Nước không phải kẻ thù

56811416315-1555249388-17.jpg

Tại quốc gia có nhiều vùng đất nằm thấp dưới mực nước biển như Hà Lan, nước lụt và tình trạng thay đổi khí hậu không bị xem như rào cản với nền kinh tế mà ngược lại đã mang tới cơ hội làm ăn tốt.

“Nếu chúng tôi không làm gì, nơi này sẽ là một cái hồ”

Jos Springer chậm rãi tiến ra cửa đón khách trong một bộ cánh giản dị, thậm chí hơi tuềnh toàng. Đôi tay hơi run, không biết có phải vì ly cà phê buổi sáng hay vì lần đầu bị nhiều phóng viên Việt Nam vây quanh, nhưng giọng Jos vẫn dõng dạc đầy tự hào: “Tất cả những gì các bạn thấy quanh đây đều không phải đất tự nhiên mà là sản phẩm nhân tạo. Khu vực này khô ráo chỉ vì chúng tôi đã giữ cho nó được như thế. Nếu chúng tôi không làm gì, toàn bộ khu vực quanh đây sẽ là một cái hồ. Bạn chỉ có thể ăn lau lách từ hồ mà thôi.” Vừa nói tay Jos vừa vươn ra xa, chỉ vào những cánh đồng thẳng tắp đang nằm quanh chiếc cối xay gió của ông, nơi thấp hơn mực nước biển 6 mét.

Jos, 66 tuổi, là một người vận hành cối xay gió toàn thời gian ở làng Zevenhuizen, Hà Lan.Ông sống một mình tại một trong 4 chiếc cối xay gió ở đây.Tất cả trong số chúng đều có tuổi đời hơn khoảng 4 lần tuổi của Josh.

Cối xay gió là hình ảnh quen thuộc ở Hà Lan và từ thời xa xưa, người dân đã sử dụng những cỗ máy to lớn này để giã, băm, chặt, nghiền, trộn … nguyên liệu thô thành hàng hóa chất lượng, có giá trị kinh tế cao. Nhưng ngoài các công việc trên, cối xay còn đảm nhận một nhiệm vụ quan trọng bậc nhất: bơm nước để nhiều vùng đất trũng được khô ráo, không chịu ảnh hưởng từ nước lụt.

Đất nước Hà Lan không chỉ nằm ở khu vực thấp nhất châu Âu, và như thế dễ dàng chịu ảnh hưởng từ hoạt động của Biển Bắc, mà còn là nơi 3 con sông Rhine, Meuse và Scheldt đổ ra biển. Đây đều là những con sông lớn của châu Âu và chúng gây ảnh hưởng không kém gì Biển Bắc. Trong tình cảnh bị bao vây bởi nước, từ rất sớm người Hà Lan đã biết đắp đê, bơm thoát nước để bảo vệ nơi sinh sống và các cánh đồng của họ.

  • 3-1555250219-40.jpg
  • 1-1555250308-13.jpg
  • 11-1555250502-41.jpg
  • 4-1555250582-41.jpg
  • 5-1555250610-71.jpg
  • 6-1555250635-69.jpg
  • 7-1555250676-77.jpg
  • 8-1555250694-97.jpg
  • 9-1555250720-8.jpg
  • vnpimg3730-1555250760-56.jpg

Cho đến này hôm nay, đất nước này vẫn được chia ra thành nhiều vùng đất thấp có đê bọc, gọi là polder. Mỗi polder thường rộng vài km vuông, có một trạm bơm để đẩy nước vào hệ thống kênh và mương dẫn. Nước sẽ chảy tới các trạm bơm lớn hơn nữa để vào hồ chứa khổng lồ nối với biển.

Ngày trước mỗi trạm bơm chỉ cần 1 cối xay gió là đủ. Nhưng tại những polder có diện tích lớn hoặc bị nước chảy vào nhiều thì người ta phải dùng nhiều cối xay gió, như trong trường hợp của Zevenhuizen. Tất cả cối xay ở làng đều là loại smock – do có hình dáng giống chiếc áo khoác mà người nông dân Hà Lan cổ vẫn mặc. Tất cả được xây xong vào năm 1730 và làm nhiệm vụ bơm, điều hòa dòng nước chảy của polder cho tới tận năm 1952 mới chuyển giao vai trò lại cho một trạm bơm hiện đại mới xây dựng gần đó.

