Những anh lính “cử nhân”

img03581544-1544668971-99.jpg

Nhắc đến Trường Sa không thể quên những người lính trẻ canh gác bảo vệ hơn 20 hòn đảo chìm, đảo nổi ở nơi này. Trên những khuôn mặt rám nắng, nhễ nhại mồ hôi luôn là những nụ cười tươi rói làm nổi bật sức trẻ. Những thanh niên đang ở độ tuổi mười tám đôi mươi, độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời đã dành một phần tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ biển đảo quê hương.

Bỏ việc để đi lính

Điều thú vị nhất khi nói về những người lính trên đảo Sinh Tồn, một trong ba xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà, là ở đây có những anh lính “cử nhân”. Họ bỏ một công việc ổn định để xin đi nghĩa vụ quân sự, được ra Trường Sa bảo vệ biển đảo quê hương.

Mỗi người có một lý do riêng, người thì thỏa mãn sở thích đi du lịch, người lại để thử thách bản thân, nhưng tựu trung lại, họ có quyết tâm của một người trẻ muốn sống có ích, có ý nghĩa.

Những thanh niên đang ở độ tuổi mười tám đôi mươi, độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời đã dành một phần tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ biển đảo quê hương.

Hoàng Tuấn Anh (sinh năm 1993, quê ở Bình Dương, tốt nghiệp Đại học FPT) thực hiện nghĩa vụ ở đảo Sinh Tồn đến nay đã được hơn một năm. Trước khi đi nghĩa vụ, Tuấn Anh đang làm việc tại ngân hàng ACB với mức lương 7,5 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ về quyết định khiến nhiều người bất ngờ, Tuấn Anh nói: “Em rất thích đi du lịch, ước mơ của em là được đặt chân đến 4 cực của đất nước, vì vậy khi nghe thông tin hải quân vùng 4 tuyển quân, em đã tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự tại vùng 4 hải quân.”

Bỏ lại công việc tại ngân hàng với mức lương 7,5 triệu đồng/tháng, Hoàng Tuấn Anh xin đi nghĩa vụ để tham gia bảo vệ biển đảo quê hương.
Bỏ lại công việc tại ngân hàng với mức lương 7,5 triệu đồng/tháng, Hoàng Tuấn Anh xin đi nghĩa vụ để tham gia bảo vệ biển đảo quê hương.

Thực hiện nghĩa vụ quân sự với Tuấn Anh không đơn giản chỉ là phục vụ sở thích du lịch, với em đó còn là một niềm vinh dự, tự hào khi được góp phần nhỏ bé vào bảo vệ Tổ quốc.

Võ Trọng Phi quê ở Sông Cầu, Phú Yên cũng là một anh lính “cử nhân”. Phi tốt nghiệp Đại học Tài chính Kế toán Quảng Ngãi, trước khi đi nghĩa vụ đã làm ở doanh nghiệp xăng dầu với mức lương 5 triệu đồng/tháng.

Mỗi người có một lý do riêng, nhưng tựu trung lại, họ có quyết tâm của một người trẻ muốn sống có ích, có ý nghĩa.

Những ngày tháng đi làm nhàm chán khiến Phi suy nghĩ nhiều về ý nghĩa của cuộc sống. Vì thế, Phi quyết định đi nghĩa vụ quân sự để rèn luyện bản thân.

Với Nguyễn Đức Lê Huy (quê Sông Cầu, Phú Yên sinh viên năm 2 khoa Quản lý văn hoá, Đại học Khánh Hoà), chàng trai được mệnh danh là đẹp trai nhất đảo Sinh Tồn thì quyết định đi nghĩa vụ là một bước ngoặt lớn và có phần khó khăn hơn. Huy tạm dừng cuộc sống sinh viên sôi nổi để đi nghĩa vụ quân sự và coi đây như một thử thách của tuổi trẻ để có thể hoàn thiện bản thân hơn.

“Tuổi 20 chưa từng hò hẹn, trong đêm mơ vẫn gọi mẹ ơi…”

Đúng như lời một bài hát “Bâng khuâng Trường Sa”, những chàng lính đảo là những chàng thanh niên “Tuổi 20 chưa từng hò hẹn, trong đêm mơ vẫn gọi mẹ ơi…”. Những chàng trai mười tám, đôi mươi có thể phấn khích khi nói về những trải nghiệm thú vị nhưng lại vội quay mặt ngó lơ khi nói về nỗi nhớ gia đình, người thân.

Nhớ về những ngày tháng đầu đi nghĩa vụ, Phi kể: “Trong suốt một hai tháng đầu tiên, lần nào gọi điện mẹ em cũng khóc, cũng vì thế mà rất nhớ nhà nhưng em lại càng cảm thấy mình phải cứng rắn hơn để gia đình yên tâm.”

Võ Trọng Phi đã được kết nạp Đảng chính thức ngay trên đảo Sinh Tồn.
Võ Trọng Phi đã được kết nạp Đảng chính thức ngay trên đảo Sinh Tồn.

