Nghị quyết 18, 19 TW6 Khóa 12

images139270-1541747224-49.jpg

Lời tòa soạn

Lời tòa soạn

Sau hơn 30 năm đổi mới, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, biên chế ngày càng phình ra và “ngốn” phần lớn chi ngân sách nhà nước. Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII đã họp và thông qua Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW với chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả cùng với đó là tinh giản biên chế.

Những vấn đề mà 02 Nghị quyết này đưa ra đã kịp thời đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn của tình hình phát triển đất nước hiện nay, đòi hỏi sự tự giác, tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Trên thực tế, Trung ương Đảng đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, văn bản chỉ đạo về công tác tổ chức cán bộ. Song theo đánh giá của các cấp, ngành, địa phương và người dân, đây là thời điểm chín muồi để tiến hành những cải cách thực chất và quyết liệt về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Trên cơ sở những kinh nghiệm và bài học quý báu trong thực hiện các Nghị quyết và văn bản pháp luật liên quan trước đó, trong 02 Nghị quyết 18, 19 lần này, Trung ương đã đề ra lộ trình triển khai thực hiện cụ thể, phù hợp với các điều kiện địa-chính trị-kinh tế ở từng cấp, ngành, địa phương. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan Trung ương, bộ, ngành, địa phương vào cuộc tích cực, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần tạo nền tảng cho một cuộc cải cách tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị sâu rộng hơn trong thời gian tới.

Chuyên đề “Nghị quyết 18, 19 TW 6 khóa 12 – Ý Đảng, lòng dân” đánh giá kết quả sau một năm triển khai, thực hiện Nghị quyết TW của các bộ, ngành Trung ương và một số địa phương; ghi nhận những cố gắng, quyết tâm cùng những thuận lợi, khó khăn của các cấp, ngành, địa phương trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện; từ đó góp phần đưa ra nhìn nhận, đánh giá khách quan về tình hình thực tế triển khai Nghị quyết trên bình diện cả nước. Qua đó, thể hiện niềm tin vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, cùng sự đồng lòng, quyết tâm của các cấp, ngành, địa phương và sự ủng hộ của người dân.

Thời điểm chín muồi

Bảo Ngọc – Phương Vũ

Đổi mới bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu là vấn đề lớn, là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta. Đại hội XII của Đảng đã xác định rõ phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở theo hướng hiệu lực, hiệu quả.

Liên quan đến nội dung này, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 18-NQ/TW (ngày 25/10/2017) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW (ngày 25/10/2017) về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.”

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị TW 6 (Ảnh: TTXVN)
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị TW 6 (Ảnh: TTXVN)

Tại lễ khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 6 ngày 4/10/2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt vấn đề: “Phải chăng cần đặc biệt chú ý bảo đảm tính đổi mới, tổng thể, hệ thống, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; không nôn nóng từ cực nọ nhảy sang cực kia.”

Tổng bí thư cũng nhấn mạnh việc đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là hết sức cần thiết, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhân văn hết sức sâu sắc, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Tinh gọn bộ máy là đòi hỏi khách quan

Tình hình phát triển của đất nước hiện nay đang ở tầm cao mới với thu nhập quốc dân tăng lên gấp hàng chục lần so với 5-10 năm trước. Quy mô phát triển xã hội tăng lên thì càng đòi hỏi cán cân chi tiêu công phải nghiêng về đầu tư phát triển thay vì mức chi thường xuyên cho bộ máy vận hành quản lý. Trên thực tế, hiện nay mức chi thường xuyên chiếm khoảng 70% tổng chi ngân sách bởi số lượng công chức viên chức chiếm tỷ lệ quá lớn. Trong bối cảnh này, một bộ máy “gọn” và “tinh” là yêu cầu tất yếu.

Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay, vấn đề tổ chức cán bộ, kiện toàn hệ thống chính trị và xác định cơ chế vận hành của bộ máy chính trị luôn là một trong những nhiệm vụ to lớn của Đảng. Có thể nói không nhiệm kỳ nào Trung ương Đảng không có chủ trương, nghị quyết, hay văn bản chỉ đạo về công tác tổ chức cán bộ, trong đó có Nghị quyết số 39 (ngày 17-4-2015) của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (ngày 20-11-2014) của Chính Phủ về chính sách tinh giản biên chế.

Tuy nhiên, tổng kết và đánh giá cho thấy việc thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết của Trung ương về tổ chức bộ máy vẫn còn chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2016 của Ban Tổ chức Trung ương lẽ ra phải tinh giản biên chế 140.000 người, nhưng hai năm qua số người hưởng lương và phụ cấp nhà nước lại tăng thêm 96.000 người. Phần tăng này chủ yếu là các đối tượng hợp đồng ở các đơn vị sự nghiệp.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN về bộ máy tổ chức các cấp, Tiến sỹ Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, bộ máy tổ chức các cấp còn có quá nhiều tầng nấc trung gian. Dưới Bộ có cục, vụ trực thuộc. Dưới tổng cục lại có cục, vụ trực thuộc. Vì vậy nên mới có chuyện cục loại một, cục loại hai, vụ loại một, vụ loại hai. Chẳng hạn như Bộ Công an, mỗi tổng cục lại có một cục quản lý hồ sơ và cục kỹ thuật riêng.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương (Ảnh: Phương Vũ/TTXVN)
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương (Ảnh: Phương Vũ/TTXVN)

Việc phân chia đơn vị hành chính cũng còn nhiều bất cập. Trong 30 năm, tăng gần 19 tỉnh, 190 huyện, hơn 1.000 xã. Trong khi đó, hiện nay vẫn còn 724 xã, phường, thị trấn không đảm bảo 50% tiêu chí về diện tích tự nhiên và dân số.

Có thể nói, nhìn vào tổ chức bộ máy của chúng ta hiện nay chỗ nào cũng thấy những điều bất hợp lý, cần phải kiện toàn, sắp xếp lại, ông Hà thẳng thắn chia sẻ.

“Nhìn vào tổ chức bộ máy của chúng ta hiện nay, có thể nói chỗ nào cũng thấy những điều bất hợp lý, cần phải kiện toàn, sắp xếp lại.”