Nhưng như thế không có nghĩa các cối xay gió ở Zevenhuizen đã ngưng hoạt động. Jos nói rằng những chiếc cối hơn 250 năm tuổi này vẫn luôn được duy tu, bảo dưỡng để ở trong trạng thái tốt và có thể hoạt động khi trạm bơm hiện đại có sự cố, như mất điện.

Những chiếc cánh quạt khổng lồ của cối xay sẽ đưa năng lượng xuống một hệ thống truyền động nằm trong thân nó, thứ sẽ xoay một bánh xe gắn gầu múc có tác dụng đưa nước từ dưới thấp lên vị trí cao hơn rồi đổ vào máng dẫn. Mỗi chiếc cối ở Zevenhuizen có thể bơm 12.000 lít nước mỗi phút.

Phía sau cối có một hệ thống bánh lái để xoay các cánh quạt theo hướng gió.Cối xay cũng có 1 hệ thống an toàn, để đề phòng khả năng có gì đó bị hỏng thì Jos chỉ cần giật 1 cái dây là cối sẽ ngừng hoạt động.

Mỗi trục cánh của cối xay gió có tổng trọng lượng khoảng 12 tấn. Khi vận hành, phần rìa ngoài cùng của cánh di chuyển với tốc độ hơn 100 km/h. Bị tông trúng sẽ dẫn tới kết thúc thê thảm cho nạn nhân. 

Vận hành cối xay không phải là một công việc đơn giản và ít rủi ro. Mỗi trục cánh của cối xay gió có tổng trọng lượng khoảng 12 tấn. Khi vận hành, phần rìa ngoài cùng của cánh di chuyển với tốc độ hơn 100 km/h. Bị tông trúng sẽ dẫn tới kết thúc thê thảm cho nạn nhân.

Yếu tố an toàn luôn được đề cao. Đây là lý do vì sao cối xay luôn có 2 lối vào trong, một ở trước và một ở phía sau, để giảm thiểu nguy cơ người vận hành gặp tai nạn do ra vào cối xay khi cánh quạt đang quay.

Hiện cứ mỗi 2 tuần, các cối xay ở Zevenhuizen lại được vận hành để kiểm tra tình trạng hoạt động. Trong cuộc đấu để giành đất với nước, người Hà Lan không muốn có bất kỳ rủi ro nào, bởi họ đã được nếm quá nhiều bài học cay đắng trong quá khứ. Nhưng cũng chính nhờ chúng mà người Hà Lan mới trở thành những bậc thầy về trị thủy.

Hoạt động xây đê ngăn Biển Bắc với Biển Nam trong chương trình Zuiderzeewerken. (Nguồn: Wikipedia)
Hoạt động xây đê ngăn Biển Bắc với Biển Nam trong chương trình Zuiderzeewerken. (Nguồn: Wikipedia)

1 trong 7 kỳ quan của thế giới hiện đại

Nói về trị thủy, không thể không nhắc tới 2 chương trình cực kỳ nổi tiếng của Hà Lan là Zuiderzeewerken và Deltawerken – cả hai đã được Hiệp hội kỹ sư xây dựng dân dụng Hoa Kỳ bầu chọn là 1 trong 7 kỳ quan thế giới hiện đại.

Trong tiếng Hà Lan, Zuiderzee có nghĩa “Biển Nam”. Đây thực ra là một vịnh biển nông, rộng hơn 5.000 km vuông nhưng chỉ sâu khoảng 3 mét. Mỗi khi có bão ở Biển Bắc, các đê biển ở khu vực này lại bị hư hỏng, dẫn tới việc đất quanh đó bị ngập lụt nặng nề. Năm 1421, một cơn bão lớn đã nhấn chìm 72 ngôi làng dưới nước lũ, khiến khoảng 10.000 người thiệt mạng.

Tuy nhiên phải tới tận thế kỷ 17, những kế hoạch đầu tiên nhằm ngăn lụt do bão biển gây ra mới được phác thảo. Đến thế kỷ 19 người Hà Lan mới có đủ trình độ công nghệ, kỹ thuật để hiện thực hóa ý muốn của họ. Một kỹ sư người Hà Lan có tên Cornelis Lely đã thảo ra kế hoạch xây dựng một con đê thật lớn sẽ cắt đứt Zuiderzee khỏi Biển Bắc và biến nó thành cái hồ.

