Hơn 1 tỷ USD nợ khó đòi

Xóa nợ thuế không phải là đề xuất mới, thậm chí rất cũ. Đã không ít lần, vấn đề này được Bộ Tài chính nêu lên với không ít lý lẽ, nhưng sau đó, mọi thứ lại “chìm xuống.”

Việc để hàng nghìn tỷ đồng nợ treo tiếp tục “sinh sôi nảy nở” là điều không ai muốn. Và, như báo cáo của ngành tài chính, cơ quan này đang ngày ngày mất thêm công sức, chi phí để quản lý những con số ngày một cao vợi này.

Thế nhưng, xóa hẳn đi, lại khiến nhiều người lo lắng là liệu có tạo tiền lệ xấu không và làm sao để thực sự tạo công bằng.

Vòng tròn luẩn quẩn ấy theo lời một chuyên gia, nếu không thực sự thay đổi cách làm thì rất khó để tìm được lối ra.

Vì sao Bộ Tài chính đề xuất

xóa gần 28.000 tỷ đồng nợ thuế?

Trong tổng số nợ đọng do cơ quan quản lý thuế, có tới hơn 1/3 là nợ không còn khả năng thu hồi, tức là những người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự… Tỷ lệ này còn lớn hơn nữa nếu nhìn sang số nợ do cơ quan hải quan quản lý.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước (tốc độ tăng bình quân 16,3%/năm trong các năm 2011-2017).

Tuy vậy, cơ quan này thừa nhận, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao. Tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2017 là 78.466 tỷ đồng.

Phần lớn khoản nợ đọng là do cơ quan thuế quản lý với khoảng hơn 73.000 tỷ đồng. Con số này bằng 7,6% tổng thu nội địa năm 2017.

Trong số này, Bộ Tài chính thống kê, riêng tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh là 31.469 tỷ đồng. Số này chiếm tỷ trọng 43% tổng số tiền thuế nợ và bằng 3,2% tổng số thu nội địa năm 2017.

Với hải quan, trong số hơn 5.320 tỷ đồng nợ thuế tính đến cuối năm 2017 thì tiền thuế có khả năng thu hồi chỉ khoảng 1.361 tỷ đồng. Trong khi ấy, số không có khả năng thu hồi lên tới 3.834 tỷ đồng, chiếm 72% tổng nợ của toàn cơ quan hải quan quản lý.

Tình hình trên theo đánh giá của Bộ Tài chính một phần do có một số người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất khả năng hành vi dân sự (tổng tiền nợ thuế là hơn 247 tỷ đồng).

Ngoài ra, có 14.816 doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định (1.485 tỷ đồng); 256 doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản theo quy định với số tiền nợ đọng (688 tỷ đồng).

Đáng chú ý là có hơn 620.000 người nộp thuế (cả doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân) không còn hoạt động kinh doanh, bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan thuế với số tiền nợ đọng là 21.846 tỷ đồng.

Vấn đề theo Bộ Tài chính còn là với quy định tiền chậm nộp là 0,03%/ngày trên số tiền chậm nộp, số tiền này ngày càng tăng qua thời gian. Tổng số tiền chậm nộp lên đến 12.273 tỷ đồng trên sổ sách kế toán của cơ quan thuế, song thực tế không có khả năng thu hồi.

Có ý kiến lo lắng, doanh nghiệp có thể không còn tài sản tại nơi sản xuất nhưng chuyển tài sản sang nơi khác để được xóa nợ thuế. (Ảnh: TTXVN)
Có ý kiến lo lắng, doanh nghiệp có thể không còn tài sản tại nơi sản xuất nhưng chuyển tài sản sang nơi khác để được xóa nợ thuế. (Ảnh: TTXVN)

Từ những vấn đề trên, Bộ Tài chính nêu đề xuất không tính tiền chậm nộp thuế đối với số tiền thuế nợ và các khoản thu khác phải nộp ngân sách (bao gồm cả khoản thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất) với một số trường hợp như: Chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu và người nộp thuế là cá nhân đã chết hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt.