Ban hành và thúc đẩy triển khai hai Nghị quyết này ở các cấp, ngành chính là một bước đi giải quyết đúng và trúng nhu cầu của thực tiễn, đáp ứng mong mỏi của toàn bộ cán bộ Đảng viên và nhân dân trong tình hình đất nước hiện nay.

Tinh gọn bộ máy chú trọng về chất

Chủ trương cải cách tổ chức bộ máy đã được đề ra từ những năm 1986 và tiếp tục được khẳng định qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Điều đó cho thấy cách đây hơn 30 năm Đảng đã nhìn ra nguy cơ của một bộ máy cồng kềnh, trì trệ và kém hiệu quả.

Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN đâu là nguyên nhân của một bộ máy cồng kềnh, trì trệ tồn tại nhiều thập kỷ, ông Nguyễn Đức Hà cho biết, nguyên nhân khách quan là do hệ thống chính sách phân công chức năng nhiệm vụ chưa rõ ràng. Còn nguyên nhân chủ quan nằm ở ý chí người đứng đầu cơ quan đơn vị, bởi lẽ ai làm nhiệm vụ gì cũng muốn bộ máy của mình mạnh và đầy đủ ban bệ.

“Có quá nhiều đơn vị có chức năng nhiệm vụ tương tự nhau. Vậy có thể hợp nhất những đơn vị này với nhau được không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể, chỉ cần có ý chí lãnh đạo.”

Việc ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW chính là sự khẳng định ý chí lãnh đạo của Trung ương Đảng, tiếp tục cụ thể hóa chủ trương cải tổ bộ máy cũng như quyết tâm tinh gọn hệ thống một cách thực sự hiệu quả về chất, chứ không chỉ mang tính cơ học.

Trên cơ sở những kinh nghiệm và bài học quý báu trong thực hiện các Nghị quyết và văn bản pháp luật liên quan trước đó, lần này, Trung ương đã đề ra một lộ trình triển khai thực hiện cụ thể và phù hợp với các điều kiện địa-chính trị-kinh tế ở từng cấp, ngành, địa phương.

Theo đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW đưa ra mục tiêu tổng quát và lộ trình cụ thể về tinh giản biên chế theo từng mốc từ nay đến năm 2030, phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới.

Thực tiễn 30 năm đổi mới cho thấy, công tác cải cách hành chính, cải tổ bộ máy đã có bước phát triển mới về chất, ngày càng chuyển mạnh mẽ hơn sang hướng vì dân phục vụ, lấy tiêu chí hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả. Chính vì vậy, hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò của từng tổ chức; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở để phù hợp hơn với tình hình và bối cảnh phát triển đất nước.

(Mời xem tiếp trang bên)

Trung ương quyết liệt

Bảo Ngọc – Phương Vũ

Việt Nam đang trên đà phát triển bền vững và tích cực hội nhập toàn cầu, đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về bộ máy vận hành trên tất cả các mặt trận, từ chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Điều đáng mừng là cả hệ thống chính trị đều nhận thấy tính cấp thiết phải kiện toàn, sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy vì sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.

Sau một năm ban hành, có thể nói việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW đang thể hiện sự đồng thuận cao từ Trung ương tới địa phương. Sự đồng thuận này không chỉ nằm ở những khẩu hiệu mà đã được chứng thực bằng những con số biết nói.

Bộ Công an gương mẫu đi đầu

Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6, khóa XII nêu rõ: Các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định. Sau đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 01/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Công an và có kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể với tinh thần thận trọng, nghiêm túc, khách quan và rất khẩn trương.

Với quyết tâm chính trị cao, tinh thần đồng thuận trong ngành, sự ủng hộ của nhân dân, cán bộ chiến sĩ và dư luận xã hội, Bộ Công an hiện đang đi tiên phong trong việc cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương, với ý tưởng, thông điệp rất mới và mạnh mẽ.

Theo đó, Bộ Công an đã sắp xếp lại 6 đầu mối tổng cục, giảm được gần 60 đơn vị cấp cục, hơn 800 đơn vị cấp phòng, gần 1.500 đơn vị cấp đội ở địa phương, sáp nhập Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy ở 20 tỉnh, thành vào Công an tỉnh, thành phố. Đây chính là những con số biết nói, thể hiện vai trò gương mẫu đi đầu của Bộ Công An trong công tác tinh gọn hệ thống nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của ngành.

Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an (Ảnh: Phương Vũ/TTXVN)
Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an (Ảnh: Phương Vũ/TTXVN)

Chia sẻ với phóng viên TTXVN về những kết quả trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, những kết quả trên thể hiện quyết tâm chính trị của Bộ Công an nhằm thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đảng, tăng cường xây dựng tổ chức bộ máy Công an nhân dân tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.

Bộ Công an tăng cường xây dựng tổ chức bộ máy Công an nhân dân tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở.”

Bộ Công an dự kiến điều động khoảng 25.000 chiến sỹ Công an chính quy – tất cả đều trong biên chế hiện có – về đảm nhận chức danh Công an xã nhằm đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở, trước hết là tại các địa phương trọng điểm và phức tạp về an ninh, trật tự, trước khi triển khai trên phạm vi cả nước.

Theo Thiếu tướng Lương Tam Quang, Đảng ủy Công an Trung ương đã lường trước, từ đó từng bước giải quyết những khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết TW như các vấn đề liên quan tới cơ sở pháp lý, bố trí, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo chỉ huy cũng như thực hiện chế độ chính sách, ổn định tư tưởng, tâm tư tình cảm cho cán bộ, chiến sĩ tại những đơn vị giải thể, sáp nhập.

Thời gian tới, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trong kiện toàn tổ chức đảng ở công an các địa phương; đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định của Đảng, tạo cơ sở chính thức cho các tổ chức, hoạt động của lực lượng Công an; đồng thời theo dõi, sớm có đánh giá kết quả và tác động của quá trình triển khai, vận hành tổ chức bộ máy mới.

