Đối đầu Mỹ-Trung

uschina-1545037564-13.jpg

Đấu tranh, hòa hoãn, thương lượng – có thể nói đây là những cụm từ được sử dụng nhiều nhất để mô tả diễn biến của mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm 2018, năm mà đối đầu và cạnh tranh Mỹ-Trung thực sự bị đẩy lên một nấc thang mới.

Nếu như đầu năm, Mỹ dùng “vũ khí” thuế quan tuyên chiến thương mại với đối thủ Trung Quốc, kéo theo những đòn “ăn miếng, trả miếng” liên tiếp kéo dài nhiều tháng, khiến quan hệ giữa hai nền kinh tế đầu tàu thế giới luôn trong tình trạng căng thẳng cực độ, thì đến cuối năm, vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc tại Canada theo yêu cầu của Mỹ, có nguy cơ là “giọt nước tràn ly” đẩy Washington và Bắc Kinh vào một cuộc chiến tổng lực.

Tuy nhiên, tính chất của mối quan hệ Mỹ-Trung vốn lắm xung đột song lại nhiều ràng buộc, dường như cũng khiến cuộc đối đấu dai dẳng giữa hai nước trong năm 2018 lúc căng lúc chùng, lúc nóng lúc lạnh rất khó lường.

Vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei có nguy cơ là “giọt nước tràn ly” đẩy Mỹ và Trung Quốc vào một cuộc chiến tổng lực 

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và hệ quả đối với nền kinh tế toàn cầu có thể xem là hiệp đầu tiên, cũng là hiệp đấu quyết liệt nhất, bao trùm nhất trong cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế đứng đầu thế giới năm nay. Ngay từ đầu năm, những động thái cạnh tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã gia tăng và làm nóng bầu không khí quan hệ song phương vốn đang êm ả hồi cuối năm 2017.

Mỹ đẩy nhanh các cuộc điều tra thương mại thường kỳ, như chống trợ cấp, chống bán phá giá và áp đặt mức thuế mới đối với lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc giá trị lên tới 250 tỷ USD, tương đương 1/2 kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Mỹ. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng có hành động đáp trả tương tự, áp mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 110 tỷ USD, tương đương 80% số hàng hóa Mỹ xuất sang Trung Quốc.

(Nguồn: Getty Images)
(Nguồn: Getty Images)

Những đòn trả đũa thuế quan qua lại kể trên đã ảnh hưởng nặng nề tới thương mại và kinh tế toàn cầu, khiến giá cả hàng hóa leo thang, đầu tư thu hẹp, kiểm soát xuất nhập khẩu khắt khe hơn, trong khi thị trường tài chính toàn cầu liên tục biến động. Hậu quả đối với cả Trung Quốc và Mỹ, là hàng nghìn doanh nghiệp của hai nước lao đao, hàng triệu việc làm bị mất.

Trong bối cảnh đó, 90 ngày “ngừng chiến” theo thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước cuối tháng 11 vừa qua, có thể coi là sự hòa hoãn, tạm thời hạ nhiệt đối đầu thương mại. Mỹ sẽ giữ mức thuế 10% đối với hàng hóa 200 tỷ USD của Trung Quốc như hiện nay mà sẽ không tăng lên 25%.

Đổi lại, phía Bắc Kinh cam kết chấp nhận mua thêm “một lượng rất lớn” hàng nông sản, công nghiệp và năng lượng từ Mỹ để khắc phục tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai bên, vốn lên đến 375 tỷ USD năm ngoái.

Hiệp đấu thương mại Mỹ-Trung cho tới nay vẫn “bất phân thắng bại”

Tuy nhiên, nhìn vào sự cạnh tranh thương mại giữa hai nước hiện nay, có thể thấy Trung Quốc cũng đã giảm thuế trong một số lĩnh vực. Giới chức Trung Quốc cũng luôn khẳng định muốn đối thoại trên tinh thần hai bên cùng có lợi. Thế nhưng, những phản ứng từ Nhà Trắng lại cho thấy thâm hụt cán cân thương mại và lợi ích kinh tế không phải vấn đề duy nhất khiến mối quan hệ hai nước lục đục, bởi lâu nay Mỹ vẫn yêu cầu Trung Quốc phải có những thay đổi quyết liệt về mặt cấu trúc. Do đó, thỏa thuận này được cho không phải là một giải pháp dài lâu, các vấn đề sâu xa, phức tạp cản trở hai bên “bắt tay hòa hoãn” vẫn còn nguyên vẹn. Đó là lý do mà hiệp đấu thương mại Mỹ-Trung cho tới nay vẫn “bất phân thắng bại.”

