Nan giải quản lý đất công tại Thành phố Hồ Chí Minh

vnapotalna-1555496949-6.jpg

Thoái vốn, bán rẻ đất công

Vừa qua nhiều cơ quan chức năng như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an đã vào cuộc thanh tra, kiểm tra và xử lý nhiều cá nhân sai phạm liên quan đến quản lý đất công tại Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó có đất công giao cho một số cơ quan Trung ương đứng chân trên địa bàn thành phố quản lý.

Qua đó, cho thấy tình trạng buông lỏng quản lý đất công vẫn còn phổ biến, gây thất thoát ngân sách cũng như bức xúc trong nhân dân, cần nhanh chóng xử lý, siết lại kỷ cương pháp luật.

Bán rẻ đất công, hợp tác đầu tư dự án bất động sản bằng việc lập pháp nhân rồi thoái vốn, hưởng lợi giá chuyển nhượng “đất vàng” trong khi chưa triển khai. Chuyện thật như đùa này diễn ra tại dự án bất động sản 76 Tôn Thất Thuyết, quận 4 và khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, Tp. Hồ Chí Minh.

Ngày 12/8/2016, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 4140/QĐ-UBND chấp thuận Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Sabeco HP là nhà đầu tư thực hiện dự án bất động sản tại khu “đất vàng” 76 Tôn Thất Thuyết, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích mặt đất hơn 16.500m2. Dự án có quy mô 35 tầng không kể tầng hầm, bao gồm 1.440 căn hộ với tổng vốn đầu tư hơn 1.441 tỷ đồng. Về nguồn vốn đầu tư, vốn góp chủ đầu tư thực hiện dự án 305,3 tỷ đồng bằng tiền mặt.

Tiếp đến Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định thu hồi khu đất 34.364m2 tại phường 16, quận 4 trước đây do Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy tinh Malaya Việt Nam thuê đất để sản xuất bao bì thủy tinh, giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Sabeco HP đầu tư toàn bộ hạ tầng khu vực theo quy hoạch được duyệt. Lý do thu hồi là do Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy tinh Malaya Việt Nam đã chuyển đi nơi khác, địa điểm nói trên được triển khai đầu tư dự án theo quy hoạch của thành phố.

Khu đất 76 Tôn Thất Thuyết, quận 4 đang “dính” pháp lý. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Khu đất 76 Tôn Thất Thuyết, quận 4 đang “dính” pháp lý. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân Thành phố đồng thời cũng chấp thuận cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Sabeco HP sử dụng hơn 16.500m2 đất (trong 34.364m2 tại phường 16, quận 4) để làm dự án Trung tâm thương mại dịch vụ căn hộ bán và cho thuê.

Ngày 1/9/2017, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 4681/QĐ-UBND về duyệt phương án giá đất theo giá thị trường đối với khu đất số 76 Tôn Thất Thuyết với đơn giá 23,095 triệu đồng/m2. Tính ra giá trị quyền sử dụng đất khu đất số 76 Tôn Thất Thuyết chỉ có giá gần 385 tỷ đồng.

Dư luận băn khoăn, bằng cách nào mà khu đất công này lại rơi vào tay doanh nghiệp tư nhân mà không qua đấu giá.

Đến ngày 22/8/2018, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 3538/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư dự án trung tâm thương mại, dịch vụ, căn hộ tại 76 Tôn Thất Thuyết. Theo đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Sabeco HP làm chủ dự án với tổng mức đầu tư hơn 2.765 tỷ đồng quy mô 1.452 căn hộ chung cư và khu thương mại, dịch vụ.

Đến đây dư luận băn khoăn, bằng cách nào mà khu đất công này lại rơi vào tay doanh nghiệp tư nhân mà không qua đấu giá.

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước về các hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước của Tổng Công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã chỉ rõ “chiêu thức” hô biến đất công như sau năm 2009, Sabeco và Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy tinh Malaya Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư thương mại du lịch Hiệp Phúc (gọi tắt là Công ty Hiệp Phúc) ký hợp đồng hợp tác đầu tư dự án 76 Tôn Thất Thuyết.

