Tổng thống Moon Jae-in

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiến hành chuyến thăm Mỹ trong hai ngày 10-11/4 để gặp Tổng thống nước chủ nhà Donald Trump với mục đích cũng giống như một vài cuộc gặp trước đây, là tìm ra cách thức dung hòa bất đồng giữa Mỹ và Triều Tiên để tiến tới phi hạt nhân hóa và xây dựng một bán đảo Triều Tiên hòa bình và thịnh vượng.

Chuyến thăm này đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định bởi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua đã bất ngờ không đạt được thỏa thuận nào như kỳ vọng.

Nguy cơ tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đổ vỡ khiến vai trò trung gian hòa giải của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thêm nặng nề.

Từ đó tới nay, mặc dù có một vài thông điệp tích cực vẫn được Mỹ và Triều Tiên phát đi, song tiến trình đối thoại dường như đình trệ khi cả hai bên không có dấu hiệu nhượng bộ.

Triều Tiên thậm chí cảnh báo rút khỏi các cuộc đàm phán hạt nhân, còn Mỹ quyết tâm theo đuổi cách tiếp cận “tất cả hoặc không có gì.”

Nguy cơ tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đổ vỡ khiến vai trò trung gian hòa giải của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thêm nặng nề, nhất là khi ông được coi là người “bắc cây cầu” giữa Mỹ và Triều Tiên kể từ năm 2018 với sứ mệnh ngoại giao con thoi mà kết quả là lần đầu tiên sau một thời gian dài, Mỹ và Triều Tiên có thể đàm phán trên tinh thần thiện chí, với hai cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ở Singapore và ở Hà Nội trong vòng chưa đầy 1 năm.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Trump ở Nhà Trắng trong chuyến thăm Mỹ ngày 18/5/2018. (Nguồn: AP)
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Trump ở Nhà Trắng trong chuyến thăm Mỹ ngày 18/5/2018. (Nguồn: AP)

“Dấu ấn” của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong bước đột phá giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là không thể phủ nhận. Đây cũng là áp lực đối với Tổng thống Moon Jae-in, bởi ‘sứ mệnh thuyết khách” của ông lần này được cho sẽ khó khăn bội phần.

Trước chuyến đi Mỹ lần này, Tổng thống Moon Jae-in đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Ông đã cử nhiều quan chức cấp cao, trong đó có Ngoại trưởng Kang Kyung-wha, Bộ trưởng Quốc phòng Jeong Kyeong-doo, tân Phó Chánh Văn phòng An ninh quốc gia Kim Hyun-chong tới gặp những người đồng cấp Mỹ để bàn về các vấn đề liên quan tới Triều Tiên.

Trước chuyến đi Mỹ lần này, Tổng thống Moon Jae-in đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Hàn Quốc Noh Young-min đã cũng đã có một cuộc họp “bí mật” tại Seoul ngày 28/3 với ông Reince Priebus, cựu Chánh văn phòng Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cuộc họp giới hạn rất ít người tham dự này được coi là một phần trong những nỗ lực đằng sau hậu trường của Nhà Xanh để giữ đà đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ.

Cho tới nay, khả năng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần ba vẫn được để ngỏ. Giới chuyên gia cho rằng Mỹ và Triều Tiên xem ra đã đi “quá xa” trên con đường hướng tới hòa giải và đều không muốn quay lại thời kỳ căng thẳng trước đây.

Bên cạnh những động thái gây sức ép với Triều Tiên thì phía Mỹ cũng có hàng loạt bước đi theo hướng giữ cho quan hệ hai bên trong tầm kiểm soát, như Tổng thống Donald Trump ra lệnh rút lại những biện pháp trừng phạt Triều Tiên ngay sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố, hay Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục hủy các cuộc tập trận quy mô lớn năm nay.