Năm 1913, Cornelis Lely trở thành Bộ trưởng Giao thông vận tải và Công trình công Hà Lan, nhưng kế hoạch xây đê ở Zuiderzee của ông tiếp tục bị người khác nghi ngờ và e ngại. Ngư dân thì sợ mất sinh kế. Một số khác cho rằng việc xây đê sẽ làm nước dâng lên tại nhiều khu vực nằm dọc theo bờ biển. Chính quyền thì kinh hoảng khi nhìn vào dự toán ngân sách.

Tuy nhiên năm 1916, một cơn bão diễn ra vào mùa Đông trên Biển Bắc đã làm vỡ nhiều đê biển ở Zuiderzee. Tai họa này tuy gây thương đau, nhưng đồng thời cũng khiến dư luận chuyển sang ủng hộ kế hoạch của Lely và giúp nó được thông qua vào năm 1918. Ngay sau đó, người Hà Lan bắt tay vào việc xây đê trên Zuiderzee, khởi đầu bằng một đoạn đê ngắn nối đất liền tới đảo Wieringen. Kinh nghiệm thu từ việc xây đoạn đê này sau đó được sử dụng để xây Afsluitdijk – đoạn đê dài hơn chạy từ phía bên kia của đảo Wieringen sang làng Zurich nằm ở đất liền.

Các con đê được xây dựng bằng vật liệu đất sét lẫn đá, vốn rất sẵn dưới đáy Zuiderzee và người ta chỉ việc đào lên dùng. Đất được hút và bơm thẳng vào các tàu vận tải chạy ra cửa vịnh, đổ vào 2 đường thẳng chạy song song đang dần nối từ đảo Wieringen tới bờ. Khoảng trống giữa hai đường thẳng được lấp đầy bằng cát thường, sau đó thêm một lớp đất sét lẫn đá ở trên đỉnh. Phần móng này được gia cố thêm một lần nữa bằng đá bazan và cành liễu. Sau đó người ta đắp thêm cát và đất sét để đê cao hơn 6 mét so với mực nước biển. Phần mặt đê được trồng cỏ để chống lại tình trạng xói lở.

Ngày 28/5/1932, tuyến đê cuối cùng đã nối với đất liền, Zuiderzee chính thức bị cắt ra khỏi Biển Bắc.   

Dự án được triển khai nhanh hơn kế hoạch ban đầu nên vào ngày 28/5/1932, tuyến đê cuối cùng đã nối với đất liền, Zuiderzee chính thức bị cắt ra khỏi Biển Bắc. Đường xá được xây dựng trên mặt đê khoảng 1 năm sau. Người ta cũng xây 2 hệ thống khóa để cho phép tàu đi vào và ra khỏi khu vực đê một cách dễ dàng.

Hoạt động bơm nước biển từ Zuiderzee ra Biển Bắc, kết hợp với việc sông Ijssel liên tục đổ nước vào, đã dần thay đổi tính chất nước của Zuiderzee từ mặn sang ngọt. Địa danh Biển Nam bị xóa sổ và người ta gọi nó bằng cái tên hồ Ijsselmeer. Chi phí của dự án được định giá là 710 triệu USD vào năm 2004.

Từ năm 1929 tới năm 1967, hơn một nửa diện tích hồ IJsselmeer được hút cạn nước và tạo ra tổng cộng 1979 km vuông đất canh tác, nằm trong 4 polder gồm Wieringermeerpolder, Noordoostpolder, Đông và Nam Flevoland. Làng mạc và đô thị dần mọc lên trên những vùng đất mới. Năm 1986, người Hà Lan gộp 3 polder ở IJsselmeer để tạo thành Flevoland, tỉnh thứ 12 của đất nước này. Thành phố thủ phủ của Flevoland được đặt tên là Lelystad, để ghi nhận công lao của Cornelis Lely.

Tuy nhiên các tuyến đê xây dựng trong chương trình Zuiderzeewerken vẫn không đủ để ngăn ngừa tai họa. Năm 1953, một trận bão rất lớn xảy ra trên Biển Bắc, kết hợp với một loạt yếu tố bất lợi như triều cường, gió mạnh, đã khiến nhiều nơi nước dâng cao hơn 5m so với mực nước biển. Nước lụt gây ảnh hưởng nặng nề đến Hà Lan, khi làm 1836 người thiệt mạng và phá hủy vô số tài sản. Đa phần nạn nhân sống tại tỉnh Zeeland.