Một góc dự án bất động sản tại 76 Tôn Thất Thuyết, quận 4. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Một góc dự án bất động sản tại 76 Tôn Thất Thuyết, quận 4. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Đây là khu đất do Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy tinh Malaya Việt Nam thuê của Nhà nước và phải di dời nhà máy. Tháng 7/2013 Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy tinh Malaya Việt Nam có văn bản không tiếp tục tham gia đầu tư.

Sau đó, Sabeco hợp tác với Công ty Hiệp Phúc thành lập pháp nhân mới là Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Sabeco HP với tỷ lệ góp vốn được Bộ Công Thương chấp thuận. Cụ thể Sabeco góp 26% vốn điều lệ (hơn 79 tỷ đồng) gồm 8% góp vốn bằng giá trị lợi thế thương mại và 18% góp vốn bằng tiền ứng vốn không tính lãi của Công ty Hiệp Phúc; đồng thời được nhận sản phẩm của dự án tương ứng 8% vốn điều lệ của pháp nhân mới nhưng không ít hơn 20 căn hộ 3 phòng ngủ diện tích 80–100 m2 đã hoàn thiện. Sau đó Sabeco sẽ thoái 18% vốn điều lệ cho Công ty Hiệp Phúc để cấn trừ công nợ do Công ty Hiệp Phúc đã ứng tiền góp hộ Sabeco.

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước về các hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước của Tổng Công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã chỉ rõ “chiêu thức” hô biến đất công.

Kiểm toán Nhà nước khẳng định, trên danh nghĩa Sabeco góp 26% vốn điều lệ nhưng thực chất Sabeco chỉ góp vốn và hưởng quyền lợi tương ứng 8% vốn điều lệ, 18% vốn điều lệ còn lại do Công ty Hiệp Phúc góp và hưởng sản phẩm được chia. Sabeco đã đứng tên là người góp vốn thay cho Công ty Hiệp Phúc đối với 18% vốn điều lệ tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Sabeco HP.

Chưa kể, Sabeco đã báo cáo không trung thực về tình trạng sử dụng khu đất 76 Tôn Thất Thuyết. Ngày 27/12/2018, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 5981/QĐ-UBND về việc thu hồi, bãi bỏ Quyết định 4140/QĐ-UBND ngày 12/8/2016 và Quyết định 630/QĐ-UBND ngày 12/2/2018 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về quyết định chủ trương đầu tư dự án bất động sản tại 76 Tôn Thất Thuyết của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Sabeco HP.

Lý do là cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chủ trương đầu tư dự án chưa chính xác, Sabeco báo cáo không chính xác về pháp lý sử dụng tài sản trên đất của khu đất 76 Tôn Thất Thuyết và ý kiến của Ủy ban Nhân dân quận 4 là đất trống, trong khi thực tế vẫn còn 14 hộ dân đang cư ngụ, cần rà soát làm rõ. Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Sabeco HP xử lý các thủ tục liên quan đến việc ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án.

Cùng với đó, việc định giá khu đất vàng trên quá bèo bọt so với giá thị trường. Về sau Hội đồng Thẩm định giá đất Thành phố đã tính toán lại tại thời điểm thẩm định giá tháng 11/2016 thì dự án 76 Tôn Thất Thuyết có giá ít nhất là 57,7 triệu đồng/m2. Như vậy, giá trị quyền sử dụng 76 Tôn Thất Thuyết sẽ có giá hơn 960 tỷ đồng, thay vì chỉ gần 400 tỷ đồng như xác định ban đầu.

Công ty Cổ phần Tiếp vận Đông Sài Gòn (gọi tắt là Công ty ESL) là công ty con của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (gọi tắt IPC, đơn vị kinh tế thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh).

Dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh (quy mô 14,39ha) do Công ty Phát triển khu công nghiệp Sài Gòn, tiền thân của Công ty ESL làm chủ đầu tư. Năm 2007, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao 14,39ha cho Công ty Phát triển khu công nghiệp Sài Gòn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính. Về sau, Công ty Phát triển khu công nghiệp Sài Gòn cổ phần hóa và đổi thành Công ty ESL. Lúc này Công ty ESL đóng góp hạ tầng dự án với số tiền phải đóng là 107 tỷ đồng.

Ngày 17/4/2017, Công ty ESL ban hành Nghị quyết số 13/NQ-HĐQT-ESL về việc thông qua chủ trương hợp tác đầu tư để chuyển nhượng toàn bộ quyền và nghĩa vụ liên quan dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi. Đến ngày 4/5/2017, Đại hội đồng cổ đông Công ty ESL ban hành Nghị quyết 05/NQ-ĐHĐCĐ-ESL thông qua phương án hợp tác đầu tư và phê duyệt việc chuyển nhượng dự án. Theo đó, Công ty ESL đã chuyển nhượng dự án cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Đông Thuận với giá 220 tỷ đồng nhưng do Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Đông Thuận chưa giải ngân và xác nhận không tiếp tục thực hiện nên hai bên thanh lý hợp đồng.

Một góc dự án Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Một góc dự án Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Ngày 5/9/2017, Hội đồng quản trị Công ty ESL ban hành nghị quyết chấp thuận chủ trương hợp tác với Công ty Cổ phần bất động sản Hiệp Phát do Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai nắm 90% cổ phần. Cùng ngày, hai công ty ký thỏa thuận hợp tác đầu tư số 0509/TTNT/ESL-HP về việc chuyển nhượng dự án theo phương thức Công ty ESL chuyển nhượng toàn bộ dự án với giá đề nghị là 223 tỷ đồng.

Về thỏa thuận hợp tác số 0509/TTNT/ESL-HP nói trên, theo Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh (thể hiện tại Kết luận số 33/KL-TTTP-P6 ngày 18/10/2018), giá trị vốn góp của Công ty ESL tại dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi là 190 tỷ đồng (trong tổng giá trị 408,5 đồng) phía Công ty Cổ phần bất động sản Hiệp Phát góp vốn là tiền sử dụng đất của toàn dự án, chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chi phí thi công và các chi phí khác.

Nếu việc chuyển nhượng này diễn ra “êm xuôi” thì ngân sách Thành phố sẽ thất thoát một khoản tiền không hề nhỏ!

Theo thẩm định giá của Công ty Cổ phần thẩm định giá Đông Á, giá trị đầu tư vào dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi là 408,5 tỷ đồng.

Đến đây dễ thấy, giá chuyển nhượng đề nghị 223 tỷ đồng cũng như giá thẩm định 408,5 tỷ đồng đối với dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi là không sát với giá thị trường. Bởi lẽ, chiếu theo Quyết định 51/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quy định về giá đất trên địa bàn áp dụng từ ngày 1/1/2015–31/12/2019 thì đất phường Thạnh Mỹ Lợi có giá từ 3,9 triệu–6,6 triệu đồng/m2. Như vậy, giá 14,39ha đất khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi sẽ ít nhất từ 561,2–906,5 tỷ đồng, còn tính theo giá thị trường hiện nay thì 14,39ha khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi sẽ có giá hàng nghìn tỷ đồng. Nếu việc chuyển nhượng này diễn ra “êm xuôi” thì ngân sách Thành phố sẽ thất thoát một khoản tiền không hề nhỏ!

Làm trái chỉ đạo của Thủ tướng

Việc thỏa thuận, thống nhất với doanh nghiệp khác về đền bù giải phóng mặt bằng đối với 34 hộ dân đang sở hữu trên khu đất 33 Nguyễn Du, 34-36 Chu Mạnh Trinh, 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện dự án bất động sản là sai với một số nghị quyết của chính Hội đồng thành viên Tổng Công ty Lương thực miền Nam (gọi tắt là Vinafood 2) đồng thời trái với chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt là trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1647/TTg-KTN ngày 15/9/2015.

Đây là nội dung kết luận quan trọng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật tại Vinafood 2.

