Sự thờ ơ

untitled1-1557200495-57.jpg

Lời tòa soạn

Lợi dụng các trang mạng xã hội như zalo, facebook, youtube, những năm gần đây, các thế lực tội phạm về buôn bán động vật hoang dã quý hiếm đã tìm cách “dụ dỗ” người tiêu dùng bằng những lời quảng cáo có cánh như “ngà voi được coi là linh vật có uy quyền, mang lại sự bình an, phát triển gia thế, xua đuổi tà khí, thu hút nhiều may mắn, tài lộc. Vì vậy, sản phẩm được làm từ ngà voi luôn đặc biệt và có giá.”

Sau một thời gian ngắn “xâm nhập mạng xã hội,” những lời có cánh, lừa bịp trên đã “đánh” thẳng vào tâm lý người mua với mong muốn sở hữu bằng được một sản phẩm từ ngà voi, từ đó khiến thị trường ngà trắng ở nước ta ngày càng sôi động.

Tại Quyết định ban hành kế hoạch hành động ngà voi, sừng tê giác giai đoạn 2018-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thừa nhận, trong thập kỷ gần đây, Việt Nam được coi là một nước trung chuyển cho hoạt động buôn bán động vật hoang dã có nguồn gốc nước ngoài xuyên biên giới và xuyên châu lục.

Các hoạt động buôn bán trái phép động thực vật hoang dã, đặc biệt là ngà voi không chỉ tác động tiêu cực đến an ninh quốc gia, các mục tiêu bảo tồn, sinh kế bền vững của người dân mà còn làm giảm sút hiệu quả nỗ lực quản lý, kiểm soát và thực thi pháp luật đối với buôn bán động thực vật hoang dã.

Trước đó, tháng 9/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg đưa ra một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật. Chỉ thị cũng nêu rõ “tại một số địa phương hoạt động chế tác và bày bán các sản phẩm động vật hoang dã như ngà voi và sừng tê giác còn diễn biến phức tạp, thách thức nỗ lực thực thi pháp luật.”

Vì thế, để thắt chặt quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, Chính phủ đã cam kết “rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động buôn bán ngà voi, sừng tê giác trái pháp luật; tập trung kiểm tra các làng nghề, cơ sở chế biến, cửa hàng bán đồ lưu niệm tại các địa điểm du lịch, sân bay, bến tàu, cơ sở buôn bán, bào chế thuốc y học cổ truyền…”

Theo nhận định của các chuyên gia, giới bảo tồn, nhiều năm nay Việt Nam vẫn là một trong những thị trường buôn bán ngà voi sôi động nhất thế giới. 

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động buôn bán ngà voi vẫn diễn biến phức tạp. Dẫu rằng nhiều nỗ lực trong nước, quốc tế đã được thực hiện, nhưng vấn nạn buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã, nhất là ngà voi tại Việt Nam vẫn diễn ra ở một quy mô nhất định, gây khó khăn trở ngại cho công tác quản lý, kiểm soát.

Theo nhận định của các chuyên gia, giới bảo tồn, nhiều năm nay Việt Nam vẫn là một trong những thị trường buôn bán ngà voi sôi động nhất thế giới. Chỉ tính từ đầu năm 2010 đến cuối năm 2018, ENV đã ghi nhận khoảng 150 vụ việc vi phạm về ngà voi với tổng khối lượng ngà voi bị thu giữ lên đến hơn 53 tấn. Đặc biệt, có đến hơn 30 vụ việc vận chuyển ngà voi bị bắt giữ, khối lượng ngà voi thu giữ lên tới hơn 500kg/vụ, chủ yếu phát hiện tại khu vực cửa khẩu, cảng biển.

Điều đáng nói là, hầu hết các vụ án đều không bắt được đối tượng nhận hàng, dù các đơn hàng gửi từ nước ngoài về qua đường hàng không hoặc đường biển đều có địa chỉ người nhận.

Trước thực trạng nêu trên, những ngày đầu tháng 3/2019, nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có mặt tại nơi được biết đến là “thủ phủ voi” nổi tiếng nhất Việt Nam là bản Đôn, Khu du lịch sinh thái Buôn Đôn thuộc huyện Buôn Đôn, thành phố Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), Đà Lạt (Lâm Đồng) và chợ Bến Thành (Thành phố Hồ Chí Minh), qua đó phát hiện ra nhiều chiêu thức hoạt động, mua bán trái phép ngà voi đang được mời chào sôi động trên các trang mạng xã hội như zalo, facebook, youtube…

‘Loạn’ thị trường ngà trắng

ở thủ phủ voi nổi tiếng nhất Việt Nam

Hùng Võ-Văn Hoàng

Những ngày đầu tháng Ba, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nhộn nhịp hơn ngày thường, bởi nơi đây đang tất bật cho tuần lễ hội càphê Tây Nguyên. Trong lễ hội có sự hiện diện của quan chức chính phủ, lãnh đạo các tỉnh, nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng, cùng hàng loạt tiết mục biểu diễn đặc sắc văn hóa Tây Nguyên. Một điều không thể thiếu nữa là sự góp vui của những chú voi.

Với sự hiền lành và thông minh của giống loài, voi ở Đắk Lắk đã thật sự là những “người bạn lớn.” Với đồng bào Tây Nguyên, voi còn như thành viên thân thiết trong gia đình, buôn làng; voi được đặt tên, cung rước và thờ phụng. Tuy nhiên, không ít người vì nguồn lợi trước mắt đã ra tay sát hại để lấy ngà, lông, da, xương bán ra thị trường kiếm lời…

Chỉ trong ít ngày có mặt tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, trong vai khách du lịch, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã dễ dàng hỏi mua được nhiều món đồ trang sức làm từ ngà voi như vòng tay, nhẫn, vòng đeo cổ, các hình tượng phật, 12 con giáp, lược ngà, bút viết… Thậm chí, có chủ cửa hàng còn đưa cả khúc ngà voi nặng hơn 2,2kg ra chào mời khách với giá bán lên tới cả trăm triệu đồng.

