Từ nhà ngoại giao trở thành Hoàng hậu Nhật Bản

cv-1556868091-80.jpg

Hai người phụ nữ trẻ, chỉ hơn kém nhau vài tuổi, sống ở hai nửa của thế giới, cùng mang trọng trách nặng nề khi kết hôn với người thừa kế ngai vàng ở quốc gia của mình: Diana Spencer kết hôn với Charles, Hoàng tử xứ Wales của Vương quốc Anh năm 1981, trong khi Masako Owada thì làm đám cưới với Thái tử Naruhito của Nhật Bản vào ngày 9/6/1993.

Trong cả hai trường hợp, dường như cả nước đều mong muốn người thừa kế ngai vàng nhanh chóng “yên bề gia thất”, vì cả hai vị hoàng tử đều đã bước sang tuổi 30, và việc tìm kiếm một cô dâu là một áp lực đáng kể. Đó phải là một người phụ nữ có gia cảnh tốt với danh tiếng hoàn hảo, và nếu ăn ảnh nữa thì càng tốt.

Diana, con gái của một bá tước người Anh chỉ mới 19 tuổi và đang làm việc tại một trung tâm chăm sóc trẻ em khi đính hôn với Hoàng tử Charles, người hơn bà 12 tuổi. Báo chí từng gọi bà là một “giáo viên mầm non,” nhưng nàng Diana trẻ tuổi ngày đó không có chứng chỉ giảng dạy chuyên nghiệp nào. Ngược lại, Masako, con gái của một nhà ngoại giao, lại đang nhanh chóng hướng tới sự nghiệp ngoại giao thành công của chính mình. Tai thời điểm kết hôn, Masako 29 tuổi, còn Thái tử Naruhito 32 tuổi.

Masako Owada kết hôn với Thái tử Naruhito của Nhật Bản vào ngày 9/6/1993.
Masako Owada kết hôn với Thái tử Naruhito của Nhật Bản vào ngày 9/6/1993.

Masako Owada đã là một công dân toàn cầu trước cả khi đến trường đi học. Khi còn ở độ tuổi mẫu giáo, bà đã tới sống tại Nga và New York trong những nhiệm kỳ “đi sứ” của cha. Sau vài năm trở lại Nhật Bản, gia đình Owada đã quay lại Hoa Kỳ khi Masako đang học năm thứ hai trung học. Là một sinh viên xuất sắc, bà đã học chuyên ngành kinh tế tại Harvard, rồi sau đó tới Đại học Tokyo để học cao học. Năm 1986, bà trở thành một trong số ít những người phụ nữ vượt qua kỳ thi đầu vào danh tiếng của Bộ Ngoại giao.

Cả công chúng và giới truyền thông đều vui mừng khi người phụ nữ trẻ thông minh và xinh đẹp trở thành vị hôn thê của Hoàng tử Naruhito. (Nguồn: Getty Images)
Cả công chúng và giới truyền thông đều vui mừng khi người phụ nữ trẻ thông minh và xinh đẹp trở thành vị hôn thê của Hoàng tử Naruhito. (Nguồn: Getty Images)

Đó cũng là năm mà Masako lần đầu gặp Hoàng tử Naruhito, và người ta kể rằng hoàng tử đã lập tức ấn tượng với sự thông minh và cách ứng xử của bà. Tuy nhiên, bất chấp những sự quan tâm của truyền thông về tiềm năng trở thành cô dâu hoàng gia, Masako vẫn quyết tâm tập trung vào sự nghiệp đang chớm nở của mình. Bà đã được chọn để đến làm nhiệm vụ ở Anh, ở đó bà cũng đã theo học để lấy bằng quan hệ quốc tế tại Oxford.

Tuy vậy, Hoàng tử vẫn không quên được Masako, và khi bà trở về Nhật Bản sau đó vài năm, Cơ quan Nội chính Hoàng gia đã bắt đầu bố trí những cuộc gặp măt được lên kế hoạch cẩn thận giữa hai người. Hoàng tử đã đề cập đến chủ đề hôn nhân một cách lịch sự nhưng kiên trì. Và mặc dù đã từ chối lời cầu hôn vài lần, nhưng cuối cùng Masako cũng bị thuyết phục và đồng ý kết hôn với hoàng tử vào tháng 12 năm 1992. Lễ đính hôn của họ được công bố vào tháng 1 sau đó.