Đối tượng khác trong diện này là người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế đã phối hợp với các cơ quan trên địa bàn kiểm tra, xác minh thông tin.

Đáng chú ý, dự thảo Nghị quyết của Bộ Tài chính đề xuất xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày 1/1/2019 cho doanh nghiệp, tổ chức đã ngừng sản xuất, kinh doanh nhưng không hoàn thành được thủ tục phá sản, giải thể theo quy định.

Nội dung này cũng lưu ý việc cơ quan quản lý thuế chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức có liên quan kiểm tra, xác minh người nộp thuế không còn tiền trên các tài khoản mở tại ngân hàng, không còn tài sản tại địa điểm đăng ký kinh doanh, không có dấu hiệu tẩu tán tài sản trước thời điểm giải thể, phá sản.

Thực hiện quyết toán thuế năm 2018 tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN
Thực hiện quyết toán thuế năm 2018 tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN

Việc ban hành dự thảo mới làm giảm số nợ đọng thuế (khoảng 27.753 tỷ đồng), giảm gánh nặng phải quản lý nợ thuế không còn khả năng thu vào ngân sách.

Đối tượng khác cũng được đề xuất xóa nợ, phạt, chậm nộp là: Doanh nghiệp, tổ chức không còn sản xuất kinh doanh tại địa chỉ đăng ký kinh doanh; Hộ gia đình, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn, đã ngừng kinh doanh, không thanh toán được số tiền thuế nợ.

Bộ Tài chính cũng đề xuất: Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ đối với doanh nghiệp và tổ chức nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp từ 5 tỷ đồng trở lên. Trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi quyết định việc xóa nợ.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng cục Hải quan được đề nghị có thẩm quyền có xóa nợ dưới 1 tỷ đồng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định xóa nợ đối với hộ gia đình, cá nhân.

Theo Bộ Tài chính, việc ban hành nội dung trên làm giảm số nợ đọng thuế (khoảng 27.753 tỷ đồng), giảm gánh nặng phải quản lý nợ thuế không còn khả năng thu vào ngân sách.

Cơ quan này cũng nêu quan điểm, ban hành Nghị quyết cơ bản sẽ không ảnh hưởng tác động tới thu, chi ngân sách và không làm thay đổi các cân đối lớn về ngân sách nhà nước. Nguyên nhân bởi mặc dù các khoản nợ này tồn tại nhưng không còn đối tượng để thu, không có khả năng thu được và hàng năm không thực hiện giao dự toán thu đối với các khoản nợ này.

Bộ Tài chính đề xuất xóa nhiều khoản nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày 1/1/2019. (Ảnh: TTXVN)
Bộ Tài chính đề xuất xóa nhiều khoản nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày 1/1/2019. (Ảnh: TTXVN)

Xóa nợ thuế

Cần thiết nhưng có lo “tát nước theo mưa”?

Việc xóa nợ thuế theo giới chuyên gia là cần thiết nhưng điều khiến nhiều người lo lắng là làm sao đảm bảo công bằng giữa người nộp thuế nghiêm túc và những đối tượng dùng chiêu trò để hưởng lợi.

Đánh giá về đề xuất trong dự thảo Nghị quyết của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong bày tỏ sự đồng tình. Theo ông, nhiều đối tượng “cơ bản đã chết thật sự” thì việc treo mãi chỉ khiến tổn thất thêm nặng nề.

Việc xóa nợ thuế theo ông là cần thiết để “tránh những ảo tưởng.” Tuy nhiên, ông Phong chỉ nhấn mạnh, quá trình thực hiện làm sao phải tránh lạm dụng, bởi nếu không kiểm soát kỹ có thể dẫn tới trường hợp doanh nghiệp “chưa chết” mà cũng được xóa nợ.

Trong buổi họp góp ý cho dự thảo cách đây ít lâu, bà Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội thì bày tỏ, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm.