Khu đất 34-36 Chu Mạnh Trinh, 42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du có diện tích gần 6.300m2 do Vinafood 2 (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý sau năm 1975.

Khu đất vàng 33 Nguyễn Du, quận 1 được định giá bèo bọt. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Khu đất vàng 33 Nguyễn Du, quận 1 được định giá bèo bọt. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Báo cáo của Vinafood 2 cho thấy, Vinafood 2 đã vay của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam hơn 633 tỷ đồng nộp vào ngân sách Nhà nước để chuyển mục đích sử dụng đất các khu đất này và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên các khu đất nói trên vẫn còn 34 hộ đang lưu cư, chưa được đền bù giải tỏa và cũng chưa thể khai thác được.

Tính đến ngày 30/5/2015, lỗ luỹ kế của Vinafood 2 gần 1.200 tỷ đồng; trong đó có việc đã đầu tư hơn 633 tỷ đồng vào mặt bằng các khu đất 34-36 Chu Mạnh Trinh, 42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du. Trong khi đó lãi vay ngân hàng 7%/năm, tính ra mỗi năm Vinafood 2 phải chịu lãi do không khai thác vốn đã đầu tư vào các khu đất là 44 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/5/2015, lỗ luỹ kế của Vinafood 2 gần 1.200 tỷ đồng; trong đó có việc đã đầu tư hơn 633 tỷ đồng vào mặt bằng các khu đất 34-36 Chu Mạnh Trinh, 42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du.

Năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 94/NQ-CP yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước không đầu tư ngoài ngành, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Đối với các tập đoàn, tổng công ty trước đây đã đầu tư vào lĩnh vực này phải sớm có kế hoạch thoái vốn, tiến tới chấm dứt kinh doanh. Trong bối cảnh đó, cùng với việc làm ăn thua lỗ, Vinafood 2 có chủ trương tìm đối tác khai thác mặt bằng.

Ngày 12/11/2015, Vinafood 2 ký hợp đồng hợp tác với Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại-Quảng cáo-Xây dựng Địa ốc Việt Hân (gọi tắt là Công ty Việt Hân). Sau đó hai bên góp vốn thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại-Xây dựng-Dịch vụ Việt Hân Sài Gòn (gọi tắt là Công ty Việt Hân Sài Gòn) để thực hiện dự án bất động sản tại khu đất 33 Nguyễn Du, 34-36 Chu Mạnh Trinh và 42 Chu Mạnh Trinh.

Tỷ lệ góp vốn như sau Công ty Việt Hân góp vốn 640 tỷ đồng vào Công ty Việt Hân Sài Gòn (chiếm 80% vốn), 20% vốn còn lại (160 tỷ đồng) do Vinafood 2 đóng góp bằng giá trị tài sản trên đất và 1 phần giá trị quyền sử dụng đất các khu đất nói trên. Tổng giá trị các khu đất được 2 bên xác định là 730 tỷ đồng.

Khu đất vàng 33 Nguyễn Du, quận 1. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Khu đất vàng 33 Nguyễn Du, quận 1. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Kế đến, Công ty Việt Hân Sài Gòn chuyển cho Vinafood 2 số tiền 570 tỷ đồng là tiền tính từ giá trị khu đất 33 Nguyễn Du và 34-36 Chu Mạnh Trinh, 42 Chu Mạnh Trinh sau khi trừ đi 160 tỷ đồng góp vốn của Vinafood 2. Sau cùng Vinafood 2 chuyển nhượng phần góp vốn 160 tỷ đồng của mình tại Công ty Việt Hân Sài Gòn cho Công ty Việt Hân. Đến đây thương vụ chuyển nhượng, mua bán đất có nguồn gốc đất công hoàn tất.

Điều khiến dư luận băn khoăn là việc Vinafood 2 cho rằng, giá chuyển nhượng mặt bằng 33 Nguyễn Du, 34-36 Chu Mạnh Trinh và 42 Chu Mạnh Trinh sẽ được 2 bên thoả thuận, căn cứ vào Nghị định 71/2013/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 30 Nghị định 71/2013/NĐ-CP cũng nêu rõ “giá chuyển nhượng các khoản đầu tư theo nguyên tắc giá thị trường.”