Trên thực tế, thặng dư thương mại của Trung Quốc và Mỹ không chỉ tồn tại trong thị trường sản phẩm cần nhiều lao động, mà còn cả về thị trường sản phẩm có vốn và công nghệ cao. Với sự khởi đầu của một cuộc chạy đua công nghệ cao, sự va chạm thương mại trong các ngành công nghiệp cần vốn và công nghệ cao đang ngày càng phổ biến. Do đó, việc tăng thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc như “phần nổi của tảng băng chìm,” chỉ là một phần nhỏ trong các mục tiêu lớn hơn của Washington, trong đó phải kể đến sự cạnh tranh “ngôi vương” trong lĩnh vực công nghệ, vốn được cho là tác động mạnh tới an ninh, chính trị và cả sức ảnh hưởng của một quốc gia trong thời đại hiện nay.

Hàng hóa Trung Quốc được xếp tại cảng Long Beach, Los Angeles, Mỹ ngày 23/8/2018. (Ảnh: THX/ TTXVN)
Hàng hóa Trung Quốc được xếp tại cảng Long Beach, Los Angeles, Mỹ ngày 23/8/2018. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Mỹ đã không ít lần “nặng lời” về sự “xấu chơi” của Trung Quốc trong vấn đề sở hữu trí tuệ hay việc dựng nên các “hàng rào” về chuyển giao công nghệ đối với các doanh nghiệp nước ngoài muốn tiếp cận thị trường đông dân nhất thế giới. Trong nhiều năm gần đây, Washington luôn lo ngại về tình trạng nhờ có lượng tiền dồi dào do được nhà nước “chống lưng,” các công ty Trung Quốc ra tay thu mua công  ty Mỹ và châu Âu để chiếm lĩnh các công nghệ then chốt, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ tự động và công nghệ thông tin. Ngược lại, không dễ để các công ty Mỹ, châu Âu thu mua công ty của mình, bởi nước này đặt ra vô số quy định để ngăn chặn.

Không khó để nhận ra điều sâu xa khiến Mỹ lo ngại chính là tham vọng  của Trung Quốc. Chính quyền của Tổng thống Trump không thể ngồi im sau khi Trung Quốc đặt quyết tâm hạ bệ vai trò trụ cột của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu, với mục tiêu đến năm 2035 bắt kịp, thậm chí vượt Mỹ về sức mạnh kinh tế. Mục tiêu này đã được chính thức công bố tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 (tháng 10/2017), đi đôi với việctăng tốc thực hiện sáng kiến “Made in China 2025,” một kế hoạch nhằm đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc công nghệ.

Với vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, Mỹ dường như không hoan nghênh với chiến lược “Made in China 2025,” với trọng điểm phát triển các ngành công nghệ cao, nhằm đưa Trung Quốc bắt kịp với các đối thủ trên toàn cầu trong các lĩnh vực kinh tế then chốt, qua đó thúc đẩy mục tiêu biến Trung Quốc thành một siêu cường toàn cầu với năng lực cạnh tranh vượt trội trong những lĩnh vực như tự động hóa, máy bay và xe hơi năng lượng sạch.

“Made in China 2025” bị Mỹ coi là “sát thủ” thách thức vị thế số 1 của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao

Nhìn ở góc độ sâu xa, có thể hiểu “Made in China 2025” bị Mỹ coi là “sát thủ” thách thức vị thế số 1 của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao. Đặt trong bối cảnh đó, vụ Mỹ yêu cầu bắt giữ Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của Huawei – tập đoàn đóng vai trò “xương sống” trong chiến lược “Made in China 2025” với công nghệ 5G –  là sự tính toán rõ ràng. Bởi vậy, dù Bắc Kinh đã phát tín hiệu nhượng bộ khi chỉ thị các chính quyền cơ sở bỏ cụm từ “Made in China 2025,” phía Mỹ vẫn tỏ ra hoài nghi, coi đây có thể chỉ là cách “đánh lạc hướng” của Bắc Kinh.