Lực lượng công an nhân dân diễu binh dịp 70 năm Quốc Khánh 2-9 (Ảnh: TTXVN)
Lực lượng công an nhân dân diễu binh dịp 70 năm Quốc Khánh 2-9 (Ảnh: TTXVN)

Chuyển biến mạnh ở khối cơ quan TW

Nghị quyết TW 18, 19 đã và đang đi vào cuộc sống, bởi tính đúng đắn, mục tiêu được xác định phù hợp với điều kiện thực tế, với mong muốn của nhân dân. Các cơ quan Trung ương, bộ, ngành đều đang vào cuộc mạnh mẽ, tạo ra những chuyển biến tích cực.

Các cơ quan Trung ương đang tích cực rà soát lại chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, thậm chí rà soát lại từng cán bộ để kiện toàn bộ máy đồng thời cơ cấu lại tổ chức cán bộ.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức thành viên cũng đã tiến hành nhiều hoạt động phối hợp, lồng ghép có tính đổi mới, thiết thực hơn, từng bước đề xuất Chính phủ chỉ đạo chung để tránh chồng chéo khi tiến hành các phong trào, cuộc vận động về cơ sở. Trong năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã sắp xếp tinh giản 23 đơn vị cấp phòng thuộc 9 ban, đồng thời ban hành Quyết định về Quy chế thực hiện thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ.

Bộ Công thương cũng đã đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy, kiện toàn nhân sự lãnh đạo các đơn vị trực thuộc. Sau sắp xếp, số lượng đơn vị đầu mối trực thuộc giảm từ 35 xuống còn 30 đơn vị; số lượng phòng giảm từ 197 xuống còn 125. Hiện Bộ Công Thương đã kiện toàn xong cấp trưởng, tiếp tục sắp xếp lại cấp phó, đảm bảo cơ bản 3 cấp phó tại một đơn vị; giảm 30% lãnh đạo cấp phòng.

Trong xu thế này, nhân dân tiếp tục kỳ vọng sẽ có những con số tích cực từ các cơ quan, bộ, ngành, Trung ương.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trao Quyết định bổ nhiệm Lãnh đạo cấp trưởng, phó nhiều đơn vị thuộc Bộ ngày 3/1/2018. (Ảnh: Moit.gov.vn)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trao Quyết định bổ nhiệm Lãnh đạo cấp trưởng, phó nhiều đơn vị thuộc Bộ ngày 3/1/2018. (Ảnh: Moit.gov.vn)

Minh bạch trong tinh gọn bộ máy tổ chức

Trong tờ trình và Báo cáo của Bộ Chính trị về việc triển khai thực hiện Đề án “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả,” Bộ Chính trị đã xác định đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng nhưng cũng rất khó, rất phức tạp và nhạy cảm, vì nó liên quan đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động…

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung Ương cho biết, việc sắp xếp đơn vị, vị trí công tác sẽ là một bài toán đặc biệt khó bởi nó liên quan đến con người. Quá trình này có thể gây ra những tác động về mặt tâm tư, tình cảm, đời sống, thậm chí là danh dự của những người đồng chí, đồng nghiệp.

“Chẳng hạn tôi đang là Trưởng phòng, sau khi hợp nhất thì lại bố trí xuống Phó phòng. Vậy đồng nghiệp lại cho rằng tôi kém năng lực hơn. Bà con hàng xóm lại dị nghị, cho rằng tôi bị kỷ luật gì chăng?”

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương (Ảnh: Bảo Ngọc/TTXVN)
Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương (Ảnh: Bảo Ngọc/TTXVN)

Ông Lê Quang Thưởng cho rằng để giải quyết bài toán này, đơn vị cần chủ động đưa ra giải pháp, đề xuất lộ trình tinh giản sao cho hợp lý và hài hòa. Đây chính là mấu chốt nhằm đảm bảo sự đồng thuận cũng như thể hiện trách nhiệm của tổ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp bị tác động trong triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương tại cơ sở.

Thi tuyển các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý là một trong những giải pháp đảm bảo tính dân chủ, khách quan và công bằng; đồng thời tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cho đơn vị sau sáp nhập.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, khắc phục công tác cán bộ thời gian qua, tránh được tình trạng chạy chức, chạy quyền và bổ nhiệm những người thân quen.

Năm 2017, Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ đã tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp Vụ, qua đây có thể rút ra bài học kinh nghiệm, phương pháp cách làm để các bộ, ngành và địa phương có kinh nghiệm trong việc tổ chức, tuyển chọn lãnh đạo quản lý.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại lễ khai mạc kỳ thi tuyển chọn chức danh lãnh đạo cấp Vụ đầu tiên (Ảnh: Bộ Nội Vụ)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại lễ khai mạc kỳ thi tuyển chọn chức danh lãnh đạo cấp Vụ đầu tiên (Ảnh: Bộ Nội Vụ)

Thời gian qua, một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã tiến hành tổ chức thi tuyển một số chức danh công chức lãnh đạo, quản lý, bước đầu đạt được những kết quả khả quan.

Có thể nói tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là một cuộc “đại phẫu” để cắt bỏ sự trì trệ trong cả tư duy lẫn hành động, đặc biệt là quyền lợi cá nhân và lợi ích nhóm. Những “bác sĩ” tiến hành những cuộc đại phẫu này chắc chắn sẽ gặp không ít cản trở và thách thức. Song trên mọi danh lợi cá nhân vẫn phải là vì một xã hội phát triển và hội nhập.

Để có một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả sẽ rất cần quyết tâm chính trị lớn và những hành động quyết liệt hơn nữa ở tất cả các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, nhằm cải tổ nền hành chính trì trệ, cồng kềnh kéo dài nhiều thập kỷ, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam trên trường quốc tế.

(Mời xem tiếp trang bên)

Bài học từ Quảng Ninh

Bảo Ngọc – Phương Vũ

Những năm gần đây, cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai quyết liệt việc đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế với nhiều kết quả tích cực. Đối với Nghị quyết 18/NQ-TW và 19/NQ-TW, Quảng Ninh đã tiên phong thực hiện các nội dung liên quan từ rất sớm bằng việc rà soát cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối. Có nhiều nội dung của Nghị quyết được nâng lên tầm chủ trương chung xuất phát từ tổng kết mô hình thực tế triển khai ở Quảng Ninh thời gian qua. Đây là một khích lệ, cũng là thuận lợi để các cấp, ngành tiếp nhận, triển khai nội dung Nghị quyết.