Cả công chúng và giới truyền thông đều vui mừng khi người phụ nữ trẻ thông minh và xinh đẹp này trở thành vị hôn thê của Hoàng tử Naruhito. Khi đó, dân chúng cũng bàn tán nhiều về việc Masako sẽ trở thành một biểu tượng cho phụ nữ trẻ hiện đại tại Nhật Bản và có thể sẽ mang lại luồng gió mới cho gia đình Hoàng gia.

Công nương Diana đã nhanh chóng hoàn thành một trong những nhiệm vụ chính của vợ hoàng thái tử, đó là “sinh hạ người thừa kế” bằng sự ra đời của hai người con trai, Hoàng tử William và Hoàng tử Harry, nhưng cuộc hôn nhân của bà đã sớm đổ vỡ. Trong khi đó, Công nương Masako lại phải đối mặt với sự không hài lòng từ Cơ quan Nội chính Hoàng gia – những quan chức và quý tộc có nhiệm vụ quản lý các công việc của hoàng gia Nhật Bản.

Masako, người nói được bốn thứ tiếng, từng hy vọng có thể sử dụng những kỹ năng ngoại giao của mình trong vai trò mới, nhưng điều đó đã không xảy ra. Đầu tiên và quan trọng nhất, bà phải chiu áp lực từ việc hạ sinh người kế vị.

Công nương Masako đã sảy thai một lần vào năm 1999 trước khi sinh Công chúa Aiko vào năm 2001. Mặc dù đất nước Nhật Bản rất vui mừng khi công chúa nhỏ chào đời, nhưng điều đó không xoa dịu được Cơ quan Nội chính Hoàng gia, vì phụ nữ không thể thừa kế ngai vàng của Nhật hoàng. Hơn nữa, các nàng công chúa Nhật Bản đều phải từ bỏ địa vị hoàng gia khi kết hôn, như em gái của Thái tử, hiện là bà Sayako Kuroda đã làm khi lấy chồng vào năm 2005.

Công nương Masako hiếm khi xuất hiện trước công chúng sau khi sinh con gái, và vào năm 2004, có tin rằng bà đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn điều chỉnh và đang được điều trị y tế.

Công nương Masako hiếm khi xuất hiện trước công chúng sau khi sinh con gái. (Nguồn: The Japan Times)
Công nương Masako hiếm khi xuất hiện trước công chúng sau khi sinh con gái. (Nguồn: The Japan Times)

Mặc dù Công nương Masako cũng phải đối mặt với nhiều áp lực như cố Công nương Diana (người đã qua đời một cách thảm khốc trong vụ tai nạn ô tô năm 1997), có một điều không thay đổi, đó là sự quan tâm và ủng hộ tận tụy của chồng bà. Rất hiếm khi Hoàng gia Nhật Bản bày tỏ ý kiến mạnh mẽ trước công chúng, nhưng vào năm 2004, Hoàng tử Naruhito, bây giờ là Nhật hoàng Naruhito, đã bất ngờ lên tiếng về tình trạng của vợ mình.

Ông nhấn manh rằng bà “đã nỗ lực để thích nghi với môi trường hoàng gia trong suốt 10 năm qua, nhưng từ những gì tôi thấy, tôi nghĩ rằng cô ấy đã hoàn toàn vắt kiệt sức mình để làm điều đó.” Thái tử cũng nói thêm rằng, “Đúng là đã có những biến cố xảy ra phủ định sự nghiệp của Công nương Masako cũng như cá tính của cô ấy.”

Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đã suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc bảo đảm tương lai của hoàng tộc. Nhiều ý kiến kêu gọi hiện đại hóa luật thừa kế, mở đường cho Công chúa Aiko kế vị cha mình, nhưng cũng có nhiều ý kiến bất đồng từ những quan chức bảo thủ. Giữa cuộc tranh luận chưa có hồi kết này, vào tháng 1/2006, Thủ tướng Junichiro Koizumi đã cam kết đệ trình một dự luật cho phép phụ nữ thừa kế ngai vàng.

Tuy nhiên, tình hình đã bất ngờ rẽ sang một hướng khác. Dường như hết sức tình cờ, vào tháng 2/2006, có thông báo rằng Công nương Kiko, vợ của em trai Thái tử, Hoàng tử Akishino, đang mang thai người con thứ ba. Cặp đôi này khi đó đã sinh được hai người con gái 14 và 11 tuổi. Chưa có vị hoàng tử nào được sinh ra trong hoàng gia Nhật Bản từ sau khi Hoàng tử Akishino chào đời cách đó 40 năm.

