Anh lỡ thời hạn Brexit:

vnapotalva-1553946041-15.jpg

Lẽ ra là ngày Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) như kế hoạch ban đầu, ngày 29/3/2019 lại trở thành dấu mốc chứng kiến thất bại thứ ba liên tiếp của Thủ tướng Theresa May trong nỗ lực thông qua Thỏa thuận Brexit tại hạ viện.

Thay vì đánh dấu một giai đoạn mới “thịnh vượng và độc lập” của nước Anh như những kỳ vọng cách đây gần 3 năm khi quyết định lựa chọn rời EU, ngày 29/3/2019 có lẽ đã khởi đầu một giai đoạn mà giới phân tích vẫn miêu tả bằng thuật ngữ quen thuộc của các nhà hàng hải Anh là “vùng biển lạ”– khi nước Anh bị đẩy vào tình trạng bùng nhùng và rối ren chưa từng có tiền lệ vì Brexit, giống như một con tàu mất lái giữa đại dương mênh mông không biết phải đi về hướng nào để tìm thấy đất liền.

Ngày 29/3/2019 trở thành dấu mốc chứng kiến thất bại thứ ba liên tiếp của Thủ tướng Theresa May trong nỗ lực thông qua Thỏa thuận Brexit tại hạ viện. 

Thất bại này là điều đã được dự báo trước, dù con số chênh lệch lần ba “chỉ” là 58 so với “kỷ lục” 220 trong lần bỏ phiếu đầu tiên, cũng không thể làm vơi đi chút nào nỗi “nuối tiếc sâu sắc” của Thủ tướng Theresa May khi phát biểu với các nghị sỹ rằng quyết định của họ sẽ gây ra những “tác động nặng nề.”

Những nhượng bộ được đánh giá là “quân bài tẩy cuối cùng” của bà trước cuộc bỏ phiếu – chấp nhận hy sinh sự nghiệp chính trị khi rời bỏ cương vị lãnh đạo chính phủ sớm hơn dự kiến, chỉ đưa ra bỏ phiếu thông qua một nửa Thỏa thuận Brexit – rốt cuộc cũng không đủ để thuyết phục các nghị sỹ “nổi loạn” trong đảng Bảo thủ và 10 nghị sỹ đảng Hợp nhất Dân chủ Bắc Ireland (DUP) trong liên minh cầm quyền quay sang ủng hộ bà.

Đây sẽ là một cuối tuần dài và căng thẳng với tất cả các bên liên quan trước khi bắt đầu những nỗ lực mới để tìm lối thoát cho bế tắc hiện tại trong tuần tới.

Thủ tướng Anh Theresa May (trái, phía trước) phát biểu tại phiên họp của Hạ viện về thỏa thuận Brexit tại London, ngày 29/3/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Anh Theresa May (trái, phía trước) phát biểu tại phiên họp của Hạ viện về thỏa thuận Brexit tại London, ngày 29/3/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Với thất bại lần ba của Thỏa thuận Brexit, nước Anh đã bỏ lỡ hạn chót mà EU đặt ra để London có thể “ly hôn” với Brussels vào ngày 22/5 “một cách có trật tự.” Về lý thuyết, kịch bản đương nhiên lúc này sẽ là một Brexit không thỏa thuận sau ngày 12/4.

Các tuyên bố của lãnh đạo châu Âu sau kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện Anh, cùng kế hoạch triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng châu Âu ngày 10/4 tới, cho thấy EU có lẽ đã không còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục làm khán giả trước những tranh cãi không có hồi kết tại Điện Westminster, và đã sẵn sàng hơn bao giờ hết cho Brexit không thỏa thuận. Nhưng xét cho cùng thì đây vẫn là kịch bản “cực chẳng đã” không ai mong muốn, ngay cả với hầu hết các nghị sỹ Anh.

