Đừng biến cơ hội thành sự ân hận

eju12048x9-1553598573-46.jpg

Du học sinh tự túc Việt Nam tại Nhật Bản

Khi cuộc sống du học là thử thách

Trong vài năm trở lại đây, hiện tượng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản bỏ trốn đang có xu hướng gia tăng đáng lo ngại. Vụ việc khoảng 700 du học sinh nước ngoài tại Đại học Phúc lợi Xã hội Tokyo bỏ trốn hoặc mất liên lạc, trong đó có du học sinh Việt Nam một lần nữa phơi bày thực trạng đáng báo động của vấn nạn này.

Theo số liệu thống kê về tư cách lưu trú của Bộ Tư pháp Nhật Bản, đến tháng 6 năm 2018, số người Việt Nam tại Nhật Bản là 291.494 người, trong đó du học sinh là 80.638 em. Các địa phương có đông du học sinh Việt Nam là Tokyo với 22.557 em, Osaka có 9.061 em, Saitama có 6.939 em và tỉnh Chiba có 6.662 em. Việt Nam trở thành nước có số lưu học sinh đông thứ hai tại Nhật Bản, chỉ sau Trung Quốc.

Theo thống kê chính thức của Tổ chức Hỗ trợ Sinh viên Nhật Bản (JASSO), năm 2017 có 61.671 du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, tăng 7.864 em, tức là 14,6% so với năm 2016. Trong đó, số du học sinh học tại các trường tiếng Nhật là 26.182 em, số du học sinh học trung cấp nghề là 21.482 em, số sinh viên đại học là 10.975 em, số sinh viên thạc sỹ là 801 em, số sinh viên tiến sỹ là 840 em.

Du học sinh Việt Nam tại một buổi giao lưu với doanh nghiệp Nhật Bản về chủ đề tuyển dụng nhân lực nước ngoài. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)
Du học sinh Việt Nam tại một buổi giao lưu với doanh nghiệp Nhật Bản về chủ đề tuyển dụng nhân lực nước ngoài. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Số du học sinh Việt Nam sang Nhật Bản tăng cao cho thấy Nhật Bản đang trở thành một địa chỉ hấp dẫn để du học song điều này cũng nảy sinh thực trạng tỷ lệ tội phạm của du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản tăng lên từ trộm cắp siêu thị, làm quá giờ quy định, lừa đảo…. Trong khuôn khổ bài báo này, phóng viên chỉ muốn đề cập đến một trong số những vấn nạn đang xảy ra trong cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, đó là tình trạng du học sinh bỏ trốn.

Số lượng du học sinh Việt Nam sang Nhật Bản bắt đầu tăng từ năm 2013 trong bối cảnh Nhật Bản đẩy mạnh việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam tự túc sang học tiếng Nhật.

Thông thường, các du học sinh này sau khi kết thúc hai năm học ở trường tiếng Nhật, sẽ tiếp tục nộp đơn thi lên các trường trung cấp nghề hoặc đại học tùy theo nguyện vọng.

Số lượng du học sinh Việt Nam sang Nhật Bản bắt đầu tăng từ năm 2013 trong bối cảnh Nhật Bản đẩy mạnh việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam tự túc sang học tiếng Nhật.

Theo quy định, những người nước ngoài tự túc sang Nhật Bản theo visa du học sinh được phép làm thêm tối đa 28 tiếng/tuần, trong các kỳ nghỉ được phép làm thêm 8 tiếng/ngày song không được quá 40 tiếng/tuần. Mục tiêu của việc cho phép du học sinh nước ngoài làm thêm với số giờ hạn chế là nhằm tạo điều kiện cho du học sinh có thêm thu nhập trang trải chi phí cho cuộc sống du học tại Nhật Bản song vẫn đảm bảo số giờ lên lớp.

Theo giải thích của chính phủ Nhật Bản, du học sinh nước ngoài sang đây theo mục tiêu chính là học tập vì vậy không được phép làm thêm quá nhiều, ảnh hưởng đến mục tiêu học tập.

Trên lý thuyết là như vậy song trên thực tế, số du học sinh Việt Nam tự túc sang Nhật Bản không phải quá lo lắng về việc trang trải chi phí cho cuộc sống ở Nhật Bản không phải là nhiều. Phần đông du học sinh đều xác định sau khi ổn định việc học tại Nhật Bản sẽ đi làm thêm để tự mình trang trải toàn bộ chi phí học tập và sinh sống tại Nhật Bản.