Lần theo thông tin từ một số du khách từng mua nhẫn chế tác từ ngà voi, chúng tôi được giới thiệu đến một quán càphê có tên Ve Chai, trên đường Y Ngông, nhưng không thấy quán càphê nào theo địa chỉ đó. Tuy nhiên, khi dò hỏi tìm nơi bán đồ chế tác từ ngà voi, người viết mới được người dân chỉ vào cửa hàng bán đồ sỉ mỹ nghệ làm từ ngà voi, ở địa chỉ 130A Y Ngông.

Các sản phẩm được chế tác từ ngà voi được bày bán phổ biến tại Đắk Lắk. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các sản phẩm được chế tác từ ngà voi được bày bán phổ biến tại Đắk Lắk. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngay sau đó, chúng tôi nhanh chóng “nhập vai” khách đi mua đồ quý, tiếp cận điểm bán. Bên trong cửa hàng với tứ bề camera giám sát có nhiều người đang hồ hởi hỏi mua những món đồ làm từ voi và nhiều loại động vật khác.

Giữa phòng khách, một thanh niên trẻ cặm cụi lấy thước ngoàm đo bán kính của từng chiếc vòng ngà voi trong chiếc túi nilon cỡ lớn. Cuộc trao đổi giữa thanh niên này và người bán hàng tên V. cho thấy anh ta là khách quen đến cửa hàng mua sỉ.

Bên phải của cửa hàng có một kệ kính bán đồ trang sức, vàng bạc, nhưng quầy hàng không mở thẳng theo hướng khách đứng mà lại hướng về phía phòng khác, nửa kín, nửa hở. Trên quầy trang sức rổ lớn rổ nhỏ đầy ắp vòng tay, nhẫn được chủ cửa hàng giới thiệu là sản phẩm được chế tác từ ngà voi.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xem thứ này, thứ kia để mua làm quà tặng. V. trưng hết “hàng” ra giới thiệu và cam kết như đinh đóng cột là sản phẩm được chế tác từ ngà voi. Như để tạo thêm niềm tin cho khác hàng, V. quả quyết: “Các anh mua nhẫn, vòng ngà voi ở đây, kể cả sau khi đã dùng 3-4 năm mà ai phát hiện ra nó là hàng rởm thì quay lại đây, mỗi vòng em đền 100 triệu đồng, đền thêm cả ôtô, cả quán.”

Như lời V. cam kết, các miếng ngà đeo ở cổ, vòng nhẫn đeo ở tay, các khúc ngà to để khắc con dấu, triện, các mặt ngà lớn trưng bày lưu niệm đều được V. bê ra cho chúng tôi ngắm nghía, lựa chọn.

Thấy chúng tôi vẫn còn lăn tăn chất lượng, V. kết thúc cuộc điện thoại với khách rồi nói: “Mình chuyên bán buôn, bán lẻ, chủ yếu qua mạng. Một ngày, riêng bán qua mạng đã hơn 40 đơn rồi. Chứ khách lẻ đến mua hàng như các anh thì rất ít.” V. cũng tiết lộ, anh ta vừa nói chuyện với một hướng dẫn viên du lịch, “họ hẹn trong ngày hôm nay dẫn một đoàn khách du lịch đến mua hàng.”

Nói xong, V. quát nhân viên dọn dẹp, sắp xếp hàng gọn gàng chờ khách đến…

Cũng ở Đắk Lắk, nơi mà cứ nhắc đến tên bản, với những chú voi huyền thoại, ẩn chứa nhiều câu chuyện về truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, người dân Việt Nam sẽ nhớ ra ngay là Bản Đôn (xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn). Tuy nhiên, Bản Đôn bây giờ đang xấu đi bởi vấn nạn buôn bán ngà voi trái phép. Chưa nói đến chuyện các sản phẩm được làm từ ngà voi thật hay giả (từ xương, nhựa), nhưng rõ ràng việc bán ngà voi ở vùng “bảo tồn voi” là điều thật khó chấp nhận.

Từ thông tin bạn đọc cung cấp, những ngày đầu tháng Ba, chúng tôi có mặt tại Bản Đôn và ghi nhận tình trạng buôn bán ngà voi công khai khi có khách hỏi mua.

Theo đó, khi vào hỏi mua vé để vào Khu du lịch sinh thái Bản Đôn, tại khu Cầu Treo, bà H., một người mặc đồng phục, đeo thẻ, bán vé tham quan cho chúng tôi giới thiệu là nhân viên của khu du lịch, niềm nở khoe rất nhiều sản phẩm như vòng, nhẫn được làm bằng ngà voi. Thậm chí, bà H. còn bật đèn pin của điện thoại ra hướng dẫn khách cách phân biệt ngà voi thật và ngà voi giả.

Các sản phẩm được chế tác từ ngà voi được bày bán phổ biến tại Đắk Lắk. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các sản phẩm được chế tác từ ngà voi được bày bán phổ biến tại Đắk Lắk. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà H. cho biết, hàng giả làm từ xương hoặc nhựa, giá rẻ, chỉ vài chục nghìn một cái nhẫn hay vòng đeo tay, chiếc lớn nhất, giá cũng không quá 100-200 nghìn đồng. Đồ giả đó, không sợ ai kiểm tra, bắt bớ, tịch thu hay xử lý, nên gian hàng của bà H. cũng như các gian hàng khác trong bản đều bày thành từng đống trắng trong tủ kính, có khi để cả rổ trên mặt quầy, mặt bàn cho khách dễ lựa chọn.

“Nhưng hàng thật thì phải giấu rất kín, rất kỹ. Giấu để tránh bị công an, cảnh sát môi trường bắt, tránh bị ăn trộm, vì ‘chợ đen’ họ bán một chiếc vòng tay bằng ngà voi thật có giá vài triệu đến cả chục triệu đồng,” bà H. chia sẻ thêm.