Chủ động rà soát, xuất phát từ thực tiễn

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Hoàng Bá Hướng, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, trước khi Nghị quyết 18-NQ/TW, 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương ban hành, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chủ động rà soát về tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị theo tinh thần của các Nghị quyết, Kết luận của các Hội nghị Trung ương các nhiệm kỳ trước đó và phát hiện thấy nhiều bất cập cần mạnh dạn đổi mới. Từ đó, Quảng Ninh đã quyết tâm xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25) từ đầu năm 2014 và đến đầu năm 2015 ban hành Nghị quyết 19-NQ/TU triển khai trong toàn tỉnh.

Ông Hướng cho biết, Đề án 25 được đưa vào vận dụng thực tiễn đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, công chức, các cấp, các ngành và của toàn dân.

Ông Hoàng Bá Hướng (ngoài cùng bên phải), Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh (Ảnh: Bảo Ngọc/TTXVN)
Ông Hoàng Bá Hướng (ngoài cùng bên phải), Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh (Ảnh: Bảo Ngọc/TTXVN)

“Nói đến Đề án 25 là người ta nói ngay đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy, theo đó là tinh giản biên chế. Nhắc đến Đề án 25, bất kì cán bộ, công chức, đảng viên nào ở Quảng Ninh từ cấp tỉnh, huyện cho đến cấp xã, thôn, bản đều biết”, ông Hướng chia sẻ. Có thể nói cả hệ thống chính trị Quảng Ninh đã và đang vào cuộc rất quyết liệt.

Ngay từ rất sớm, khi ban hành Đề án 25, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành rà soát, đánh giá một cách tổng thể và hết sức kỹ lưỡng tổ chức bộ máy của tất cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh, đến cấp huyện, cấp xã, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức. Nhận diện những mặt mạnh, yếu tố bất cập, chồng chéo, tỉnh đề xuất những giải pháp về sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển đổi mô hình…

Ngay sau khi 02 Nghị quyết 18-NQ/TW và 19-NQ/TW được ban hành vào ngày 25/10/2017, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã xây dựng chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 05/02/2018, nhằm tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy ngày một tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với phương châm “việc gì có lợi cho dân, cho nước thì hết sức làm”.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh, tính đến nay, trên toàn tỉnh đã có 7 địa phương/ 14 huyện, thị, thành phố có Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND cấp huyện; 2 địa phương có Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cấp huyện; 13 đơn vị có Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ cùng cấp. Ngoài ra, có 12 địa phương thực hiện thành công mô hình Trưởng ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ; 10 địa phương có Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra và 100% các đơn vị có Trưởng/Phó ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị.

Trong khi đó, Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND cấp xã chiếm 50 %; Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã chiếm 45,7%; Bí thư Chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố chiếm 98,53%.

Cùng với việc nhất thể hóa nhiều chức danh, Quảng Ninh cũng sáp nhập một số đơn vị sự nghiệp có nhiệm vụ, chức năng tương đồng. Toàn tỉnh đã có 12/14 địa phương thành lập Cơ quan tham mưu, giúp việc chung.

Cơ sở cũng phải chủ động, linh hoạt

Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong việc nhất thể hóa các chức danh từ cấp xã tới cấp huyện, đồng thời sáp nhập một số phòng ban, đơn vị hành chính sự nghiệp cấp huyện. Trong đó Tiên Yên là một trong những mô hình nổi bật.

Tiên Yên là một huyện miền núi, ven biển, nằm ở trung tâm cửa ngõ khu vực phía Đông của tỉnh Quảng Ninh, trên hành lang giao thương với nước bạn Trung Quốc.

Thực hiện Đề án 25 của Tỉnh ủy Quảng Ninh và Nghị quyết TW 18/NQ-TW, 19/NQ-TW, Tiên Yên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế và hiệu quả hoạt động. Cụ thể, đối với cơ quan khối Đảng, đoàn thể, Quảng Ninh thực hiện hợp nhất Ban Tổ chức Huyện ủy và Phòng Nội vụ huyện, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy và Thanh tra huyện, văn phòng Huyện ủy và Văn phòng HĐND, UBND huyện; thành lập cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội huyện.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Sinh, Trưởng ban Tổ chức, Trưởng phòng Nội vụ huyện Tiên Yên cho biết, quan điểm của huyện rất quyết liệt trong vấn đề thực hiện Nghị quyết TW 18, 19.

Ông Hoàng Văn Sinh, Trưởng ban Tổ chức, Trưởng phòng Nội vụ huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Bảo Ngọc/TTXVN)
Ông Hoàng Văn Sinh, Trưởng ban Tổ chức, Trưởng phòng Nội vụ huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Bảo Ngọc/TTXVN)

“Mặc dù, đã thực hiện được 80-90 % công việc theo chủ trương Nghị quyết TW 18, 19 nhưng Tiên Yên vẫn chủ động suy nghĩ để tiếp tục thực hiện những gì có thể được. Mục tiêu cuối cùng đặt ra là làm sao để kinh tế phát triển, xã hội có nhiều đổi thay, đời sống nhân dân nâng lên, làm sao để phục vụ nhân dân tốt hơn”, ông Sinh nhấn mạnh.

Huyện Tiên Yên cũng thực hiện nhất thể hoá các chức danh: Bí thư Huyện uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND huyện; Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND huyện; Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện; Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện; Chánh Văn phòng Huyện ủy đồng thời là Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện; Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất với Đội trưởng Đội kiểm tra xây dựng và trật tự đô thị.

