Những lời thề đỏ máu tuổi 20

bian-1557108906-15.jpg

Lời tòa soạn

Đối với những người lính đã từng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt,” 56 ngày đêm trong lòng chảo Tây Bắc này từ lâu đã hóa thành một phần máu thịt. Họ đã dùng cả tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của mình để đốt cháy “pháo đài bất khả xâm phạm” trên ngọn đồi A1.

Những người lính ấy bây giờ, người còn, người mất. Nhưng câu chuyện về họ sau 65 năm vẫn giống như một bản trường ca không thể phai trong lòng người hiện tại. Bản trường ca ấy tổng hòa trong mình sức mạnh của thế trận toàn dân; ý chí kiên trung bền vững của những người lính trẻ từ khắp mọi miền, mọi dân tộc; và trên hết là tính chính nghĩa và tinh thần nhân đạo của Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, VietnamPlus xin gửi tới bạn đọc những câu chuyện, cũng là góc nhìn của chính những người lính đã góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy địa cầu, chấn động năm châu”.

SỐNG VÀ CHẾT

Những lời thề đỏ máu

Mùa xuân năm 1954.

Những người lính trẻ mới mười tám, đôi mươi từ khắp các địa phương của miền Bắc nhận lệnh hành quân vào lòng chảo Mường Thanh, dốc sức cho trận đánh toàn lực vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Được người Pháp thời bấy giờ mệnh danh là “pháo đài bất khả xâm phạm,” tập đoàn cứ điểm này chạy suốt chiều dài cánh đồng Mường Thanh và dọc hai bờ sông Nậm Rốn. Người Pháp cũng huy động tới 12 binh đoàn, 7 đại đội bộ binh cùng nhiều tiểu đội, tiểu đoàn pháo, xe tăng và đặc biệt có không quân yểm trợ từ trên cao.

Ở phía đối diện, những người lính trẻ vượt núi vào Điện Biên không biết được những con số chi tiết ấy. Nhưng tất cả đều xác định: Đây sẽ là trận đánh khốc liệt bậc nhất trong suốt 9 năm đã qua. Không ai bảo ai, tất cả đều mang vào chiến dịch lời thề non sông: Sống và chết vì Tổ quốc thiêng liêng.

Cựu binh Quàng Văn Păn năm nay 95 tuổi trầm ngâm khi nhắc lại chuyện xưa. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Cựu binh Quàng Văn Păn năm nay 95 tuổi trầm ngâm khi nhắc lại chuyện xưa. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Cựu binh Quàng Văn Păn năm nay 95 tuổi, hai tai đã ù đặc, chân tay run run và đôi mắt dần mờ đục dấu vết của thời gian. Thế nhưng, mỗi khi nhắc đến chuyện tiến về Điện Biên, ông lại trở nên minh mẫn và rất mặn chuyện.

Trầm ngâm một chút, ông kể: Khi Tết 1954 vừa kết thúc, ông nhận được lệnh cùng sư đoàn 316 từ Sơn La vượt qua sống lưng Pha Đin để vào bao vây cứ điểm Điện Biên. Trước ngày lên đường, ngay cả những người lạc quan nhất cũng không dám nghĩ tới việc mình có thể sống sót trở về. “Anh em đều bảo nhau: Chết bao giờ là do Tổ Quốc. Cả sư đoàn hô vang khẩu hiệu: ‘Người chiến sỹ tiếc gì máu rơi’ mà lên đường. Cũng không ai hình dung được cứ điểm Điện Biên như thế nào, và mình sẽ chiến đấu ra sao ở đó cả,” ông Păn hồi tưởng.

Vào thời điểm này, nhiệm vụ của Sư 316 là đánh từ bên ngoài, khép kín dần vòng vây đối với “con nhím Điện Biên Phủ”. Đây được coi là lớp thòng lọng đầu tiên của toàn bộ chiến dịch. Nhớ lại những tháng ngày ấy, cựu binh Păn khẽ nhăn mặt, đôi tay gầy đen đúa bỗng run run: “Ngày đầu tiên vào Điện Biên, đơn vị tôi đóng quân ở bản Khe Chít [khu vực Bệnh viện Tỉnh Điện Biên ngày nay – PV]. Cả một thung lũng rộng bạt ngàn chỉ toàn bộ đội của mình. Vừa dừng chân thì địch phát hiện. Chúng cho máy bay quần thảo phía trên, đồng thời bắn về phía ta.”

“Anh em đều bảo nhau: Chết bao giờ là do Tổ Quốc. Cả sư đoàn hô vang khẩu hiệu: ‘Người chiến sỹ tiếc gì máu rơi’ mà lên đường. Cũng không ai hình dung được cứ điểm Điện Biên như thế nào, và mình sẽ chiến đấu ra sao ở đó cả,” ông Păn hồi tưởng.

Bộ đội ta đánh chiếm đồi A1. (Nguồn: TTXVN)
Bộ đội ta đánh chiếm đồi A1. (Nguồn: TTXVN)

Trong phút chốc, lòng chảo Khe Chít nồng nặc mùi thuốc súng. Tiếng đì đùng của đạn, tiếng thở gấp gáp phía sau công sự, tiếng máy bay ù ù… càng làm cho những người lính trở nên căng thẳng hơn.

“Lệnh đưa ra: Không được rút và phải kháng cự đến cùng. Chúng tôi lúc ấy không biết sẽ sống hay chết nữa. Nhưng tất cả đều hạ quyết tâm: Có chết cũng phải chết cho Tổ quốc, cho quê hương nên không ai lùi bước cả,” ông Păn khe khẽ thở dài bảo.

– “Lúc đầu, ông có sợ không?,” chúng tôi hỏi.

– Ban đầu thì cũng sợ. Nhưng khi ra trận rồi, thề với nhau như thế rồi thì chúng tôi chết hay sống cũng không nghĩ tới nữa. Chỉ biết xung phong xông lên thôi!

Thậm chí, đã nhiều lần, người lính chiến người Thái Sơn La ấy tưởng như đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường. Ấy là khi đơn vị ông tấn công vào giữa đêm, Păn sa chân ngã xuống giao thông hào của Pháp. Ngửi rõ cả mùi máu mặn mòi xộc lên trong miệng, tay chân đau buốt, nhưng Păn vẫn trèo lên, lao về phía trước theo chân đồng đội.

– Ban đầu thì cũng sợ. Nhưng khi ra trận rồi, thề với nhau như thế rồi thì chúng tôi chết hay sống cũng không nghĩ tới nữa. Chỉ biết xung phong xông lên thôi!

Sau hàng chục năm, ông Păn vẫn giữa lại cho mình bộ quân phục và những chiếc huy hiệu quý giá của một thời hoa lửa. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Sau hàng chục năm, ông Păn vẫn giữa lại cho mình bộ quân phục và những chiếc huy hiệu quý giá của một thời hoa lửa. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Đó còn là lúc cả Đại đội tiếp cận đồi Him Lam. Từ các hầm công sự ở trên cao, địch nã súng từ hai bên xuống. Trong bóng tối, lửa từ các họng súng sáng lòe; đang xung phong có thể thấy rõ đồng đội ngã xuống ngay dưới chân mình…

Sau này nhìn lại, Păn cũng không lý giải được vì sao mình vẫn sống khi những làn đạn như mưa bay ngay bên cạnh. Ông cũng tự nhắc nhủ mình: Chết thì thôi. Quan trọng là phải chết trên chiến trường, chết bên những người đồng đội…

“Thời ấy, tinh thần chúng tôi cao lắm. Đối mặt với thiếu thốn đủ bề về ăn uống, đạn dược… nhưng ai cũng mơ về chiến thắng cả,” cựu binh 95 tuổi móm mém cười kể lại.

Cựu binh Nguyễn Văn Chấp (90 tuổi) đã định danh những ngày tháng ác liệt ấy bằng cái tên “những ngày đỏ lửa.” Là chiến sĩ của Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại Đoàn 312, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ hết sức quan trọng là tấn công cứ điểm Him Lam, mở màn cho toàn bộ chiến dịch.