Khi chúng tôi sắm vai khách hàng háo hức muốn mua và đề nghị xem hàng thật, bà H. bảo chồng xách ra túi thổ cẩm, bên trong có những túi nilon chứa đầy vòng và nhẫn. Từng túi được đổ lên bàn cho khách xem, trên bàn làm việc là gói bưu kiện chuẩn bị chuyển qua đường bưu điện cho một khách hàng ở một huyện thuộc tỉnh Đồng Tháp, đủ địa chỉ, số điện thoại của cả người gửi và người nhận.

Như để tạo thêm niềm tin cho khách, vợ chồng bà H. còn cam kết, nếu khách mua mà không đem được hàng lên máy bay, họ sẵn sàng đền bù sản phẩm khác, dù đó là một cài vòng tay ngà voi thật, được bán với giá hơn 5 triệu đồng.

Sở dĩ vợ chồng bà H. cam kết như vậy là bởi họ bán trang sức chế tác từ ngà voi đã nhiều năm và đã chuyển cho khách nhiều lần. Chồng bà H. còn “khoe” từng về quê và mang theo cả nắm vòng ngà voi lên máy bay về bán mà chẳng gặp sự cố gì.

Ngay cả khi đã rời khỏi Bản Đôn, vợ chồng bà H. còn gửi qua zalo cho chúng tôi hình ảnh cả những khúc ngà voi lớn với giá rao bán lên đến vài trăm triệu đồng. “Hàng nào cũng có, to, bé có cả. Đặt hàng là có. Vấn đề là các anh có nhu cầu không và có đồng ý với hàng chúng tôi gửi qua zalo hay không thôi,” bà H. nói.

Không chỉ rao bán sản phẩm chế tác từ ngà voi, bà H. còn khoe với chúng tôi là vừa nhận bán một chiếc ngà dài gần 1,6m, với giá tiền tỷ, khách đã đặt cọc nhưng chưa dám chuyển vì thời điểm này đang là dịp tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ hội càphê, nên việc kiểm tra chặt chẽ hơn.

Đúng như lời bà H. chia sẻ, khi chúng tôi ngỏ ý mua hẳn cả chiếc ngà voi để vận chuyển ra Bắc, các chủ cửa hàng đều thì thầm cùng một nội dung: “Mua nhẫn, vòng, các đồ chế tác rồi thì được. Còn mua miếng ngà, khúc ngà hay cả cái ngà voi thì đều phải chờ ít ngày nữa. Vì đợt này các cơ quan chức năng đang ra quân.”

Ngoài ‘thủ phủ voi’ lớn nhất Việt Nam tại tỉnh Đắk Lắk, trong quá trình nhập vai điều tra vềhoạt động buôn bán động vật hoang dã quý hiếm, nhóm phóng viên còn ghi nhận ngà voi và các sản phẩm được chế tác từ ngà voi được bày bán ở một số khu chợ nổi tiếng như Bến Thành, phố An Bình, Trung tâm thương mại An Đông (Thành phố Hồ Chí Minh), hay Thương xá Latulipe, Biệt điện Bảo Đại (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).

Tuy nhiên, những điểm bán trên mới chỉ là một phần của “thị trường đen” về buôn bán ngà voi và các sản phẩm đi kèm. Sôi động nhất vẫn là trong các gian hàng ảo trên mạng internet.

Thiết kế mỹ thuật: Thanh Trà

Rao bán cả khúc, cả rổ ngà voi trên mạng xã hội

Hùng Võ-Văn Hoàng

Ngoài “thủ phủ voi” lớn nhất Việt Nam tại tỉnh Đắk Lắk trong quá trình nhập vai điều tra về hoạt động buôn bán động vật hoang dã quý hiếm, nhóm phóng viên còn ghi nhận ngà voi và các sản phẩm được chế tác từ ngà của “người bạn lớn” được bày bán ở một số khu chợ nổi tiếng như Bến Thành, phố An Bình, Trung tâm thương mại An Đông (Thành phố Hồ Chí Minh), hay Thương xá Latulipe, Biệt điện Bảo Đại (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).

Tuy nhiên, những điểm bán trên mới chỉ là một phần của “thị trường đen” về buôn bán ngà voi và các sản phẩm đi kèm. Sôi động nhất vẫn là trong các “gian hàng ảo” trên mạng internet.

Ngà voi “chui lọt” mạng xã hội?

Ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, showroom đồ lưu niệm MT, nằm ở địa chỉ 81-83 Nguyễn Văn Cừ, lúc nào cũng có từ 5-7 nhân viên bày bán đủ các loại trái cây, thức uống đặc sản của cao nguyên. Tuy nhiên, bên trong showroom này là quầy bán đồ trang sức có giá.

Ngay khi thấy khách ngỏ ý muốn mua “hàng,” người bán hàng tên N. vô tư mở tủ kính lấy cho chúng tôi xem từ vòng, nhẫn, bút, lược… với lời giới thiệu là sản phẩm được chế tác từ ngà voi. Thậm chí N. còn đưa ra một đoạn đuôi voi khô cứng, với những sợi lông đen, cứng như cước dài hơn gang tay người lớn để giới thiệu và bán với giá hơn 100.000 đồng/sợi, tùy độ dài.

Khi chúng tôi đề cặp tới chuyện muốn có trong nhà bức tượng cầu tài cầu lộc bằng ngà voi, và mẫu tượng phải là do chúng tôi phác thảo, mang đi đặt thợ chế tác, N. bảo chúng tôi ngồi chờ một lúc, rồi cầm điện thoại bấm số gọi xin ý kiến ông chủ.

Như được ông chủ dặn dò, ngay sau khi kết thúc cuộc gọi, N. quay sang dò hỏi thông tin về các vị khách lạ một lúc, rồi vào trong bê ra một khúc ngà voi châu Phi nguyên khối đặt lên cân cho khách xem. Xung quanh có vài người lạ mặt theo dõi chúng tôi.

