Mạng di động 5G

son9721-1557492682-5.jpg

Các chuyên gia cho rằng, để không bị ‘lỗi nhịp’ trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, các quốc gia cần phải phát phát triển một hạ tầng số hiện đại. Trong đó, mạng di động 5G sẽ chính là xương sống kết nối hạ tầng ấy.

5G siêu tốc độ, nhanh hơn 20 – 30 lần so với 4G, là độ trễ vô cùng thấp, là kết nối được hàng nghìn tỷ thiết bị, chuyển tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo, thay đổi cơ bản cuộc sống loài người khi vạn vật được kết nối. Theo dự báo, trên thế giới, 5G sẽ tạo ra thêm 20 triệu việc làm mới và giá trị kinh tế 12.000 tỷ USD vào năm 2035.

Tại Việt Nam, vào ngày 10/5, Viettel đã chính thức “nổ phát súng” đầu tiên với việc thực hiện thành công cuộc gọi 5G, đánh dấu sự kiện “chuyến tàu 5G” lăn bánh với nhiều kỳ vọng…

‘Đường đến 5G’

Ngày 10/5 đánh dấu một thời khắc lịch sử quan trọng của Viettel khi thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngày 10/5 đánh dấu một thời khắc lịch sử quan trọng của Viettel khi thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo ông Hà Minh Tuấn – Phó tổng giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel, vào năm 1991, Radiolinja là mạng di động đầu tiên triển khai 2G GSM cho thương mại và tới năm 1993, Việt Nam có cuộc gọi 2G đầu tiên. Khi Viettel thương mại hóa 2G vào năm 2004, thì thế giới đã có 453 mạng 2G ở 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Với 3G, năm 2001, nhà mạng NTT Docomo lần đầu tiên đưa vào thương mại thì tới 2009 Việt Nam mới có cuộc gọi 3G đầu tiên. Trong khi đó, với 4G, mạng đi đầu là TeliaSonera vào năm 2009 tại Na Uy và Thụy Điển thì tới 2011, Việt Nam mới có cuộc gọi 4G đầu tiên. Và với Viettel, nhà mạng này triển khai 4G vào năm 2017 khi thế giới đã có 608 mạng ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Từ 2G đến 5G, một tương lai hoàn toàn mới sắp diễn ra. (Video: Viettel)

Với việc cuộc gọi 5G đầu tiên thành công ở Việt Nam được thực hiện, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào khẳng định, sự kiện đánh dấu Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất mạng 5G trên thế giới. Và, đây là lần đầu tiên Việt Nam có thể đi cùng với thế giới trong làm chủ và ứng dụng công nghệ mới nhất.

“Bằng việc sớm mang các dịch vụ 5G đến Việt Nam, Viettel và Ericsson đang xây dựng nền tảng đổi mới sáng tạo cho Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần tạo nên làn sóng phát triển kinh tế xã hội mới. 5G sẽ là cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng, tạo động lực và cho phép Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) về công nghệ cao để đạt được nhiều thành tựu lớn ở phạm vi toàn cầu,” ông Denis Brunetti nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao nỗ lực triển khai, làm chủ công nghệ của Viettel chỉ trong thời gian ngắn kể từ ngày nhận giấy phép.

Thử nghiệm 5G năm 2019 và triển khai thương mại năm 2020 là một tuyên bố của ngành ICT Việt Nam về việc từ nay chúng ta sẽ không tiếp tục đi sau mà sẽ cùng nhịp với các nước đầu tiên trên thế giới.

“Thử nghiệm 5G năm 2019 và triển khai thương mại năm 2020 là một tuyên bố của ngành ICT Việt Nam về việc từ nay chúng ta sẽ không tiếp tục đi sau mà sẽ cùng nhịp với các nước đầu tiên trên thế giới. ICT là nền tảng thúc đẩy Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong mọi lĩnh vực, bởi vậy phải đi trước, phải được đầu tư trước. Bộ Thông tin và Truyền thông khi cấp phép cho các doanh nghiệp đã giao các nhiệm vụ về thử nghiệm công nghệ 5G ở khu vực tần số cao. Ngày 10/5, chỉ chưa đến 4 tháng sau khi cấp phép, Viettel đã thử nghiệm 5G và cũng đồng thời báo cáo bước đầu thực hiện những nhiệm vụ đánh giá công nghệ 5G giúp cho chúng ta có thêm thông tin để có thể quyết định đúng đắn triển khai mạng 5G trên diện rộng” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét.

  • screenshot-1557493385-99.png
  • screenshot-1557493394-42.png
  • screenshot-1557493401-28.png

Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng, sự kiện khẳng định khả năng làm chủ và triển khai những công nghệ mới nhất của Viettel, ghi tên Việt Nam vào danh sách những quốc gia thử nghiệm thành công 5G sớm trên thế giới, khẳng định Việt Nam đang đồng hành với thế giới trong xu hướng công nghệ tiên tiến nhất.

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thực hiện cấp phép triển khai thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông 5G cho MobiFone. Trong thời gian tới, nhà mạng này sẽ triển khai thử nghiệm 5G tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Triển khai thế nào?

Việc sớm triển khai 5G tại Việt Nam là cơ hội to lớn về dịch vụ kết nối, cơ hội để thay đổi thứ hạng viễn thông mà còn là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp Viễn thông – Công nghệ thông tin nước nhà.

Với nhu cầu rất lớn về thiết bị mạng lưới và đặc biệt lớn về thiết bị đầu cuối, nhu cầu mang tính quyết định của an toàn, an ninh mạng về ứng dụng… sẽ tạo ra một thị trường vô hạn cho các công ty công nghệ Việt Nam.