Chưa có vị hoàng tử nào được sinh ra trong hoàng gia Nhật Bản từ sau khi Hoàng tử Akishino chào đời cách đó 40 năm.
Chưa có vị hoàng tử nào được sinh ra trong hoàng gia Nhật Bản từ sau khi Hoàng tử Akishino chào đời cách đó 40 năm.

Sự ra đời của Hoàng tử Hisahito vào tháng 9 năm đó đã đặt dấu chấm hết cho những suy đoán về luật kế vị, và hoàng tử sơ sinh đã trở thành người đứng thứ ba trong hàng ngũ kế vị, sau bác và cha mình.

Trong khi những người chỉ trích hệ thống hiện tại tỏ rõ sự thất vọng, không khó để tưởng tượng rằng Công nương Masako có lẽ đã thở phào nhẹ nhõm khi biết tin cháu trai mình đã an toàn chào đời.

Công chúa Aiko có thể có một cơ hội để quyết định con đường tương lai của chính mình. (Nguồn: The Japan Times)
Công chúa Aiko có thể có một cơ hội để quyết định con đường tương lai của chính mình. (Nguồn: The Japan Times)

Điều đó không chỉ quẳng đi gánh nặng trên vai bà, mà còn có nghĩa là bây giờ Công chúa Aiko có thể có một cơ hội để quyết định con đường tương lai của chính mình.

Mọi chuyện cũng không hề dễ dàng với nàng công chúa trẻ tuổi trong những năm qua. Khi còn học tiểu học, Công chúa Aiko thỉnh thoảng vắng mặt ở trường và được cho là đã mắc chứng lo âu do những “hành vi thô bạo” của một số người bạn cùng lớp.

Như thường lệ, một số ý kiến trên truyền thông luôn cố gắng liên kết điều này với những vấn đề sức khỏe của chính Công nương Masako, trong khi những người khác thì tỏ ra thông cảm hơn bằng cách chỉ ra rằng ngày càng có nhiều trẻ em trong độ tuổi đi học ở Nhật Bản nói chung cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Năm nay 17 tuổi, dường như Công chúa Aiko đã bỏ lại ký ức này sau lưng, và được cho là đang tận hưởng trường học cũng như dần dần đảm nhận thêm các nghĩa vụ hoàng gia.

Không giống như cố Công nương Diana, Công nương Masako đã vượt qua được giông bão, mặc dù phải trả một cái giá lớn về mặt cá nhân. Trong khoảng một năm qua, Công nương Masako đã thường xuyên xuất hiện hơn trước công chúng bên cạnh chồng và con gái.

Điều này cho thấy vị công nương 55 tuổi đã mạnh mẽ hơn cho vị trí đứng đầu hoàng tộc bên cạnh chồng mình.

Hiện vẫn chưa rõ phương hướng mà cặp đôi hoàng gia sẽ lựa chọn, nhưng với việc những thay đổi sâu rộng khó có thể xảy ra, có khả năng là họ sẽ tự tạo dấu ấn của riêng mình trong vai trò mới. Có lẽ họ sẽ mở ra một kỷ nguyên ngoại giao hoàng gia mới, đi công du nước ngoài để tân Hoàng hậu có cơ hội sử dụng những kỹ năng mà bà đã mài giũa trong những năm tuổi trẻ.

Công chúa Aiko hiện đang học năm cuối trung học, và cũng như mọi bậc cha mẹ khác, Nhật hoàng và Hoàng hậu chắc chắn sẽ thảo luận về những kế hoạch tương lai cùng con gái, và cảm thấy vừa tự hào lại vừa hoài niệm khi đứa con duy nhất của họ sắp đến tuổi trưởng thành.

Tương lai của hoàng gia Nhật Bản đang nằm trọn trên đôi vai mảnh khảnh của Hoàng tử Hisahito – cậu bé vừa bước vào trường trung học cơ sở. Là thành viên nam duy nhất trong thế hệ của mình, hoàng tử và cô dâu tương lai của cậu cuối cùng cũng sẽ phải sinh một người con trai để nối dõi hoàng tộc. Giả sử hoàng tử đủ may mắn để tìm thấy một phụ nữ trẻ sẵn sàng chấp nhận nhiệm vụ lớn lao này, chắc chắn cô dâu ấy sẽ tìm được sự chỉ bảo đầy cảm thông từ bác gái của mình – Hoàng hậu Masako.

(Nguồn: LaCroix)
(Nguồn: LaCroix)

Thiết kế mỹ thuật: Thanh Trà