Nhận thức được sự yếu kém trong công tác trị thủy, Hà Lan quyết tâm thay đổi để ngăn không cho thảm họa xảy ra một lần nữa. Luật đê điều mới được thông qua. Hà Lan bắt tay vào triển khai chương trình Deltawerken nhằm xây một loạt tuyến đê, kênh dẫn nước, van, khóa, rào chắn sóng bảo vệ các vùng đất nằm dọc theo đồng bằng Rhine – Meuse – Scheldt khỏi tác động do Biển Bắc gây ra.

Dự án được triển khai từ năm 1958 và lập tức đã bao gồm một công trình đang hoạt động là rào chắn sóng nằm trên sông Hollandse Ijssel. Rào chắn sóng này có tầm quan trọng lớn, bởi nó bảo vệ khu vực phía Tây của Hà Lan chống lại khả năng bị lụt trong tương lai.

Dự án được tuyên bố kết thúc vào năm 1997, sau gần 40 năm hoạt động. Nhưng thực tế dự án chỉ hoàn tất vào ngày 24/8/2010 với lễ khai trương một tuyến đê được gia cố và nâng cao gần thành phố Harlingen. Tổng cộng dự án khổng lồ này đã tạo ra 3 hệ thống khóa nước, 6 tuyến đê lớn và 5 rào chắn sóng khổng lồ.

Mỗi cánh tay dùng để nâng cổng chắn sóng khổng lồ ở công trình Maeslantkering có chiều dài 237 m. (Ảnh: Hoàng Long)
Mỗi cánh tay dùng để nâng cổng chắn sóng khổng lồ ở công trình Maeslantkering có chiều dài 237 m. (Ảnh: Hoàng Long)

Rào chắn sóng di động duy nhất

Trong đó nổi bật nhất là rào chắn sóng Maeslantkering, được xây dựng hai bên bờ sông Nieuwe Waterweg. Đây là rào chắn sóng di động duy nhất trên thế giới. Mục tiêu của chiếc rào này, và dự án con Europoortkering nằm trong chương trình Deltawerken, là bảo vệ không cho nước lụt ảnh hưởng tới cảng Rotterdam, các thành phố nằm gần đó, các khu vực nông nghiệp.

Hoạt động xây dựng rào chắn bắt đầu từ năm 1991. Ban đầu các ụ khô được xây dựng hai bên bờ sông và phần khung đỡ được xây dưới đáy sông Nieuwe Waterweg. Sau đó người ta tiến hành chế tạo 2 cánh cổng thép khổng lồ, với mỗi cánh dài 210 mét, cao 22 mét. Hỗ trợ chúng hoạt động là hai tay nâng với chiều dài 237 mét,nặng tổng cộng 6.800 tấn. Các tay nâng này gắn với một hệ thống “khớp” cơ khí do công ty Škoda Works của Cộng hòa Séc sản xuất. Mỗi khớp cơ khí có đường kính 10 mét, nặng 680 tấn.

Phải mất 6 năm người ta mới xây xong rào chắn sóng Maeslantkering và Hoàng hậu Beatrix là người khai trương công trình này. Để thực hiện dự án, người Hà Lan phải gia cố hàng loạt tuyến đê đã tồn tại, với một số nằm sâu tới 50km trong đất liền. Nhiều trung tâm lịch sử, với một số được xây dựng cách đó hơn 4 thế kỷ, cũng bị gỡ bỏ, di dời và tái xây dựng ở một khu vực mới. Tuy nhiên đổi lại, Rotterdam và Hà Lan đã có vũ khí trị thủy lợi hại.

Nằm cách trung tâm Rotterdam chừng nửa giờ chạy xe, Maeslantkering gây ấn tượng mạnh với những người lần đầu nhìn tận mắt công trình này. Các ống thép khổng lồ sơn trắng thuộc về một phần cánh tay nâng to quá sức tưởng tượng nối liền với một cánh cổng cũng cao lớn sừng sững như bức tường thành.

