Một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 28-NQ/TƯ Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII là đến năm 2020, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Chỉ tiêu này vừa là thách thức vừa là cơ hội của ngành bảo hiểm xã hội.
Vẫn còn lại gần 70% lao động
Chính sách bảo hiểm xã hội đã từng bước được hoàn thiện, đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội ngày càng gia tăng. Hàng năm, có khoảng 4-5 triệu người được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn và khoảng 150.000 người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội dài hạn.
Hiện nay, hệ thống bảo hiểm xã hội thiết kế đơn tầng, sự kết nối với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ.
Đến nay, đã có gần 3 triệu người cao tuổi được hưởng lương hưu và bảo hiểm xã hội. Nếu tính cả đối tượng hưởng trợ cấp xã hội dành cho người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có công thì có trên 50% người cao tuổi ở Việt Nam được hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.
Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng chính sách bảo hiểm xã hội hiện vẫn chưa hướng đến mục tiêu bao phủ toàn dân. Đáng lưu ý, hệ thống bảo hiểm xã hội còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ để thực hiện vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Điều này dẫn tới diện bao phủ còn thấp, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn và khu vực không có quan hệ lao động.

Ông Bùi Sỹ Lợi dẫn chứng, đến năm 2017, chỉ có khoảng 30% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, vẫn còn trên 34 triệu người trong độ tuổi lao động (khoảng 69,6%) chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Các nguyên tắc công bằng, đóng-hưởng, chia sẻ và bảo đảm bền vững tài chính chưa được quán triệt đầy đủ, quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn.
Vẫn còn trên 34 triệu người trong độ tuổi lao động (khoảng 69,6%) chưa tham gia bảo hiểm xã hội.
Những doanh nghiệp có hàng ngàn lao động nhưng số lao động đủ điều kiện nhận lương hưu chỉ tính trên đầu ngón tay. Nhiều bất cập được chỉ ra trong việc đóng-hưởng bảo hiểm xã hội, đòi hỏi một sự cải cách toàn diện.
Mỗi năm có khoảng 700.000 người ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, tương đương với số lượng người tham gia mới.
Hiến kế cải cách chính sách
Trước khó khăn trong mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hôi, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đưa ra một số giải pháp: “Giao chỉ tiêu phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội phù hợp, theo hướng gắn trách nhiệm của địa phương. Tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan thuế và bảo hiểm xã hội. Thực thi chính sách hỗ trợ ‘có điều kiện’ để tạo thói quen tham gia bảo hiểm xã hội.”
Đối với cải cách chính sách, ông Phạm Trường Giang cho rằng cần bổ sung thêm chế độ ngắn hạn đối với chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; gắn việc tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động là một trong những điều kiện mà doanh nghiệp tiếp cận các chương trình ưu đãi của Nhà nước. Đặc biệt, cần đơn giản hóa quy trình thủ tục tham gia và thụ hưởng chính sách; xóa bỏ rào cản về ranh giới hành chính, địa phương trong việc tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội.
Đại diện Tổ chức Lao động quốc tế ILO thì cho rằng có 4 phương án để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Theo đó, phương án 1 là tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 đối với nam và nữ theo lộ trình cứ một năm tăng lên 1 tuổi và bắt đầu thực hiện từ 2018; Phương án 2, tăng tuổi nghỉ hưu và giảm tỷ lệ thay thế; Phương án 3 là áp dụng cơ chế hưu trí toàn dân ở mức 50% lương tối thiểu khu vực Nhà nước; Phương án 4 là tăng tuổi nghỉ hưu, áp dụng mô hình tài khoản cá nhân tượng trưng trong vòng 40 năm chuyển đổi từ năm 2018…

Mục tiêu đổi mới trong chính sách bảo hiểm xã hội được đưa ra lần này là cải cách theo hướng mở rộng diện bao phủ, hướng tới bảo hiểm toàn dân. Trên cơ sở đó, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, mục tiêu trong thời gian tới là phải hoàn thiện chính sách trên nguyên tắc có đóng, có hưởng, quyền lợi tương ứng với nghĩa vụ, có sự chia sẻ giữa các thành viên và thực hiện bảo đảm công bằng cho tất cả. Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, đảm bảo tính đa dạng và linh hoạt để khuyến khích người lao động tham gia.
Cần xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, đảm bảo tính đa dạng và linh hoạt để khuyến khích người lao động tham gia.
Trong đó, tầng thứ nhất mang tính tự nguyện cung cấp các chế độ với mức hưởng cơ bản, do ngân sách Nhà nước hỗ trợ và từng bước có sự tham gia của người dân; tầng thứ hai mang tính bắt buộc với đóng góp của cả người lao động và người sử dụng lao động hướng tới mức đóng như nhau; còn tầng thứ 3 mang tính bổ sung, tuỳ theo khả năng tài chính của doanh nghiệp và cá nhân người lao động.
“Chính sách bảo hiểm xã hội là để bảo đảm an sinh xã hội trước những rủi ro trong và sau cuộc đời lao động. Đây là của để dành tích lũy khi đang làm việc để được hưởng thụ khi tuổi già, đo đó cần mở rộng đối tượng tham gia, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân,” ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Sẽ có 60% lao động tham gia bảo hiểm xã hội
Từ những vấn đề bất cập, Nghị quyết 28 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành vào ngày 23/5/2018. Theo đó, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm mở rộng diện bao phủ, tăng tính hấp dẫn của quỹ bảo hiểm xã hội cũng như tính hiệu quả đầu tư của quỹ này.
Mục tiêu mà nghị quyết đưa ra là đến năm 2021 có khoảng 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội; năm 2025 con số này là 45% và năm 2030 là 60%.
Để đạt được mục tiêu, nghị quyết đề ra việc sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm. Tất nhiên, khi thời gian đóng thấp xuống thì mức lương hưu nhận được cũng thấp hơn.
Ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận định: “Chúng ta hướng tới mở rộng diện bao phủ, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân với một khoản lợi ích khiêm tốn hơn thì vẫn tốt hơn là diện bao phủ hẹp như hiện nay và quyền lợi cao hơn.”
Để mở rộng diện bao phủ, ngoài thiết kế lại chính sách đóng-hưởng bảo hiểm xã hội, Nghị quyết 28 còn đưa ra một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì số lao động tham gia bảo hiểm xã hội cũng sẽ tăng lên.
“Nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm, mà cần chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ việc làm cho người lao động,” Nghị quyết nêu rõ.
Nghị quyết 28 đã điều chỉnh lộ trình thực hiện phù hợp do đó làm sao để mỗi người dân nhận thức rõ về tính ưu việt, quyền lợi chế độ của chính sách bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, việc mở rộng đối tượng tham gia chỉ có ý nghĩa khi khắc phục được tình trạng nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đang diễn ra rất phổ biến hiện nay. Theo Nghị quyết 28, tiến tới sẽ quy định chặt chẽ hơn quy định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh, hiện tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan.
Trong điều kiện nhất định, Nghị quyết 28 đã điều chỉnh lộ trình thực hiện phù hợp do đó làm sao để mỗi người dân nhận thức rõ về tính ưu việt, quyền lợi chế độ của chính sách bảo hiểm xã hội.
Để có thể tiệm cận được với mục tiêu mà Nghị quyết 28 đã đặt ra, theo bà Nguyễn Thị Minh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tham mưu để hoàn thiện chính sách tạo ra tầng đế thật vững, mở rộng bao phủ với mức đóng thấp cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, phấn đấu ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ với điện thoại thông minh, người dân có thể tham gia, đọc các chính sách bảo hiểm xã hội./.
