Đổi mới châu Âu

bia3-1551930681-12.jpg

Những dòng người di cư từ Trung Đông. Nguy cơ khủng bố luôn hiện hữu ở bất cứ đâu. Phong trào dân túy nổi lên ở khắp nơi. Các đảng cực hữu giành đa số trong quốc hội. Tiếng gọi ly khai có nguy cơ lan từ Anh (Brexit) sang nhiều quốc gia châu Âu khác. Rồi mới nhất là phong trào Áo vàng ở Paris.

Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chưa bao giờ châu Âu đứng trước những thách thức lớn như hiện nay, đe dọa đến tính thống nhất của Liên minh châu Âu EU, đặt ra cho các nhà lãnh đạo khối này những nhiệm vụ cấp bách chưa từng thấy. Và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, một trong những nhà lãnh đạo trẻ nhất của EU, lại đang trở thành một trong những người được kỳ vọng nhiều nhất để giương cao lại ngọn cờ nhất thể hóa từng được cho là biểu tượng của thế giới văn minh.

Trong bài viết dành riêng cho Project Syndicate (bản dịch độc quyền của VietnamPlus), ông Macron muốn gửi gắm thông điệp gì đến với những người dân EU?

Thưa toàn thể công dân châu Âu. Nếu tôi nói về quyền tự do phát biểu trực tiếp với quý vị, thì điều này không phải nhân danh lịch sử và những giá trị đã đoàn kết tất cả chúng ta lại với nhau. Đó là vì thời khắc hiện nay mang ý nghĩa cốt tử. Trong khoảng thời gian vài tuần tới, các cuộc bầu cử ở châu Âu sẽ có tính chất quyết định đối với tương lai của lục địa chúng ta.

Kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay, chưa bao giờ châu Âu lại ở vào thời khắc mang tính cốt tử như vậy. Và cũng chưa bao giờ châu Âu lại ở vào tình trạng nguy hiểm đến như vậy.

Brexit hiện là biểu tượng cho điều này. Nó tượng trưng cho cuộc khủng hoảng của châu Âu, châu lục đã không đáp ứng những nhu cầu của người dân của mình muốn được bảo vệ trước những cú sốc lớn của thế giới hiện đại. Nó cũng tượng trưng cho cái bẫy của châu Âu.

Cái bẫy này hiện không phải thuộc về của Liên minh châu Âu. Cái bẫy này nằm trong sự dối trá và sự vô trách nhiệm mà nó có thể tàn phá liên minh này. Ai là người đứng ra nói với người dân Anh sự thật về tương lai hậu Brexit của họ? Ai nói với họ về việc mất đi quyền tiếp cận thị trường châu Âu? Ai đề cập đến những nguy cơ đối với hòa bình ở Ireland từ việc tìm cách khôi phục lại đường biên giới cũ?

Việc quay trở lại chủ nghĩa dân tộc không mang lại bất cứ điều gì; đây là hành động chối bỏ nhưng lại không có cái thay thế. Và cái bẫy này đang đe dọa toàn bộ châu Âu: những kẻ reo rắc tâm trạng giận dữ, được hỗ trợ bởi những tin tức giả, đang hứa hẹn bất cứ điều gì và hứa hẹn tất cả mọi thứ.

Quốc kỳ Anh (phía trên) và cờ Liên minh châu Âu (EU) phía dưới bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London. Ảnh: AFP/TTXVN
Quốc kỳ Anh (phía trên) và cờ Liên minh châu Âu (EU) phía dưới bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London. Ảnh: AFP/TTXVN

Chúng ta phải kiên định, tự hào và tỉnh táo, trước hành vi thao túng này và nói to lên rằng trước hết châu Âu có nghĩa như thế nào. Đây là thành công có ý nghĩa lịch sử: việc hòa giải một lục địa bị tàn phá trong một dự án chưa từng có nhằm mục tiêu hòa bình, thịnh vượng và tự do. Chúng ta sẽ không bao giờ quên điều này. Và dự án này giờ đây vẫn đang tiếp tục bảo vệ chúng ta.