Việc chuyển 68 tỷ đồng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng 34 hộ dân từ Công ty Việt Hân Sài Gòn sang Vinafood 2 từ tài khoản Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính sẽ dẫn tới thất thoát 54 tỷ đồng tài sản nhà nước

Ngày 22/10/2015, Vinafood 2 ban hành Nghị quyết số 05/NQ-HĐTV về thực hiện dự án chuyển chủ đầu tư và chuyển quyền sử dụng đất của khu đất 34-46 Chu Mạnh Trinh, 42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du. Theo đó, giá trị quyền sử dụng đất và giá trị tài sản trên đất của khu đất nói trên được Vinafood 2 xác định là 730 tỷ đồng.

Vào năm 2015, giá thị trường các khu đất vàng nói trên dao động thấp nhất cũng từ 200–250 triệu đồng/m2, tính ra 6.300m2 sẽ có giá thấp nhất cũng từ 1.500 tỷ đồng. Còn hiện nay theo khảo sát giá của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Gachvang.com, đường Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1 có giá từ 478 triệu đồng/m2, đường Nguyễn Du có giá từ 428 triệu đồng/m2. Như vậy, giá trị 6.300 m2 các khu đất trên đây sẽ có giá ít nhất từ 2.700-3.000 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, trong quá trình thoái vốn của Vinafood 2, tháng 12/2015 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn số 10204/BNN-QLDN yêu cầu Vinafood 2 thực hiện việc thoái vốn tại Công ty Việt Hân Sài Gòn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đảm bảo quản lý chặt chẽ, không để thất thoát tài sản, việc thoái vốn phải gắn việc lành mạnh tài chính, tái cơ cấu doanh nghiệp có hiệu quả.

Tuy nhiên, Vinafood 2 đã làm trái chỉ đạo nói trên. Bản Kết luận thanh tra số 5278/KL-BNN-TTr ngày 27/6/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ rõ nếu thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-HĐTV ngày 22/10/2015 của Hội đồng thành viên Vinafood 2 về việc chuyển 68 tỷ đồng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng 34 hộ dân từ Công ty Việt Hân Sài Gòn sang Vinafood 2 từ tài khoản Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính sẽ dẫn tới thất thoát 54 tỷ đồng tài sản nhà nước./.

Hợp tác, cho thuê đất công tùy tiện

Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Học viện Hành chính Quốc gia có trụ sở tại số 10 đường 3/2, quận 10, có diện tích khuôn viên đất 39.607m2. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, nhiều diện tích đất ở đây đã được cho thuê, hợp tác kinh doanh không đúng theo quy định, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

Ngày 9/11/2001, ông Nguyễn Ngọc Hiến, lúc đó là Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng, khai thác và chuyển giao (BOT) số 01/HĐHT với Công ty Cổ phần Duy Tân (Công ty Duy Tân). Theo đó 2 bên hợp tác, liên kết đầu tư xây dựng khai thác và chuyển giao trung tâm thương mại dịch vụ Duy Tân trên diện tích xây dựng khoảng 950m2 của Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thời hạn hợp đồng là 10 năm, Công ty Duy Tân trả tiền khai thác cho Học viện 30 triệu đồng/tháng. Hợp đồng này cũng thể hiện, Công ty Duy Tân được quyền liên kết, hợp tác với các pháp nhân và thể nhân khác để cùng khai thác trung tâm thương mại dịch vụ.

Về việc cho thuê quyền sử dụng diện tích đất nói trên, Thanh tra Bộ Tài chính khẳng định là không đúng quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Về việc cho thuê quyền sử dụng diện tích đất nói trên, Thanh tra Bộ Tài chính khẳng định là không đúng quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính. Từ những năm 1990, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng diện tích đất trong khuôn viên của Phân viện cho các hộ kinh doanh thuê mặt bằng, xây dựng nhà, sân tennis để kinh doanh.

