littleheroes_nguoihungbairac

Em muốn có thời gian chơi, học; muốn lên lớp 6 như các bạn. Nhưng hoàn cảnh đã đưa đẩy làm em phải đưa ra những lựa chọn. Và, suốt chuỗi lựa chọn ấy đã tạo nên một người hùng nhỏ bé, thầm lặng khi em luôn đặt bổn phận dành cho người thân lên trên bản thân mình.

Bố mẹ sinh được bốn chị em. Chị cả, lớn nhất, mẹ gọi là Bé. Anh hai nhỏ hơn, mẹ gọi là Lớn. Đứa thứ 3 sinh năm Dậu, mẹ gọi là Gà. Em út sinh năm Sửu, mẹ gọi Trâu. Tên ở nhà do mẹ gọi từ lúc mấy đứa còn đỏ hỏn. Mấy đứa lớn lên nhưng những cái tên ấy vẫn theo chúng ở các ngõ ngách trên con phố An Dương, nơi chúng sống và làm việc.

Bốn chị em mang hai họ: một nửa mang họ mẹ, một nửa mang họ bố. Chị Bé tên thật là Đào Thị Dung, sinh năm 1998. Anh Lớn tên thật là Đào Văn Yên sinh năm 2003. Gà tên là Nguyễn Văn Tĩnh sinh năm 2005. Em Trâu tên đầy đủ là Nguyễn Văn Tình, sinh năm 2009.

Do bố bị tai biến rồi liệt nửa người, công việc trong gia đình được cắt đặt khá cụ thể: Chị Dung ở nhà chăm bố, lo cơm nước. Anh Yên vừa nhận được việc trông xe ở một bãi xe trong khu. Lương khởi điểm là 2 triệu, bằng ⅔ tổng thu nhập của cả gia đình trước đó. Còn Tĩnh và Tình ban ngày đi học, tối ra bãi rác gần khu trọ nhặt nhạnh. Hai đứa làm từ 7 giờ tới 11 giờ đêm. Lúc ấy, mẹ cũng trở về sau khi đã đi nhặt nhạnh dọc bãi Phúc Xá – An Dương – Tứ Liên (Hà Nội). Ba mẹ con mang những túi rác trĩu nặng về nhà vun vén tổ ấm.

6h sáng hôm sau, Tĩnh, Tình dậy đi học. Nếu còn cơm nguội thì mỗi đứa ăn một bát, kèm xì dầu. Bằng không, chúng cứ thế đến trường. “Nhiều hôm em chẳng ăn sáng, trưa về ‘ăn bù’ 4 bát.”- Tình vui vẻ kể.

Chúng tôi đến nhà chị Đào Thị Thưa ở phố An Dương (Hà Nội) vào buổi trưa. Căn phòng trọ lợp fibro ximăng chừng hai chục mét vuông dành cho 6 thành viên trong gia đình. Diện tích sinh hoạt cho từng người ít, nhưng căn phòng nhiều tiếng cười.

Cả nhà đang ngồi xem một phim Ấn Độ từ chiếc TV người ta cho. Tĩnh và Lâm (bạn gần nhà hay đi nhặt rác giúp em) đang nhào lộn trên chiếc đệm trông có vẻ mới. Đệm vừa được người ta không dùng nên cho, hai đứa nhỏ đang hứng thú. Tình đang lái chiếc vôlăng ôtô đồ chơi. Em cười khanh khách: “Cái vôlăng nhặt được ở bãi rác nhưng cứ tưởng tượng là mình đang lái ôtô đi”.

Ngoài ôtô, đám trẻ còn có nhiều đồ chơi khác như siêu nhân lắp ráp, ôtô đồ chơi… Và cả những viên bi, rất nhiều bi với đủ loại màu sắc. Bi thực ra là những hạt tròn trong vòng đeo cổ, người ta không còn dùng nữa. Những thứ nữ trang này được lũ trẻ “sưu tầm” và coi đó như trò chơi giải trí hàng ngày. Bi này nhỏ hơn bi ve nên bắn khó hơn nhưng lũ nhỏ có rất nhiều. Và chúng coi đó như một lợi tức công việc mà các bạn khác không có.