Trong đầu người lính lúc ấy, duy nhất chỉ có ý nghĩ: Làm thế nào để hạ được Him Lam thôi,” ông Chấp nhớ lại.

Cựu binh Nguyễn Văn Chấp 90 tuổi. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Cựu binh Nguyễn Văn Chấp 90 tuổi. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

“Đêm trước ngày tiến công, toàn bộ đơn vị đều ý thức được mức độ khó khăn cũng như ý nghĩa của trận đánh. Anh em không ai bảo ai đều lẳng lặng viết tâm thư để lại, phòng trường hợp mình sẽ ngã xuống. Trong đầu người lính lúc ấy, duy nhất chỉ có ý nghĩ: Làm thế nào để hạ được Him Lam thôi,” ông Chấp nhớ lại.

Ông Chấp bảo mình vẫn là người may mắn khi vẫn còn có thể trở về sau trận đánh năm xưa….

65 năm sau, cựu binh Nguyễn Văn Chấp lại quay về chiến trường xưa. Và điểm đầu tiên ông tới là nghĩa trang Điện Biên, nơi những đồng đội, đồng chí của người cựu binh già đã mãi mãi nằm lại ở lứa tuổi đôi mươi.

Lần tìm từng cái tên được khắc dày đặc trên tấm bia lớn dọc hai bên hành lang, ông run lên từng chập. Những ký ức về một thời khói lửa bỗng chốc ầng ậc dâng lên trong đôi mắt đã mờ dần.

Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên chỉ nằm cách đồi A1 – nơi diễn ra trận đánh cuối cùng chừng vài trăm mét về phía Nam. Qua nhiều năm tháng, 644 ngôi mộ của các chiến sỹ đã được quy tập về đây, im lìm nằm dưới ráng chiều Tây Bắc đỏ rực. Ngoài một số ít đã xác định được danh tính, hầu hết các anh đều mang chung một cái tên: Vô danh…

“Tôi không thể biết, đồng đội mình là ai giữa bạt ngàn anh em ở đây. Nên lần nào lên tới Điện Biên, tôi cũng đi một vòng thắp cho mỗi người một nén hương thay cho lời chào đồng chí,” ông Chấp run run nói.

Những ngôi mộ không tên tại Nghĩa trang Điện Biên vẫn quanh năm nghi ngút khói. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Những ngôi mộ không tên tại Nghĩa trang Điện Biên vẫn quanh năm nghi ngút khói. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Cũng giống ông Chấp, bà Hoàn đã 83 tuổi nhưng năm nào cũng cùng cả gia đình cũng vượt gần 600km từ Hà Nội để làm giỗ cho anh trai của mình. Ngồi lặng im bên một góc nghĩa trang, bà Hoàn lẩm nhẩm khấn: “Đã hơn 60 năm rồi, em vẫn chưa tìm thấy được anh. Hôm nay, em lại đưa các cháu về nơi anh nằm, thắp chung cho anh và các đồng đội nén hương thơm. Mong anh phù hộ độ trì cho các cháu.”

Bó hương trên tay bà lần lượt vơi đi rồi hết nhẵn. Hết bó này đến bó khác cho đến khi thắp hết 644 ngôi mộ và một nén hương trên đài tưởng niệm… Mùi khói nhang, tiếng khấn khứa uẩn ức, âm thanh của điệu Hồn tử sỹ… trong một chốc khiến bà bật khóc…

Trong số ít các liệt sỹ đã được xác định danh tính, có lẽ đặc biệt nhất là hai phần mộ đôi nằm ngay lối dẫn vào đài tưởng niệm. Từ nhiều năm nay, đây đã trở thành “ngôi nhà chung” của những người lính tử trận năm nào. Ở phía ngoài cùng là mộ chung của liệt sỹ Hoàng Văn Thục (quê ở Tam Nông, Phú Thọ) và liệt sỹ Nguyễn Văn Vun (Thanh Miện, Hải Dương). Ngay bên cạnh, liệt sỹ Nguyễn Xuân Thọ (Nghi Lộc, Nghệ An) chung phần mộ với liệt sỹ Chu Văn Thảo (Từ Sơn, Bắc Ninh). Các anh đều hy sinh khi đang ở độ tuổi 23-24 – lứa tuổi phơi phới nhất của thanh xuân.

Bà Hoàn đã 83 tuổi nhưng năm nào cũng cùng cả gia đình cũng vượt gần 600km từ Hà Nội để làm giỗ cho anh trai của mình. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Bà Hoàn đã 83 tuổi nhưng năm nào cũng cùng cả gia đình cũng vượt gần 600km từ Hà Nội để làm giỗ cho anh trai của mình. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Lý giải về hai “ngôi mộ đôi” kỳ lạ này, những người dân xung quanh nghĩa trang Điện Biên lý giải: Trong quá trình tìm kiếm và quy tập hài cốt thường xuất hiện trường hợp nhiều chiến sỹ cùng hy sinh tại cùng một địa điểm. Mưa nắng và thời gian đã khiến các anh vĩnh viễn “ôm chặt” nhau ngủ. Không thể tách và cũng không ai tách nổi tình đồng đội của các anh. Thế hệ hậu sinh đành đưa họ về chung một nhà từ đấy.

Các phần mộ đôi ở Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên. 
Các phần mộ đôi ở Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên. 

Mặc dù tới từ những địa phương khác nhau, cũng không cùng ngày mất, nhưng đến giây phút cuối cùng, những chàng lính trẻ ngày nào từng khắc lên tim mình lời thề Tổ quốc đã nằm chung lại theo cách lạ kỳ như thế…

Cách đó không xa, trên điểm di tích A1 còn có một ngôi mộ tập thể vô danh khác được tìm thấy khi những nhân viên của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ trồng hoa lên ngọn đồi lịch sử.

Cô hướng dẫn viên trẻ măng của bảo tàng gần như bật khóc: “Hôm ấy, chúng em nhận nhiệm vụ trồng lại hoa trên đỉnh đồi. Vừa gạt lớp đất ra vài chục phân, những nhân viên của Bảo tàng đã thấy hài cốt của các anh nằm lẫn với nhau. Gần ngay đó là khẩu súng bazoka đã gỉ nhoèn.”

Thông tin nhanh chóng được báo lên Ban quản lý. Sau khi rà soát và kiểm tra, người ta chỉ có thể xác định được đây là những gì còn lại của 4 chiến sỹ thuộc Trung đoàn 174 và 102. Không tên, không tuổi, không năm sinh. Chỉ biết họ đã cùng nhau hy sinh vào rạng sáng ngày 1/4/1954 khi sử dụng bazoka tiêu diệt một xe tăng của Pháp.

Dưới mỗi lớp đất đá này, có lẽ vẫn còn rất nhiều hài cốt của các anh. Với những người Điện Biên, sau 65 năm, họ trở thành những vị thần canh giữ cho ngọn đồi thiêng trên trận địa năm nào…

Di tích ngọn đồi A1 chứng kiến hàng ngàn các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Di tích ngọn đồi A1 chứng kiến hàng ngàn các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Chỉ tính riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mất đi hơn 4.000 người con ưu tú. Họ đến từ nhiều địa phương, nhiều dân tộc và đều còn rất trẻ. Sự hy sinh của họ như một bằng chứng đầy đau đớn nhưng cũng không kém phần kiêu hãnh cho lời thề quyết tử với non sông…

Trận địa đồi A1

Chứng tích lịch sử còn mãi với thời gian

Nhắc đến Điện Biên ta không thể không nhắc tới những địa danh gắn với những trận chiến lịch sử được nhiều người biết đến như Mường Thanh, khu trung tâm đề kháng Him Lam, căn cứ địa Mường Phăng… và đặc biệt là đồi A1 nơi đã diễn ra trận chiến lịch sử kéo dài 39 ngày đêm.

Đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên, là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp. Đồi A1 nằm dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, bao gồm 2 đỉnh: Tây Bắc cao hơn 490m, Đông Nam cao hơn 493 m.