Một quốc gia có thể tự mình hành động như thế nào trước những chiến lược hung hăng của các nước lớn? Ai có thể đòi hỏi chủ quyền của mình trước những người khổng lồ kỹ thuật số? Làm cách nào để chúng ta chống lại các cuộc khủng hoảng chủ nghĩa tư bản tài chính khi không còn đồng EURO nữa, là cái được coi là một sức mạnh của toàn bộ Liên minh châu Âu? Châu Âu cũng có nghĩa là hàng nghìn dự án hàng ngày đã giúp thay đổi bộ mặt các khu vực của chúng ta: trường học được sửa sang lại, được sá được xây dựng, và việc được tiếp cận Internet tốc độ cao được chờ đợi từ lâu nay.

Cuộc đấu tranh này là một cam kết thực hiện hàng ngày, bởi vì châu Âu, giống như hòa bình, không bao giờ có thể được coi là một thứ gì đó tồn tại một cách đương nhiên. Tôi đã theo đuổi không hề mệt mỏi điều này nhân danh nước Pháp nhằm đưa châu Âu tiếp tục tiến lên và bảo vệ mô hình châu Âu này. Chúng ta đã cho thấy rằng những gì chúng ta được mách bảo là không dễ dàng có được, và việc tạo lập một khả năng phòng thủ của châu Âu và việc bảo vệ các quyền xã hội thực tế là cái có thể thành đạt.

Tuy nhiên chúng ta cần phải làm nhiều việc hơn nữa và phải làm sớm hơn nữa, bởi vì hiện có một cái bẫy khác: cái bẫy của nguyên trạng và sự cam chịu. Đối mặt với những cuộc khủng hoảng lớn trên thế giới, các công dân thường hỏi chúng tôi: “Châu Âu đâu rồi? Châu Âu đang làm gì vậy?” Châu Âu đã trở thành một thị trường vô hồn trong con mắt họ. Tuy nhiên, châu Âu không chỉ là một thị trường. Nó là một dự án. Là một thị trường là điều có ích, nhưng điều này không nên làm giảm giá trị của việc phải cần đến các đường biên giới là cái bảo vệ những giá trị đã đoàn kết chúng ta lại với nhau.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc đã nhầm lẫn khi họ đòi bảo vệ bản sắc của mình bằng việc rút khỏi châu Âu, bởi vì chính nền văn minh châu Âu là cái đã đoàn kết, cho chúng ta quyền tự do và bảo vệ chúng ta. Tuy nhiên, những người không muốn thay đổi bất cứ điều gì cũng sai lầm, bởi vì những người này phủ nhận những điều lo ngại mà người dân chúng ta cảm nhận, và phủ nhận những nghi ngờ đang gây tác hại cho các nền dân chủ.

Chúng ta đang ở vào thời điểm then chốt đối với lục địa chúng ta, một thời điểm mà tất cả chúng ta cần phải sáng tạo lại, về mặt chính trị và văn hóa, hình hài nền văn minh của chúng ta trong một thế giới đang thay đổi. Đây là thời điểm cho việc đổi mới lại châu Âu. Do vậy, nhằm chống lại sức cám dỗ của sự cô lập và chia rẽ, tôi đề nghị chúng ta cùng nhau thực hiện việc đổi mới này xoay quanh ba tham vọng: tự do, bảo vệ và tiến bộ.

Mô hình châu Âu được xây dựng dựa trên quyền tự do của con người và tính đa dạng về quan điểm và sự sáng tạo. Quyền tự do đầu tiên của chúng ta là quyền tự do dân chủ: tự do được lựa chọn các nhà lãnh đạo của chúng ta trong khi các cường quốc bên ngoài tìm cách gây ảnh hưởng đến lá phiếu của chúng ta tại mỗi cuộc bầu cử.

Tôi đề nghị lập ra một Cơ quan châu Âu bảo vệ các nền dân chủ, cơ quan này sẽ cung cấp cho từng nước thành viên các chuyên gia châu Âu có nhiệm vụ bảo vệ tiến trình bầu cử của họ chống lại các cuộc tấn công và thao túng trên mạng.

Cũng theo tinh thần độc lập này, chúng ta cũng nên cấm việc các nước bên ngoài tài trợ cho các chính đảng châu Âu. Chúng ta cũng nên có những quy định của châu Âu cấm tất cả những lời lẽ xúi giục gây hận thù và bạo loạn trên Internet, do việc tôn trọng cá nhân là nền tảng cốt lõi của nền văn minh vì nhân phẩm của chúng ta.

Được lập ra dựa trên sự hòa giải nội bộ, Liên minh châu Âu đã quên mất việc nhìn vào thực tế của thế giới. Tuy nhiên, không có cộng đồng nào có thể tạo ra được nhận thức mình thuộc về đâu nếu cộng đồng đó không có những giới hạn mà nó bảo vệ. Giới hạn đó chính là quyền tự do về an ninh.