Những vật dụng ở gia đình nhà chị Thưa đa phần được hình thành như thế. Thứ thì có lỗi nhỏ người ta vứt đi; thứ chẳng có lỗi gì, người ta thấy chật nhà thì vứt… Mẹ con chị xoay xở chúng thành những vật dụng cần thiết hay sinh hoạt giải trí của gia đình. Một vài vật dụng khác do sự san sẻ của hàng xóm.

Chị Thưa kể: Nhà tôi lên Hà Nội được độ mươi năm nay. Tôi quê ở Kim Động, anh ở Văn Giang, đều Hưng Yên cả. Trước, cả nhà sống ở bãi Phúc Xá [hay còn gọi là Bãi Giữa sông Hồng- PV] rộng rãi, không mất tiền thuê nhà, anh còn khỏe, gia đình cũng không đến nỗi. Rồi bãi bất ổn, bọn đầu gấu đến phá, gia đình phải ‘lên bờ’ thuê nhà. Sau đó anh đổ bệnh, mấy mẹ con phải xoay xở qua ngày.”

Lúc ở nhà ở Bãi Giữa, Tĩnh còn nhỏ. Tĩnh không nhớ chi tiết về căn nhà. Em cũng không nhớ nó có gần cầu Long Biên hay không. Nhưng theo Tĩnh, đó là những ngày rất đẹp đã qua. Tháng ngày đó, nhà rộng, nhiều chuối và nhiều bạn. Bữa ăn gia đình có nhiều đồ ăn ngon hơn. Mẹ em cũng không hay căng thẳng như bây giờ. Nhưng dù sao, nó cũng qua rồi, mọi thứ phải tiếp tục.

Ở tuổi 13, Tĩnh lao động từng đêm và học từng ngày. Tĩnh có vẻ ít nói, em không lập ngôn nhiều về công việc. Khi được hỏi động lực cả tối nhặt rác, Tĩnh bảo: “Em không biết. Việc cần làm thì phải làm thôi. Em vẫn thích đi chơi hơn chứ. Nhưng chơi thì lấy gì mà ăn?”.

Không chỉ “làm thêm” vào buổi tối, việc học của Tĩnh cũng không được suôn sẻ như bạn bè. “Đúng ra thằng Gà [Tĩnh – PV] năm nay lên lớp 6. Nhưng lên cấp 2 phải đóng tiền học, nó biết nhà không đủ tiền nên bảo với tôi: thôi, con xin mẹ học lại lớp 5. Thương con nhưng cũng chẳng có cách nào nên giờ nó đang học lớp 5 lần thứ hai” – chị Thưa kể.

8 giờ tối, xe rác bắt đầu tập kết ở bãi trên phố An Dương. Các gia đình xung quanh cũng nhúc nhắc mang rác của nhà ra bãi. Bãi rác chừng mười, hai mươi chiếc xe rác nhỏ được đẩy tới đẩy lui suốt đêm. Cách đó chừng 20 mét, bên kia vỉa hè, ba cậu bé Tĩnh, Tình, Lâm nhìn vẫn dõi theo từng xe rác, từng người đi vứt rác.

Mấy đứa trẻ xếp ngăn nắp thùng các tông nhỏ ở trước cửa một cửa hàng đã đóng cửa buổi tối. Các em đã xin phép và được người chủ cửa hàng cho lập “văn phòng” mini hàng tối ở góc nhỏ vỉa hè. Ba “nhân sự” của “văn phòng” có các vai trò sau: Tĩnh đi bới các xe rác, túi rác mỗi khi tập kết ở bãi. Khi có đồ bán được, em tự cầm cả nếu ít; nhiều thì Tĩnh gọi Tình mang túi ra đựng.

Tình làm nhiệm vụ “trực văn phòng”. Tức là, Tình sẽ thường trực đứng ở cái thùng các tông nhỏ xíu nơi vỉa hè. Tĩnh đã xếp đồ gọn gàng để người dân trong vùng ai có đồ nhựa, bìa cát tông, giấy nhìn thấy thì mang tới trực tiếp cho Tình.

Lâm nhanh mồm nhanh miệng đi xin rác từ các cô, các bác xách túi rác gần đó. Lâm cũng linh hoạt nên mọi người mới đi qua em đã nhận cầm túi rác đi đổ hộ. Rồi em đưa Tĩnh tìm xem có gì dùng được trước khi đổ.

“Em giúp Tĩnh thôi. Bố Sơn em dạy, giúp ai phải giúp từ đầu đến cuối. Nên vừa nãy, em mải chơi, đến giờ bọn nó đi nhặt rác, em phải chạy theo luôn, chưa kịp ăn gì. Bố Sơn em bảo, nếu giúp ai đó mà người đó không có điều kiện giúp lại mình cũng không sao. Rồi sẽ có lúc mình khó, người khác sẽ giúp mình.”- Trung bình, cứ 5 câu Lâm nói sẽ dẫn nguồn “bố Sơn em bảo” 1 lần.

Gần “văn phòng” Tĩnh, Tình, Lâm là một cây điệp, trên cây cắm một lá cờ bé bằng bàn tay. Mặt trái lá cờ ghi là: Tĩnh và Lâm ước sẽ có xe đạp điện.

Mấy đứa nhỏ giải thích: Hồi trước, bọn em bắt được con côn trùng, bọn em không biết con gì. Nhưng rồi bọn em thì thầm ước là có một chiếc xe đạp. Mấy hôm sau nhà mua xe thật. Nên mệt mấy thì vẫn phải ước mơ. Cái lá cờ bọn em cắm gần 1 tuần rồi. Hôm nào bọn em cũng trèo lên xem chữ đã nhòe chưa để còn tô lại. Nhưng mưa mà chữ vẫn rõ, không biết bao giờ có xe đạp điện.

Tĩnh và Lâm gần nhà, gần tuổi, Tĩnh ít nói, Lâm mau mồm nên hai đứa chia sẻ với nhau từ câu chuyện, các trò ảo thuật, câu đố tới ước mơ. Ngắn hạn, cả hai mong có xe đạp điện. Dài hạn, Tĩnh, Lâm đều ước mơ làm ca sĩ. Chúng hát và nắn chỉnh giọng nhau ngày qua ngày. Hai đứa trẻ mươi, mười ba tuổi đã bàn nhau tới lúc lớn, lập gia đình, thành đạt nhất định sẽ gặp nhau, ôn lại những ngày nhặt rác cơ hàn.

Trong cuộc trò chuyện, Tĩnh luôn dõi theo bãi tập kết rác. Hễ có ai mang rác ra, em lập tức đi tới. Tay cầm một chiếc que nhỏ, em tỉ mẩn chọc các túi rác rồi mới mở bung từng túi. Hơn một lần, Tĩnh bị đứt tay vì trong túi rác có thủy tinh vỡ, dù em đã cẩn thận dùng que chọc nhưng không phát hiện ra.

Nhưng, với “thâm niên” 5 năm trong nghề, thủy tinh vỡ không phải thứ Tĩnh sợ nhất. Em ghê nhất gai hoa hồng. Bởi gai hoa hồng đâm rất buốt và không thể chọc que mà đoán được. Mà hễ “khẽ chạm vào túi là ‘dính’ ngay”. Vì thế, Tĩnh sợ nhất ngày Rằm, Mồng 1 hay các dịp lễ. Gai hoa chọc nhói tay nhưng vẫn phải cào rác. “Không làm thì về hả anh?” – Tĩnh nói.

Khi tới bãi tập kết, những người công nhân vệ sinh cũng thường gọi em khi họ phát hiện thấy rác có thể bán. Mọi người ở đây đều quý em bởi “đứa nhỏ ngoan mà lại chăm”. Nhiều lần, mấy đứa nhỏ được anh chị nhân viên vệ sinh đãi nước mía. Nhiều lần khác, các gia đình gần đó cũng mang đồ ăn còn dùng được của gia đình cho đám trẻ. Ngược lại, Tĩnh và Tình gặp ai cũng chào, thấy anh chị vệ sinh môi trường đẩy xe rác nặng là Tĩnh ra đẩy giúp. Bãi tập kết rác đêm về ăm ắp tình người…

Khi được hỏi “làm thế này, mấy đứa sợ nóng hay sợ mưa hơn?”, mấy đứa đáp: “nóng không sợ, mưa hay lạnh cũng không sợ, sợ nhất không có rác”.

Bởi, Tĩnh và Tình lớn lên bằng rác mẹ nhặt. Rác theo các em về nhà, vào giấc ngủ, trong các món đồ chơi. Các em sống cùng rác, làm việc với rác. “Bìa cáctông là món đắt nhất, tới đó là vỏ lon, giấy rồi các loại đồ nhựa…”. Đó là bài học vỡ lòng trong nghề mà Tĩnh dạy Tình khi Tình bắt đầu làm việc.

“Ở nhà Tĩnh, công việc xếp đặt như một đội bóng vậy. Ai cũng có việc và phải làm tốt. Nhưng bóng đá khó lường lắm. Em vẫn không hiểu sao Quang Hải đá trượt penalty trận tranh giải ba vừa rồi [ASIAD 2018 – PV]” – Lâm đúc kết quan sát về gia đình bạn.

10 giờ tối, Tình buồn ngủ, Tĩnh cho em về, không quên dặn em đi cẩn thận. Công việc còn lại của Tĩnh và Lâm. Các em hôm nay sẽ phải làm chăm chỉ hơn vì mẹ Tĩnh đau lưng, không đi làm được. Đồng nghĩa thu nhập trong ngày của gia đình bị ảnh hưởng.

Những đứa trẻ ngây thơ không thấy phiền vì cảnh sống chúng lớn lên. Vấn đề xảy ra khi các em phải đối diện với những thiệt thòi có thể so sánh được với bạn bè đồng trang lứa. Với Tĩnh, đó là việc phải học lại lớp 5. Em ngại nói chuyện về việc học. Những câu trả lời của em thường ngắn và nhiều tâm trạng.

– Tĩnh có muốn học nữa không?

– Có chứ. Thế em mới học lại lớp 5.

– Em muốn học lên lớp 6 không?

– Em có.

Rồi Tĩnh đứng phắt dậy, tay cầm que, đi ra bãi tập kết rác. Lại có một xe rác mới về.

Ở đất nước Hà Lan xa xôi, nơi mà phần lớn diện tích đất đai nằm dưới mực nước biển, người ta vẫn lưu truyền câu chuyện về một cậu bé không ngại đêm tối, giá lạnh, sự cô đơn và hiểm nguy để đút ngón tay nhỏ bé của mình vào lỗ thủng ở thân đê, cứu cho cả vùng khỏi trận đại hồng thủy. Đó chính là niềm cảm hứng để xứ sở kia làm nên những điều kỳ diệu, được cả thế giới ngưỡng mộ.

Những tấm gương như cậu bé ấy thật ra có ở khắp nơi, nhưng để lan tỏa nó lại là một câu chuyện khác.

Với ý nghĩa đó, Báo điện tử VietnamPlus cùng sữa Cô gái Hà Lan đã đồng hành trong chương trình Little Heroes, nhằm khích lệ những tấm gương “anh hùng nhí” trên mọi miền đất nước. Có thể đấy chỉ là những cô cậu bé bình dị, nhưng ẩn chứa nghị lực lớn lao, mà mỗi em chính là một hạt giống tâm hồn, được gieo mầm để tạo nên những cánh đồng nặng trĩu yêu thương.”

Bài: Phạm Mỹ

Ảnh: Thành Lê

Thiết kế: Thanh Trà