Di tích đồi A1 (cứ điểm Elian 2) nằm cạnh quốc lộ 279 (đường 7/5 cũ) thuộc phường Mường Thanh – thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Cứ điểm này cao 32m so với mặt đường có diện tích 83.000m2, cách Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp khoảng 500m về phía Tây theo đường chim bay.

Do vị trí đặc biệt quan trọng, quân Pháp đã từng xây dựng A1 trở thành một cứ điểm vô cùng kiên cố, bố trí hỏa lực mạnh với các ổ súng máy tối tân, hiện đại.

Ngày nay, đến với cứ điểm A1, qua những chứng tích lịch sử còn lại của chiến tranh như: đường hầm, chiếc xe tăng, hố bộc phá… du khách sẽ thấu hiểu được sự vất vả, gian khổ cũng như tinh thần anh dũng, quả cảm của các chiến sỹ Điện Biên để có thể làm nên chiến thắng lẫy lừng thế giới.

Lô cốt cây đa cụt “Ụ thằng người.” Lô cốt này bị đại đội 671 – tiểu đoàn 251 – trung đoàn 174 – đại đoàn 316 tiêu diệt lúc 1h30’ ngày 7/5/1954.

Du khách đến thăm quan đồi sẽ leo bộ chừng 20 phút đường dốc. Lên đỉnh đồi, du khách sẽ thấy trên đỉnh Tây Bắc của đồi A1 có đài kỷ niệm được xây theo kiểu “Tam sơn”, ở giữa cao, hai bên thấp và đều có hình mái đầu đạo.

Có thể nói A1 là một trong các điểm cao có tác dụng quan trọng nhất của dãy đồi phía đông. Nó có tác dụng che sườn cho phân khu đông, đồng thời cùng các điểm cao khác tạo thành một bức bình phong bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh. Tại đây địch bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự kiên cố, vững chắc.

Do vậy, quân đội Việt Nam mặc dù đã phát động 4 đợt tiến công liên tục nhưng cũng chỉ chiếm được 1 nửa đồi. Chỉ đến ngày 6/5, nhờ khối bộc phá 1 tấn được đào bí mật phá sập hệ thống hầm ngầm, quân đội nhân dân Việt Nam mới hoàn tất việc chiếm đồi.

Đây là trận chiến đấu gay go quyết liệt nhất trong toàn chiến dịch Điện Biên Phủ với số bộ đội thương vong cũng là cao nhất: hơn 2000 cán bộ, chiến sỹ của Việt Nam đã anh dũng hy sinh.

Ngay từ dưới chân đồi là hình ảnh những khẩu pháo, xe tăng được giữ gìn, bảo quản từ những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Bên cạnh đài kỷ niệm là xác một trong hai chiếc xe tăng nặng 18 tấn mà tên Quan Ba Hécvuê đưa từ trung tâm Mường Thanh lên để phản kích quân đội Việt Nam. Chiếc xe tăng được đặt ngay trên đồi như một minh chứng của lịch sử.

Tại đồi A1, địch bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự kiên cố, vững chắc.

Khu vực giành giật quyết liệt giữa ta và địch từ ngày 30/3 – 6/5/1954.

Điểm cao nhất trên ngọn đồi A1.

Hố bộc phá được tạo thành do các chiến sỹ Nguyễn Phú Xuyên Khung, Nguyễn Điệt, Nguyễn Văn Bạch giật nổ khối bộc phá 960 kg vào lúc 20h30’ ngày 6/5/1954 và tiêu diệt 1 đại đội địch.

Hầm chỉ huy kiên cố nhất của cứ điểm A1 (Elian II) bị các đại đội 315, 317 (tiểu đoàn 249 – trung đoàn 174 – đại đoàn 316) đánh chiếm đêm 6/5/1954.

Những ngôi mộ vô danh

ở Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên

Nằm im lìm cách chân đồi A1 không xa, nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ từ hàng chục năm nay đã trở thành “mái nhà chung” của hơn 600 người lính đã ngã xuống trong chiến dịch 56 ngày đêm lịch sử. Phần lớn các anh đều mang chung một cái tên: Vô danh.

Hầu hết các anh nằm xuống khi còn ở độ tuổi 20. 644 liệt sỹ Điện Biên đã đốt cháy chính thanh xuân của mình trên những địa danh đã đi vào huyền thoại như A1, Mường Thanh, Him Lam, Độc Lập…

Cứ đến dịp cuối tháng Tư, đầu tháng Năm, nghĩa trang lại trở nên đông hơn. Từng đoàn người từ khắp nơi nườm nượp đổ về, với ước mong được thắp cho những người đã ngã xuống vì Điện Biên hôm nay một nén hương thơm thành kính.

Điện Biên Phủ không chỉ là nơi ghi danh chiến thắng vang dội của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, mà còn là nơi yên nghỉ của hàng ngàn chiến sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Nghĩa trang A1 là nơi an nghỉ của 644 anh hùng liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó hầu hết là liệt sỹ chưa xác định được tên tuổi. Tại nghĩa trang có 4 ngôi mộ lớn khắc tên 4 anh hùng: Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn và Trần Can. Nghĩa trang A1 nằm bên con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bảng vàng ghi danh các Anh hùng liệt sỹ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó 177 người con của Thủ đô Hà Nội.

Tỉnh Điện Biên hiện quản lý 5 nghĩa trang liệt sỹ trong đó có 3 nghĩa trang liệt sỹ thuộc chiến dịch Điện Biên Phủ bao gồm nghĩa trang liệt sỹ A1, Him Lam và nghĩa trang Độc Lập. Cứ vào dịp 7/5 hàng năm lại có hàng ngàn người từ khắp nơi đã thăm viếng các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn.

Nghĩa trang liệt sỹ A1 được xây dựng năm 1958, nằm cách điểm di tích lịch sử đồi A1 vài trăm mét về phía Nam, nơi đây có 644 ngôi mộ của các anh hùng liệt sĩ.

Từ khi được xây dựng đến nay, Nghĩa trang luôn được trông nom, chăm sóc, bảo vệ, hương khói quanh năm.

Các ngôi mộ liệt sỹ tại đây được chăm sóc kỹ càng.

Mỗi ngày có rất nhiều đoàn khách du lịch hoặc người thân đến thắp hương tưởng nhớ anh linh các liệt sỹ.

Nhà tưởng niệm Nghĩa trang liệt sỹ A1 được xây dựng theo cấu trúc có hình dáng chữ A với 644 cánh hoa bê tông tượng trưng cho 644 anh linh liệt sỹ đã hy sinh.

Nghĩa trang liệt sỹ A1 ngày nay như một nhân chứng lịch sử nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay và mai sau luôn noi gương và ghi nhớ công ơn các Anh hùng liệt sỹ.

Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ là một trong những biểu tượng đời đời ghi nhớ, biết ơn và tôn vinh những chiến sỹ đã hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Bởi các nghĩa trang này không chỉ là nơi an nghỉ của liệt sĩ mà còn là công trình văn hóa – lịch sử mang đậm giá trị nhân văn, ghi nhận công đức của các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Tại đây vẫn còn nhiều ngôi mộ của các liệt sỹ vô danh, không xác định được tung tích.

Thân nhân liệt sỹ và du khách tới nơi này như được sống lại không khí lịch sử hào hùng của những đoàn quân ra đi để lại phía sau làng quê yêu dấu của mình.

Chiến tranh đã qua đi nhưng những chiến công oanh liệt, những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước sẽ không bao giờ phai nhạt trong lòng các thế hệ hôm nay và mai sau.

Đến viếng nghĩa trang liệt sĩ giúp mỗi người ghi nhớ những chiến công vang dội của thế hệ đi trước.

Những ngôi mộ của các anh hùng Như Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Trần Can,… được đặt trang trọng giữa nghĩa trang quanh năm hương khói nghi ngút.

Trời đã xế chiều nhưng những dòng người thành kính dâng những vòng hoa, thắp những nén hương lên đài tưởng niệm, lên từng ngôi mộ liệt sỹ vẫn không ngớt. 