Nhiều đối tượng “cơ bản đã chết thật sự” thì việc treo mãi chỉ khiến tổn thất thêm nặng nề.

Đọc dự thảo, bà tỏ ra trăn trở vì phạm vi đề xuất khá rộng. “Có quan điểm cho rằng tôi là người nộp thuế nghiêm túc thì nộp tiền nhưng người không nghiêm túc lại được xóa nợ. Nên xem xét từng trường hợp, phải cân nhắc,” bà Mai cảnh báo. Vị này cũng cho rằng, trường hợp khoanh, xóa nợ phải thực sự bất khả kháng.

Bà Mai có nhắc tới một trong những đề xuất tại dự thảo là xóa nợ tiền chậm nộp hoặc tiền phạt chậm nộp với người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán.

Bà đặt câu hỏi, có nên “mở” như thế không vì như vậy, việc Nhà nước chậm thanh toán được coi như bình thường.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doan bày tỏ lo lắng với đề xuất xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp với doanh nghiệp, tổ chức không còn sản xuất kinh doanh tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Về bản chất, doanh nghiệp vẫn là người chủ sở hữu cũ nhưng đã có “vỏ mới.”

Ông tỏ ra nghi vấn nếu trường hợp, doanh nghiệp phá sản nhưng lại lập doanh nghiệp khác. Đây là thủ đoạn theo ông đã xuất hiện nhiều năm trước chứ không chỉ hiện tại. Khó truy tìm hơn là trường hợp người chủ doanh nghiệp sau khi nợ thuế tự phá sản, giải thể công ty, bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh nhưng nhờ người quen đứng ra mở doanh nghiệp khác. Về bản chất theo ông doanh nghiệp vẫn là người chủ sở hữu cũ nhưng đã có “vỏ mới.”

Nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, giải thể, phá sản, bỏ địa chỉ kinh doanh lên tới hơn 31.000 tỷ đồng. (Ảnh: AFP)
Nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, giải thể, phá sản, bỏ địa chỉ kinh doanh lên tới hơn 31.000 tỷ đồng. (Ảnh: AFP)

Ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng nêu lên nghi vấn lợi dụng nghị quyết để “tát nước theo mưa.”

Điều này theo ông có thể xuất phát từ trình độ nặng lực chưa đủ hoặc thiếu trách nhiệm khi thực hiện làm thiệt hại tiền thuế của người dân. Ông cũng không phủ nhận trường hợp lợi dụng để có lợi ích nhóm.

Có trường hợp theo ông, doanh nghiệp không còn tiền trong tài khoản nhưng tiền mặt, đá quý,..vẫn còn. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể không còn tài sản tại nơi sản xuất nhưng chuyển tài sản sang nơi khác.

“Đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan đăng ký kinh doanh với cơ quan thuế hay chưa?”

Theo ông Chiểu, cần đặt vấn đề này ra để nêu trách nhiệm cụ thể về việc làm thất thoát như thế nào. Vấn đề này ông “có thể ghi vào nghị quyết được không?”

Ông cũng nêu lên câu hỏi, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan đăng ký kinh doanh với cơ quan thuế hay chưa?

Ông Chiểu cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm của người quyết định vấn đề xóa nợ.

Riêng về nội dung thẩm quyền xóa nợ này, bà Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ sự thống nhất với nội dung dự thảo là tăng cường phân cấp.

Tuy nhiên, bà cho biết thêm, vẫn đang cân nhắc xem có cần quy định ngưỡng tối đa hay không. Theo dự thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ từ 5 tỷ đồng trở lên nhưng đây mới là mức sàn.

“Ta có quy định mức trần không, ví dụ ở một ngưỡng nào đó có cần cao hơn Bộ Tài chính hay không hay vô hạn định? Cần cân nhắc mức trần là như thế nào?” bà Mai phân vân.