  • deanhopnh-1541755822-89.jpg
  • mohinhtoc-1541755827-60.jpg
  • nhatthehoa-1541755844-37.jpg
  • nhatthehoa-1541755915-39.jpg
  • tinhgianbi-1541755852-98.jpg
  • giamdiemtr-1541755880-9.jpg
  • hinhanhtru-1541755920-31.jpg
  • hinhanhsau-1541755930-74.jpg

Chúng tôi đến thăm xã Tiên Lãng, một trong những đơn vị của huyện đang triển khai tốt việc thực hiện nhất thể hóa các chức danh và tình cờ được dự buổi sinh hoạt Chi bộ tại thôn Thác Bưởi 1. Cùng dự buổi sinh hoạt chi bộ có đồng chí Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thế Nam.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bí thư kiêm Chủ tịch xã Nguyễn Thế Nam cho biết việc kiêm “hai vai” cũng có nhiều thuận lợi. Ví dụ, tại các buổi sinh hoạt chi bộ của thôn, anh em cấp ủy xã xuống dự, sinh hoạt lồng ghép hoạt động của cả Đảng và Chính quyền; văn bản của chính quyền gửi xuống, với những nhiệm vụ cấp bách thì có thể triển khai được luôn. Chưa kể, việc kiêm nhiệm các chức danh cũng giúp giảm số lượng các cuộc họp và thuận tiện cho việc tiếp cận, trao đổi thông tin.

Buổi sinh hoạt chi bộ của thôn Thác Bưởi 1, xã Tiên Lãng có sự tham dự của đồng chí Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã. (Video: Quốc Dũng, Bảo Ngọc/TTXVN)

Vì nhân dân mà phục vụ

Về đến trụ sở làm việc của UBND xã lúc quá giờ cơm trưa nhưng chúng tôi ngạc nhiên khi thấy những cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa của xã vẫn đang hướng dẫn chi tiết, tận tình cho nhân dân. Đồng chí Bí thư kiêm Chủ tịch xã cho biết việc này vẫn diễn ra thường ngày vì xã chủ trương “Nhân dân còn đến, cán bộ xã còn làm việc”.

Thường trực ủy ban có 03 đồng chí thì luôn có 01 đồng chí thường trực phụ trách tại vị trí bộ phận một cửa để lắng nghe ý kiến của người dân. Có những điều cán bộ xã giải thích nhưng nhân dân chưa hiểu thì trực tiếp lãnh đạo giải thích, thậm chí giải quyết công việc ngay tại chỗ.

Ngoài ra, xã còn chủ động, linh hoạt trong việc giải quyết thủ tục nhanh gọn để người dân không phải đi lại nhiều lần. “Theo đúng quy định tiếp nhận hồ sơ, chúng tôi phải có phiếu hẹn nhưng chúng tôi cải cách đi một chút là giải quyết ngay tại chỗ để người dân không phải đi lại một lần nữa”, đồng chí Bí thư kiêm Chủ tịch xã chia sẻ.

Ngoài ưu tiên tuyệt đối về điều kiện cơ sở vật chất cho bộ phận một cửa, nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn, chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết TW là những điều kiện giúp cơ sở này hoàn thành tốt sứ mệnh phục vụ nhân dân.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Bảo Ngọc/TTXVN)
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Bảo Ngọc/TTXVN)

Sắp xếp bộ máy: Không nên rập khuôn

Thay đổi tư duy lãnh đạo, đồng bộ với tinh gọn bộ máy. Theo đó, Quảng Ninh không thực hiện rập khuôn, máy móc trong phân bổ về số lượng phòng, ban, cán bộ trong bộ máy theo quy định của Trung ương, mà tập trung rà soát, làm gọn bộ máy theo hướng một phòng nhiều chức năng, một cán bộ làm nhiều công việc, đảm bảo sử dụng hết năng lực, hiệu suất làm việc của cán bộ.

Câu chuyện ghi nhận tại Sở Y tế Quảng Ninh đã cho chúng tôi câu trả lời xác đáng cho những kết quả đáng khâm phục mà ngành này đạt được. Ông Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết hiện cơ quan này đã cơ bản hoàn thành tất cả chỉ tiêu mà hai Nghị quyết TW 18, 19 đưa ra.

Theo Nghị quyết 19/NQ-TW, đến năm 2021 yêu cầu giảm 10% số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hiện tại ngành Y tế Quảng Ninh đã thực hiện giảm được hơn 10% và kế hoạch đến năm 2021 sẽ thực hiện giảm 20-30%, thậm chí trên 30%.

Lí giải về điều này, ông Diện cho biết ngành Y tế tỉnh Quảng Ninh đạt được kết quả như vậy là do ngành đã giao tự chủ tài chính cho các đơn vị từ rất sớm, mức độ tự chủ cũng tăng dần lên. Điều này khẳng định sự quyết tâm đổi mới, tạo sự đột phá của toàn ngành y tế Quảng Ninh nói chung và các bệnh viện trên địa bàn nói riêng.

Ông  Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Bảo Ngọc/TTXVN)
Ông  Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Bảo Ngọc/TTXVN)

Chú trọng hiệu quả

“Cái quan trọng nhất của vấn đề này là làm sao đạt hiệu quả cao nhất.” (Ông Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh)

Trong tháng 3/2018, tức là 04 tháng sau khi Nghị quyết TW 18/NQ-TW được ban hành, Sở Y tế đã hoàn thành xây dựng Đề án Thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật (gọi tắt là CDC) trên cơ sở sáp nhập 05 đơn vị hệ dự phòng tuyển tỉnh gồm Trung tâm Y tế Dự phòng, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội. Chỉ trong vòng hơn một tháng, Đề án đã được phê duyệt và đưa vào triển khai vào đầu tháng 6 vừa qua, không những giúp giảm 04 đầu mối mà còn tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đổi mới, hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng đảm bảo hiệu quả; nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ở tuyến huyện, trước đây có 04 đơn vị y tế thì hiện nay chỉ còn 02 đầu mối là Phòng Y tế (thuộc UBND cấp huyện) và Trung tâm Y tế đa chức năng (thuộc Sở Y tế). Sau khi hợp nhất, những bất cập trong hoạt động trước đó đã phần nào được giải quyết, bộ máy được tinh gọn, trang thiết bị được đầu tư tập trung, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động.