Him Lam

trận đánh không thể lãng quên

Suốt chiến dịch Điện Biên Phủ đã có rất nhiều trận đánh lớn để giành giật từng cây cầu, từng điểm cao. Trong những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi đã tìm đến với một nhân chứng sống của chiến dịch huyền thoại 65 năm về trước để ghi lại câu chuyện về một trong những trận đánh không thể bị lãng quên…

Cựu binh Nguyễn Văn Chấp mặc dù đã ở tuổi 90 nhưng trí nhớ vẫn còn rất minh mẫn. Ông có thể ngồi hàng giờ và kể vanh vách những năm tháng binh nghiệp của mình. Nhắc tới chuyện đánh cứ điểm Điện Biên Phủ, ông không giấu nổi niềm tự hào: “Đó là quãng thời gian chúng tôi vào sinh ra tử đúng nghĩa, phải đối mặt với kẻ thù và cả cái chết. Nhưng tất cả đều không hề nao núng.”

Năm ấy, chàng trai quê Phú Thọ là Chi ủy viên, Khẩu Đội trưởng cối 82, Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 (nay là Đại đội 12, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân khu 1). Mặc dù mới 22 tuổi, nhưng ông đã kịp… hỏng một bên mắt trong chiến dịch Tây Bắc 1952. Mang theo vết thương chiến tranh, ông cùng đồng đội bước vào cuộc chiến mới.

Thời điểm đầu năm 1954, công tác chuẩn bị cho chiến dịch đang gấp rút được tiến hành. Pháo từ các mũi được dùng sức người “cõng” vào trận địa. Những binh đoàn lính thanh xuân ùn ùn từ các địa phương của miền Bắc vượt dãy Pha Đin tiến vào lòng chảo Mường Thanh. Từ phía hậu phương, hàng nghìn tấn thực phẩm, lúa gạo được gùi tới sát chiến trường. Những chàng lính trẻ như Chấp mơ hồ nhận ra: Trận đánh cuối cùng đã ở ngay trước mặt.

Cựu binh Nguyễn Văn Chấp hàn huyên cùng những người đồng đội trong dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. (Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Cựu binh Nguyễn Văn Chấp hàn huyên cùng những người đồng đội trong dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. (Lê Minh Sơn/Vietnam+)

“Sau khi giúp các đơn vị kéo pháo vào trận địa, toàn đơn vị tôi đóng quân tại núi Tà Lèng. Qua gần 2 tháng chuẩn bị, các đơn vị đều mong mỏi được đánh trận đầu, nhưng chỉ Đại đoàn 312 chúng tôi được Bộ Chỉ huy mặt trận chọn tấn công vào cứ điểm Him Lam, mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ,” ông Chấp nhớ lại.

Lính viễn chinh Pháp gọi cụm cứ điểm này là “Trung tâm đề kháng Béatrice” – nằm cách trung tâm Mường Thanh 2,5km. Từ Béatrice, địch chiếm cứ 5 điểm cao ở bình độ 500m, có độ dốc từ 30-60 độ, địa hình trống trải, khống chế quan sát từ xa. Phía Bắc của Him Lam có sông Nậm Rốm ngăn cách rất thuận lợi cho việc tổ chức phòng ngự.

Theo tư liệu được lưu giữ Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, phía Pháp đã xây dựng hệ thống phòng thủ ở Him Lam theo thế chân kiềng, yểm hộ nhau với hỏa lực lợi hại và hệ thống công sự phụ bằng hàng rào thép gai dày đặc. Ngoài ra, Béatrice còn được trang bị súng có tia hồng ngoại phát hiện mục tiêu ban đêm, xe tăng, pháo binh, không quân.

Lực lượng được bố trí tại cứ điểm này là tiểu đoàn Lê Dương tăng cường, thuộc bán lữ đoàn Lê Dương số 13 mà địch cho là một trong những đơn vị thiện chiến nhất của chúng, với một bề dày thành tích chưa từng thua một trận đánh nào trước đó.

Với sự đầu tư xây dựng và được bảo vệ chặt chẽ, tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Bộ - tướng Cogny - đã rất hài lòng về trung tâm đề kháng này. Chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ của quân Pháp là tướng De Castries cũng coi Him Lam là vị trí “bất khả xâm phạm”.
Với sự đầu tư xây dựng và được bảo vệ chặt chẽ, tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Bộ – tướng Cogny – đã rất hài lòng về trung tâm đề kháng này. Chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ của quân Pháp là tướng De Castries cũng coi Him Lam là vị trí “bất khả xâm phạm”.

Cả Him Lam lúc ấy mịt mù khói và súng rền. Chúng tôi theo lệnh xung phong vượt vào sâu bên trong. Lúc ấy, không ai nghĩ đến sống hay chết nữa mà chỉ biết tiến lên.

Vào thời điểm này, việc đánh chiếm Him Lam là nhiệm vụ bắt buộc khi cứ điểm này án ngữ cửa ngõ dẫn sâu vào trung tâm đầu não Điện Biên Phủ.

“Chúng tôi đã buộc phải đánh vào điểm mạnh nhất của địch vì nếu không thực hiện được, toàn bộ chiến dịch sẽ bế tắc. Ngay khi nhận được lệnh, toàn bộ Đại đoàn 312 đã ý thức được mức độ khốc liệt của cuộc chiến này,” ông Chấp kể.

Trước ngày ra trận, những người lính trẻ chia nhau từng trang giấy, nắn nót viết lại tâm thư của mình phòng khi không may nằm xuống. Mang theo lời thề non sông, họ bước vào thử thách mang tên Béatrice.

12h đêm 12/3/1954, từ Tà Lèng, Đại đoàn 312 bí mật hành quân về trận địa, chiếm lĩnh các điểm xung quanh Him Lam. Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, pháo Việt Minh tập trung bắn vào Him Lam, ngay từ loạt đầu đã trúng cờ chỉ huy của Pháp. Thiếu tá, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Lê dương số 3 cùng 3 sĩ quan của Pháp chết ngay trong hầm chỉ huy, điện đài bị phá hủy, liên lạc giữa Him Lam và Mường Thanh bị cắt đứt hoàn toàn.

“Cả Him Lam lúc ấy mịt mù khói và súng rền. Chúng tôi theo lệnh xung phong vượt vào sâu bên trong. Lúc ấy, không ai nghĩ đến sống hay chết nữa mà chỉ biết tiến lên,” vị cựu binh 90 tuổi hào hứng kể lại.

Đại đoàn 312 lúc này được chia làm 3 mũi xung kích, trực tiếp đánh vào các 3 cứ điểm của lĩnh viễn chinh. Từ phía đối diện, địch dựa vào lô cốt và các hỏa điểm bố trí sẵn chống trả quyết liệt trong hy vọng giữ bằng được Him Lam.

“Đạn bay rất rát, có khi sượt qua vai, qua má mình. Nhưng lạ cái là không ai sợ hãi cả. Chúng tôi cứ theo hiệu lệnh tràn về phía trước” 

Đến 22 giờ 30 cùng ngày, cứ điểm 2 cũng nằm dưới sự khống chế của bộ đội Việt Nam. 23 giờ 30, Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, diệt 300 địch, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị.

Trận Him Lam đã tạo thành một bước ngoặt, mở tung cánh cửa cho Việt Minh tiến sâu hơn vào cứ điểm A1 về sau, đồng thời cũng tạo nên một niềm tin mãnh liệt đối với toàn mặt trận.

Đánh giá về tầm quan trọng của trận Him Lam, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi lại những dòng hết sức trân trọng: “Sự thất thủ nhanh chóng của Trung tâm đề kháng Him Lam đã gây sự hoảng loạn tinh thần sâu sắc tới không chỉ binh lính mà ngay cả những nhân vật cấp cao của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngay sau Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo cũng nhanh chóng bị tiêu diệt và bức hàng; ta đã mở thông cửa phía Bắc và Đông Bắc của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiếp tục tiến hành những bước tiếp theo nhằm một mục tiêu quan trọng khác là trung tâm Mường Thanh, từng bước tiêu diệt tập đoàn cứ điểm vô cùng mạnh này.”