Ssản phẩm được chế tác từ ngà voi ngang nhiên bày bán tại cửa hàng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ssản phẩm được chế tác từ ngà voi ngang nhiên bày bán tại cửa hàng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khúc ngà nặng như đá, to bằng bắp đùi người trưởng thành, tuy chỉ một đoạn dài khoảng 10cm nhưng đặt lên bàn cân đã nặng tới 2,2kg. N. giới thiệu đây là ngà voi châu Phi, thức ăn bên đó phong phú nên chất lượng ngà tốt hơn ngà voi châu Á. Người đàn ông này còn khẳng định: “Nếu để làm tượng thì chỉ có loại này đạt yêu cầu, vì ngà voi châu Á xốp, khó đẽo tạc.”

Không để khách hỏi giá, ngay lập tức N. chốt 70 triệu đồng/kg, nếu khách mua thêm một khúc nữa cũng sẵn hàng. “Còn các anh muốn mua nhiều chỉ cần đặt trước là có,” N. nói.

Khi chúng tôi lấy lý do khúc ngà voi quá lớn so với tượng muốn làm nên xin phép sang cửa hàng khác tìm thêm, N. liền nhắn nhủ chúng tôi đợi thêm ít ngày nữa, khi nào có khách tương tự (muốn mua một phần ngà) sẽ báo lại chúng tôi, để cắt ra, chia đôi.

Ít ngày sau, N. gửi qua zalo cho chúng tôi hình ảnh một khúc ngà voi mà cửa hàng N. đang có, với lời nhắn nhủ: “Vẫn ngà voi châu Phi, đường kính 11cm, dài 23cm, nặng 4,918kg. Khúc này đường kính nhỏ hơn, nên giá chỉ 45 triệu đồng/kg.”

Khác với N. chỉ cần vài câu xã giao đã đưa hàng cấm cho khách xem. G. là người Lào, lấy chồng ở Buôn Đôn rồi chọn khu du lịch Bản Đôn làm chốn kinh doanh buôn bán. Như hầu hết các gian hàng ở đây, cửa hàng của G. cũng bán đồ lưu niệm. Ban đầu chúng tôi hỏi vòng, nhẫn ngà, G. nói ở đây chỉ có vòng xương voi, nhẫn xương voi hoặc nhựa, chứ làm gì có ngà.

Tuy nhiên, khi chúng tôi nói chuyện với nhau về vân ngà xịn và vân nhựa nhân tạo, hoặc không vân, thì G. thay đổi thái độ. Chị ta vào nhà bưng ra một rổ nhựa đầy các vòng tay bằng ngà voi. Cũng như nhiều điểm khác chúng tôi khảo sát, G. bảo muốn mua khúc ngà to/bé, nặng/nhẹ, hoặc nguyên chiếc, cửa hàng của G. đều sẵn hàng, cung cấp được.

Rao bán các sản phẩm được chế tác từ ngà voi trên mạng xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Rao bán các sản phẩm được chế tác từ ngà voi trên mạng xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đặc biệt, G. còn nói cho chúng tôi nghe rằng ở ngay xã Krông Ana này có một người chuyên chế tác. Vì thế, G. sẵn sàng nhận mẫu của khách để nhờ người đó chế tác. G. cũng sẵn sàng nói tên tuổi người đàn ông chế tác bí ẩn kia, nhưng khi chúng tôi hỏi xin số điện thoại để trao đổi trực tiếp về mẫu mình muốn làm, thì G. dứt khoát không cho với lý do “em lưu trong điện thoại chồng em, giờ gọi chồng em không nghe vì đang bận dựng nhà hộ bà con.”

Rồi G. cho chúng tôi số điện thoại của mình và không quên dặn: “Anh chị cứ xem mẫu kỹ, cần hàng như nào báo em, em sẽ gửi zalo nếu anh chị ưng ý thì chuyển tiền cọc em sẽ chuyển hàng cho. Nhưng để qua đợt kiểm trao cao điểm này đã.”

Qua các câu chuyện với N. và G. rõ ràng, hiện nay những đối tượng buôn bán ngà voi và các sản phẩm từ voi đã dần chuyển sang cách kinh doanh qua mạng xã hội. Và zalo là một trong những kênh ảo mà các đối tượng buôn bán ngà voi xác định là “thị trường làm ăn.”

Con buôn làm giàu từ “thế giới ảo”

Cũng tại thành phố Buôn Ma Thuột, một người buôn bán ngà và các sản phẩm từ ngà “có số có má” khác có tên là NP. Dù có hình chụp facebook và số điện thoại của người đàn ông khoảng 35 tuổi tên là NP. này, chúng tôi vẫn không có cách nào tìm ra được facebook của anh ta. Thế nhưng, khi lưu số điện thoại và vào zalo, thì thấy NP. “quảng cáo” rất nhiều các sản phẩm làm từ ngà. Đa dạng về mẫu mã, và số lượng thì lớn hơn những nơi chúng tôi đã khảo sát rất nhiều.

Một ngày, NP. rao bán hàng trên zalo vài lần, khi là hình chụp những chuỗi ngà hạt tròn, khi là những miếng ngà vuông, tròn được chạm khắc đủ hình thù khá tỉ mỉ. Phương N. bán đủ loại làm từ ngà, vòng tay tròn li lớn li nhỏ, nhẫn nạm vàng và không nạm, bút… từ những món đã là sản phẩm đến những thứ mới là thành phẩm.

Có hôm, đối tượng này còn tải lên cả clip giới thiệu một bộ ấm chén ngà. Nhìn hình ảnh của anh ta trên zalo và những gì anh ta thể hiện, thì có vẻ NP. là “dân anh chị”, “người của giang hồ”, chứ không đơn giản như V. trên đường Y Ngông hay N. trên đường Nguyễn Văn Cừ mà chúng tôi đã gặp. Quả thực, chúng tôi đã e dè, cân nhắc rất kỹ về việc có nên bằng mọi giá tiếp cận anh ta hay không.