Dự kiến trong tuần tới, Hạ viện Anh sẽ tiếp tục tìm cách “vượt mặt” chính phủ để tự kiểm soát nghị trình Brexit bằng các cuộc bỏ phiếu “thăm dò” tiếp theo, nhằm tìm kiếm sự đồng thuận lớn hơn cho một phương án Brexit thay thế – sau khi không phương án nào trong số 8 phương án do chính họ tự đề xuất ttuần trước đạt đủ đa số phiếu ủng hộ.

Hy vọng lớn nhất lúc này là khả năng trong tuần tới các nghị sỹ có thể tự đạt được đa số phiếu ủng hộ cho một phương án Brexit “mềm hơn” và ít bị phản đối nhất hiện nay.

Hy vọng lớn nhất lúc này là khả năng trong tuần tới các nghị sỹ có thể tự đạt được đa số phiếu ủng hộ cho một phương án Brexit “mềm hơn” và ít bị phản đối nhất hiện nay, với trọng tâm là một liên minh hải quan giữa Anh và EU, và có khả năng là thị trường chung giữa hai bên.

Nhưng ngay cả trong trường hợp – rất ít có khả năng xảy ra  – các nghị sỹ tìm được một phương án Brexit có được sự ủng hộ của đa số, thì đây cũng chỉ là một cuộc bỏ phiếu không ràng buộc.

Không có gì bảo đảm chính phủ và bà May sẽ chấp nhận làm theo phương án của các nghị sỹ, và từ bỏ thỏa thuận Anh và EU đã đạt được sau 2 năm đàm phán khó khăn với những điểm mấu chốt mà EU đã khẳng định nhất quyết sẽ không đàm phán lại. Rõ ràng với động lực từ việc giảm được đáng kể số nghị sỹ chống đối trong đảng Bảo thủ, và tranh thủ được sự ủng hộ của một số ít nghị sỹ Công đảng đối lập qua 3 lần bỏ phiếu, ưu tiên hàng đầu của bà May và nội các lúc này vẫn là cố đưa Thỏa thuận Brexit quay trở lại hạ viện một lần nữa, nhiều khả năng là ngay trong tuần tới. Nhưng triển vọng thành công cho hướng đi này vẫn rất mờ mịt.

Thủ tướng Anh Theresa May (thứ 3, trái, hàng đầu) tại phiên họp của Hạ viện về thỏa thuận Brexit tại London, ngày 29/3/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)
Thủ tướng Anh Theresa May (thứ 3, trái, hàng đầu) tại phiên họp của Hạ viện về thỏa thuận Brexit tại London, ngày 29/3/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Vướng mắc chủ chốt trong thỏa thuận rời EU hiện tại vẫn là điều khoản về cái gọi là “kế hoạch dự phòng” – backstop – cho vấn đề biên giới giữa Cộng hòa Ireland (thuộc EU) và xứ Bắc Ireland thuộc Anh.

Điều khoản này quy định việc tiếp tục duy trì “biên giới mềm” trên đảo Ireland trong trường hợp từ nay đến hết năm 2020 Anh và EU vẫn không đạt được thỏa thuận về thương mại, đồng nghĩa với việc Bắc Ireland sẽ tiếp tục chịu quy chế hải quan của EU khác với phần còn lại của Vương quốc Anh.

Nhóm khoảng 30 nghị sỹ ủng hộ Brexit cứng trong đảng Bảo thủ và 10 nghị sỹ DUP gần như chắc chắn sẽ tiếp tục phản đối quy định mà họ cho là sẽ ràng buộc nước Anh với EU “vô thời hạn.”

Lãnh đạo DUP thậm chí còn tuyên bố thà ở lại EU còn hơn “liều đánh đổi” lập trường của Bắc Ireland. Vấn đề biên giới Ireland hiện không chỉ là nguyên nhân chính đẩy tiến trình Brexit vào bế tắc mà còn đang trực tiếp đe dọa sự toàn vẹn của Vương quốc Anh trước nguy cơ thực tế về một cuộc trưng cầu ý dân có thể dẫn đến việc Bắc Ireland trở thành một phần của Cộng hòa Ireland.