65 năm sau nhìn lại, cựu binh Nguyễn Văn Chấp bảo: Ngày ấy, ông cùng đồng đội đã đánh Him Lam bằng tất cả những gì mình có. Nhưng điều khiến ông day dứt hơn là gần 100 đồng đội đã ngã xuống.

“Đêm hôm ấy, anh em chúng tôi đều khóc và bỏ cơm. Không có chiến thắng nào chỉ được đánh đổi bằng súng đạn cả. Bên cạnh đó, còn rất nhiều xương máu đồng đội chúng tôi,” ông Chấp ngậm ngùi.

Hơn 17 giờ ngày 13/3/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ. Đợt 1, từ 13/3 đến 17/3, Việt Minh tấn công vào phân khu Bắc; sau 5 ngày đã làm chủ Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo. Đợt 2 của chiến dịch bắt đầu từ ngày 30/3 đến 30/4, tiến công vào tập đoàn cứ điểm phía Đông, gồm các ngọn đồi C1, E, D, A1.

Thừa thắng xông lên, quân đội Việt Nam mở đợt tấn công lần 3, từ ngày 1/5 đến 7/5, đánh chiếm các cứ điểm còn lại. Riêng đồi A1, bộ đội tiến hành 4 đợt tiến công nhưng chỉ chiếm được nửa quả đồi. Đêm 6/5, quân đội Việt Nam phải dùng thuốc nổ bí mật phá sập hệ thống hầm ngầm, chiếm được quả đồi.

17h30 ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Tướng De Castries và toàn bộ Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Sau này De Castries – người từng theo học Trường Quân sự Saint Cyr nổi tiếng thế giới – đã thốt lên rằng: “Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là không biết Tướng Võ Nguyên Giáp đã tốt nghiệp từ những trường, học viện võ bị cao cấp nào”.

Những tài liệu tuyệt mật từ phía Pháp lần đầu lộ diện

Lần đầu tiên, những tài liệu mật và tuyệt mật từ phía Pháp được hé lộ và triển lãm công khai tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Theo thông tin từ Bảo tàng, toàn bộ số tài liệu này đã được Bộ Quốc phòng Pháp giải mật và trao tặng lại cho phía Việt Nam.

Thư ngày 9/3/1954 của Đại tá Winter, Tư lệnh pháo binh thuộc Bộ binh Bắc Việt Nam gửi Tổng tư lệnh Bộ binh Bắc Việt Nam về việc pháo binh Việt Minh can thiệp vào Điện Biên Phủ.

Lệnh của Bộ Tổng tham mưu Tư lệnh không quân Viễn Đông cho phép tiến hành các hoạt động không quân tại Tây Bắc từ 1/3/1954.

Một phiếu đánh giá về tiềm lực pháo binh của Việt Minh ngày 7/3/1954.

Những tài liệu này đều được đóng dấu Mật và Tuyệt Mật.

Thông tri số 1807/GENE/CI ngày 21/4/1954 về tình hình quân sự ở Đông Dương trước thềm Hội nghị Geneve.

Thư ngày 11/5/1954 của tướng Navarre gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng ý về nguyên tắc đối với việc cho phép sơ tán thương binh bị bắt làm tù binh ở Điện Biên Phủ, ngày và điều kiện sơ tán bằng đường hàng không.

Một số thư và công điện của phía quân viễn chinh Pháp.

Các chỉ thị của Không quân Viễn Đông.

Điện báo ngày 21/7/1954 của Phòng Mật mã, Văn phòng Quốc phụ khanh Pháp phụ trách quan hệ với các quốc gia liên kết gửi tướng Ely về việc luân chuyển nhân sự ở miền Bắc Việt Nam.

Du khách nước ngoài với những tài liệu mật và tuyệt mật lần đầu tiên được công bố.

Khi xe đạp và… bàn thờ

cùng vào trận địa

Để làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu,” không chỉ có công của những người lính thanh xuân đốt cháy mình bằng lời thề non nước. Đằng sau đó còn là cả một hậu phương lớn sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến bằng mọi giá.

Nằm cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 40km, Mường Phăng những ngày này luôn đông nghịt khách du lịch từ khắp nơi đổ về. Là nơi đặt Sở Chỉ huy Điện Biên Phủ trong 105 ngày (từ 31/1-15/5/1954), Mường Phăng được ví như trung tâm quyết định toàn bộ thắng lợi của toàn chiến dịch.

Thế nhưng, rất ít người biết, để đảm bảo an toàn cho Sở Chỉ huy có công rất lớn của đồng bào người Thái, Mường và Mông nơi đây. Một trong những “anh hùng thầm lặng” ấy là cụ Lù Thị Đôi, người đã có công lớn trong việc nuôi giấu và tiếp tế cho Sở Chỉ huy chiến dịch 65 năm về trước. Cụ Đôi giờ đã người thiên cổ, nhưng mỗi khi nhắc đến, con cháu cụ vẫn không giấu nổi niềm tự hào.

Dẫn chúng tôi lên ngôi nhà sàn mới dựng ngay gần khu di tích, anh Lường Văn Ánh, cháu nội cụ Đôi bảo: “Tuy cụ mất rồi, nhưng gia đình chúng tôi vẫn giữ lại những bằng khen của cụ từ những năm chiến tranh. Mẹ tôi cũng thường hay kể cho con cháu nghe chuyện về cố.”

Ngày ấy, cụ Đôi đã 40 tuổi và vừa sinh xong người con thứ ba thì bộ đội về bản. Thấy quân Việt Minh về, cả Mường Phăng chộn rộn lắm. Đồng bào người Thái, Mông kháo nhau: Ngày Giải phóng sắp tới gần rồi.

Nghe tin, người mẹ ba con quẩy quả đứng ra ven đường, vẫy tay chào đoàn quân đang rùng rùng tiến vào bản nhỏ. Bà khoe với bộ đội: “Chồng em cũng là Việt Minh đang chiến đấu ở Yên Bái đấy. Về đây, có gì khó có dân bản chúng em rồi.”

Ngày ấy, Mường Phang hoang sơ lắm. Khắp đất Mường Phăng là rừng già trùng điệp núi cây, các bản làng nằm thưa thớt, heo hút dưới những tán cây rừng rậm rạp, ban ngày cũng như ban đêm. Những con đường mòn qua núi chỉ ít người dân bản địa nắm rõ, nếu sơ sẩy ắt lạc đường. Ấy thế nhưng, ngày nào cũng vậy, bà Đôi, lưng địu con, chân trần dẫn bộ đội băng rừng, lội suối đi tìm địa điểm để đào hầm chỉ huy. Cũng đôi chân ấy lại đi khắp các bản làng và vận động tuyên truyền nhân dân đóng góp sức người, sức của phục vụ cho chiến dịch.

“Cụ Đôi từng kể lại rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gặp trực tiếp và giao nhiệm vụ cho cụ làm Trưởng ban Vận động của địa phương, tích cực tuyên truyền bà con ủng hộ chiến dịch, nhưng cũng phải tuyệt đối giữ bí mật việc xây dựng căn cứ chỉ huy để đảm bảo cho chiến dịch toàn thắng,” bà Lù Thị Thanh, con gái cụ Đôi ngồi bên cạnh góp chuyện.

Mường Phăng sau nhiều năm vẫn giữ được vẻ yên bình vốn có. 
Mường Phăng sau nhiều năm vẫn giữ được vẻ yên bình vốn có. 

Việc đưa đồ ăn, thức uống cũng phải chờ có lệnh mới được đi, lại phải căn đúng nửa đêm, không được thắp đuốc. Nương theo ngọn đèn đom đóm tù mù, bà Đôi sấp ngửa vượt núi tiếp tế cho Sở Chỉ huy.

“Ban ngày thì cụ đi đường rừng đến các bản, các xã vận động gom góp thức ăn. Tối về, cụ lại vận động chị em trong bản ngồi đan rổ rá, thúng mủng, coóng khẩu đựng cơm, đan cót cho bộ đội nằm,” bà Thanh tiếp lời.