Video ghi lại cảnh đóng rào chắn sóng Maeslantkering. (Nguồn: Rijkswaterstaat) 

Một hệ thống máy tính không nối mạng, nhằm tránh nguy cơ bị tin tặc tấn công, được sử dụng để điều khiển việc đóng, mở hai cánh cổng. Hệ thống này sẽ giám sát Biển Bắc theo từng giờ và tự động đóng nếu phát hiện nước dâng lên hơn 3 mét so với mực nước biển. Khoảng 4 giờ trước khi cổng đóng hoặc mở, các tàu bè đi ngang qua sẽ được thông báo về việc này. Khoảng 2 giờ trước khi đóng mở cổng, hoạt động vận tải sẽ tạm ngưng.

Khi quá trình đóng lại bắt đầu, hai cánh tay nâng sẽ vươn ra ngoài kênh dẫn nước, đưa hai cánh cổng vào vị trí. Sau nó nước được bơm đầy vào trong các khoang chứa của hai cánh cổng và chúng sẽ chìm xuống đáy sông, tạo hành một lá chắn thép không thể xuyên thủng chống lại nước dâng lên từ Biển Bắc. Quá trình đóng cổng kéo dài tổng cộng 2 giờ rưỡi.     

30 máy bơm nằm trong các cánh cổng khổng lồ được kết nối với mạng điện quốc gia của Hà Lan. Chúng sẽ bơm nước ra khỏi các khoang chứa nếu người ta cần mở lại hai cánh cổng. Nếu bị mất mạng điện chính, người ta sẽ dùng mạng điện phụ. Còn nếu cả hai mạng đều mất điện, người ta sẽ dùng máy nổ, bởi hai cánh cổng đóng im ỉm gây ra những nguy cơ lớn hơn cả khi chúng đang mở. Khi ấy, nước chảy xuống từ các sông Rhine và Meuse sẽ nhận chìm Rotterdam còn nhanh hơn nước Biển Bắc. Và người dân thì chẳng thể chạy đi đâu cả khi nước lũ tới.

 Hai cánh cổng đóng im ỉm gây ra những nguy cơ lớn hơn cả khi chúng đang mở. Khi ấy, nước chảy xuống từ các sông Rhine và Meuse sẽ nhận chìm Rotterdam còn nhanh hơn nước Biển Bắc

Maeslantkering được thiết kế để đóng lại sau mỗi 10 năm, khi một trận bạo lớn bất thường xuất hiện. Tuy nhiên với tình trạng nước biển dâng lên hiện nay, người ta đã thay đổi tính toán và cho rằng rào chắn sẽ phải đóng lại ít nhất một lần sau mỗi 5 năm. Thực tế thì trong 10 năm đầu tiên hoạt động, người ta chưa phải đóng rào một lần nào.

Đã có một lần người ta dự báo nước biển có thể dâng lên hơn 3 mét – ngưỡng mất an toàn phải đóng rào chắn sóng. Tuy nhiên khi bão xảy ra, lượng nước dâng lên không lớn như dự báo. Sau khi tính toán lại và thấy nước biển chỉ dâng lên có 2,99 mét, máy tính đã hủy bỏ việc đóng cổng ngăn nước. Phải tới tận đêm 8/11/2007, rào chắn mới phải đóng lại lần đầu vì bão lớn.

Hiện mỗi năm Maeslantkering vẫn được thử nghiệm hoạt động thường xuyên để đảm bảo nó hoạt động mượt mà. Hoạt động thử nghiệm diễn ra vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10, ngay trước khi bắt đầu mùa bão vào giữa tháng 10.

Khu thi đấu thể thao dưới nước, đồng thời là một điểm chứa nước lụt ở Eendragtspolder . (Nguồn: Waterwindows.org)

Sống chung thay vì chống lại nước

Nhưng bất chấp việc đã có rào chắn sóng và hệ thống đê điều hiện đại bậc nhất thế giới, người Hà Lan vẫn không thể thoát khỏi nước ngập. Các trận lũ xuất hiện trong những năm 1990 đã khiến hàng trăm ngàn người phải sơ tán, đồng thời nhắc nhở người Hà Lan phải có tư duy mới trong mối quan hệ với nước.

Người Hà Lan tin họ không thể xây đê cao mãi, bởi như thế rốt cục đất nước này sẽ phải sống sau các bức tường cao tới 10 mét. Họ không thể chống mà phải sống chung với nước. Họ cần những “con đê mềm” thay vì đê cứng.

