Khắc họa chân dung Người

bacho17052-1558145033-91.jpg

“Người là Lãnh tụ, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới nhưng Người cũng là Cha, là Bác, là Anh trong trái tim triệu triệu người dân Việt Nam.”

“Viết về Người là niềm tự hào nhưng cũng là thử thách lớn với bất cứ nghệ sỹ nào,” nhạc sỹ Phạm Tuyên nhấp một ngụm trà và chia sẻ…

Vẫn với dáng vẻ nhẹ nhàng, chất giọng nhỏ nhẹ, người nhạc sỹ đáng kính chậm rãi lần giở những trang ký ức, ngược thời gian trở lại những hoài niệm sâu lắng về thời điểm viết nên những bài ca về Bác.

Gia tài âm nhạc đồ sộ (với hơn 700 ca khúc) của nhạc sỹ Phạm Tuyên là hành trình cuộc đời, chân dung một con người tài hoa từ những năm tháng hồn nhiên, tươi trẻ đến giai đoạn trưởng thành, sống với những lý tưởng đẹp đẽ.

Bên cạnh những bài hát thiếu nhi tươi vui, những ca khúc cách sục sôi khí thế đấu tranh, nhạc sỹ Phạm Tuyên còn tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng nhiều thế hệ bằng những nhạc phẩm về vị Cha già của dân tộc: “Từ làng Sen,” “Suối Lênin,” “Việt Bắc nhớ Bác Hồ,” “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng,” “Ngày thống nhất Bác đi thăm”…

Tháng 12/1920, tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua, Người thanh niên Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) cùng các đồng chí khác thông qua Nghị quyết thành lập Đảng Cộng sản Pháp và ra nhập Quốc tế thứ ba. Từ năm 1917, Nguyễn Ái Quốc trở về Pháp, sống ở Paris, tham gia những hoạt động của Đảng xã hội Pháp và hoạt động của những người yêu nước Việt Nam tại Pháp. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Tháng 12/1920, tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua, Người thanh niên Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) cùng các đồng chí khác thông qua Nghị quyết thành lập Đảng Cộng sản Pháp và ra nhập Quốc tế thứ ba. Từ năm 1917, Nguyễn Ái Quốc trở về Pháp, sống ở Paris, tham gia những hoạt động của Đảng xã hội Pháp và hoạt động của những người yêu nước Việt Nam tại Pháp. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

CHỌN LỐI ĐI RIÊNG

– Thưa nhạc sỹ, mỗi khi viết về Bác, cảm xúc của ông thế nào?

Nhạc sỹ Phạm Tuyên:  Đến bây giờ, tôi vẫn thấy bồi hồi, xúc động mỗi khi nhớ về Bác và những lần ngồi bên khuông nhạc, viết ca khúc về Người. Với Bác, tôi không chỉ có sự thành kính, ngưỡng vọng mà còn cả biết ơn, cảm phục. Thế nhưng, khi viết về Người, tôi lại không muốn chỉ đi theo hướng ngợi ca lãnh tụ với những hy sinh quên mình vì dân tộc. Với hàng triệu con dân đất Việt, “Người là Cha, là Bác, là Anh” với sự giản dị, trái tim ấm áp và tấm lòng bao dung.

“Khi viết về Bác, tôi tập trung tái hiện chân dung một con người kết tinh những phẩm chất đẹp đẽ của dân tộc nhưng cũng rất gần gũi, bình dị.”

Bởi vậy, khi viết về Bác, tôi tập trung tái hiện chân dung một con người kết tinh những phẩm chất đẹp đẽ của dân tộc nhưng cũng rất gần gũi, bình dị.

Tôi nung nấu ý tưởng viết bài hát về Người từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng đã không làm được. Dù tôi được nghe nhiều câu chuyện về Bác, đọc tư liệu về quê hương, gia đình cũng như quá trình hoạt động cách mạng của Người nhưng thời điểm đó, lời ca chưa thể bật ra được. Tôi luôn canh cánh về điều đó và coi đó như “món nợ” cuộc đời.

Đoàn học sinh Trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1956). (Ảnh: TTXVN)
Đoàn học sinh Trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1956). (Ảnh: TTXVN)

Sau Ngày Giải phóng Thủ đô, tôi có dịp đưa đoàn văn nghệ thiếu nhi tới biểu diễn trong một chương trình nghệ thuật có sự tham dự của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên được dáng vẻ gần gũi, ánh nhìn trìu mến của Bác khi hướng về các cháu thiếu niên, nhi đồng đang biểu diễn và những người xung quanh.