Nhờ nỗ lực của cụ Đôi, chỉ sau 5 tháng vận động, nhân dân Mường Phăng đã ủng hộ cho chiến dịch được 9 tấn lúa và 5 con trâu, trong đó gia đình bà Đôi còn ủng hộ thêm nhiều trâu, bò, rau xanh. Bà cũng là người liên lạc trực tiếp, kịp thời đáp ứng những nhu cầu cần thiết của Sở chỉ huy chiến dịch.

Cũng từ cái nôi Mường Phăng, những mệnh lệnh đã được đưa ra, góp phần to lớn vào chiến thắng lịch sử của toàn chiến dịch.

Những vị khách ngoại quốc đã từng mắt chữ O, mồm chữ A khi lần đầu tiên đặt chân vào Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhìn những chiếc xe thồ được cải tạo từ những chiếc xe đạp pơ giơ có thể thồ đến 300kg hàng chạy bằng… sức người, hay chiếc nhíp ôtô đã gãy đôi được gia cố lại bằng… tre, họ không thể tin Việt Minh lại là người chiến thắng cuối cùng trong trận chiến 56 ngày ở Điện Biên.

“Du khách nước ngoài, đặc biệt là người Pháp đều rất hứng thú và hiếu kỳ với những chiếc xe đạp – vốn xuất xứ từ chính đất nước họ những đã được quân và dân ta cải biến thành đội quân xe thồ vận tải. Họ gọi đó là điều kỳ diệu và không thể tin nổi,” chị Lê Thị Hồng, hướng dẫn viên của bảo tàng chia sẻ.

Theo số liệu từ bảo tàng, chỉ tính riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, gần 30.000 chiếc xe đạp đã được huy động, trở thành “binh chủng vận tải” đặc biệt cho tiền tuyến và được ví như “vua vận tải” của chiến trường: Không cần nhiên liệu, nhỏ gọn, có thể ngụy trang trong bất cứ tình huống nào hoặc dễ dàng ẩn nấp tránh máy bay trinh sát và khi hỏng lại dễ sửa chữa.

“Một chiếc xe đạp thồ có thể di chuyển trên mọi con đường dù là hẹp nhế và có thể vận chuyển được từ 100-300kg hàng hóa nhờ gia cố thêm một số bộ phận để dễ dàng vận chuyển,” chị Hồng giải thích.

Những chiếc xe thồ có thể chở đến 300kg hàng chạy bằng sức người. 
Những chiếc xe thồ có thể chở đến 300kg hàng chạy bằng sức người. 

Ghi đông xe được buộc một đoạn tre già – chắc bằng cổ tay, dài khoảng một mét. Trục yên xe cũng được gắn thêm một đoạn tre, cao hơn yên xe khoảng 50cm làm tăng sức chịu lực của xe để cầm, vừa giữ thăng bằng cho xe, vừa đẩy xe đi. Ngoài ra, những người dân công vận chuyển còn lót vải thừa, quần áo hỏng, săm xe cũ… cuốn vào bánh làm tăng độ bền săm, lốp khi đi đường rừng núi ghập ghềnh.

“Đặc biệt, đội quân xe đạp thồ cũng được tổ chức và biên chế như quân đội, thành từng đoàn theo từng địa phương lúc cần thiết có thể hỗ trợ, giúp đỡ nhau trên đường đi; lúc khác có thể phân tán theo tình hình thực tế,” nữ hướng dẫn viên nhấn mạnh.

Nhờ đội quân ấy, chỉ trong một thời gian ngắn, 23.056 tấn gạo, 266 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm đã được đưa tới chiến trường. Binh đoàn kỳ lạ này còn thiết lập một kỷ lục không chính thức: Chiếc xe đạp chở khối lượng hàng hóa lớn nhất với 325kg hàng hóa. [Xe của ông Ma Văn Thắng ở Thanh Ba, Phú Thọ hiện vẫn đang được trưng bày tại bảo tàng – PV].

“Chúng tôi vẫn nói với khách nước ngoài: Ở đất nước này, không chỉ xe đạp mới có thể ra chiến trường. Thậm chí, cả bàn thờ tổ tiên vốn là thứ linh thiêng nhất cũng có thể xếp hàng vào trận đánh,” chị Hồng tự hào kể.

Chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm (xã Định Liên, Yên Định, Thanh Hóa) được đóng bằng một phần bàn thờ của gia đình mình. 
Chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm (xã Định Liên, Yên Định, Thanh Hóa) được đóng bằng một phần bàn thờ của gia đình mình. 

Nói đoạn, nữ hướng dẫn viên dẫn chúng tôi đến địa điểm đặt một trong những hiện vật đặc biệt nhất của bảo tàng: Chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm (xã Định Liên, Yên Định, Thanh Hóa). Do nhà nghèo không có phương tiện vận chuyển lương thực, người đàn ông xứ Thanh đã tự mình đóng chiếc xe. Đóng đến phần bánh thì thiếu gỗ, cụ đã dỡ bàn thờ để ghép lại thành bánh. Hơn 60 năm đã trôi qua, nhưng những họa tiết tượng hình mây bay vẫn còn hằn in rất rõ.

Với chiếc xe này, cụ Bầm đã chở lương thực trên đoạn đường từ kho lương Sánh Lược đi lên phố Cống Trạm Luồng huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Từ kho lương này, lương thực đã được chuyển lên mặt trận Điện Biên.

“Rất nhiều bạn nước ngoài đã phải thốt lên trước chiếc xe cụ Bầm rằng: Một dân tộc dám hy sinh một phần tín ngưỡng của mình để đổi lấy tự do, dân tộc ấy xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng chiến thắng,” chị Hồng nói.

Một dân tộc dám hy sinh một phần tín ngưỡng của mình để đổi lấy tự do, dân tộc ấy xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng chiến thắng.

Về sau, tổng kết lại 56 ngày đêm lịch sử ở lòng chảo Mường Thanh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành những lời tri ân cho lực lượng vận tải có một không hai của hậu phương.

Đại tướng viết: “Trên những chiếc cầu tre mảnh khảnh, hoặc những cầu gỗ ghép bằng thân cây của công trình mới bắc qua suối, những chị dân công đòn gánh cong oằn vì gạo, đạn, cười nói vui vẻ vượt qua.Những anh dân công xe thồ lầm lũi điều khiển chú “voi con” đi thoăn thoắt trên đường. Vận tải xe thồ đã trở thành binh chủng vận tải quan trọng thứ hai, đứng sau xe cơ giới. Những đoàn ngựa thồ của đồng bào Mông từ rẻo cao xuống, những chị dân công người Tày, người Nùng, người Thái, người Dao…, chấm phá thêm màu sắc cho bức tranh liên hoàn dài vô tận. Lại có cả những đàn bò nghênh ngang, những chú lợn chạy lon ton dưới sự dẫn dắt kiên nhẫn của những chiến sĩ cung cấp, cũng đi ra mặt trận”. (Trích Điện Biên – Điểm hẹn lịch sử).

Những sáng tạo độc đáo

góp công làm nên chiến thắng Điện Biên lẫy lừng

Từ những vật dụng hết sức đời thường nhưng quân và dân ta đã chế thành công cụ hay vũ khí hết sức độc đáo để góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng 7/5/1954.

Trong bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trưng bày hàng ngàn hiện vật trong suốt cuộc chiến Điện Biên lừng lẫy năm châu.

Xe đạp thồ là chiếc xe đạp thông thường được gia cố thêm bằng những thanh tre già để tăng tải trọng, có thể chở được hơn 300 kg.

Những chiếc xe đạp như thế này đã giúp quân và dân ta tải hàng trăm tấn lương thực, vũ khí, quân trang,… lên mặt trận.

Chiếc nhíp ôtô được chiến sỹ lái xe dùng tre cạp lại để tiếp tục chở hàng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiếc lốp xe khi bị thủng đã được bộ đội ta khắc phục bằng cách đóng đinh trực tiếp vào để “vá” lỗ thủng rồi tiếp tục chiến đấu.