Do vậy chúng ta cần phải nghĩ lại về khu vực Schengen: tất cả những ai muốn là một phần của nó nên tuân thủ những bổn phận trách nhiệm (kiểm soát chặt chẽ đường biên giới) và sự thống nhất (một chính sách tị nạn với những quy định chấp nhận và từ chối giống nhau).

Chúng ta sẽ cần đến một lực lượng biên giới chung và một văn phòng tị nạn châu Âu, những nghĩa vụ kiểm soát chặt chẽ và thống nhất châu Âu mà mỗi nước đóng góp vào đó theo thẩm quyền quyết định của một Hội đồng An ninh Nội bộ châu Âu. Về vấn đề di cư, tôi đặt lòng tin vào một châu Âu bảo vệ cả những giá trị lẫn các đường biên giới của nó.

Cũng nên áp dụng những tiêu chuẩn tương tự đối với vấn đề phòng thủ. Đã đạt được những tiến bộ thực chất trong 2 năm qua, tuy nhiên, chúng ta cần phải đặt ra một tiến trình rõ ràng: một hiệp ước về phòng thủ và an ninh nên xác định rõ những nghĩa vụ cơ bản của chúng ta trong mối liên kết với NATO và các đồng minh châu Âu của chúng ta: tăng chi phí quốc phòng, một điều khoản quốc phòng chung thực sự có hiệu quả, và Hội đồng An ninh châu Âu cùng với Vương quốc Anh chuẩn bị những quyết định tập thể của chúng ta.

Các đường biên giới của chúng ta cũng cần đảm bảo một sự cạnh tranh công bằng. Liệu có quốc gia nào trên thế giới chấp nhận tiếp tục giao thương với những người không chịu tôn trọng những quy định của họ không? Chúng ta không thể chịu đựng trong im lặng.

Chúng ta cần cải cách chính sách cạnh tranh của chúng ta và thay đổi lại chính sách thương mại của chúng ta với những biện pháp trừng phạt hay lệnh cấm ở châu Âu nhằm vào những doanh nghiệp có hành vi thỏa hiệp những lợi ích chiến lược và những giá trị cơ bản của chúng ta như những tiêu chuẩn môi trường, bảo vệ dữ liệu và đóng thuế công bằng; cũng như thỏa hiệp việc châu Âu dành ưu tiên cho các ngành công nghiệp chiến lược và việc mua sắm công của chúng ta, như những gì mà các đối thủ cạnh tranh Mỹ và Trung Quốc của chúng ta đang làm.

Thủ tướng Merkel và Tổng thống Macron mong muốn hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong cải cách EU và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). THX/TTXVN.
Thủ tướng Merkel và Tổng thống Macron mong muốn hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong cải cách EU và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). THX/TTXVN.

Châu Âu không phải là cường quốc hạng hai. Châu Âu xét theo tổng thể là một người đi tiên phong: nó luôn xác định rõ những tiêu chuẩn tiến bộ. Về vấn đề này, châu Âu cần phải thúc đẩy hơn nữa một dự án hội tụ thay vì cạnh tranh với nhau: châu Âu, nơi phúc lợi xã hội được tạo ra, cần phải áp dụng một tấm khiên bảo vệ xã hội cho tất cả người lao động, từ đông sang tây và từ bắc xuống nam, đảm bảo trả cùng một khoản tiền cho cùng một công việc, và một mức lương châu Âu tối thiểu cho từng nước và được đưa ra thảo luận tập thể hàng năm.

Việc đưa tiến bộ trở lại còn liên quan đến việc đi đầu trong sự nghiệp sinh thái học. Liệu chúng ta có thể nhìn rõ con cháu chúng ta bằng đôi mắt của mình nếu chúng ta không xóa được gánh nợ về khí hậu? Liên minh châu Âu cần đặt ra mục tiêu của mình – không còn khí thải carbon vào năm 2050 và giảm thuốc trừ sâu xuống còn một nửa vào năm 2025 – và điều chỉnh những chính sách của mình phù hợp với những biện pháp chẳng hạn như lập một Ngân hàng Khí hậu châu Âu tài trợ cho việc quá độ về sinh thái, một lực lượng giám sát an toàn thực phẩm châu Âu nhằm cải thiện các biện pháp kiểm soát thực phẩm và, nhằm chống lại mối đe dọa có hành vi vận động hành lang, thực hiện việc đánh giá về mặt khoa học một cách độc lập đối với những chất có hại cho môi trường và sức khỏe. Đòi hỏi cấp bách này cần là cái chỉ đạo tất cả hành động của chúng ta: từ Ngân hàng Trung ương đến Ủy ban châu Âu, từ ngân sách châu Âu đến Kế hoạch Đầu tư cho châu Âu, tất cả các thể chế của chúng ta cần coi vấn đề khí hậu là nhiệm vụ được trao cho mình.