Khung cảnh một trường đại học ở Nhật Bản. (Nguồn: The Japan Times)
Khung cảnh một trường đại học ở Nhật Bản. (Nguồn: The Japan Times)

Bên cạnh đó, không ít du học sinh, được các công ty môi giới du học quảng cáo về mức lương làm thêm hấp dẫn tại Nhật Bản, đã nghĩ rằng đi du học chỉ là lý do để được sang Nhật Bản đi làm. Nhiều gia đình đã vay mượn các khoản tiền lớn nộp cho công ty môi giới và nộp học phí để cho con sang Nhật Bản với hy vọng con cái sẽ không chỉ trả được nợ mà còn có một khoản tiền tích lũy đáng kể đem về sau thời gian du hoc tại Nhật Bản.

Trước hết chúng ta thử tính một bài toán về chi phí học tập và sinh sống tại Tokyo của một du học sinh Việt Nam.Tiền đóng học phí tại các trường tiếng vào khoảng 50.000 yen/tháng (khoảng 10 triệu đồng), học phí trung cấp nghề hoặc đại học tư thục ở mức 65.000 yen/tháng (khoảng 13.000.000 đồng), đại học công lập ở mức 45.000 yen/tháng (khoảng 9.000.000 đồng).

Mức sinh hoạt phí gồm đi lại và ăn uống theo tính toán của JASSO rơi vào mức từ 80.000–90.000 yên (16.000 đồng đến 18.000.000) tại vùng Kanto (thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận). Tiền thuê nhà của du học sinh rơi vào khoảng từ 10.000 yen đến 40.000 yen (2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng) tùy thuộc vào vị trí ở thủ đô Tokyo hay các tỉnh,  ở gần hoặc xa ga tàu, ở ghép với nhiều người hoặc ở ít người. Như vậy, tính mức thấp nhất một du học sinh học tiếng Nhật phải chi khoảng 110.000 yen/tháng (khoảng 22.000.000 đồng). Đây là mức sinh hoạt phí thắt lưng buộc bụng tại Tokyo, không có ngân sách cho việc giải trí, đi chơi.

Mức lương đi làm thêm (tiếng Nhật gọi là arubaito) cao nhất là ở Tokyo, trung bình 1.000 yen/giờ. Đối với những du học sinh không giỏi tiếng, phải chấp nhận những công việc vất vả nhưng mức lương thấp hơn cả mức trung bình chỉ vào khoảng 800–950 yen/giờ.

Áp lực càng lớn hơn vì các em muốn có tiền tích lũy hoặc tiền để trả nợ nên tìm cách làm thêm càng nhiều càng tốt.

Nếu đi làm thêm đúng 28 tiếng/tuần, một du học sinh nước ngoài tại Tokyo sẽ có thu nhập khoảng 112.000 yen/tháng (22.500.000 đồng), nếu vào tháng được nghỉ học thu nhập tối đa là 160.000 yen/tháng (28.000.000 đồng). Như vậy, thu nhập từ công việc làm thêm có thể giúp các du học sinh tự túc trang trải được cuộc sống du học ở Nhật Bản, chứ không đủ tích lũy.

Các du học sinh được phụ huynh chi trả học phí sẽ đỡ áp lực hơn nên đi làm thêm với mục tiêu chỉ để trang trải sinh hoạt phí. Tuy nhiên, nhiều em muốn kiếm được nhiều tiền, đặc biệt là những em gia đình phải vay mượn tiền cho sang Nhật Bản học, áp lực càng lớn hơn vì các em muốn có tiền tích lũy hoặc tiền để trả nợ nên tìm cách làm thêm càng nhiều càng tốt.

Áp lực kiếm tiền khiến các em đăng ký làm thêm một lúc hai hoặc ba việc. Thời gian làm việc nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, các em đến lớp hầu như chỉ ngủ và không thể tiếp thu bài giảng.

Bỏ trốn – Hậu quả và hệ lụy

Đại đa số các du học sinh biết học tập vẫn là mục tiêu chính, đi làm chỉ để trang trải cho cuộc sống du học ở Nhật Bản.  Tuy nhiên, với những em đi du học với mục đích đi làm, các em không thắng nổi bản thân nên sau một thời gian ngủ gật, mệt mỏi trên lớp đã tự động nghỉ học, để tập trung đi làm thêm.