Với hệ thống y tế tuyến xã trước đây, các trạm y tế xã được đầu tư trang thiết bị và thực hiện các chức năng nhiệm vụ giống nhau. Tuy nhiên, điều này không còn phù hợp với nhu cầu, điều kiện tiếp cận dịch vụ của người dân ở từng vùng khác nhau, gây lãng phí. Để tháo gỡ bất cập này, từ đầu năm 2015, ngành Y tế Quảng Ninh đã chủ động, sáng tạo, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã, xây dựng đề án trạm y tế xã 3 mô hình mà sau này Bộ Y tế cũng đã vận dụng vào Thông tư 33. Với mô hình này, ngành y tế Quảng Ninh vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư dàn trải cho tất cả các trạm y tế, vừa phục vụ đúng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Khi được hỏi đâu là động lực để Y tế Quảng Ninh đạt được những kết quả đáng tự hào như vậy, người đứng đứng ngành này thẳng thắn chia sẻ: “Cái quan trọng nhất của vấn đề này là làm sao đạt hiệu quả cao nhất. Muốn vậy, cấp trên phải phân cấp cho cấp dưới để cấp dưới chủ động, linh hoạt, làm như thế nào để hiệu quả nhất, chứ không chỉ đạo rập khuôn, cứng nhắc. Phải lấy phương châm cái gì có lợi nhất cho người dân thì mình làm, cái gì có hại thì mình phải tránh”.

Qua 4 năm triển khai Đề án 25 và Nghị quyết 18/NQ-TW, 19/NQ-TW, Quảng Ninh không chỉ tiết kiệm chi thường xuyên từ ngân sách hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, mà còn tạo ra một bộ máy hoạt động gọn nhẹ, hiệu quả, thông suốt.

Sở dĩ có được những thành công đột phá như hôm nay, suốt trong quá trình thực hiện, từ tỉnh đến cơ sở xuyên suốt một tinh thần, một mục tiêu cao nhất là “việc gì có lợi cho dân, cho nước thì hết sức làm”.

Đối với nội dung nhất thể hoá chức danh, Quảng Ninh xác định không nóng vội, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, thông qua quá trình lựa chọn về Đảng bộ, con người chặt chẽ và cụ thể thì mới áp dụng thí điểm. Trong quá trình thực hiện thí điểm đã hướng dẫn, kiểm tra, rút kinh nghiệm việc triển khai; thống nhất hành động các tổ chức cấp tỉnh, để giảm thiểu sự chồng chéo trong thông tin, chỉ đạo.

Song song với đó, Quảng Ninh triển khai một loạt các nhiệm vụ khác, như nâng cao chất lượng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; quyết liệt cải cách hành chính; xây dựng mô hình, vận dụng sáng tạo hình thức đối tác công – tư (PPP) để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ theo nguyên tắc Nhà nước không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn…Đây cũng là những kinh nghiệm quan trọng để các địa phương khác trong cả nước có thể học hỏi.

(Mời xem tiếp trang bên)

Thực hiện NQ TW 18, 19

Khó khăn ở tỉnh vùng cao

Bảo Ngọc – Phương Vũ

Là tỉnh miền núi, với địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên gánh chịu thiên tai, điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn song Lai Châu luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế – xã hội. Nhận thực được chủ trương đúng đắn của Đảng về công tác sắp xếp tổ chức tổ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Lai Châu đã và đang triển khai thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TW, 19/NQ-TW với quyết tâm cao nhất, chú trọng giảm các đầu mối trùng lắp, chồng chéo, hoạt động kém hiệu quả trên địa bàn.

Giảm đầu mối để triển khai thông suốt

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trạm Bảo vệ Thực vật, Trạm Khuyến Nông, và Trạm Chăn nuôi và Thú y của huyện. Từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp triển khai các hoạt động lồng ghép trên địa bàn, tiết kiệm chi phí, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Ông Bế Văn Tiệp, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết trước khi sáp nhập ba đơn vị, mỗi cơ quan chỉ chịu trách nhiệm kiểm tra, tư vấn lĩnh vực chuyên môn của mình. Tuy nhiên, bây giờ nhân viên của Trung tâm được điều động đi công tác tại địa bàn cơ sở có thể lồng ghép các nội dung về chăm sóc thú y, khuyến nông và bảo vệ thực vật. Do vậy, hiệu quả công việc được đánh giá là cao hơn, tiết kiệm thời gian, chí phí, công sức đi lại và cũng tiện cho khâu báo cáo, tập hợp và quản lý số liệu.

Anh Bế Văn Tiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đang giới thiệu về hiệu quả hoạt động sau sáp nhập của Trung tâm. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Anh Bế Văn Tiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đang giới thiệu về hiệu quả hoạt động sau sáp nhập của Trung tâm. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

“Trình độ bà con về chăn nuôi, trồng cấy vẫn còn hạn chế. Các anh em ở Trung tâm đi làm việc tại cơ sở thường phối hợp tư vấn kỹ thuật trồng cấy, chăn nuôi, dự trữ thức ăn cho vật nuôi và phòng chống giá rét, giúp giảm thiệt hại cho bà con”, anh Tiệp chia sẻ. Về công tác nhân sự, từ ba trưởng trạm, ba phó trạm, giờ còn một giám đốc và hai phó giám đốc Trung tâm. Anh Tiệp cho biết, từ khi sáp nhập và thành lập Trung tâm, cán bộ, nhân viên Trung tâm đều nhận thấy hiệu quả tích cực của việc sáp nhập và yên tâm công tác.

Công tác cán bộ còn lắm gian nan tại cấp cơ sở

“Các thầy cô đã nhiều năm gắn bó công tác trên địa bàn, gia đình chồng con, nhà cửa tại xã, đều ổn định lâu dài, giờ để đảm bảo tinh giản bộ máy gọn nhẹ, bắt buộc phải luân chuyển đi đơn vị còn thiếu, thậm chí công việc khác. Đấy là vấn đề khó khăn.”