Văn phòng liên lạc chung liên Triều tại thành phố biên giới Kaesong, Triều Tiên. (Nguồn: Yonhap/TTXVN).
Văn phòng liên lạc chung liên Triều tại thành phố biên giới Kaesong, Triều Tiên. (Nguồn: Yonhap/TTXVN).

Trong khi đó, Triều Tiên được cho là đang thông qua Hàn Quốc để hối thúc Mỹ tiếp tục đàm phán và thay đổi lập trường. Việc Triều Tiên chỉ trích Hàn Quốc về tình trạng đình trệ quan hệ hai miền hay tạm dừng hoạt động Văn phòng liên lạc liên Triều có thể làm động thái gây áp lực, thúc ép Seoul đóng vai trò tích cực hơn trong việc thuyết phục Washington nhượng bộ.

Trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ sắp tới tại Nhà Trắng, Tổng thống Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ nêu lại quan điểm của ông tìm cách sử dụng hợp tác kinh tế với Triều Tiên làm đòn bẩy thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa, giờ là một cơ hội tốt cho hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên và Mỹ-Hàn không nên bỏ lỡ cơ hội này.

Tổng thống Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ nêu lại quan điểm của ông tìm cách sử dụng hợp tác kinh tế với Triều Tiên làm đòn bẩy thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa.

Rất có thể, ông Moon Jae-in sẽ đề xuất Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt Triều Tiên để Hàn-Triều tiến hành các dự án liên Triều bị đình chỉ như mở lại khu công nghiệp chung ở thị trấn vùng biên Kaesong và các tour du lịch tới núi Kumgang ở Triều Tiên. Đổi lại, Triều Tiên sẽ phải tiến hành phá bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri của nước này dưới sự kiểm chứng của các thanh sát viên quốc tế.

Ông Moon Jae-in có thể cũng sẽ “nhắc nhở” đồng minh Mỹ phải kiên định, không nên từ bỏ nỗ lực đối thoại và cần có “phản ứng thận trọng” vì nếu Mỹ-Triều từ bỏ đối thoại thì có thể gây ra hậu quả lớn hơn rất nhiều so với dự đoán.

Theo một cố vấn của ông Moon Jae-in thì Mỹ nên tạo sự linh hoạt cho Hàn Quốc trong các hoạt động trao đổi liên Triều, nếu Washington muốn Seoul đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy đàm phán hạt nhân hiện đang bị đình trệ.

Ảnh tư liệu: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp tại Samjiyon, Triều Tiên ngày 20/9/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ảnh tư liệu: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp tại Samjiyon, Triều Tiên ngày 20/9/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mục tiêu của Tổng thống Moon Jae-in trong chuyến thăm là tìm kiếm một bước đi “nhượng bộ mạnh dạn” của Tổng thống Donald Trump đối với Triều Tiên, để có cơ sở thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo đuổi một “thỏa thuận táo bạo” tương tự với Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, đây không phải việc đơn giản khi Tổng thống Moon Jae-in cũng đã đề nghị sử dụng các dự án kinh tế liên Triều như một công cụ để thuyết phục Triều Tiên, song Mỹ cảnh báo rằng cách tiếp cận như vậy có thể làm suy yếu các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng.

Mục tiêu của Tổng thống Moon Jae-in trong chuyến thăm là tìm kiếm một bước đi “nhượng bộ mạnh dạn” của Tổng thống Donald Trump đối với Triều Tiên.

Vấn đề là Tổng thống Donald Trump cũng gặp ít nhiều áp lực trong nội bộ Mỹ về việc nới lỏng các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng khi Triều Tiên chưa phi hạt nhân hóa xong.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội không đạt thỏa thuận nào là do Tổng thống Trump đứng trước sức ép trong nước đòi ông phải đạt được một thỏa thuận lớn với Triều Tiên theo kiểu “được ăn cả ngã về không.” Sứ mệnh đưa đàm phán Mỹ-Triều trở lại đúng lộ trình quả là thách thức lớn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in./.