Tổng thể hơn, bà Vũ Thị Lưu Mai nêu quan điểm, trước khi đi vào từng hợp trường hợp xóa nợ cụ thể thì cần có nguyên tắc, ví dụ như nguyên tắc công bằng, công khai, không tác động tới ngân sách. Từ đó, cơ quan soạn thảo mới có cơ sở để chiếu vào từng trường hợp.

Nhiều người nộp thuế đã ‘chết thật sự’, không thể thu hồi được nên việc xóa nợ nhằm tránh ‘ảo tưởng’. (Ảnh: Getty Images)
Nhiều người nộp thuế đã ‘chết thật sự’, không thể thu hồi được nên việc xóa nợ nhằm tránh ‘ảo tưởng’. (Ảnh: Getty Images)

Đề xuất xóa nợ thuế

“Nếu không đúng, doanh nghiệp đâu có chịu”

Việc kiểm tra giám sát của các hiệp hội, các doanh nghiệp trong quá trình xóa nợ thuế theo phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) là không thể thiếu. Điều cần làm là ứng dụng công nghệ thông tin để quá trình thực hiện được công khai, minh bạch.

Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có buổi trò chuyện với phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh về vấn đề này.

Bộ Tài chính vừa đề xuất xóa nợ thuế cho một số đối tượng với tổng số tiền dự kiến xóa lên tới 27.700 tỷ đồng. Đề xuất này có hợp lý không và kinh nghiệm các nước trong vấn đề trên ra sao, thưa ông?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Thực ra việc xóa nợ thuế hầu hết các nước trên thế giới đều làm. Hàng năm, các nước đều có số lượng thuế nhất định chưa thu được, có khoản sau 1-5 năm có thể thu hồi được nhưng có khoản được xác định là không thể thu hồi.

Với các nước phát triển, họ có cơ chế mang tính pháp lý cho phép cơ quan quản lý Nhà nước được xóa nợ thuế. Tất nhiên đó không phải là cơ quan thuế mà là các cơ quan quản lý Nhà nước. Ngoài Bộ Tài chính, cơ quan thuế, còn có thành phần khác như các hiệp hội kinh doanh ngành nghề, các bộ liên quan. Cơ quan này sẽ xác định chủ thể nợ thuế không thể thu được do điều kiện bất khả kháng như chết, phá sản, giải thể hay không.

Tuy nhiên, rõ ràng, nhiều khoản là không thu được. Đặc biệt, Việt Nam và một số nước có khoản gọi là phạt chậm nộp tính theo ngày. Vì thế, ngoài khoản nợ thuế, phạt chậm nộp cứ thế sẽ đội lên nhiều. Doanh nghiệp không kinh doanh được, phá sản rồi nhưng nợ thuế vẫn còn nên về nguyên tắc vẫn phải tính chậm nộp vì khoản đó chưa được khoanh, xóa.

Doanh nghiệp không kinh doanh được, phá sản rồi nhưng nợ thuế vẫn còn nên về nguyên tắc vẫn phải tính chậm nộp vì khoản đó chưa được khoanh, xóa.

Khoản này rất lớn và không giải quyết được vấn đề gì vì chủ thể không xác định được hoặc không có khả năng trả nợ. Chúng ta trong thời gian dài không làm việc này nên bây giờ thành khoản nợ lớn, năm ngoái là 26.500 tỷ đồng, hiện thì là 27.700 tỷ đồng. Vài chục nghìn tỷ đồng này phải xin xóa đi.

Việc xóa nợ sẽ làm môi trường kinh doanh tốt lên, giúp nhà đầu tư hết trách nhiệm với doanh nghiệp phá sản từ đó có đường hướng phục hồi để tái khởi nghiệp, có cuộc sống bình thường. Đó là điều cần thiết.