Chiếc xe cút kít của dân công Trịnh Đình Bầm, với 1 phần bánh xe được làm từ bàn thờ tổ tiên, chiếc xe có thể chở tới 280kg/chuyến lương thực, nhờ vậy, chỉ trong vòng 4 tháng, với quãng đường gian khổ 20km, cụ Bầm đã chuyển được hơn 12 tấn lương thực phục vụ chiến trường.

Một phần bánh xe vẫn còn nguyên dấu vết bàn thờ tổ tiên của gia đình cụ Trịnh Đình Bầm.

Con cúi được làm từ những chiếc rọ tre tròn, dài, cao tùy theo tình hình, thường được nhồi thân cây gỗ, rơm hoặc chuối rừng để bộ đội ta có thế đào hào tiến sát cứ điểm của địch, hạn chế sát thương do đạn thẳng, lựu đạn, hay pháo cối bắn vào…

Những chiếc guốc chèn pháo, một công cụ cực kỳ quan trọng trong hành trình kéo pháo của quân đội ta đánh chiếm cứ điểm Điện Biên Phủ.

Một bộ quân trang của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những bộ trang phục hết sức giản dị nhưng góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm châu.

Lô cốt xây dựng bằng gỗ để giấu pháo của quân đội ta được tái hiện lại trong bảo tàng. Đây là một chiến thuật hết sức tài tình của quân đội ta khi khiến cho địch không thể phát hiện được trận địa pháo ở đâu.

Cây đàn Măng-đô-lin do chiến sỹ Dương Lân tự làm để phục vụ sinh hoạt văn nghệ trong những ngày tháng chiến đấu ác liệt ở chiến trường Điện Biên Phủ.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, dụng cụ phục vụ cấp cứu, điều trị thương binh vô cùng thiếu thốn. Để có những chiếc bàn mổ, đội Quân y đã phải dùng những chiếc thanh tre ghép lại. Còn những chiếc đèn mổ được sáng tạo bằng cách dùng các đèn pha xe đạp được xin từ đội xe thồ về. Mỗi buồng mổ đặt 2 chiếc đèn pha xe đạp, nguồn điện thì dùng ngay chiếc Đinamô của những chiếc xe đạp này, gắn lên khung xe và 2 người ngồi quay bằng tay để phát điện.

Những chiếc xoong, chậu của các anh nuôi mang cơm ra cho các chiến sỹ lỗ chỗ vết đạn bắn.

Bệnh viện dã chiến

dưới chân đồi A1

Bao giờ cũng vậy, cứ đến dịp cuối tháng 4, cựu binh Bùi Đáp lại sửa soạn, mặc lên mình bộ quân phục đã bạc màu rồi lập cập bước về phía Nghĩa trang đồi A1. Đã 65 năm trôi qua, nhưng mỗi lần đứng trước bạt ngàn mộ nằm im lìm, thẳng lối, ông lại khóc. Những ký ức về 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” bỗng chốc ồ ạt ùa về như mới chỉ ngày hôm qua.

Tháng 2/1954.

Chàng trai Bùi Đáp khi ấy vừa tròn 27 tuổi thì có lệnh lên chiến trường Điện Biên, chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng. Vốn công tác tại Cục Quân y, Đáp đảm nhận vai trò y sỹ trong bệnh viện dã chiến ngay sát chiến trường.

Cho tới tận bây giờ khi đã là một ông lão ngoài 90, cựu binh Bùi Đáp vẫn nhớ y nguyên cảm xúc của những ngày ấy. Đêm trước khi vào Điện Biên, ông không sao ngủ được. Tiếng súng ầm ì ở xa xa khiến chàng trai trẻ gốc Phú Thọ thao thức. Nhưng vào thời điểm ấy, anh vẫn chưa thể mường tượng hết mức độ khốc liệt của lòng chảo lửa Mường Thanh.

Cựu binh Bùi Đáp kể lại những năm tháng khốc liệt ở Điện Biên.
Cựu binh Bùi Đáp kể lại những năm tháng khốc liệt ở Điện Biên.

Gọi là bệnh viện dã chiến nhưng toàn bộ khu điều trị của Việt Minh chỉ là hơn 1km đường hầm được công binh đào sâu dưới lòng đất. Phòng khám chữa được khoét sâu theo kiểu hàm ếch vào thành tường chỉ vừa đủ cho thương binh nằm. Không giường, không chiếu, không đèn điện. Thứ ánh sáng duy nhất có thể phát ra là từ cây đèn măng xông đặc quánh mùi dầu.

“Bệnh viện” được chia làm 3 khu: Khinh thương, Trung thương và Trọng thương. Cựu binh Bùi Đáp khi đó là y tá trưởng phụ trách khu Trung thương.

Ngừng lại một lát, ông kể tiếp: “Mức độ thương vong những ngày tấn công lên Điện Biên Phủ là rất lớn. Mỗi ngày chúng tôi phải tiếp nhận từ 40-50 thương binh. Người thương ở chân, tay, kẻ bị thương ở ngực, ở đầu. Máu trộn lẫn bùn đất nên anh em nào đưa vào cũng bê bết cả.”

“Chỉ một ngày vào bệnh viện dã chiến, tôi mới thấy hết sự cam go của cuộc chiến này,” ông nhớ lại.

Thương binh được đưa vào bệnh viện sau khi được điều trị tạm thời trong 24 tiếng ngay lập tức phải chuyển về các tuyến sau để nhường chỗ cho người mới. Cứ như thế, hơn 50 ngày chiến dịch, hàng ngàn thương binh qua tay ông điều trị, có những người ông còn chưa kịp nhớ mặt, gọi tên.

“Sức ép thời gian là rất lớn, chúng tôi cũng không có quá nhiều thuốc men. Mọi người trong bệnh viện chỉ còn cách cố gắng hết mình sơ cứu, thậm chí có khi phải cắt bỏ những phần chân tay đã hoại tử để giữ lại mạng sống cho anh em. Cả ngày lẫn đêm, chúng tôi hầu như không có giấc ngủ nào thoải mái, chỉ thỉnh thoảng mới dám ngồi chợp mắt cho đỡ mệt rồi lại tiếp tục công việc,” ông Đáp kể – “Ở khu Trung thương của chúng tôi ít khi phải làm phẫu thuật lớn, bên khu trọng thương còn thiếu thốn và khó khăn hơn nhiều. Giữa chiến trường thì làm gì có đủ đèn điện. Quân y phải dùng xe đạp, dựng ngược lên rồi quay liên tục bánh xe để lấy ánh sáng từ tua-bin đèn phục vụ phẫu thuật.”

Kể đến đây, người lính Điện Biên năm nào bỗng dưng ngừng lại. Sau một tiếng thở dài, ông bảo: Thứ ám ảnh ông nhiều nhất là cảm giác bất lực khi nhìn đồng chí, đồng đội của mình bị cơn đau xé giày vò.

Ấy là lần, một chiến sỹ bị chấn thương nặng vùng đầu được chuyển về Trung thương. Cáng vừa được đặt xuống, anh đã vùng dậy, miệng hô to: “Các đồng chí xung phong”; “Nhảy đi”… Trước mắt anh lính trẻ đã không còn là hầm của bệnh viện, không còn là các y bác sỹ nữa. Chỉ còn chiến trận, khói lửa và mùi súng đạn cháy bỏng da người.

“Chúng tôi buộc phải giữ tay chân anh ấy lại, ép uống thuốc an thần thì bệnh nhân mới thiếp đi được một lúc. Nhưng khi tỉnh dậy, những tiếng hô vẫn không ngớt trong hầm,” ông Đáp nói, mắt đỏ hoe.