Rao bán các sản phẩm được chế tác từ ngà voi trên mạng xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Rao bán các sản phẩm được chế tác từ ngà voi trên mạng xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Không riêng gì ở Đắk Lắk, tại thành phố sôi động, đông dân cư nhất nước ta như Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi cũng đã có những ngày khảo sát, qua đó ghi nhận tình trạng buôn bán ngà voi và sản phẩm từ ngà voi trên mạng xã hội khá phổ biến. Các đối tượng chụp ảnh, quay video đưa hàng lên rao bán, từ facebook đến zalo và sẵn sàng giao hàng đến tận nhà, qua dịch vụ của nhiều đơn vị vận chuyển.

Một chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm ở phố An Bình, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh sau khi trao đỏi với chúng tôi đã yêu cầu kết bạn zalo, sau đó vài tiếng đồng hồ đã gửi cho chúng tôi xem các hình ảnh là ngà voi châu Phi nguyên khúc, với trọng lượng hơn 3,7kg. “Hàng này bọn em bán với giá khoảng 30 triệu đồng/kg, nếu anh chị ưng thì đặt cọc, đây là hàng em lấy từ Hà Nội vào,” người bán hàng nhắn cho phóng viên qua zalo.

Không chỉ phổ biến trên facebook, zalo… Thậm chí, có kênh bán hàng online lớn nhất nhì nước ta như sendo.vn khi gõ vào chỗ tìm kiếm là ngà voi cũng hiện ra hàng trăm sản phẩm và thông tin bán các sản phẩm làm từ ngà voi, xương voi trên hệ thống của mình.

Chúng tôi đã hẹn các chủ gian hàng online đó để xem hàng và không dám tin những sản phẩm họ rao bán trên mạng lại đang hiện ra trước mắt mình là thật. Thế nhưng, những gì rao bán trên mạng chỉ là “sản phẩm giới thiệu” khi cần những mặt hàng khác người rao vẫn có.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng cảnh sát Môi trường, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trước hết, cần phải khẳng định, các hành vi buôn bán ngà voi này đã vi phạm luật pháp, bởi kể cả họ bán ngà voi giả hay các sản phẩm giả ngà voi đi nữa, thì tội quảng cáo bán sản phẩm động vật hoang dã đã là phạm pháp.”./.

Mua bán ngà voi dễ dàng

nhưng bắt giữ, ngăn chặn lại khó khăn

Hùng Võ-Văn Hoàng

Hiện nay, voi được xác định là loài động vật lớn nhất trên Trái Đất, nhưng cũng là loài động vật bị giết hại có tiếng trên thế giới. Liệu ngà voi có phải là nguyên nhân dẫn tới những cái chết đau đớn của loài vật to lớn này? Hay chính niềm tin mù quáng của người dùng, cách lừa bịp của người buôn, sự thờ ơ của lực chức năng, cùng chế tài xử lý còn nhẹ của luật pháp đã gián tiếp sát hại “người bạn lớn”?

Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội luôn “ngập tràn” các thông tin quảng cáo “ngà có đặc điểm là rất cứng, mịn, dễ chế tạo các đồ trang sức mang tính phong thủy; được coi là linh vật có uy quyền, mang lại sự bình an, và sự phát triển gia thế, gia chủ, thu hút nhiều may mắn, tình duyên, tài lộc trong việc kinh doanh; xua đuổi tà khí… Vì vậy sản phẩm được làm từ ngà luôn rất đặc biệt và có giá trị cao.”

Những lời quảng cáo có cánh, lừa bịp trên đã “đánh” thẳng vào tâm lý người mua với mong muốn sở hữu những sản phẩm trang sức độc lạ được làm từ ngà voi.

Lần theo những lời quảng cáo có cánh trên, trong nhiều ngày tìm hiểu, không chỉ ở Đắk Lắk, mà tại thành phố du lịch Đà Lạt hay Thành phố Hồ Chí Minh sôi động, chúng tôi đều dễ dàng tìm được các cửa hàng bán sản phẩm chế tác từ ngà voi. Người bán mải miết mời chào, người mua mê mẩn xem hàng, lựa chọn.

Không biết từ bao giờ, người ta bị gieo rắc vào đầu niềm tin mù quáng rằng lông đuôi voi, ngà voi sẽ đem lại may mắn cho người sở hữu. Còn người buôn bán thì tin rằng những công dụng trừ tà, ổn định huyết áp là bài để “móc túi” người tiêu dùng.

Hiểu biết vẫn tin, mù quáng vẫn tin, nhưng không phải ai cũng biết để có những sản phẩm “gắn mác” trừ tà, linh vật có uy quyền đó, mỗi năm có tới hàng trăm, hàng nghìn con voi trên thế giới bị giết để lấy ngà,

Không biết từ bao giờ, người ta bị gieo rắc vào đầu niềm tin mù quáng rằng lông đuôi voi, ngà voi sẽ đem lại may mắn cho người sở hữu. (Vietnam+)
Không biết từ bao giờ, người ta bị gieo rắc vào đầu niềm tin mù quáng rằng lông đuôi voi, ngà voi sẽ đem lại may mắn cho người sở hữu. (Vietnam+)

Hiểu biết vẫn tin, mù quáng vẫn tin, nhưng không phải ai cũng biết để có những sản phẩm “gắn mác” trừ tà, linh vật có uy quyền đó, mỗi năm có tới hàng trăm, hàng nghìn con voi trên thế giới bị giết để lấy ngà, mà mục đích chỉ để phục vụ cho nhu cầu thương mại của những con buôn và sự mù quáng của nhiều người.

Trước tình trạng tàn sát voi rừng, voi nhà, rồi nhiều vụ bắt giữ cả container ngà voi từ châu Phi về Việt Nam, câu hỏi đặt ra là hàng tấn ngà voi đó đã được tiêu thụ ra sao? Cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể, nhưng theo các chuyên gia thì ngoài số lượng ngà voi bị thẩm lậu qua biên giới đi sang nước thứ ba, không ít sản phẩm từ ngà voi đã giữ lại tại Việt Nam để tuồn đi tiêu thụ khắp nơi ở trong nước.

