Vietnam GP

Những làn xe đi lại tấp nập giữa một bên là những tòa cao ốc hiện đại và một bên là các khu dân cư vẫn chưa hoàn toàn phát triển, hình ảnh những con bò thong dong đi bên cạnh những người phụ nữ gánh hàng rong, những vườn cây xanh mướt nằm giữa các dải phân cách cách đều nhau tái hiện ngắn gọn khu đô thị Mỹ Đình 2 trong một đoạn phóng sự 3 phút, nhưng không phải về giao thông, thường nhật mà là giới thiệu của FormulaOne.com về đường đua mới toanh sẽ trình làng Công thức 1 năm 2020: Vietnam Grand Prix tại thủ đô Hà Nội…

Vietnam Grand Prix tại thủ đô Hà Nội.
Vietnam Grand Prix tại thủ đô Hà Nội.

Nữ phóng viên người Anh từ trang web chính thức của giải Đua xe Công thức Một (Formula One – F1) ngồi trên một chiếc xe lam (mà cô gọi là Tuk Tuk) đi một vòng qua đoạn đường kéo dài quanh khu đô thị Mỹ Đình 2 khởi đầu từ Lê Đức Thọ. Cầm trên tay chiếc micro to bản, cô nói qua về công tác kiểm tra, chuẩn bị cho tới quyết định chọn Việt Nam làm nơi đăng cai tổ chức một chặng đua F1 bắt đầu từ năm 2020. Cô không quên bày tỏ sự phấn khích của mình khi tưởng tượng rằng hai năm tới Lewis Hamilton hay Sebastian Vettel sẽ xuất phát ở nơi cô đang đứng mà lúc đó vẫn là đường xá khá hoang sơ và có vài con bò còn vừa tạt qua.

F1 về Việt Nam, một giấc mơ trở thành hiện thực mà vẫn còn như mơ nếu ta nghĩ tới sự xa xỉ của bộ môn này. Nếu nói rằng việc tổ chức một cuộc đua danh tiếng như F1 phản ánh được sự phát triển, thịnh vượng của một đất nước thì quả là không quá lời. Chỉ khi có được một cuộc sống ấm no, vui vẻ và thoải mái, người ta mới có đủ thời gian và nhiệt huyết để nghĩ đến những giá trị tinh thần, đặc biệt là với thể thao, nhất là với một bộ môn luôn đứng top đầu về độ xa về chi phí và lợi nhuận như F1. Không như những môn thể thao khác khi người xem có thể tận mắt theo dõi toàn bộ thời gian diễn ra, thì với khán giả có mặt trong một trường đua F1, điều đó thật xa xỉ.

Bạn ngồi ở một khán đài, 20 chiếc xe phóng vụt qua trong may lắm là vài giây. Bạn thích một tay đua nhất định, anh ấy sẽ chỉ đi qua khu vực bạn ngồi khoảng 40-50 lần và mỗi lần chưa đến một tích tắc.

F1 là bộ môn mà người ta chỉ có thể thưởng thức chứ không thể tham gia chơi, niềm vui và sự tận hưởng vì thế giảm đi khá nhiều.

Golf và quần vợt dù có dành cho giới quý tộc nhưng ai cũng có thể học chơi. Bóng đá thì dành cho tất cả mọi người ngay cả trẻ em nghèo từ những khu ổ chuột trên khắp thế giới. Bóng rổ, bóng chuyền, bóng chày, bơi… thậm chí còn là một môn học ở nhiều trường học . Còn F1, người ta chỉ có thể xem, mà lại còn phải xem kiểu… chớp nhoáng.

Chính vì thế ngay cả về giá trị tinh thần thì F1 cũng nên được xếp vào loại môn thể thao đắt đỏ nhất thế giới. Đếm trên đầu ngón tay những người dám bỏ 4, 5 triệu đôla mua về một chiếc F1, mà mua được về xong có lẽ cũng chỉ để… ngắm.

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ F1

Tất cả chúng ta khi lái xe đều cảm nhận được thời gian để chiếc xe tăng tốc từ 0 đến một tốc độ nhất định nào đó, và hầu hết các nhà sản xuất ôtô đều đều tự hào khi giới thiệu chếc xe của họ có thể đi từ 0 đến 160 km một giờ, hoặc thậm chí từ 0 đến 90km một giờ trong vài giây cũng đã đủ.

Mặc dù con số chính xác là tùy vào mỗi loại xe, dòng xe nhưng thường thì ít nhất người ta phải mất vài giây mới đạt tới một tốc độ nhanh như mong muốn. Nhưng nếu đem tốc độ của những chiếc xe đó so sánh với một chiếc F1 thì lại là một sự khác biệt lớn.