Sau này, mỗi khi viết về Bác, hình ảnh giản dị ấy của Người lại trở đi trở lại tâm trí tôi, tạo thành mạch cảm xúc thống nhất.

– Trong nhiều ca khúc (như “Từ làng Sen,” “Suối Lênin”), nhạc sỹ đã khai thác chất liệu âm nhạc truyền thống khi kể những câu chuyện về Người. Điều này có xuất phát từ lý do đặc biệt nào không, thưa ông?

Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Tôi vẫn tâm niệm, những làn điệu dân ca truyền thống của mỗi vùng miền là tiếng lòng, tâm tình của người dân địa phương. Bởi thế, khi viết những câu chuyện bằng âm nhạc về Người gắn với những địa danh cụ thể, tôi cố gắng khai thác chất liệu âm nhạc truyền thống của nơi ấy.


“Khi viết những câu chuyện bằng âm nhạc về Bác gắn với địa danh cụ thể, tôi cố gắng khai thác chất liệu âm nhạc truyền thống của nơi ấy.”

Theo đó, khi sáng tác “Từ làng Sen” (với câu chuyện về một người trai trẻ ra đi “tìm hình của nước”), tôi sử dụng chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh. Đến “Suối Lênin,” để người nghe hình dung, cảm nhận rõ hơn về hình ảnh Bác sống chan hòa, giản dị giữa không gian núi rừng Việt Bắc cũng như tình cảm của đồng bào nơi đây với Người, tôi khai thác chất liệu Then của đồng bào Tày, Nùng.

Tựu chung, dù khai thác chất liệu, thể thức nào, điều tôi muốn gửi gắm, chuyển tải trong những nhạc phẩm của mình vẫn là chân dung một lãnh tụ vĩ đại nhưng vô cùng giản dị, gần gũi.

Ngày 5/6/1911, tại cảng Sài Gòn, trên con tàu Amiral Tatouche Tréville, Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh), với ý chí mãnh liệt, lòng yêu thương dân tộc sâu sắc đã quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin là Học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngày 5/6/1911, tại cảng Sài Gòn, trên con tàu Amiral Tatouche Tréville, Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh), với ý chí mãnh liệt, lòng yêu thương dân tộc sâu sắc đã quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin là Học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

TRẢ “MÓN NỢ” CUỘC ĐỜI

– Trong số những ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh của mình, ông cảm thấy tâm đắc nhất với ca khúc nào, thưa nhạc sỹ?

Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Mỗi ca khúc đều là đứa con tinh thần của tôi và tôi đều viết bằng cảm xúc chân thật, sự thành kính đối với Bác. Mỗi bài hát cũng ghi dấu những kỷ niệm riêng trong hành trình âm nhạc của tôi. Tôi trân trọng và tự hào về tất cả những bài hát ấy, đặc biệt là khi chúng vẫn luôn đi cùng năm tháng, được nhiều thế hệ nghệ sỹ trình diễn và công chúng đón nhận.

Trong đó, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” là bài hát tôi tâm đắc nhất. Nhiều người vẫn gọi đó là tiếng reo vui trong ngày đại thắng của dân tộc. Bài hát được sáng tác trong vẻn vẹn hai giờ đồng hồ nhưng nó như cộng dồn trong đó cả cuộc đời tôi.

Nhạc sỹ Phạm Tuyên. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)
Nhạc sỹ Phạm Tuyên. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

Sau khi hoàn thành, tôi có cảm giác lâng lâng rất khó tả, vừa vui sướng vừa xúc động, thấy nhẹ nhõm, thanh thản như trút được một gánh nặng, trả được món nợ đời người!

– Ý tưởng về khúc hoan ca ngày chiến thắng ấy đến với ông như thế nào, thưa nhạc sỹ?

Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Đó là buổi tối 28/4/1975. Tôi nghe tin phi công Nguyễn Thành Trung dẫn đầu một phi đội, cất cánh từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) hướng thẳng về Sài Gòn, ném bon sân bay Tân Sơn Nhất, làm đảo lộn nhiều kế hoạch quan trọng của quân đội Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Lúc này, tôi nghĩ, quân ta đã đánh được vào Tân Sơn Nhất tức là ngày giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã cận kề.

Trong đầu tôi bỗng liên tưởng tới bài thơ chúc Tết năm 1969 của Bác Hồ: “Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sỹ, đồng bào/ Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!” Cảm xúc hân hoan, hồi hộp chờ mong như luồng điện chạy dọc cơ thể tôi.