Du học sinh khi quyết định bỏ học, trốn ra ngoài làm thêm, các em thường nghĩ đến viễn cảnh là sẽ có thu nhập cao, tài chính ổn định, được tự do, thoát khỏi nỗi lo bị quản lý, gánh nặng học tập. Tuy nhiên, đó chỉ là cái được vô cùng nhỏ bé nhưng rất nguy hại, vì ẩn đằng sau là nguy cơ các em mất cả tương lai và thậm chí làm liên lụy đến những người khác.

(Nguồn: Japan Times)
(Nguồn: Japan Times)

Trước hết, khi quyết định bỏ học, trốn ra ngoài, du học sinh đã tự mình chọn con đường sống bất hợp pháp. Theo luật pháp Nhật Bản, nếu như một du học sinh bị trường báo cáo lên cơ quan nhập cư là nghỉ học, nếu bị cơ quan nhập cư Nhật Bản xác nhận đã nghỉ học ba tháng, tư cách lưu trú sẽ tự động mất hiệu lực dù thời hạn visa trên giấy tờ vẫn còn và như vậy nếu bị bắt, du học sinh này sẽ bị trục xuất khỏi Nhật Bản.

Khi quyết định bỏ học, trốn ra ngoài, du học sinh đã tự mình chọn con đường sống bất hợp pháp.

Những em trốn ra ngoài để đi làm nếu may mắn được gặp chủ doanh nghiệp tốt, thấu hiểu hoàn cảnh, đối xử công bằng với các em. Tuy nhiên, điều đó cũng khiến họ phải đứng trước nguy cơ trở thành đối tượng vi phạm luật pháp vì đã bao che cho người cư trú bất hợp pháp. Đã có một số chủ doanh nghiệp Nhật Bản bị bắt giữ vì đã tuyển dụng lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Gặp được chủ tốt còn là may mắn, có những em rơi vào hoàn cảnh bị ngược đãi, bị quỵt tiền do chủ biết các em sẽ không dám trình báo với cơ quan chức năng.

Ngày 30/8/2018, báo Mainichi đã có bài tường thuật nêu vụ một du học sinh nữ người Việt, 25 tuổi, bị tòa án địa phương Nara phán quyết vi phạm luật xuất nhập cảnh vì đã cư trú bất hợp pháp, với án tù hai năm và hoãn thi hành án ba năm, bị trục xuất về nước. Du học sinh này đến Nhật Bản vào tháng 1/2015 với ước mơ trở thành điều dưỡng viên. Em học tại trường tiếng Nhật ở tỉnh Miyazaki theo chương trình hai năm. Du học sinh này cho biết gia đình đã phải vay một số tiền 1.250.000 yen (250.000.000 đồng) để trả cho người môi giới.

Khi đến Nhật Bản, du học sinh này vấp phải một thực trạng vô cùng khó khăn. Mặc dù em không có nguyện vọng làm bán thời gian theo sự phân công của trường song em vẫn bị điều đi làm việc tại một cơ sở điều dưỡng là chi nhánh của trường tiếng Nhật. Sau khi bị trừ các khoản tiền, trong đó có tiền ký túc xá, em chỉ được nhận 20.000 yen/tháng (4.000.000 đồng), một số tiền quá ít ỏi.

(Nguồn: Bitcoin News)
(Nguồn: Bitcoin News)

Sống trong lo lắng nguy cơ gia đình ở Việt Nam có thể mất nhà vì không có tiền trả nợ, em đã quyết định bỏ trốn khỏi trường. Em có chút may mắn khi sau đó tìm được những nơi làm mà người tuyển dụng rất tốt bụng. Mỗi tháng em thu nhập được 180.000 yen (36.000.000 đồng), trong đó 130.000 yen (23.000.000 đồng) em gửi về để cha mẹ trả nợ. Tuy nhiên, may mắn này không kéo dài bao lâu vì em đã bị bắt trong một lần truy quét người cư trú bất hợp pháp và bị trục xuất về nước.

Kết cục này là do quyết định sai lầm của em trong lúc quá lo lắng. Nếu suy nghĩ một cách thấu đáo, em hoàn toàn có thể nhờ tư vấn từ các tổ chức, các luật sư hỗ trợ du học sinh để tìm giải pháp. Sự lựa chọn giải pháp sai lầm đã dẫn đến một kết cục buồn tại nơi mà em từng hy vọng là miền đất hứa.

Trước thực trạng số vụ tội phạm do người nước ngoài gây ra gia tăng, từ năm 2018, nhà chức trách Nhật Bản đã tăng cường các biện pháp truy quét người nước ngoài sống bất hợp pháp.

Các chiến dịch truy quét này dã bắt giữ và trục xuất nhiều lao động nước ngoài trong đó có nhiều là lao động Việt Nam là các du học sinh bỏ trốn.

Một phóng sự của đài truyền hình Tokyo TV phát vào tháng 3/2018 đã mô tả công việc truy lùng du học sinh bỏ trốn. Theo phóng sự này, cơ quan nhập cư Nhật Bản có một tổ chức đặc biệt chuyên truy lùng, theo dõi và bắt giữ các du học sinh bỏ trốn. Phóng sự đã mô tả chi tiết kế hoạch của cảnh sát nhập cư Nhật Bản để theo dõi và bắt giữ hai du học sinh Việt Nam gồm một nam và một nữ. Sau khi bị giam hai tuần những du học sinh này sẽ bị cưỡng chế về nước.

Từ năm 2018, nhà chức trách Nhật Bản đã tăng cường các biện pháp truy quét người nước ngoài sống bất hợp pháp.

Cuối năm 2017, cảnh sát tỉnh Aichi đã vây bắt 13 người Việt Nam, trong số có cả du học sinh và tu nghiệp sinh, đã cư trú bất hợp pháp trong đó người ngắn nhất là bốn tháng và người sống lâu nhất là hai năm hai tháng.

Bỏ trốn đã là một quyết định sai lầm. Tuy nhiên, điều nguy  hiểm nhất là nguy cơ các em chìm sâu hơn vào vũng bùn tội lỗi trong thời gian này. Khi lựa chọn làm kẻ sống ngoài vòng pháp luật, các em trở thành miếng mồi và là đối tượng ưa thích để các băng nhóm tội phạm lôi kéo, đặc biệt là những em muốn kiếm tiền nhanh và nhiều nhưng không muốn làm việc vất vả.

Một vụ bắt giữ tội phạm ở Nhật Bản. (Nguồn: Japan Trends)
Một vụ bắt giữ tội phạm ở Nhật Bản. (Nguồn: Japan Trends)

Tham gia vào một băng nhóm tội phạm là các em đẩy mình vào tình trạng vi phạm luật pháp ở cấp độ nghiêm trọng, trở thành đối tượng tội phạm hình sự tại Nhật Bản. Đây chính là hậu quả lớn nhất, là điều đáng báo động nhất.

Truyền thông Nhật Bản đã đăng tải một số vụ án về những băng nhóm trộm cắp có tổ chức chuyên dụ dỗ các du học sinh kinh tế khó khăn hoặc những du học sinh lười biếng. Những em này sau khi bị bắt giữ phải chịu những mức án đối với tội hình sự tại Nhật Bản.

Theo số liệu của Bộ Tư pháp Nhật Bản, số vụ trộm cắp, phạm tội hình sự do người nước ngoài gây ra tăng cao. Tổng số vụ phạm pháp hình sự của người Việt Nam tại Nhật Bản năm 2017 là 3.591 vụ, trong đó số vụ trộm cắp vặt, chưa phải tội hình sự, là 3.080 vụ chiếm 85,8%. Số người Việt Nam bị bắt về tội hình sự là 1.443 người, trong đó số du học sinh là 690 người, chiếm gần 50%. Mặc dù số du học sinh bị bắt vì tội hình sự đã giảm đáng kể từ 794 em năm 2016 xuống 690 em năm 2017, tương đương 13,1%, nhưng nhìn chung số vụ trộm cắp của người Việt Nam trong đó có du học sinh vẫn ở mức cao.

Đầu năm 2019, tại Nagoya, một du học sinh Việt Nam bị bắt vì bị phát hiện đã tham gia một nhóm trộm cắp. Du học sinh này đã nhiều lần vi phạm kỷ luật của trường và bị trường đình chỉ học và chuẩn bị đưa học sinh này về nước. Trong thời gian chờ về nước, em đã bỏ trốn. Cảnh sát sau đó đã bắt giữ du học sinh này và phát hiện em liên quan đến một đường dây tội phạm. Hiện tại, em vẫn đang bị giam giữ do cảnh sát vẫn đang điều tra đường dây tội phạm này.