Điều đáng nói là, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ ngà voi là những hành vi bị lên án, vi phạm cả luật pháp Việt Nam và Công ước quốc tế – CITES mà Việt Nam đã là thành viên cách nay gần 20 năm. Hơn thế, việc tiêu thụ các sản phẩm từ ngà voi cũng đã góp phần kích cầu dẫn đến nguy cơ tàn sát và tuyệt chủng của loài voi.

Câu hỏi đặt ra là hàng tấn ngà voi đó đã được tiêu thụ ra sao?

Quay trở lại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), nơi từng được xem là điểm nóng về thực trạng buôn bán ngà voi, tìm hiểu được biết những năm gần đây khi các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, việc mua bán các sản phẩm làm từ ngà voi đã không còn công khai, nhưng lại “ẩn” vào trong những tiệm vàng.

Chúng tôi ngẫu nhiên khảo sát 5 cửa hàng vàng bạc quanh đường Nguyễn Thị Minh Khai, gần chợ trung tâm Đà Lạt và Thương xá Latuylip, thì cửa hàng nào cũng bán các sản phẩm từ ngà voi, lông đuôi voi…

Đơn cử như ở tiệm vàng H.K. trên phố Nguyễn Thị Minh Khai, người bán hàng cho chúng tôi xem mặt dây chuyền chạm hình Phật quan âm chạm vàng. Thậm chí, ở Dinh 3 Bảo Đại, một cửa hàng bán đồ lưu niệm còn đề biển “nhẫn lông đuôi voi” và cam kết đó là lông đuôi thật.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, tiệm vàng NT. trong Trung tâm thương mại An Đông, quận 5, người bán hàng lại giới thiệu với chúng tôi đủ thứ nữ trang chế tác từ ngà voi. Người bán nhắn nhủ muốn làm mẫu nào thì gửi hình cho họ.

Tương tự, ở ngay gian hàng đầu tiên của cổng Tây chợ Bến Thành, bà N. cũng đưa cho chúng tôi xem những chiếc vòng tương tự được chế tác từ ngà voi. Bà còn quảng cáo “vòng ngà này trừ được tà, ổn định huyết áp, mang trên người rất tốt cho sức khoẻ.” Tuy nhiên, bà N. cũng không quên nhắc khách lưu ý giúp vì lý do “bán ở đây phải cất giấu kỹ, chứ sợ quản lý thị trường phát hiện, họ bắt.”

Với cách thức mua bán ngà voi trên, chưa kể đến việc chúng tôi quá dễ dàng mua các sản phẩm từ ngà voi, thậm chí là cả khúc ngà, thì riêng việc sản phẩm giả ngà cũng đã đáng lên án rồi, bởi vô hình nó đã gieo rắc vào tâm lý người ta về thứ công dụng “trời ơi đất hỡi” nào đó của ngà voi. Vậy mà, vì lợi nhuận, lòng tham, hay sự vô cảm, người buôn ngà vẫn cứ luôn miệng quảng cáo để bán hàng.

“Khách hàng cứ hỏi mua, tìm mua nên nó mới giết voi cướp ngà.”

Ông Khăm Phết Lào, con trai của Vua voi Ama Kông, người săn và thuần dưỡng được nhiều voi rừng nhất Việt Nam chia sẻ: “Trước đây, thời ông nội mình, kẻ nào giết voi lấy ngà mà bị cộng đồng phát hiện sẽ bị phạt, thậm chí còn bị tử hình.” Rồi ông ngán ngẩm: “Khách hàng cứ hỏi mua, tìm mua nên nó mới giết voi cướp ngà.”

Khi chúng tôi đem những gì khảo sát, thu thập được đến Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Môi trường, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, một số đồng chí cho biết: “Hiện nay, nhìn mắt thường thì thấy thị trường Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều ngà voi buôn bán nhưng thực tế thì nhỏ lẻ chứ không nhiều như một số nơi khác có hàng tấn, hàng tạ ngà voi được nhập khẩu từ châu Phi về. Trước đây, phòng phối hợp với Hải Quan Tân Sơn Nhất bắt được hai cặp ngà voi nặng mấy chục ký vẫn còn đang để ở kho chưa chuyển đi được.”

Sau khi nghe phóng viên trao đổi những nội dung đã tìm hiểu và ghi hình được trước đó tại một số điểm trong Thành phố Hồ Chí Minh như chợ Bến Thành, Trung tâm thương mại An Đông, khu phố An Bình…, lãnh đạo Phòng cảnh sát Môi trường cho rằng: “Anh em có nhiều thông tin về hàng ngà voi và đang xác minh, mình đã báo cáo lãnh đạo, chủ yếu xác minh ngà voi nhập khẩu. Các cửa hàng chế tác nguyên liệu từ ngà voi là có nhưng thực tế số lượng không nhiều.”

Còn nói về những khó khăn trong thời gian qua, vị lãnh đạo này cho hay: “Thực tế anh em gặp nhiều khó khăn vì có nhiều thông tin. Trên mạng bây giờ nó bán đủ các loại, hàng thật, giả, giá cả thế này thế khác. Nhiều khi các tổ chức chuyển thông tin cho nhưng anh em có 3 người mà phải quản lý cả thành phố này nên xử lý không kịp, làm không xuể.”

Việc điều tra, theo dõi các vụ việc gặp rất nhiều khó khăn.
Việc điều tra, theo dõi các vụ việc gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng phải khẳng định, cả Phòng cảnh sát Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có vài người, nhưng thành phố diện tích rộng, đông dân nhất cả nước. Và lực lượng này còn kiêm nghiệm các công việc khác như khai thác cát, ô nhiễm môi trường… nên việc điều tra, theo dõi các vụ việc gặp rất nhiều khó khăn.

“Công việc đâu phải chỉ quản lý mỗi việc buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã mà còn những việc liên quan đến môi trường, phá rừng, đốt rừng… Năm 2017-2018, tình trạng khoáng sản ‘nóng’ nên phải tập trung cả ba anh em đi xử lý các vụ khoáng sản. Bắt những tàu to tạm giữ xử lý nhưng không có bãi nào nên đậu tận ngoài kia, rồi phải cử người đi trông cả ngày lễ tết,” lãnh đạo Phòng Cảnh sát Môi trường nói.