Tiến bộ và tự do có nghĩa là có thể sống được từ công việc của mình: châu Âu cần phải nhìn về phía trước trong việc tạo ra công ăn việc làm. Đây là lý do giải thích tại sao châu Âu không những cần điều chỉnh những công ty kỹ thuật số khổng lồ bằng việc thực hiện việc châu Âu giám sát những nền tảng truyền thông quan trọng (nhanh chóng đưa ra hình phạt đối với hành vi cạnh tranh không công bằng, áp dụng quy trình giải quyết minh bạch, …), mà còn phải tài trợ cho việc sáng tạo thông qua việc cung cấp cho Hội đồng Sáng tạo châu Âu mới một ngân sách tương đương với Mỹ để có thể đi đầu trong những đột phá về công nghệ như trí tuệ nhân tạo chẳng hạn.

Một châu Âu hướng ra thế giới cần phải nhìn về châu Phi, là châu lục mà chúng ta nên cùng tham gia một giao kèo cho tương lai, đi chung một con đường và ủng hộ một cách đầy tham vọng và không thụ động sự phát triển của châu Phi thông qua những biện pháp như đầu tư, liên kết về học thuật và giáo dục cho nữ giới.

Tự do, bảo vệ và tiến bộ. Chúng ta cần đổi mới châu Âu dựa trên những trụ cột này. Chúng ta không thể để cho những phần tử theo đường lối dân tộc trong tay không có giải pháp nào lợi dụng tâm trạng tức giận của dân chúng. Chúng ta khổng thể là kẻ mộng du thông qua một châu Âu co lại về kích thước. Chúng ta không thể trở nên tự mình hài lòng với việc coi mọi thứ là bình thường và là điều mơ ước.

Chủ nghĩa nhân đạo châu Âu đòi hỏi phải hành động. Và ở mọi nơi, người dân đang đứng lên để tham gia vào thay đổi này. Do vậy vào cuối năm nay, chúng ta hãy lập ra, với đại diện từ các thể chế châu Âu và các nước thành viên, một Hội nghị vì Châu Âu nhằm khuyến nghị những thay đổi mà dự án chính trị của chúng ta cần đến, với một tư duy rộng mở, thậm chí đối với cả việc bổ sung những hiệp ước hiện hành.

Hội nghị này sẽ cần can dự với các nhóm thảo luận do công dân lập ra, và lắng nghe ý kiến của các học giả, các doanh nghiệp và các đại diện công đoàn, các thủ lĩnh tôn giáo và tinh thần. Hội nghị sẽ xác định một lộ trình cho Liên minh châu Âu nhằm biến những ưu tiên then chốt này thành hành động cụ thể. Sẽ có những bất dồng, nhưng liệu sẽ tốt hơn không nếu có được một châu Âu bất động hay một châu Âu đang tiến về phía trước, đôi lúc với những tốc độ khác nhau, và rộng mở cho tất cả mọi người?

Ở châu Âu như thế này, người dân sẽ thực sự lấy lại quyền kiểm soát tương lai của họ. Ở châu Âu như thế này, tôi dám chắc rằng, Vương quốc Anh sẽ tìm được vị trí thực sự của mình.

Kính thưa các công dân châu Âu, tình trạng bế tắc Brexit là một bài học cho tất cả chúng ta. Chúng ta cần thoát khỏi cái bẫy này và làm cho các cuộc bầu cử sắp diễn ra cũng như dự án của chúng ta trở nên có ý nghĩa. Quý vị sẽ là người quyết định liệu châu Âu và những giá trị tiến bộ mà nó hiện thân thực sự có ý nghĩa không chỉ là một giai đoạn đang trôi qua của lịch sử. Đây là sự lựa chọn mà tôi đề nghị: hãy cùng nhau vạch ra con đường đi tới chỗ đổi mới châu Âu./.