Mặt bằng Phân viên Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thuê mặt bằng sai quy định. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Mặt bằng Phân viên Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thuê mặt bằng sai quy định. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Trước ngày 21/12/2000, có 14 hợp đồng cho thuê. Đến năm 2002, Học viện đã thanh lý được 11 hợp đồng. Đến ngày 12/2/2002, thời điểm Thanh tra Bộ Tài chính tiến hành thanh tra vẫn còn hợp đồng của công ty và cá nhân cho thuê mặt bằng từ 8-10 năm với diện tích 4.583m2. Cụ thể là Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng dịch vụ thương mại Thế Anh trả cho Học viện 26 triệu đồng/tháng để xây dựng sân tennis, Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn đầu tư xây dựng Thanh Bình sử dụng 1.550m2 đất để xây dựng nhà sách tin học văn phòng, tiền thuê 60 triệu đồng/năm. Cá nhân ông Nguyễn Văn Nam sử dụng 470m2 đất để cho thuê đồ cưới, bán quần áo với giá thuê 18,33 triệu đồng/m2…

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2007 cho thấy, Học viện sử dụng 950m2 của Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh để liên kết xây dựng Trung tâm Thương mại dịch vụ Duy Tân là trái quy định.

Thực hiện Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, Bộ Tài chính và Tổ công tác của Ban chỉ đạo 09 Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi diện tích cho thuê, đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2007 cho thấy, Học viện sử dụng 950m2 của Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh để liên kết xây dựng Trung tâm Thương mại dịch vụ Duy Tân là trái quy định, phía Công ty Duy Tân không nộp tiền thuê khoán số tiền 1,23 tỷ đồng từ tháng 3/2004 đến 6/2007. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, gần 1.000m2 đất thuộc tài sản Nhà nước đã được thuê khoán với giá… 0 đồng.

Chưa kể việc đòi lại 950m2 kể trên không hề dễ dàng vì Công ty Duy Tân đưa ra hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng số 04/HVHCQG với Học viện được lập năm 2002. Theo hợp đồng này, hai bên cùng nhau đầu tư xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ Duy Tân (Duy Tân Plaza) tại khu đất 950m2 trong khuôn viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia, thời gian hợp tác kinh doanh là 20 năm (đến hết năm 2022). Phía Công ty Duy Tân trả cho Học viện 30 triệu đồng/tháng và chưa hết thời gian hợp tác nên Công ty Duy Tân không trả lại đất.

Mặt bằng Phân viên Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh cho thuê mặt bằng sai quy định. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN).
Mặt bằng Phân viên Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh cho thuê mặt bằng sai quy định. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN).

Tuy nhiên, Học viện và Bộ Nội vụ (cơ quan chủ quản của Học viện Hành chính Quốc gia) đều không có bản gốc Hợp đồng 04/HVHCQG nói trên. Vì thế, hiện nay Học viện và Bộ Nội vụ đang nhờ Bộ Công an giám định đối với 2 bản hợp đồng số 01/HĐHT và 04/HVHCQG để có những bước xử lý tiếp theo trong việc đòi lại mặt bằng. Cho đến nay, việc thu hồi đất cho thuê sai quy định tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Tp. Hồ Chí Minh vẫn chưa có hồi kết trong khi tài sản Nhà nước đã thất thoát vì sự buông lỏng quản lý.

Trong cùng diễn biến, đại diện Công ty Duy Tân cho hay, Học viện Hành chính Quốc gia đã ký với công ty tới 3 bản hợp đồng BOT. Cụ thể là hợp đồng số 17/HĐĐT ngày 30/3/2001 góp 1.550m2, thời hạn 8 năm; hợp đồng số 01/HĐHT ngày 9/11/2001 góp 950m2, thời hạn 10 năm; hợp đồng 04/HVHCQG ngày 27/8/2002 góp 980m2, thời hạn 22 năm. Phía Công ty Duy Tân đã giải tỏa đất bị các hộ dân lấn chiếm đất Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh để tiến hành xây dựng.