Năm 2006, chương trình Room for the River được thành lập trên tinh thần này, nhằm trả lại không gian đã bị lấy đi từ 4 con sông chính ở Hà Lan, qua đó làm giảm nguy cơ nước tràn bờ khi lũ lớn về và đe dọa cuộc sống của người dân. Cơ quan quản lý Hà Lan đã bỏ ra số tiền tới 2,2 tỷ euro để mở rộng lòng các con sông, di chuyển các tuyến đê ra xa khỏi bờ sông, phá bỏ một số polder, di dời nhà dân để có không gian cho sông chảy qua và giảm bớt chướng ngại chặn dòng chảy của nước

Người Hà Lan xây nhiều công trình lưỡng dụng – để bình thường phục vụ đời sống, nhưng khi cần thiết có thể trở thành chỗ chứa nước.

Cùng thời điểm, người ta cũng tư duy về việc để nước tự do tiến vào những khu vực nhất định và xây nhiều công trình lưỡng dụng – để bình thường phục vụ đời sống, nhưng khi cần thiết có thể trở thành chỗ chứa nước.

Một ví dụ điển hình về tư duy mới này là Eendragtspolder – khu vực nằm gần sông Rotte, Rotterdam và làng Zevenhuizen. Polder này vốn là một vùng đất nông nghiệp trước khi được tái cấu trúc lại thành điểm nghỉ dưỡng, giải trí và thi đấu thể thao dưới nước. Nhưng trong tình huống nước sông Rotte dâng lên và có nguy cơ gây lụt, người ta sẽ dẫn nước vào thẳng Eendragtspolder và cả khu vực khi đó sẽ biến thành một hồ chứa khổng lồ. Ước tính phải mất tới 55 giờ để nước đổ đầy polder này.

Ngoài chương trình Room for the River, các công ty Hà Lan cũng đề xuất nhiều giải pháp sáng tạo để sống chung với nước. Vài công ty Hà Lan đã thử nghiệm một dự án xây nhà nổi trên mặt nước khá tham vọng. Cụ thể, vào năm 2005, công ty kiến trúc Dura Vermeer đã xây 32 ngôi nhà nổi ở Amsterdam. Sau đó họ xây thêm 12 ngôi nhà nổi tương tự ở Maastricht. Công ty nói rằng các ngôi nhà này có giá hơi đắt hơn nhà bình thường, nhưng không cần bảo trì và có thể theo dòng nước để đi tới những nơi rất đặc biệt.

Nhà xây trên mặt nước của công ty Dura Vermeer. (Nguồn: urbangreenbluegrids.com)
Nhà xây trên mặt nước của công ty Dura Vermeer. (Nguồn: urbangreenbluegrids.com)

Trong khi đó một doanh nhân có tên Peter van Wingerden từng nêu ý tưởng xây dựng một trang trại bò sữa tại khu vực bờ biển của thành phố Rotterdam. Theo ông, trang trại nổi này sẽ làm giảm lượng xe tải chạy vào thành phố, giúp giảm lượng khí thải carbon và cung cấp sữa tươi cho người dân.

Người Hà Lan cũng tin rằng sự bảo vệ chống lại biến đổi khí hậu chỉ mạnh nếu nó đảm bảo yếu tố toàn diện và ngay cả mắt xích yếu nhất trong hệ thống phòng ngự ấy cũng phải mạnh. “Một thành phố thông minh phải có cái nhìn toàn diện và thấu đáo, vươn xa ra khỏi các cánh cổng ngăn lũ hay các con đê”, ông Arnoud Molenaar, quan chức phụ trách vấn đề khí hậu của Rotterdam từng chia sẻ với phóng viên New York Times hồi năm 2017.

“Thách thức của việc thích ứng với thay đổi khí hậu còn bao gồm vấn đề an toàn, các cống dẫn nước, nhà ở, đường xá, dịch vụ khẩn cấp. Anh cũng cần nhận thức của công chúng nữa… Và anh không thể để một hệ thống máy tính dễ bị tấn công kiểm soát các cánh cổng chắn sóng, các cây cầu và hệ thống thoát nước. Anh cũng sẽ cần chính sách đúng đắn. Những chuyện này bắt đầu bằng nhiều điều nhỏ nhặt, ví dụ như khiến người dân gỡ bỏ vỉa hè xi măng khỏi các khu vườn của họ để đất nằm phía dưới có thể hút nước mưa tốt hơn. Từ chuyện nhỏ này sẽ đi tới chuyện lớn hơn là rào chắn sóng khổng lồ ở Biển Bắc.”