“Sau khi hoàn thành bài hát ‘Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng,’ tôi thấy mình như trả được ‘món nợ’ cuộc đời.”

Thời kỳ đó, tôi đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, phụ trách biên tập âm nhạc. Lãnh đạo cao nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam khi đó – đồng chí Trần Lâm đã giao nhiệm vụ từ khoảng một tuần trước đó. Đồng chí nói, sắp tới, chiến sỹ, đồng bào ta chắn chắn giành thắng lợi vang dội, đánh dấu bước chuyển mình vĩ đại của lịch sử dân tộc. Bởi vậy, anh em văn nghệ sỹ phải có những tác phẩm mới hoành tráng để chào mừng chiến công.

Nghe chỉ thị của cấp trên, tôi thấy mừng vui, háo hức, sục sôi khí thế lắm và tự nhủ, mình phải sáng tác một bản hợp xướng bốn chương thật khí thế. Bản hợp xướng ấy sẽ theo lớp lang: Miền Bắc lũy thép – Miền Nam thành đồng – Việt Nam – Ngày vui chiến thắng.

Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng (ngày 15/5/1975). (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng (ngày 15/5/1975). (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Dự định là thế nhưng sau khi nghe tin chiến công đánh sân bay Tân Sơn Nhất của phi công Nguyễn Thành Trung và đồng đội, tôi cảm thấy như có một sự giục giã mình phải viết ngay một cái gì đó, nếu chần chừ, do dự sẽ không kịp!

Cảm hứng bỗng dưng tuôn trào, sục sôi trong lòng. Ý tứ, giai điệu, lời ca cứ thế tuôn ra tự nhiên, ào ạt. Tôi gấp rút ghi lại vì sợ rằng, nếu không nhanh, mọi thứ sẽ vụt mất, tan biến. Tôi viết “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” một mạch từ khoảng 9 giờ tối 28/4 và sau khoảng hai tiếng thì bài hát hoàn thành. Tôi không sửa chữa câu chữ, nốt nhạc nào. Tôi muốn cảm xúc được thể hiện vẹn nguyên, tươi rói.

– Khi ông giới thiệu ca khúc này lần đầu tiên, người nghe đón nhận thế nào, thưa nhạc sỹ?

Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Tôi cũng có đôi chút bất ngờ, hẫng hụt khi bản thân mình say sưa với giai điệu của “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” thì có một số ý kiến của thành viên ban biên tập Đài cho rằng, bài hát ngợi ca một chiến công huy hoàng, vĩ đại của dân tộc nhưng lại có dáng dấp giống một ca khúc thiếu nhi.

Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)

Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)

Thế nhưng, khi ấy, có một tình huống bất ngờ xảy ra. Cấp trên yêu cầu có một ca khúc mới để phát trên sóng phát thanh sau tin bản tin tuyên bố cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất. Thời điểm ấy, chúng ta không thể hát “tiến về Sài Gòn” được nữa vì bối cảnh đã không còn phù hợp, Sài Gòn đã được giải phóng.

Đúng lúc ấy, ông Trần Lâm nghe thấy tôi lẩm nhẩm hát: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay thành chiến thắng huy hoàng/ Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông/ Ba mươi năm dân chủ cộng hòa, kháng chiến đã thành công…” Ông ấy tiến lại gần, vỗ vai tôi, giọng đầy phấn khích: “Đây rồi, bài này phù hợp để phát rồi, không cần bài nào to tát hơn nữa đâu!”

Khi cầm bản nhạc trên tay, từ người chơi đàn, người lĩnh xướng đến người chỉ huy, người hát bè đều rưng rưng, nghẹn ngào.

Từ đầu giờ chiều 30/4/1975, tất cả anh em nghệ sỹ, cán bộ liên quan của Đài Tiếng nói Việt Nam được huy động để thu âm ca khúc này. Khi cầm bản nhạc trên tay, từ người chơi đàn, người lĩnh xướng đến người chỉ huy, người hát bè đều rưng rưng, nghẹn ngào. Họ đã khóc – những giọt nước mắt hạnh phúc, vui sướng dâng trào khi chấm dứt những ngày chia cắt, non sông thu về một mối.

Tôi đã lặng đi khi chứng kiến buổi thu âm đặc biệt ấy. Ngay sau đó, bài hát được phát đi, vang khắp mọi ngõ phố, con đường. Trong ngày vui đại thắng, hàng triệu con dân Việt như thấy bóng dáng vị Cha già đáng kính bên mình.

– Trân trọng cảm ơn nhạc sỹ./.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp.