Người Việt trẻ

dsc03989-1541059881-51.jpg

Là trí thức thuộc diện trẻ nhất trong số 100 nhà khoa học người Việt trẻ tiêu biểu trên toàn thế giới hội tụ trong chương trình “Mạng lưới đổi mới sáng tạo” vừa qua, Nguyễn Duy Tùng gây ấn tượng mạnh với người đối diện không chỉ bởi cái đầu trọc cá tính, gương mặt thông minh mà còn ở “thần thái” chững chạc, trải đời không dễ có ở một chàng trai mới 27 xuân xanh.

Bảng thành tích “khủng” của chàng sinh viên vẫn đang vừa đi học vừa đi làm thật sự “đáng nể”: Tốt nghiệp loại ưu ngành Khoa Học Máy Tính tại ngôi trường danh tiếng bậc nhất của Singapore và đứng thứ 11 thế giới là Đại học Công nghệ Nam Dương (NTU). Hiện tại, Nguyễn Duy Tùng đang theo học Thạc sỹ Quản Trị Kinh Doanh (MBA) bán thời gian tại trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đồng thời cũng là Trưởng ban liên lạc Hội sinh viên MBA của NUS.

Công việc chính hiện nay của chàng kỹ sư trẻ sinh năm 1991 là Trưởng bộ phận kỹ thuật và Quản trị dự án tại Tập đoàn Tư vấn Kỹ thuật số Adelphi, Singapore. Đáng chú ý, Tùng đã trực tiếp tham gia phát triển và quản trị rất nhiều dự án liên quan đến chính phủ điện tử của Singapore có thể kể tới như: Cổng thông tin trực tuyến của Bộ Thông tin Truyền thông; Cổng thông tin thể thao Singapore; Trang Web Cục Khoa Học Công nghệ Singapore; 12 Trang Web trực thuộc National Parks Board; Trang Web Seagames – Asean Para Games 2015; Trang Web chính thức của cục thể thao Singapore; Trang Web Đại Học Singapore University of Technology and Desgin; … cùng nhiều dự án của các công ty và tập đoàn lớn trên thế giới như Minor Hotel Group, Seaco Global…

Sở thích của Tùng những lúc rảnh rỗi là thiền, đọc sách, du lịch, tư vấn hướng nghiệp…

Là một trong những người trẻ nhất tham dự sự kiện đình dám “Mạng lưới đổi mới sáng tạo” quy tụ các nhà khoa học trẻ tài năng của Việt Nam trên khắp thế giới vừa qua, hẳn là Tùng phải có gì rất đặc biệt?

Thực ra có thể nói đó là sự may mắn khi tôi được mời về Việt Nam tham gia chương trình “Mạng lưới đổi mới sáng tạo” – hay có một cụm từ khác mà anh em trong đoàn hay nói vui: Chương trình Cách Mạng 4.0 vào tháng Tám vừa qua. Chương trình quy tụ toàn bộ những nhà khoa học Việt Nam có tầm ảnh hương lớn trên thế giới, các giáo sư tiến sĩ đang công tác tại những trường đại học danh tiếng nhất, tiêu biểu có anh Lê Viết Quốc (lãnh đạo cấp cao Google Brain, Google), có PGS Hồ Anh Văn, Trưởng phòng nghiên cứu robot mềm, Viện Khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản), anh Vũ Duy Thức (rất thành công tại Sillicon Valley) và rất nhiều người đang công tác trong lĩnh vực quản lý đô thị, môi trường, hạ tầng cơ sở, rô bốt, trí thông minh nhân tạo cũng như đô thị thông minh, hoặc đang làm các vị trí cao cấp tại những tập đoàn công nghệ như Tesla, Amazon, LinkedIn.

Có thể nói tôi là một trong những người trẻ nhất của chuyến đi lần này – tôi 27 tuổi, là một người con Hà Nội, đã sống và làm việc ở Singapore suốt 10 năm nay, hiện đang tư vấn cho các cơ quan chính phủ Singpore về các giải pháp chính quyền điện tử và dịch vụ công trực tuyến.

Tôi không phải nhà khoa học đầu ngành trên thế giới, cũng không phải chuyên viên cao cấp trong ngành trí tuệ nhân tạo hay máy học, cũng càng không phải người có tầm ảnh hưởng lớn tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Vậy nên, ngoài phát biểu ý kiến cho phần chính phủ điện tử tại Hà Nội và TP HCM, tôi dành phần lớn thời gian trong chương trình để lắng nghe và quan sát.

Với góc nhìn của một người con xa Tổ quốc trở về quê hương, và cũng với góc nhìn của một người lần đầu tiên được tiếp xúc với lãnh đạo các ban ngành, các vị chủ tịch UBND các thành phố lớn và ban lãnh đạo của những tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam, tôi thấy mình như được “mở mắt” sau hành trình lần này.

Có thể thấy những con người tài giỏi đất Việt không thiếu và ở mọi lĩnh vực. Nhưng tại sao Việt Nam vẫn phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám?

Đúng là chuyến đi lần này cho tôi thấy không ngờ Việt Nam lại có nhiều người tài năng tới vậy. Ngoài anh Lê Viết Quốc – lãnh đạo cấp cao của Google Brain, còn có anh Vũ Hà Văn- Giáo sư Toán của đại học Yale, hay rất nhiều các vị giáo sư tiến sỹ và là trưởng các phòng nghiên cứu tại Singapore, Nhật, Canada và Australia như anh Hồ Anh Văn, Phạm Quang Cường, Nguyễn Quý Báu. Ngoài ra còn có những người thành công tại Sillicon Valley, như anh Vũ Duy Thức với OmhniLab, startup nối tiếng về robot trên thế giới, hay anh Nguyễn Duy Lân – sáng lập viên công ty bảo mật Vermine với khách hàng là Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng Singapore. Đó là chưa kể tới một số lượng lớn người Việt Nam đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ hang đầu trên thế giới như Google, Tesla, Amazon hay LinkedIn.

Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế đáng buồn là tất cả những người tài năng này đều không sống và làm việc tại Việt Nam. Theo tôi biết, hiện mới chỉ có một vài công ty tại Việt Nam sẵn sàng trả lương “trên trời” cho những chuyên gia này và cũng đã có một vài chuyên gia quay về Việt Nam làm việc. Nhưng số lượng này hiện vẫn đếm trên đầu ngón tay. Rõ ràng, giải quyết quá trính chảy máu chất xám vẫn luôn là một bài toán chưa có lời giải đối với Việt Nam.

Nguyễn Duy Tùng và ông Võ Quang Huệ (giữa), phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup
Nguyễn Duy Tùng và ông Võ Quang Huệ (giữa), phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup

Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế đáng buồn là tất cả những người tài năng này đều không sống và làm việc tại Việt Nam.

Song nói như vậy cũng không thể phủ nhận dù ở mọi miền địa lý trên thế giới, những người con xa xứ vẫn luôn hướng về Việt Nam. Bằng chứng đó là những mạng lưới các nhà khoa học, các nhóm tư vấn độc lập liên tục được thành lập để tư vấn cho chính phủ Việt Nam về chính sách cũng như về quy hoạch đô thị hay công nghệ. Dù đã ổn định và làm việc tại những phòng nghiên cứu lớn trên thế giới, nhiều nhà khoa học vẫn trở về trong chuyến đi lần này và đóng góp rất nhiều ý kiến quý báu cho đất nước.

Có nhiều người cho rằng họ ngại về nước để cống hiến vì sợ sự trì trệ và cả những “sức ì” ở ngay trong tư duy của những người đứng đầu?

Quả thật là trước khi về nước, tôi có một ấn tượng không tốt cho lắm đối với các lãnh đạo Việt Nam. Nhưng chuyến đi lần này đã khiến tôi phải suy nghĩ lại, vì một số nhân vật sau đây.

Tại Hà Nội, tôi may mắn được làm việc với chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung trong chương trình làm việc với đoàn. Có thể nói, tôi thực sự kinh ngạc bởi ông nắm rất rõ tình hình của Hà Nội, về mọi mặt. Từ môi trường, tới quy hoạch đô thị và cả dân số cũng như y tế. Ngoài ra, tôi cũng cảm nhận được sự tâm huyết của ông đối với Hà Nội qua lời kể của nhiều anh trong đoàn, khi biết ông đã lặn lội sang Pháp và tìm đến tham khảo ý kiến của các trí thức ở đây. Không phải tôi, mà rất nhiều người trong đoàn thấy mừng cho Hà Nội khi có một vị lãnh đạo như vậy.

Vào tới TP Hồ Chí Minh, khi biết tôi có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng chính phủ điện tử và dịch vụ công trực tuyến, chủ tịch UBND Quận 12 Lê Trương Hải Hiếu đã chủ động hẹn gặp trực tiếp và trình bày hết sức ngắn gọn những vấn đề mà Quận đang gặp phải và tham khảo ý kiến, cũng như ngỏ ý muốn nhờ tôi và cộng sự tư vấn cho một số dịch vụ công của Quận. Qua nói chuyện và tìm hiểu , tôi biết ông Lê Trương Hải Hiếu cũng từng đi học nước ngoài, phong thái làm việc cấp tiến và có tầm hiểu biết sâu rộng.

Trong suốt quá trình tham gia chương trình, chúng tôi còn có cơ hội làm việc với Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy. Là người làm khoa học nên có thể nói là ông rất hiểu tâm tư nguyện vọng của các nhà khoa học. Nhiều lời nhận xét của ông trong chương trình làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khi tỉnh ứng dụng những công nghệ tiến bộ mới khiến tôi giật mình vì ông vừa có tầm nhìn vĩ mô lại vừa thực tế.

Quả thực, dù có thể vẫn còn nhiều bất cập và tiêu cực, nhưng với việc thế hệ lãnh đạo mới đều là những người đã từng tu nghiệp ở nước ngoài, tôi tin rằng Việt Nam đã và đang dần chuyển mình để có một bộ máy làm việc hiệu quả và chuyên nghiệp hơn.

Sáng kiến mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam đã chính thức khởi động vào tháng 8/2018, với sự tham dự của hơn 100 nhà khoa học người Việt trẻ trên toàn thế giới. Việc công bố sáng kiến mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam nằm trong khuôn khổ Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 do Bộ KH&ĐT chủ trì tổ chức. Chương trình nhằm quy tụ và huy động tối đa nguồn lực chất xám, đặc biệt là từ các chuyên gia người Việt được đào tạo bài bản và đang làm việc tại các quốc gia có nền tảng khoa học công nghệ phát triển. Thông qua chương trình, các nhà lãnh đạo Việt Nam mong muốn khơi nguồn cảm hứng, tạo sự liên kết mới từ những tinh hoa khoa học công nghệ trong và ngoài nước, từ đó lan tỏa thành những động lực đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, tạo ra sự đổi thay về diện mạo và trình độ phát triển công nghệ của Việt Nam, để cùng đồng hành và tiến xa trong một kỷ nguyên kỹ thuật số đầy mới mẻ và hứa hẹn. Hiện đã có 100 chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài tham gia vào chương trình.

Cái mở mắt có khiến bạn lóe lên một ý định hay ý tưởng nào đó để có thể “kéo” cuộc cách mạng 4.0 về Việt Nam không?

Có thể với nhiều người, sự kiện lần này không phải sự kiên đầu tiên chính phủ tổ chức cho nhân tài Việt Nam trên thế giới, và cũng có thể, kết quả không thực sự được tốt như kỳ vọng. Có thể với nhiều người, sự kiện vẫn mang tính bề nổi và sẽ chưa thực sự giải quyết được những vấn đề lớn cho Việt Nam. Hay có thể với nhiều người, sự kiện lần này là cơ hội đánh bóng tên tuổi và trục lợi cho bản thân. Và cũng có thể với nhiều người, sự kiện lần này là tiền đề cho một bước phát triển thần kỳ của Việt Nam trong cuộc Cách Mạng Công Nghệ 4.0.

Nhưng riêng đối với tôi, một người trai trẻ xa quê hương, sự kiện lần này là cơ hội để tôi nhìn lại bản thân. Và tự hỏi sau gần chục năm sống tại nước ngoài, mình đã làm được gì cho Tổ quốc?

Tôi nhận ra rằng lòng yêu nước, khao khát cống hiến xây dựng Việt Nam thành một quốc gia giàu mạnh vốn vẫn luôn âm ỉ trong lòng, giờ lại cháy bừng bừng trong tôi. Từng ngày từng giờ tôi cảm nhận được hơi nóng của lòng yêu nước, mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Tôi cũng nhận ra rằng có nhiều cách để cống hiến cho đất nước. Chưa cần phải về nước, chưa cần phải khởi nghiệp to tát gì đâu xa. Nếu mỗi người chúng ta chỉ cần làm thật tốt công việc của mình một cách chuyên nghiệp và cư xử thật lịch thiệp trước bạn bè quốc tế, thì hình ảnh Việt Nam trong mắt họ cũng sẽ tự nhiên tốt hơn, đẹp hơn. Khi cách nhìn nhận về Việt Nam đã thay đổi, thì sẽ có nhiều người tới Việt Nam du lịch hơn và cũng sẽ có nhiều người tới Việt Nam đầu tư hơn. Đó âu cũng là một cách cống hiến.

Đối với tôi, thời điểm kết thúc chuyến đi, cũng là lúc tôi lập tức chia sẻ cảm xúc và những quan sát của mình tới tất cả bạn bè, người thân, phần lớn đang sống và làm việc ở nước ngoài.

Tôi tin rằng trong mỗi chúng ta, lòng yêu nước vẫn đang âm ỉ, chỉ chờ có cơ hội để bùng cháy. Giống như cả dân tộc Việt Nam bỗng đoàn kết lại sau chiến thắng của đội tuyển U23 trên đấu trường quốc tế. Nếu cả dân tộc Việt Nam lại đoàn kết được với một sức mạnh như vậy trên mặt trận kinh tế và giáo dục, tôi tin ngày Việt Nam vươn mình và trở thành một quốc gia giàu mạnh sẽ không còn quá xa.

Còn bạn, bạn đã sẵn sàng cống hiến chưa?

Hai năm gần đây, chỉ số đổi mới sáng tạo tạo toàn cầu Việt Nam tăng 14 bậc lên vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế, trong đó nổi bật là 2 chỉ số: Phần chi R&D do doanh nghiệp trang trải và Phần chi R&D do doanh nghiệp thực hiện tăng… Các doanh nghiệp đã quan tâm, chú trọng đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển. Đã có sự dịch chuyển về cơ chế chính sách trong thời gian gần đây, đó là doanh nghiệp Việt Nam được coi là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là những chính sách, nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển đất nước và là môi trường thuận lợi để đón nhận sự đồng hành, cống hiến của các nhà khoa học, các chuyên gia tham gia xây dựng đất nước.

Bài: Khánh Chi

Thiết kế mỹ thuật: Thanh Trà