Không chỉ tích cực tìm kiếm giải pháp mới cho vấn đề nước, người Hà Lan còn chịu khó chia sẻ kinh nghiệm trị thủy cho nhiều quốc gia, cũng như các giải pháp khuyến khích phát triển bền vững. Họ coi đây là những “lá chắn từ xa” giúp giảm bớt ảnh hưởng mà quê nhà phải gánh chịu. Và những sự hợp tác này mang tới nhiều hợp đồng làm ăn. Nói một cách khác thì biến đổi khí hậu đã không còn là rào cản kinh tế mà ngược lại, trở thành cơ hội với người Hà Lan.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thăm đền Ngọc Sơn (Hà Nội) vào sáng 16/6/2014, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên. (Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN)

Triển vọng hợp tác với Việt Nam

Với Việt Nam, từ lâu Hà Lan đã được xem như một đối tác giàu kinh nghiệm xử lý những vấn đề liên quan tới nước. Thực tế thì từ giữa những năm 1970, Hà Lan đã bắt đầu giúp đỡ Việt Nam về xử lý nước khi chúng ta bắt tay vào xây dựng đất nước thời kỳ hậu chiến. Tới giữa những năm 1980, nhiều công ty Hà Lan đã đóng góp vào việc nâng cao khả năng quản lý nước của Việt Nam thông qua hoạt động hợp tác phát triển.

Khả năng của Hà Lan về quản lý nước là yếu tố trung tâm để các thủ tướng hai nước ký Thỏa thuận đối tác chiến lược (SPA) về Quản lý nước và Biến đổi khí hậu hồi năm 2010. Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long, được phê chuẩn hồi năm 2013, đã thiết lập bối cảnh cho hoạt động hợp tác sâu rộng hơn nữa.

Theo đánh giá từ phía Hà Lan, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức và cần rất nhiều kiến thức về quản lý nước. Một số lĩnh vực đang tồn tại vấn đề có thể kể ra bao gồm: quản lý đồng bằng, nước và nông sản, bảo vệ đô thị khỏi lũ lụt, xử lý nước thải và xử lý nước uống.

Cụ thể về vấn đề quản lý đồng bằng, đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng Hà Lan có nhiều đặc điểm và thách thức chung. Cả hai đều là những khu vực nông nghiệp có sản lượng cao, trong đó đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm 12% diện tích đất nước nhưng lại chiếm tới 27% đóng góp GDP, 90% lượng lúa gạo xuất khẩu và 60% lượng thủy sản xuất khẩu của đất nước.

Tuy nhiên khu vực này lại đối mặt với rất nhiều thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, bão và thời tiết khắc nghiệt gây ra. Bên cạnh đó, khoảng một nửa đồng bằng sông Cửu Long đang nằm trên mực nước biển chỉ từ 0,7 – 1,2 mét. Điều này khiến đây là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng biến đổi khí hậu.

Năm 2013, Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long đã được phía Hà Lan tham gia phác thảo và kể từ đó đóng vai trò nền tảng giúp Việt Nam phát triển các kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu cho khu vực này. Nhưng ngoài khu vực này, Việt Nam cũng cần tới kiến thức và kinh nghiệm Hà Lan để xử lý vấn đề nảy sinh tại một số khu vực khác, ví dụ tình trạng xói lở bờ biển tại nhiều nơi có bờ biển đẹp như Hội An.

Infographics Việt Nam-Hà Lan: 45 năm quan hệ năng động và hiệu quả. (Nguồn: TTXVN)
Infographics Việt Nam-Hà Lan: 45 năm quan hệ năng động và hiệu quả. (Nguồn: TTXVN)

Thứ hai là vấn đề nước và nông sản. Nông nghiệp hiện là một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam. Tuy nhiên lĩnh vực này lại đang đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu gây ra như xâm nhập mặn, lũ lụt, hạn hán, thay đổi hình thái thời tiết và những vấn đề khác nữa.