Còn tại Đắk Lắk, nhóm phóng viên đã chia sẻ thông tin với Công an tỉnh kèm những hình ảnh, địa chỉ, những đối tượng buôn bán rõ ràng, nhưng sau gần một tháng điều tra của cơ quan chức năng, thông tin phóng viên nhận được lại là các lực lượng chức năng đã “kiểm tra mấy điểm nhưng chưa giám định được nên không thể bắt.”

Điều đáng nói là, chỉ bằng các hình thức nhập vai khách mua hàng đơn giản, nhưng phóng viên vẫn tiếp cận, ghi được những hình ảnh người buôn bán ngà voi và các sản phẩm ngà voi, thậm chí còn được quay phim, chụp ảnh thoải mái. Chính người bán còn đưa cả sản phẩm thật và sản phẩm giả ra so sánh cho khách xem. Thế nhưng, khi lực lượng chức năng vào cuộc lại rất khó bắt, xử lý vi phạm bởi muôn vàn khó khăn, trở ngại….

Thiết kế mỹ thuật: Thanh Trà

‘Cuộc chiến chống buôn bán ngà voi’

Không mạnh tay, voi còn đổ máu…

Hiện nay, tình trạng buôn bán ngà voi vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp tại Việt Nam, song việc đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán ngà voi lớn vẫn chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt trên khía cạnh xử phạt.

Xung quanh vấn đề trên, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV- tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và giáo dục môi trường) để rõ hơn về thực trạng buôn bán ngà voi, từ đó kiến nghị giải pháp đấu tranh, xử lý.

– Xin bà cho biết thực trạng buôn bán ngà voi và các sản phẩm được chế tác từ ngà voi trong những năm gần đây?

Bà Bùi Thị Hà: Theo đánh giá của ENV, tình trạng buôn bán ngà voi và các sản phẩm chế tác từ ngà voi vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Việt Nam không chỉ là một thị trường tiêu thụ tiềm năng mà còn đóng vai trò là địa bàn trung chuyển đặc biệt quan trọng được các “đường dây tội phạm” sử dụng để đưa động vật hoang dã đến tiêu thụ tại một số quốc gia khác trong khu vực.

Từ đầu năm 2010 đến cuối năm 2018, ENV đã ghi nhận khoảng 150 vụ việc vi phạm về ngà voi với tổng khối lượng ngà voi bị thu giữ lên đến hơn 53 tấn. Đặc biệt, có đến hơn 30 vụ việc vận chuyển ngà voi bị bắt giữ, khối lượng ngà thu giữ lên tới hơn 500kg/vụ, chủ yếu phát hiện tại khu vực cửa khẩu, cảng biển.

Tại các khu vực làng nghề điểm nóng về buôn bán, tiêu thụ ngà voi như Nhị Khê, tuy tình trạng buôn bán ngà voi không diễn ra công khai như những năm về trước nhưng các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm, thu giữ một khối lượng lớn ngà voi cho thấy tình trạng buôn bán, tiêu thụ ngà voi vẫn tiếp tục sôi động tại khu vực này.

Không những vậy, hiện nay, rất nhiều đối tượng đang lợi dụng internet như một biện pháp hiệu quả để quảng cáo, buôn bán ngà voi trái phép.

Việc bắt giữ hàng hóa chỉ có ý nghĩa làm giảm lợi nhuận của các đối tượng phạm tội nhưng không thể ngăn chặn tội phạm. 

Tình trạng buôn bán ngà voi và các sản phẩm chế tác từ ngà voi vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. (Vietnam+)
Tình trạng buôn bán ngà voi và các sản phẩm chế tác từ ngà voi vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. (Vietnam+)

– Theo ENV, vì sao Việt Nam lại được coi là “trung tâm,” hay điểm trung chuyển của thị trường buôn bán ngà voi xuyên biên giới?

Bà Bùi Thị Hà: ENV cho rằng vị trí địa lý thuận lợi và một số hạn chế trong công tác xử lý vi phạm là những nguyên nhân chính khiến Việt Nam trở thành một điểm trung chuyển ngà voi quan trọng trong khu vực.

Ví dụ, nếu nhìn vào số lượng khoảng 150 vụ vi phạm về ngà voi phát hiện từ năm 2010 đến năm 2018, chỉ có khoảng 30 vụ việc các đối tượng bị đưa ra xét xử, trong đó hình phạt tù giam cũng chỉ được áp dụng trong hơn 10 vụ việc vi phạm.

Đặc biệt, trong hầu hết các vụ bắt giữ với số lượng đặc biệt lớn tại khu vực cảng, các cơ quan chức năng cũng không thể xử lý tội phạm do không tìm ra các đối tượng đứng đằng sau các công ty “ma” nhập khẩu ngà voi trái phép. Điều này cho thấy tuy Việt Nam đã khá thành công trong việc phát hiện và bắt giữ một số lượng lớn ngà voi nhưng lại chưa thực sự thành công trong việc xử lý các vi phạm liên quan đến ngà voi.

Theo quan điểm của ENV, việc bắt giữ hàng hóa chỉ có ý nghĩa làm giảm lợi nhuận của các đối tượng phạm tội nhưng không thể ngăn chặn tội phạm. Chỉ khi các cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán ngà voi lớn thì mới có thể đấu tranh hiệu quả loại tội phạm này.

– Như bà nói thì nguyên nhân khiến vấn nạn buôn bán động vật hoang dã quý hiếm, đặc biệt là ngà voi vẫn chưa được ngăn chặn là do “lỗ hổng” về pháp lý?