Có ý kiến là phạm vi xóa nợ khá rộng và liệu có công bằng không? Ví dụ người nộp thuế nghiêm túc thì phải nộp nhưng có khi người không nghiêm túc, cố tình nhập khẩu ồ ạt giá rẻ rồi tự giải thể thì được xóa nợ?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Vấn đề bây giờ là làm sao xóa công khai minh bạch. Theo tôi việc tổ chức thực hiện cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính đến đâu, các bộ khác thế nào, kiểm tra chủ thể được xóa ra sao để đảm bảo công bằng, minh bạch. Đây là vấn đề được mong muốn nhất. Đừng để lợi dụng xóa nợ thuế để nhập nhằng không nộp thuế, khiến giảm nguồn thu, bất bình đẳng.

Ngay trong dự thảo Bộ Tài chính nên phác họa các nét cơ bản về vấn đề trên.

Một trong những giải pháp được nhắc tới khi xóa nợ thuế là đăng tải công khai các doanh nghiệp được xóa, lý do lên website. (Ảnh: TTXVN)
Một trong những giải pháp được nhắc tới khi xóa nợ thuế là đăng tải công khai các doanh nghiệp được xóa, lý do lên website. (Ảnh: TTXVN)

Phần nhiều nợ thuế đề xuất xóa là của là người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh, bỏ địa chỉ kinh doanh. Quan trọng là làm sao tránh được tình trạng lách luật, giả chết để được xóa nợ, thưa ông?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Bộ Tài chính phải là cơ quan chủ đạo đứng ra xem xét và có sự kết hợp của cơ quan khác như công an, chính quyền địa phương để kiểm tra các doanh nghiệp thuộc địa bàn của mình. Đặc biệt, theo tôi, cần có sự kiểm tra giám sát của các hiệp hội ngành nghề. Vấn đề này cực kỳ quan trọng. Doanh nghiệp cùng địa bàn biết nhau cả, đơn vị nào tình trạng sản xuất kinh doanh ra sao. Nếu có gì mờ ám, họ hoàn toàn có thể tố cáo, đề nghị cơ quan quản lý xem lại trường hợp này, trường hợp kia.

Việc kiểm tra giám sát của các hiệp hội, các doanh nghiệp trong ngành nghề là không thể thiếu được. Đây là điều kiện quan trọng để xóa nợ thuế chuẩn xác.

Để làm được điều này tốt nhất nên ứng dụng công nghệ thông tin, đăng tải công khai các doanh nghiệp được xóa, lý do lên website. Các doanh nghiệp vào trang web là tìm được ngay ai được xóa, xóa bao nhiêu, nếu không đúng thì các doanh nghiệp khác đâu có chịu.

Theo tôi, trong dự thảo nghị quyết, Bộ Tài chính nên có đường hướng cụ thể về việc sẽ thực hiện như thế nào với công khai, minh bạch.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam tham gia hệ thống nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam tham gia hệ thống nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Ảnh: Trần Việt – TTXVN

Quan trọng là phương thức thực hiện và cách giám sát.

Đề xuất này nhiều lần đã nâng lên đặt xuống trong khi nợ treo thì ngày một nhiều lên. Theo ông, làm sao để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất là cơ chế xóa nợ thuế đảm bảo chính xác, đúng đối tượng, công bằng, không làm thất thoát tiền của Nhà nước.

Nếu đại biểu Quốc hội thấy xóa nợ mang lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế, để lại thì không thu được mà nặng gánh thì họ sẽ chấp nhận. Quan trọng là phương thức thực hiện và cách giám sát.

Nếu thuyết minh của cơ quan soạn thảo rõ ràng, quy định rõ chính quyền làm gì, các hiệp hội, ngành nghề làm gì, tới đâu, mọi thứ rõ ràng, công khai thì các đại biểu sẽ chấp nhận.

Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện!

Trên địa bàn Thủ đô, các đại lý thuế có vai trò rất quan trọng, là cầu nối giữa cơ quan thuế và người nộp thuế. Ảnh: TTXVN
Trên địa bàn Thủ đô, các đại lý thuế có vai trò rất quan trọng, là cầu nối giữa cơ quan thuế và người nộp thuế. Ảnh: TTXVN