Số người Việt Nam bị bắt về tội hình sự là 1.443 người, trong đó số du học sinh là 690 người, chiếm gần 50%.

Tháng 6/2017, đài truyền hình ANN và đài FNN của Nhật Bản đưa tin về băng trộm cắp liên hoàn là các du học sinh người Việt Nam. Theo truyền thông Nhật Bản, nhóm này có hơn 30 thành viên, thực hiện khoảng 300 vụ, với số tiền và tài sản ước tính đã vượt quá 300 triệu yên (hơn 60 tỷ đồng).

Cư trú bất hợp pháp là các em đã vi phạm luật nhập cư Nhật Bản nhưng tham gia các băng nhóm trộm cắp các em trở thành đối tượng xử lý của luật hình sự.

Những người cư trú bất hợp pháp sau khi bị bắt sẽ bị trục xuất sẽ không được quay trở lại Nhật Bản trong vòng năm năm. Nếu các em chủ động ra trình diện nhà chức trách sau một thời gian lẩn trốn, thời gian bị cấm quay lại Nhật Bản sẽ ngắn hơn. Đối với tội phạm hình sự, các em sẽ phải chịu các mức án nặng hơn và suốt đời là đối tượng có tiền án.

Một hệ lụy nữa là hình ảnh người Việt Nam trong mắt người Nhật Bản, “con sâu làm rầu nồi canh.” Việc truyền thông Nhật Bản thỉnh thoảng đưa tin về việc du học sinh Việt Nam bỏ trốn, phạm tội làm cho một số người Nhật đánh đồng với hình ảnh của cộng đồng người Việt, khiến cho đôi khi người Việt Nam bị người sở tại quan sát bằng ánh mắt tiêu cực.

Để du học Nhật Bản thực sự là cơ hội

Nhật Bản ngày cảng quản lý chặt hơn với việc cấp visa du học. Trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng của Nhật Bản đã bắt đầu chú ý đến vấn đề của các trường tiếng Nhật.

Theo điều tra của Bộ Nội vụ Nhật Bản, một số trường tiếng Nhật tuyển sinh quá chỉ tiêu cho phép, các trường không đảm bảo đủ số lượng giáo viên cơ hữu dẫn đến chất lượng đào tạo thấp….

Trường Cao đẳng Ngoại ngữ Nhật Bản, nơi đang có nhiều du học sinh Việt Nam theo học. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)
Trường Cao đẳng Ngoại ngữ Nhật Bản, nơi đang có nhiều du học sinh Việt Nam theo học. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Trước thực trạng đó, Cục quản lý nhập cảnh của Nhật Bản đã có những biện pháp mạnh với các trường không phù hợp. Trường hợp gần đây nhất là Học viện giao lưu quốc tế Tokyo đã bị Cục quản lý nhập cảnh từ chối cấp tư cách lưu trú cho 520 du học sinh dự định nhập học vào tháng 4/2018.

Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội cũng tăng cường phỏng vấn học sinh Việt Nam đi du học Nhật Bản để học tiếng và đã phát hiện những trường hợp giả mạo kết quả năng lực tiếng Nhật. Một số công ty tư vấn du học đã bị Đại sứ quán Nhật Bản bị đình chỉ tư cách đại lý xin visa du học.

Bộ phận Giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho du học sinh tại các trường tiếng Nhật. Đại sứ quán tổ chức các đợt tập huấn tập trung hàng năm cho du học sinh tại các trường tiếng Nhật khu vực Tokyo, Nagoya.

Có nhiều lý do khiến cho các du học sinh lầm đường, mà trong đó điều đầu tiên là thiếu năng lực, kiến thức cơ bản để sinh sống và học tập tại một đất nước hoàn toàn xa lạ. (Ông Phạm Quang Hưng, phụ trách bộ phận giáo dục của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản)

Bộ phận giáo dục cũng đã dịch sang tiếng Việt tài liệu hướng dẫn những điều cần biết dành cho người nước ngoài do thành phố Tokyo biên soạn và chuyển tài liệu này cho các công ty tư vấn du học tham gia Hội thảo về du học Nhật Bản do Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội tổ chức. Ngoài ra, Bộ phận giáo dục thường xuyên phối hợp với các trường tiếng Nhật khu vực Tokyo để tăng cường quản lý du học sinh.