Vượt xa cả vấn đề thương mại và công nghệ, sự đối đầu gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc còn được phản chiếu trong lĩnh vực chính trị, quân sự hay ngoại giao. Dù năm 2018 không có đối đầu quân sự trực diện giữa hai nước, song căng thẳng không vì thế mà giảm bớt.

Từ tăng cường hiện diện quân sự và thách thức lẫn nhau ở những vùng biển chiến lược, phản đối lẫn nhau về hoạt động quân sự tại những khu vực mà hai bên đang tranh giành ảnh hưởng, việc Mỹ trừng phạt quan chức và đơn vị quân sự Trung Quốc vì mua vũ khí của Nga, hay Bắc Kinh hủy đối thoại quân sự-an ninh với Washington, càng “làm nóng” thêm những hồ sơ gây bất hòa quan hệ hai nước. Căng thẳng cũng lan sang lĩnh vực chính trị với việc giới lãnh đạo Mỹ, đặc biệt là Tổng thống Trump liên tiếp cáo buộc Trung Quốc can thiệp các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và giữa kỳ năm 2018.

(Nguồn: IBT)
(Nguồn: IBT)

Sự đối lập sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc có thể  thấy rõ ở góc độ chiến lược, khi tầm nhìn “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” mà Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy tích cực, cùng “Tứ giác kim cương” do Washington dẫn đầu với sự tham gia của 3 cường quốc khu vực là Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, được cho là tạo thế đối trọng với sáng kiến “Vành đai và Con đường” – một chiến lược của Bắc Kinh nhằm tạo dựng vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế thông qua hệ thống thương mại lấy Trung Quốc làm trung tâm.

Mỹ, với vị thế là siêu cường số một thế giới, luôn đề cao chính sách hợp tác trên các lĩnh vực theo kiểu song phương nhằm áp đặt được tối đa các điều kiện có lợi cho nước Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc lại đề cao chính sách đa phương nhằm thiết lập quyền lực mềm sâu rộng trong quan hệ quốc tế. Trong Chiến lược quốc phòng và Chiến lược an ninh quốc gia mới, Mỹ đã nêu đích danh Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược lâu dài, đe dọa và thách thức hàng loạt các lợi ích của Mỹ.

Mỹ và Trung Quốc đều tỏ ra đều “thủ thế” và khi cần sẵn sàng “tung đòn” đối đầu toàn diện

Rõ ràng, trong từng bước đi, Mỹ và Trung Quốc đều tỏ ra đều “thủ thế” và khi cần sẵn sàng “tung đòn” đối đầu toàn diện. Chuyên gia kinh tế người Pháp Christian Saint-Etienne của trường Kỹ Nghệ quốc gia Pháp từng nói rằng: “Những gì diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc vượt quá cạnh tranh thương mại đơn thuần. Đó là một cuộc đối đầu trên mọi phương diện giữa hai siêu cường nhằm thống trị thế giới.”

Nhìn vào những gì mà Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh, không ít chuyên gia liên tưởng quan hệ Mỹ-Trung đang trượt theo quy luật “bẫy Thucydides” – ám chỉ về sự cạnh tranh giữa một siêu cường đang tại vị với một cường quốc đang lên.

Có thể thấy, quan hệ Mỹ-Trung trong năm 2018 toát lên sự đối kháng trong lợi ích và những bất đồng giữa hai nước ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực, cả dân sự lẫn quân sự, cả chính trị lẫn kinh tế, trong khi dư địa hợp tác bị thu hẹp. Mâu thuẫn Mỹ-Trung không chỉ đơn thuần là con số thâm hụt thương mại Mỹ đang gánh chịu, mà là mâu thuẫn tầng sâu.

Suy cho cùng, nếu điều này xuất phát từ mục tiêu cạnh tranh địa vị số một toàn cầu và tranh giành ảnh hưởng quốc tế giữa một siêu cường muốn duy trì trật tự và vị thế độc tôn hiện hành, với một cường quốc đang lên muốn giành thêm vai trò trong cuộc chơi toàn cầu, thì cạnh tranh và đối đầu giữa hai bên khó tránh khỏi, và đây sẽ là cuộc chiến dài hơi./.