Với những thanh niên đang độ tuổi sôi nổi khám phá và khao khát yêu thương phải chuyển sang sống trong một môi trường kỷ luật không thể tránh những lúc cảm thấy căng thẳng.

Huy cười lớn khi kể rằng ở đảo này chắc không có chàng lính nào chưa từng khóc vì nhớ nhà. Có những hôm tập luyện mệt mỏi, bị chỉ huy mắng, những chàng trai trẻ ấy thèm khát một lời động viên, an ủi từ gia đình, bạn bè.

“Phải thích nghi với một cuộc sống tập thể đòi hỏi em phải tự lập hơn và trưởng thành hơn rất nhiều. Những lúc như vậy em lại nhớ về cuộc sống ở nhà được bố mẹ bao bọc,” Huy bồi hồi nói.

Một tiết mục văn nghệ do chính những anh lính đảo sáng tác, biên đạo và biểu diễn.

Nỗi buồn của tuổi trẻ như những cơn mưa rào, ập đến rồi lại đi nhanh, có lẽ vì thế mà những chàng lính trẻ ấy luôn cười nói rôm rả. Những tiếng cười đó như những nốt nhạc vui gieo vào bản nhạc cuộc sống trên đảo Sinh Tồn.

Tuấn Anh thì bảo rằng, có hai cách để ta có thể nhìn về cuộc sống nơi đảo xa. Đó có thể là sự buồn tẻ của một cuộc sống lặp đi lặp lại. Đó cũng có thể là sự trưởng thành từ việc bắt đầu sống một cuộc sống giản dị, khám phá những bất ngờ đầy lý thú ẩn chứa trong mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi mùa ở đảo.

Không đi, chắc chắn sẽ hối hận cả đời!

Trải qua những tháng ngày tập luyện vất vả, những ngày nhớ gia đình, đất liền tới phát khóc, nhưng những chàng lính ấy bảo rằng khi trở về chỉ còn nhớ về rất nhiều niềm vui tuổi trẻ và sự tự hào của một người lính đã bảo vệ biển đảo quê hương.

“Nếu bạn đi nghĩa vụ quân sự, bạn có thể sẽ hối hận hai năm, nhưng nếu không đi, chắc chắn bạn sẽ hối hận cả đời!”

Trong suốt một năm ở đây, những ngày Tết là những ngày buồn, nhớ nhà nhất. Và một cái Tết ở Trường Sa sẽ làm cho cái Tết ở nhà tới đây thêm ý nghĩa. Những ngày trở về đang gần hơn, những chàng lính ấy háo hức tự tay làm những bông hoa ốc biển để về tặng người thân.

Mường tượng ngày trở về, Phi chia sẻ, khi về đất liền em có thể tự hào mà nói rằng tôi đã hy sinh một phần tuổi thanh xuân để bảo vệ Tổ quốc ở những nơi xa xôi, khó khăn nhất. Những ngày tháng ở đảo đặc biệt ý nghĩa hơn khi Phi đã được kết nạp Đảng chính thức trên đảo Sinh Tồn.

“Là một Đảng viên, trong 12 tháng rèn luyện em đã đúc kết, học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ những đồng đội, chỉ huy cấp trên để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.”

Hai năm thực hiện nghĩa vụ quân sự là khoảng thời gian Tuấn Anh phải từ bỏ một cuộc sống tự do bay nhảy và cả tình yêu. Ngày tình nguyện ra đảo cũng là ngày chia tay người yêu, nhưng với Tuấn Anh, những ngày tháng được phục vụ Tổ quốc đã giúp em cứng cáp hơn, trưởng thành hơn.

“Có những giá trị không thể chỉ đơn giản tính toán thiệt hơn,” Tuấn Anh tự hào nói.

Nguyễn Đức Lê Huy chia sẻ về sự lựa chọn trở thành một anh lính đảo.

“Vì tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”, thế nên với Huy nếu dành thời gian để buồn bã thì chẳng khác nào tội ác với chính mình. Huy khẳng định chắc nịch: “Nếu bạn đi nghĩa vụ quân sự, bạn có thể sẽ hối hận hai năm, nhưng nếu không đi, chắc chắn bạn sẽ hối hận cả đời!”

Những chàng thanh niên ấy đã nghe thấy “Tổ quốc gọi tên mình” và tình nguyện lên đường bảo vệ biển đảo quê hương. Trong quá trình rèn luyện và trưởng thành từ nơi đảo xa, những người lính trẻ ấy nhận ra mình dần trở thành một con người khác, trân quý cuộc sống hơn và khát khao sống có ý nghĩa hơn khi trở về.

Những người lính “cử nhân” đã hoàn thành khóa đào tạo đối tượng Đảng trên đảo Sinh Tồn và khi trở về sẽ được kết nạp Đảng ở địa phương. Và chắc chắn, những Đảng viên và Đảng viên tương lai ấy sẽ là những người đi đầu trong công cuộc xây dựng quê hương./.