Bà Bùi Thị Hà: Như đã trao đổi, chỉ khi các đối tượng vi phạm, đặc biệt là những đối tượng cầm đầu các đường dây vận chuyển, buôn bán ngà voi trái phép bị phát hiện và xử lý bằng hình phạt tù giam nghiêm khắc thì mới có góp phần ngăn chặn triệt để tình trạng buôn bán, tiêu thụ ngà voi.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, công tác đấu tranh, xử lý vi phạm về ngà voi vẫn chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt trên khía cạnh xử phạt.

ENV cũng gặp nhiều khó khăn khi thông báo vi phạm đến các cơ quan chức năng về các đối tượng buôn bán động vật hoang dã trên internet vì trong nhiều trường hợp, các cơ quan chức năng vẫn chưa đánh giá đúng tính nghiêm trọng của các hành vi quảng cáo, buôn bán sản phẩm ngà voi trên internet để xử lý triệt để các đối tượng vi phạm.

Xử lý vi phạm về ngà voi vẫn chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt trên khía cạnh xử phạt.
Xử lý vi phạm về ngà voi vẫn chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt trên khía cạnh xử phạt.

Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam đang lưu trữ một khối lượng ngà voi khổng lồ lên tới hơn 50 tấn tại các kho dự trữ nhà nước mà chưa có giải pháp xử lý triệt để.

Trong năm 2016, trước thềm Hội nghị Hà Nội về chống buôn bán quốc tế động vật hoang dã, Việt Nam đã có bước tiến đáng kể khi lần đầu tiên tiến hành tiêu hủy hơn 2 tấn ngà voi và 70kg sừng tê giác là tang vật tịch thu trong một số vụ vi phạm trước đó.

Nỗ lực này của Chính phủ Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, coi đó là một thông điệp thể hiện thái độ không khoan nhượng và quyết tâm ngăn chặn tình trạng buôn bán ngà voi và sừng tê giác. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó đến nay, Việt Nam không tiếp tục có các động thái khác để thể hiện quyết tâm của đất nước trong nỗ lực đấu tranh phòng chống tội phạm về động vật hoang dã.

Trong khi đó, nhiều quốc gia trên khắp thế giới như Bỉ, Cộng hòa Séc, Gabon, Pháp, Philippines, Mỹ, Kenya hay thậm chí Trung Quốc cũng đã và đang có những hành động quyết liệt để tham gia vào “tuyên ngôn chung” chống lại tình trạng săn bắt, buôn bán voi và tê giác bằng cách tổ chức thường niên những buổi tiêu hủy kho tang vật động vật hoang dã hoặc tiêu hủy số lượng lớn ngà voi.

Chính vì vậy, ENV cho rằng cần có một giải pháp đồng bộ, hiệu quả xử lý triệt để các đối tượng vi phạm dù cho đó là những vi phạm nhỏ lẻ trên internet hay những đường dây buôn bán động vật hoang dã lớn.

Chỉ có xử lý các đối tượng vi phạm bằng hình phạt tù giam nghiêm khắc mới có ý nghĩa răn đe, phòng ngừa tội phạm cũng như tiến hành tiêu hủy tang vật ngà voi để khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong nỗ lực đấu tranh với loại tội phạm về ngà voi này.

– Vậy theo bà, với Bộ luật Hình sự hiện nay, khung hình phạt đối với các đối tượng tội phạm buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt là ngà voi đã thực sự “mạnh tay”?

Bà Bùi Thị Hà: Từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017 – BLHS) đã có hiệu lực trong đó quy định cụ thể các chế tài đối với vi phạm liên quan đến ngà voi và sừng tê giác. Theo đó, hành vi vi phạm liên quan đến ngà voi từ 2kg trở lên (bất kể loài voi) đã đáp ứng dấu hiệu định tội theo quy định tại Điều 244 Bộ Luật Hình sự.

Mức phạt tối đa cho vi phạm liên quan đến ngà voi cũng lên đến 15 năm tù giam đối với cá nhân. ENV cho rằng đây là một bước tiến đáng kể, cho thấy quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc đấu tranh với loại tội phạm này. Với quy định mới của Bộ luật Hình sự, các lỗ hổng trước đó trong việc xử lý vi phạm về ngà voi đã về cơ bản được giải quyết.

(Vietnam+)
(Vietnam+)

Chỉ khi xử lý nghiêm khắc những đối tượng tội phạm mới có thể chặn đứng tình trạng buôn bán và răn đe các đối tượng khác.

Vấn đề hiện tại chỉ là làm sao để đảm bảo Bộ luật Hình sự được áp dụng một cách hiệu quả và nghiêm khắc nhất với các đối tượng phạm tội. ENV đã bắt đầu ghi nhận hình phạt tù giam cho một số đối tượng vi phạm liên quan đến ngà voi. Đây là những dấu mốc quan trọng cho thấy chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống vi phạm về ngà voi nói riêng và tội phạm về động vật hoang dã nói chung.

Tuy nhiên, ENV cho rằng các nỗ lực thực thi pháp luật cần tập trung vào việc phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán ngà voi, sừng tê giác và các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm khác từ nước ngoài về Việt Nam.

– Trước thực trạng nêu trên, ENV có kiến nghị giải pháp gì để ngăn chặn các đường dây tội phạm buôn bán ngà voi ở Việt Nam?

Bà Bùi Thị Hà: Như đã chia sẻ, việc thu giữ ngà voi và các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thôi là chưa đủ. Quan trọng nhất cần làm để ngăn chặn triệt để tình trạng buôn bán, tiêu thụ ngà voi đó là phải khám phá, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán động vật hoang dã lớn, trong đó có ngà voi.

Chỉ khi xử lý nghiêm khắc những đối tượng tội phạm mới có thể chặn đứng tình trạng buôn bán và răn đe các đối tượng khác.

Ngoài ra, ENV cũng khuyến khích các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành thường niên tiêu hủy một phần ngà voi trong kho dự trữ như một cách thức khẳng định quyết tâm không khoan nhượng với các vi phạm về ngà voi của Việt Nam./.

Trân trọng cảm ơn bà!

Thiết kế mỹ thuật: Thanh Trà