Rõ ràng việc Học viện Hành chính Quốc gia cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê khoán mặt bằng là sai với quy định.

Quá trình thực hiện từ 2001–2012, Công ty đã nộp số tiền khoán thu BOT hàng năm theo hợp đồng. Nhưng đến năm 2012, Học viện Hành chính Quốc gia từ chối tiếp nhận số tiền này với lý do đã hết thời hạn hợp đồng số 01/HĐHT mà không thừa nhận tồn tại hợp đồng 04/HVHCQG. Hàng năm, Công ty Duy Tân đều chuyển số tiền khoán mà Học viện Hành chính Quốc gia không thu vào tài khoản gồm cả tiền lãi.

Theo hồ sơ mà phóng viên có được, ngoài hợp đồng số 01/HĐHT còn có hợp đồng số 17/HĐĐT, hợp đồng 04/HVHCQG, đều thể hiện con dấu của Học viện Hành chính Quốc gia và chữ ký của ông Nguyễn Ngọc Hiến. Trong đó, hợp đồng 04/HVHCQG có dấu chứng thực bản sao y chính của Phòng tư pháp Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Đáng chú ý là hợp đồng này thể hiện việc Công ty Duy Tân được thuê khoán mặt bằng đến năm 2022.

Dù đang chờ cơ quan chức năng giám định các hợp đồng nhưng rõ ràng việc Học viện Hành chính Quốc gia cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê khoán mặt bằng là sai với quy định, chưa kể chuyện không thu được số tiền cho ngân sách, thể hiện sự buông lỏng quản lý, cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan./.

Kiên quyết đấu giá đất công và xử lý sai phạm

Vụ việc tại dự án 76 Tôn Thất Thuyết, dự án Vinafood 2, khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thể hiện những nhức nhối về quản lý tài sản nhà nước; trong đó có đất công.

“Liều thuốc trị bệnh” được nhiều chuyên gia đưa ra và đã được cụ thể hóa lâu nay trong quy định pháp luật là tổ chức đấu giá đất công để huy động nguồn lực xã hội, chống thất thoát và tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, đi liền với đó vẫn cần giải pháp mạnh là quyết liệt xử lý sai phạm.

Đi vào giải quyết các sự vụ cụ thể, đối với dự án 76 Tôn Thất Thuyết, sau khi phát hiện ra nhiều bất cập, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định thu hồi chủ trương thực hiện dự án, giao các sở ngành, đơn vị liên quan rà soát nguồn gốc, cơ sở pháp lý dự án và việc bố trí nhà cho 14 hộ dân đang còn cư ngụ, qua đó giúp thành phố giảm thiểu việc thất thoát ngân sách.

“Liều thuốc trị bệnh” được nhiều chuyên gia đưa ra và đã được cụ thể hóa lâu nay trong quy định pháp luật là tổ chức đấu giá đất công để huy động nguồn lực xã hội, chống thất thoát và tăng thu ngân sách.

Tại dự án bất động sản do Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thực hiện, ngày 5/1/2019, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra phản ánh thông tin của báo chí và khiếu nại của người dân về sai phạm tại dự án bất động sản 33 Nguyễn Du, 34-36 Chu Mạnh Trinh, 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1.

Trước đó ngày 19/7/2017, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có văn bản số 2668/VKSNDTC-V5 đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thông tin phản ánh sai phạm tại dự án bất động sản do Vinafood 2 thoả thuận với Công ty Việt Hân, kịp thời trao đổi thông tin kiểm tra với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Đối với những vụ việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thanh tra có kiến nghị khởi tố thì chuyển ngay hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để điều tra xác minh.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)

Với dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, theo kết luận của Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL) và Công ty Cổ phần bất động sản Hiệp Phát đã thanh lý thỏa thuận số 07/2018/BBTL-ESL chấm dứt hợp tác đầu tư, Công ty ESL trả cho Công ty Cổ phần bất động sản Hiệp Phát gần 150 tỷ đồng. Đến nay các cơ quan nhà nước vẫn chưa xác định tiền sử dụng đất mà chủ đầu tư phải nộp ngân sách nhà nước. Vụ việc này khiến dư luận hình dung tới vụ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận bán rẻ 32ha đất công cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai, sau đó hai bên đã hủy hợp đồng chuyển nhượng. Hàng loạt cán bộ đã bị xử lý, kỷ luật sau đó.

Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, có dấu hiệu sai phạm tại dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, tuy nhiên thời gian thanh tra đã kết thúc, Thanh tra Thành phố sẽ báo cáo đề xuất thành lập đoàn thanh tra để tiếp tục thanh tra, kiểm tra, kết luận đối với vụ việc này.

Liên quan đến sai phạm tại Công ty IPC, công ty mẹ của Công ty ESL, vừa qua Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Chánh thanh tra Thành phố phối hợp với Công an Thành phố chuyển hồ sơ tài liệu sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố giao Chánh Thanh tra Thành phố thành lập đoàn thanh tra để làm rõ và kết luận việc cổ phần hóa Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển Công nghiệp Sài Gòn chuyển thành Công ty ESL; việc quản lý và sử dụng vốn, việc điều hành hoạt động sản xuất-kinh doanh của Công ty ESL từ khi thực hiện cổ phần hóa đến nay; việc thực hiện dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, dự án khu định cư An Phú Tây…

Ủy ban Nhân dân thành phố cần chỉ đạo khẩn trương rà soát về nghĩa vụ tài chính nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp, nếu chưa đúng quy định có thể làm thất thoát tài sản công. (ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh)

Trong khi đó, việc đòi lại mặt bằng Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa có lối ra. Phía Học viện Hành chính Quốc gia và Bộ Nội vụ nhiều lần “hối” Công ty Cổ phần Duy Tân trả lại mặt bằng, đồng thời, nhờ cơ quan có chức năng tiến hành giám định đối với 2 bản hợp đồng số 01/HĐHT và 04/HVHCQG để có những bước xử lý tiếp theo. Còn phía Công ty Cổ phần Duy Tân cho rằng, theo hợp đồng 04/HVHCQG, việc thuê khoán mặt bằng chấm dứt vào năm 2022. Nếu Học viện Hành chính Quốc gia lấy lại mặt bằng sẽ đơn phương vi phạm hợp đồng và sẽ được thụ lý bằng vụ kiện dân sự ra Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Bàn về cơ chế quản lý đất công trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo khẩn trương rà soát về nghĩa vụ tài chính nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp, nếu chưa đúng quy định có thể làm thất thoát tài sản công, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thẩm định lại giá đất cụ thể, phù hợp giá thị trường, theo các phương pháp xác định giá đất của Luật Đất đai.

Qua đó, doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước, để được tiếp tục triển khai dự án cũng như để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà, đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát hoạt động đấu thầu dự án có sử dụng đất, hoạt động đấu giá đất, để tránh tình trạng “quân xanh quân đỏ,” làm sai lệch kết quả đấu thầu, đấu giá và phát sinh tiêu cực.

Đáng chú ý, vừa qua Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí với nhiều nội dung quan trọng. Ủy ban Nhân dân thành phố giao Thanh tra Thành phố tổ chức kiểm tra, thanh tra theo chủ trương của Trung ương và của thành phố nhằm đảm bảo thực hiện đúng các chế độ quy định và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung vào lĩnh vực đất đai, đầu tư công, sử dụng nhà công vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công, thành phố sẽ thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng; sắp xếp lại, xử lý tài sản công; quyết liệt thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng; kiên quyết chấm dứt, thu hồi tài sản công sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định.

Thành phố cũng sẽ tập trung hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo đúng lộ trình và quy định của pháp luật, bảo đảm các nguyên tắc và cơ chế thị trường, minh bạch, công khai thông tin; thực hiện xác định giá đất cụ thể phù hợp với quy định của Luật Đất đai để xác định đúng giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, tính đúng, tính đủ tiền thuê đất của doanh nghiệp, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.

Thành phố cũng kiên quyết xử lý các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, làm thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài./.