Xe F1 như những con mãnh thú trên đường đua với tốc độ tiêu chuẩn có để đạt từ 0 đến 160 km/h chỉ trong 1,5 giây. Tức là vào thời điểm một người bình thường bật chìa khóa chiếc ôtô của anh ta và khởi động máy thì tay đua F1 nào đó đã biến mất khỏi tầm nhìn từ lâu với một tốc độ nhanh đến kinh ngạc. Một chiếc F1 có giá trung bình là 6,8 triệu đôla bao gồm 80.000 thành phần, thiết bị khác nhau, những con số không thể tin nổi.

Xe F1 như những con mãnh thú trên đường đua với tốc độ tiêu chuẩn có để đạt từ 0 đến 160 km/h chỉ trong 1,5 giây.
Xe F1 như những con mãnh thú trên đường đua với tốc độ tiêu chuẩn có để đạt từ 0 đến 160 km/h chỉ trong 1,5 giây.

Một chiếc F1 có giá trung bình là 6,8 triệu đôla bao gồm 80.000 thành phần, thiết bị khác nhau, những con số không thể tin nổi.

Nếu nhìn vào những vận động viên thể thao trên các sân quần vợt, bóng đá luôn đổ mồ hôi, cơ bắp cuồn cuộn hoạt động liên tục không nghỉ, người ta sẽ dễ dàng phán xét công việc của các tay lái F1 quả là nhẹ nhàng hơn bởi sau cùng thì họ chỉ việc ngồi trên một chiếc xe và lái mà thôi. Điều này là hiểu lầm tai hại.

Sau một cuộc đua, một tay lái F1 có thể sụt trung bình tới 3kg chỉ vì đổ mồ hôi và mất nước. Áp lực đường đua, sức nóng từ trong chiếc xe lên tới 50 độ C và hàng tá lớp quần áo, mũ khăn để bảo hiểm, chưa kể nếu phải đua dưới thời tiết nóng nực. Hơn nữa, họ phải lái xe liên tục 2 giờ đồng hồ với tốc độ cao, băng qua hàng chục khúc cua đủ hình thù tới mấy chục vòng khi mà những chiếc lốp xe với áp lực tốc độ và mặt đường chỉ có tuổi thọ chưa đầy 2 giờ sau 120 kilomet đường đua.

Đua F1, giống như nhiều bộ môn thể thao khác, cũng là một công việc thật sự vất vả và khó khăn.

Chính bởi vậy, an toàn là ưu tiên hàng đầu trong F1 và ngày càng thắt chặt hơn dù rằng thỉnh thoảng vẫn có những tai nạn nghiêm trọng đáng tiếc xảy ra, như với Felipe Massa năm 2009 (mảnh vỡ từ xe đi trước đâm thủng mũ bảo hiểm khiến anh chấn thương sọ não), hay bi kịch lớn nhất đến với tiền bối đồng hương của anh là Ayrton Senna (qua đời sau tai nạn ở đường đua Imola năm 1994).

Những chiếc mũ bảo hiểm dành cho các tay đua được thiết kế đặc biệt với khả năng ứng phó với những vật cản bay vào nó với tốc độ lên tới 500km/h, chịu được nhiệt độ 800 độ C trong khoảng 45 giây. Một chiếc mũ để lại những vết lõm sâu hơn 2,5 milimet đã đủ coi là một sản phẩm lỗi, thất bại rồi.

Tay đua từng 4 lần vô địch thế giới Sebastian Vettel từng lập kỷ lục khi sở hữu chiếc mũ đắt nhất thế giới. Chiếc mũ mạ vàng của tay đua người Đức đã được bán đấu giá 118 ngàn đôla. Còn một chiếc mũ thông thường với đầy đủ thiết kế có thể rơi vào khoảng trung bình 5 ngàn đôla.

Tay đua từng 4 lần vô địch thế giới Sebastian Vettel từng lập kỷ lục khi sở hữu chiếc mũ đắt nhất thế giới. (Nguồn: Reddit)
Tay đua từng 4 lần vô địch thế giới Sebastian Vettel từng lập kỷ lục khi sở hữu chiếc mũ đắt nhất thế giới. (Nguồn: Reddit)

BÀI TOÁN CỦA LIBERTY

Việt Nam và Công thức Một, sự kết hợp nghe vẫn còn xa lạ này cho đến giờ vẫn khiến nhiều người ngạc nhiên ngay cả khi trong hai thập kỷ qua, F1 đã phủ sóng rộng rãi toàn cầu hơn. Chủ sở hữu của F1, Liberty Media đang hướng tới những thị trường mới đầy tiềm năng ở các nước đang phát triển khi mà lực lượng fan khá hùng hậu ở đó vẫn phải nghĩ tới việc xem trực tiếp F1 tại một trường đua như một giấc mơ. Còn về phía Việt Nam thì đây là cơ hội lớn cho chúng ta giới thiệu về đất nước và quảng bá cho ngành du lịch đang dần dần trở nên uy tín hơn trong mắt người phương Tây.