Tại buổi thử nghiệm, ‘5G của Viettel’ đã cho kết quả rất tốt khi tốc độ kết nối với thiết bị đầu cuối đạt từ từ 1,5 – 1,7 Gbps – tương đương với tốc độ của cáp quang thương mại.

Viettel là một trong những nhà mạng đầu tiên triển khai 5G trên thế giới. (Nguồn: Viettel)
Viettel là một trong những nhà mạng đầu tiên triển khai 5G trên thế giới. (Nguồn: Viettel)

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, thử nghiệm 5G của Viettel tập trung vào việc làm thế nào để nâng cao chất lượng mạng di động băng rộng trên toàn quốc và chỉ rõ vai trò của 5G trong mạng di động băng rộng.

Theo ông Hùng, một trong những ứng dụng quan trọng giai đoạn đầu của 5G là nhà máy thông minh, là khu công nghệ cao. Ở đó rất nhiều công nghệ mới sử dụng 5G đang được thử nghiệm. Viettel và các nhà mạng khác phải sớm thử nghiệm để năm 2020 phủ sóng 5G toàn bộ các khu công nghệ cao, các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các nhà máy sản xuất thông minh,…

Viettel và các nhà mạng phải sớm thử nghiệm để năm 2020 phủ sóng 5G toàn bộ các khu công nghệ cao, các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các nhà máy sản xuất thông minh…

Riêng với Viettel, theo lộ trình năm 2019 thực hiện cuộc gọi đầu tiên và thử nghiệm diện hẹp; năm 2020 sẽ triển khai thương mại hóa tới các thành phố lớn; triển khai thương mại hóa trên 63 tỉnh, thành phố…

Ông Tào Đức Thắng – Phó Tổng Giám đốc Viettel chia sẻ thêm, từ năm 2020 – 2021, Viettel sẽ tập trung phủ sóng 5G nơi có lưu lượng cao, nơi có nhu cầu internet mà không triển khai cáp quang được. Viettel cũng sẽ triển khai các dịch vụ gia tăng trên 5G như kết nối vạn vật và rất mong có sự tham gia của các nhà cung cấp thứ cấp (như nhà cung cấp dịch vụ bãi đỗ xe, môi trường…) trong việc sử dụng các thiết bị IoT 5G kết nối. Bên cạnh đó, các dịch vụ gián tiếp như thực tế ảo, thực tế tăng cường,… vài năm tới sẽ nở rộ trên nền tảng 5G.

5G sẽ được thương mại hóa vào năm 2020. (Nguồn: Viettel)
5G sẽ được thương mại hóa vào năm 2020. (Nguồn: Viettel)

“Viettel đã phát triển các sản phẩm big data, AI cho y tế, công nghiệp, nông, lâm nghiệp,… các sản phẩm này đang chờ có kết nối 5G để phát huy hiệu quả cao nhất,” đại diện Viettel cho biết.

Về câu chuyện làm chủ công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh chúng ta đang nhìn thấy sự dịch chuyển từ châu Âu về châu Á. Nếu như những ngày đầu của 2G hầu như không có công ty nào của châu Á sản xuất thiết bị thì đến 5G các nhà cung cấp thiết bị đã nghiêng về châu Á. Việt Nam chúng ta đã sản xuất được thiết bị 4G, mục tiêu đến 2020 sẽ sản xuất được tất cả loại thiết bị mạng lưới viễn thông trong đó có 5G.

Theo ông Lê Đăng Dũng, khi thử nghiệm 5G, do cùng đồng hành với thế giới triển khai nên đội ngũ chuyên gia và kỹ sư của Viettel không tận dụng được các kinh nghiệm quốc tế để ứng phó với các tình huống gặp phải. Những vấn đề phát sinh trong quá trình lắp đặt, tích hợp và tối ưu mạng 5G mới mẻ với các kỹ sư Viettel đồng thời cũng mới mẻ với các chuyên gia quốc tế.

Các thiết bị đầu cuối đã và đang sẵn sàng được sản xuất để phục vụ cho mạng di động thế hệ thứ 5. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các thiết bị đầu cuối đã và đang sẵn sàng được sản xuất để phục vụ cho mạng di động thế hệ thứ 5. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tuy nhiên, lãnh đạo Viettel tiết lộ đơn vị này cũng đang nghiên cứu công nghệ 5G để chế tạo thiết bị của riêng mình bởi lẽ các quốc gia đang dùng 5G để chạy đua về công nghệ và không chuyển giao.

Khác với 2G, 3G, 4G là những bước tiến hóa về công nghệ. Nhưng 5G là công nghệ đột phá. Đó là thế hệ mạng di động băng rộng hoàn toàn mới, thay đổi cả về kiến trúc và công nghệ

“Khác với 2G, 3G, 4G là những bước tiến hóa về công nghệ. Nhưng 5G là công nghệ đột phá. Đó là thế hệ mạng di động băng rộng hoàn toàn mới, thay đổi cả về kiến trúc và công nghệ. Có thể nói 5G là mạng di động cho tương lai bởi năng lực của nó vượt xa yêu cầu của người dùng di động thông thường. Để khai thác hiệu quả 5G, chúng tôi đang tiếp tục phát triển các ứng dụng mới, đang xây dựng mô hình kinh doanh mới theo cách hoàn toàn khác so với 3G, 4G trước đây,” ông Dũng chốt lại.

Trạm BTS 5G thử nghiệm của Viettel. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trạm BTS 5G thử nghiệm của Viettel. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)