Ngoài SPA về quản lý nước, Hà Lan còn ký SPA thứ hai với Việt Nam về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực. Cùng nhau, hai SPA này hình thành một khởi điểm tuyệt hảo để đôi bên hợp tác phát triển các vùng đồng bằng và làm nở rộ hoạt động kinh doanh nông nghiệp.

Thứ ba là khả năng kháng cự lũ lụt của các đô thị. Hiện nhiều thành phố Việt Nam đang đối mặt với những vấn đề giống nhau liên quan tới nước. Hoạt động khai thác nước ngầm không bền vững và các tòa nhà to nặng đã gây ra tình trạng sụt lún, kết hợp với tình trạng mực nước biển tăng lên sẽ làm tăng khả năng ngập lụt và gây sức ép lên nguồn nước do tình trạng xâm nhập mặn, đặc biệt là vào mùa khô.

Ở một chiều hướng khác, sự thay đổi khí hậu sẽ làm tăng yếu tố bất thường của các cơn mưa, khiến tình trạng ngập lụt hoặc hạn hán càng dễ xảy ra. Vấn đề đặc biệt đe dọa tới TP. Hồ Chí Minh, nơi đã lún xuống hơn 50cm trong vòng 20 năm qua và vẫn tiếp tục lún với tốc độ 4cm mỗi năm. Trong vòng 20 năm tới, nhiều khu vực trong thành phố có thể sẽ cần phải được bảo vệ bằng các tuyến đê, cổng chắn sóng, các khu vực trữ nước lụt và các trạm bơm.

Thứ 4 là xử lý nước thải. Việt Nam đang có rất nhiều khu công nghiệp và hoạt động sản xuất tạo ra rất nhiều nước thải cần xử lý. Bộ Xây dựng từng cho biết rằng Việt Nam cần thêm khả năng xử lý nước thải lên tới 750.000 m khối mỗi ngày và phải xây thêm hơn 40 cơ sở xử lý nước thải. Hoạt động phát triển công nghệ sẽ yêu cầu nâng cấp hệ thống hiện nay bằng các hệ thống tiết kiệm năng lượng hơn và hiệu quả hơn.

Cuối cùng là nước sạch. Chính phủ Việt Nam đang tiến hành thay đổi hệ thống cung cấp nước sạch và các cơ sở hạ tầng liên quan. Nhiều dự án của Hà Lan đã giúp đỡ hàng loạt địa phương nâng cấp thiết bị để cấp nước sạch tốt hơn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nơi khác, phần lớn là nằm ở những vùng hẻo lãnh, chưa thể tiếp cận với nước sạch. Tỷ lệ thất thoát nước ở Hà nội và TP. Hồ Chí Minh hiện là 38%, chủ yếu do rò rỉ. Để duy trì mạng cấp nước và ngăn rò rỉ, Việt Nam sẽ cần một hệ thống giám sát hiệu quả hơn.

Với kinh nghiệm được đúc kết sau hàng trăm năm trị thủy, Hà Lan và các doanh nghiệp của nước này hoàn toàn có thể giúp đỡ Việt Nam giải quyết các vấn đề nêu trên. Tìm kiếm cơ hội hợp tác cũng là một trong những lý do khiến hơn 70 doanh nghiệp Hà Lan tháp tùng Thủ tướng Mark Rutte sang thăm chính thức Việt Nam vào đầu tháng 4 này. Trong số này có rất nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực tiêu biểu của Hà Lan như nông nghiệp, quản lý nước, năng lượng gió ngoài khơi và kho vận (logistics).

Tại cuộc tiếp xúc với các phóng viên Việt Nam trước khi trở lại Hà Lan, Thủ tướng Rutte bày tỏ: “Các bạn đã có một người bạn ở châu Âu. Hà Lan hiện là một nhà đầu tư lớn và một đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Mối quan hệ giữa nhân dân Hà Lan và Việt Nam đang trở nên ngày càng gắn bó hơn. Cá nhân tôi đã tạo lập được mối quan hệ bạn bè thân tình với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và thông qua mối quan hệ ấy chúng tôi có thể thảo luận nhiều vấn đề, đặc biệt là những cơ hội mà hai bên có được. Chúng tôi sẽ khiến mối quan hệ ấy có những tác động hiện hữu”./.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ hai. (Ảnh: Hoàng Long)