Lại có lần, một bệnh binh vừa được mổ lồng ngực từ khu Trọng thương chuyển sang khu Trung thương “gửi nhờ.” Do vết thương sát phổi, bệnh binh bị khó thở. Suốt đêm hôm ấy, người lính chiến nửa nằm nửa ngồi dựa lưng vào 2 dân công. Người lành lặn kể cho kẻ bị thương những câu chuyện về Tết quê nhà, về giấc mơ trồng một cái cây sau ngày Điện Biên giải phóng để làm kỷ niệm…

“Dù cố gắng thế, nhưng chúng tôi vẫn không giữ lại được người chiến sỹ ấy. Hàng ngày, chứng kiến nhiều đồng đội phải ra đi, chúng tôi chỉ muốn bật khóc,” cựu quân y Bùi Đáp day dứt.

Gần 5 giờ chiều 7/5/1954.

Theo thường lệ, nhóm y sỹ khu Trung thương chuẩn bị tiếp nhận đợt thương bệnh binh mới từ chiến trường. Bỗng phía bên ngoài bặt hẳn tiếng súng. Chỉ còn những tiếng hô ồn ào.

“Hàng rồi. Hàng rồi…” Bùi Đáp như không tin vào tai mình. Anh chạy ào ra phía cửa hầm. Trước mắt, cờ trắng của Pháp treo kín trận địa.

“Sung sướng lắm. Những cánh rừng xung quanh ầm vang tiếng hò hét của những người tưởng chừng sẽ ngã xuống. Chiến dịch đã hoàn toàn thắng lợi,” ông Đáp hân hoan nhớ lại.

Một ngày sau, bộ đội ta bắt đầu tiếp cận khu vực dùng làm bệnh viện dã chiến dành cho lính Pháp. Đây cũng là một căn hầm được đào sâu dưới lòng đất. Tuy nhiên, bên trong lại chật hẹp hơn và ngổn ngang những mảnh thịt, bộ phận bị cắt bỏ đã bốc mùi hôi nồng nặc.

Lính Pháp đầu hàng quân đội ta trong ngày 7/5/1954.
Lính Pháp đầu hàng quân đội ta trong ngày 7/5/1954.

“Lính viễn chinh bên trong rất yếu. Họ cho biết, do lo sợ bị bắn nên không ai dám mang những bộ phận bị cắt lên mặt đất cả. Gặp chúng tôi, tất cả các thương binh đều thốt lên rằng: Cám ơn các ông. Chúng tôi sống rồi.”

Thực hiện chính sách nhân đạo, toàn bộ thương binh được đưa lên mặt đất. Các y bác sỹ người Việt dựng lều lán ngay trên những hố đạn pháo đen ngòm để sơ cứu cho những người từng ở bên kia chiến tuyến.

“Sung sướng lắm. Những cánh rừng xung quanh ầm vang tiếng hò hét của những người tưởng chừng sẽ ngã xuống. Chiến dịch đã hoàn toàn thắng lợi,” ông Đáp hân hoan nhớ lại.

Trong số hàng vạn tù binh tại Điện Biên Phủ, ông Đáp cũng được giáp mặt Genevieve Degala, y tá trưởng và cũng là nữ tù binh duy nhất của Pháp.

“Khi đó, cô ấy cũng chính là người đã đề nghị chúng tôi cho thương binh Pháp được lên mặt đất để hít thở bầu không khí trong lành và tự do,” ông Đáp kể lại.

Về sau, Genevieve Degala đã được đối xử rất nhân đạo và trong chuyến bay đầu tiên trao trả những tù binh, thương binh nặng ngày 27/5/1954, có một chỗ đặc biệt dành cho cô. Tại sân bay Gia Lâm, cô đã nói với các phóng viên báo chí: “Nếu biết trước được lòng khoan dung của Cụ Hồ và nhân dân Việt Nam, thì tôi đã xin làm tù binh sớm hơn!”.

Nhân đạo và khoan dung cũng là chính sách kéo dài xuyên suốt chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Sau ngày 7/5, ông Đáp lại tiếp tục nhận nhiệm vụ cùng trung đội bảo vệ, cấp dưỡng đưa 200 thương binh Pháp hành quân về rừng Mường Ẳng. Tại đây, một dãy lán trại dã chiến đã được dựng nên, trở thành khu điều trị tạm thời cho binh lính nước ngoài.

Lính Pháp vốn chỉ quen ăn bánh mỳ, uống café và hút thuốc lá. Nhưng chỉ sau 1 tuần, toàn bộ nhu yếu phẩm dự trữ của họ cũng cạn sạch. Cơm Việt Nam họ không quen nên đầu tiên rất nhiều người bỏ bữa.

“Khi ấy, chúng tôi phải bảo họ: Các anh là tù binh, nhưng phía Việt Nam vẫn khoan hồng. Chỉ cần điều trị tốt, các anh sẽ được về nhà. Nhưng các anh phải cố ăn cơm Việt Nam. Nếu không quen mà bị đau dạ dày, cũng có thuốc chữa,” ông Đáp nhoẻn cười kể.

Xác chiếc xe tăng bị bắn hạ trên chiến trường Điện Biên Phủ.
Xác chiếc xe tăng bị bắn hạ trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Nghe thấy thế, những gã lính châu Âu, trong niềm hy vọng quay về cố quốc, đã bắt đầu tập ăn cơm rau, tập dùng đũa tre lần đầu tiên trong đời mình.

Chỉ 1 tháng sau, thực hiện đúng lời hứa, sau khi đảm bảo sức khỏe, toàn bộ số tù binh đã di chuyển từ Mường Ẳng về Tuyên Quang để trao trả.

Và tới tận lúc này, ông Đáp mới chính thức được nghỉ ngơi. Cũng từ đây, giống như nhiều đồng đội khác, chàng trai từ quê hương Phú Thọ quyết định sẽ gắn bó phần còn lại của đời mình với Điện Biên, nơi đã ghi dấu máu xương của những người lính trong mùa xuân bất diệt 1954./.

Hoa vẫn nở trên chiến trường năm xưa

Lê Minh Sơn

65 năm sau chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Điện Biên đã từng bước đổi thay từng ngày. Thành phố mới được xây dựng ngay bên trận địa xưa. Đến lượt mình, những hầm hào, ụ pháo… trở thành chứng nhân cho nhịp sống mới thanh bình.

Thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên) chính thức được thành lập từ năm 2003 theo Nghị định số 110/2003/NĐ-CP của Chính phủ.

Thành phố mới được xây dựng trên chính những hầm hào, ụ hỏa điểm công sự 65 năm về trước. Sự hiện diện của “bóng dáng quá khứ” như một lời nhắc nhở các thế hệ tương lai về một phần lịch sử không thể bị lãng quên trên mảnh đất anh hùng này.

Đứng từ cầu Mường Thanh – cây cầu bắc vào hầm tướng De Castries, du khách có thể dễ dàng bắt gặp cảnh những chiếc máy bay dân sự hạ độ cao, chuẩn bị hạ cánh. Một sân bay hiện đại đã được xây dựng ngay trên nền sân bay quân sự cũ từ thời Pháp đã trực tiếp kết nối Điện Biên với nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Ngay trung tâm thành phố, Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ cũng đã được đặt dựng nên. Tại đây có bức phù điêu đại cảnh lớn nhất Đông Nam Á được đặt bên phải, với chiều cao trung bình 7,5m, chiều ngang 58m được ghép từ 217 tấm đá xanh Thanh Hóa, nặng gần 400 tấn. Bức phù điêu đại cảnh miêu tả toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng.

Sông Nậm Rốn – ranh giới tự nhiên ngăn cách hầm tướng De Castries với phần còn lại của trận địa sau 65 cũng đã kịp khoác lên mình diện mạo mới.

Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay nhìn từ dồi A1.

Trên chiến trường xưa, thành phố mới đang từng ngày đổi thay. Đến Điện Biên Phủ hôm nay, những du khách khó tính nhất cũng cảm thấy thư thái vì một nhịp sống chậm rãi, dịu dàng hiếm có được.

65 năm đủ để nhiều thế hệ người Điện Biên trưởng thành. Thế nhưng, những dấu tích của 56 ngày đêm lịch sử 1954 vẫn không ngừng hiện hữu xung quanh, nhắc nhớ tất cả về một Điên Biên Phủ anh hùng không thể bị lãng quên./.