Trò chuyện với phóng viên TTXVN, ông Phạm Quang Hưng, phụ trách bộ phận giáo dục của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, cho rằng có nhiều lý do khiến cho các du học sinh lầm đường, mà trong đó điều đầu tiên là thiếu năng lực, kiến thức cơ bản để sinh sống và học tập tại một đất nước hoàn toàn xa lạ.

Du học sinh tự túc Việt Nam hiện nay sang Nhật Bản theo lộ trình công ty môi giới đưa sang học tiếng Nhật hai năm tại những trường chuyên dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài. Kết thúc hai năm học tiếng, du học sinh sẽ tự chọn thi vào các trường trung cấp nghề hoặc đại học tùy theo năng lực.

Theo ông Phạm Quang Hưng, việc trang bị cho du học sinh kỹ năng ngoại ngữ và kiến thức cơ bản về luật pháp, văn hóa về Nhật Bản trước khi sang du học là điều tối cần thiết.

Du học sinh Việt Nam trong một lớp học tiếng Nhật ở Sakai, Osaka. (Nguồn: asia.nikkei.com)
Du học sinh Việt Nam trong một lớp học tiếng Nhật ở Sakai, Osaka. (Nguồn: asia.nikkei.com)

Hầu hết du học sinh vừa mới kết thúc cấp 3, chưa  từng rời khỏi gia đình, các em sẽ vô cùng bỡ ngỡ và có thể cả hoảng sợ khi phải tự lập tại một nơi hoàn toàn xa lạ. Đây là nhiệm vụ của các công ty, trung tâm môi giới du học cũng như của gia đình và bản thân các em trước khi sang Nhật Bản. Việc chuẩn bị kiến thức và tinh thần cho một người mới vào đời, lần đầu tiên tự lập tại một nơi xa lạ về văn hóa, ngôn ngữ và không người thân thích, là vô cùng quan trọng để các em có đủ bình tĩnh và sáng suốt trước mọi tình huống trong cuộc sống.

Theo ông Phạm Quang Hưng, một điều quan trọng nữa là nội dung quảng cáo du học tại Nhật Bản của các công ty, trung tâm môi giới. Việc Nhật Bản tiếp nhận nhiều du học sinh Việt Nam là cơ hội cho thanh niên Việt Nam được sang học hỏi kiến thức, kỹ thuật tại một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới, vì vậy thanh niên Việt Nam trước khi sang du học Nhật Bản cần phải xác định rõ, đây là cơ hội du học, nâng cao kiến thức, chứ không phải là cơ hội đi làm kiếm tiền tích lũy.

Lựa chọn những công ty du học có uy tín là một bước chuẩn bị quan trọng cho quá trình du học.

Ông Phạm Quang Hưng nhận định các công ty, trung tâm môi giới du học Nhật Bản cần ngừng việc quảng cáo du học tự túc Nhật Bản là vừa học vừa làm theo ý nghĩa “đi học nhưng vẫn có thu nhập cao, có tiền tích lũy.” Thay vào đó, các công ty môi giới cần giải thích rõ du học là đi học và việc đi làm thêm là chính phủ Nhật Bản tạo điều kiện cho du học sinh cơ hội kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống du học tại Nhật Bản, không phải đi làm để có tiền tích lũy.

Vì vậy, các em cần tự chủ động quy định giới hạn thời gian của việc đi làm thêm để không ảnh hưởng đến việc học. Hiểu rõ tính chất của du học tự túc sẽ giúp cho các em xác định được mục tiêu của mình ngay từ đầu để đưa ra quyết định phù hợp.  

Lựa chọn những công ty du học có uy tín là một bước chuẩn bị quan trọng cho quá trình du học. Khi có ý định du học, các em cần phải tham khảo các nguồn thông tin chính thống để tìm được các địa chỉ đáng tin cậy. Một công ty môi giới du học uy tín sẽ giới thiệu du học sinh đến những trường có chất lượng đào tạo tốt, giúp cho du học sinh có đủ trình độ để tiếp tục học lên những bậc cao hơn tại Nhật Bản.

Ông Phạm Quang Hưng cho rằng cánh cửa tiếp nhận du học sinh Việt Nam vào Nhật Bản vẫn mở rộng. Chỉ cần các em chăm chỉ và có nghị lực, cơ hội về một việc sở hữu một tấm bằng có giá trị, để tìm được một công việc tốt tại Nhật Bản hay ở Việt Nam hoàn toàn trong tầm tay.