Thầy Đặng Ngọc Hùng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Pa Tần cho biết sau khi được quán triệt Nghị quyết 18/NQ-TW, 19/NQ-TW, nhìn chung, các đảng viên, giáo viên nhà trường đều đồng thuận với chủ trương của Nghị quyết. Tuy nhiên, việc sắp xếp cán bộ, giáo viên của nhà trường gặp không ít khó khăn.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, thầy Hùng cho rằng đây là một vấn đề khó vì biên chế của nhà trường so với quy định vẫn còn thừa. Trước có sáu cán bộ quản lý, giờ đã giảm chỉ còn 5 cán bộ quản lý, tới đây sẽ giảm tiếp 1 cán bộ nữa. Ngoài ra, trước đây trường có 9 nhân viên, nay đã giảm hai nhân viên. Sắp tới, nhà trường tiếp tục làm công tác tư tưởng để ổn định phù hợp, giảm xuống còn 5 nhân viên cho đúng với định mức biên chế của nhà trường.

Tuy nhiên, các thầy cô đã nhiều năm gắn bó công tác trên địa bàn, gia đình chồng con, nhà cửa tại xã, đều ổn định lâu dài, giờ để đảm bảo tinh giản bộ máy gọn nhẹ, bắt buộc phải luân chuyển đi đơn vị còn thiếu, thậm chí công việc khác. Đấy là vấn đề khó khăn, thầy Hùng chia sẻ.

Đường vào xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu (Ảnh: Bảo Ngọc/TTXVN)
Đường vào xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu (Ảnh: Bảo Ngọc/TTXVN)

Mặc dù các thầy cô đều nắm được chủ trương chung nhưng khi thực hiện nhà trường vẫn phải có kế hoạch, họp bàn xem xét từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để sắp xếp cho phù hợp.

Ngoài ra, khi sáp nhập trường, công tác quản lý sẽ gặp khó khăn vì vừa phải quản lý đội ngũ đông hơn vừa phải quản lý chất lượng dạy và học ở tất cả các điểm trường, trong khi địa bàn công tác tại các điểm trường lúc này rất rộng, thầy Hùng cho biết thêm.

“Trước đây ở trường Tiểu học số 1 Pa Tần chỉ có một điểm trường chính và một điểm trường lẻ, việc quản lý sẽ đơn giản hơn. Nhưng khi sáp nhập vào, nhà trường có một điểm trường chính và 06 điểm trường lẻ. Trong khi đó, điểm trường lẻ cách xa nhất với điểm trường trung tâm tới hơn 30 km, giao thông thường xuyên bị chia cắt, nhất là vào mùa mưa lũ.”

Dẫu biết việc sáp nhập giúp bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu suất hơn nhưng với các thầy cô như ở trường Tiểu học Pa Tần, đó không chỉ là sự đồng thuận, đồng tâm để khắc phục khó khăn mà còn là sự nỗ lực, hy sinh, sẻ chia trách nhiệm lớn hơn rất nhiều.

Điểm trường bản Pho I của trường Tiểu học Pa Tần được tập trung đầu tư xây dựng khang trang sau khi sáp nhập. (Video: Quý Trung, Bảo Ngọc TTXVN)

Sáp nhập xã, bản cần tính toán phù hợp

Trên địa bàn huyện Sìn Hồ có 22 xã, thị trấn, trong đó có 04 xã chưa đạt trên 50% tiêu chí về điều kiện diện tích tự nhiên và dân số theo quy định sáp nhập.

Theo quy định của Thông tư 09/2017 của Bộ Nội vụ về việc sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố, phải có từ 400 hộ gia đình (đối với thôn), từ 500 hộ gia đình trở lên (đối với tổ dân phố) khi thành lập thôn mới, tổ dân phố.

Ông Lê Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết theo kế hoạch đến năm 2020, huyện Sìn Hồ sẽ tiến hành sáp nhập 98 bản thành 50 bản. Tuy nhiên, việc sáp nhập các xã, bản trên địa bàn huyện có những khó khăn nhất định.

Ông Lê Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu (Ảnh: Bảo Ngọc/TTXVN)
Ông Lê Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu (Ảnh: Bảo Ngọc/TTXVN)

“Trên địa bàn huyện có 14 dân tộc cùng sinh sống. Có những bản khi sáp nhập vào thì bản đó có nhiều đồng bào, nên việc tổ chức các hoạt động cũng có những cái gặp khó khăn, về phong tục tập quán, nếp sống”, ông Dương bộc bạch.

Chưa kể, địa bàn các cụm dân cư ở cách xa nhau sẽ là một trở ngại không nhỏ khi tiến hành các cuộc họp cũng như với việc phổ biến, thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng, thiết chế văn hóa chưa đáp ứng với quy mô dân số sau sáp nhập cũng là vấn đề mà huyện trăn trở.

Theo ông Dương, hệ thống văn bản chỉ đạo thực hiện đã được thống nhất từ Trung ương và được Tỉnh ủy, UBND tỉnh cụ thể hóa, vấn đề là huyện cần nghiên cứu kỹ và áp dụng với điều kiện thực tế của địa phương, áp dụng không máy móc, làm sao vừa đảm bảo đúng chủ trương, đồng thời căn cứ vào điều kiện tình hình thực tế để tổ chức thực hiện cho phù hợp.

“Trên địa bàn huyện có 14 dân tộc cùng sinh sống. Có những bản khi sáp nhập vào thì bản đó có nhiều đồng bào, nên việc tổ chức các hoạt động cũng có những cái gặp khó khăn, về phong tục tập quán, nếp sống.”

Tinh gọn bộ máy: Dù khó vẫn phải quyết tâm làm

Trao đổi với phóng viên TTXVN, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ cho biết, mặc dù Lai Châu là một tỉnh miền núi, điều kiện địa lý tự nhiên, phát triển kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn song tỉnh vẫn đặt lộ trình việc gì có thể làm trước thì triển khai quyết liệt trong năm 2018, chú trọng giảm các đầu mối trùng lắp, chồng chéo, hoạt động kém hiệu quả trên địa bàn.

Thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 18, 19 TW 6, Tỉnh ủy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, đồng thời tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của từng cán bộ, đảng viên bị ảnh hưởng, từ đó tạo được sự thống nhất cao cũng như ngăn chặn nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa. Kết quả là đại đa số cán bộ, đảng viên trên địa bản tỉnh đều nhận thức rõ đây là chủ trương đúng đắn của Trung ương; do vậy, các kế hoạch thực hiện Tỉnh ủy đề ra vẫn nhận được sự thống nhất cao trên địa bàn.

Đồng chí Giàng Páo Mỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu (Ảnh: TTXVN)
Đồng chí Giàng Páo Mỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu (Ảnh: TTXVN)

Chia sẻ kinh nghiệm xử lý vấn đề cán bộ công chức trong quá trình sáp nhập các đơn vị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu cho biết: “Chúng tôi có hướng xử lý từng bước một, chẳng hạn như giữ chức vụ cho cán bộ đến hết thời gian bổ nhiệm. Sau đó sẽ cân nhắc bố trí hoặc giải quyết từng trường hợp sao cho phù hợp theo năng lực chuyên môn cũng như hoàn cảnh cá nhân của cán bộ đó”.

Đồng chí cũng nêu những trở ngại làm chậm quá trình triển khai sắp xếp lại bộ máy tổ chức, đó là chưa có hướng dẫn chỉ đạo cụ thể của Trung ương để đảm bảo việc sáp nhập các đơn vị đúng theo quy định pháp luật cũng như phù hợp với quy định về chức năng nhiệm vụ.

“Chúng tôi vẫn xác định đây là một việc khó. Song khó vẫn phải làm và phải làm cho hiệu quả.” (Bà Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu)

Tỉnh ủy Lai Châu đã yêu cầu các cấp, các ngành làm tốt công tác tuyên truyền, nắm bắt diễn biến tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; kịp thời phát hiện những vấn đề nổi cộm để xử lý kịp thời.

Đặc biệt, cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền sâu rộng để nhân dân cũng như cán bộ, đảng viên hiểu sâu sắc Nghị quyết 18, 19 để tránh các đối tượng xấu lợi dụng, gây mất an ninh trật tự.

Đồng chí Giàng Páo Mỷ khẳng định: Lai Châu là tỉnh mới thành lập, nhiều cán bộ trẻ, trong quá trình sắp xếp theo Nghị quyết 18 và 19 sẽ có dư thừa, nhưng tất cả các cán bộ, đảng viên sẽ nhận thức tốt, đồng thuận cao với chủ trương đúng đắn Đảng và Nhà nước.

“Chúng tôi vẫn xác định đây là một việc khó. Song khó vẫn phải làm và phải làm cho hiệu quả”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu khẳng định.

Mời xem tiếp trang bên

Niềm tin thực hiện thắng lợi

Nghị quyết Trung ương 18, 19

Bảo Ngọc – Phương Vũ

Có thể nói Nghị quyết 18/NQ-TW, 19/NQ-TW Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII là hai trong số những Nghị quyết của Trung ương nhanh đi vào cuộc sống, ghi nhận những chuyển biến mạnh mẽ. Chỉ một năm sau khi hai nghị quyết được ban hành, đã được triển khai, thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Có thể dẫn chứng điều này bằng việc tất cả các bộ, ngành Trung ương đều ra soát lại chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, thậm chí rà soát lại từng cán bộ để kiện toàn bộ máy, đồng thời cơ cấu lại tổ chức cán bộ.

Cần rút kinh nghiệm sâu sắc từ quá trình triển khai các chủ trương, chính sách của Ðảng về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế trước đây khi chúng ta vẫn coi đó là việc riêng của cơ quan Nhà nước, được giao cho từng cơ quan, tổ chức thực hiện cắt khúc và thiếu sự đồng bộ trong cả hệ thống. Lần này, Trung ương đã xác định rõ, tiến trình cải cách phải bảo đảm tính đổi mới, tính tổng thể, đồng bộ và liên thông trong cả hệ thống chính trị; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, với tinh giản biên chế và cải cách tiền lương, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Chính vì vậy, nghị quyết lần này chú trọng đến công tác giáo dục tư tưởng để mọi cán bộ, đảng viên, công chức đều nhận thấy việc kiện toàn sắp xếp lại tổ chức bộ máy là cần thiết, để tất cả mọi người đều phải hiểu, phải thấm nhuần việc sắp xếp lại là cần thiết; từ đó chúng ta phải có trách nhiệm, tự giác đóng góp vào thực hiện việc chung của toàn Đảng.

Nghị quyết lần này cũng chỉ ra vấn đề phải có cơ chế chính sách hợp lí đối với từng trường hợp cụ thể, nhất là những đối tượng bị tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. Tức là, một mặt cá nhân từng cán bộ, đảng viên phải thấu hiểu rồi tự giác, thực hiện nhưng về mặt tổ chức, Nhà nước cũng cần phải có cơ chế chính sách sắp xếp, lộ trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết. Tuy nhiên, công việc này không thể đòi hỏi ngày một ngày hai. Nó cần phải có thời gian, độ giãn nhất định.

Trung ương cũng xác định phải lấy kết quả của việc sắp xếp tổ chức bộ máy để đánh giá trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu của từng đơn vị. Đặc biệt, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn liền với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực để đảm bảo cho sự thống nhất của Trung ương nhưng vẫn phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Đấy là những quan điểm chỉ đạo lớn trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện.

Việc triển khai, thực hiện thành công Nghị quyết 18/NQ-TW, 19/NQ-TW Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII có cơ sở niềm tin vững chắc khi tất cả các cơ quan, đơn vị đều nhận thức được việc cần phải làm và rõ ràng việc này đã và đang được triển khai thực hiện khá mạnh mẽ, đồng bộ, bước đầu đã có những hiệu quả nhất định.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là tính hiệu quả. Tổ chức bộ máy có tinh gọn thì hoạt động mới hiệu lực, hiệu quả; biên chế có giảm thì mới giảm được chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển; cùng với đó là cải cách thủ tục hành chính, tăng niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Vì vậy, chúng ta có thể tin tưởng rằng những chủ trương, nghị quyết mà Trung ương đề ra sẽ thực sự đi vào cuộc sống./.