Vấn đề biên giới Ireland hiện không chỉ là nguyên nhân chính đẩy tiến trình Brexit vào bế tắc mà còn đang trực tiếp đe dọa sự toàn vẹn của Vương quốc Anh

Cho dù nước Anh lựa chọn phương án của hạ viện hay tiếp tục với thỏa thuận của chính phủ thì một điều gần như chắc chắn là London sẽ phải tiếp tục tìm cách thuyết phục EU cho lùi lại thời điểm Brexit để tránh kịch bản không thỏa thuận.

Nếu phép màu xảy ra và thỏa thuận của Thủ tướng Theresa May được chấp thuận trong vòng 10 ngày tới, thì nhiều khả năng EU sẽ chấp thuận cho lùi Brexit đến ngày 22/5.

Nhưng hầu hết đều cho rằng kịch bản lý tưởng trên sẽ không xảy ra, và để thuyết phục được EU đồng ý cho gia hạn Brexit dài hơn thì nước Anh sẽ phải tham gia bầu cử nghị viện châu Âu, và đệ trình được phương án họ định làm gì để giải quyết “mớ bòng bong” Brexit trong thời gian gia hạn.

Cờ EU (phía trên) và cờ Anh bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London, ngày 28/3/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cờ EU (phía trên) và cờ Anh bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London, ngày 28/3/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Có thể Thủ tướng Theresa May sẽ phải “muối mặt” để nước Anh tham gia bầu cử châu Âu, nhưng phải thuyết phục được EU đặt niềm tin vào khả năng bà sẽ tìm được lối thoát cho Brexit trong thời gian tới có lẽ là một điều khá xa xỉ, giữa một loạt các phương án và khả năng hoàn toàn có thể xảy ra, gồm: Tiếp tục theo đuổi thỏa thuận hiện tại; đàm phán lại thỏa thuận; tổ chức trưng cầu dân ý lần hai; tổng tuyển cử sớm; và cuối cùng là đảo ngược Điều khoản 50 đồng nghĩa với đảo ngược Brexit.

Nếu bầu không khí trong phòng họp Điện Westminster được truyền thông Anh ví như một “chiếc nồi áp suất” đang quá lửa, thì tình hình bên ngoài đường phố cũng nóng lên từng ngày.

Nước Anh đang trải qua một giai đoạn biến động lịch sử không hề đáng tự hào khi Brexit làm bộc lộ những chia rẽ sâu sắc và xấu xí trên chính trường cũng như sự chán nản trong lòng người dân.

Tối 29/3, cảnh sát Anh đã bắt giữ ít nhất 5 người liên quan đến các vụ ẩu đả và gây mất trật tự trong cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người ủng hộ Brexit tại London, tiếp sau cuộc biểu tình vài ngày trước đó ước tính có sự tham gia của 1 triệu người phản đối Brexit.

Nước Anh đang trải qua một giai đoạn biến động lịch sử không hề đáng tự hào khi Brexit làm bộc lộ những chia rẽ sâu sắc và xấu xí trên chính trường cũng như sự chán nản trong lòng người dân và mối lo của các doanh nghiệp. Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, nước Anh bị chia đôi giữa những người “Ra đi” và “Ở lại” với tỷ lệ lần lượt là 52% và 48%.

Sau gần 3 năm thì cả hai nhóm này đều thất vọng, với chỉ chưa đầy 6% tin rằng Anh sẽ tìm kiếm được một thỏa thuận có lợi khi rời EU. Các cuộc thăm dò dư luận hiện tại cho thấy, nếu có một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai, thì gió sẽ đảo chiều và những người ủng hộ “Ở lại” sẽ thắng với 55%. Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại rằng hầu hết các cuộc thăm dò dư luận năm 2016 vốn đều dự báo phe “Ở lại” sẽ chiến thắng./.