ di tích đến năm 2030, trước mắt ưu tiên cho di tích bị xuống cấp nặng, có nguy cơ sập đổ, không đảm bảo an toàn.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đề nghị các địa phương có phương án chống đổ, chống sập cho di tích tại những khu vực nguy hiểm, làm biển thông báo khu vực nguy hiểm ở vị trí phù hợp, bảo vệ, bảo quản hiện vật trong di tích, đảm bảo an toàn, tránh tình trạng thất lạc, mất mát, hư hỏng.

Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng các di tích lịch sử cũng như di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia

Giáo sư, tiến sỹ Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, cho rằng Hà Nội cần tăng cường đầu tư kinh phí, đồng thời mở rộng việc huy động các nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Hơn nữa, để làm tốt công tác tu bổ di tích, cần xây dựng đội ngũ cán bộ có kiến thức tổng hợp, kinh nghiệm thực tế và có sự phối hợp của nhiều cấp ngành liên quan. Công tác tu bổ di tích mang tính đặc thù trong việc bảo tồn yếu tố gốc của di tích, do vậy rất cần có đội ngũ cán bộ, thợ lành nghề trong việc triển khai thực hiện.

Hà Nội được mệnh danh là Thành phố di sản văn hóa khi dẫn đầu cả nước về số lượng các di tích lịch sử cũng như di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia. Để khẳng định di sản văn hóa là một trong những nguồn lực nền tảng cho việc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội toàn thành phố, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích cần phải đặt đúng vị trí với sự quan tâm đúng mức./.

Đình Đông Thành (Hoàn Kiếm) được trùng tu sau khi di chuyển các hộ dân. (Ảnh: Đinh Thuận/Vietnam+)
Đình Đông Thành (Hoàn Kiếm) được trùng tu sau khi di chuyển các hộ dân. (Ảnh: Đinh Thuận/Vietnam+)