Những gương mặt du học sinh thành công

Quả ngọt sau những vất vả

Với những du học sinh sang Nhật Bản theo hình thức tự túc, các em cần phải xác định rõ cuộc sống sẽ vất vả, vừa đi làm để có thể trang trải chi phí cho cuộc sống tại Nhật Bản, vừa phải tham gia đủ số buổi học ở trường, phải hoàn thành bài tập, phải vượt qua các kỳ thi và phải sống tiết kiệm. Từng đó nhiệm vụ nặng nề song với sức bật của tuổi trẻ và ý chí, các em hoàn toàn có thể vượt qua.

Điều quan trọng là cho dù có khó khăn, các em không được từ bỏ mục tiêu quan trọng nhất của mình trong chuyến du học. Cuộc sống khó khăn của một du học sinh vừa học vừa làm có thể kéo dài khoảng là sáu năm, vượt qua được sáu năm đó thành công, các em sẽ có bằng cấp, đủ cơ sở để tìm được một công việc phù hợp, ổn định cho mình ở Nhật Bản hay tại Việt Nam.

Phóng viên TTXVN đã gặp nhiều du học sinh vừa học vừa làm người Việt Nam giờ đây đã có một vị trí xã hội ổn định ở Nhật Bản.

Một du học sinh vừa học vừa làm có thể kéo dài khoảng là sáu năm, vượt qua được sáu năm đó thành công, các em sẽ có bằng cấp, đủ cơ sở để tìm được một công việc phù hợp, ổn định cho mình ở Nhật Bản hay tại Việt Nam.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, sinh năm 1983, Giám đốc điều hành Công ty NAL Japan, là một trong những gương mặt người Việt lập nghiệp thành công tại Nhật Bản. Anh sang Nhật Bản năm 2002, theo chương trình học bổng của báo Asahi tại Nhật Bản, được tài trợ nhà ở, sinh hoạt phí và tiền học hai năm tiếng Nhật. Đổi lại anh sẽ đi phát báo hai lần một ngày trong hai năm đó. Công việc phát báo tưởng chừng như nhàn hạ, thế nhưng vào những ngày mưa bão, tuyết rơi, phải đi trên đường vào lúc hai hoặc ba giờ sáng quả là một thử thách.

Kết thúc hai năm học trường tiếng, anh Tuấn Anh tiếp tục học lên đại học và vẫn phương thức vừa học vừa làm, anh xin chạy bàn cho quán ăn, làm tại cửa hàng tiện lợi…. Sau sáu năm vừa học vừa làm, anh đã hoàn thành chương trình đại học và được nhận vào một công ty lớn của Nhật Bản. Cho dù trải qua nhiều vất vả để có được thành công như ngày nay song với anh điều đó không làm anh nản chí mà ngược lại càng giúp anh rèn giũa được nghị lực và tự hào về thành quả mình đạt được.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, giám đốc điều hành NAL Japan, một gương mặt du học sinh Việt Nam thành công tại Nhật Bản, cùng với vợ và con gái. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)
Anh Nguyễn Tuấn Anh, giám đốc điều hành NAL Japan, một gương mặt du học sinh Việt Nam thành công tại Nhật Bản, cùng với vợ và con gái. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Năm 2017, cảnh sát Nhật Bản tại Takatsu, tỉnh Kanagawa đã khen thưởng hai du học sinh Việt Nam dũng cảm bắt trộm, trong đó có em Nguyễn Dương Tùng. Khi phóng viên đến gặp lần đầu, em Tùng đang là học sinh năm cuối trường tiếng Nhật, cũng đi du học theo chương trình học bổng của báo Asahi. Một năm sau gặp lại, em vui mừng thông báo đã thực hiện được ước mơ, đỗ vào trường Đại học nông nghiệp thực phẩm Niigata.

Chị Nguyễn Hồng Phương, sinh năm 1985, hiện là nhân viên hành chính của một trường trung cấp nghề ôtô tại thủ đô Tokyo. Là một người phụ nữ có thân hình nhỏ bé, nhưng chị đã từng trải qua những công việc khá nặng nhọc thời du học sinh, từ việc dọn dẹp khách sạn phải dịch chuyển những chiếc giường nặng nề, đến công việc bốc vác hàng hóa cho công ty chuyển phát Yamato… Không phải là một du học sinh có thành tích nổi trội, song nhờ sự cần cù, chăm chỉ và nghị lực chị đã hoàn thành được chương trình đại học. Giờ đây tìm được một công việc văn phòng ở Tokyo với mức lương 250.000 yên/tháng (50.000.000 đồng), đối với chị không còn là điều quá khó khăn.