Đường đua Vietnam Grand Prix 2020 được thiết kế bởi công ty của kiến trúc sư người Đức Herman Tilke, có chiều dài hơn 5,5 kilomet, nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội về 12 kilomet về Phía Tây, gần với Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, do tập đoàn Vingroup đầu tư.

Với phác thảo đường đua hiện tại thì Vietnam Grand Prix được lấy cảm hứng từ những đường đua nổi tiếng khác trên thế giới như Nürburging ở Đức, Monaco, Suzuka ở Nhật và Sepang của người hàng xóm Malaysia. Đối với Liberty, đây là đường đua mới đầu tiên mà họ mang tới cho môn thể thao kể từ khi nắm quyền sở hữu F1 vào năm 2017. Và không phải ngẫu nhiên khi thông tin này được công bố một tuần trước khi họ thông báo báo cáo tài chính mới nhất và các kế hoạch mới cho các nhà đầu tư. Bởi thế cho nên, Liberty hẳn biết phải làm gì để mang lại thành công cho đường đua đầu tiên mang dấu ấn công ty này và cũng là bài thử nghiệm xem Hà Nội có thực sự phù hợp với quãng đường dài cùng F1 trong tương lai hay không.

Chương trình nghệ thuật chào mừng sự kiện ra mắt Vietnam Grand Prix tại Hoàng thành Thăng Long (Nguồn: Vietnam+) 
Chương trình nghệ thuật chào mừng sự kiện ra mắt Vietnam Grand Prix tại Hoàng thành Thăng Long (Nguồn: Vietnam+) 

Với thỏa thuận về lâu dài đối với Việt Nam, đường đua mới có thể sẽ là bằng chứng xác thực nhất chỉ ra sự khác biệt trong cách hoạt động và làm việc giữa Liberty và ông chủ cũ, „trùm F1“ Bernie Ecclestone.

Dưới thời của Bernie, hàng loạt những địa điểm đua mới được trình làng F1 như Trung Quốc, Baku, Abu Dhabi, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, và Singapore. Tuy nhiên, khi chi phí cho những cuộc đua này cao lên, lợi ích của công ty quản lý F1 giảm đi. Đây đều là những đất nước không có lịch sử dài phát triển cùng các môn thể thao tốc độ, bởi vậy „tuổi thọ“ của chúng đều rất ngắn. Ấn Độ được 3 năm, Hàn Quốc được 4 năm, Thổ Nhĩ Kỳ dù được nhiều tay lái yêu thích cũng chỉ được 7 năm. Tại Mokpo ở Hàn Quốc, những bãi đất trống trải và đường đua đóng cửa im lìm trong 51 tuần rõ ràng đã phản ánh sự thờ ơ của người dân đất nước này đối với F1. Điều này có thể sẽ không tái hiện ở Việt Nam và Liberty hoàn toàn có thể nhìn trước tương lai.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ ra mắt. (Nguồn: Vietnam+)
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ ra mắt. (Nguồn: Vietnam+)

Giám đốc thương mại của F1 Sean Bratches khẳng định rằng kế hoạch Grand Prix Việt Nam tại Hà Nội phù hợp với tầm nhìn của Liberty Media cho môn thể thao này, là bàn đạp cho những dự án trong tương lai của họ ở nhiều thành phố lớn khác.

Người Việt Nam yêu thể thao và có tính dân tộc mạnh mẽ. F1 đến Việt Nam làm dấy lên những xúc cảm tự hào trong lòng nhiều người Việt và cả sự hồ hởi, phấn khích, chờ đợi của một bộ phận không nhỏ người đam mê F1 từ thời huyền thoại Michael Schumacher. Đó là những người sẵn sàng trích ra một khoản tiền không nhỏ hàng năm để tới những quốc gia gần Việt Nam như Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc chỉ để theo dõi 2 ngày đua F1 dù rằng tổng thời gian họ được nhìn thấy hơn 20 chiếc xe lướt qua khán đài của mình thật quá nhỏ nhoi so với người hâm mộ bóng đá, quần vợt, bóng rổ…

F1 không dành cho tất cả mọi người, nhưng niềm vui và tầm ảnh hưởng của nó đối với hình ảnh, du lịch của một quốc gia là không nhỏ bởi sự xa xỉ mà nó đem lại. Mà người Việt ta, đôi khi chỉ cần những niềm vui đơn giản như thế.

Cựu tay đua David Coulthard tái hiện nghi thức bật champaigne trên bục podium ở Hoàng thành Thăng Long.
Cựu tay đua David Coulthard tái hiện nghi thức bật champaigne trên bục podium ở Hoàng thành Thăng Long.