Trong một lần đến một công ty du lịch lớn của Nhật Bản để tìm hiểu về các tour du lịch nội địa Nhật Bản, phóng viên đã gặp gỡ một cô gái Việt Nam xinh xắn rạng rỡ. Cô gái có tên là Nguyễn Hồng Hạnh, là nhân viên của phòng giao dịch. Hạnh kể với tôi em rất yêu công việc hiện tại của mình nơi cho em một môi trường làm việc thân thiện, nguồn thu nhập ổn định và phù hợp với chuyên ngành học của em, là cử nhân du lịch của một trường đại học tại Tokyo.

Số các du học sinh bỏ trốn và phạm tội chỉ là phần trăm nhỏ trong tổng số hàng chục nghìn du học sinh Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản. 

Để có được nụ cười rạng rỡ như hôm nay, em cũng đã trải qua những ngày vừa học vừa làm đầy vất vả, bàn tay nứt nẻ vì ngâm nước liên tục ở xưởng giặt là, đứng liên tục năm tiếng đồng hồ ở xưởng cơm hộp… Em kể trong những ngày đó, em luôn tự động viên mình, vượt qua sự lười biếng, sự cám dỗ để đạt được mục tiêu cuối cùng.

Tại một hệ thống nhà hàng lớn ở Tokyo, tôi được biết nơi đây có khoảng 70 nhân viên Việt Nam, trong đó có 10 người là nhân viên chính thức.

Cách đây khoảng 10 năm, một du học sinh Việt Nam tên Nguyễn Hoàng Dũng đã đến xin làm thêm tại nhà hàng. Vốn tiếng Nhật không nhiều chỉ ở mức N3, mức giao tiếp thông thường trong cuộc sống, song sự cố gắng, cần cù và ngoan ngoãn của Dũng đã tạo được lòng tin lớn với người chủ doanh nghiệp đối với người lao động Việt Nam.

Từ Dũng, doanh nghiệp này đã tăng cường tuyển dụng lao động Việt Nam. Riêng đối với Dũng, sau khi hoàn thành chương trình học tại trường trung cấp nghề, em đã được chủ doanh nghiệp nâng lên thành nhân viên chính thức.

Em Nguyễn Dương Tùng, hiện là sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp Thực phẩm Niigata, trong một lần đi giao báo ca chiều khi còn học tại trường tiếng Nhật ở Takatsu, tỉnh Kanagawa. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)
Em Nguyễn Dương Tùng, hiện là sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp Thực phẩm Niigata, trong một lần đi giao báo ca chiều khi còn học tại trường tiếng Nhật ở Takatsu, tỉnh Kanagawa. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Trong những năm làm việc tại Nhật Bản, phóng viên đã gặp rất nhiều những du học sinh như Tuấn Anh, Tùng, Phương, Hạnh, Dũng… Bởi vì phần lớn du học sinh Việt Nam vừa học vừa làm tại Nhật Bản là những em ngoan ngoãn, có nghị lực và rât chăm chỉ. Các em hoàn toàn xứng đáng và tự hào với thành công của mình.

Số các du học sinh bỏ trốn và phạm tội chỉ là phần trăm nhỏ trong tổng số hàng chục nghìn du học sinh Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản. Thế nhưng cho dù là con số nhỏ thì mỗi một du học sinh Việt Nam khi sang Nhật Bản không thể kết thúc tương lai của mình bằng những quyết định sai lầm.

Một du học sinh Việt Nam khi sang Nhật Bản không thể kết thúc tương lai của mình bằng những quyết định sai lầm.

Đã chọn con đường du học tự túc, đã quyết định chọn cuộc sống tự lập, xa gia đình, các em cần phải sáng suốt và nghị lực. Nếu bỏ trốn khỏi trường,  thay vì được làm một con người sống đàng hoàng, với một tương lai rộng mở phía trước, các em đã chọn con đường trở thành một kẻ sợ hãi, luôn bị truy đuổi và dễ dàng trượt sâu vào vùng bùn, với một tương lai không có lối thoát. Đây rõ ràng không bao giờ là sự lựa chọn đúng đắn./.

(Nguồn: AFP).
(Nguồn: AFP).